ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH KHOA CHÚ
Đường Tam Tạng sa-môn Thật Xoa Nan Đà dịch
Cổ Diêm Khuông Am Thanh Liên bật-sô Linh Thừa soạn
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
3.2.3.2.2.2.1.4.2. Thân thỉnh (thưa bày sự thỉnh cầu)
3.2.3.2.2.2.1.4.2.1. Trực thán thần thông (trực tiếp ca ngợi thần thông)
(Kinh) Nhi bạch Phật ngôn: “Thế Tôn! Ngã quán Địa Tạng Bồ Tát, tại lục đạo trung, bách thiên phương tiện nhi độ tội khổ chúng sanh, bất từ bì quyện. Thị đại Bồ Tát, hữu như thị bất khả tư nghị thần thông chi sự”.
(經)而白佛言:世尊!我觀地藏菩薩,在六道中,百千方便而度罪苦眾生,不辭疲倦。是大菩薩,有如是不可思議 神通之事。
(Kinh: Bèn bạch đức Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Con thấy Địa Tạng Bồ Tát ở trong lục đạo, trăm ngàn phương tiện để độ chúng sanh tội khổ, chẳng nài mệt nhọc. Vị đại Bồ Tát này có những chuyện thần thông chẳng thể nghĩ bàn như thế”).
“Tại lục đạo trung” (ở trong lục đạo): Kinh Chiêm Sát dạy: “Y bổn nguyện tự tại lực cố, quyền xảo hiện hóa, ảnh ứng thập phương, nhi ư ngũ trược ác thế, hóa ích thiên hậu, xảo diễn thuyết pháp, năng thiện khai đạo. Thử giai phương tiện lực dã. Đại yếu hiện Phạm Thiên, linh trừ kiêu mạn. Hóa nhân đạo, linh tu Thí, Giới. Địa ngục đại kỳ thọ khổ, ngạ quỷ linh kỳ bảo mãn, Tu La điều phục ác tâm, súc sanh sử đắc trí huệ. Tịnh linh câu xuất khổ luân, đồng đáo trí địa. Vô lượng kiếp lai, bất từ bì quyện” (Nương vào sức bổn nguyện tự tại, quyền biến khéo hiện hóa, ứng hiện phân thân trong mười phương, ở trong đời ác năm trược, giáo hóa, tạo lợi ích càng thêm sâu dầy. Khéo diễn nói pháp, khéo có thể khơi gợi, hướng dẫn. Đấy đều là sức phương tiện. Nói chung là hiện thân Phạm Thiên để trừ kiêu mạn, hóa hiện thân người để dạy tu bố thí, giữ giới. Chịu khổ thay cho chúng sanh trong địa ngục, khiến cho ngạ quỷ được no đủ, điều phục tâm ác của Tu La, khiến cho súc sanh đạt được trí huệ, cũng như khiến cho họ đều thoát khỏi khổ sở, cùng đạt đến trí địa. Từ vô lượng kiếp đến nay, chẳng nề hà mệt nhọc). Đấy chính là trí huệ dũng mãnh, thần thông chẳng thể nghĩ bàn.
Nói “sự” (𠭏) [tức là chữ Sự (事) viết theo lối cổ], tức là việc làm của con người. [Chữ Sự theo lối cổ] trên là Chi (㞢) dưới là Hựu (又, tức chữ Hữu (右) viết theo lối xưa), nắm giữ chữ Trung (中) ở chính giữa, có ý nghĩa gì? Ý nói vạn sự trong thiên hạ đều vốn phát xuất từ lòng người, chẳng có gì khác! Lòng người chính là khuôn phép tự nhiên. Sự việc đưa đến, cứ dùng tấm lòng của ta mà đối đãi, nhất quán muôn điều như một, không thái quá, mà cũng chẳng bất cập, đó gọi là “thiên tắc” (天則, khuôn phép của trời). Nay đức Địa Tạng dùng trăm ngàn phương tiện, hiện đủ loại thần thông, đều vốn là dùng Trung Đạo nhất tâm để ứng với mọi chuyện thuộc muôn mối. Độ chúng sanh khổ sở đều quy vào Trung Đạo. Đấy là đại sự nhân duyên có thể nghĩ bàn nổi chăng?
3.2.3.2.2.2.1.4.2.2. Chuyển thân nghi sự (trình bày sự việc nghi hoặc)
3.2.3.2.2.2.1.4.2.2.1. Chánh trần nghi bổn (nêu thẳng nguyên do sinh nghi)
(Kinh) Nhiên chư chúng sanh, thoát hoạch tội báo, vị cửu chi gian, hựu đọa ác đạo.
(經)然諸眾生,脫獲罪報,未久之間,又墮惡道。
(Kinh: Nhưng các chúng sanh vừa thoát tội báo, không lâu sau lại đọa vào đường ác).
Nói “vị cửu” (chưa lâu) là nói so sánh với tuổi thọ trong địa ngục Đẳng Hoạt, hoặc tuổi thọ của Tứ Thiên Vương. Năm mươi năm trong nhân gian bằng một ngày một đêm trên trời. Dẫu [trong nhân gian] đã qua một trăm năm, nơi cõi âm chỉ mới là hai ngày, há chẳng phải là [tội nhân] vừa mới thoát ra liền trở lại ngay, [cõi âm] rất chán ngán họ chẳng ngại phiền!
3.2.3.2.2.2.1.4.2.2.2. Phú thân nghi sự (nêu bày chuyện nghi ngờ)
(Kinh) Thế Tôn! Thị Địa Tạng Bồ Tát ký hữu như thị bất khả tư nghị thần lực. Vân hà chúng sanh nhi bất y chỉ thiện đạo, vĩnh thủ giải thoát?
(經)世尊!是地藏菩薩既有如是不可思議神力。云何眾生而不依止善道,永取解脫?
(Kinh: Bạch Thế Tôn! Vị Địa Tạng Bồ Tát này đã có thần lực chẳng thể nghĩ bàn như vậy. Cớ sao chúng sanh chẳng nương cậy thiện đạo để được giải thoát vĩnh viễn?)
