ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH KHOA CHÚ
Đường Tam Tạng sa-môn Thật Xoa Nan Đà dịch
Cổ Diêm Khuông Am Thanh Liên bật-sô Linh Thừa soạn
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
3.2.3.1.2. Lợi ích tồn vong (lợi ích cho kẻ còn lẫn người mất)
3.2.3.1.2.1. Phẩm đề (tên gọi của phẩm này)
(Kinh) Lợi ích tồn vong, phẩm đệ thất.
(經)利益存亡,品第七。
(Kinh: Phẩm thứ bảy: Lợi ích kẻ còn lẫn người mất).
3.2.3.1.2.2. Phẩm văn (kinh văn trong phẩm này)
3.2.3.1.2.2.1. Địa Tạng chánh minh (ngài Địa Tạng nói rõ)
3.2.3.1.2.2.1.1. Thông thị chúng sanh thiện thoái, ác tăng (chỉ ra: Thông thường, chúng sanh lui sụt điều lành, tăng trưởng điều ác)
3.2.3.1.2.2.1.1.1. Pháp thị (chỉ dạy về pháp)
(Kinh) Nhĩ thời, Địa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát bạch Phật ngôn: “Thế Tôn! Ngã quán thị Diêm Phù chúng sanh, cử tâm động niệm, vô phi thị tội. Thoát hoạch thiện lợi, đa thoái sơ tâm. Nhược ngộ ác duyên, niệm niệm tăng ích”.
(經)爾時,地藏菩薩摩訶薩白佛言:世尊!我觀是閻浮眾生,舉心動念,無非是罪。脫獲善利,多退初心。若遇惡緣,念念增益。
(Kinh: Lúc bấy giờ, Địa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát bạch cùng đức Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Con thấy chúng sanh trong cõi Diêm Phù này, khởi tâm dấy niệm, không gì chẳng phải là tội. Nếu đạt được điều thiện lợi, phần nhiều lui sụt cái tâm ban đầu. Nếu gặp ác duyên, niệm niệm tăng thêm”).
“Tâm niệm” chỉ sáu thức. “Cử động” là công năng. Do thức thứ sáu và thức thứ bảy hòa hợp, nhuốm bẩn, rối loạn vị chủ nhân là thức thứ tám. Thức thứ tám lại khiến cho năm thức trước (nhãn thức, nhĩ thức…) tham tiếng, chấp sắc, nếm vị, ngửi hương, thân đụng chạm các thứ mềm mịn, duyên theo các chỗ, nên nói “vô phi thị tội” (không gì chẳng phải là tội)!
Hai câu “thoát hoạch thiện lợi” (nếu đạt được điều lợi lành) ý nói: Chẳng thể giữ nổi cái tâm kiên cố. Kinh Tăng Hộ chép: “Diêm Phù Đề nhân, vi tánh nan tín. Do hành thiện nhi hoạch lợi ích, tự nghi tấn công vô gián, nãi nhân hoạch lợi, phản thoái sơ tâm” (Chúng sanh trong Diêm Phù Đề tánh tình khó thể tin tưởng được! Do làm lành mà đạt được lợi ích, đáng lẽ phải nên đổ công dốc sức chẳng gián đoạn, lại ngược ngạo lui sụt cái tâm ban đầu). Vì thế, Phật Thuyết Bảo Vũ Kinh chép: “Bồ Tát kiến nhất thiết hữu tình thọ chư khổ não, tuy phục thành tựu vi thiểu thiện căn, tạm thời phi cửu” (Bồ Tát thấy hết thảy hữu tình chịu các khổ não, dẫu thành tựu chút ít thiện căn thì chỉ là tạm thời, chẳng lâu dài) chính là nói đến chuyện này!
“Nhược ngộ ác duyên” (nếu gặp ác duyên), ý nói: [Tấm thân] Tứ Đại là vật dụng chứa chất độc, có uế ác đầy dẫy trong đó. Sáu tên giặc (nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức) khiến chủ (thức thứ tám) phát cuồng, tức là đối với cảnh đều chấp trước, chẳng còn có thuở ngược dòng được, chỉ đành xuôi theo dòng luân chuyển, trôi nổi vật vờ trong sanh tử, chấp chặt hữu vi! Vì lẽ này, chư Phật nhíu mày; bởi đó, Bồ Tát khóc ra máu mắt! Đấy là do cái tâm chấp trước bất định đến nỗi có chuyện ác ấy. Vì thế, đại sư nói: “Hãy nên biết các thân đều do tâm tạo. Ví như đại địa là một, mà có thể sanh ra các thứ mầm” là nói về điều này.
