ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH KHOA CHÚ
Đường Tam Tạng sa-môn Thật Xoa Nan Đà dịch
Cổ Diêm Khuông Am Thanh Liên bật-sô Linh Thừa soạn

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

 

3.2.3.2. Diêm La hưng vấn, tán thán (Diêm La thưa hỏi, tán thán)

3.2.3.2.1. Phẩm đề (tên gọi của phẩm này)

(Kinh) Diêm La Vương chúng tán thán, phẩm đbát.

()閻羅王眾讚歎品第八

(Kinh: Phẩm thứ tám: Các vua Diêm La tán thán).

3.2.3.2.2. Phẩm văn (kinh văn của phẩm này)

3.2.3.2.2.1. Kinh gia tự (người trùng tuyên kinh trần thuật)

3.2.3.2.2.1.1. Chủ bạn lai nghi (chủ và bạn cùng đến dự)     

(Kinh) Nhĩ thời, Thiết Vi sơn nội, hữu vô lượng quỷ vương, dữ Diêm La thiên tử, câu nghệ Đao Lợi, lai đáo Phật sở.

()爾時鐵圍山內有無量鬼王與閻羅天子俱詣忉利來到佛所。

(Kinh: Lúc bấy giờ, trong núi Thiết Vi, có vô lượng quỷ vương và Diêm La thiên tử cùng đến Đao Lợi, đi đến chỗ đức Phật).

Trụ xứ của cung thành vua Diêm La (Yamarāja) đã được nói rõ trong phần trước. Diêm La là vị tổng lãnh các quỷ quan, vô lượng quỷ vương đều thống thuộc vị này. Vua đã đi, ắt quần thần đi theo; chủ đã đến, ắt bạn theo hộ vệ. Vì thế, cùng đến Đao Lợi, cùng đến chỗ đức Phật. Đây là họ nương theo quang minh, âm thanh của đức Thế Tôn, và oai thần của đức Địa Tạng (Theo Đại Trí Độ Luận, hết thảy quỷ thần nơi hết thảy núi, sông, rừng, cây cối, đất đai, thành quách đều do Tứ Thiên Vương cai quản. Vì thế, họ đều theo đến).

3.2.3.2.2.1.2. Liệt quỷ vương hiệu (nêu danh hiệu các quỷ vương)

(Kinh) Sở vị: Ác Độc quỷ vương.

()所謂惡毒鬼王。

(Kinh: Như là: Ác Độc quỷ vương).

Ác Độc chính là vị đứng đầu các quỷ vương, cho nên được nêu tên đầu tiên. Ác Độc tức là Thập Ác, Tam Độc. Đã ác, lại còn độc, đặt danh xưng xấu xí như vậy. Tam Độc thuộc về Ý, là cội gốc của bảy điều ác nơi thân và miệng (tức ba điều ác nơi thân (giết, trộm, dâm), và bốn điều ác nơi miệng: Ác khẩu, nói dối v.v…) Gốc lẫn ngọn đều nêu rõ, nên gọi là Ác Độc. Nhưng những vị quỷ vương này đều là hàng Bồ Tát đại quyền ứng hóa chẳng thể nghĩ bàn; dùng ác để tấn công ác, lấy độc trị độc! Dụng ý nhằm làm cho ai nấy đều hiểu: “Tu ác chính là tánh ác, thấu hiểu sự độc chính là lý độc”. Vì thế, dùng ác độc làm pháp môn để giáo hóa. Tức là có ý nghĩa như thí dụ cái trống bôi thuốc độc trong kinh Đại Thừa, mà cũng như “đình độc” trong sách thế gian. Liệt Tử[1] nói: “Sanh chi, dục chi, đình chi, độc chi” (sanh thành, nuôi nấng, chăm chút hình dáng, thành tựu thể chất). Người đời chỉ biết “độc” là đại bất thiện, nào có biết nó còn có nghĩa là “đốc” (篤, đốc thúc, chữ Độc (毒) đọc theo Khứ Thanh thành Đốc, cùng nghĩa với chữ Đốc – 篤), chính là đại thiện vậy.

(Kinh) Đa Ác quỷ vương, Đại Tránh quỷ vương.

()多惡鬼王大諍鬼王。

(Kinh: Đa Ác quỷ vương, Đại Tránh quỷ vương).

“Đa Ác”: Một niệm có trọn đủ các điều ác; nói rộng ra, sẽ là nhiều vô lượng. Ngoài hiện tướng ác phẫn nộ, giận dữ, trong thì dấy lên thiện tâm từ bi.

“Đại Tránh”: Tránh là đấu tránh (鬬諍, đấu đá, tranh cãi). Trong kinh Trường A Hàm, đức Phật bảo Đế Thích: “Oán kết chi sanh giai do tham, tật, cố sử chúng sanh đẳng đao trượng tương gia” (Oán kết đều do tham lam, ghen ghét sanh ra, cho nên khiến cho chúng sanh dùng đao, trượng đánh nhau). Đế Thích bạch rằng: “Thật nhĩ! Tham tật chi sanh, hà do nhi khởi?” (Đúng vậy! Sanh ra tham lam, ghen ghét, do đâu mà dấy lên?) Đức Phật dạy: “Tham tật chi sanh, giai do ái tắng” (Sanh ra tham lam, ganh ghét, đều do yêu, ghét). Vì thế, tổ sư dạy: “Chỉ cần lìa yêu, ghét, sẽ hiểu rõ rỗng rang”. Nhưng người đời chẳng hiểu “Ngũ Uẩn vốn là Không”, cho nên ganh đua miệng lưỡi để thỏa giận bởi những chuyện không đáng. Trang Tử gọi đó là “phụ cô bột hề” (婦姑勃谿, mẹ chồng, con dâu cãi lộn). Đấy là do tâm là chủ của sự độc địa, miệng là dụng cụ gây họa. Chẳng có hình dạng tranh cãi, thưa kiện, chống trái, lòng luôn tâm niệm giáo hóa lớn lao. Do vậy, quỷ vương dùng pháp môn Đại Tránh (tranh cãi dữ dội) để giáo hóa mọi người đừng tranh cãi.