Trong ý thưa hỏi ở đây, có hai tầng nghi vấn được nêu lên:
– Một là Bồ Tát đã có thần lực như vậy, đáng lẽ phải khiến cho họ nương theo thiện đạo, mãi mãi được giải thoát.
– Hai, chúng sanh trong lục đạo đã được Đại Sĩ giáo hóa, cũng phải nên an trụ trong thiện đạo để được giải thoát mãi mãi.
Nay chẳng phải như vậy, có phải là do thần lực của đức Địa Tạng chưa đủ mức? Hay là do tâm lực của chúng sanh chẳng tương xứng? Chữ Nị Địa (Nidhi) trong tiếng Phạn, dịch sang tiếng Hán là Y (依, nương cậy). Kinh Duy Ma dạy: “Thập Thiện thị Bồ Tát Tịnh Độ, chúng sanh năng y Thập Thiện, tự nhiên giải thoát sanh tử” (Thập Thiện là Tịnh Độ của Bồ Tát, chúng sanh có thể nương theo Thập Thiện, tự nhiên giải thoát sanh tử).
3.2.3.2.2.2.1.4.3. Nguyện thuyết (xin hãy nói)
(Kinh) Duy nguyện Thế Tôn, vị ngã giải thuyết.
(經)唯願世尊,為我解說。
(Kinh: Kính mong đức Thế Tôn hãy giải nói cho con).
3.2.3.2.2.2.1.5. Đáp thị hiển đức (trả lời, chỉ dạy, nêu rõ đức)
3.2.3.2.2.2.1.5.1. Tổng thị nan hóa (nêu tổng quát: Chúng sanh khó hóa độ)
(Kinh) Phật cáo Diêm La thiên tử: “Nam Diêm Phù Đề chúng sanh, kỳ tánh cang cường, nan điều, nan phục”.
(經)佛告閻羅天子:南閻浮提眾生,其性剛強,難調難 伏。
(Kinh: Đức Phật bảo Diêm La thiên tử: “Chúng sanh Nam Diêm Phù Đề, tánh khí ương ngạnh, khó điều phục”).
“Kỳ tánh” (tánh của họ) tức là tập tánh, cho nên nói là “cang cường” (ương ngạnh). Nếu là pháp tánh thì vốn sẵn nhu hòa. “Cang” (剛) là cứng cỏi. Đấy chẳng phải là sự cứng cỏi (cương nghị) trung chánh, thuần túy, mà là sự cứng đầu, táo bạo do bẩm tánh nóng nảy. Ví như voi ác, ngựa hèn, khó thể điều phục!
3.2.3.2.2.2.1.5.2. Biệt tán phương tiện (riêng tán thán phương tiện)
3.2.3.2.2.2.1.5.2.1. Dĩ pháp trực thị (dùng pháp để chỉ thẳng)
3.2.3.2.2.2.1.5.2.1.1. Ước Địa Tạng phương tiện cứu bạt (xét theo phương tiện cứu vớt của ngài Địa Tạng)
(Kinh) Thị đại Bồ Tát ư bách thiên kiếp, đầu đầu cứu bạt như thị chúng sanh, tảo linh giải thoát. Thị tội báo nhân, nãi chí đọa đại ác thú. Bồ Tát dĩ phương tiện lực, bạt xuất căn bản nghiệp duyên, nhi khiển ngộ túc thế chi sự.
(經)是大菩薩於百千劫,頭頭救拔如是眾生,早令解脫。是罪報人,乃至墮大惡趣。菩薩以方便力,拔出根本業緣,而遣悟宿世之事。
(Kinh: Vị đại Bồ Tát ấy trong trăm ngàn kiếp đã luôn luôn cứu vớt chúng sanh như thế, khiến cho họ sớm giải thoát. Những kẻ tội báo ấy, thậm chí đọa vào trong đường ác lớn, Bồ Tát dùng sức phương tiện dẹp trừ nghiệp duyên căn bản, khiến cho họ ngộ những chuyện thuộc đời trước).
Chúng sanh tánh tuy ương ngạnh, khó thể điều phục, nhưng Địa Tạng Bồ Tát chẳng xả lòng đại từ, mà luôn luôn cứu vớt. “Đầu đầu” còn nói là “xứ xứ”, ý nói “ngàn chốn, vạn nơi”. Câu “như thị chúng sanh” (chúng sanh như thế) chỉ rõ kẻ khó điều phục. Đối với kẻ ương bướng thì dùng mềm mỏng để dạy, khiến cho kẻ khó điều phục sẽ điều phục. Như Vương Lương và Tạo Phụ[1] khéo điều phục tánh ngựa, ắt khiến cho chúng nó đi vào khuôn khổ mới thôi! Nay đối với Tam Bảo, Thí, Giới, ắt đều làm cho họ tu trì. Giới thanh tịnh đã sanh, bèn đạt được giải thoát thanh tịnh. Vì thế, đối với kẻ tội báo nhẹ, nhỏ, bèn lập tức cứu vớt. Nếu phạm tội nặng, đáng đọa vào A Tỳ là chốn đường ác to lớn, Ngài cũng dùng sức phương tiện khéo léo để dẹp trừ nghiệp duyên căn bản của họ.