Kinh Tịnh Độ Tam Muội dạy: “Tội phước tương lụy, trùng số phân minh. Hậu đương thọ tội phước chi báo, nhất nhất bất thất. Nhất niệm thọ nhất thân, thiện niệm thọ thiên thượng nhân trung thân, ác niệm thọ tam ác đạo thân. Bách niệm thọ bách thân, thiên niệm thiên thân. Nhất nhật, nhất dạ, chủng sanh tử căn, hậu đương thọ bát ức ngũ thập vạn tạp loại chi thân. Bách niên chi trung, chủng hậu thế tài, thậm vi nan số. Hồn thần trục chủng thọ hình, biến tam thiên đại thiên sát độ. Thể cốt bì mao biến đại thiên sát độ địa, gián vô không xứ” (Tội và phước liên quan với nhau theo tầng lớp và số lượng phân minh. Về sau, sẽ thọ quả báo của tội hay phước, mỗi mỗi đều chẳng mất. Một niệm thọ một thân. Do thiện niệm thọ thân trên trời hay trong loài người; ác niệm thọ thân trong ba đường ác. Trăm niệm thọ trăm thân, ngàn niệm thọ ngàn thân. Gieo căn cội sanh tử trong một ngày một đêm; sau đó, sẽ thọ tám ức năm mươi vạn thân các loại. Trong một trăm năm, gieo ươm chủng tử cho đời sau, [sẽ thọ thân] rất nhiều, khó thể tính trọn! Hồn thần theo chủng tử mà thọ thân, trọn khắp các cõi nước trong tam thiên đại thiên thế giới. Xương, da, lông nơi thân trọn khắp cõi đất của các cõi trong đại thiên, chẳng có chỗ trống hở, gián đoạn nào).
Kinh Xử Thai lại nói: “Ngô tùng vô số kiếp, vãng lai sanh tử đạo, xả thân, phục thọ thân, bất ly bào thai pháp. Thuần tác bạch cẩu hình, tích cốt ức Tu Di. Hà huống tạp sắc cẩu, kỳ số bất khả lượng” (Tôi từ vô số kiếp qua lại trong đường sanh tử, xả thân rồi lại thọ thân, chẳng lìa bào thai. Thuần làm thân chó trắng, xương chất như một ức núi Tu Di, huống hồ làm thân những con chó có màu sắc khác, số ấy chẳng thể tính toán được). Vì thế, kinh Hiền Ngu nói: “Nhân thân nan đắc, ngộ ác nhân duyên, tắc tiện dị thất. Dĩ ác đa, thiện thiểu, nhất nhật chi trung, tội niệm bách thiên, thiện niệm vô nhất” (Thân người khó được, gặp nhân duyên ác liền dễ mất đi. Do ác nhiều, thiện ít, trong một ngày, ý niệm gây tội cả trăm ngàn, thiện niệm chẳng được một). Vì thế biết: Người có thể chế phục cái tâm, hành đạo, sẽ có sức mạnh nhiều nhất. Hiềm rằng chúng sanh trong cõi Diêm Phù ý niệm xen tạp tơi bời, chẳng thể giữ vững! Thiện sụt, ác tăng, chẳng phải là đã quen thói ư?
3.2.3.1.2.2.1.1.2. Dụ hiển (dùng thí dụ để chỉ rõ)
(Kinh) Thị đẳng bối nhân, như lý nê đồ, phụ ư trọng thạch, tiệm khổn, tiệm trọng, túc bộ thâm thúy.
(經)是等輩人,如履泥塗,負於重石,漸困漸重,足步深邃。
(Kinh: Những kẻ như thế như đi trên đường bùn lầy, vác đá nặng, càng lúc càng khốn đốn, càng lúc càng nặng hơn, bước chân càng lún sâu).
Trước hết, sánh ví chúng sanh trong Nam Châu lui sụt thiện, tăng trưởng ác; như đi trên đường bùn lầy, thường ở trong cõi sanh tử. Bùn đã sâu, đường còn xa thăm thẳm, mong thoát ra khó lắm!
3.2.3.1.2.2.1.1.3. Sự minh (dùng sự để chỉ rõ)
(Kinh) Nhược đắc ngộ tri thức, thế dữ giảm phụ, hoặc toàn dữ phụ. Thị tri thức hữu đại lực cố, phục tương phù trợ, khuyến linh lao cước. Nhược đạt bình địa, tu tỉnh ác lộ, vô tái kinh lịch.
(經)若得遇知識,替與減負,或全與負。是知識有大力故,復相扶助,勸令牢腳。若達平地,須省惡路,無再經歷。
(Kinh: Nếu được gặp bậc tri thức, vác bớt giùm cho, hoặc vác cả cho. Vị tri thức ấy có sức mạnh to lớn, lại còn nâng đỡ, khuyên người ấy hãy vững chân. Nếu đến được chỗ đất bằng, bèn khuyên người ấy hãy tỉnh ngộ, biết đó là con đường ác hiểm, đừng đi vào nữa).
“Nhược đắc” (nếu được) chứa đựng hai ý nghĩa may mắn và bất hạnh, tức là nếu người ấy có điều thiện nhỏ nhoi, liền gặp tri thức, may mắn chi bằng? Nếu chẳng có thiện duyên, trọn chẳng gặp một ai, bất hạnh quá đỗi! Tri thức có gần và xa. “Gần” là nói đến cha mẹ, quyến thuộc chính là những người vì ta làm các phước sự. “Xa” là Phật, Bồ Tát v.v… là những vị tiêu diệt tội. “Thế” (替) là thay cho. “Phụ” (負) là mang vác đồ vật. “Giảm phụ, toàn phụ” (vác bớt cho, vác hết cả): Luận định về công năng của chuyện làm phước thì có bán phần và toàn phần. Khiến cho người đã mất giảm tội chính là “giảm phụ” (vác bớt giùm cho). Nếu toàn thể tội đều tiêu thì là “toàn phụ” (vác hết cho). Kế đó, giải thích ý nghĩa “năng phụ” (có thể mang vác), tức là bậc tri thức có sức mạnh to lớn. Kinh Tăng Nhất A Hàm nói do người có năm lực (Tín, Tấn, Niệm v.v… ngũ lực) mà Phật quả có mười lực. Theo Đại Luận, Bồ Tát cũng có đủ mười lực. Do có sức mạnh ấy, không chỉ là vác giùm cho, mà còn có thể nâng, dìu, giúp đỡ, khiến cho người ấy vững chân. Nếu té nhào xuống đường bùn lầy, sẽ khó thể đứng dậy được! Lại khuyên người ấy nếu đến được chỗ bình ổn, hãy nên hồi tỉnh trước đó đã sa chân vào đường ác, chớ nên lại đi vào đó nữa! “Nâng đỡ” ví như dạy Thập Thiện. “Vững chân” ví như tâm chẳng lui sụt. “Đường bằng phẳng” ví như thoát ra, thăng lên đường trời, người. “Tỉnh ngộ đường ác” ví như nghĩ tới nỗi khổ trong tam đồ. “Lại đi vào đó” ví như lại bước vào đường khổ!
