ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH KHOA CHÚ
Đường Tam Tạng sa-môn Thật Xoa Nan Đà dịch
Cổ Diêm Khuông Am Thanh Liên bật-sô Linh Thừa soạn
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
3.2.3.2.2.2.1.5.2.3.1.2. Pháp dụ hợp thích (gộp chung pháp và thí dụ để giải thích)
3.2.3.2.2.2.1.5.2.3.1.2.1. Hợp mê nhân nhập hiểm (kết hợp với thí dụ người lạc lối đi vào đường hiểm)
(Kinh) Như mê lộ nhân, ngộ nhập hiểm đạo.
(經)如迷路人,誤入險道。
(Kinh: Như kẻ lạc đường, đi lầm vào đường hiểm).
Ứng hợp với đoạn văn từ “thí như hữu nhân” (ví như có người) cho đến “tức tao chư độc” (sẽ bị các thứ độc làm hại) trong phần trên.
3.2.3.2.2.2.1.5.2.3.1.2.2. Hợp tri thức chỉ mê (đối ứng với phần tri thức chỉ bảo kẻ mê)
3.2.3.2.2.2.1.5.2.3.1.2.2.1. Mê nhân tự xuất (người mê tự ra khỏi)
(Kinh) Ngộ thiện tri thức, dẫn tiếp linh xuất, vĩnh bất phục nhập.
(經)遇善知識,引接令出,永不復入。
(Kinh: Gặp thiện tri thức dẫn dắt ra khỏi, vĩnh viễn chẳng còn vào trong đó nữa).
Tương ứng với đoạn kinh văn từ “hữu nhất tri thức” (có một vị tri thức) cho đến “diệc sanh cảm trọng” (cũng sanh lòng cảm kích sâu nặng).
3.2.3.2.2.2.1.5.2.3.1.2.2.2. Chuyển cáo tha nhân (nói lại với người khác)
(Kinh) Phùng kiến tha nhân, phục khuyến mạc nhập, tự ngôn nhân thị mê cố, đắc giải thoát cánh, cánh bất phục nhập.
(經)逢見他人,復勸莫入,自言因是迷故,得解脫竟,更不復入。
(Kinh: Gặp người khác, lại khuyên họ đừng vào, tự nói chính mình do mê muội [nên vào đó, nay] đã được giải thoát rồi, chẳng còn vào nữa).
Tương ứng với đoạn kinh văn “lâm biệt chi thời” (khi sắp chia tay) cho đến “tự thủ kỳ tử” (tự rước lấy cái chết). Phần kết hợp với phương tiện cứu bạt đã xong.
3.2.3.2.2.2.1.5.2.3.2. Hợp ác tập nan thoát (kết hợp phần kinh văn nói về chuyện khó thoát khỏi tập khí ác)
3.2.3.2.2.2.1.5.2.3.2.1. Dụ hợp (kết hợp với phần thí dụ)
(Kinh) Nhược tái lý tiễn, do thượng mê ngộ, bất giác cựu tằng sở lạc hiểm đạo, hoặc trí thất mạng, như đọa ác thú.
(經)若再履踐,猶尚迷誤,不覺舊曾所落險道,或致失命,如墮惡趣。
(Kinh: Nếu lại đi vào, tức là vẫn còn mê lầm, chẳng biết trước kia đã từng rơi vào đường hiểm, hoặc đến nỗi phải mất mạng, như đọa trong đường ác).
Tương ứng với đoạn kinh văn [chúng sanh] “nan điều, nan phục, kết ác tập trọng, toàn xuất, toàn nhập” (khó điều phục, kết sử, tập khí ác nặng nề, vừa mới thoát ra lại trở vào ngay) trong phần trước. Ý nói: Đã thoát khỏi tam đồ, đã sanh làm trời, người, đáng lẽ nên tự chuyên ròng, siêng năng tu tập. Hiềm rằng tập khí ác chưa trừ, lại tạo ác nghiệp, lại vào trong tam đồ. Do vẫn mê cái gốc, lầm lạc vào đường hiểm, chẳng biết xưa kia đã từng lăn lóc trong đường ác hiểm nạn. Hoặc có kẻ rơi vào cảnh hiểm, nhưng chẳng mất mạng, do có chút điều lành thuở trước, thoát hiểm cũng nhanh chóng. Hoặc có lúc rơi vào cảnh hiểm đến nỗi mất mạng, giống như đọa trong đường ác. Không chỉ là chẳng dẹp trừ nghiệp duyên căn bản, mà còn mê muội chuyện trong đời trước!
3.2.3.2.2.2.1.5.2.3.2.2. Pháp hợp (kết hợp với pháp)
(Kinh) Địa Tạng Bồ Tát phương tiện lực cố, sử linh giải thoát, sanh nhân thiên trung, toàn hựu tái nhập. Nhược nghiệp kết trọng, vĩnh xử địa ngục, vô giải thoát thời.
(經)地藏菩薩方便力故,使令解脫,生人天中,旋又再入。若業結重,永處地獄,無解脫時。
(Kinh: Địa Tạng Bồ Tát dùng sức phương tiện khiến cho họ được giải thoát, sanh làm trời, người, nhưng rồi họ lại đọa vào. Nếu nghiệp kết nặng nề, sẽ ở mãi trong địa ngục, chẳng có lúc giải thoát).