Từ ngữ A Phù Ha Na (Apattivyutthānaṁ) trong tiếng Phạn, dịch sang tiếng Hán là Bạt Trừ Tội Căn. Cần biết các điều ác, theo nghiệp thọ báo đều lấy Tam Độc làm gốc. Trong Tam Độc, tham ái là cội rễ. Như nắm lấy một đầu tấm vải, những phần còn lại đều xuôi theo. Đại Trí Độ Luận nói: “Nếu chẳng đoạn ái, ái bèn sanh trưởng tươi tốt. Vì thế, tứ sanh đều do ái khởi”. Do vậy, Thành Thật Luận viết: “Như chẳng nhổ rễ cây, cây vẫn còn sống. Rễ tham chẳng nhổ, cây khổ thường còn đó”. Vì thế biết tham ái là cái gốc của sanh tử. Nếu diệt tham dục thì gọi là Đệ Tam Đế (tức Diệt Đế). Kinh Thập Luân dạy: “Diệt trừ nhất thiết Hoặc chướng tập khí, do như liệt nhật tiêu thích khinh băng” (Diệt trừ hết thảy Hoặc chướng, tập khí, ví như mặt trời chói rực làm tan ngay băng mỏng). Vì thế, bài kệ Vô Thường có đoạn viết: “Minh nhãn, vô quá huệ, hắc ám, bất quá si” (Mắt sáng chẳng hơn huệ; tối tăm chẳng hơn si). Nay nghiệp duyên căn bản đã nhổ trừ, tự ngộ những chuyện thuộc về đời trước. Ví như lau đi lau lại gương cổ, ánh sáng thường hằng của nó sẽ tự hiện.
3.2.3.2.2.2.1.5.2.1.2. Ước chúng sanh ác tập nan thoát (nói theo phía chúng sanh khó thoát tập khí ác)
(Kinh) Tự thị Diêm Phù chúng sanh kết ác tập trọng, toàn xuất, toàn nhập, lao tư Bồ Tát cửu kinh kiếp số, nhi tác độ thoát.
(經)自是閻浮眾生結惡習重,旋出旋入,勞斯菩薩久經劫數,而作度脫。
(Kinh: Chính vì chúng sanh trong cõi Diêm Phù kết sử và tập khí ác nặng nề, vừa mới thoát ra, lập tức trở vào, nhọc nhằn Bồ Tát trải qua kiếp số lâu xa độ thoát họ).
Chữ “Tự” hàm ý: Phương tiện cứu vớt như thế, đáng lẽ họ phải là nơi nào cũng đều được giải thoát. Nay không thể như thế là vì chúng sanh tự tạo ác nghiệp, tự mình trói mình, chẳng phải là lỗi của Bồ Tát! “Kết ác tập trọng” (kết sử và tập khí ác nặng nề) chính là từ ngữ khẩn yếu: Cội nguồn sanh tử nói đại lược là Tam Kết, tức Thân Kiến, Giới Thủ, và Nghi, nói rộng là tám mươi tám Sử v.v… Do Kết Ác mà tạo mười tập nhân, tức tập, tham, mạn, sân, trá (dối trá), cuống (lừa dối), oán, kiến (chấp vào kiến giải, có thành kiến), uổng (làm chuyện oan uổng), tụng tập (quen thói thưa kiện, tranh chấp), thọ sáu giao báo[2]. Do vậy, họ vừa mới ra khỏi tam đồ, lại lập tức trở vào chỗ khổ sở cùng cực, đến nỗi nhọc công ngài Địa Tạng trải qua nhiều kiếp đã lâu như số vi trần, khởi vô lượng phương tiện để tạo nhân duyên độ thoát. Há chẳng phải là do tập khí ác của chúng sanh lôi kéo, vướng vất đến nỗi Bồ Tát nhọc nhằn giáo hóa đã lâu mà chẳng thể kết thúc ư?
3.2.3.2.2.2.1.5.2.2. Dĩ dụ thích minh (dùng thí dụ để giải thích rõ)
3.2.3.2.2.2.1.5.2.2.1. Mê nhập hiểm đạo (mê muội đi vào đường hiểm)
(Kinh) Thí như hữu nhân, mê thất bổn gia, ngộ nhập hiểm đạo.
(經)譬如有人,迷失本家,誤入險道。
(Kinh: Ví như có kẻ mê mất nhà mình, đi lầm vào đường hiểm).
Đoạn này chia làm ba tiểu đoạn. Đầu tiên là do mê cội gốc mà vào đường hiểm. “Hữu nhân” (có kẻ): Ví như chúng sanh trong ác đạo. “Nhân quả chẳng quên” là Có. “Kẻ” [ở đây] chính là người chịu đựng, tức chịu đựng nỗi khổ ngũ trược. Cõi Thường Tịch Quang là “bổn gia” (nhà của chính mình). Chúng sanh Thập Ác vốn là con của Như Lai; chỗ khổ sở trong tam đồ, không gì chẳng phải là “nhà thường tịch”! Do chẳng biết pháp Chân Như là một, gió bất giác vô minh thổi lên, phiêu bạt nơi nước lạ, đọa lạc chốn quê người! Đã quên quê hương, bèn mê mất lối về. Mải mê đuổi theo cảnh, dấn thân vào đường hiểm. Sách Pháp Hoa Văn Cú giải thích câu “hiểm nạn ác đạo” (đường ác hiểm nạn) trong kinh Pháp Hoa là cách nói sánh ví tổng quát về nhân quả sanh tử trong chín pháp giới. Vì thế nói là Phần Đoạn và Biến Dịch, tức là sự hiểm nạn nơi cái quả. Kiến Tư ngũ trụ chính là sự hiểm nạn nơi cái nhân. Do nhân duyên ấy, cho nên nói là “ác đạo”. Nay dựa theo câu kinh văn trong phần tiếp theo, tức câu “sanh nhân thiên trung, linh thọ diệu lạc” (khiến cho họ sanh trong cõi trời, người, hưởng niềm vui mầu nhiệm), sẽ thấy: Tam đồ được coi là “đường hiểm” là vì chẳng nương theo lời dạy hành Thí, Giới để sanh thiện, đến nỗi lầm lạc đọa vào ba ác đạo!
(Kinh) Kỳ hiểm đạo trung, đa chư Dạ Xoa, cập hổ, lang, sư tử, nguyên, xà, phúc, yết.
(經)其險道中,多諸夜叉,及虎狼師子,蚖蛇蝮蠍。
(Kinh: Trong đường hiểm ấy, có nhiều Dạ Xoa, và cọp, sói, sư tử, cắc kè, rắn, độc trùng, bò cạp).
