ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH KHOA CHÚ
Đường Tam Tạng sa-môn Thật Xoa Nan Đà dịch
Cổ Diêm Khuông Am Thanh Liên bật-sô Linh Thừa soạn
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
3.2.4. Minh thành Phật nhân (chỉ rõ cái nhân thành Phật)
3.2.4.1. Thị thành Phật chánh hạnh (chỉ rõ chánh hạnh thành Phật)
3.2.4.1.1. Phẩm đề (tựa đề của phẩm này)
(Kinh) Xưng Phật danh hiệu, phẩm đệ cửu.
(經)稱佛名號,品第九。
(Kinh: Phẩm thứ chín: Xưng dương danh hiệu Phật).
3.2.4.1.2. Phẩm văn (kinh văn trong phẩm này)
3.2.4.1.2.1. Địa Tạng vị thuyết lợi ích (ngài Địa Tạng vì chúng sanh nói ra lợi ích)
(Kinh) Nhĩ thời, Địa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát bạch Phật ngôn: “Thế Tôn! Ngã kim vị vị lai chúng sanh, diễn lợi ích sự, ư sanh tử trung, đắc đại lợi ích. Duy nguyện Thế Tôn, thính ngã thuyết chi”.
(經)爾時,地藏菩薩摩訶薩白佛言:世尊!我今為未來眾生,演利益事,於生死中,得大利益。唯願世尊,聽我說之。
(Kinh: Lúc bấy giờ, Địa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát bạch cùng đức Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Con nay vì chúng sanh trong đời vị lai, diễn nói chuyện lợi ích, [để họ] ở trong sanh tử, đạt được lợi ích to lớn. Kính mong đức Thế Tôn nghe con nói”).
Đại Sĩ đặc biệt nói phẩm danh hiệu của chư Phật này là do từ trước Ngài đã nhiều lượt nói: “Xưng niệm danh hiệu Phật, Bồ Tát, bất luận có tội hay vô tội, thảy đều tiêu diệt, được sanh làm trời, người, cho đến hết khổ”. Vì thế, nay Ngài nêu đại lược mười danh hiệu để làm mục tiêu [cho người nghe] hướng đến. Kế đó, Ngài nói ra nhiều vị Phật số đến hằng sa.
Câu “vị vị lai chúng sanh” (vì chúng sanh đời vị lai) có hai ý:
– Một là thấu hiểu tấm lòng phó chúc của đức Phật trên cung trời.
– Hai là nêu rõ ý niệm cứu bạt Nam Châu của chính mình.
Lòng Từ của Phật chẳng dứt, nguyện của con vô cùng. Ấy là do [chúng sanh trong] quá khứ đã được thoát khỏi trầm luân, người hiện tại thì nay đã được thấm đượm sự giáo hóa tột cùng; chỉ có chúng sanh đời vị lai, chẳng biết đạo xuất yếu (đạo trọng yếu để thoát khổ), thường cứ tạo ác duyên. Nếu chẳng để lại phương pháp siêu thoát, họ sẽ cam chịu nỗi khổ đắm chìm ấy. Như để lại mưu lược hay khéo cho đời sau, suy nghĩ sâu sắc, cho nên nói “vị vị lai chúng sanh diễn lợi ích sự” (vì chúng sanh đời vị lai diễn nói chuyện lợi ích).
Lợi ích có thế gian và xuất thế gian khác nhau, cũng như Tạng, Thông, Biệt, Viên sai khác. Nay, [lợi ích được nói ở đây] là xuất thế thượng lợi, là lợi ích chứng quả trong Viên Giáo. Nhưng nói “đạt được lợi ích to lớn trong sanh tử”, phàm luận về sanh tử, đấy là nỗi họa hại to lớn của chúng sanh. Như trong Phật Thuyết Tứ Bất Khả Đắc Kinh, đức Phật dạy: “Thế hữu tứ sự, bất khả dĩ hoạch trí. Nhất viết niên ấu, nhan sắc vĩ diệp, chúng nhân ái kính. Nhất đán hốt mạo, đầu bạch, xỉ lạc. Dục sử thường thiếu, bất lão giả, chung bất khả đắc. Nhị vị thân thể cường kiện, vị vi hào cường, tật bệnh tốt chí, chúng hoạn nan dụ. Giả sử dục miễn, thường an vô bệnh, chung bất khả đắc. Tam vị dục cầu trường thọ, ngũ dục vĩnh tồn, phi thường đối chí, như phong xuy vân. Ký niệm trường sanh, chung bất khả đắc. Tứ vị phụ mẫu, huynh đệ, ân ái vinh lạc. Túc đối tốt chí, như thang tiêu tuyết. Dục cầu bất tử, chung bất khả đắc. Cổ kim dĩ lai, thiên địa thành lập, vô miễn tứ nạn chi hoạn. Dĩ tư tứ khổ, Phật hưng ư thế” (Cuộc đời có bốn chuyện chẳng thể nào đạt được: Một là tuổi trẻ, nhan sắc rạng rỡ, mọi người yêu kính. Một mai bỗng già cả, đầu bạc, răng rụng. Muốn cho thường trẻ mãi không già, trọn chẳng thể được! Hai là thân thể mạnh khỏe, được coi là kẻ hào hùng, mạnh mẽ, bỗng bệnh tật xảy tới, các điều hoạn nạn khó thể sánh ví được. Giả sử muốn tránh khỏi, thường bình yên, không bệnh tật, trọn chẳng thể được! Ba là mong trường thọ, ngũ dục còn mãi, chuyện vô thường xảy tới, như gió thổi tan mây. Mong được trường sanh, trọn chẳng thể được! Bốn là cha mẹ, anh em, ân ái, vinh hoa, vui sướng. Oán gia thuở trước bỗng tìm tới, như nước nóng tiêu tan tuyết. Muốn cầu chẳng chết, trọn chẳng thể được! Từ xưa đến nay, trời đất thành lập, chẳng tránh khỏi bốn thứ hoạn nạn ấy. Vì để giúp chúng sanh thoát khỏi bốn nỗi khổ ấy, đức Phật xuất hiện nơi đời). Nay muốn thoát nỗi khổ ấy, không gì lợi ích bằng xưng niệm danh hiệu Phật.