(Kinh) Bạch Hổ quỷ vương, Huyết Hổ quỷ vương, Xích Hổ quỷ vương. 

()白虎鬼王血虎鬼王赤虎鬼王。

 (Kinh: Bạch Hổ quỷ vương, Huyết Hổ quỷ vương, Xích Hổ quỷ vương).

Bạch Hổ, Huyết Hổ, Xích Hổ: Hổ là loài thú trong núi, còn gọi là Đại Trùng (大蟲), dũng mãnh, có oai, chậm rãi, nhưng hung bạo. Bạch Hổ là thú ở phương Tây. Huyết Hổ miệng như chậu máu. Xích Hổ lông đỏ như lửa. Đầu quỷ như hổ, cho nên mỗi vị đều dùng chữ Hổ để đặt tên.

(Kinh) Tán Ương quỷ vương, Phi Thân quỷ vương.

()散殃鬼王飛身鬼王。

(Kinh: Tán Ương quỷ vương, Phi Thân quỷ vương).

Tán Ương: Ương (殃) là lỗi lầm, tai họa. Kinh Đông Nhạc nói: “Thế gian chúng sanh bất tín nhân duyên, thiện ác quả báo, bất kính thiên địa, bất hiếu phụ mẫu, bất tôn sư trưởng, khi phụ thần lý, bối tiền, diện hậu, khẩu thị, tâm phi, dĩ bị Nhạc Phủ tào quan thánh chúng, thần tịch khảo giảo, kỷ lục tội cữu, trí linh tai họa hoành sanh, quan tư lao ngục, lũy tuế kinh niên, bất năng an thái, gia môn thu tức, mỗi ngộ hung suy, đạo tặc xâm khi, hy kiến thái bình” (Chúng sanh trong thế gian chẳng tin nhân duyên, quả báo thiện ác, chẳng kính trời đất, chẳng hiếu thảo cha mẹ, chẳng tôn trọng sư trưởng, lừa dối thần thánh, vâng dạ trước mặt, chống trái sai lưng, miệng đúng, tâm sai, đã bị tào quan thánh chúng của Nhạc Phủ sớm tối tra xét, so lường, ghi chép tội lỗi, đến nỗi tai họa nẩy sanh đột ngột, bị quan lại tra vấn, tống giam lâu năm chầy tháng, chẳng thể yên vui, cửa nhà đìu hiu, thường gặp chuyện hung hiểm, suy bại, giặc cướp xâm lấn, hiếp đáp, ít có lúc được bình yên). Vì thế, khiến cho quỷ vương phải đến gia đình ấy, cho nên có những chuyện ương họa. Phi Thân thuộc loại Dạ Xoa phi hành.

(Kinh) Điện Quang quỷ vương, Lang Nha quỷ vương.

()電光鬼王狼牙鬼王。

(Kinh: Điện Quang quỷ vương, Lang Nha quỷ vương).

Điện Quang là mắt như tia chớp chói lòa, khiến cho người khác trông thấy hoảng hốt. Lang Nha (nanh sói): Sói to như chó, lông xanh, giỏi săn thú. Cách thức chế tạo [lang nha bổng] thời cổ là dùng các khối gỗ bằng gốc hòe hay bộng táo, cắm răng sói chung quanh. Do thể hiện ý nghĩa linh trí của loài sói, cho nên [cổ nhân chế ra chữ Lang (狼, sói) từ chữ Lương (良) [và Khuyển (犭) ghép lại]. Quỷ này răng nhọn hoắt, chìa ra ngoài như nanh sói. Theo Bạch Trạch Đồ[2], tinh linh nơi mồ mả có tên là Lang Quỷ (quỷ sói), thích chiến đấu với con người. Lấy mũi tên bằng gỗ đào gắn đuôi tên bằng lông chim diều hâu bắn nó, nó sẽ hóa thành gió bay đi. Cởi guốc đuổi nó, nó sẽ chẳng thể biến hóa được.

(Kinh) Thiên Nhãn quỷ vương, Đạm Thú quỷ vương, Phụ Thạch quỷ vương.

()千眼鬼王噉獸鬼王負石鬼王。

(Kinh: Thiên Nhãn quỷ vương, Đạm Thú quỷ vương, Phụ Thạch quỷ vương).

Thiên Nhãn (ngàn mắt): Quán Âm tay có ngàn mắt, ngục tốt có sáu mươi bốn con mắt nơi sừng. Quỷ này ngàn mắt, chẳng biết xếp đặt như thế nào!

 Đạm Thú (ăn các loài thú): Do quỷ này ăn thịt các loài thú, nhưng quỷ cũng là thú. Tỳ Bà Sa Luận nói hình dạng trong đường quỷ phần nhiều giống như con người, cũng có quỷ mặt giống như lợn, hoặc giống như các loài cầm thú ác khác.

Phụ Thạch chính là vác đá, gánh cát, lấp sông, lấp biển v.v…

(Kinh) Chủ Hao quỷ vương, Chủ Họa quỷ vương.