Đoạn thứ hai là đường hiểm có nhiều sự ác, do có nhiều Dạ Xoa v.v… Dạ Xoa, có trí, có thần thông, bay đi nhanh chóng; ví như Lợi Sử, tà kiến, báng bổ vô nhân quả, có trí biện tài nhanh chóng. Chánh Tâm Địa Quán nói: “Tâm như Dạ Xoa vì có thể ăn các thứ pháp công đức”. “Hổ, sói”: Súc sanh ngu độn, ương bướng, ví như Độn Sử. Theo Câu Xá Luận, do kiêu mạn lừng lẫy, sẽ sanh trong loài sư tử, hổ, sói. Do sân khuể lừng lẫy, sanh trong loài nguyên, xà, phúc, yết. Như vậy thì hổ, sói, sư tử đều ví như Mạn Sử. Nay xét ra, Tam Độc là cái gốc của thân, khẩu, cho nên hổ được sánh ví như Mạn Sử. Như kinh Phân Biệt Thiện Ác đã dạy: “Kiêu ngạo thường mạn nhân, hậu sanh vi mãnh hổ cố dã” (Kẻ kiêu ngạo, thường khinh mạn, về sau, sanh làm cọp dữ). Sói ví như Tham Sử, do sói mong cầu thức ăn, không no bụng sẽ không ngừng; cho nên nói là “tham lang” (貪狼, tham lam, hung tàn). Sư tử biểu thị Si Sử, do xưa kia trì giới tuy nghiêm ngặt, nhưng chẳng có huệ thanh tịnh, chấp vào giới mà khinh mạn kẻ khác, cho nên đọa làm súc sanh. Do sức của giới mà làm vua các loài thú. Không có huệ tức là si, cho nên dùng sư tử để sánh ví Si Sử.
Nguyên, xà, phúc, yết ví như Sân Sử. “Nguyên” (蚖) là Thủ Cung (守宮, cắc kè), loài sống trên tường thì gọi là Yển Đình (蝘蜓, cắc kè đốm), sống nơi bãi sông gọi là Tích Dịch (蜥蜴, thằn lằn cát, hoặc con giông). Do loài này sẵn có rất nhiều chất độc, không đụng đến nó vẫn cắn, cho nên sánh ví như giận dữ phi lý. Dương Tử nói: “Cắc kè không nể nang ai”. Phúc (蝮) là Đào Diên (蜪蝝), [tức một loại độc trùng], hễ nó chích vào tay thì phải chặt tay, chích vào chân thì phải chặt chân; có hại cho thân. Yết hổ (蠍虎, bò cạp) là một loại độc trùng chích người. Nhưng đụng vào nó thì nó mới chích, nên ví như kẻ chấp vào lý mà sân. Chẳng dùng rết để sánh ví sự sân hận vì hý luận, do trong tam đồ không có hý luận.
(Kinh) Như thị mê nhân, tại hiểm đạo trung, tu du chi gian, tức tao chư độc.
(經)如是迷人,在險道中,須臾之間,即遭諸毒。
(Kinh: Kẻ mê như thế, ở trong đường hiểm, trong khoảnh khắc sẽ bị các thứ độc làm hại).
Đoạn thứ ba là ở trong đường hiểm đụng phải các thứ độc. “Như thị mê nhân” (Kẻ mê như thế): Ý nói kẻ mê muội thật nặng, chẳng biết Tứ Đế, đến nỗi lưu lạc trong đường hiểm Thập Sử.
“Tu du tao độc” (Trong khoảnh khắc, sẽ gặp phải các thứ độc): Do một niệm có chín mươi sát-na, trong một sát-na có chín trăm lần sanh diệt. Giảm tổn trong mỗi niệm, chẳng hề tăng trưởng, ví như thác nước trên núi, [cứ tuôn chảy] chẳng thể ngưng dứt; cũng như sương sớm, chẳng tồn tại lâu dài! Vì thế, nói là “trong khoảnh khắc, sẽ gặp gỡ các thứ độc”.
“Các thứ độc”: Theo kinh Niết Bàn, rắn có bốn thứ độc là kiến độc (trông thấy nó liền bị trúng độc), xúc độc (chạm vào nó liền bị trúng độc), khiết độc (bị nó cắn mà trúng độc), thích độc (bị nó mổ mà trúng độc). Hổ, sói, sư tử, gấu nâu, gấu ngựa, mèo, chồn, chim ưng, diều hâu, có đủ các thứ độc hại, nếu chẳng phải là đường hiểm thì là gì vậy?
3.2.3.2.2.2.1.5.2.2.2. Tri thức chỉ mê (tri thức chỉ điểm kẻ mê)
(Kinh) Hữu nhất tri thức, đa giải đại thuật, thiện cấm thị độc, nãi cập Dạ Xoa, chư ác độc đẳng.