Ba câu từ “Địa Tạng” trở đi, xa là ứng hợp với phần kinh văn từ “Bồ Tát dĩ phương tiện lực” (Bồ Tát dùng sức phương tiện) cho đến “khiển ngộ túc thế chi sự” (khiến cho người ấy ngộ chuyện thuộc đời trước); gần thì ứng hợp với đoạn kinh văn từ “Địa Tạng Bồ Tát cụ đại từ bi” (Địa Tạng Bồ Tát trọn đủ lòng đại từ bi) cho đến “linh thọ diệu lạc” (khiến cho họ hưởng sự vui sướng mầu nhiệm). Câu “toàn hựu tái nhập” (nhưng rồi họ lại đọa vào), tương ứng với đoạn kinh văn từ “tự thị chúng sanh kết ác tập trọng” (các chúng sanh ấy kết sử, tập khí ác nặng nề) cho đến “nhi tác độ thoát” (làm cho họ độ thoát). Vì thế, kinh Ương Quật chép: “Ngã diệc bất vi phụ trái chi nhân, như Thân Đầu La, tốc vãng tốc phản” (Ta cũng chẳng phải là kẻ mắc nợ, giống như Thân Đầu La, đi nhanh rồi trở lại cũng nhanh), phù hợp khít khao với đoạn kinh văn ở đây (Thân Đầu La (Sindūra) là người ảo thuật của ngoại quốc. Họ diễn trò người bay, có thể bay tới bay lui trên hư không, qua lại rất nhanh). Đó là loại người nghiệp kết nặng nề, tạo thượng phẩm Thập Ác; đã kết nghiệp ấy, há mong chi giải thoát ư? Bởi lẽ, trong pháp vô ngã, họ lại chấp hữu, tạo nghiệp, đã mê Chân Đế, tự trái nghịch lý không tịch. Vì thế nói: “Trói do ta tự trói, cởi do ta tự cởi”. Nếu đối với mỗi pháp đều cầu Không, tự nhiên môn nào cũng đều giải thoát. Phần kinh văn Diêm La tán thán đã xong.
3.2.3.2.2.2.2. Quỷ vương hộ trợ (quỷ vương giúp hộ trì)
3.2.3.2.2.2.2.1. Ác Độc ủng hộ (Ác Độc quỷ vương ủng hộ)
3.2.3.2.2.2.2.1.1. Quỷ vương hộ thế (quỷ vương hộ trì thế gian)
3.2.3.2.2.2.2.1.1.1. Tự kỷ hành xứ (trần thuật chỗ du hành của chính mình)
(Kinh) Nhĩ thời, Ác Độc quỷ vương hiệp chưởng, cung kính bạch Phật ngôn: – Thế Tôn! Ngã đẳng chư quỷ vương, kỳ số vô lượng, tại Diêm Phù Đề.
(經)爾時,惡毒鬼王合掌,恭敬白佛言:世尊!我等諸鬼王,其數無量,在閻浮提。
(Kinh: Lúc bấy giờ, Ác Độc quỷ vương chắp tay, cung kính, bạch cùng đức Phật rằng: – Bạch Thế Tôn! Hàng quỷ vương chúng con số nhiều vô lượng ở trong Diêm Phù Đề).
Ác Độc là thủ lãnh của các quỷ vương, cho nên đứng ra thưa bày trước tiên. Trước hết, trần thuật số lượng và trụ xứ của các quỷ. “Số vô lượng”: Bao gồm các tinh linh thuộc các nhà, miếu trong chín châu, vạn quốc, hoặc là thủy phủ sơn tinh (các loài tinh quái ở dưới nước hoặc núi non), là thần gió, thần mưa, ba ngàn quyến thuộc, năm trăm đồ đảng. Đó là số lượng, chẳng thể tính đếm. Nếu bàn đến trụ xứ thì có chánh và phụ khác nhau. Chánh xứ (trụ xứ chánh yếu) thì ở năm trăm do-tuần phía dưới Diêm Phù Đề, do Diêm La thống lãnh, còn những trụ xứ phụ thì bất định. Quỷ có oai đức thì ở trong hang núi, trên hư không, bờ biển, đều có cung điện. Kẻ chẳng có oai đức bèn nương vào chỗ bất tịnh, phân nhơ, cỏ cây, mồ mả, nhà tiêu, gò mộ cũ, họ đều chẳng có nhà cửa, đều ở trong Diêm Phù Đề.
(Kinh) Hoặc lợi ích nhân, hoặc tổn hại nhân, các các bất đồng.
(經)或利益人,或損害人,各各不同。
(Kinh: Hoặc tạo lợi ích, hoặc tổn hại con người, mỗi mỗi khác nhau).
Từ “hoặc lợi ích” trở đi, nói rõ hạnh nghiệp của quỷ. Trong kinh Trường A Hàm, đức Phật bảo các tỳ-kheo: “Nhất thiết nam nữ sanh thời, giai quỷ thần tùy trục thủ hộ. Kim nhân hà cố hữu vị quỷ thần sở xúc nhiễu giả, hữu bất vị quỷ thần sở xúc nhiễu giả? Dĩ thế nhân vi phi pháp, hành tà kiến, tác Thập Ác nghiệp, như thị bách thiên nhân, nãi hữu nhất thần hộ nhĩ. Nhược tu thiện pháp, kiến chánh tín, tu Thập Thiện nghiệp, như thị nhất nhân hữu bách thiên thần hộ. Cố hữu vị quỷ thần xúc nhiễu, hữu bất vị xúc nhiễu” (Hết thảy nam nữ lúc sanh ra, đều có quỷ thần theo sát thủ hộ. Nay con người vì sao có kẻ bị quỷ thần quấy nhiễu? Có kẻ chẳng bị quỷ thần quấy nhiễu? Là do người đời làm điều phi pháp, hành tà kiến, tạo nghiệp Thập Ác. Trăm ngàn người như thế mới có một vị hộ thần bảo vệ. Nếu tu thiện pháp, kiến giải chánh tín, tu Thập Thiện nghiệp, người như thế được trăm ngàn vị thần bảo vệ. Do vậy, có kẻ bị quỷ thần quấy nhiễu, có người chẳng bị quấy nhiễu). Vì thế, thiện quỷ thần lợi ích người rất nhiều, ác quỷ thần tổn hại người rất nhiều.