Kinh Đại Thừa dạy: “Giả sử nhất nguyệt, thường dĩ y thực cúng dường nhất thiết chúng sanh, bất như hữu nhân, nhất niệm niệm Phật sở đắc công đức thập lục phần chi nhất. Giả sử đoàn kim vi nhân, xa mã vận tải, nãi chí chúng bảo, các mãn bách số, dĩ dụng bố thí, bất như phát tâm hướng Phật, cử túc nhất bộ, sở đắc công đức, vô lượng vô biên” (Giả sử trong suốt một tháng, thường dùng cơm áo cúng dường hết thảy chúng sanh, chẳng bằng một phần mười sáu công đức của người niệm Phật một niệm. Giả sử đúc vàng làm người, dùng xe hay ngựa chuyên chở, cho đến các thứ báu đều đủ số lượng trọn cả trăm thứ dùng để bố thí, chẳng bằng công đức vô lượng vô biên của người phát tâm hướng về Phật, nhấc chân bước một bước).
Do vậy, [pháp môn Tịnh Độ] được khởi xướng ở Đông Độ bởi ngài Huệ Viễn, [niệm Phật] hết sức hưng thịnh ở Tây Kinh (Trường An) nhờ ngài Thiện Đạo. Tổ sư của chúng ta (Trí Giả đại sư) sớ giải Quán Kinh, viết Tịnh Độ Thập Nghi Luận. Ngài Tứ Minh soạn Quán Kinh Sớ Diệu Tông Sao, tu Đại Bi sám pháp. Ngài Vĩnh Minh soạn Vạn Thiện Đồng Quy Tập. Ngài Từ Vân soạn Nhị Môn Yếu Hạnh, [đại chúng] lần lượt tu tập theo, đời nào cũng chẳng thiếu người. Cho đến niên hiệu Vạn Lịch, hòa thượng Vân Thê (Liên Trì đại sư) xuất thế, đức hạnh lẫn đạo nghiệp đều sung mãn, tương xứng, thanh danh rộng khắp. Ngài thuần đề xướng Tịnh Độ, [khiến cho] nhà nào, gia đình nào cũng đều thấu hiểu, lưu truyền. Bởi lẽ, pháp môn ấy có thể cắt ngang ác đạo, tạo thẳng cội nguồn. Vì thế, Tây Thiên lẫn Đông Độ đều xưng tụng [pháp môn Tịnh Độ] là phương tiện lạ lùng, mầu nhiệm, thuận tiện, công đức chẳng thể nghĩ bàn, các hạnh khác đều chẳng thể sánh bằng. Nhưng cần phải tin chắc, chẳng nghi ngờ, chuyên ròng, siêng năng, không gián đoạn. Đi, đứng, nằm, ngồi, suốt Xuân, Hạ, Thu, Đông, gột sạch tâm nhơ uế, tịnh niệm miên mật. Nếu có kẻ nào chẳng thoát khổ, siêu thăng, thì Phật lẫn Tổ đều trở thành nói dối! Vì thế, nay đức Địa Tạng nói ra diệu pháp cứu đời này, khiến cho chúng sanh trong vị lai đều có phương cách thoát khổ.
3.2.4.1.2.2. Như Lai hứa cứu tội khổ (đức Như Lai hứa cứu những kẻ tội khổ)
3.2.4.1.2.2.1. Đôn bức tốc thuyết (đốc thúc ngài Địa Tạng hãy mau nói ra)
(Kinh) Phật cáo Địa Tạng Bồ Tát: “Nhữ kim dục hưng từ bi, cứu bạt nhất thiết tội khổ lục đạo chúng sanh, diễn bất tư nghị sự. Kim chánh thị thời, duy đương tốc thuyết”.
(經)佛告地藏菩薩:汝今欲興慈悲,救拔一切罪苦六道眾生,演不思議事。今正是時,唯當速說。
(Kinh: Đức Phật bảo Địa Tạng Bồ Tát: “Ông nay vì muốn hưng khởi lòng từ bi, cứu vớt hết thảy chúng sanh tội khổ trong sáu đường mà diễn nói chuyện chẳng thể nghĩ bàn. Nay đúng là phải lúc, hãy mau nói ra”).
Trước hết, trần thuật chuyện sẽ được nói ra, tức là: Ông muốn cứu chúng sanh trong sáu đường, bèn dấy lòng từ bi vô duyên đồng thể, [xưng dương danh hiệu chư Phật] đúng là một môn trọng yếu để cứu khổ, là thuật mầu nhiệm để lợi sanh. Thần đan điểm sắt [thành vàng], lý tột bậc cải biến thói phàm, công đức vòi vọi, đúng là chẳng thể nghĩ bàn! Ông muốn nói thì nay chính là đúng lúc, duyên hóa độ của Như Lai sắp chấm dứt, sẽ diệt độ, chẳng thường trụ. Chẳng giãi bày cách cứu vớt ấy, còn đợi khi nào nữa? Vì thế, thúc giục [Địa Tạng Bồ Tát] hãy mau nói ra.