(經)有一知識,多解大術,善禁是毒,乃及夜叉諸惡毒等。
(Kinh: Có một vị tri thức hiểu nhiều phương tiện rộng lớn, khéo ngăn cấm các độc ấy và Dạ Xoa, các thứ ác độc v.v…)
“Tri thức” chỉ đức Địa Tạng, thường nói là “chỉ có mình ta là có thể cứu vớt, che chở”, cho nên nói là “nhất”. Kinh Tư Ích nói: “Ư đọa tà đạo chúng sanh, sanh đại bi tâm, linh nhập chánh đạo, bất cầu ân báo, thị danh đạo sư” (Đối với chúng sanh đọa vào đường tà, bèn sanh tâm đại bi, khiến cho họ nhập chánh đạo, chẳng cầu báo ân, nên gọi là đạo sư), đấy chính là tri thức. Do “đa giải đại thuật, thiện cấm thị độc” (hiểu nhiều phương tiện rộng lớn, khéo ngăn cấm các thứ độc) cho nên gọi là tri thức. Dùng phương tiện nhiệm mầu dể tùy cơ gợi mở, hướng dẫn, rộng nói các luận thuyết Thí, Giới, sanh thiên, chỉ dạy rộng khắp các môn Đế, duyên, đạo phẩm. Trí huệ rộng sâu thì gọi là “đa giải” (hiểu nhiều). Phương tiện xảo diệu gọi là “đại thuật”. “Thiện cấm độc” (khéo cấm chế các thứ độc) là nói Đạo phẩm để đối trị các chất độc của Tập Đế, như đối với kẻ tham nhiều, liền dạy họ quán bất tịnh v.v… (Theo kinh Thiện Tín, có một vị thần cây thuốc, tên là Ma La Đà Kỳ, chuyên khắc chế vạn độc trong thiên hạ. Có con rắn thần, thân dài một trăm hai mươi thước, bò đi kiếm ăn. Có con trùng đầu đen, thân dài một trượng năm thước, chạm mặt rắn, rắn liền ngóc đầu mổ trùng. Nghe mùi thuốc, rắn liền gục đầu muốn bò đi. Thân nó vướng vào cây thuốc, đứt ra làm hai đoạn. Phần đầu sống sót, bò mất, phần đuôi thối nát. Các loài độc vật nghe mùi thối của rắn, các thứ khí độc ác thảy đều tiêu diệt).
(Kinh) Hốt phùng mê nhân, dục tấn hiểm đạo, nhi ngữ chi ngôn: “Đốt tai nam tử! Vị hà sự cố, nhi nhập thử lộ? Hữu hà dị thuật, năng chế chư độc?”
(經)忽逢迷人,欲進險道,而語之言:咄哉,男子!為何事故,而入此路?有何異術,能制諸毒?
(Kinh: Chợt gặp kẻ mê muốn vào con đường hiểm, bèn bảo rằng: “Ô hay ông kia! Vì duyên sự gì mà vào đường này? Ông có pháp thuật lạ có thể ngăn trừ các thứ độc hay chăng?”)
Từ “hốt phùng” (chợt gặp) trở đi, nói rõ Đại Sĩ chỉ ra phương cách thoát khỏi tam đồ. Không quen biết mà gặp gỡ thì gọi là “hốt phùng” (忽逢). Sắp vào nhưng chưa vào thì bảo là “dục tấn” (欲進), tương phản với “ngoa nhập” (譌入, đã lầm lạc tiến vào). “Ngữ chi” (語之) là bảo ban. Ấy là vì xưa kia đã hóa độ khiến cho kẻ ấy thoát khổ, hiềm rằng [kẻ ấy] chí tánh bất định, lại tạo ác nghiệp, lại vào tam đồ. Vì thế, lo sầu, kinh hãi mà bảo ban. “Đốt tai” (咄哉) là từ ngữ cảnh tỉnh. “Nam tử” hàm ý cảnh giác. Nam tử là trượng phu, kinh Đại Thừa nói: “Có thể thấy Phật tánh thì gọi là trượng phu”. Nay đã mê Phật tánh, cho nên dùng từ ngữ “nam tử” để cảnh tỉnh người ấy nhận biết [Phật tánh] vốn sẵn có.
Kinh Thập Luân nói: “Như mê phương giả, sở phùng thị đạo” (Như kẻ mê phương hướng, gặp người chỉ đường) là nói về chuyện này. “Hà sự” (chuyện gì) là kinh ngạc hỏi han. “Thử lộ” (đường này) chỉ tam đồ. Đức Phật dạy: “Chúng sanh dĩ tam ác đạo vi gia” (chúng sanh lấy ba ác đạo làm nhà), cho nên nói “thử lộ”. Do có hai hạng người sẽ vào con đường ấy, tức là người có oai thần, hay người theo nghiệp lực. Chẳng phải là hai chuyện ấy, sẽ trọn chẳng thể đến được! Vì thế, kinh ngạc hỏi: “Là do thần thông cứu khổ mà vào? Hay là do nghiệp cảm báo mà đến?” “Hữu hà dị thuật?” (Có pháp thuật lạ gì) là lời căn vặn, ý nói: Ông có pháp thuật lạ lùng nào, có sức có thể chế ngự các thứ độc hay chăng? Chữ “dị thuật” biểu thị phương tiện lạ, đối trị các pháp môn ác, trợ hiển Đệ Nhất Nghĩa Đế.
3.2.3.2.2.2.1.5.2.2.3. Mê cầu xuất lộ (người mê cầu thoát khỏi đường hiểm)
3.2.3.2.2.2.1.5.2.2.3.1. Mê văn thoái bộ cầu lộ (người mê nghe nói bèn lùi bước, cầu thoát khỏi đường ấy)
(Kinh) Thị mê lộ nhân, hốt văn thị ngữ, phương tri ác đạo, tức tiện thoái bộ, cầu xuất thử lộ.
(經)是迷路人,忽聞是語,方知惡道,即便退步,求出此路。
(Kinh: Người lạc đường ấy bỗng nghe lời đó, mới biết là ác đạo, liền lùi bước, mong thoát khỏi đường ấy).
“Hốt văn” (bỗng nghe) là nghe Tứ Đế. Do trước kia chưa nghe, nay bỗng được nghe! Điều này giống như ông Tu Đạt (trưởng giả Cấp Cô Độc) lúc mới được nghe chữ Phật, toàn thân rởn da gà, bỗng thấy quang minh. “Tri ác đạo” (biết là ác đạo), tức là sợ Khổ Tập. Sách Phụ Hành viết: “Trong mỗi niệm đều luôn biện định đúng, sai. Nếu dấy lên cái tâm sai trái, phải nên làm cho cái tâm ấy diệt mất, vì tâm sai trái chính là đường hiểm”. Kinh Bảo Vũ dạy: “Vị chư hữu tình an trụ thế gian, cụ túc điên đảo, trụy hiểm ác lộ, đọa ư phi xứ. Ngã kim linh bỉ chư hữu tình đẳng, nhập chân thật lộ. Do thị Như Lai vị chư hữu tình khởi ư đại bi” (Tức là các hữu tình an trụ trong thế gian, trọn đủ điên đảo, rơi vào đường hiểm ác, đọa vào chốn sai trái. Ta nay sẽ làm cho các hữu tình ấy vào trong đường chân thật. Do vậy, Như Lai vì các hữu tình mà dấy lòng đại bi) chính là nói đến ý này. “Tiện thoái bộ” (liền lùi bước) tức là ngừng dứt Thập Ác, tu Thập Thiện. “Cầu xuất lộ” (mong ra khỏi đường ấy) chính là cầu sanh trong trời, người.