Phàm bàn đến phương cách của quỷ thần thì họ đặc biệt yêu thích chỗ yêu mị, tà vạy, tối tăm, kín đáo, hoặc ở trong vách đá tối tăm, hoặc nương vào gò cao, hoặc ở trong suối vắng, rừng sâu, chốn đồng hoang, bãi vắng. Họ có âm thanh khác lạ, hình thế đặc biệt lạ lùng, khiến cho thần thức của phàm ngu xáo động, sanh lòng sợ hãi. Nếu họ có oai quang, sẽ giả dối hiện tướng quái lạ, tự tiện ra oai, giáng họa, xằng bậy làm chuyện tổn hại hay tăng ích, làm ngàn vạn những chuyện khác biệt.
(Kinh) Nhiên thị nghiệp báo, sử ngã quyến thuộc, du hành thế giới, đa ác, thiểu thiện.
(經)然是業報,使我眷屬,遊行世界,多惡少善。
(Kinh: Nhưng do nghiệp báo, khiến cho quyến thuộc của con du hành trong thế giới, ác nhiều, thiện ít).
Từ “nhiên thị” (nhưng do) trở đi, nói đến quả báo cảm vời bởi loài quỷ. Theo kinh Chánh Pháp Niệm Xứ, nhân hạnh của quỷ là do tham lam, ghen ghét, tà nịnh, siểm khúc, lừa dối, gạt gẫm, tích góp tài vật chẳng bố thí. Nương vào nghiệp nhân ấy, quả báo là sanh trong quỷ đạo. Ác tâm huân tập, tạo thành chủng tử, rất khó ăn năn, sửa đổi. Vì thế, quyến thuộc của quỷ vương du hành trong thế gian, ác nhiều, thiện ít. Sách thế gian nói quỷ thần chính là sự chứng nghiệm nhằm tỏ rõ họa phước trong cõi đời (Đạo Tuyên luật sư hỏi vị trời Lục Huyền Sướng về dấu vết xưa của chùa Tương Tư ở Phù Châu. Đáp: “Vào thời đức Phật Ca Diếp, sơn thần La Tử Minh là đệ tử đức Phật, sanh lòng căm ghét những kẻ phá giới, bèn phát nguyện làm ác quỷ ăn thịt những kẻ phá giới. Do lời nguyện, bèn thọ thân làm thần núi ấy. Cuộc đất do ông cai quản rộng hơn bảy ngàn dặm, trong mỗi năm ăn thịt hơn một vạn người. Đức Phật Ca Diếp giáo hóa, điều phục, ông ta bèn thọ Ngũ Giới. Do vậy, chẳng ăn thịt người nữa. Do sợ về sau ông ta sẽ biến đổi cái tâm, cho nên Phật để lại dấu tích ấy. Lại nữa, tại Bắc Sơn thuộc Tuần Châu ở Nam Hải, có chùa Linh Khám tại ranh giới huyện Hưng Ninh, có nhiều chuyện linh ứng. Đấy là do đệ tử của ngài Văn Thù làm thần núi ấy. Thần tạo nhiều ác nghiệp. Ngài Văn Thù xót thương, giáo hóa, sơn thần liền biết túc mạng, thỉnh Bồ Tát lưu lại dấu tích để ông ta lễ bái, phụng sự hòng lìa các ác. Ngài Văn Thù liền thị hiện, đến nay vẫn còn. Vào năm Trinh Quán thứ ba (629), sơn thần mạng chung, sanh lên trời Đâu Suất. Có một quỷ khác đến sống ở đó, tức là người nhà của vị thần cũ, tạo ác lớn lao. Vị thần cũ xót thương, thỉnh ngài Văn Thù hiện dấu tích nhỏ. Vị thần sau lại noi theo chánh pháp. Vì thế, có dấu tích thị hiện lớn nhỏ tại đó).
3.2.3.2.2.2.2.1.1.2. Hộ nhân tu vi (hộ vệ người tu hành)
3.2.3.2.2.2.2.1.1.2.1. Sở lịch thiện xứ (đi qua chỗ tốt lành)
(Kinh) Quá nhân gia đình, hoặc thành, ấp, tụ lạc, trang viên, phòng xá.
(經)過人家庭,或城邑聚落,莊園房舍。
(Kinh: Đi qua nhà của người ta, hoặc thành, ấp, xóm làng, trang viên, nhà cửa).
