NHỮNG LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Thư Trả Lời Pháp Sư Trần Không
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Thư trả lời pháp sư Trần Không

(thư thứ nhất)

Hôm qua nhận được thư và lời dặn dò viết bài đề từ về chuyện sáng lập Liên Xã để khích lệ mọi người v.v… Nay đã viết xong, sẽ gởi cùng [với thư này] để Sư xem xét thâu nhận. Tọa hạ hoằng hóa phần nhiều xiển dương kinh điển Tịnh Tông; pháp môn Tịnh Độ lý cực cao sâu, sự cực giản dị: Do chúng ta luân hồi trong sanh tử đã trải kiếp dài lâu, đã tạo ác nghiệp vô lượng vô biên, nếu cậy vào sức tu trì của chính mình mà muốn diệt sạch phiền não Hoặc nghiệp để liễu sanh thoát tử sẽ khó hơn lên trời! Nếu có thể tin tưởng pháp môn Tịnh Độ của đức Phật, dùng lòng tin chân thành, nguyện thiết tha niệm danh hiệu A Di Đà Phật cầu sanh Tây Phương thì bất luận nghiệp lực lớn hay nhỏ, đều có thể cậy vào Phật từ lực vãng sanh Tây Phương. Chỉ mong tọa hạ mỗi ngày giảng kinh xong, sẽ suất lãnh đại chúng niệm Phật một tiếng đồng hồ, hồi hướng thế giới hòa bình, nhân dân yên vui, đừng bàn luận nhiều những điều huyền diệu.

Nay thế đạo nhân tâm đã suy hãm đến cùng cực, thiên tai, nhân họa, giặc cướp đầy dẫy, nếu chẳng dùng nhân quả, báo ứng, sanh tử, luân hồi để giáo huấn, quyết khó thể nào đạt được hiệu quả. Nên biết rằng: Sự lý nhân quả ba đời, sanh tử, luân hồi do đức Phật ta đã nói chiếu rạng ngời như mặt trời, mặt trăng, là đuốc huệ trong đêm dài vô minh; giảng kinh, niệm Phật, hồi hướng cầu sanh thế giới Cực Lạc chính là thuyền Từ trong biển khổ sanh tử, muốn vãn hồi kiếp vận mênh mông này mà bỏ pháp này thì không còn nhờ vào đâu được nữa! (Ngày Hai Mươi Hai tháng Giêng năm Dân Quốc 26 – 1937).

(thư thứ hai)

Từ tháng Giêng cho đến tháng Bảy nhận được bốn lá thư và bản thảo cuốn Liên Tông Tam Chủng Hiệt Yếu (ba thứ trích yếu trong Liên tông), bản thảo cuốn Tịnh Độ Tam Tự Kinh, và thư của ông Châu Lập Tri giới thiệu ông Đàm Hạo Nhiên xin quy y v.v… đủ chứng tỏ tâm Ngài tha thiết vì pháp, có lòng yêu mến tôi sâu xa. Tôi đã dặn [Hoằng Hóa Xã] gởi hai mươi gói Tịnh Độ Thập Yếu, hai mươi gói Tịnh Độ Thánh Hiền Lục, mười gói Sơ Cơ Tiên Đạo (hướng dẫn ban đầu cho kẻ sơ cơ), hai mươi gói Kỹ Lộ Chỉ Quy (chỉ đường về nơi ngã rẽ), hai mươi gói Vật Do Như Thử (loài vật còn như thế), mười gói Bát Đức Tu Tri (những điều nên biết về tám đức), mười gói Tam Kinh Chú (chú giải ba kinh Tịnh Độ) và Công Dư Tu Dưỡng (tu dưỡng trong khi rảnh rỗi việc công), tổng cộng là một trăm mười gói, đã đem ra bưu điện gởi sang đất Kiềm (Quý Châu). Khoản tiền gởi đến là năm trăm hai mươi đồng đã giao cho nhà in.

Hai cuốn sách Liên Tông Tam Chủng Hiệt Yếu và Tịnh Độ Tam Tự Kinh do tọa hạ đã biên soạn phương pháp rất hay, ý tưởng rất tuyệt, đơn giản, thẳng chóng, sáng sủa, tùy theo căn cơ lập cách giáo hóa, có thể nói là những điều trọng yếu nhất của những điều trọng yếu trong Tịnh Tông, hãy mau chóng cho in ra lưu thông để được truyền bá rộng rãi, khiến cho khắp những ai trông thấy đều thọ trì, làm chiếc bè báu để độ sanh, làm tư lương trở về Lạc Bang, chẳng phụ bi tâm vô lượng của tọa hạ.

Đối với chương trình đơn giản ở Quý Lâm thì không nhất định phải chiếu theo chương trình tổ chức của Linh Nham mà hãy nên chiếu theo [đặc điểm] của địa phương để tùy theo căn cơ lập cách, chiếu theo thời thế, tình người mà sửa đổi, hoạch định chương trình. Đức Thế Tôn chế luật, tổ sư định Thanh Quy nhằm giúp cho người học có cái để vâng giữ trong bảy chi, bốn oai nghi[1] vậy. Gần đây, nước nhà gặp nạn đến mức nghiêm trọng, tọa hạ hoằng hóa, phần nhiều hãy nên xiển dương nhân quả, báo ứng, chỉ dạy, giảng nói tường tận đường lối giáo dục trong gia đình để các đồng nhân ấy đều giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, đánh đổ lòng ham muốn xằng bậy của chính mình để khôi phục lễ nghĩa, đừng làm các điều ác, vâng giữ những điều lành, tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tây Phương, ắt sẽ sống thì dự vào bậc hiền thánh, chết sẽ về cõi Cực Lạc. Phương tiện khuyên chỉ, sẽ thấy hiền tài dấy lên đông đảo, kiếp vận tiêu ngay, thiên hạ thái bình, nhân dân yên vui (Ngày Hai Mươi tháng Bảy năm Dân Quốc 28 – 1939).

***

[1] Có hai cách hiểu chữ Thất Chi:

1) Thân khẩu thất chi: Tức những điều ác nơi thân và miệng (ba điều nơi thân tức Giết – Trộm – Dâm và bốn điều nơi miệng, tức nói dối, nói thêu dệt, nói đôi chiều và ác khẩu).

2) Bảy tụ (nhóm) giới trong giới luật tỳ-kheo, tức Ba-la-di, Tăng-tàn, Thâu-lan-giá, Ba-dật-đề, Ðề-xá-ni, Ác-tác, Ác-thuyết.

Tứ Nghi là bốn oai nghi: đi, đứng, nằm, ngồi.