3.2.3.2.2.2.1.5.2.2.3.2. Tri thức tiếp dẫn, cáo ngữ (tri thức tiếp dẫn, bảo ban)
3.2.3.2.2.2.1.5.2.2.3.2.1. Tiếp dẫn (tiếp dẫn)
(Kinh) Thị thiện tri thức, đề huề tiếp thủ, dẫn xuất hiểm đạo, miễn chư ác độc, chí ư hảo đạo, linh đắc an lạc.
(經)是善知識,提携接手,引出險道,免諸惡毒,至於好道,令得安樂。
(Kinh: Vị thiện tri thức ấy nắm tay dìu dắt, dẫn ra khỏi đường hiểm, thoát khỏi các thứ ác độc, đến con đường tốt, khiến được an lạc).
Theo kinh Niết Bàn, người trọn đủ các phạm hạnh, tự tu các thứ thiện pháp, khiến cho các học nhân dần dần xa lánh ác pháp, tăng trưởng thiện pháp thì gọi là “thiện tri thức”. “Đề huề tiếp thủ” (nắm tay dìu dắt): Giống như “phục tương phù trợ” (lại còn nâng đỡ) trong phần trước. Nâng, dắt, nắm tay kéo đi, dẫn ra khỏi đường hiểm, lìa khỏi chuyện khổ trong tam đồ. Thoát khỏi các thứ ác độc, đoạn kết sử quen thói làm ác, sanh trong đường lành trời, người, đạt được Niết Bàn an lạc. Kinh Thập Luân dạy: “Thí như minh nguyệt, ư dạ phần trung, năng thị nhất thiết thất đạo chúng sanh bình thản chánh lộ, tùy kỳ dục vãng, giai linh đắc chí. Thử thiện nam tử, diệc phục như thị, ư vô minh dạ, năng thị nhất thiết mê tam thừa đạo, trì sính sanh tử khoáng dã chúng sanh, tam thừa chánh lộ, tùy kỳ sở ưng, phương tiện an lập, linh đắc xuất ly” (Ví như trăng sáng trong ban đêm có thể soi chỉ con đường ngay ngắn, phẳng phiu cho hết thảy chúng sanh lạc đường, tùy theo họ muốn tới đâu đều được tới đích. Vị thiện nam tử này cũng giống như vậy, trong đêm tối vô minh, có thể dạy con đường tam thừa chánh đáng cho hết thảy những kẻ mê mất đạo tam thừa đang chạy quàng trong đồng hoang sanh tử, tùy theo căn tánh đáng nên đắc đạo quả nào của mỗi người mà dùng phương tiện an lập họ, khiến cho họ được thoát lìa). Dựa theo đó, cũng nên xét theo nhân quả trong chín pháp giới để giảng về đường hiểm, [cũng giống như trong phẩm Hóa Thành Dụ của kinh Pháp Hoa, vị đạo sư dẫn mọi người] vượt qua năm trăm do-tuần đến được chỗ có của báu Niết Bàn thì mới là an ổn. Nay chỉ xét theo tam đồ, trời, người để luận định khít khao, vì hóa độ những kẻ đang mê muội trong ngũ trược là chuyện trọng yếu. Trước hết, dùng tiểu pháp để tiếp dẫn; kế đó, làm cho họ nhập Đại Thừa. [Phải hiểu đấy là] phương tiện hay khéo, thích hợp và sự hóa độ hay khéo thuận theo cơ nghi, chớ nói kinh này chỉ [giúp cho chúng sanh] được sanh trong đường trời, người! Hãy chú trọng điều này, những điều trước và sau đó đều phỏng theo lệ này.
3.2.3.2.2.2.1.5.2.2.3.2.2. Cáo ngữ (bảo ban)
3.2.3.2.2.2.1.5.2.2.3.2.2.1. Chánh cáo mê nhân (dạy bảo kẻ mê)
(Kinh) Nhi ngữ chi ngôn: “Đốt tai! Mê nhân! Tự kim dĩ hậu, vật lý thị đạo. Thử lộ nhập giả, tốt nan đắc xuất, phục tổn tánh mạng”. Thị mê lộ nhân, diệc sanh cảm trọng.
(經)而語之言:咄哉!迷人!自今已後,勿履是道。此路入者,卒難得出,復損性命。是迷路人,亦生感重。
(Kinh: Mà nói như thế này: “Ôi chao! Này kẻ lạc đường! Từ nay trở đi, đừng bước vào con đường ấy nữa. Vào con đường ấy, rất khó thoát ra, lại còn tổn hại tánh mạng”. Người lạc đường ấy cũng sanh tâm cảm kích sâu nặng).