Trước hết, nói về chỗ quỷ thần đi qua. Tôi trộm cho rằng: Người đời làm lành kín đáo, được báo rõ rệt, người đời gọi đó là Âm Đức, ai nấy đều tin tưởng. Làm ác rõ rệt, bị quả báo ngấm ngầm, lý ấy rành rành, sao chẳng chịu tin? Vì thế, thánh nhân phơi bày phước để khuyến thiện, chỉ bày họa để răn ác. Phàm họa phước vốn có căn cội, chẳng thể không có nhân mà xằng bậy xảy đến được! Do thiện hay ác mà sẽ đạt được quả báo, ắt chẳng phải là “không đáng có mà bỗng dưng hứng chịu”. Trong quyển hai mươi của kinh Trường A Hàm, đức Phật bảo các tỳ-kheo: “Nhất thiết nhân dân sở cư xá trạch, giai hữu quỷ thần, vô hữu không giả” (Nơi nhà cửa của hết thảy nhân dân đều có quỷ thần, chẳng chỗ nào không có). Huống hồ còn có chư thiên đi trên không trung và các loài quỷ dạo trong thế gian!
Theo Minh Tường Ký ghi chép, đời Tấn, Triệu Thái (tự là Văn Hòa, người xứ Bối Khưu, Thanh Hà) bị đau tim chết đi. Có hai người dẫn ông ta tới Thái Sơn, theo phía Nam vào một cái cửa đen. Có người mặc áo đỏ chót, ngồi trong một căn nhà to. [Các người hầu] theo thứ tự gọi tên, tra hỏi tội phước lúc còn sống, [răn đe]: “Các ngươi hãy nói thật. Chốn này luôn sai sứ giả thuộc lục bộ thường ở trong nhân gian, ghi chép cặn kẽ thiện, ác đầy đủ từng điều một. Chẳng thể dối trá được đâu!” Vì thế, Thái Thượng nói: “Thiên địa hữu tư quá chi thần. Hựu hữu Tam Thai, Bắc Đẩu thần quân, Tam Thi thần, Táo thần. Phàm nhân hữu quá, đại tắc đoạt kỷ, tiểu tắc đoạt toán” (Trong trời đất có thần chuyên soi xét tội lỗi. Lại có Tam Thai, Bắc Đẩu thần quân, thần Tam Thi, Táo thần. Hễ kẻ nào có lỗi, lớn thì giảm thọ mười hai năm, nhỏ thì giảm bớt tuổi thọ). Vì thế, chẳng thể không cẩn thận!
(Kinh) Hoặc hữu nam tử, nữ nhân, tu mao phát thiện sự, nãi chí huyền nhất phan, nhất cái, thiểu hương, thiểu hoa, cúng dường Phật tượng, cập Bồ Tát tượng. Hoặc chuyển độc tôn kinh, thiêu hương, cúng dường nhất cú, nhất kệ.
(經)或有男子女人,修毛髮善事,乃至懸一旛一蓋,少香少華,供養佛像,及菩薩像。或轉讀尊經,燒香供養一句一偈。
(Kinh: Hoặc có nam tử, nữ nhân tu thiện sự bằng mảy lông tóc, thậm chí treo một lá phan, một cái lọng, dùng chút hương, chút hoa cúng dường tượng Phật và tượng Bồ Tát, hoặc đọc tụng tôn kinh, thắp hương cúng dường một câu, một bài kệ).
Kế đó, nói đến những việc thiện đã tu tập. Bất luận nhiều hay ít, thậm chí việc thiện cực nhỏ như sợi lông, cực bé như cái tóc. Lại còn bất luận là lo liệu kiến tạo chốn già-lam trang nghiêm, trang hoàng, tô đắp thánh tượng, thậm chí treo một lá phan hay một cái lọng, thắp chút hương, rải chút hoa để cúng dường tượng Phật, Bồ Tát. Như Triệu Thái đi vào địa ngục, ra khỏi cửa ngục, thấy có hai người cầm văn thư đến, bảo với viên nha lại coi ngục: “Có ba người mà nhà của họ đã treo phan, thắp hương nơi chùa, tháp để giải cứu tội cho họ, họ có thể ra khỏi ngục, đến phước xá”. Trong khoảnh khắc, ông ta thấy có ba người từ trong ngục ra, tự nhiên đã có y phục hoàn chỉnh nơi thân, đi về phía Nam, đến một tòa nhà lớn sáng bừng, ông Thái cũng theo vào. Trên giường vàng ngọc, thấy một vị thần, phi thường đẹp đẽ. Phủ Quân (Đông Nhạc đại đế) cung kính làm lễ. Ông Thái hỏi: “Ai thế?” Nha lại bảo: “Danh hiệu của Ngài là Thế Tôn, là vị thầy độ người. Ngài có nguyện khiến cho người trong ác đạo đều được thoát ra, nghe kinh”. Khi ấy, có một trăm vạn chín ngàn người đều ra khỏi địa ngục.
Vì thế, kinh Đại Phẩm Bát Nhã dạy: “Nhất hoa tán không, nãi chí tất khổ, kỳ phước bất tận” (Rải một đóa hoa lên không trung [để cúng dường Tam Bảo], cho đến khi hết khổ, phước ấy bất tận). Luận rằng: “Nói ‘chí tất khổ’ (cho đến khi hết sạch khổ) tức là khi hai thứ tử (Phần Đoạn và Biến Dịch) đều hết sạch. Ấy là nói: Cho đến khi đã thành Phật, phước do rải hoa ấy vẫn còn chưa tận!” Chuyện về phước do thắp hương rất nhiều. Hoặc tụng đọc kinh Địa Tạng Bồ Tát này, và các kinh Đại Thừa, thắp hương, cúng dường, bất luận đọc hết một bộ, hay hết một quyển, thậm chí một câu, một bài kệ! Ngài Kinh Khê nói “nhất cú, nhất kệ, tăng tấn Bồ Đề, nhất sắc, nhất hương, vĩnh vô thoái chuyển” (một câu, một kệ, tăng tấn Bồ Đề. Một sắc, một hương, vĩnh viễn chẳng lui sụt) chính là nói về điều này đấy chăng?