3.2.4.1.2.2.2. Tán ủy vô ưu (tán thán, an ủi đừng lo âu)
(Kinh) Ngô tức Niết Bàn, sử nhữ tảo tất thị nguyện, ngô diệc vô ưu hiện tại, vị lai nhất thiết chúng sanh.
(經)吾即涅槃,使汝早畢是願,吾亦無憂現在,未來一切眾生。
(Kinh: Dẫu ta nhập Niết Bàn, và ông đã sớm hoàn tất nguyện ấy, ta cũng chẳng lo âu cho hết thảy chúng sanh trong hiện tại và tương lai).
Đây là ý thúc giục. Ngài Huyền Trang Tam Tạng dịch Niết Bàn thành Viên Tịch. Đức không gì chẳng trọn là Viên (圓), không chướng nào chẳng tận là Tịch (寂). Ngài Tăng Triệu bảo: “Xét theo Tận Đế của Nê Hoàn (Niết Bàn), há có phải là chỉ hết sạch các kết sử mà thôi; phải là sanh tử vĩnh viễn tịch diệt thì mới gọi là Tận”. Nhưng câu “ngô tức Niết Bàn” (dẫu ta nhập Niết Bàn) mọi người chẳng nỡ nghe. Như trong kinh Du Hành, các hàng trời, người đều than thở: “Như Lai diệt độ, hà kỳ sử tai! Thế Tôn diệt độ, hà kỳ tật tai! Đại pháp luân ế, hà kỳ tốc tai! Quần sanh trường suy, thế gian nhãn diệt. Thí như đại thụ căn bạt, chi điều tồi chiết. Hựu như trảm xà, uyển chuyển hồi hoàng, mạc tri sở thấu. Thị thời chư thiên, diệc phục giai ư không trung, bồi hồi tao nhiễu, bi hào tích dũng” (“Như Lai diệt độ sao nhanh chóng vậy! Thế Tôn diệt độ, sao mau chóng vậy! Đại pháp chìm lấp, sao mau quá vậy! Quần sanh suy sụp vì con mắt của thế gian đã mất. Ví như cây to trốc gốc, cành nhánh đều gãy nát. Lại như rắn bị chém đứt, vặn vẹo, uốn éo, chẳng biết làm thế nào để nối lại được!” Khi ấy chư thiên cũng bồi hồi, nhốn nháo trên hư không, buồn khóc, nghiêng ngả) là nói về chuyện này. Nhưng củi căn cơ [cần phải hóa độ] đã hết, ai có thể giữ cho lửa ứng hiện chẳng tắt?
“Sử nhữ tảo tất thị nguyện” (Nếu ông sớm hoàn tất nguyện ấy) cũng là nói giả sử. Nguyện của Đại Sĩ làm sao có thể hoàn tất cho được? [Nói như vậy], nhằm diễn tả tột bậc sự hay khéo của pháp này: Dẫu ta nhập Niết Bàn ngay lập tức, và dù ông đã sớm hoàn tất nguyện ấy, ta cũng không lo cho hết thảy chúng sanh trong hiện tại và tương lai. Vì sao? Đã có pháp xưng danh này, ai nấy sẽ đều chẳng đọa khổ, đều cùng tiến nhập đường nhân thiên để tu hành, cho đến cuối cùng sẽ đều thành Phật, chẳng ngờ chi nữa! Có thể thấu hiểu Phật tâm, thấu đạt Phật ý, khéo kế tục chí hướng để tiếp nối sự nghiệp, chẳng ai hơn được đức Địa Tạng từ tôn! Vì thế, đức Phật hứa khả, giục Bồ Tát hãy mau nói, lại còn tán dương, an ủi.
3.2.4.1.2.3. Đại Sĩ chánh xưng Phật danh (Đại Sĩ xưng dương danh hiệu Phật)
3.2.4.1.2.3.1. Xưng danh (kể tên chư Phật)
3.2.4.1.2.3.1.1. Biệt xuất thập danh (nêu riêng mười danh hiệu)
3.2.4.1.2.3.1.1.1. Vô Biên Thân Phật
3.2.4.1.2.3.1.1.1.1. Xưng danh (nêu ra danh hiệu)
(Kinh) Địa Tạng Bồ Tát bạch Phật ngôn: “Thế Tôn! Quá khứ vô lượng A-tăng-kỳ kiếp, hữu Phật xuất thế, hiệu Vô Biên Thân Như Lai”.
(經)地藏菩薩白佛言:世尊!過去無量阿僧祗劫,有佛出世,號無邊身如來。
(Kinh: Địa Tạng Bồ Tát bạch cùng đức Phật rằng: – Bạch Thế Tôn! Vô lượng A-tăng-kỳ kiếp trong đời quá khứ, có Phật xuất thế, hiệu là Vô Biên Thân Như Lai).
Đối với mỗi vị Phật trong phần này, đều nói là quá khứ, tức là các vị Phật mà ngài Địa Tạng đã gặp gỡ kể từ khi phát tâm đến nay. Mỗi danh hiệu Phật được nêu ra đều là càng về sau càng xa hơn vị Phật trước đó, hiển thị chính Ngài phát tâm đã lâu xa lại càng lâu xa hơn. Bốn chữ “hữu Phật xuất thế” chính là lời thể hiện ý vui mừng. Quán Kinh Sớ viết: “Nếu Phật xuất thế thì mới có thể xiển dương mặt trời trí huệ, mới biết quang minh của Tam Bảo, mở cửa cam lộ, biết diệu vị của mười hiệu”. Do nói ra, mà [người nghe] sanh hiểu biết, vui thích của báu ấy. Vì thế, ví như hoa Ưu Đàm, rất lâu mới xuất hiện một lần.