3.2.3.1.2.2.1.2. Chánh thị tập ác, nghi vi thiết phước (chỉ dạy: Do [chúng sanh] quen thói ác, hãy nên làm phước)
3.2.3.1.2.2.1.2.1. Tổng thị (chỉ chung)
(Kinh) Thế Tôn! Tập ác chúng sanh, tùng tiêm hào gian, tiện chí vô lượng.
(經)世尊!習惡眾生,從纖毫間,便至無量。
(Kinh: Bạch Thế Tôn! Chúng sanh tập quen thói ác từ những điều vụn vặt dần dần đến vô lượng).
Đoạn này nhằm ứng hợp với đoạn văn “cử tâm động niệm” trong phần trước, ý nói: Vì sao mà khởi tâm động niệm cho đến gặp điều ác bèn tăng thêm? Do đã quen thói ác! “Ác tập” (惡習, tập khí ác) chỉ chủng tử, còn “tập ác” (習惡, những điều ác đã quen làm) chỉ hiện hành. Do có chủng tử của ác tập, khiến cho tập ác hiện hành, từ nhỏ tí tẹo cho đến vô lượng.
Kinh Chiêm Sát dạy: “Cầu tâm hình trạng, vô nhất khu phân, nhi khả đắc giả, đản dĩ chúng sanh vô minh si ám huân tập nhân duyên, hiện vọng cảnh giới, linh tâm niệm trước. Ư chủng chủng pháp thượng, vọng sanh chủng chủng pháp tưởng. Vị hữu, vị vô, vị bỉ, vị thử, vị thị, vị phi, vị hảo, vị ác, nãi chí vọng sanh vô lượng vô biên pháp tưởng” (Cầu hình dạng của tâm thì không có một hình dạng riêng biệt nào để có thể đạt được, chỉ vì chúng sanh do nhân duyên vô minh si ám huân tập, hiện ra cảnh giới hư vọng, khiến cho cái tâm nghĩ nhớ, chấp trước. Đối với các pháp, lầm lạc sanh ra đủ mọi pháp tưởng, cho là có, cho là không, cho là kia, cho là đây, cho là đúng, cho là sai, cho là tốt, cho là xấu, cho đến lầm lạc sanh ra vô lượng vô biên pháp tưởng).
Vì thế, Kim Quang Minh Huyền Nghĩa viết: “Lên cao thì khó, rơi xuống dễ dàng, phần nhiều là do duyên theo các thân ác”. Quang Minh Ký viết: “Ấy là vì chúng sanh đã huân tập từ vô thỉ, ác nhiều, thiện ít, khiến cho tâm niệm hay duyên theo các thân ác. Chưa ngồi trên xe năm thừa, mà đã vào bốn nẻo trước. Lên cao thì khó, rơi xuống dễ dàng, có ai mà chẳng như vậy! Hành giả tu Quán đối với các tâm trong mười pháp giới, phải thường nên cảnh tỉnh, chớ nên không biết. Vì thế, Chỉ
Quán loại trừ những cái chẳng thuộc vào chân tâm”.
3.2.3.1.2.2.1.2.2. Biệt thích (giải thích riêng)
3.2.3.1.2.2.1.2.2.1. Thiết phước, tồn vong lợi ích (làm phước, lợi ích cho kẻ còn lẫn người mất)
3.2.3.1.2.2.1.2.2.1.1. Lâm chung thiết phước (lâm chung làm phước)
3.2.3.1.2.2.1.2.2.1.1.1. Thị ý (chỉ bày ý nghĩa)
(Kinh) Thị chư chúng sanh, hữu như thử tập, lâm mạng chung thời, phụ mẫu, quyến thuộc nghi vị thiết phước, dĩ tư tiền lộ.
(經)是諸眾生,有如此習,臨命終時,父母眷屬宜為設福,以資前路。
(Kinh: Những chúng sanh ấy có thói quen như thế, khi lâm chung, cha mẹ, quyến thuộc hãy tạo phước để giúp cho tương lai của người ấy).