3.2.3.2.2.2.2.1.1.2.2. Lệnh hộ ác sự (truyền lệnh bảo vệ đừng để chuyện ác xảy đến cho nhà đó)
(Kinh) Ngã đẳng quỷ vương, kính lễ thị nhân, như quá khứ, hiện tại, vị lai chư Phật; sắc chư tiểu quỷ, các hữu đại lực, cập thổ địa phần, tiện linh vệ hộ.
(經)我等鬼王,敬禮是人,如過去,現在,未來諸佛。敕諸小鬼,各有大力,及土地分,便令衛護。
(Kinh: Hàng quỷ vương chúng con kính lễ người ấy như quá khứ, hiện tại, vị lai chư Phật; sắc truyền các tiểu quỷ, mỗi quỷ đều có oai lực lớn và các thần trực thuộc cuộc đất ấy hộ trì, bảo vệ người ấy).
Câu “ngã đẳng” (chúng con) cho thấy quỷ vương kính trọng điều thiện. Từ “sắc chư…” (sắc truyền các tiểu quỷ) trở đi, chỉ rõ [quỷ vương] sai khiến thuộc hạ hộ trì, trừ ác. Hỏi: Quỷ là loài ác, sao lại có thể trông thấy người làm lành bèn kính lễ như tam thế Phật vậy? Đáp: Nói tới Phật thì Ngài là đấng tu hết thảy thiện pháp mà chứng đắc. Nay các nam nữ tu các thiện sự, đó là họ đang vun bồi Phật quả, cho nên quỷ thần tôn kính. Họ có cùng một Thể chẳng hai với một ngàn vị Phật trong Quá Khứ Trang Nghiêm Kiếp, một ngàn vị Phật trong Hiện Tại Hiền Kiếp, và một ngàn vị Phật trong Vị Lai Tinh Tú Kiếp, há chẳng kính lễ như Phật ư? Nay họ có thể trừ bỏ các điều ác, là do các quỷ vương liền sai các tiểu quỷ, quỷ nào cũng có sức mạnh to lớn và các “thổ địa phần” ủng hộ, bảo vệ môn hộ. Vùng đất trực thuộc quyền cai quản của các ty sở [trong cõi âm] được gọi là “thổ địa phần”, tức là các vị thần quản trị địa phương vậy.
(Kinh) Bất linh ác sự, hoạnh sự, ác bệnh, hoạnh bệnh, nãi chí bất như ý sự, cận ư thử xá đẳng xứ, hà huống nhập môn!
(經)不令惡事橫事,惡病橫病,乃至不如意事,近於此舍等處,何況入門!
(Kinh: Chẳng để cho những chuyện ác, chuyện ngang trái, bệnh ác, bệnh ngang trái, cho đến những chuyện chẳng như ý đến gần nhà cửa thuộc chốn ấy, huống hồ là vào cửa!)
“Ác sự, hoạnh sự” như kinh La Vân Nhẫn Nhục có nói: “Nguyện dữ phước vi, dạ thường ác mộng, yêu quái thủ vĩ, phi họa tung hoành” (Điều ước nguyện mà trái nghịch với phước thì đêm thường gặp ác mộng, yêu quái lộn đầu trở đuôi, bay lượn tung hoành gieo họa). Nay đã tu phước, chẳng có chuyện ác ngang trái, cuộc sống thường an ổn, các họa tiêu diệt. “Ác bệnh, hoạnh bệnh”: Tiếng Phạn là Ca Ma La (Kāmalā), cõi này dịch là Hoàng Bệnh (黃病), còn dịch là Ác Cấu (惡垢), hoặc Lại Bệnh (癩病, bệnh cùi). San Nhược Bà, cõi này dịch là Phế Phong Bệnh, hễ phát ra sẽ không đứng dậy nổi. A Tát Xà (Asādhya), cõi này dịch là Bất Khả Trị Bệnh (bệnh không thể chữa được). Hoằng Minh Tập[1] viết: “Bệnh ắt phải chết thì dù thánh cũng chẳng thể trừ hết được. Bệnh có thể chữa trị sẽ do thuốc men mà lành”. Trên đây đều là những chứng bệnh dữ, không thể trị được.
Cũng có bệnh do ôn tai, tật dịch tiêm nhiễm, xâm nhập, khiến cho hao tài, hoặc đến nỗi mất mạng. Như đời Tống, Tư Mã Văn Tuyên khá tin tưởng Phật pháp. Em trai ông ta chết hơn một tháng, bỗng có một con quỷ dựa vào linh tòa. Khi ấy, có tăng chúng thuộc hai chùa Nam Lâm và Linh Vị đàm luận cặn kẽ với quỷ. Quỷ nói: “Xưa kia, tôi là người tôn quý, do phạm các điều ác, phải làm thân quỷ này. Từ năm Dần, có bốn trăm bộ quỷ gây tật dịch to lớn. Tai họa giáng xuống, theo đúng lẽ, chẳng gây phiền lụy cho người tu hành. Nhưng có những quỷ thừa cơ làm xằng rất đông, phần nhiều nhũng lạm phước thiện, nên sai ta đến giám sát”. Như vậy thì những kẻ bị bệnh ngang trái đều là do không tu thiện mà ra. Nay đã tu phước, thân mạnh khỏe, ít bệnh, tài phước đều vinh hiển, tôn quý. “Chẳng như ý” là như gia nghiệp suy đồi, hao tán, mọi sự chẳng hài hòa, chỗ ở không yên ổn, tâm thường sợ hãi. Nay đã tu phước, quỷ thần hộ vệ, lại còn chẳng để cho các điều ác đến gần chỗ ở, huống còn vào tận cửa ư?
