Chút Hương Ngày Cũ
Hồi ký Hạnh Đoan
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Sáng sớm tinh mơ, chị Tịnh Niệm đã đập cổng thất tôi, nói vọng vào:

– Cô Hạnh Thanh chết rồi! – Nói xong chị vội vã bỏ đi.

Mười phút sau chị Ẩn chạy qua bắc loa báo lần nữa:

– Chị Hạnh Thanh bị tai biến mạch máu… đi rồi!

Lỗ tai tôi lùng bùng, đầu óc thoáng chao đảo. Biết là ai cũng phải chết, chúng tôi sẽ nối tiếp nhau đi vào cửa tử, nhưng với tôi quả tình chị ra đi hơi sớm.

Lần đầu lên núi, tôi là lính mới tò te, gặp chị cũng là tân binh, nhưng trông dáng vẻ hồng hào phương phi của chị, tôi cho rằng đây là một vị ni sư nên chắp tay bái chào lia lịa. Khi Viên Chiếu thành lập xong rồi, mấy tháng sau mới thu xếp xong việc nhà để vào thường trú với chúng tôi. Lúc ấy Viên Chiếu đang vào thời “khai hoang lập quốc” nên bất cứ ai gia nhập cũng được hoan hô đón chào ngầm, nhưng thực tế người bỏ đi nhiều hơn kẻ đến – vì cơ cực quá!

Trong hoàn cảnh ấy, càng nhọc nhằn chị em càng đùm bọc nhau, tình thân càng chan trải. Cô Hoa, chị Hạnh Thanh thuộc diện lớn tuổi nhất chúng cũng chỉ trên ba mươi, cô Đức làm huynh trưởng chỉ mới hăm mấy, còn tôi nhỏ nhất, vừa tròn mười sáu.

Giữa rừng đầy gai góc, muốn có lương thực tất cả chúng tôi phải bận như con thoi. Chị Hạnh Thanh vào Viên Chiếu trong tình huống tức cười: chị đang nguyện trả nghiệp nên bị nghiệp đòi tới tấp, đến nỗi phải nằm mẹp trên giường bịnh. Dù ở cái tuổi “toan về già” song chị vẫn là anh hùng lao động xuất sắc, dũng cảm có thừa, không hề từ nan một việc khó khăn nào.

Tôi chẳng bao giờ dám nguyện trả nghiệp, chỉ tùy duyên mà tiêu thôi. Bởi tôi sợ phát nguyện trả nghiệp mà lỡ ác nghiệp của mình nhiều quá nó tuôn ra ào ạt thì chịu làm sao thấu? Chị Thanh bị ghẻ nổi toàn thân đau đớn chẳng cử động được gì nhiều, may nhờ có bào muội là chị Hạnh Nhã chăm sóc tận tình (vừa chăm sóc vừa la đó). Nhìn chị Thanh chịu đựng cơn bệnh phải biết là chị rất giàu nghị lực.

Rồi cơn bệnh dần hết, chị nhậm chức Trưởng viên, dốc hết tâm huyết kiến tạo vườn cây ăn trái cho Viên Chiếu. Mỗi lần nhắc đến chị Thanh, chị Nhã; chị Thủy thường nói:

– Hai người này đúng là “khai quốc công thần” của Viên Chiếu?

Lời bình phẩm ấy không sai. Hai chị em giống nhau từ ý chí tu tới tinh thần làm việc năng nổ. Chiều chiều, trước giờ tụnh kinh, hai vị thường sánh nhau đi trên lối mòn Viên Chiếu dưới tàng lá âm u của mấy rặng tre, quí cô thường bảo nhau:

– Trông kìa! Dược Vương, Dược Thượng đang đi kinh hành!

Các chị mang biệt hiệu ấy bởi vì chị Nhã thường thố lộ: hai chị nguyện đời đời là thiện tri thức của nhau, sách tấn nhau tu tới thành chánh quả!

Chị em họ rất thương nhau, ngọt bùi cùng sớt chia và chia… luôn những công tác nhọc nhằn trong Viên Chiếu để làm. Việc gì nặng thì tình nguyện làm, không bao giờ lánh nặng tìm nhẹ… các chị cũng chẳng ham làm quên tu, siêng năng ngồi thiền “lố” thời khóa, dù lao tác mỏi mệt vẫn lúc thúc lễ bái sám hối chuyên cần.

