SỐNG MỘT ĐỜI VUI
Yongey Mingyur Rinpoche

Diệu Hạnh Giao Trinh & Nguyễn Minh Tiến dịch

Phần II: Con đường tu tập

9. Tìm điểm quân bình

Tâm thuần phục đem lại niềm vui chân thật.

KINH PHÁP CÚ

Eknath Easwaran dịch sang Anh ngữ

Hãy an trụ mà không cố chấp.

GOTSANGPA

Quang minh bảo đăng (Radiant Jewel Lamp)
Elizabeth M. Callahan dịch sang Anh ngữ

Bây giờ, chúng ta sẽ tạm thời gác lại phạm trù khoa học và lý thuyết để bắt đầu thảo luận về sự thực hành tu tập mà thuật ngữ Phật giáo gọi là Chánh đạo. Tôi sẽ bắt đầu bằng một câu chuyện mà tôi đã được nghe từ lâu lắm rồi, về một người đàn ông lúc còn trẻ từng là một tay bơi lội vô địch. Khi tuổi đã về chiều, ông đi tìm một việc gì có thể kích thích và làm say mê ông giống như việc bơi lội lúc còn trẻ. Ông quyết định trở thành một thầy tu, nghĩ rằng ông có thể khuất phục những ngọn sóng của tâm thức cũng giống như ngày xưa ông đã từng khuất phục những ngọn sóng của đại dương. Ông đã tìm được một vị thầy mà ông rất tôn kính, thọ giới xuất gia và bắt đầu tu tập theo những giáo huấn của thầy. Như thường tình vẫn gặp, việc thiền quán đã không dễ dàng đối với ông, nên ông đến xin thầy chỉ dạy.

Vị thầy bảo ông ngồi thiền để ngài có thể quan sát cách thực tập của ông.

Sau một lúc quan sát, vị thầy nhận thấy tay cựu tuyển thủ bơi lội đã cố gắng quá sức. Ngài bèn khuyên ông hãy thư giãn. Nhưng ông này cảm thấy ngay cả lời dạy đơn giản đó cũng rất khó làm theo. Khi cố gắng thư giãn, tâm ông trôi giạt bất định và thân ông nghiêng ngả. Khi cố tập trung thì thân tâm ông đều trở nên căng thẳng. Cuối cùng vị thầy hỏi:

– Ông biết bơi phải không?

Ông đáp:

– Tất nhiên, con bơi giỏi hơn bất cứ ai.

Vị thầy lại hỏi:

– Muốn bơi giỏi thì cơ bắp phải hoàn toàn căng thẳng hay hoàn toàn buông lỏng?

Người cựu tuyển thủ bơi lội đáp:

– Cả hai đều không được. Mình phải tìm được sự quân bình giữa căng thẳng và buông lỏng.

Vị thầy tiếp tục:

– Tốt lắm. Vậy ta hỏi ông, khi bơi nếu cơ bắp quá căng thẳng, sự căng thẳng đó là do chính ông hay do người khác thúc ép?

Người đàn ông suy nghĩ một lát trước khi trả lời. Cuối cùng ông ta nói:

– Không có ai bên ngoài thúc ép con phải căng thẳng cả.

Vị thầy chờ một chút để tay cựu tuyển thủ bơi lội kịp suy gẫm về câu trả lời của chính ông ta, rồi mới giải thích:

– Nếu lúc ngồi thiền ông thấy tâm mình quá căng thẳng, đó là chính ông tự tạo ra sự căng thẳng ấy. Nhưng nếu ông buông bỏ mọi căng thẳng, tâm ông sẽ quá buông lỏng và ông rơi vào tình trạng hôn trầm. Là nhà bơi lội, ông đã biết tìm thế quân bình của cơ bắp giữa sự căng thẳng và buông lỏng. Trong thiền định, ông cũng phải tìm sự quân bình như thế trong tâm. Nếu không làm được, ông sẽ không bao giờ nhận biết được thế quân bình hoàn hảo sẵn có trong bản chất của ông. Một khi ông phát hiện thế quân bình hoàn hảo ở ngay trong bản chất của mình, ông sẽ có thể bơi xuyên qua mọi hoàn cảnh của cuộc đời cũng giống như ông đã từng bơi xuyên qua nước vậy.

