HÁT LÊN LỜI THƯƠNG YÊU
Nguyên Minh
LÒNG THƯƠNG YÊU CHÂN THẬT
Khi thực hành thương yêu, chúng ta cần chú ý phân biệt giữa lòng thương yêu chân thật với những cảm xúc sinh khởi từ tham ái. Đôi khi, những cảm xúc này cũng tạo ra những động lực thôi thúc tương tự như lòng thương yêu chân thật, nhưng điều khác biệt cơ bản nhất là chúng không mang lại cho ta niềm vui và sự thanh thản, sáng suốt. Ngược lại, chúng luôn mang đến những khổ đau và mê muội.
Tham ái, hay lòng ham muốn và luyến ái có rất nhiều đối tượng, trong đó thì ái dục là đối tượng mạnh mẽ nhất. Tuy nhiên, bất cứ đối tượng nào của tham ái cũng đều làm phát sinh nơi chúng ta một sự khao khát chiếm hữu, mong muốn được sở hữu và duy trì, bảo vệ sự sở hữu đó. Vì thế, trong giáo lý về Mười hai nhân duyên,[21] đức Phật đã chỉ rõ mối tương quan tiếp nối nhau sinh khởi của các yếu tố: ái, thủ và hữu. Trong đó, ái chính là tham ái, luyến ái, và thủ, hữu chỉ cho sự khao khát chiếm giữ, sở hữu.
Trong kinh Pháp cú, kệ số 212, đức Phật dạy:
Do ái sanh sầu ưu,
Do ái sanh sợ hãi.
Ai thoát khỏi tham ái,
Không sầu, đâu sợ hãi?[22]
Như vậy, chính tham ái đã gây ra cho chúng ta những “sầu ưu, sợ hãi”. Và “sầu ưu, sợ hãi” lại chính là những nguyên nhân chủ yếu gây ra khổ đau và mê muội. Vì thế, “thoát khỏi tham ái” thì tất yếu sẽ không còn “sầu ưu, sợ hãi” nữa.
Nói “sầu ưu, sợ hãi” là muốn nói một cách tổng quát, dễ hiểu. Nếu xét chi ly ra thì chúng ta còn có thể dễ dàng thấy được tham ái là đầu mối trói buộc và thôi thúc hầu hết tư tưởng, lời nói và việc làm của chúng ta. Không có những trói buộc và thôi thúc này, chúng ta sẽ không thể bị xô đẩy vào những khuynh hướng tội lỗi, xấu ác.
Trong khi những thôi thúc của lòng ham muốn luôn che mờ lý trí, làm chúng ta mất đi sự sáng suốt và phán đoán độc lập, thì những mong muốn “cứu khổ, ban vui” của một lòng thương yêu chân thật lại hoàn toàn không giống như vậy. Mặc dù cũng tạo ra một động lực mạnh mẽ thúc đẩy chúng ta phải hành động để mang lại niềm vui và giảm nhẹ khổ đau cho người khác, nhưng sự thôi thúc của lòng thương yêu không làm che mờ lý trí, ngược lại nó giúp chúng ta càng trở nên sáng suốt và dũng mãnh hơn. Đây chính là mối tương quan “bi, trí, dũng” vẫn thường được nhắc đến trong đạo Phật.
Chúng ta hoàn toàn có thể chiêm nghiệm từ thực tế để thấy rõ được sự khác biệt này. Khi chúng ta khao khát, thèm muốn một đối tượng, chúng ta bị sự thôi thúc phải nỗ lực không ngừng để chiếm hữu đối tượng đó. Sự thôi thúc này gây ra tâm trạng nôn nóng và bực tức, khiến cho đầu óc ta trở nên mê muội, thiếu sáng suốt. Sự khao khát, thèm muốn càng mãnh liệt thì chúng ta càng bị thôi thúc mạnh mẽ hơn, và do đó mà tâm trí ta càng mê muội, tối tăm hơn. Với những kẻ nuôi tham vọng “đội đá vá trời” thì tâm trí họ thậm chí còn có thể trở nên điên cuồng, không còn phân biệt được đúng sai, phải trái gì nữa, chỉ biết làm mọi cách để thỏa mãn tham vọng của mình. Và một khi hoàn toàn thất bại trong việc chiếm hữu đối tượng – điều này rất thường xảy ra – thì chúng ta sẽ luôn phải ôm lấy sự đau đớn, khổ sở và bực tức.
