TẾ CÔNG HOẠT PHẬT
(Tế Điên Hòa Thượng)
Đồ Khùng dịch
Chương 129:
Thấy thơ rơi lập chí bỏ vợ hiền
Tế Thiền sư khéo cứu người liệt phụ
Lý Văn Long lượm vật đó lên đem vào nhà xem kỹ là một gói giấy nhỏ, mở ra xem bên trong có một đôi hoa tai bằng vàng đỏ và ba tờ giấy danh thiếp. Lý Văn Long mở tờ thiếp thứ nhất thấy đề một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt:
Khó cắt khó lìa nỗi vấn vương
Dịp may đưa đến vẹn trăm đường
Học sinh sớm tối hằng mong mỏi
Gặp mặt hoa tai cốt tặng nường.
Lý Văn Long đọc đến mặt giận tái xanh, tiếp đọc đến bài thứ hai cũng là một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt:
Ngày trước học sinh hẹn dịp may
Tấm lòng đáp ứng quả không sai
Khấn nguyện lòng thành cùng nguyệt lão
Nên duyên chồng vợ tháng năm dài.
Lý Văn Long càng đọc càng giận, đọc đến tờ thứ ba, làm theo lối Tây giang nguyệt:
Trước tặng vòng xuyên quạt nho?
Tỏ bày tấc dạ tâm thành
Chỉ mong người thương giữ kín
Đừng để chồng thấy sinh phiền
Ước hẹn dịp mai đưa đến
Cửa sau vẽ phấn vòng tròn
Yêu nhau xóm giềng gần gũi
Chắc chắn vợ chồng nên duyên.
Lý Văn Long xem rồi giận đến nỗi ba thi hồn nhảy dựng, năm hào khí lên mây, tự nghĩ thầm: “Hay cho con tiện tỳ này, nó dám làm chuyện động trời như thế ư? Té ra nó tư thông với trai đây mà!”.
Rồi Lý Văn Long tự nghĩ: “Trong tờ thiếp có nói trước đây có tặng cây quạt nhỏ, sao mình không tìm nó thử xem!”. Trong nhà chỉ có một cái rương rách, cũng không có vật gì cất giấu được. Lý Văn Long bèn đến mở rương ra, Trịnh thị hỏi:
– Quan nhơn mở rương tìm vật chi trong đó?
– Ta tìm đồ vật.
Nói rồi giở rương ra. Quả nhiên trong đó có một chiếc vòng vàng đỏ, một cây quạt nhỏ xuyên bằng vàng. Lý Văn Long cầm vòng và quạt ném lên bàn, hỏi Trịnh thị:
– Những thứ này ở đâu ra vậy?
Trịnh thị thấy mấy thứ này cũng chưng hửng, đáp:
– Tôi đâu có biết!
– Được, trong nhà ta gạo ăn bữa nào lo bữa đó, những thứ này ở đâu rả Nàng không biết, vậy những thứ đó sao lại chui vào rương được? Ha ha ha! Họ Lý nhà ta từ hồi nào tới giờ là dòng dõi trong sạch, môn đệ thư hương, đâu có thể sống chung với kẻ mặt dày mày dạn không biết xấu hổ như cô được!
Nói rồi bỏ đi thẳng ra cửa Tây. Cửa thành đóng chặt, quân giữ thành nhận ra Lý Văn Long hỏi:
– Lý tiên sinh, trời tối đen như vầy mà đi đâu vậy? Tôi định tìm tiên sinh để nhờ viết cho hai bên cây quạt.
– Viết trên quạt là chuyện dễ, cảm phiền anh mở cửa thành giùm, tôi ra ngoài tìm người có chút việc.
Người giữ thành lập tức mở cửa, Lý Văn Long đi đến đường số hai, gõ cửa một nhà, té ra đó là nhà của Mã thị, mợ của Trịnh thị. Trước kia Trịnh thị Ở nhà này do cậu mợ gả. Hiện cậu đã qua đời, Mã thị Ở góa với đứa con nhỏ là Lại Tử. Nghe tiếng gõ cửa, Lại Tử chạy ra mở cửa kêu lên:
– Anh rể về rồi!
Lý Văn Long tức giận “hừm” lên một tiếng rồi đi thẳng vào nhà trong. Mã thị hỏi:
Này dượng hai, đến đây khuya lắc như vầy là có chuyện gì thế?
– Xin mời bà đến nhà tôi. Có một chuyện rất quan trọng!
– Khỏi phải nói, vợ chồng con cái lại cãi vã nhau rồi! Theo mợ thấy, các con đừng cải vã nhau tốt hơn. Sống trong cảnh quá cực khổ này đừng để cho người ta đàm tiếu rằng mình cắng đắng nhau vì nghèo.
– Không phải như vậy đâu. Mợ đến nhà con sẽ rõ.