Vô Biên Thân: Cả ba thân đều có ý nghĩa này. Duy Thức Luận nói: “Một là Tự Tánh Thân, tức là pháp giới chân tịnh của các đức Như Lai, trọn đủ công đức chân thật không ngằn mé, là thật tánh hết thảy bình đẳng, tức Tự Tánh Thân, còn gọi là Pháp Thân. Pháp Thân ấy vô biên”. Lại nói: “Tự Thọ Dụng Thân là các đức Như Lai trong ba vô số kiếp, tu tập vô lượng tư lương phước đức, khởi lên vô biên công đức chân thật. Báo Thân ấy vô biên”. Kinh Hoa Nghiêm dạy: “Thanh tịnh diệu Pháp Thân, trạm nhiên ứng nhất thiết” (Pháp Thân diệu thanh tịnh, lặng lẽ ứng hết thảy), “ứng” tức là Ứng Thân. “Nhất thiết” là vô biên. Ứng Thân ấy vô biên, vì thế biết: Tam thân chính là một, một chính là tam thân. Dưới đây là phần nói về lợi ích.
3.2.4.1.2.3.1.1.1.2. Hiển ích (nêu lợi ích)
(Kinh) Nhược hữu nam tử, nữ nhân, văn thị Phật danh, tạm sanh cung kính, tức đắc siêu việt tứ thập kiếp sanh tử trọng tội. Hà huống tố, họa hình tượng, cúng dường, tán thán, kỳ nhân hoạch phước, vô lượng, vô biên.
(經)若有男子女人,聞是佛名,暫生恭敬,即得超越四十劫生死重罪。何況塑畫形像,供養讚歎,其人獲福,無量無邊。
(Kinh: Nếu có nam tử, nữ nhân, nghe danh hiệu đức Phật ấy, tạm sanh lòng cung kính, liền được vượt thoát trọng tội trong bốn mươi kiếp sanh tử. Huống hồ đắp, vẽ hình tượng, cúng dường, tán thán, người ấy đạt được phước vô lượng vô biên).
“Nam tử, nữ nhân” là nói đến những căn cơ có thể nghe. Thoạt tiên, nghe danh hiệu Phật, tạm sanh lòng cung kính. “Tạm” (暫) có nghĩa là thời gian trải qua chẳng lâu. “Sanh” (生) có nghĩa là lập tức phát tâm. “Cung” (恭) là khom mình tỏ vẻ ngưỡng mộ, “kính” (敬) là tâm chẳng duyên chuyện khác. Dẫu cho một niệm hơi hiểu biết, không gì chẳng phải là Phật pháp trong bản tánh. Vì thế, trong tâm tạm sanh lòng cung kính, đã sớm thành danh tự Phật. “Siêu việt tứ thập kiếp sanh tử trọng tội” (Vượt thoát trọng tội trong bốn mươi kiếp sanh tử) há còn ngờ chăng? Nhưng do “nghe danh hiệu, tạm sanh lòng kính”, chỉ cần lý tánh vừa hé mở, đã có thể thoát tội cực nặng! Huống hồ lại còn đắp, vẽ hình tượng, trang nghiêm, bày la liệt hương, hoa để cúng dường, dùng phạm bái để tán thán công đức. Phước người ấy đạt được tự nhiên là chẳng thể lường được, chẳng cùng tận ngằn mé, chỉ có Phật và Phật mới có thể thấy biết mà thôi!
3.2.4.1.2.3.1.1.2. Bảo Tánh Như Lai
(Kinh) Hựu ư quá khứ Hằng hà sa kiếp, hữu Phật xuất thế, hiệu Bảo Tánh Như Lai.
(經)又於過去恆河沙劫,有佛出世,號寶性如來。
(Kinh: Lại trong Hằng hà sa kiếp trong đời quá khứ, có Phật xuất thế, hiệu là Bảo Tánh (Ratna-gotra) Như Lai).
“Hằng hà sa kiếp”: So với vị Phật trên đây còn xa hơn nữa. Bảo Tánh: Kinh Liên Hoa Diện dạy: “Chư Phật Như Lai, thị chúng sanh bảo” (Chư Phật Như Lai là vật báu của chúng sanh). “Bảo” (寶, Ratna) có bảy loại, vàng đứng đầu. Ngài Chân Đế[1] giải thích vàng có bốn nghĩa: Một là mầu sắc không thay đổi; hai là Thể vô nhiễm, ba là làm thành các vật dụng vô ngại, bốn là khiến cho người ta giàu có. Ngài dùng vàng để sánh ví bốn đức Thường, Lạc, Ngã, Tịnh của Pháp Thân; đấy là sự quý báu của tánh vậy.
(Kinh) Nhược hữu nam tử, nữ nhân, văn thị Phật danh, nhất đàn chỉ khoảnh, phát tâm quy y. Thị nhân ư vô thượng đạo, vĩnh bất thoái chuyển.
(經)若有男子女人,聞是佛名,一彈指頃,發心歸依。是人於無上道,永不退轉。
(Kinh: Nếu có nam tử, nữ nhân, nghe danh hiệu đức Phật này, trong khoảng khảy ngón tay, phát tâm quy y. Người ấy sẽ vĩnh viễn chẳng thoái chuyển đạo vô thượng).