Nói một cách thật đơn giản thì cách tiếp cận thiền định hữu hiệu nhất là nỗ lực hết sức mà không quá chú trọng đến kết quả.

TRÍ TUỆ VÀ PHƯƠNG TIỆN

Khi tâm không vọng động, tâm trong sáng. Khi nước không khuấy động, nước trong suốt.

GYAWANG KARMAPA Đời thứ 9

Đại thủ ấn: Liễu nghĩa hải (Mahamudra: The Ocean of Definitive Meaning)

Elizabeth Mac Callahan dịch sang Anh ngữ

Những chỉ dẫn cụ thể mà vị thầy dạy cho người cựu tuyển thủ bơi lội nói trên thật ra là một phần trong một bài học lớn hơn về việc tìm thế quân bình giữa trí tuệ – hay sự hiểu biết về giáo lý – và phương tiện – sự thực hành tu tập những giáo lý ấy. Trí tuệ sẽ là vô nghĩa nếu không có những phương thức thực hành vận dụng nó. Đó chính là chỗ dùng của phương tiện: dùng tâm để nhận biết tâm. Đó thực sự là một định nghĩa thiết thực rất hay về thiền. Thiền không phải là để “xuất thần”, “phiêu diêu” hay “làm cho đầu óc sáng suốt” – và đây chỉ là một số trong rất nhiều từ ngữ mà tôi được nghe người ta nói đến trong những chuyến đi quanh thế giới. Thật ra thiền là một sự tập luyện rất đơn giản để an trụ trong trạng thái tự nhiên của tâm thức hiện tại và để cho tự thân mình có mặt một cách đơn thuần và trong sáng cùng với bất kỳ tư tưởng, cảm thọ hay cảm xúc nào sinh khởi.

Có nhiều người chống lại ý tưởng ngồi thiền vì hình ảnh đầu tiên đến với họ là phải ngồi thẳng lưng như ông phỗng, hai chân tréo lại và đầu óc hoàn toàn trống rỗng từ giờ này sang giờ khác. Tất cả những điều này đều không cần thiết.

Trước hết, việc ngồi tréo chân và giữ lưng thật thẳng cần phải có sự tập luyện đôi chút cho quen – nhất là ở phương Tây, nơi mà việc ngồi còm lưng uể oải trước TV hay máy vi tính là chuyện rất thường thấy. Thứ hai, việc giữ cho tâm không nảy sinh tư tưởng, cảm xúc và cảm thọ là không thể được. Suy nghĩ là chức năng tự nhiên của tâm, cũng giống như chức năng tự nhiên của mặt trời là chiếu sáng và sưởi ấm, hay chức năng của giông bão là sấm chớp và đổ mưa.

Khi tôi mới bắt đầu học thiền, tôi được dạy rằng việc cố gắng kiềm chế chức năng tự nhiên của tâm thì giỏi lắm cũng chỉ là một giải pháp tạm thời, và tệ nhất là nếu tôi cố ý tìm cách thay đổi tâm thức mình, trên thực tế tôi chỉ củng cố thêm khuynh hướng chấp chặt vào những tư tưởng và cảm giác như thể chúng có thật tính tự hiện hữu.

Tâm thức luôn luôn sinh động, luôn luôn sinh khởi tư tưởng, cũng như biển cả không ngừng sinh khởi sóng nước. Chúng ta không thể ngăn dứt những tư tưởng của mình cũng như không thể chặn lại các ngọn sóng trong đại dương. Để tâm an trụ trong trạng thái tự nhiên của nó là hoàn toàn khác với việc ngăn dứt mọi tư tưởng. Thiền định Phật giáo theo bất kỳ cách nào cũng không liên quan đến việc cố làm cho tâm trống rỗng. Không có cách nào để đạt đến [trạng thái] thiền không tư tưởng. Cho dù bạn có ngăn chặn được tư tưởng, đó cũng không phải là thiền: bạn chỉ đang trôi giạt vào một trạng thái như thây ma chết chưa chôn đó thôi.