Hai câu đầu nhằm nói lên ý nghĩa “tu phước, kiêng giết”. Do chúng sanh có thói quen xấu ác như thế, chủng tử và hiện hành huân tập lẫn nhau, nhân và quả tương cảm. Nếu quyến thuộc chẳng vì kẻ đó làm phước, sẽ nhờ vào đâu để giúp đỡ cho con đường phía trước (tương lai)? Bài kệ Vô Thường có nói: “Thường cầu chư dục cảnh, bất hành ư thiện sự, tử vương thôi tứ mạng, thân thuộc đồ tương thủ, chư thức giai hôn muội, hành nhập hiểm thành trung. Tương chí Diễm Ma vương, tùy nghiệp nhi thọ báo. Thắng nhân sanh thiện đạo, ác nghiệp đọa Nê Lê. Duy hữu Phật Bồ Đề, thị chân quy trượng xứ” (Thường tìm cầu cảnh dục, chẳng làm một chuyện lành. Thần chết đòi bắt mạng, thân thuộc khó chở che. Các thức đều tăm tối, đi vào trong hiểm thành, đến chỗ vua Diễm Ma, theo nghiệp mà thọ báo. Nhân tốt sanh đường lành, ác nghiệp đọa địa ngục. Chỉ có Phật Bồ Đề, chốn nương về chân thật). Vì thế, hãy nên tạo phước lành để giúp cho tương lai của kẻ mất.
3.2.3.1.2.2.1.2.2.1.1.2. Thiết phước (làm phước)
(Kinh) Hoặc huyền phan cái, cập nhiên du đăng. Hoặc chuyển độc tôn kinh. Hoặc cúng dường Phật tượng, cập chư thánh tượng. Nãi chí niệm Phật, Bồ Tát, cập Bích Chi Phật danh tự, nhất danh, nhất hiệu, lịch lâm chung nhân nhĩ căn, hoặc văn tại bổn thức.
(經)或懸旛蓋,及然油燈。或轉讀尊經。或供養佛像,及諸聖像。乃至念佛菩薩,及辟支佛名字,一名一號,歷臨終人耳根,或聞在本識。
(Kinh: Hoặc treo phan, lọng, và thắp đèn dầu. Hoặc chuyển đọc tôn kinh. Hoặc cúng dường tượng Phật, và các thánh tượng. Cho đến niệm danh hiệu của Phật, Bồ Tát, và Bích Chi Phật, sao cho một danh, một hiệu lọt vào tai của người lâm chung, hoặc khiến cho thần thức của người ấy nghe được).
Tu phước ở đây, sẽ vun bồi hai loại quả: Một là cái quả do tu phước theo mặt Sự, như treo phan, bày lọng, thắp đèn; hai là cái quả do tôn kính Tam Bảo, tức đọc kinh, cúng dường tượng, xưng danh hiệu. Kinh Phổ Quảng có chép: “Nhược tứ bối nam nữ, nhược lâm chung thời, nhược dĩ quá mạng, ư kỳ vong nhật, tạo tác hoàng phan, huyền trước sát thượng, sử hoạch phước đức, ly bát nạn khổ, đắc sanh thập phương chư Phật Tịnh Độ. Phan cái cúng dường, tùy tâm sở nguyện, chí thành Bồ Đề. Phan tùy phong chuyển, phá toái đô tận, chí thành vi trần. Phan nhất chuyển thời, Chuyển Luân Vương vị. Nãi chí xuy trần, tiểu vương chi vị. Kỳ báo vô lượng. Nhiên đăng cúng dường, chiếu chư u minh khổ thống chúng sanh, mông thử quang minh, đắc hỗ tương kiến. Duyên thử phước đức, bạt bỉ chúng sanh, tất đắc hưu tức” (Nếu tứ chúng nam nữ, vào lúc lâm chung, hoặc đã qua đời, mà trong ngày mất, [thân quyến vì người ấy] tạo tác lá phan màu vàng, treo ở trên chùa, sẽ khiến cho người ấy đạt được phước đức, lìa khổ tám nạn, được sanh vào Tịnh Độ của mười phương chư Phật. Phan, lọng cúng dường, tùy theo tâm nguyện, cho tới khi thành Bồ Đề. Phan theo gió lay, tan nát hết sạch, đến mức nát thành bụi nhỏ. Khi phan lay động một cái, [người ấy] sẽ đạt địa vị Chuyển Luân Vương. Cho đến thổi tung bụi, liền thành ngôi vị tiểu vương. Quả báo ấy vô lượng. Thắp đèn cúng dường, chiếu các chúng sanh đang đau khổ trong u minh, khiến cho họ do quang minh ấy mà trông thấy lẫn nhau. Nhờ phước đức ấy, cứu bạt những chúng sanh đều được ngơi nghỉ). Do có phước lợi này, cho nên treo phan, thắp đèn.
“Cúng tượng” (thờ phụng, hoặc cúng dường tượng) như đã giải thích trong phần trước. “Niệm Phật” như sẽ giải thích trong phần sau. Trong kinh Chánh Pháp Niệm Xứ, Dạ Ma Thiên Vương đã vì chư thiên nói kệ như sau: “Nhược nhân tâm niệm Phật, thị danh thiện mạng nhân, bất ly niệm Phật cố, thị vi mạng trung mạng” (Nếu ai tâm niệm Phật, thì là người mạng lành. Do chẳng lìa niệm Phật, nên mạng trường thọ nhất). Niệm Pháp, niệm Tăng cũng như thế, khiến cho danh hiệu ấy lọt qua tai, nạp vào trong thức thứ tám, trọn chẳng bị hủy hoại. Ví như kim cang lọt vào bụng, lâu ngày chẳng tan, ắt sẽ xuyên ruột lọt ra. Vì thế, cần phải huân văn Phật chủng (dùng lắng nghe để huân tập chủng tử Phật). Đó gọi là “pháp âm lọt qua tai, công đức, phước báo trải nhiều kiếp; một phen thoảng qua tai, vĩnh viễn thành hạt giống đạo”. A Lê Da Thức chính là bổn thức. Do nó là cái gốc cho sự sanh tử, nên gọi là “bổn”.