Trong phần Hiển Ích (nêu rõ lợi ích), [kinh dạy] “nghe danh hiệu đức Phật ấy trong khoảng khảy ngón tay”: Những người thuộc tam thừa đã trải qua A-tăng-kỳ kiếp mà công hạnh chẳng thành. [Thế mà] pháp môn Niệm Phật trong khoảng khảy ngón tay, đều đạt đến địa vị Bất Thoái. Công năng ấy lạ lùng thay! “Phát tâm quy y” thì như kinh Hy Hữu đã so sánh cặn kẽ công đức của Tam Quy như sau: “Giáo Tứ Thiên Hạ cập Lục Dục Thiên đắc Tứ Quả, bất như Tam Quy Y công đức đa” (Dạy từ Tứ Thiên Hạ (nhân gian) cho đến trời Lục Dục đạt được Tứ Quả, công đức chẳng nhiều bằng Tam Quy Y). Vì thế, trong kinh Tăng Nhất A Hàm, đức Phật đã nói kệ rằng: “Chư hữu quy y Phật, bất đọa tam ác thú, tận lậu xử nhân thiên, tiện đương chí Niết Bàn” (Các cõi quy y Phật, chẳng đọa ba đường ác, lậu hết, làm trời, người, sẽ đạt đến Niết Bàn). Chuyện này nhờ vào Tự Tánh Phật Bảo; do quy y Bảo Tánh (tự tánh quý báu) mà vĩnh viễn chẳng thoái chuyển đạo vô thượng. Chuyện này chỉ xét theo Viên Giáo, vừa mới nghe danh hiệu của Phật, do lợi căn mà có thể vượt lên, dự vào Thập Tín, sáu căn liền thanh tịnh; hoặc nhanh chóng nhập Sơ Trụ, khai tri kiến của Phật.
Vì thế, Vị Bất Thoái là từ Sơ Tín cho tới Thất Tín, thô cấu (phiền não thô nặng) Kiến Tư tùy ý rơi rụng trước, thấy lý Chân Đế trong Viên Giáo. Hạnh Bất Thoái thuộc Bát Tín, Cửu Tín, và Thập Tín, từ địa vị Giả nhập Trung, khởi các hạnh thuộc bốn môn, đoạn Trần Sa trong ngoài, trọn đủ lý Tục Đế. Niệm Bất Thoái là từ Sơ Trụ trong Viên Giáo trở lên, niệm nào cũng tiến hướng biển quả, tùy ý lưu nhập chân nguyên. Vì thế, Đại Trí Độ Luận viết: “Vô Sanh Nhẫn Pháp chính là địa vị A Duy Việt Trí. Nếu xét theo sự lãnh hội ý nghĩa để nói thì là Danh Tự Tức Phật, trọn đủ ba thứ Bất Thoái theo chiều ngang”.
Hỏi: Mới nghe danh hiệu đức Phật Bảo Tánh, phát tâm quy y trong khoảng khảy ngón tay, vì sao có thể vĩnh viễn chẳng thoái chuyển vô thượng đạo?
Đáp: Ngài Bắc Tề [Huệ Văn] ngộ Trung Luận, bèn nhanh chóng nhập Sơ Trụ, ngài Nam Nhạc [Huệ Tư] chứng Pháp Hoa, đạt lên địa vị Thập Tín. Phỏng theo đó liền biết, há còn ngờ chi? Như Quán Kinh Sớ trích dẫn [các thí dụ trong] kinh Niết Bàn: “Hết thảy chúng sanh chính là Phật. Như cô gái nghèo bỏ của báu, nhưng các vật đều trọn đủ, viên châu ở trên trán của lực sĩ vẫn tròn sáng y nguyên”. Nhưng nếu chưa được tổ Trí Giả chỉ điểm chỗ này, hằng ngày chịu ách nạn bần cùng, mang nỗi rầu đánh mất viên châu. Vừa mới nghe lời chỉ dạy, biết ngay cái vốn có; cô gái nghèo phát hiện kho tàng, thọ dụng khôn cùng! Lực sĩ thấy châu [trên trán vẫn còn y nguyên], hoan hỷ vô lượng[2]. Vì thế biết: Chúng sanh sau khi đã giải ngộ, chẳng hề thua kém Phật mảy may! Vĩnh viễn chẳng thoái chuyển, đáng tự nên tin tưởng, ngưỡng mộ vậy!
3.2.4.1.2.3.1.1.3. Ba Đầu Ma Thắng Như Lai
(Kinh) Hựu ư quá khứ hữu Phật xuất thế, hiệu Ba Đầu Ma Thắng Như Lai.
(經)又於過去有佛出世,號波頭摩勝如來。
(Kinh: Lại trong quá khứ, có Phật xuất thế, hiệu là Ba Đầu Ma Thắng Như Lai).
Ba Đầu Ma (Padma), còn phiên âm là Bát Đặc Ma, dịch sang tiếng Hán là Hồng Liên Hoa. “Thắng” (勝): Phật Địa Luận viết: “Trong bốn loại hoa sen, hoa sen hồng được coi là thù thắng nhất”. Vì thế, kinh Ương Quật Ma La chép: “Đệ nhất, Bát Đàm Ma, thanh tịnh nhu nhuyễn túc, trần thủy sở bất ô, thị cố khể thủ lễ” (Hoa sen hồng bậc nhất, thanh tịnh, trọn mềm mại, nước, bụi chẳng nhuốm bẩn. Vì thế, dập đầu lễ).