3.2.3.2.2.2.2.1.2. Như Lai tán hỷ (Như Lai tán thán, hoan hỷ)
(Kinh) Phật tán quỷ vương: “Thiện tai! Thiện tai! Nhữ đẳng cập dữ Diêm La, năng như thị ủng hộ thiện nam nữ đẳng, ngô diệc cáo Phạm Vương, Đế Thích, linh vệ hộ nhữ”.
(經)佛讚鬼王:善哉!善哉!汝等及與閻羅,能如是擁 護善男女等,吾亦告梵王帝釋,令衛護汝。
(Kinh: Đức Phật khen ngợi quỷ vương: “Lành thay! Lành thay! Các ông và Diêm La có thể ủng hộ hàng thiện nam nữ như thế, ta cũng bảo Phạm Vương, Đế Thích hộ trì, bảo vệ các ông”).
Vì sao đức Như Lai tán thán, hoan hỷ? Bởi quỷ vương đa số hung ác, như một ngàn đứa con của Quỷ Tử Mẫu, năm trăm đứa ở trên trời nhiễu hại chư thiên, năm trăm đứa ở trong nhân gian, nhiễu hại các nhân dân, tột bậc ghen ghét, ác hại, khiến cho người khác phải giết chóc, nấu nướng cúng tế chúng, khiến cho họ phải vào địa ngục. Nay các quỷ vương và Diêm La thiên tử đã có thể ủng hộ nam nữ tu thiện như thế, khiến cho chẳng có ác sự, chuyện ngang trái, bệnh ác, và chuyện chẳng như ý đến gần nhà họ, có thể nói là tốt lành tột bậc! Vì một điều tốt lành là họ cải ác hộ trì cõi đời; điều thiện thứ hai là họ trừ tai ương ngang trái để tăng thêm điều tốt lành, cho nên đức Phật khen ngợi hai lần. [Đức Phật bảo] ta nay cũng sai người thống lãnh tiểu thiên thế giới là Đại Phạm, người chủ trì Dục Giới là Thích Đề Hoàn Nhân (Đế Thích) cùng nhau dùng sức trời để bảo vệ, gìn giữ các ông, chuyển đổi giường sắt, nước đồng sôi là những thứ tai ách trong hiện tại, [khiến cho các ông] thoát khỏi túc duyên chủ trì cõi u minh. [Những báo ứng tốt lành ấy] hoàn toàn do hộ pháp, bảo vệ điều thiện mà ra!
3.2.3.2.2.2.2.2. Chủ Mạng trợ tu (Chủ Mạng giúp tu tập)
3.2.3.2.2.2.2.2.1. Đương cơ bạch sự (bậc đương cơ thưa bày sự việc)
3.2.3.2.2.2.2.2.1.1. Chủ Mạng thuật ý (Chủ Mạng trần thuật tâm ý)
3.2.3.2.2.2.2.2.1.1.1. Trần ngã nghiệp duyên chủ mạng (trần thuật nghiệp duyên của tôi là trông coi về sanh mạng)
3.2.3.2.2.2.2.2.1.1.1.1. Kinh gia tự danh (người trùng tuyên kinh trần thuật danh hiệu)
(Kinh) Thuyết thị ngữ thời, hội trung hữu nhất quỷ vương, danh viết Chủ Mạng.
(經)說是語時,會中有一鬼王,名曰主命。
(Kinh: Khi nói lời ấy, trong hội có một quỷ vương tên là Chủ Mạng).
Ác Độc quỷ vương thưa chuyện đã xong, Chủ Mạng lại ra khỏi chỗ thưa trình chuyện của chính mình, vì sao vậy? Do cuộc sống của người đời có mạng mà thôi! Người tu thiện thì gọi là “vệ sanh” (衛生, bảo vệ sanh mạng); kẻ làm ác thì gọi là “tường sanh” (戕生, tàn hại sanh mạng). Thiên sách Thành Công[2] trong kinh Xuân Thu có nói: “Dân thọ thiên địa chi trung dĩ sanh, sở vị mạng dã” (Dân được sống trong vòng trời đất, đó gọi là Mạng). Do vậy, có khuôn phép về động tác, lễ nghĩa, oai nghi để định mạng. Người có thể tuân thủ những quy tắc ấy bèn dưỡng mạng, được phước; kẻ chẳng thể tuân thủ bèn bại mạng, mắc họa. Người đời nay chẳng hiểu ý quỷ vương bảo vệ con người, chỉ noi theo lề thói ác độc, có thể nói là tự tàn sát sanh mạng, nghịch thiên quá đỗi! Nhưng mạng trọng yếu ở trong lúc sanh tử; sống là mạng còn, chết là mạng tuyệt. Kinh Bảo Vũ dạy: “Như nhân phong lực, hữu xuất nhập tức, năng linh nhất thiết hữu tình hoạt mạng” (Như do sức gió mà có thở ra, hít vào, có thể khiến cho hết thảy hữu tình sống sót). Nhưng sự sanh tử của cái mạng như mặt trời, mặt trăng mọc, lặn, nghiệp thiện và nghiệp ác như bóng theo sát hình. Vì thế, trong lúc sanh tử, ắt cần phải tu thiện để bảo vệ sanh mạng. Chủ Mạng thưa bày sự việc, dụng ý ở tại chỗ này. Nhưng nói là Chủ, bất quá là ông ta trông coi mạng còn hay mất, há có thể ban cho hay đoạt mạng người ta, khiến cho họ được sống hay chết ư? Chức trách của những vị coi sóc án từ sanh tử trong địa ngục là như vậy đấy!