3.2.3.1.2.2.1.2.2.1.1.3. Đắc ích (được lợi ích)
(Kinh) Thị chư chúng sanh, sở tạo ác nghiệp, kế kỳ cảm quả, tất đọa ác thú. Duyên thị quyến thuộc, vị lâm chung nhân tu thử thánh nhân, như thị chúng tội, tất giai tiêu diệt.
(經)是諸眾生,所造惡業,計其感果,必墮惡趣。緣是眷屬,為臨終人修此聖因,如是眾罪,悉皆銷滅。
(Kinh: Các chúng sanh ấy do ác nghiệp đã tạo, xét theo quả báo cảm vời, ắt đọa trong đường ác. Do nhờ quyến thuộc đã vì người lâm chung tu nhân duyên thánh đạo ấy, các tội như thế thảy đều tiêu diệt).
Điều này ứng hợp với ý nghĩa “gặp thiện tri thức vác giùm hết cho” trong đoạn trước. Người chết đã quen thói làm nhiều điều ác, chẳng thể không bị nghiệp quấn trói. Nhân quả chẳng sai sót, làm ác ắt mắc ương họa. Nếu chẳng có cái nhân “tu thánh phước”, sao có thể tránh khỏi cái quả trong tương lai? Luận A Tỳ Đàm nói: “Thú (趣) là đạt đến, cũng gọi là Đạo, nghĩa là do con đường nghiệp nhân thiện hay ác ấy mà bị chuyển đến chỗ thọ sanh, cũng có thể nhờ vào nghiệp đã tạo để tiến hướng chỗ thọ sanh. Thú (趣) lại có nghĩa là quy hướng (hướng về), nghĩa là do nghiệp đã tạo, sẽ hướng về cõi trời hay đi vào địa ngục”. Như trong kinh Đại Thừa Đồng Tánh, vua Lăng Già (Lankāvatāra) bạch cùng đức Phật: “Vì sao chúng sanh bỏ thọ mạng này, nhận lấy thọ mạng kia? Bỏ thân cũ này, nhận lấy thân mới kia?” Đức Phật dạy: “Chúng sanh xả thử thân dĩ, nghiệp phong lực xuy, di thức tương khứ, tự sở thọ nghiệp, nhi thọ kỳ quả” (Chúng sanh bỏ thân này xong, do sức của gió nghiệp thổi, dời thức đi, theo nghiệp đã thọ mà nhận lấy cái quả). Vì thế, Khuê Phong đại sư nói: “Muốn kiểm nghiệm lâm chung thọ sanh tự tại hay không, chỉ cần kiểm nghiệm trong những việc làm thường ngày, tâm có tự do hay không. Trong mười hai thời, hãy thường nên tự kiểm điểm bản thân”. Ngài dạy đúng lắm thay! Đã tạo ác nghiệp, ắt đọa trong đường ác. Nay được thoát khỏi, do nhờ quyến thuộc tu đủ mọi thứ nhân duyên thánh đạo, khiến cho các tội như thế giống như gió mạnh thổi tan mây trôi, giống như nước lũ dập tắt lửa nhỏ. Vì thế biết: Các tội tiêu diệt chính là nhờ bậc tri thức rất mạnh gánh vác toàn bộ cho!
3.2.3.1.2.2.1.2.2.1.2. Tử hậu tạo thiện (làm lành sau khi người ấy đã chết)
(Kinh) Nhược năng cánh vị thân tử chi hậu, thất thất nhật nội, quảng tạo chúng thiện, năng sử thị chư chúng sanh, vĩnh ly ác thú, đắc sanh nhân thiên, thọ thắng diệu lạc. Hiện tại quyến thuộc, lợi ích vô lượng.
(經)若能更為身死之後,七七日內,廣造眾善,能使是諸眾生,永離惡趣,得生人天,受勝妙樂。現在眷屬,利益無量。
(Kinh: Nếu sau khi những người ấy đã chết, lại có thể trong bốn mươi chín ngày vì người ấy rộng làm các điều thiện, sẽ có thể khiến cho những chúng sanh ấy vĩnh viễn lìa khỏi đường ác, được sanh trong cõi trời, người, hưởng sự vui thù thắng, mầu nhiệm. Quyến thuộc trong hiện tại sẽ được lợi ích vô lượng).
Điều này ứng hợp với năm câu “lại còn nâng dìu, giúp đỡ” [trong đoạn trước]; tức là vị tri thức có sức mạnh không chỉ vác giùm toàn bộ đá nặng, lại còn có thể nâng đỡ người ấy đến chỗ đất bằng phẳng. Đoạn này chỉ dạy thẳng thừng: Sau khi người ấy đã chết, hãy tu phước cho người ấy. Chữ Mạt Lạt Nẫm (Maraṇa) trong tiếng Phạn, dịch sang tiếng Hán là Tử (chết). Như kinh Thập Nhị Phẩm Sanh Tử nói, người chết đi có mười hai phẩm loại. Vì thế, kinh Pháp Cú dạy: “Phù thân giả, chúng khổ chi bổn, hoạn họa chi nguyên. Ngô ngã phược trước, sanh tử bất tức, giai do thân dư?” (Thân là gốc của các khổ, là cội nguồn của họa hoạn. Cái Tôi trói buộc, sanh tử chẳng ngơi, đều do cái thân đấy chăng?) Nay muốn lìa cội khổ trong thế gian, hãy nên vì người ấy tạo tác thiện sự. “Bốn mươi chín ngày” sẽ giải thích trong phần sau.