Mã thị không cách nào hơn phải theo về nhà Lý Văn Long. Đến nhà thấy Trịnh thị đang khóc ngất chết đi sống lại. Lý Văn Long nói:
– Bây giờ bà đem cháu bà về đi. Nhà tôi không cần cô ấy nữa!
Mã thị nói:
– Tại sao thế? Cãi vã sơ sơ có gì lắm đâu? Cần gì phải tức giận như thế ấy?
– Cô ấy phạm tội thất xuất thì tôi đâu có từ làm chi! Bà hãy xem chiếc vòng này. Cô ấy tư thông với người ta mà có đấy. Bà hãy mang cô ấy về đi.
Mã thị nói với Trịnh thị:
– Cháu ơi, hãy đến nhà mợ Ở vài hôm. Chừng chồng cháu hết giận, mợ sẽ đưa cháu về lại.
Mã thị khuyên giải mãi, Trịnh thị mới chịu nghe lời bồng con theo về. Lý Văn Long giật đứa bé lại, nói:
– Này Trịnh thị, cô ấy lần này muốn lấy ai thì lấy: Trương, Vương, Lý, Triệu gì cũng được. Còn đứa bé này là con của Lý Văn Long ta, ta phải giữ lại.
Trịnh thị thấy con mình bị giữ lại, lòng đau như dao cắt. Lý Văn Long hối thúc đi mau. Mã thị đành dắt Trịnh thị về nhà. Đứa bé hãy còn bú sữa, vắng mẹ kêu khóc như rị Mã thị đưa Trịnh thị về nhà xong, hôm sau Trịnh thị khóc lóc nhờ Mã thị đến khuyên giải Lý Văn Long giùm. Thực ra Trịnh thị quả tình không biết những đồ vật ấy từ đâu mà có. Mã thị đến nhà Lý Văn Long gọi cửa. Lý Văn Long không mở cửa mà hỏi:
– Ai đó?
Mã thị nói:
– Dượng nó còn giận sao? Ta đến để khuyên giải dượng nó đây. Đứa bé hãy còn bú sữa, thiếu mẹ tội nghiệp nó. Để ta đưa mẹ nó trở về nhà nhé!
– Bà hãy ra khỏi đây ngaỵ Ai là rể của nhà bà? Tôi không biết bà là ai cả!
Mã thị tức giận nói:
– Hay cho Lý Văn Long, ngươi thiệt là người không biết tự ái lại hay giận lây đến người khác. Bộ tưởng ta đến năn nỉ ngươi đây nhỉ?
Mã thị nói xong trở về nhà nói với Trịnh thị:
– Lý Văn Long không chịu mở cửa, mà còn nói những lời thất kính, ta không thể lại đến nhà hắn năn nỉ được! Con ơi, con cứ ở đây đi! Ta ở đây mai vá kiếm ăn, có con ăn cháo rau qua bữa cũng được. Ý con định thế nào ta cũng không cần biết! Lần gả trước là do cậu con định. Sau này tự ý tái giá là tự ý con. Còn con không muốn ở với ta, nương nhờ người khác thì mặc con chọn lựa.
Trịnh thị nghe nói buông tiếng khóc lớn, lại nhớ đến con. Đứa bé cũng nhớ mẹ nó. Lý Văn Long thấy con khát sữa nhớ mẹ, mà trong tay không có một văn nào cả, nghe bên ngoài có tiếng rao bán bánh nướng, bèn đi ra nói:
– Anh bán bánh nướng ơi! Con tôi đang khóc quá, anh có thể bán chịu cho tôi một cái bánh nướng, hôm sau tôi sẽ trả tiền anh.
Người bán bánh nướng tằng hắng một tiếng rồi nói:
– Tiên sinh chẳng biết đấy thôi. Tôi không có vốn nên không thể bán chịu. Tiên sinh từ trước đến giờ chưa mua thiếu tôi lần nào, cũng được, tôi cho đứa bé một cái để ăn, trả tiền hay không trả cũng không hề gì!
Lý Văn Long cầm cái bánh nướng nhai nhỏ rồi mớm cho đứa bé. Liên tiếp ba ngày, Lý Văn Long vừa giận vừa buồn, cơm cháo không hề qua miệng, đứa bé cũng đói lả! Ở chái Đông, có một nhà hàng xóm họ Vương, cũng có hai vợ chồng, người chồng là Vương Thụy về nhà, mới hỏi vợ là Trần thị:
– Lý tiên sinh ở cách vách nhà mình tại sao lại thôi vợ thế?
– Anh mà biết cái gì!
– Chẳng những ta biết chuyện đó, mà còn nghe nói vợ của Lý tiên sinh đang ở nhà bà mợ đã thỏa thuận với người làm mai mối chịu tục huyền với Biện Hổ viên ngoại, con của Binh bộ Thượng thơ Biện đại nhân, tối nay sẽ rước dâu. Nàng qua hỏi Lý tiên sinh có phải vì việc này mà thôi vợ hay không?