(Kinh) Nhược hữu nam tử, nữ nhân, văn thị Phật danh, lịch ư nhĩ căn, thị nhân đương đắc thiên phản sanh ư Lục Dục Thiên trung, hà huống chí tâm xưng niệm!
(經)若有男子女人,聞是佛名,歷於耳根,是人當得千返生於六欲天中,何況志心稱念。
(Kinh: Nếu có nam tử, nữ nhân, nghe danh hiệu đức Phật ấy thoảng qua tai, người ấy sẽ được một ngàn lần sanh vào Lục Dục Thiên, huống hồ chí tâm xưng niệm).
Trong phần Hiển Ích, “ngàn lần sanh trong Lục Dục Thiên” nghĩa là sao? Do hoa sen ở trong bùn mà chẳng bị nhuốm bẩn, nhô lên khỏi mặt nước, thường tỏa ngát hương, biểu thị “do nghe danh hiệu Phật, dẫu sanh trong Dục Thiên, thật sự chẳng chấp trước ngũ trần thô tệ. Do đã hiểu lìa tánh Nghe vốn là Không, sanh lên trời vẫn là Tịch. Do ở trong Không chính là Giả, quyền biến thị hiện thân trời, hòng độ những kẻ thật sự sanh lòng chấp trước các dục”. Chỉ nghe tiếng mà còn như thế, huống hồ kẻ chí tâm xưng niệm ư? Mai sau, ắt chứng hoa sen ngàn cánh của Ba Đầu Ma Thắng Phật. Vì thế nói là “thiên phản” (千返, ngàn lần).
3.2.4.1.2.3.1.1.4. Sư Tử Hống Phật
(Kinh) Hựu ư quá khứ, bất khả thuyết bất khả thuyết A-tăng-kỳ kiếp, hữu Phật xuất thế, hiệu Sư Tử Hống Như Lai.
(經)又於過去,不可說不可說阿僧祗劫,有佛出世,號師子吼如來。
(Kinh: Lại trong quá khứ bất khả thuyết bất khả thuyết A-tăng-kỳ kiếp, có Phật xuất thế, hiệu là Sư Tử Hống (Simhanāda) Như Lai).
Trong kinh Trường A Hàm, quyển thứ mười sáu, đức Phật bảo Bà-la-môn Ca Diếp rằng: “Sở vị Sư Tử giả, thị Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác, ư đại chúng trung, quảng thuyết pháp thời, tự tại vô úy, cố hiệu Sư Tử. Nhữ vị Như Lai sư tử hống thời, bất dũng hãn da? Vật tạo tư quán! Như Lai sư tử hống, dũng hãn vô úy, cố vân: – Thí như sư tử hống, nhuyễn động giai bố úy. Như Lai chấn pháp âm, hàng phục chư ngoại đạo” (Gọi là Sư Tử thì chính là đức Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác, khi ở trong đại chúng rộng thuyết pháp, tự tại vô úy, cho nên gọi là Sư Tử. Ông cho rằng khi Như Lai sư tử hống, chẳng dũng mãnh ư? Đừng thấy như thế! Như Lai sư tử hống, dũng mãnh vô úy, cho nên nói: “Ví như sư tử rống. Trùng, thú đều kinh sợ. Như Lai rền pháp âm, hàng phục các ngoại đạo”). Vậy thì Phật hiệu là Sư Tử Hống, tức là nói theo tướng trạng khi Ngài thuyết pháp.
(Kinh) Nhược hữu nam tử, nữ nhân, văn thị Phật danh, nhất niệm quy y, thị nhân đắc ngộ vô lượng chư Phật, ma đảnh thọ ký.
(經)若有男子女人,聞是佛名,一念歸依,是人得遇無量諸佛,摩頂授記。
(Kinh: Nếu có nam tử, nữ nhân nghe danh hiệu đức Phật này, một niệm quy y, người ấy sẽ gặp vô lượng chư Phật xoa đầu thọ ký).
Vì thế, nay nhất niệm quy y, sẽ được gặp vô lượng chư Phật, mỗi vị đều xoa đầu [người ấy], thọ ký: “Trong tương lai, ngươi nhất định đạt được Chủng Trí, thuyết pháp như sư tử rống”. Những chúng sanh nghe tiếng, hoặc là hoan hỷ, hoặc là kinh sợ. Chúng sanh ở trong hang hốc, sẽ co rúc, ẩn thân. Loài sống dưới nước sẽ lặn sâu. Loài sống trong núi sẽ núp kín. Voi sẽ dứt tung xiềng xích, điên cuồng chạy tán loạn. Chim bay tuốt lên không, vỗ cánh vội vàng trốn xa!
3.2.4.1.2.3.1.1.5. Câu Lưu Tôn Phật
(Kinh) Hựu ư quá khứ, hữu Phật xuất thế, hiệu Câu Lưu Tôn Phật.
(經)又於過去,有佛出世,號拘留孫佛。
(Kinh: Lại trong quá khứ, có Phật xuất thế, hiệu là Câu Lưu Tôn Phật).
Câu Lưu Tôn (Krakucchanda) là tiếng Phạn, cõi này dịch là Sở Ưng Đoạn (所應斷, những điều đáng nên đoạn trừ). Đấy là xét theo sự đoạn trừ ngũ trụ và nhị tử (Phần Đoạn và Biến Dịch sanh tử) để lập danh hiệu. Lại còn dịch là Dụng Trang Nghiêm (用莊嚴), đấy là xét theo sự tu nhân chứng quả để đặt tên. Vị này [cùng tên], chẳng phải là vị Phật trong Hiền Kiếp thứ chín xuất thế [khi con người tuổi thọ] sáu vạn năm. Theo kinh Vạn Phật Danh, có vô lượng danh hiệu thất Phật. Nếu sau danh xưng [Câu Lưu Tôn Phật] mà có nói Hiền Kiếp thì Ngài là vị đứng đầu trong [một ngàn vị Phật] của Hiền Kiếp. [Nếu coi vị Phật Câu Lưu Tôn ở đây thuộc về Hiền Kiếp] thì trên là nói đến quá khứ đã có trở ngại, dưới là nói đến Hằng sa kiếp cũng bị trở ngại.