Ví như nắng hạn đã lâu, ắt mong được mưa ngọt nhuần thấm. Nếu lắm tai ương, bệnh tật, ắt mong đợi thuốc của bậc lương y. Bệnh mà có thuốc để an thân, nắng hạn được mưa dầm để đất nhuần thấm. Vì thế, vĩnh viễn lìa khỏi đường ác, được sanh làm trời, người, giống như đến được chỗ đất bằng. Đã sanh lên trời, mãi mãi hưởng phước; hoặc ở trong nhân gian, hưởng quyền quý, giàu có dài lâu. Lúc hưởng niềm vui thù thắng, nhiệm mầu, cũng cần phải nhớ lại đường ác ấy. Vì thế, gìn giữ cái tâm kiên cố, sao cho chẳng lui sụt, chẳng đánh mất thiện niệm, kẻo lại sa vào nẻo ác ấy!
Kinh Ưu Bà Tắc Giới dạy: “Vị vong truy phước, thí dĩ mạng chung, thị nhân phước đức, tùy sở thí vật, nhậm dụng cửu cận, phước đức thường sanh. Thị phước truy nhân, như ảnh tùy hình” (Vì người đã mất làm phước để thí cho người đã mạng chung, phước đức của kẻ [làm phước ấy] tùy theo những vật đã cúng thí mà sẽ tùy ý hưởng dụng lâu hay mau, phước đức thường sanh. Phước ấy theo sát con người, như bóng theo hình).
Chắc là có kẻ nói: “Chết rồi là hết!” Nghĩa ấy chẳng đúng, vì cớ sao? Vật (tức xác thân) đã hư hoại, chẳng dùng được! [Xác thân] mất đi là mất giữa hai lúc (lúc còn sống và lúc tái sanh trong đời sau), chứ không phải là mạng đã mất hết! Vì thế, [người đã mất] được giúp đỡ bèn sanh lên trời hay làm người, hưởng sự vui thù thắng nhiệm mầu! Không chỉ là người chết được hưởng sự vui sướng siêu thăng, mà ngay cả người còn sống cũng đạt được lợi ích vô lượng!
3.2.3.1.2.2.1.2.2.2. Tạo ác, vong nhân tăng tội (tạo ác thì người đã mất càng thêm tội)
3.2.3.1.2.2.1.2.2.2.1. Pháp thị (dạy về pháp)
3.2.3.1.2.2.1.2.2.2.1.1. Nhiếp tiền chánh khuyến (gộp chung ý nghĩa trong phần trước để khuyên bảo)
(Kinh) Thị cố ngã kim đối Phật Thế Tôn, cập thiên long bát bộ, nhân, phi nhân đẳng, khuyến ư Diêm Phù Đề chúng sanh, lâm chung chi nhật, thận vật sát hại, cập tạo ác duyên, bái tế quỷ thần, cầu chư võng lượng.
(經)是故我今對佛世尊,及天龍八部,人非人等,勸於閻浮提眾生,臨終之日,慎勿殺害,及造惡緣,拜祭鬼神,求諸魍魎。
(Kinh: Vì thế, con nay đối trước đức Phật Thế Tôn và trời rồng tám bộ, cùng với nhân, phi nhân v.v… khuyên chúng sanh trong Diêm Phù Đề, trong ngày lâm chung, hãy cẩn thận đừng giết hại, và tạo các ác duyên, cúng tế quỷ thần, cầu các loài quỷ quái[1]).
Đây là nhờ khi lâm chung tu phước, người mất lẫn kẻ còn đều được lợi ích, nên bèn khuyên nhủ. Nói “ngã kim” (con nay) thể hiện ý nghĩa: Một tay gánh vác chuyện lợi ích kẻ còn lẫn người mất. Đối với ngày lâm chung, kinh Tứ Tự Xâm dạy: “Ngũ dục chi lạc, bất khả thường đắc. Bệnh trước sàng thời, nhiễu động bất an. Tử mạng hốt chí, thân đương bại hoại, an đắc cửu hồ?” (Niềm vui ngũ dục chẳng thể thường đạt được. Bệnh nằm mọp trên giường, vật vã, bất an. Số chết bỗng đến, thân sẽ hư nát, há giữ lâu dài ư?)