“Ngữ ngôn” (bảo ban) nhằm khuyên tu đạo tốt lành. “Đốt tai” (ô hay, ôi chao) ngụ ý cảnh tỉnh lần nữa. Ta phải dùng hết sạch sức phương tiện mới khiến cho ông thoát khỏi ác đạo; vì thế, cảnh tỉnh lần nữa: “Ông hãy nên nghĩ sâu xa nỗi khổ này, đừng nên tạo ác nghiệp lần nữa, để rồi lại phải vào tam đồ!” Do vậy, bèn khuyến cáo: “Than ôi! Ác huệ tà tu, tự cam tâm ở trong đường hiểm!” Gặp cảnh giới ấy, há có thể lặng câm? Nghĩ kẻ đó ngu si, há đành điềm nhiên ngồi nhìn? Huống hồ đức Thế Tôn bi tâm phó chúc, lưu lại đại nguyện cứu tế trọn khắp nơi bến mê. Bồ Tát y giáo phụng hành, thị hiện hạnh Đồng Sự để hóa độ họ đều cùng thành Phật. Nếu thấy kẻ lạc lối mà chẳng chỉ nẻo chánh, từ bi ở chỗ nào? Ngó kẻ đắm chìm mà chẳng nghĩ cách cứu vớt, phương tiện còn đâu? Vì thế, bảo ban như thế này: “Con đường sanh tử này, hễ lọt vào sẽ khó thoát ra, lại còn tổn hại Pháp Thân huệ mạng, đúng là chỗ hiểm nguy!” Kẻ mê cũng cảm kích sâu nặng, vì trót chẳng biết, lầm lẫn vào chỗ sanh tử nguy hiểm, nay bỗng được nhắc nhở, lại được lên chốn quê nhà an lạc. Như kẻ lênh đênh, bỗng chốc trở về nhà; như kẻ đang chìm dưới vực thẳm, bỗng được lên bờ, há chẳng cảm kích sâu đậm, tột bậc trân trọng ư? Đại Luận nói: “Trước hết, hãy nên dùng mắt để thấy đạo rồi sau đó mới hành. Khi hành, hãy nên siêng năng, chuyên ròng. Khi hành siêng năng, chuyên ròng, thường nghĩ đúng như vị đạo sư đã dạy. Nghĩ rồi, nhất tâm lên đường, chẳng thuận theo phi đạo” chính là nói về chuyện này.
3.2.3.2.2.2.1.5.2.2.3.2.2.2. Chúc linh chuyển cáo (dặn nói lại với người khác)
(Kinh) Lâm biệt chi thời, tri thức hựu ngôn: “Nhược kiến thân tri, cập chư lộ nhân, nhược nam, nhược nữ, ngôn ư thử lộ đa chư độc ác, táng thất tánh mạng, vô linh thị chúng, tự thủ kỳ tử”.
(經)臨別之時,知識又言:若見親知,及諸路人,若男若女,言於此路多諸毒惡,喪失性命,無令是眾,自取其死。
(Kinh: Lúc chia tay, tri thức lại nói: “Nếu thấy người thân, kẻ quen biết, và những người đi đường, dù nam hay nữ, hãy nói với họ: Trong con đường này có nhiều thứ độc ác khiến cho tánh mạng bị chôn vùi, đừng để cho họ tự rước lấy cái chết”).
Khi chia tay bèn dạy kẻ ấy giáo hóa người khác, dạy hãy khuyên người khác, mong sao họ sẽ lần lượt truyền đạt, giáo hóa mãi chẳng dứt. “Thân tri” (người thân, kẻ quen biết) là những người đã tiếp nhận đạo nhưng chưa giải thoát. “Lộ nhân” (người qua đường) là những người chưa tiếp nhận đạo, còn đang sanh tử. Nói “nam, nữ” biểu thị truyền trao Định, Huệ. Nói “thử lộ” (con đường này), nghĩa là lại dùng Khổ Tập dạy lại những người trên đây. Do con đường có nhiều thứ ác độc, [lầm đi vào đó], ắt sẽ đánh mất tánh mạng. Vì thế, cần biết Khổ đoạn Tập, hâm mộ Diệt, tu Đạo, chẳng tự đánh mất Pháp Thân huệ mạng. Trên đây là vị tri thức dạy [kẻ lạc đường] hãy nói lại với người khác, kế đó nêu ra dụng ý [vì sao] phải nói lại. Nói “thị chúng” (những chúng sanh ấy), có nghĩa là: Họ khác gì người ruột thịt của ta? Nói “thủ tử” (rước lấy cái chết) chính là hãy thiết thực nghĩ họ giống như ta, nhấn mạnh ý nghĩa trong câu “thủ tử”! Như kinh Ngũ Khổ Chương Cú có nói: “Tích Diêm La vương hữu hoằng phổ chi Từ, chư đọa địa ngục giả, hiện thân vấn chi: ‘Nhữ đẳng hà vi thị gian?’ Tội nhân đối viết: ‘Ngã đẳng tử thời, bất tri hành chư ác, tự nhiên truy trục, tống ngã lai đáo thị gian’. Vương viết: – Tự nhữ sở tác, kim đương thọ chi, ngô bất uổng nhữ” (Xưa kia, vua Diêm La có lòng Từ rộng lớn trọn khắp, đối với những kẻ đọa địa ngục, vua bèn hiện thân hỏi han: “Vì sao các ngươi đến nơi đây?” Tội nhân thưa: “Khi chúng tôi chết, chẳng biết kẻ nào làm các điều ác, tự nhiên xua đuổi, đẩy chúng tôi đến nơi này”. Vua nói: “Do các ngươi tự làm, nay phải hứng chịu, ta chẳng oan uổng các ngươi”). Há chẳng phải là tự rước lấy cái chết ư? Ví như ôm đá gieo mình xuống vực, tự chìm, tự rơi. Con thiêu thân gieo mình vào lửa, tự đốt, tự tan nát, chẳng phải do người hay trời gây ra!
3.2.3.2.2.2.1.5.2.3. Dĩ pháp hợp hiển (phối ứng thí dụ với pháp để làm rõ nghĩa)
3.2.3.2.2.2.1.5.2.3.1. Phương tiện cứu bạt (phương tiện cứu vớt)
3.2.3.2.2.2.1.5.2.3.1.1. Trực dĩ pháp hợp (trực tiếp kết hợp thí dụ với pháp)
(Kinh) Thị cố, Địa Tạng Bồ Tát cụ đại từ bi, cứu bạt tội khổ chúng sanh, sanh nhân thiên trung, linh thọ diệu lạc. Thị chư tội chúng, tri nghiệp đạo khổ, thoát đắc xuất ly, vĩnh bất tái lịch.