Mặt khác, bạn có thể nhận ra được rằng ngay khi bạn chú ý vào một tư tưởng, cảm xúc hay cảm thọ, nó lập tức biến mất như một con cá đột ngột lặn sâu xuống nước. Điều này không sao cả. Thật ra thì như vậy là rất tốt. Chỉ cần bạn duy trì cảm giác đơn thuần chú tâm hay tỉnh giác, thì cho dầu các tư tưởng, cảm xúc v.v.. tránh né bạn, đó là bạn đang trải nghiệm sự trong sáng và tánh Không của tâm trong bản chất tự nhiên của nó. Điểm thực sự quan trọng của thiền định là an trụ trong sự tỉnh giác đơn thuần, bất kể có điều gì xảy ra hay không. Bất kỳ điều gì đến với bạn, chỉ cần mở rộng tâm và có mặt với nó, rồi buông xả. Và nếu không có gì xảy ra, hoặc các tư tưởng v.v… tan biến trước khi nhận biết chúng, hãy an trụ trong sự trong sáng tự nhiên đó.

Tiến trình thiền định có thể đơn giản hơn đến mức nào?

Có một điểm khác cần suy xét là mặc dầu chúng ta bám víu vào những ý tưởng cho rằng có một số kinh nghiệm tốt hơn, thích hợp hơn và lợi ích hơn những kinh nghiệm khác, nhưng thật ra không có tư tưởng nào là tốt hay xấu cả. Chỉ có tư tưởng mà thôi. Ngay khi có một nhóm nơ-ron nhiều chuyện bắt đầu truyền đi những tín hiệu mà chúng ta diễn dịch là tư tưởng hay cảm xúc, một nhóm khác sẽ bắt đầu nhận xét: “Ồ, đó là một tư tưởng báo thù, mi thật là xấu”, hoặc là “mi quá lo âu, chắc là mi bất tài”. Thiền định thực sự là một tiến trình tỉnh giác không có sự phê phán. Khi vào thiền, chúng ta dùng thái độ khách quan của một nhà khoa học để quan sát những kinh nghiệm chủ quan của chính mình. Khởi đầu, điều này không dễ dàng. Phần đông chúng ta đã huân tập thói quen nghĩ rằng, nếu ta cho rằng một điều gì đó là tốt hay xấu thì điều ấy quả đúng là như thế. Nhưng khi ta thực hành chỉ thuần túy quan sát các tư tưởng đến và đi, những phân biệt cứng nhắc như thế sẽ bắt đầu bị phá vỡ. Trí khôn thường thức của chúng ta sẽ cho ta biết khi các sự kiện tâm thần nhiều đến dường ấy cứ hiện lên rồi biến mất trong vòng một phút, tất cả không thể đều là thật.

Nếu chúng ta cứ tiếp tục để mình đơn thuần nhận biết các hoạt động của tâm, ta sẽ dần dần nhận ra bản chất trong suốt của những tư tưởng, cảm xúc và nhận thức mà ta đã từng xem là bền chắc và có thật. Điều này cũng giống như những lớp bụi bẩn trên mặt kính được dần dần chùi đi. Khi chúng ta quen thuộc hơn với việc nhìn vào bề mặt trong sáng của tâm, chúng ta sẽ có thể nhìn xuyên thấu những câu chuyện gẫu về việc ta đang nghĩ mình là ai, là cái gì, và sẽ nhận biết được bản chất sáng chói của chân tâm mình.

TƯ THẾ CỦA THÂN

Đại trí trụ trong thân.

Hỷ kim cang mật tục (The Hevajra Tantra)

Elizabeth M. Callahan dịch sang Anh ngữ

Đức Phật dạy rằng thân thể là chỗ y cứ về mặt thể chất của tâm thức. Sự liên hệ giữa thân tâm giống như một cái ly và nước trong ly. Nếu bạn đặt ly ở mé bàn hay trên một vật gì không bằng phẳng, nước sẽ chao động và có thể đổ ra ngoài. Nhưng nếu bạn đặt ly trên một mặt phẳng vững chãi, nước sẽ hoàn toàn nằm yên.