Trần thị liền đến nhà Lý Văn Long gõ cửa. Lý Văn Long mở cửa, hỏi:
– Tẩu tẩu đến đây có việc chi?
– Đại ca của tiên sinh bảo tôi đến hỏi thăm tiên sinh tại sao lại từ vợ thế?
Lý Văn Long tằng hắng một tiếng, nói:
– Một hai câu khó nói hết! Đại khái là cô ấy phạm một tội trong thất xuất.
Trần thị nhìn đứa bé thấy èo uột chẳng ra hình người, mới nói:
– Thế này là không được rồi! Đứa bé này phải chăm sóc cơm cháo cho nó chớ! Tôi đưa cho tiên sinh 200 tiền đây, hãy mua thuốc cho cháu uống và mua bánh in khô cho cháu ăn. Để tôi coi nhà cho, tiên sinh đi mua đi!
Lý Văn Long không còn cách nào hơn, bèn bồng đứa bé đi ra mua bánh in. Vừa ra tới cửa gặp Tế Điên tới gần, nói:
– Cái chú rể này thiệt là lớn mật dữ a! Chú dám hiếp đáp cháu gái chúng ta là người thiệt thà, rồi vô cớ thôi vợ mình hè! Cái gì bảo là phạm thất xuất chớ? Chính mắt chú thấy hử? Ta không cùng chú lên quan không được mà! Chú ở đây đợi ta, để ta đi cáo quan cho chú biết!
Lý Văn Long nghĩ bụng: “Khi khổng khi không lại gặp cái ông này! Hồi nào tới giờ mình đâu có biết ổng?”.
Thấy Hòa thượng điên điên khùng khùng, Lý Văn Long trong lòng bực tức không yên. Hòa thượng nói:
– Cái thằng chết tiệt này, ta vừa mới đi du phương bên ngoài trở về lại xảy ra chuyện này. Chú xem đứa cháu ngoan của ta đây cũng không ra hình dáng nào hết! Ta phải cho nó uống một tí thuốc mới được.
Hòa thượng nói rồi móc ra một ít thuốc nhét vào trong miệng đứa bé và nói:
– Lý Văn Long, chú hãy ở nhà đợi lên quan đấy nhé!
Nói xong câu đó, Hòa thượng bỏ đi. Lý Văn Long đứng được một lát, cũng không hỏi Hòa thượng là ai. Tế Điên đi đến trước, thì gặp ngay Vương Hùng và Lý Báo, hai người vâng lịnh đi ra kiếm Hòa thượng kiếc. Vương Hùng, Lý Báo gặp Hòa thượng mới bàn cùng nhau:
– Chúng ta đi đến nếu nói có lịnh quan huyện đòi, chắc Hòa thượng không dám đi đâu. Chi bằng ta gạt ổng, bắt trói lại, về đến nha môn thả ra là xong việc.
Lý Báo đáp: – Phải đấy!
Vương Hùng thấy Hòa thượng từ kia đi lại gần, bèn hò nhau, lấy dây sắt trói Hòa thượng lại. Hòa thượng hỏi:
– Ủa, sao lại trói ta?
Vương Hùng đáp:
– Hay cho Hòa thượng, ông quậy dữ lắm mà! Về nha môn rồi sẽ nói!
Đưa Tế Điên về nha môn, Vương Hùng, Lý Báo chẳng dám để Hòa thượng bị trói gặp quan huyện, mới nói:
– Này Hòa thượng! Ông năn nỉ bọn tôi đi, bọn tôi sẽ mở trói cho ông.
– Ngươi dám mở à? Các ngươi ỷ làm quan rồi gạt gẫm ta! Lão gia một là không có hiệu, hai là không có lịnh bắt. Hòa thượng ta đâu có làm gì phạm pháp, sao lại dám trói tả Các ngươi năn nỉ ta, ta cũng không cho mở, để đến gặp lão gia rồi biết!
– Bạch Thánh tăng, xin lão nhân gia đừng làm khó dễ chúng tôi nữa! Chúng tôi bậy bạ hết sức.
– Thôi, các ngươi muốn làm sao thì làm!
Vương Hùng, Lý Báo mở trói cho Hòa thượng xong, mới đưa vào trong bẩm lại. Quan huyện đang ở đại đường, truyền mở thả Vương Toàn và Lý Phúc. Quan huyện nói:
– Hai người mai mắn gặp ta, nếu không thì nỗi oan khó giải tỏa! Bây giờ hai người hãy trở về đi. Đừng đi lang thang bên ngoài nữa!
Nói xong kêu người đem đồ đạc trả lại cho thầy trò Vương Toàn. Vừa nói tới đó thì Vương Hùng vào bẩm:
– Chúng tôi đã đưa Hòa thượng về tới.
Quan huyện truyền lịnh:
– Hãy mời vào!
La Hán gia lần này đến đại đường khéo léo đoán việc quạt vàng để giải cứu cho nghĩa phu tiết phụ.