(經)是故,地藏菩薩具大慈悲,救拔罪苦眾生,生人天中,令受妙樂。是諸罪眾,知業道苦,脫得出離,永不再歷。
(Kinh: Vì thế, Địa Tạng Bồ Tát trọn đủ lòng đại từ bi cứu vớt chúng sanh tội khổ, khiến cho họ được sanh làm trời, người, được hưởng sự vui sướng mầu nhiệm. Các chúng sanh mắc tội ấy biết nghiệp đạo là khổ, đã được thoát lìa rồi bèn vĩnh viễn chẳng trở vào nữa).
Đây là dựa trên thí dụ về con đường hiểm để phối ứng với pháp, hòng giảng rõ ý nghĩa. “Cụ đại từ bi” (trọn đủ lòng đại từ bi): Do đồng thể nên nói là “cụ” (具, trọn đủ). Ban vui tức là dẹp khổ, dẹp khổ chính là ban vui, cho nên nói là Đại. Từ cái Thể trọn đủ nơi Lý, khởi ra thần thông tạo tác nơi Sự để cứu bạt. “Sanh trong trời, người”: Hiển lộ tác dụng thật sự của lòng từ bi. “Trời, người” chính là căn khí để tiếp nhận đạo. Vì thế, trước hết cần phải sanh trong trời, người, hưởng các sự vui sướng. Điều này phối ứng với phần trước thì chính là đoạn kinh văn “thiện tri thức nắm tay dìu dắt”, cho đến “khiến cho được an vui” trong phần trước. Từ “thị chư” (các chúng sanh ấy) trở đi, nói tới những chúng sanh có tội biết hối. Các chúng sanh có tội chính là căn cơ được hóa độ, biết nghiệp khổ do đã đích thân trải qua. Vì thế, nguyện được thoát lìa, vĩnh viễn chẳng trải qua chuyện ấy nữa.
Theo kinh Khởi Thế, vua Diêm La sau khi chịu nỗi khổ bị nước đồng sôi rót vào miệng, tự phát nguyện rằng: “Nguyện từ nay xả thân này xong, khi thọ thân khác, chỉ thọ sanh trong nhân gian, tin hiểu pháp của Như Lai, cạo bỏ râu tóc, đắp y ca-sa. Đã xuất gia, nguyện chứng đắc đạo, chẳng còn thọ sanh trong đời sau nữa”. Diêm Vương còn như thế, huống hồ những kẻ khác ư? Vì thế, trong kinh Quán Phật Tam Muội, các vị Bồ Tát quở trách ngạ quỷ: “Nhữ ư tiền thân vô lượng thế thời, tác vô hạn tội, phỉ báng, bất tín, đọa A Tỳ ngục, thọ chư khổ não, bất khả cụ thuyết. Nhữ kim ưng đương phát từ bi tâm” (Các ngươi trong những thân thuộc vô lượng đời trước, đã tạo vô hạn tội, phỉ báng, bất tín, đọa vào ngục A Tỳ, chịu các khổ não, chẳng thể nói trọn! Nay các ngươi hãy nên phát tâm từ bi). Các ngạ quỷ nghe xong, xưng “Nam-mô Phật”, ngay lập tức mạng chung, sanh về chỗ Tứ Thiên Vương. Hối lỗi, tự trách, phát Bồ Đề tâm; tâm quang của chư Phật chẳng bỏ những kẻ ấy. Nhiếp thọ những kẻ ấy như La Hầu La, dạy họ tránh khỏi địa ngục, như yêu mắt, tai. Nay ngài Địa Tạng cũng thế, cho nên những chúng sanh tội khổ phát tâm hối hận ấy hoàn toàn phù hợp với đoạn kinh văn “đốt tai mê nhân” (ô hay! Này người mê) cho đến “tự thủ kỳ tử” (tự rước lấy cái chết).
ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH KHOA CHÚ
[1] Vương Lương không được ghi chép nhiều trong sử liệu. Ông chỉ được biết đến như một phu xe tài năng, khéo điều khiển và thuần hóa ngựa của Triệu Tương Tử (công khanh của nước Tấn).
Tạo Phụ nổi tiếng về tài thuần hóa ngựa. Ông họ Doanh, là cháu năm đời của Phi Liêm, tức hậu duệ của các vua Chuyên Húc và Thiếu Hạo. Ông đem các con ngựa quý Đạo Lý, Hoa Lưu, Lục Nhĩ v.v… sang tiến cống Châu Mục Vương. Về sau, khi Từ Yển Vương phản nghịch, vua cưỡi thiên lý mã trở về, phá tan quân Từ Yển Vương. Do vậy, để thưởng công, vua đem Triệu Thành ban cho Tạo Phụ. Về sau, con cháu Tạo Phụ sống ở đó đổi sang họ Triệu. Dần dần, họ Triệu trở thành một dòng họ lớn của nước Tấn, nắm nhiều quyền hành. Sau này, họ Triệu cùng với họ Hàn và họ Ngụy chia nước Tấn thành ba nước Triệu, Hàn, Ngụy. Do vậy, Tạo Phụ được tôn là tổ tiên của nước Triệu.
[2] Lục Giao Báo, gọi gọn là Lục Báo, tức là quả báo do sáu thức tạo nghiệp chiêu cảm, bao gồm kiến báo (quả báo do thấy), văn báo (quả báo do nghe), khứu báo (quả báo do ngửi), vị báo (quả báo do nếm vị), xúc báo (quả báo do tiếp xúc), và tư báo (quả báo do suy nghĩ). Những quả báo này được nói chi tiết trong kinh Lăng Nghiêm. Chẳng hạn như Kiến Báo thì khi lâm chung trước hết thấy lửa dữ đầy khắp mười phương, thần thức người chết rơi vào trong khói lửa, trước khi vào Vô Gián địa ngục. Văn Báo thì khi lâm chung thấy sóng trào cuộn tung ngất trời, thần thức người chết trồi hụp trong sóng cả, trước khi vào địa ngục Vô Gián v.v…