Khi phát khởi lòng thương yêu và nỗ lực quên mình vì người khác, chúng ta không phải chịu đựng những áp lực tâm lý của sự thôi thúc do lòng ham muốn. Ngược lại, ta luôn có được một sự thanh thản và sáng suốt trong tâm trí cũng như một ý chí mạnh mẽ và quyết tâm mang lại niềm vui, giảm nhẹ khổ đau cho người khác. Và nếu như có thất bại trong việc cứu giúp người khác, ta cũng chỉ sinh khởi một tấm lòng bi cảm, lân mẫn chứ không hề bị nhấn chìm trong khổ đau và bực tức.
Khác biệt cơ bản giữa lòng thương yêu chân thật và sự luyến ái chính là ở ý thức chiếm hữu. Khi sự thôi thúc trong lòng ta xuất phát từ nỗi khao khát chiếm hữu một đối tượng, đó chính là biểu hiện của luyến ái. Ngược lại, nếu sự thôi thúc đó là hoàn toàn vô tư, chỉ nhằm giúp ta thực hiện được những hành vi “cứu khổ, ban vui”, đó chính là biểu hiện của lòng thương yêu chân thật.
Trong thực tế, khi chúng ta thương yêu và mong muốn chiếm hữu đối tượng, tình yêu đó có rất nhiều khả năng sẽ mang lại khổ đau, sầu não. Và nếu như ý muốn chiếm hữu của chúng ta hoàn toàn thất bại, có rất nhiều khả năng là sự thương yêu đó sẽ hóa thành căm hận, bực tức. Đó chính là bản chất của luyến ái. Ngược lại, nếu chúng ta có thể thương yêu và thật lòng chúc phúc cho người mình yêu khi người ấy sánh vai cùng người khác, tình yêu đó chắc chắn sẽ để lại trong ta những kỷ niệm đẹp khó quên thay vì là làm cho ta đau đớn, khổ sở. Những hồi ức về một tình yêu như thế chắc chắn sẽ mang lại cho chúng ta nhiều niềm tin và nghị lực chứ không phải là những tiếc nuối, dằn vặt khổ đau. Bởi vì đó chính là biểu hiện của một lòng thương yêu chân thật.
Lòng thương yêu chân thật luôn mang đến cho chúng ta sức mạnh, niềm tin và sự vui sống. Những sức mạnh, niềm tin và sự vui sống đó luôn có khả năng san sẻ cho người khác, và càng san sẻ thì nội lực của bản thân chúng ta lại càng tăng thêm. Đúng như lời Lão Tử đã từng nói: “Càng cho người khác thì mình càng được nhiều hơn.”[23]
Ngược lại, sức mạnh của lòng ham muốn tạo ra nơi chúng ta là thứ sức mạnh bạo phát bạo tàn và không có khả năng san sẻ cho người khác. Như một bếp lửa nóng, không chỉ tỏa sức nóng ra chung quanh mà còn thiêu cháy tất cả những gì ở bên trong nó. Cũng vậy, lòng ham muốn không chỉ tạo thành sức mạnh gây tổn hại đến người khác, nó còn đốt cháy, hủy hoại cả người nuôi dưỡng nó! Chính điều này giải thích vì sao việc nuôi dưỡng lòng thương yêu luôn giúp chúng ta có thêm sức mạnh dài lâu, trong khi sự nuôi dưỡng tham ái thì chỉ có sức mạnh nhất thời và khiến cho ta ngày càng mỏi mệt, kiệt lực.