(Kinh) Nhược hữu nam tử, nữ nhân, văn thị Phật danh, chí tâm chiêm lễ, hoặc phục tán thán. Thị nhân ư Hiền Kiếp thiên Phật hội trung, vi Đại Phạm Vương, đắc thọ thượng ký.
(經)若有男子女人,聞是佛名,志心瞻禮,或復讚歎。是人於賢劫千佛會中,為大梵王,得授上記。
(Kinh: Nếu có nam tử, nữ nhân nghe danh hiệu đức Phật ấy, chí tâm chiêm ngưỡng, lễ bái, hoặc là tán thán. Người ấy sẽ ở trong pháp hội của một ngàn đức Phật thuộc Hiền Kiếp, làm Đại Phạm Vương, được thọ ký bậc thượng).
Trong phần Hiển Ích, “nghe danh hiệu Phật” thuộc về Ý, hiển lộ chánh nhân Phật tánh. “Chiêm ngưỡng, lễ bái” thuộc về thân, hiển thị duyên nhân Phật tánh. Tán thán thuộc khẩu, hiển thị liễu nhân Phật tánh. Do ba thứ nhân duyên ấy, cho nên ở trong hội của một ngàn vị Phật thuộc Hiền Kiếp, đều làm Đại Phạm Vương, tu tứ đẳng tâm (từ, bi, hỷ, xả), hạnh nghiệp thanh tịnh; khắp vì tam hữu (ba cõi), thỉnh chuyển pháp luân. Vì thế, ở dưới tòa mỗi đức Phật, đích thân được thọ ký thượng diệu; tức là dùng thân Phạm Thiên để thành cái quả Đại Giác. Sách Pháp Uyển Châu Lâm viết: “Nay xét đến Hiền Kiếp, một đại kiếp chia thành hoại, không, thành, trụ, nay đang thuộc trụ kiếp (gồm hai mươi tiểu kiếp), có một ngàn vị Phật xuất hiện. Ba vị Phật đã qua, nay là vị thứ tư (tức Thích Ca Mâu Ni Phật)”. Theo luận Lập Thế A Tỳ Đàm: Mười một kiếp thuộc vị lai, tám kiếp thuộc quá khứ, nay đức Phật Thích Ca thành Phật trong kiếp thứ chín.
Hỏi: Trong Hiền Kiếp này, trong các giai đoạn thành, hoại và không, Phật chẳng xuất thế, chỉ có trụ kiếp. Trong trụ kiếp, đời vị lai chỉ có mười một kiếp, cớ sao có đến chín trăm chín mươi sáu vị Phật cùng lúc xuất thế vậy?
Đáp: Đúng như lời cật vấn, ý nghĩa hơi khó hiểu. Nay dựa theo hai kinh, có thể biết được những nét chánh yếu. Trong kinh Dược Vương Dược Thượng, đức Phật dạy: “Ngã tằng vãng tích vô số kiếp thời, ư Diệu Quang Phật mạt pháp chi trung, xuất gia học đạo, văn thị ngũ thập tam Phật danh, tâm sanh hoan hỷ, phục giáo tha nhân, linh đắc văn trì. Triển chuyển tương giáo, nãi chí tam thiên nhân, dị khẩu đồng âm, nhất tâm kính lễ, tức đắc siêu việt vô số ức kiếp sanh tử chi tội. Kỳ tiền thiên nhân giả, Hoa Quang Phật vi thủ, hạ chí Tỳ Xá Phù Phật, ư Trang Nghiêm Kiếp đắc thành vi Phật, quá khứ thiên Phật thị dã. Thử trung thiên Phật giả, Câu Lưu Tôn Phật vi thủ, hạ chí Lâu Chí Như Lai, ư Hiền Kiếp trung thứ đệ thành Phật. Hậu thiên Phật giả, Nhật Quang Như Lai vi thủ, nãi chí Tu Di Tướng Phật, ư Tinh Tú Kiếp trung đương đắc thành Phật” (Ta đã từng trong vô số kiếp đời quá khứ, xuất gia học đạo trong đời Mạt Pháp của Phật Diệu Quang (Varaprabha), nghe được danh hiệu của năm mươi ba vị Phật này, tâm sanh hoan hỷ, lại dạy cho người khác nghe và trì niệm. Lần lượt dạy nhau cho đến ba ngàn người, khác miệng cùng tiếng, nhất tâm kính lễ, liền được vượt thoát tội trong vô số ức kiếp sanh tử. Một ngàn người đầu tiên, Hoa Quang Phật làm đầu cho đến người cuối cùng là Tỳ Xá Phù Phật, được thành Phật trong Trang Nghiêm Kiếp; đấy là một ngàn vị Phật trong quá khứ. Một ngàn vị Phật chính giữa, Câu Lưu Tôn Phật làm đầu, cho đến vị cuối cùng là Lâu Chí (Rucika) Như Lai, theo thứ tự thành Phật trong Hiền Kiếp. Một ngàn vị Phật cuối, Nhật Quang Như Lai làm đầu, cho đến vị cuối cùng là Tu Di Tướng Phật sẽ được thành Phật trong Tinh Tú Kiếp).