Tương tự, phương pháp tốt nhất để tâm đi vào an trụ là giữ thân thể trong một tư thế vững chãi. Với tuệ giác của Ngài, đức Phật đã dạy chúng ta cách giữ cho thân thể có một thế thăng bằng sao cho tâm vừa thư giãn vừa tỉnh giác. Trải qua thời gian, tư thế thăng bằng này được gọi là thế ngồi 7 điểm của Vairochana, một pháp tướng của đức Phật tượng trưng cho sự giác ngộ.

Điểm thứ nhất của tư thế này là tạo ra một nền tảng vững chãi cho thân, nghĩa là, nếu có thể thì nên ngồi bắt tréo hai chân sao cho bàn chân này nằm trên bắp đùi chân kia (tư thế ngồi kiết già). Nếu không làm được như vậy, bạn chỉ cần đặt một bàn chân lên đùi chân kia, bàn chân thứ hai đặt dưới bắp đùi chân còn lại (tư thế ngồi bán già). Nếu thấy cả hai thế ngồi này đều không thoải mái, bạn chỉ đơn giản ngồi tréo hai chân cũng được. Thậm chí bạn cũng có thể ngồi thoải mái trên ghế và đặt hai chân bằng phẳng trên sàn nhà. Mục đích là tạo ra một nền tảng vừa thoải mái vừa vững chãi cho thân thể. Nếu quá đau chân, bạn không thể an trụ tâm vì mải nghĩ đến sự đau đớn. Vì vậy mới có nhiều tùy chọn đến thế ở điểm đầu tiên này.

Điểm thứ hai là đặt hai bàn tay trong lòng, ngay dưới rốn, lưng bàn tay này đặt trên lòng bàn tay kia. Tay nào nằm trên cũng được, và bạn có thể đổi vị trí của hai bàn tay bất cứ lúc nào trong thời gian thực tập – nếu bàn tay nằm dưới quá nóng sau một thời gian lâu chẳng hạn. Để duỗi hai bàn tay úp trên hai đầu gối cũng tốt.

Điểm thứ ba là giữ một khoảng hở nhỏ giữa hai cánh tay và thân. Kinh điển Phật giáo gọi đó là “giữ cánh tay như cánh diều hâu”, điều này rất dễ bị hiểu sai như là phải giương bả vai ra như thể bạn là một loài chim săn mồi!

Thật ra, đã có một ngày nọ khi tôi đang dạy ở Paris, tình cờ đi ngang qua một công viên tôi thấy một người đang ngồi xếp bằng dưới đất và hai vai không ngừng di động tới lui. Khi tôi đến gần, ông nhận ra tôi là một tăng sĩ (màu áo đỏ đã nói quá rõ điều đó) và hỏi :

– Thầy có ngồi thiền không ?

– Có.

Tôi đáp. Ông ta lại hỏi:

– Thầy có gặp khó khăn nào không?

Tôi trả lời ông ta:

– Cũng chẳng có gì khó khăn.

Chúng tôi dừng lại một lát, nhìn nhau mỉm cười – dù sao thì Paris hôm đó cũng là một ngày đẹp trời, nắng ấm – và rồi ông ta nói:

– Tôi thích ngồi thiền lắm, nhưng có một chỉ dẫn thực sự làm tôi muốn phát điên!

Tất nhiên là tôi hỏi ông ta xem đó là điều gì.

– Đó là tư thế của cánh tay.

Ông ta đáp, có vẻ hơi lúng túng.

Tôi hỏi lại:

– Thật vậy sao? Ông học ngồi thiền ở đâu?

Ông ta đáp:

– Học từ một cuốn sách.

Tôi hỏi ông xem trong sách chỉ dẫn về tư thế cánh tay như thế nào. Ông ta đáp:

– Sách dạy rằng phải giữ hai cánh tay như cánh diều hâu.