3.2.3.2.2.2.2.2.1.1.1.2. Quỷ vương trần sự (quỷ vương trình bày sự việc)
3.2.3.2.2.2.2.2.1.1.1.2.1. Trần kỷ sở chủ sự (thưa trình sự việc do chính mình cai quản)
(Kinh) Bạch Phật ngôn: “Thế Tôn! Ngã bổn nghiệp duyên, chủ Diêm Phù nhân mạng, sanh thời, tử thời, ngã giai chủ chi”.
(經)白佛言:世尊!我本業緣,主閻浮人命,生時死時,我皆主之。
(Kinh: Bạch cùng đức Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Nghiệp duyên của con vốn là chủ trì sanh mạng của Diêm Phù Đề, lúc sanh ra, lúc chết đi, con đều làm chủ”).
Trước hết, nêu ra nghiệp duyên, do hết thảy chúng sanh bị chuyển theo nghiệp của chính mình. Nếu tạo tác ác hạnh keo kiệt, tham lam tăng thượng nơi thân, ngữ, ý, sẽ sanh vào cõi Diễm Ma (琰摩, cõi của vua Diêm La), cảm vời nghiệp đói khát trải qua trăm ngàn năm, chẳng nghe tên nước, há có thể trông thấy, huống hồ còn được chạm vào ư? Đấy là ngạ quỷ thuộc loại hèn kém nhất. Nếu là kẻ trong khi làm ác, lại kiêm hành cái nhân bố thí, sẽ sanh vào đường quỷ, rất có oai đức, làm các quỷ vương. Tuy làm một vị vua oai đức, nhưng luôn bị chư thiên sai khiến, giữ cửa, tuần phòng, dẫn đường, hầu hạ, vẫn là bị trói buộc bởi nghiệp. Chức trách của vị Chủ Mạng này cũng là theo nghiệp mà làm, vì thế nói “ngã bổn nghiệp duyên chủ Nam Châu nhân mạng” (nghiệp duyên của con vốn là chủ trì sanh mạng loài người trong Nam châu). Lúc sống, lúc chết của họ trực thuộc chức trách coi sóc của con, chẳng thể trái nghịch được!
3.2.3.2.2.2.2.2.1.1.1.2.2. Minh nhân bất hội ý (nói rõ: Người đời chẳng hiểu ý)
(Kinh) Tại ngã bổn nguyện, thậm dục lợi ích, tự thị chúng sanh, bất hội ngã ý, trí linh sanh tử câu bất đắc an.
(經)在我本願,甚欲利益,自是眾生,不會我意,致令生死俱不得安。
(Kinh: Bổn nguyện của con là muốn cho họ đạt được lợi ích rất lớn, nhưng do chúng sanh chẳng hiểu ý con, đến nỗi khi sanh cùng tử đều chẳng được an ổn).
“Ý” là nói đến sự suy lường, nghĩa là tâm con vốn suy tính mong [lợi ích chúng sanh] như thế, hiềm rằng người đời chẳng thấu hiểu tâm con, chống trái ý con. Đã trái phạm tâm con, khiến cho con chẳng thể che chở cho họ được. Vì thế đến nỗi kẻ sanh nở hoặc người chết đi đều chẳng được an lạc! Đấy chính là con người tự chuốc lấy ương họa, chẳng phải là tội lỗi của con!
3.2.3.2.2.2.2.2.1.1.2. Chuyển thích nhân bất hội ý (giải thích người đời không hiểu ý quỷ vương như thế nào)
3.2.3.2.2.2.2.2.1.1.2.1. Cấm sanh thời sát hại (răn cấm lúc sanh nở đừng giết hại)
3.2.3.2.2.2.2.2.1.1.2.1.1. Tu thiện đắc lạc (tu thiện được an vui)
(Kinh) Hà dĩ cố? Thị Diêm Phù Đề nhân, sơ sanh chi thời, bất vấn nam nữ, hoặc dục sanh thời, đản tác thiện sự, tăng ích xá trạch, tự linh thổ địa vô lượng hoan hỷ, ủng hộ tử mẫu, đắc đại an lạc, lợi ích quyến thuộc.
(經)何以故?是閻浮提人,初生之時,不問男女,或欲生時,但作善事,增益舍宅,自令土地無量歡喜,擁護子母,得大安樂,利益眷屬。
(Kinh: Vì sao vậy? Người trong cõi Diêm Phù Đề này, lúc mới sanh ra, chẳng cần biết là trai hay gái, hoặc lúc sắp sanh, chỉ nên làm chuyện lành để tăng thêm ích lợi cho nhà cửa, sẽ khiến cho thổ địa hoan hỷ vô lượng, ủng hộ mẹ lẫn con đều được an lạc to lớn, lợi ích quyến thuộc).