 ()主耗鬼王主禍鬼王。

(Kinh: Chủ Hao quỷ vương, Chủ Họa quỷ vương).

Chủ Hao và Chủ Họa, hai sự tướng có cùng một cái nhân. Vì thế, Thái Thượng nói: “Trong trời đất có thần trông coi tội lỗi, tùy theo con người phạm lỗi nặng hay nhẹ mà giảm bớt tuổi thọ. Tuổi thọ bị giảm, sẽ bần cùng, hao tán, hay gặp chuyện phải lo lắng, ai nấy đều ghét, hình phạt, tai họa theo đến, chuyện tốt lành, vui mừng tránh xa, ác tinh gieo tai ương” là nói đến ý này (Xưa kia, quan đô úy xứ Lịch Dương là Quách Tầm làm quan mà không được thăng chuyển, đường làm quan trắc trở, truân chiên, lận đận. Đụng tới chuyện gì cũng bị chống trái, ngay cả thân thích, bạn bè thân thiết cũng dần dần lợt lạt, chê trách. Thường có hai con vật, hình dáng giống như vượn hay khỉ, nhảy nhót quẩn quanh, thường theo ông ta ra vào. Một tối, ông đang nằm mơ màng, rầu rĩ, bỗng chúng nó đến cáo biệt, bảo: “Chúng tôi chính là quỷ chủ trì sự hư hao trong cõi đời. Ông do ngấm ngầm phạm lỗi, mắc tội, nên thần sai chúng tôi đến gây tai ách cho ông. Nay hạn số đã mãn, sẽ phải ra đi, ông có thể hưởng yên vui rồi”).

(Kinh) Chủ Thực quỷ vương, Chủ Tài quỷ vương.

()主食鬼王主財鬼王。

(Kinh: Chủ Thực quỷ vương, Chủ Tài quỷ vương).

Chủ Thực: “Thực” ở đây chính là lộc trong đời người. Người lành được hưởng, người ác bị giảm bớt. Vì thế, kẻ vứt bỏ ngũ cốc bừa bãi, Thái Thượng ghét bỏ, thâu lại hoa lợi, cuộc đời kẻ ấy sẽ gặp nhiều cảnh đói kém. Cũng như kẻ tàn sát bừa bãi các sanh vật, thường chết vì đói rét.

Chủ Tài: Tại Nhạc Phủ có án chủ trông coi tài vật. Phù Đà Ma Ni Bát[3] chuyên bảo vệ tài vật của con người. Vì thế, kẻ có tiền của mà chẳng bố thí, quỷ ở bên cạnh trông thấy bèn ghen ghét; nhưng Thái Thượng nghiêm cấm tước đoạt ngang xương tài vật của người khác; cho nên vợ con, người nhà của kẻ đó sẽ dần dần lâm vào cảnh chết chóc. Nếu chẳng chết chóc, ắt có những chuyện như nước, lửa, giặc cướp, đồ đạc mất mát, bệnh tật, thưa kiện [khiến cho tài vật của kẻ đó suy hao. Làm như vậy] để ngăn ngừa chuyện đoạt lấy bừa bãi. Mỗi thứ tài vật đều có chủ.

(Kinh) Chủ Súc quỷ vương, Chủ Cầm quỷ vương, Chủ Thú quỷ vương.

()主畜鬼王主禽鬼王主獸鬼王。

(Kinh: Chủ Súc quỷ vương, Chủ Cầm quỷ vương, Chủ Thú quỷ vương).

Chủ Súc: Súc sanh có bốn cách sanh (noãn, thai, thấp, hóa), chỗ ở thì có ba chỗ (dưới nước, trên đất, trên hư không). Nhạc Phủ có thần cai quản thai, noãn, thấp, hóa, và thủy tộc.

 Chủ Cầm và Chủ Thú đều là thần của Nhạc Phủ. Biết bay thì gọi là Cầm (禽), Cầm là tên gọi chung của loài có lông vũ; ý nói do chúng bị loài người giam cầm, chế ngự, nên gọi là Cầm. Loài động vật chạy [trên mặt đất] thì gọi là Thú, Thú (獸) là tên gọi chung của những loài có lông. Nhằm diễn tả ý tốn sức nhiều mà khó bắt giữ được, phải vây giữ mới bắt được, cho nên gọi là Thú. Các loài cầm thú ấy đều có các quỷ vương chủ quản. Như sách Ma Ha Chỉ Quán trích dẫn mười hai loại thời thú (mười hai con giáp) được nói trong kinh Đại Tập. Sách Phụ Hành viết: “Trong Ngũ Hành, kể tên mười hai tiếu (con vật làm biểu tượng)”. Tiếu (肖) là tương tự, do mười hai biểu tượng ấy giống như những con vật tương ứng. Theo Đại Tập, [mười hai tiếu được kể như sau]: Trong núi Lưu Ly ở biển Đông có hổ, thỏ[4], rồng. Núi Pha Lê ở biển Nam có rắn, ngựa, dê. Núi Bạch Ngân ở biển Tây có khỉ, gà, chó. Núi Hoàng Kim ở biển Bắc có lợn, chuột, trâu (đối với hang nơi chúng sống, kinh đều có kể tên). Mỗi một phương đều có hai La Sát nữ cúng dường ba vị thần (tức các tiếu ấy). Hang của chúng ở đều là trụ xứ của Bồ Tát. Mỗi con thú đều tu lòng Từ của Thanh Văn, từng phát nguyện nơi quá khứ Phật. Mỗi con thú [lần lượt] trong một ngày đêm dạo khắp Diêm Phù Đề, những con thú khác thì ở yên, tu lòng Từ. Từ ngày mồng Một tháng Bảy, chuột khởi đầu. Ngày mồng Hai là trâu, cho đến ngày thứ mười ba, lại bắt đầu từ chuột. Đấy chính là thú vương Bồ Tát, cho nên họ được các phương khác cung kính.