Nếu dựa theo kinh Phật Danh, chín mươi mốt kiếp trong quá khứ có Phật hiệu là Tỳ Bà Thi (Vipaśyin) Như Lai, ba mươi kiếp trong quá khứ có Phật xuất thế, tên là Thi Khí (Śikhin) Như Lai. Tức là trong kiếp này, lại có Phật xuất thế tên là Tỳ Xá Phù (Viśvabhū) Như Lai.
Hỏi: Chín mươi mốt kiếp ấy là đại kiếp hay tiểu kiếp?
Đáp: Là đại kiếp. Vì sao biết như vậy? Theo Cựu Tỳ Bà Sa Luận, Thích Ca Bồ Tát tu nhân từ thời Tỳ Bà Thi Phật cho tới nay, đã gieo nghiệp tướng hảo. Tới nay, trong trụ kiếp thứ chín, đã trải qua chín mươi mốt đại kiếp. Vì thế, Cựu Câu Xá Luận nói: “Do lễ Để Sa Phật (Tiṣya), do sức tinh tấn, liền vượt thoát chín đại kiếp, rốt ráo thành Phật”. Vì vậy, đã biết chín kiếp đã là đại kiếp thì chín mươi mốt kiếp kia há chẳng phải cũng là đại kiếp ư? Đã là đại kiếp thì một ngàn vị Phật xuất thế, chẳng có gì đáng nghi! Lại dựa theo Lập Thế A Tỳ Đàm, trong vòng hai mươi trụ kiếp, trong tám kiếp quá khứ đã có Phật xuất thế, Phật Thích Ca xuất thế trong kiếp thứ chín của hiện tại, tức là trong chín kiếp đầu, đã có bốn vị Phật xuất thế. Vị lai hãy còn mười một kiếp, làm sao biết sẽ chẳng có nhiều vị Phật xuất thế? Xét theo ý nghĩa này, dẫu là tiểu kiếp, nhiều vị Phật xuất thế cũng chẳng trở ngại gì! Đó là vì căn cơ của chúng sanh có mạnh hay yếu, cho nên cảm vời thấy Phật khác nhau. Chỉ sợ hậu hiền sanh nghi, nên tôi trình bày đại lược như thế!
***
[1] Chân Đế (Paramārtha, 499-569) là vị cao tăng dịch kinh vào thời Lương của Nam Triều. Ngài xuất thân từ xứ Ưu Thiền Ni (Ujjani) của Bắc Ấn, thuộc dòng dõi Bà La Môn, thông minh, nhớ dai, biện tài mẫn tiệp. Ngài thông thạo ngoại điển Vệ Đà lẫn diệu lý Đại Thừa. Vào năm Đại Đồng nguyên niên (546) đời Lương, Ngài mang theo kinh điển, ngồi thuyền đến Trung Hoa. Cuộc hải hành phải mất hai năm mới đến được Kiến Nghiệp (Nam Kinh) vào năm Thái Thanh thứ hai (548), yết kiến Lương Vũ Đế. Lúc đó, loạn Hầu Cảnh nổ ra, Ngài phải lánh nạn về phương Nam, phải sống tại nhiều nơi của Hoa Nam như Tô, Chiết, Cám (An Huy), Mân (Phước Kiến), Quảng v.v… nhưng vẫn dịch kinh chẳng bỏ lỡ. Cho đến khi mất, Ngài đã dịch được sáu trăm mười bốn bộ kinh sách, nay chỉ còn lại ba mươi bộ. Dịch phẩm chủ yếu là các kinh luận về Duy Thức, ngoài ra còn có kinh Kim Quang Minh, Nhiếp Đại Thừa Luận, Trung Biên Phân Biệt Luận, Thập Thất Địa Luận, Câu Xá Luận Thích, Đại Thừa Khởi Tín Luận v.v… Trong số đó, Nhiếp Đại Thừa Luận và Nhiếp Đại Thừa Luận Thích tạo ảnh hưởng lớn lao cho giới học thuật Phật giáo bấy giờ, nên Ngài được tôn là tổ của Nhiếp Luận Tông.
[2] Đây là hai thí dụ trong kinh Niết Bàn:
1. Trong quyển thứ bảy, khi giảng về Ngã đức của Như Lai, đã nêu thí dụ: Trong nhà cô gái nghèo có kho tàng chứa rất nhiều vàng ròng, nhưng cả nhà đều không biết ở chỗ nào. Khi ấy có bậc dị nhân chỉ cho cô nơi kho tàng, cô hoan hỷ, kính ngưỡng người ấy.
2. Cũng trong quyển bảy của kinh Niết Bàn, có nêu một thí dụ: Ví như đại lực sĩ của nhà vua, giữa hai chân mày có một viên kim cang châu. Ông ta đánh vật cùng các lực sĩ khác. Do bị đấm vào trán, viên châu lún sâu vào trong da, chẳng biết châu ở chỗ nào. Chỗ ấy thành ghẻ, phải cầu lương y chữa trị. Lương y bảo ghẻ do châu lún vào da, nhưng lực sĩ không tin: “Trong chỗ máu mủ bất tịnh làm sao có châu được?” Lương y đưa gương cho soi, lực sĩ thấy châu giữa trán, chiếu sáng ngời. Điều này ví như chúng sanh sẵn có Phật Tánh, nhưng do chẳng thân cận thiện tri thức, dẫu có Phật Tánh mà đều chẳng thấy.
ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH KHOA CHÚ