“Thận vật” (hãy cẩn thận, đừng nên): “Thận” (慎) là luôn cẩn trọng. Lòng người giả dối, [bề ngoài] rành rành là tu hành, [nhưng thật ra] ngấm ngầm phóng đãng. Chỉ có Thận (thận trọng) là chân tâm; vì thế [chữ Thận] do Tâm (心) và Chân (真) ghép lại. “Vật” (勿, đừng), hàm ý răn cấm. Đã cẩn thận, lại răn cấm, kiên quyết thề chẳng sát hại! “Ác duyên” là những chuyện giúp cho sát hại được thành. “Bái tế quỷ thần”: “Bái” (拜) là phủ phục, tỏ lòng tôn kính. Người ta bái bèn khom mình, [chữ Bái] riêng chỉ hai tay của người hành lễ (chữ Bái do hai chữ Thủ (手) ghép lại), vì tay và vẻ mặt thể hiện sự cung kính, là điều tốt đẹp trong lễ nghi. Sách Thuyết Uyển[2] nói: “Tế (祭) là Tác (索). Tác là trọn hết, tức là đứa con hiếu trọn hết tấm lòng đối với cha mẹ”. Tế phát sanh từ cái tâm muốn báo đền nguồn cội; lòng xót xa, lo làm sao có thể thực hiện? Do vậy, bèn dùng cỗ bàn để hiến dâng, mong sao [người đã khuất] có thể hưởng, do lòng tinh thành mà ra. Nay bái tế quỷ thần, võng lượng, điều này đã được nói tường tận trong bộ [Tỳ Ni Nhật Dụng Thiết Yếu Hương] Nhũ Ký (trong kinh Phổ Diệu, ngài Ca Diếp nói: “Tự niệm từ tự lai, dĩ lịch bát thập niên, phụng phong, thủy, hỏa thần, nhật, nguyệt, chư sơn, xuyên, túc dạ bất giải phế, tâm trung vô tha niệm, chí cánh vô sở hoạch, trị Phật nãi an ninh” (Con tự nghĩ từ lúc cúng bái đến nay đã suốt tám mươi năm, thờ phụng các thần gió, nước, lửa, mặt trời, mặt trăng, các núi sông, ngày đêm chẳng lười nhác, sơ sót. Trong tâm không có ý niệm nào khác, rốt cuộc, vẫn không đạt được gì, [thế nhưng] gặp Phật bèn yên ổn) là nói về chuyện này).
3.2.3.1.2.2.1.2.2.2.1.2. Chuyển thích sở dĩ (giải thích nguyên do)
3.2.3.1.2.1.1.2.2.2.1.2.1. Trực thích (giải thích thẳng vào vấn đề)
(Kinh) Hà dĩ cố? Nhĩ sở sát hại, nãi chí bái tế, vô tiêm hào chi lực, lợi ích vong nhân, đản kết tội duyên, chuyển tăng thâm trọng.
(經)何以故?爾所殺害,乃至拜祭,無纖毫之力,利益 亡人,但結罪緣,轉增深重。
(Kinh: Vì sao vậy? Vì giết hại, cho đến cúng lễ quỷ thần đó, chẳng có mảy may sức lợi ích nào cho người chết, chỉ kết thành tội duyên tăng thêm sâu nặng hơn).
Kinh Thập Phương Thí Dụ nói: “Thiên thượng, thiên hạ quỷ thần, tri nhân thọ mạng, tội phước, đương chí, vị chí, bất năng hoạt nhân, bất năng sát nhân, bất năng sử nhân phú quý, bần tiện, đản dục sử nhân tác ác, phạm sát, nhân nhân suy hao nhi vãng loạn chi, ngữ kỳ họa phước, linh nhân thiết từ tự nhĩ” (Quỷ thần trên trời, dưới đất biết thọ mạng, tội phước của con người sẽ xảy ra, hay chưa xảy đến, nhưng chẳng thể khiến cho con người sống sót, chẳng thể giết người, chẳng thể khiến cho con người phú quý, nghèo hèn, chỉ có thể mong cho con người làm ác, phạm tội giết chóc, rồi do con người bị suy sụp, hao tán, mà đến quấy nhiễu, nói chuyện họa phước của họ, ép họ cúng bái). Vì thế biết, cúng bái quỷ thần vô ích, chẳng có mảy may tác dụng gì lợi ích cho người đã mất!
Kinh Quán Đảnh cũng dạy: “Tạp vật chi tinh, phù du nhân thôn, ký kỳ vô thực, tác chư biến quái, phiến động nhân tâm. Hoặc hữu bạt mị tà sư, dĩ y vi phước, mịch chư phước hựu, dục đắc trường sanh. Ngu si, tà kiến, sát sanh từ tự. Tử nhập địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, vô hữu xuất thời, khả bất thận chi?” (Tinh linh nơi các vật dật dờ trong các thôn làng. Do chúng không có cái ăn, bèn biến hiện các thứ quái đản, khiến cho lòng người xao động [phải cúng bái chúng]. Hoặc có những tà sư thờ phụng yêu quái, cho là chúng có thể tạo phước, mong chúng ban phước, mong được trường sanh. Do ngu si, tà kiến, họ bèn sát sanh để cúng tế. Họ chết đi bèn vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, chẳng có lúc thoát ra, há chẳng cẩn thận ư?) Vì thế, chỉ kết tội duyên tăng thêm sâu nặng hơn! Do vậy, kinh Tứ Tự Xâm dạy: “Hữu sự thiên, địa, thủy, hỏa, nhật, nguyệt, sơn, xuyên chư quỷ thần giả, vĩnh vô sở ích. Cố tại châu toàn sanh tử chi lý, bất năng thoát xuất la võng lao ngục” (Có những kẻ thờ trời, đất, nước, lửa, mặt trời, mặt trăng, các quỷ thần nơi sông núi, vĩnh viễn vô ích! Vì thế, tuần hoàn trong vòng sanh tử, chẳng thể thoát khỏi lưới rập, lao ngục). Các kinh đã nói cặn kẽ chuyện này, tiếc là người đời chẳng tin tưởng!