(Kinh) Chủ Mị quỷ vương, Chủ Sản quỷ vương.

()主魅鬼王主產鬼王。

(Kinh: Chủ Mị quỷ vương, Chủ Sản quỷ vương).

Chủ Mị: Mị (魅) là Lỵ Mị (魑魅, yêu quái trong rừng núi), là những vật thành tinh đã lâu, được chép tường tận trong bộ Hương Nhũ Ký[5].

Chủ Sản: Trong Đông Nhạc Sám có đoạn viết: “Kết điều tốt đẹp thành thai, bẩm thọ lưỡng nghi tạo hóa, giúp cho sanh thành, bảo vệ sanh nở, chính là giềng mối của hai vị thánh, phổ độ, cứu giúp trọn khắp. Cửu Thiên Giám Sanh Minh Tố Chân Quân, đông con trai, lắm con gái. Cửu Thiên Vệ Phòng Thánh Mẫu Nguyên Quân”. Lại nữa, chị của Quỷ Mẫu tên là Chá Nặc cũng chủ trì việc sanh nở của nhân loại.

(Kinh) Chủ Mạng quỷ vương, Chủ Tật quỷ vương, Chủ Hiểm quỷ vương.

()主命鬼王主疾鬼王主險鬼王。

(Kinh: Chủ Mạng quỷ vương, Chủ Tật quỷ vương, Chủ Hiểm quỷ vương).

 Chủ Mạng: Theo kinh Phật, Tỳ Sa Môn (Vaiśravaṇa, Đa Văn thiên vương) chuyên trách bảo vệ mạng người trong tứ thiên hạ. Nhạc Phủ có phán quan cai quản hồ sơ sanh tử trong thiên hạ, lại có Bảo Sanh Chân Nhân[6], Bích Hà Nguyên Quân.

Chủ Tật như đã giải thích trong phần trên.

 Chủ Hiểm: Núi cao chót vót, biển cả sâu thăm thẳm, là những chỗ hiểm nạn đối với thân mạng. Người đáng chết thì ghi chép, người chưa đáng chết thì che chở. Đấy vẫn là chỗ hiểm nạn nhỏ nhặt. Theo Đại Luận, địa ngục có hai bộ: Một là hàn băng (寒冰, băng lạnh), hai là viêm hỏa (炎火, lửa nóng), đều do Thân Xúc mà thọ tội. Nơi đấy gọi là chỗ đại hắc ám, đường hiểm nguy nan chính là nơi chủ quản của quỷ này vậy.

(Kinh) Tam Mục quỷ vương, Tứ Mục quỷ vương, Ngũ Mục quỷ vương. 

()三目鬼王四目鬼王五目鬼王。

(Kinh: Tam Mục quỷ vương, Tứ Mục quỷ vương, Ngũ Mục quỷ vương).

Tam Mục: Giữa hai mắt có một một con mắt xếp dọc, như hình dạng của Ma Hê Thủ La Thiên (Mahesvara). Tứ Mục: Trên trán lại có hai mắt nằm ngang, giống như Thương Hiệt. Ngũ Mục: Trên, dưới, chính giữa đều sanh một con mắt nằm dọc.

(Kinh) Kỳ Lợi Thất Vương, Đại Kỳ Lợi Thất Vương, Kỳ Lợi Xoa Vương, Đại Kỳ Lợi Xoa Vương.

()祁利失王大祁利失王祁利叉王大祁利叉王。

(Kinh: Kỳ Lợi Thất Vương, Đại Kỳ Lợi Thất Vương, Kỳ Lợi Xoa Vương, Đại Kỳ Lợi Xoa Vương).

Kỳ Lợi Thất Vương v.v… chưa thấy phiên dịch [từ chữ Phạn nào]. Kinh Kim Quang Minh có nói về Tát Đa Kỳ Lê, dịch nghĩa là là Đại Lực Thiên. Bộ Danh Nghĩa Tập có chép danh hiệu Ác Kỳ Ni (Agni), cõi này dịch là Hỏa Thần. Nhưng xét theo Lập Thế A Tỳ Đàm thì là tên núi. Phẩm Dạ Xoa trong luận ấy chép: “Khi ấy, trong Diêm Phù Đề, có hai rặng núi. Núi ở phía Nam sông Hằng, tên là núi Bà Đa Kỳ Lợi. Núi ở phía Bắc sông Hằng tên là núi Hê Ma Bạt Đa (Himavanta). Hết thảy các thần sống ở phía Nam sông đều có tên là Bà Đa Kỳ Lợi. Những vị sống ở núi phía Bắc sông Hằng đều tên là Hê Ma Bạt Đa. Hết thảy các thần sống trong rặng Bà Đa Kỳ Lợi ở phía Nam sông Hằng và hết thảy các thần sống trong rặng Ma Hê Bạt Đa ở phía Bắc sông Hằng, đều được gọi là Vương”. Nay cõi của Diêm Vương đã ở phía Nam của Diêm Phù, núi Kỳ Lợi lại ở phía Nam sông Hằng. Nam thuộc quẻ Ly là Hỏa. Vì thế, Kỳ Ni Kỳ Lợi được dịch thành Đại Lực Hỏa Thần, đều thuộc về Hỏa Thiên. Chữ Thất chưa rõ nghĩa. Chữ Xoa nói đầy đủ là Xoa Da (Kṣaya), dịch sang tiếng Hán là Tận, tức là Đại Lực Tận Vương, thống lãnh các tiểu vương quỷ thần.