Khi hiểu được điều này, chúng ta sẽ thấy rằng có những hiện tượng nghịch lý thường gặp trong cuộc sống thật ra không có gì khó hiểu. Chẳng hạn, trong cuộc sống hàn vi khốn khó thì anh em bằng hữu lại rất thân thiết nhau, chia sẻ nhau từng cộng rau, hạt muối… nhưng khi giàu sang quyền thế, ăn ngon mặc đẹp thì người ta lại dễ dàng trở mặt đốp chát với nhau, tranh chấp nhau từng ly từng tý, chẳng ai chịu nhường ai. Nghịch lý ở đây là, vì sao lúc đói thiếu người ta lại dễ san sẻ những gì mình đang có – dù là rất ít – cho người khác, nhưng lúc dư thừa lại chỉ muốn khư khư giữ chặt tất cả, không muôn chia sớt với bất cứ ai, ngay cả những người đã từng thân thiết với mình?
Vấn đề ở đây là, trong những hoàn cảnh quá thiếu thốn thì lòng ham muốn hầu như không có đối tượng để nảy sinh và phát triển, nên trong tình cảm anh em, bằng hữu gắn bó chỉ tồn tại duy nhất một lòng thương yêu chân thật, sẵn sàng chia sẻ cho nhau. Ngược lại, khi trở nên giàu sang quyền thế, trước mắt người ta luôn hiện ra vô số những đối tượng của lòng ham muốn, mà như đã nói thì những đối tượng này lại không bao giờ có giới hạn cuối cùng! Vì thế, người ta dễ trở nên mù quáng vì ham muốn, chỉ muốn chiếm hữu ngày càng nhiều hơn – cho dù đã có quá nhiều – và không còn khả năng san sẻ bất cứ điều gì cho người khác!
Chính do nơi thực tế này mà những làng quê nghèo khó lại thường là những nơi dân tình chất phác, thuần hậu, thương yêu nhau, trong khi những chốn phồn hoa đô hội lại chính là những nơi con người rất dễ nảy sinh đủ mọi tội lỗi, sẵn sàng lường gạt lẫn nhau!
Cũng tương tự như vậy, có những con người thuở hàn vi rất tốt bụng, tử tế, nhưng khi được giao trong tay quyền cao chức trọng thì lại rất dễ biến chất, tha hóa, trở thành những kẻ xấu xa nhất trong xã hội. Sự sa đọa của họ không phải do thiếu thốn, mà hoàn toàn là do đã bị khống chế bởi lòng ham muốn.
Khi hiểu được những khác biệt như vừa nêu trên, chúng ta sẽ luôn giữ được một tâm hồn trong sáng ngay cả trong những điều kiện vật chất cám dỗ, bằng vào việc phát khởi lòng thương yêu chân thật. Một khi suối nguồn yêu thương đã dạt dào tuôn chảy thì ngọn lửa ham muốn chắc chắn sẽ nhanh chóng lụi tàn mà không thể thiêu đốt đi những bản chất tốt đẹp của chúng ta.
CHÚ THÍCH
[1] Chấp ngã: nhận thức rằng có một “cái ta” tồn tại độc lập trong vạn hữu.
[2] Ngay khi tôi đang viết những dòng này thì nhân loại vẫn còn bó tay trước hiểm họa HIV/AIDS, và dịch cúm A H5N1 ở gia cầm đã xuất hiện ở 6 nước châu Âu sau khi hoành hành tại nhiều nước thuộc châu Á, châu Phi… và rất có khả năng chúng sẽ biến thể để lây lan từ người sang người, gây ra một trận đại dịch toàn cầu.
[3] Vô ngã (無我): không có ta, ở đây cần hiểu là không có một “cái ta” tồn tại riêng lẻ, đối lập với thế giới bên ngoài.
[4] Thánh nhân hậu kỳ thân nhi thân tiên, ngoại kỳ thân nhi thân tồn.
[5] …dĩ kỳ vô tư… cố năng thành kỳ tư.
[6] Theo bản Việt dịch của Hòa thượng Thích Minh Châu.
[7] Nhân chi sơ tánh bản thiện.” Trích từ Tam tự kinh, một bộ sách vỡ lòng của người học chữ Hán.