Nói tới đây, ông bắt đầu di chuyển tới lui hai vai như tôi đã thấy ông làm khi mới tới gần. Sau vài giây quan sát, tôi bảo ông ngừng và nói:

– Để tôi nói cho ông biết điều này. Điểm thực sự quan trọng trong chỉ dẫn đó là phải giữ một chút khoảng cách giữa cánh tay và thân thể, vừa đủ cho lồng ngực mở rộng và thư giãn, để ông có thể thở một cách thoải mái và thông thoáng. Khi diều hâu nghỉ ngơi, chúng luôn giữ một khoảng cách giữa cánh và thân, đó thực sự chính là ý nghĩa của lời chỉ dẫn ấy. Không cần phải chuyển động hai vai. Xét cho cùng, mục đích của ông là tập thiền chứ không phải tập bay.

Điều cốt yếu trong điểm [thứ ba] này là phải tìm được sự cân bằng hai vai, sao cho không có bên nào thấp hơn bên kia, và giữ cho lồng ngực rộng mở, hơi thở dễ dàng. Một số người có cánh tay to lớn và thân trên vạm vỡ, đặc biệt là nếu họ đã dành nhiều thì giờ để tập thể thao. Nếu bạn là người như thế, đừng quá cố gắng giữ khoảng cách một cách giả tạo giữa cánh tay và ngực. Hãy cứ để cánh tay trong tư thế tự nhiên, sao cho chúng đừng ép vào lồng ngực là được.

Điểm thứ tư của thế ngồi là giữ cột sống càng thẳng càng tốt, như trong kinh nói “giống một mũi tên”. Nhưng một lần nữa, điều quan trọng ở đây là phải tìm ra được điểm quân bình. Nếu bạn cố ngồi cho thật thẳng, cuối cùng bạn sẽ ngã ra phía sau và cả người sẽ run lên vì quá căng thẳng. Tôi đã thấy điều này xảy ra nhiều lần với những đệ tử quá mức quan tâm đến việc giữ lưng cho thật thẳng. Ngược lại, nếu bạn để cho lưng khom xuống, gần như chắc chắn là cuối cùng rồi bạn sẽ ép buồng phổi, khiến hơi thở khó khăn, cũng như chèn ép nhiều cơ quan nội tạng, do đó sẽ làm bạn cảm thấy khó chịu.

Điểm thứ năm là giữ sao cho sức nặng của đầu nằm cân bằng trên cổ, để không đè lên khí quản, hoặc nếu ngửa cổ ra sau quá, bạn sẽ nén ép đốt sống cổ, 7 đốt xương trên hết của cột sống vốn có một vai trò quan trọng trong việc truyền tín hiệu thần kinh từ phần dưới của thân lên não. Khi bạn tìm được một tư thế thích hợp cho mình, có lẽ bạn sẽ nhận thấy cằm hơi nghiêng xuống cổ hơn so với lúc bình thường. Nếu bạn đã từng ngồi hàng giờ trước máy vi tính, đầu hơi ngửa ra phía sau, bạn sẽ lập tức cảm thấy thoải mái hơn biết bao chỉ đơn giản với sự điều chỉnh [vị trí của đầu] theo cách này.

Điểm thứ sáu liên quan tới miệng, cần được giữ trong trạng thái tự nhiên sao cho răng và môi hé ra một chút. Nếu có thể, hãy đặt đầu lưỡi chạm nhẹ lên vòm miệng, ngay sau răng cửa. Đừng cố ép lưỡi lên vòm miệng, chỉ đặt nhẹ đầu lưỡi lên đó thôi. Nếu lưỡi bạn quá ngắn, không thể chạm đến vòm miệng một cách tự nhiên thì cũng đừng lo lắng. Điều quan trọng nhất là hãy đặt lưỡi một cách tự nhiên.