(Kinh) A Na Trá vương, Đại A Na Trá vương.

()阿那吒王大阿那吒王。

(Kinh: A Na Trá vương, Đại A Na Trá vương).

 Theo kinh Đại Thừa, A Na Trá có phải là Na Trá (Naṭa)[7] tám tay, tức lực sĩ trên cõi trời hay không, chưa thể nói đích xác được, nhưng đã cùng tên, cho nên cũng chưa biết [có phải là cùng một vị hay không] (Na Trá tức là trưởng tử của Đa Văn Thiên Vương).

3.2.3.2.2.1.3. Thừa lực câu lai (nương theo thần lực đều cùng đến)

(Kinh) Như thị đẳng đại quỷ vương, các các dữ bách thiên chư tiểu quỷ vương, tận cư Diêm Phù Đề, các hữu sở chấp, các hữu sở chủ.

()如是等大鬼王各各與百千諸小鬼王盡居閻浮提各有所執各有所主。

 (Kinh: Các vị đại quỷ vương như thế, mỗi vị đều có trăm ngàn các tiểu quỷ vương, đều trong Diêm Phù Đề, ai nấy đều có chức trách, đều có sự vụ phải quản trị).

Ba mươi bốn vị trên đây đều là đại quỷ vương. Dưới mỗi một vị vương, đều có các tiểu vương làm quyến thuộc, số đến trăm ngàn. Họ chẳng phải là quỷ ở phương khác, đều sống trong Nam Châu. “Các hữu chấp giả”: Chấp (執) là “tuân thủ pháp tắc”, tức là nói đến chuyện “bắt những kẻ có tội, xử trị công chánh, mẫu mực theo đúng luật pháp”. Trong thiên văn có các [tinh quan] chấp pháp[8], thay trời thảo phạt kẻ có tội, há dung túng lẽ riêng tư ư? [“Các hữu sở chấp”] là nói những vị có những chức trách duy trì pháp luật. Thái Thượng cũng nói: “Trong trời đất có thần coi sóc tội lỗi, tùy thuộc mỗi người phạm lỗi nặng hay nhẹ mà tước giảm tuổi thọ của họ” chính là nói về chuyện này. Nói là “chủ” () thì trong cách chế tạo chữ thời cổ, chữ Chủ () hàm ý sự sáng suốt thần diệu làm chủ cái tâm, đấy chính là vị chủ nhân thật sự của cái thân ta. [Chữ Vương (王)] ở trong ấy, bất động mà ứng với vạn vật, giống như hình thể vị vua trời ngồi yên trong điện. Chữ Chủ () trên đầu chữ Vương chính là thần, chẳng có hình thể, sẽ chẳng hiển lộ. Vì thế, phải phối hợp với chữ khác để thành hình. Do đó, đem Chủ () ghép với Vương [thành chữ Chủ ()]. Vương là vua. Vạn vật trong trời đất, đều gom về một. Tâm của vua mà chẳng có Chủ (), ngay cả thân cũng không thể trị, lấy gì để trị vì thiên hạ cho được? Nay các vị quỷ vương, trong tâm đều có Chủ, cho nên có thể làm chủ vạn vật, như quỷ bắt người đem gông xiềng, điều động quỷ thần, truy hồn, trảm phách, bắt người sống, truy người chết, và các vị xét án, các vị tư pháp, lục sự (thư ký) v.v… Cho nên nói là “các hữu sở chấp, các hữu sở chủ” (đều có chức trách, đều có sự vụ phải quản trị).

(Kinh) Thị chư quỷ vương dữ Diêm La thiên tử, thừa Phật oai thần, cập Địa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát lực, câu nghệ Đao Lợi, tại nhất diện lập.

()是諸鬼王與閻羅天子承佛威神及地藏菩薩摩訶 薩力俱詣忉利在一面立。

(Kinh: Các vị quỷ vương ấy cùng với Diêm La thiên tử, nương theo oai thần của đức Phật và sức của Địa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát, đều đến trời Đao Lợi, đứng qua một phía).

Từ “thị chư” (các vị ấy) trở đi, nêu rõ ý nghĩa vì sao họ có thể đến. Quỷ vương chốn u minh vì sao có thể thăng lên Đao Lợi? Đấy là nhờ vào sức oai thần của đức Phật và ngài Địa Tạng. “Tại nhất diện lập” (đứng qua một phía): Đứng là Lập. Con người kể từ khi sanh ra, hễ đứng bèn đội trời đạp đất, có dáng vẻ nghiễm nhiên chánh trực. Vì thế, thể hiện ý nghĩa “trụ vững trên đại địa mà kính Phật, tôn quân”, cho nên đứng chứ không ngồi!

3.2.3.2.2.2. Chánh hưng vấn (thưa hỏi)

3.2.3.2.2.2.1. Diêm La hưng  vấn  chánh  thán (Diêm  La  thưa  hỏi, tán thán)

3.2.3.2.2.2.1.1. Kinh gia đề khởi (người trùng tuyên kinh dẫn khởi)

 (Kinh) Nhĩ thời, Diêm La thiên tử, hồ quỳ, hiệp chưởng.

()爾時閻羅天子胡跪合掌。

(Kinh: Lúc bấy giờ, Diêm La thiên tử, hồ quỳ, chắp tay).