Chị Nhã trước giải phóng chuyên đi dạy, vào tu viện mới bắt đầu làm nông, chị được bầu làm Trưởng ruộng và làm rất cực. Ra đồng sớm và về muộn hơn ai hết. Đã vậy, xả thiền khuya xong là chị tuột xuống bồ đoàn tranh thủ chùi nhà tắm nhà vệ sinh sạch sẽ, gánh nước đổ đầy thùng phuy trước nhà vệ sinh và các thùng trong nhà tắm để chúng tôi làm ruộng về có mà dùng. Dù chùa có cắt công tác vệ sinh luân phiên, nhưng đến giờ chấp tác, người làm vệ sinh phải ngẩn ngơ vì chị Nhã đã làm hết trọi. Nếu muốn chu toàn trách nhiệm thì phải làm trước chị Nhã, vậy là xảy ra một cuộc đua ma-ra-tông do những cuộc tranh làm. Có người cho là chị Nhã thích kiếm phước thêm, thích “mót phước”… nhưng, công hạnh đặc biệt của chị không phải ai cũng có, vì vậy mà tôi rất ngưỡng mộ chị về điều này. (Với chị thì đừng hòng đùn đẩy, nạnh việc… chị sẽ thầu hết cho xem) đây cũng là một nhân vật khó kiếm, một hạnh tu đặc biệt và thật thích khi tôi được nói đôi điều về chị, (dĩ nhiên là tôi không nói quá, tôi không muốn tâng bốc người những điều mà họ không có). Bây giờ xài nước đã có máy bơm, chẳng còn cảnh phải gánh lận đận như ngày xưa, và chị Nhã nay cũng đã “tàn hơi hết sức” rồi, nhưng ý chí và tinh thần trách nhiệm cao thời ấy của chị đã thổi vào Viên Chiếu một luồng khí lạ, đầy tính phụng hiến hi sinh, thế nên từng giọt nước mát chị gánh cho chúng tắm ngày ấy, tới giờ vẫn còn đọng lại trong tôi. Ngay khi viết những dòng này tôi vẫn thấy cảm động bồi hồi. Chị hành nhiều hơn nói và là một “thiện tri thức” hết sức… đúng nghĩa.

Chị Huệ cũng là dân quen đứng trên bục giảng “ăn hiếp” học trò, vốn chẳng thạo cuốc cày, nhưng chị và cô Hoa phảng cỏ ào ào, phảng… rất thiện nghệ, chẳng thua một đấng nam nhi nào. Nhìn họ làm tưởng dễ, nhưng cầm phảng lên tôi mới hiểu hết được nỗi khó khăn, phảng thử một chút là tay tôi đã sưng phồng, rướm máu; còn các chị thì phảng cỏ ngày này qua ngày khác, cỏ chỉ cỏ gai vốn ngỗ ngáo và dai nhách, lại mau làm lụt phảng… thế nhưng các chị đã âm thầm chịu đau cho tay đàn em được lành lặn, không một lời than vãn… rồi khi buông phảng ra chị Huệ vẫn cạo gió cho người rất bền, cô Hoa vẫn còn sức để cắt lễ đuổi bịnh giúp chúng tôi thật thiện nghệ. Đây là tính cách quảng đại bao che của các bậc đàn chị mà tôi không thể không nhắc đến.

Chị Minh Ánh thì giỏi cào cỏ, cào cũng phải có nghệ thuật sao cho cỏ nằm rạp bày gốc ra để đường phảng chém vào dễ dàng không bá vào lưỡi cào, cào vụng về người phảng sẽ mệt thêm! Chị Ánh làm rất thong dong (dù nhiều người đã luống cuống khi cào thử) có lúc một tay chị cào cỏ một tay thọc vào túi quần trông thật nhàn hạ (dạo ấy chúng tôi mặc đủ thứ đồ do người ta ủy lạo cho, kể cả quần lính, quần tây, miễn là dày để đối phó với đám gai rừng nên mới có túi để mà thọc tay vào) đôi khi sướng hơn còn móc được kẹo từ trong túi ra ăn để thấy trần gian này còn ngọt ngào lắm lắm.

Chị Hạnh Thanh thì phá tre dọn vườn, đào ao trồng sen súng, lập vườn dừa. Ngày nay Viên Chiếu có được vườn cây ăn trái thành khoảnh xum xuê, dẫu có bàn tay đại chúng đóng góp thì công đầu vẫn là chị Thanh, vì chọ đã vắt hết sức mình vào đó. Bây giờ từ thất tôi nhìn ra hàng dừa lộng gió, còn thấy thấp thoáng đọt sầu riêng. Cây sầu riêng lúc chị hạ trồng chỉ cao tới đầu gối, nhìn nó bé tí tôi vừa tưới vừa than: – Biết chừng nào sầu riêng mới lớn? Chị khuyến khích tôi: – Ráng đi em, Chừng mười năm nữa mình có trái ăn rồi! – Bây giờ đã hơn hai mươi năm, khi ăn sầu riêng có ai còn nhớ tới chị? Tôi vẫn mường tượng được dáng chị mặc đồ vá chùm và đụp, nhanh nhẹn đi tới đi lui làm vườn, nước da không còn hồng hào mà xanh mét, vì màu xanh mét là đặc điểm của dân Viên Chiếu hồi ấy, quà tặng thân thiết của muỗi sốt rét.