Điểm cuối cùng của thế ngồi thiền định liên quan đến đôi mắt. Hầu hết những người mới tập ngồi thiền đều cảm thấy thoải mái hơn khi nhắm mắt lại. Họ thấy như vậy giúp tâm họ an trụ dễ dàng hơn và cho họ cảm giác an lành, yên tĩnh. Lúc khởi đầu làm như thế cũng tốt. Nhưng tôi đã sớm học được rằng, khi nhắm mắt ta sẽ dễ bám víu vào một cảm giác yên tĩnh giả tạo. Vì thế, sau một vài ngày thực tập, tốt hơn hết là bạn nên mở mắt khi ngồi thiền để có thể tỉnh giác, sáng suốt và nhận biết. Nhưng điều này không có nghĩa là nhìn trừng trừng không chớp mắt về phía trước, mà chỉ để cho mắt mở một cách tự nhiên như bình thường mà thôi.

Thế ngồi 7 điểm Vairochana thật ra chỉ là một bảng chỉ dẫn mà thôi. Thiền là một sự thực tập cá nhân, và mỗi người đều có sự khác biệt. Điều quan trọng nhất là tìm cho mình điểm quân bình thích hợp giữa sự căng thẳng và sự thư giãn.

Còn một tư thế thực hành thiền đơn giản chỉ có 2 điểm, để áp dụng những lúc không thuận tiện hay không thể giữ tư thế 7 điểm hoàn chỉnh. Chỉ dẫn cho tư thế này rất giản dị: chỉ cần giữ lưng thẳng và phần còn lại của cơ thể càng buông lỏng và thư giãn càng tốt. Tư thế thiền 2 điểm rất hữu dụng trong ngày, khi đang làm những công việc hằng ngày như lái xe, đi bộ ngoài đường, đi mua thức ăn hay nấu ăn.

Tự thân tư thế 2 điểm này gần như tự động tạo ra một cảm giác thư giãn tỉnh thức – và điều hay nhất là khi bạn áp dụng tư thế này, không ai nhận biết là bạn đang thực hành thiền cả!

TƯ THẾ CỦA TÂM THỨC

Nếu tâm thức tự nó đang trói buộc gút mắt mà buông xả được thì chắc chắn sẽ giải thoát.

SARAHA

Đạo ca tập (Doha for the People)

Elizabeth M. Callahan dịch sang Anh ngữ

Những nguyên tắc để tìm một trạng thái vừa thư giãn vừa tỉnh giác cho thân thể cũng được áp dụng để tìm một sự cân bằng như thế trong tâm thức. Khi tâm bạn an trụ một cách tự nhiên giữa thư giãn và tỉnh giác, những phẩm tính sẵn có của tâm sẽ tự động hiển lộ. Đó là một trong những điều mà tôi đã học được trong 3 ngày ngồi một mình trong tịnh thất để kiên trì quan sát tâm. Lúc ấy tôi đã không ngừng nghĩ đến lời dạy của các bậc thầy: khi nước lắng yên, bao nhiêu bùn và cặn sẽ từ từ tách ra khỏi nước và chìm xuống đáy, cho phép ta nhìn thấy nước và bất cứ vật gì đi ngang qua nước một cách rất rõ ràng. Cũng giống như thế, nếu bạn ở trong trạng thái thư giãn tâm trí, những “cặn bã tâm thần” như tư tưởng, cảm xúc và nhận thức sẽ tự nhiên lắng xuống và sự trong sáng sẵn có trong tâm sẽ hiển lộ.

Cũng giống như trường hợp tư thế của thân, điểm cốt yếu trong tư thế của tâm là tìm được sự cân bằng. Nếu tâm bạn quá căng thẳng hay mức độ chú tâm quá cao, cuối cùng bạn sẽ quá lo lắng về việc mình có thực tập giỏi hay không. Nếu tâm bạn quá buông lỏng, bạn sẽ tán loạn hay rơi vào hôn trầm. Bạn phải tìm ra khoảng giữa của sự [mong muốn] toàn hảo – gây căng thẳng – và cảm giác chán chường: “Trời ơi, lại phải ngồi thiền nữa!” Cách tiếp cận lý tưởng nhất là hãy cho phép mình tự do ghi nhớ rằng, việc thực tập thiền tốt hay không chẳng có gì quan trọng. Điều quan trọng chính là ý muốn thực hành thiền. Chỉ riêng điểm này thôi là đủ rồi.