Lần lượt giải thích “ý” [của Chủ Mạng quỷ vương] là như thế nào? Phàm con người đầu thai, đều do nương theo túc nghiệp. Kinh Tu Hành Đạo Địa dạy: “Nhân hạnh bất thuần, hoặc thiện, hoặc ác. Đương chí nhân đạo phụ mẫu hợp hội, tinh bất thất thời, tử lai ứng sanh. Kỳ mẫu thai thông, vô sở câu ngại. Tâm hoài hoan hỷ, phụ thời tinh hạ, tức thất Trung Ấm, tắc nhập bào thai” (Con người do hạnh chẳng thuần là thiện hay ác, đến khi cha mẹ trong loài người giao hợp, tinh chẳng bị rò rỉ mất, con bèn đến sanh vào đó. Thai mẹ thông suốt, không bị trở ngại gì. [Người đầu thai] ôm lòng hoan hỷ, khi cha xuất tinh, [thần thức của con] sẽ mất đi thân Trung Ấm, liền gá vào trong bào thai). Vì thế, khuyên trong lúc ấy, chỉ nên làm chuyện lành, sẽ tăng thêm oai quang cho nhà cửa, tăng niềm hoan hỷ cho thổ địa.
“Xá” (舍) [theo nghĩa gốc] là có thể thở ra thoải mái trong ấy, Trạch (宅) là “trạch” (擇, chọn lựa), tức là chọn nơi tốt lành để kiến tạo. “Thổ” (土) là Thổ (吐, phun ra), hàm ý sanh ra vạn vật. Địa (地) là Đế (諦, chắc chắn). Do năm loại đất[3] sanh ra thì không ai chẳng tin chắc thật!
Theo kinh Trường A Hàm, lúc con người mới sanh [trên đại địa], tranh cãi đúng sai, lớp đất cứng [trên mặt đất] chưa hiện ra, họ cùng nhau lấy gạo tẻ ăn vào, thân thể trở nên thô xấu, biến thành có hình dạng nam, nữ. Nhìn ngó lẫn nhau, bèn sanh dục tưởng, cùng ở chỗ kín đáo, làm chuyện bất tịnh. [Nam nhân] bị người khác quở trách, tự hối lỗi nói: “Ta đã làm sai”, liền gieo mình xuống đất. Nữ nhân thấy người nam đó gieo mình xuống đất, chẳng đứng dậy, liền đưa thức ăn cho. Vì vậy, thế gian bèn có danh xưng bất thiện “chồng làm chủ”, gọi kẻ đưa thức ăn cho chồng là vợ. Sau đấy, chúng sanh bèn làm chuyện dâm dật, nhằm để tự che chắn, bèn tạo nhà cửa. Do nhân duyên ấy, mới có danh xưng “xá” (nhà). Dâm dật càng mạnh hơn, bèn thành vợ chồng. Có những chúng sanh khác, do tuổi thọ đã hết, phước đã tận, từ Quang Âm Thiên (Ābhāsvara) mạng chung, sanh vào thế gian này, ở trong thai mẹ. Do vậy, thế gian mới có danh xưng “xử thai” (ở trong thai mẹ). Đấy là nguồn gốc của vợ chồng, nhà cửa, thai sản. Thổ địa là người chủ trì việc bảo vệ nhà cửa, bảo vệ con người. Họ đã hoan hỷ, sẽ tự đến ủng hộ, khiến cho mẹ lẫn con đều được đại an lạc, lại còn lợi ích quyến thuộc. Lợi ích có hai điều:
– Lúc sanh nở, mẹ không bị tai biến gì, trước hết là khiến cho cả nhà hoan hỷ.
– Con đã được tăng thêm nhiều phước thiện, sau này, sẽ có thể khiến cho gia đình vẻ vang, thịnh vượng.
Kẻ trước kia đã làm việc lành, càng tăng thêm phước thọ. Kẻ xưa kia làm ác, cũng tiêu tội ấy.
ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH KHOA CHÚ
[1] Hoằng Minh Tập là bộ sách do ngài Tăng Hựu soạn vào đời Lương, gồm 14 quyển, chép các sự kiện Phật giáo trong ba trăm năm kể từ cuối đời Hán đến thời Lục Triều đời Ngụy – Tấn. Đây là một sử liệu rất quý vì có rất nhiều tác phẩm được trích dẫn trong khi nguyên tác của chúng đã thất truyền.
[2] Thiên Thành Công trong kinh Xuân Thu chép những chuyện xảy ra trong thời Lỗ Thành Công (Cơ Hắc Quăng) từ lúc ông ta lên ngôi dến khi mất tức là 590 trước Công Nguyên cho đến năm 573 trước Công Nguyên.
[3] Năm loại đất (ngũ thổ) là đất nơi núi rừng, đất do phù sa bồi đắp, đất nơi gò, đồi, đất nơi ven sông, suối, và đất thấp trũng. Có thuyết nói Ngũ Thổ là năm loại đất có màu sắc khác nhau (xanh, đỏ, trắng, đen, vàng). Thái Ung lại cho rằng nói “ngũ sắc thổ” chẳng qua chỉ là ứng với màu sắc của ngũ hành mà gọi đó thôi, chẳng hạn, đất vàng ở tại trung ương, tương ứng với hành Thổ, đất trắng tương ứng với hành Kim ở phương Tây v.v… Nói cách khác, theo Thái Ung, ngũ thổ chỉ là danh từ phiếm chỉ đất ở khắp các phương.