Tôi đã từng làm chung ban với chị Thanh khá lâu, nghề của tôi là chuyên gánh nước cho chị tưới; có những cây giống chị phải về tận miền Tây để lấy, thường chị đi độ ngày rưỡi là về và không quên đem thao quà cho tôi; tôi hân hoan đón lon guigoz chè chị trao, trốn vào bụi chuối ăn sạch nhẵn (nên tôi rất sẵn sàng coi vườn cho chị đi lấy giống cây) nhưng cần lắm chị mới đi, vì chị thuộc diện ít khi rời khỏi chùa.

Khi mùa lúa chín tới khoe những hạt no tròn nặng trĩu thì chúng tôi phải thức đêm canh chừng đạo chích. Lúc ấy bọn trộm còn hiền lắm, thấy có chúng tôi hiện diện là chùn tay. Tuy là ban Tri Viên song chị Thanh vẫn tình nguyện thức canh trộm, dĩ nhiên phải canh hai người cho an ninh và tôi luôn là cái đuôi của chị. Bờ đê ruộng không chắc nhưng chúng tôi vẫn tìm được chỗ để hai cái sàng thiền, mắc mùng ngồi trong đó “nhập định” tới sáng. Đêm mù sương nồng nàn hương lúa chín, mộng và thực trộn lộn hòa lẫn chập chờn trên đôi mắt ngái ngủ nửa tỉnh nửa mê của tôi. Canh độ dăm ngày là lúa được gặt tải hết vô bồ.

Lúa chín vào mùa lụt thì khỏi canh trộm, các ban làm trên bờ đều được huy động xuống nước gặt lúa khẩn cấp. Nước ngập tới thắt lưng, tới ngực… có chỗ sâu hút, đứng thẳng dang tay lên trời còn bị lút tay. Các chị bảo chỗ này chắc là hố bom ngày xưa nên mới sâu dữ vậy. Dân biết bơi cỡ tôi, chị Thanh, chị Nhã thì lội ra chỗ sâu mà gặt. Đôi lúc phải lặn vì lúa nằm sát rạt, tôi có cảm tưởng mình gặt trong thế trồng chuối vì hai chân cứ bị đẩy chổng ngược lên trời, còn tay thì cố gặt (vớt vát được cọng nào hay cọng đó) chỉ lo mất mùa đói thôi. Lúa gặt xong được chất lên bè đẩy vào chùa, ai nấy ướt loi ngoi, lạnh rung nhưng cũng ráng cười.

Nghe kể trước khi ra đi chị Thanh rất tỉnh táo, dự biết trước và nhắn lời mời Viên Chiếu làm đám cho chị, thật đáng mừng.

“Sinh như đắp chăn bông, tử như cởi áo hạ”. Chị đã trả hết nghiệp, một đời siêng năng tinh tấn, đối xử trọn nghĩa tình với người thì chuyện bỏ thân dù sớm hay muộn đâu có gì để lo lắng, băn khoăn? Chiếc xe thân xác chị đã cỗi, đã đến lúc phải rã thì bạn đồng môn đều chúc mừng chị ra đi tỉnh sáng.

Thuở ấy tôi nhỏ nhất nên không thể kể về bậc đàn em, chỉ kể được về các bậc đàn chị của mình: “Làm việc không tiếc thân, giàu lòng quảng đại, hi sinh” đó là tính cách chị Hạnh Thanh mà cũng là của các chị tôi. Bài viết này xin thay nén hương dâng đến chị – cố Trụ trì thiền viện Tịch Chiếu – và cũng để gởi một chút tình đến các bậc đàn chị đã từng dìu dắt chở che tôi trong chiếc nôi Viên Chiếu khó quên.

* * * * * *
Tiễn Biệt
(Tặng giác linh chị Hạnh Thanh)

Tin chị mất trong một ngày giữa hạ
Em lặng người, nghe khoảnh khắc buồn len
Dẫu đã biết xác thân rồi phải rã
Câu vô thường đọc mãi vẫn chưa quen..
Nếu cuộc sống là cùng nhau chan trải
Trao niềm vui, thay nhận những ưu phiền
Chị bỏ xác, bọt tan vào đại hải
Lối đi về, trăng tỏa sáng vô biên..
Vườn Viên Chiếu còn đơm đầy hoa trái
Ngọt ngào như nhân cách chị hiền hòa
Trong lòng chúng, chị vẫn còn sống mãi..
Nết siêng năng, tận tụy, vị tha..
Em tống tiễn không trầm hương, đèn nến..
Một bài thơ, dâng đến cõi vô cùng
Giờ nẽo giác chị nhẹ nhàng cập bến
Hạt bụi hôm nào, tan vỡ thong dong…