  Dựa theo [danh sách] Thập Điện Diêm Vương do hòa thượng Đạo Minh[9] truyền lại, Diêm La thiên tử thuộc ngũ điện. Sách Phật Tổ Thống Kỷ chép: “Danh tự của mười vua từ trong kinh tạng, truyện, ký, có thể khảo chứng sáu vị, tức Diêm La, Ngũ Quan (hai danh hiệu này có thể thấy trong mục Tam Trường Trai (ba tháng ăn chay trường), trích từ kinh Đề Vị), Bình Đẳng (từ Hoa Nghiêm Cảm Ứng Truyện: Quách Thần Lượng bị sứ giả bắt tới chỗ Bình Đẳng Vương. Do ông ta tụng bài kệ “nhược nhân dục liễu tri” (nếu ai muốn hiểu rõ)[10], liền được thả về). Thái Sơn (theo Dịch Kinh Đồ Kỷ[11], ngài Pháp Cự dịch bộ Kim Cống Thái Sơn Thục Tội Kinh), Sơ Giang[12] (theo Di Kiên Chí, Quách Sanh mộng thấy vào cõi âm, vua vái chào, mời ngồi, bảo: “Ta là Vương Lang ở Tây Môn, cõi âm xét thấy ta trung hiếu, chánh trực, chẳng hại muôn vật, được làm Sơ Giang Vương một kỷ[13]”), Tần Quảng (theo Di Kiên Chí, Trần Sanh ở Nam Kiếm đã chết. Con gái của em trai ông ta thấy hai con quỷ dẫn tới một cung điện, [biển ngạch] đề là Tần Quảng Vương. Vua bảo: “Ngươi muốn cứu bác ngươi, hãy nên tụng kinh Bát Sư”. Cô gái tỉnh giấc, bảo người nhà tìm được kinh, thỉnh Tăng tụng một ngàn lượt. Anh ông ta mộng thấy em trai đến cảm tạ: “Đã được sanh lên trời”). Nay chỉ có mình vua Diêm La thưa hỏi, đại khái là vị vua cai quản điện thứ năm, thống nhiếp các vua, cho nên đặc biệt thêm vào hai chữ “thiên tử” [sau danh xưng]. Do Đế Thích Thiên là phụ vương, sai Diêm La làm thiên tử, chủ trì, thống nhiếp minh ty. Vị này thường được gọi là “địa hạ Phược La Hứ Thiên”.

3.2.3.2.2.2.1.2. Thiên tử thuật ý (thiên tử trần thuật tâm ý)

(Kinh) Bạch Phật ngôn: “Thế Tôn! Ngã đẳng kim giả, dữ chư quỷ vương, thừa Phật oai thần, cập Địa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát lực, phương đắc nghệ thử Đao Lợi đại hội, diệc thị ngã đẳng hoạch thiện lợi cố”.

()白佛言世尊我等今者與諸鬼王承佛威神及地藏菩薩摩訶薩力方得詣此忉利大會亦是我等獲善利故。

(Kinh: Bạch đức Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Nay chúng con và các vị quỷ vương nương vào oai thần của đức Phật và sức của Địa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát mới đến được đại hội trên cung Đao Lợi này, cũng tức là chúng con được thiện lợi to lớn vậy”).

Trước hết, trần thuật ý nghĩa vì sao đến [tham dự pháp hội]. “Đẳng” có nghĩa là không chỉ có các vị ngục vương thuộc chín điện khác. Theo kinh Trường A Hàm, tiểu thiên thế giới có một ngàn vua Diêm La, huống hồ tam thiên đại thiên, huống hồ là các vị Diêm La trong các tam thiên đại thiên nhiều như cát sông Hằng trong mười phương ư? Nhưng đức Phật xuất thế trong Nam Châu, cho nên minh vương (冥王, vua cõi âm) trong cõi này đóng vai trò chánh yếu. Từ “diệc thị” (cũng là) trở đi, chính là lời lẽ diễn tả sự vui mừng. Do Diêm La, quỷ vương v.v… đều do nghiệp duyên mà cảm báo, chịu khổ suốt ba thời. Như trong kinh Đệ Tử Tử Phục Sanh (đệ tử chết rồi sống lại), sứ giả tâu với vua: “Đại vương phụng trì tịnh giới của Phật ư?” Vua đáp: “Do ta không kính phụng Phật, phải theo tội mới đến làm vua trong địa ngục này”. Nay họ tới cung trời thấy Phật, nghe pháp, tự nhiên đạt được thiện lợi tăng thượng. Vì thế, thốt lời vui mừng ấy.

(Kinh) Ngã kim hữu tiểu nghi sự, cảm vấn Thế Tôn. Duy nguyện Thế Tôn, từ bi tuyên thuyết.

()我今有小疑事敢問世尊。唯願世尊慈悲宣說。

(Kinh: Con nay có chuyện nghi ngờ nhỏ, dám xin hỏi đức Thế Tôn. Kính mong đức Thế Tôn từ bi tuyên nói).

Từ “ngã kim” (con nay) trở đi, là lời thỉnh cầu. Tuy nói là “tiểu nghi”, nó sẽ chướng ngại tín tâm rất lớn. Vì thế, cần phải hỏi rõ. Chỉ mong do lòng đại từ bi, đức Phật sẽ tuyên thuyết ý chỉ ấy cho con, hòng tạo nhân duyên “ban vui, dẹp khổ”.

3.2.3.2.2.2.1.3. Hứa vấn vị thuyết (chấp thuận giải đáp câu hỏi)

(Kinh) Phật cáo Diêm La thiên tử: “Tứ nhữ sở vấn, ngô vị nhữ thuyết”.