[8] Nguyên văn: Ngã hữu tam bảo, trì nhi bão chi. Nhất viết từ, nhị viết kiệm, tam viết bất cảm vi thiên hạ tiên. (Đạo Đức Kinh, chương 67)
[9] Nguyên văn: Ký dĩ vi nhân kỷ dũ hữu; ký dĩ dữ nhân kỷ dũ đa. (Đạo Đức Kinh, chương 81)
[10] Nguyên văn: Thắng nhân giả, hữu lực dã. Tự thắng giả, cường giả (Đạo Đức Kinh, chương 33)
[11] Từ năng dữ lạc, bi năng bạt khổ.
[12] Từ năng dữ lạc, bi năng bạt khổ.
[13] Sáu pháp ba-la-mật, hay còn gọi là lục độ, là sáu phương pháp tu tập của hàng Bồ Tát, được xem như phương tiện giúp người tu tập đạt đến sự giải thoát. Sáu pháp này bao gồm: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí huệ.
[14] Nhược Bồ Tát bất trụ tướng bố thí, kỳ phước đức bất khả tư lương. Kinh Kim Cang, bản dịch Hán văn của ngài Cưu-ma-la-thập.
[15] Tuy thường được gọi là kinh Phổ môn, nhưng thật ra đây là phẩm thứ 25 trong bộ kinh Diệu pháp liên hoa, thường gọi tắt là kinh Pháp hoa. Phẩm kinh này nói về Bồ Tát Quán Thế Âm và hạnh nguyện của ngài.
[16] Tham khảo Chư kinh tập yếu, bản dịch tiếng Việt của Đoàn Trung Còn, Phật học Tùng thư xuất bản năm 1970.
[17] Tham khảo thêm bản dịch tiếng Việt của sách The Tibetian Book of the Death, nhan đề Người Tây Tạng nghĩ về cái chết, Nguyên Châu & Nguyễn Minh Tiến dịch, NXB Văn hóa Thông tin.
[18] Ngoài việc được sử dụng trong nghi thức Cầu an tại các tự viện, phần lớn Phật tử cũng thường tụng niệm phẩm kinh này tại nhà mỗi khi muốn cầu được sự bình an cho cả gia đình.
[19] Tứ diệu đế, hay thường gọi là Tứ đế, là bốn chân lý không ai có thể thay đổi hay phủ nhận, bao gồm: Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo đế. Giáo pháp Tứ diệu đế được đức Phật thuyết giảng lần đầu tiên tại vườn Lộc Uyển cho 5 anh em ông Kiều-trần-như là những đệ tử đầu tiên của ngài, và được ghi lại trong kinh Chuyển pháp luân (Tương ưng bộ kinh, Tập 5 – thiên Đại phẩm, chương 12). Để biết chi tiết hơn về Tứ đế, xin tìm đọc Vì sao tôi khổ, cùng một tác giả, NXB Tổng hợp TP HCM.
[20] Phiền não thị đạo trường. Kinh Duy-ma-cật sở thuyết, phẩm Bồ Tát. Xem bản dịch tiếng Việt của Đoàn Trung Còn và Nguyễn Minh Tiến, NXB Tôn giáo.
[21] Thập nhị nhân duyên hay 12 nhân duyên, theo nguyên ngữ tiếng Sanskrit là pratỵtya-samutpda và trong kinh tạng Pli là paṭicca-samuppda, dịch sát nghĩa là duyên khởi hay nhân duyên sanh, nhưng vì có 12 nhân duyên nên vẫn thư?ng gọi là Thập nhị nhân duyên. Trong đó bao gồm: vô minh, hành, thức, danh sắc, lục căn, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sinh và lão tử. đức Phật đã chỉ rõ mối tương quan tiếp nối nhau sinh khởi của các yếu tố: ái, thủ và hữu. Trong đó, ái chính là tham ái, luyến ái, và thủ, hữu chỉ cho sự khao khát chiếm giữ, sở hữu.
[22] Theo bản dịch Việt ngữ của Hòa thượng Thích Minh Châu.
[23] Nguyên văn: Ký dĩ dữ nhân kỷ dũ đa. (Đạo Đức Kinh, chương 81)