()佛告閻羅天子恣汝所問吾為汝說。

(Kinh: Đức Phật bảo Diêm La thiên tử: “Cho phép ông hỏi, ta sẽ nói cho ông”).

“Tứ” (恣) là hãy buông lỏng, ý nói: Phàm có điều ngờ vực nào, chẳng cần phải ẩn giấu. Cứ mặc sức mà hỏi, ta không điều gì chẳng nói cho ông! Như hồng chung treo trên giá, hễ gõ bèn kêu, biểu thị tâm Phật từ bi chẳng có ngằn hạn!

3.2.3.2.2.2.1.4. Thân nghi trí thỉnh (giãi bày điều nghi cần hỏi)

3.2.3.2.2.2.1.4.1. Tự nghi (trần thuật lễ nghi thưa thỉnh)

(Kinh) Thị thời, Diêm La thiên tử, chiêm lễ Thế Tôn, cập hồi thị Địa Tạng Bồ Tát.

()是時閻羅天子瞻禮世尊及迴視地藏菩薩。

(Kinh: Khi ấy, Diêm La thiên tử chiêm ngưỡng, lễ bái đức Thế Tôn, và quay sang nhìn Địa Tạng Bồ Tát).

Chiêm ngưỡng, lễ bái là nghi thức biểu thị kính Phật, cầu pháp. “Hồi thị” (quay sang nhìn): Sự việc có chỗ chuyên chú. Do vì lẽ nào mà quay lại nhìn? Theo lễ nghi thưa hỏi pháp, ắt phải đối trước đức Phật làm lễ. Đang đứng tại chính giữa, như vậy là Bồ Tát ở bên cạnh; do đó, quay đầu nhìn Ngài.


ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH KHOA CHÚ


[1] Liệt Tử là tác phẩm do Liệt Ngự Khấu người nước Trịnh sáng tác. Ông được coi là một trong những người đi tiên phong của Đạo gia, triển khai tư tưởng của Lão Tử dưới thời Xuân Thu. Ông ra đời trước Trang Tử, chủ trương thanh tĩnh vô vi. Tác phẩm Liệt Tử của ông được Đạo gia tôn là Xung Hư Kinh, cùng với Đạo Đức Kinh, Trang Tử (Nam Hoa Kinh), và Văn Tử (Thông Huyền Kinh) được coi là “Đạo gia tứ bảo điển”. Trong đó, có nhiều câu chuyện ngụ ngôn nổi tiếng như người nước Kỷ lo trời sập, lắm ngõ rẽ không tìm được con dê đã mất, Ngu Công dời núi v.v…

[2] Bạch Trạch Đồ có tên gọi đầy đủ là Bạch Trạch Tinh Quái Đồ, không rõ ai là tác giả. Tương truyền, thời Hoàng Đế, có một thần thú tên là Bạch Trạch biết nói tiếng người, thông thạo các loài tinh mị, quỷ quái trên thế gian. Bạch Trạch thường được mô tả như con thú có bốn chân, chín mắt, sáu sừng, mặt người. Nó được coi là một con thú cát tường vì quỷ mị thấy nó đều phải lánh xa. Khi Hoàng Đế tuần du, đến bên biển Đông đã gặp Bạch Trạch, thỉnh giáo về chuyện quỷ thần. Bạch Trạch đã kể ra 11.520 câu chuyện quỷ thần, mô tả cặn kẽ các loài quỷ mị, cũng như cách thức xua đuổi chúng, và được chép lại thành sách Bạch Trạch Tinh Quái Đồ. Bản lưu hành hiện thời của sách này kể tên 199 loại quỷ, và hai mươi bức hình.

[3] Theo Phật Thuyết Quỷ Tử Mẫu Kinh, em gái Quỷ Tử Mẫu tên là Phù Đà Ma Ni Bát, chuyên quản trị tài vật trong thế gian.

[4] Trong “thập nhị tiếu” (mười hai con giáp) vốn không có mèo. Mão (Mẹo) là Thỏ, nhưng không hiểu sao, qua Việt Nam ta bèn trở thành mèo.

[5] Tên gọi đầy đủ của bộ sách này là Tỳ Ni Nhật Dụng Thiết Yếu Hương Nhũ Ký, do ngài Từ Vân Quán Đảnh Tục Pháp biên soạn. Theo truyền thuyết, Lỵ và Mị đều là các loài sơn tinh quỷ quái, hoặc tinh linh dựa vào đất đá trong núi rừng, đặc trưng của chúng là mặt người mình thú; riêng Lỵ là mãnh thú giống như rồng, không có sừng.

[6] Bảo Sanh Chân Nhân còn gọi là Bảo Sanh Đại Đế có tên là Ngô Đào. Ông này là một vị lương y nổi tiếng đời Tống, có tên tự là Hoa Cơ, hiệu là Ngộ Chân và Vân Trung, quê ở huyện Đồng An thuộc Tuyền Châu, tỉnh Phước Kiến. Do khi ông mười ba tuổi, cha ông qua đời vì bị bệnh mà không có tiền lo thang thuốc; không lâu sau, mẹ ông cũng qua đời, ông phẫn chí, thề nguyện dốc chí học y cứu đời. Sau khi mất, ông được tôn làm thần. Có thuyết nói Bảo Sanh Chân Nhân thật ra là ba vị Ngô Đào, Tôn Tư Mạo, và Hứa Tốn, tức là ba vị thầy thuốc nổi danh thời cổ.

Bích Hà Nguyên Quân là nữ thần núi Thái Sơn. Bà còn được biết đến với các danh xưng Đông Nhạc Thái Sơn Thiên Tiên Ngọc Nữ Bích Hà Nguyên Quân, Thái Sơn Thánh Mẫu, Thái Sơn Lão Mẫu, Thái Sơn Lão Nãi Nãi… Đạo giáo có nhiều cách giải thích nguồn gốc của vị thần này, hoặc nói bà là em gái của Ngọc Hoàng, hoặc con gái của Đông Nhạc Đại Đế, hoặc là một trong các nữ thần phù tá của Hoàng Đế. Theo Cổ Kim Đồ Thư Tập Thành, Hoàng Đế có các vị nữ thần phù tá là Tây Vương Mẫu, Cửu Thiên Huyền Nữ, Thái Sơn Ngọc Nữ (tức Bích Hà Nguyên Quân), Tố Nữ, Nữ Bạt, Hậu Thổ, và Vân Hoa phu nhân.

[7] Na Trá là thái tử của Tỳ Sa Môn thiên vương (Đa Văn Thiên Vương), là đại lực quỷ vương, ba mặt, tám tay. Vị này từng thị hiện dâng xá-lợi răng Phật cho ngài Đạo Tuyên lập tháp thờ phụng khi Sư đang ẩn tu tại chùa Tây Minh. Vị này không liên quan gì đến truyền thuyết tam thái tử Na Tra là con của Thác Tháp Thiên Vương Lý Tĩnh trong Đạo giáo.

[8] Thiên văn ở đây là thiên văn thời cổ Trung Hoa, chuyên nghiên cứu các tinh tú, không phải là Astronomy của phương Tây. Triều đình có cơ quan Khâm Thiên Giám chuyên nghiên cứu thiên văn để soạn lịch pháp, cũng như dự đoán những điềm báo nguy cơ cho quốc gia, cũng như chọn ngày tốt cho các đại điển như ngày đăng quang, ngày tế Nam Giao, ngày phong Thái Tử, phong nguyên soái, ngày mở khoa thi Đình v.v… Họ quan niệm mỗi tinh tòa có một chủ tinh như đế vương, các ngôi sao khác sẽ được phân định như các quan cận thần có tả chấp pháp, hữu chấp pháp v.v…

[9] Khi ngài Kim Kiều Giác (hóa thân của Địa Tạng Vương Bồ Tát) đến Cửu Hoa Sơn, mang theo một con chó trắng (có tên là Đế Thính). Ngài ẩn tu tại một sơn cốc hoang vắng của Cửu Hoa Sơn. Khi đói thì dùng đất sét mịn trộn với lúa mạch nặn thành bánh để ăn, chưa từng nấu nướng. Về sau, các vị cư sĩ vô tình tìm thấy Ngài, muốn xây dựng đạo tràng cho Ngài. Lúc bấy giờ, núi Cửu Hoa thuộc quyền sở hữu của Mẫn Công. Mẫn Công hoan hỷ hỏi tỳ-kheo Kim Kiều Giác cần bao nhiêu đất để ông quyên tặng. Tỳ-kheo nói: “Ta chỉ cần khoảnh đất vừa bằng chiếc ca-sa”. Mẫn Công đồng ý ngay. Khi ngài Kim Kiều Giác trải ca-sa ra thì y ca-sa phủ trọn Cửu Hoa Sơn, Mẫn Công hết sức khâm phục đạo lực của Kim tỳ-kheo, bèn hoan hỷ hiến cúng toàn bộ Cửu Hoa Sơn. Con trai của ông ta cũng xin xuất gia với ngài Kim Kiều Giác, tức là hòa thượng Đạo Minh. Do vậy, trong các tranh vẽ theo lối cổ, bên cạnh đức Địa Tạng Bồ Tát, thường có một ông già râu tóc bạc phơ, đó là Mẫn Công và một vị tăng trẻ tuổi chắp tay (hoặc cầm tích trượng đứng hầu); đó là hòa thượng Đạo Minh. Đế Thính về sau thường được vẽ như một con sư tử có sừng, làm tọa kỵ của đức Địa Tạng.

[10] Tức bài kệ “nhược nhân dục liễu tri, tam thế nhất thiết Phật, ưng quán pháp giới tánh, nhất thiết duy tâm tạo” (nếu ai muốn hiểu rõ, ba đời hết thảy Phật, hãy quán tánh pháp giới, hết thảy do tâm tạo). Có lẽ do câu chuyện cảm ứng này mà bài kệ này được dùng để mở đầu nghi thức Mông Sơn Thí Thực, cũng như hai câu kệ đầu thường được dùng để nhớ cách điểm trống, khởi mõ, đánh dẫn khánh khi mở đầu bất cứ nghi thức tụng niệm nào trong các tự viện Trung Hoa.

[11] Tác phẩm này có tên gọi đầy đủ là Cổ Kim Dịch Kinh Đồ Kỷ, gồm bốn quyển do sa môn Tĩnh Mại soạn vào đời Đường, ghi chép các kinh luận đã được phiên dịch từ tiếng Phạn sang tiếng Hán từ thời ngài Ca Diếp Ma Đằng dưới thời Hán Minh Đế cho đến thời ngài Huyền Trang đời Đường Thái Tông.

[12] Thông thường, khi nói đến Thập Điện Diêm Vương thì vị này phải có tên là Sở Giang (楚江), nhưng sách Phật Tổ Thống Kỷ lại chép là Sơ Giang (初江).

[13] Một kỷ là mười hai năm.