3.2.3.1.2.2.1.2.2.2.1.2.2. Phức sớ (giải thích cặn kẽ)
3.2.3.1.2.2.1.2.2.2.1.2.2.1. Ưng báo thiện giả, phản đắc ác (người đáng lẽ được hưởng quả báo lành đâm ra mắc phải quả báo ác)
(Kinh) Giả sử lai thế, hoặc hiện tại sanh, đắc hoạch thánh phần, sanh nhân thiên trung, duyên thị lâm chung, bị chư quyến thuộc tạo thị ác nhân, diệc linh thị mạng chung nhân, ương lụy đối biện, vãn sanh thiện xứ.
(經)假使來世,或現在生,得獲聖分,生人天中,緣是臨終,被諸眷屬造是惡因,亦令是命終人,殃累對辯,晚生善處。
(Kinh: Giả sử đời sau, hoặc trong đời hiện tại, người đó có phần đắc thánh quả, sẽ sanh vào cõi trời hay cõi người, nhưng do lúc lâm chung, bị các quyến thuộc tạo cái nhân ác ấy, cũng khiến cho người mạng chung bị phiền lụy phải đối chất, chậm sanh vào chốn lành).
Đoạn kinh văn này chia làm hai tiểu đoạn:
– Đoạn thứ nhất, [nói đến chuyện người mất] đáng lẽ sanh vào chốn lành.
– Đoạn thứ hai, do điều ác lôi kéo mà chẳng thể sanh!
“Thánh phần” tức Thất Bồ Đề Phần, hoặc Bát Thánh Đạo Phần, Bồ Tát quả phần, hoặc là cũng giống như chữ Phần trong kinh Pháp Hoa, [ngài A Nan, La Hầu La v.v… nói] “ngã đẳng diệc ưng hữu phần” (chúng con cũng nên có phần) [khi cầu đức Phật thọ ký cho hàng hữu học Thanh Văn]. Tức là người chết lúc bình nhật đã có thiện nhân, đáng nên có phần đạt được thiện quả, và sanh làm trời, người. Chỉ vì lúc lâm chung, bị quyến thuộc gây tạo nghiệp nhân giết chóc, do những chúng sanh đã bị giết đòi mạng, [người mất] ắt phải trải qua sự đối chất, tranh biện trong âm ty. Tuy ương lụy [cuối cùng] cũng được giải quyết ổn thỏa, nhưng duyên sanh về [chốn tốt lành] đã bị chậm trễ. Sư Đạo Thế nói: “Cha mẹ khuất núi, [con cái] giết nhiều sanh mạng [để cúng bái], cha chìm ngập trong nỗi khổ nặng nề, mẹ riêng hứng chịu vạc sôi, than hồng tăng thêm. Vì thế, trôi lăn trong tam giới, dằng dai mãi trong lục đạo, bốn đường dễ về, vạn kiếp khó thoát. U linh mẹ hiền đau đớn vì sự độc dữ do con cái ngỗ nghịch gây ra” chính là nói về chuyện này, chẳng đáng xót xa lắm ư?
3.2.3.1.2.2.1.2.2.2.1.2.2.2. Ưng thọ ác giả, cánh tăng nghiệp (người đáng phải chịu ác, sẽ tăng thêm nghiệp)
(Kinh) Hà huống lâm mạng chung nhân, tại sanh vị tằng hữu thiểu thiện căn, các cứ bổn nghiệp, tự thọ ác thú. Hà nhẫn quyến thuộc, cánh vi tăng nghiệp?
(經)何況臨命終人,在生未曾有少善根,各據本業,自受惡趣。何忍眷屬,更為增業?
(Kinh: Huống chi người sắp mạng chung, lúc sống chưa hề có chút thiện căn nào, xét theo nghiệp của người ấy, sẽ tự thọ thân trong đường ác, quyến thuộc sao nhẫn tâm tăng thêm nghiệp cho người ấy?)
Ý “hà huống” trong đoạn này là: Trong phần trên là nói những người có thiện nghiệp, đáng sanh về chốn tốt lành, mà còn bị ác nghiệp lôi kéo, chậm sanh về chốn tốt lành. Huống hồ những kẻ bản thân chẳng có thiện căn, đáng thọ thân trong đường ác! Nay lại tăng thêm nghiệp sát hại, há người chết chẳng bị tăng thêm ác nghiệp nặng nề ư? Ví như ôm đá chìm sâu dưới vực, người khác lại ném thêm nhiều vật để dìm xuống, mong thoát ra, khó khăn lắm thay! Vì thế, kinh Ưu Bà Tắc Giới dạy: “Nhược phụ táng dĩ, đọa ngạ quỷ trung, tử vi truy phước, đương tri tức đắc. Nhược thuyết sát sanh từ tự đắc phước, thị nghĩa bất nhiên! Hà dĩ cố? Bất kiến thế nhân chủng Y Lan tử, sanh Chiên Đàn thụ! Đoạn chúng sanh mạng, nhi đắc phước đức. Nhược dục tự giả, đương dụng hương, hoa, nhũ, lạc, tô, quả, vị vong truy phước” (Nếu cha đã mất, đọa trong ngạ quỷ, con vì cha làm phước truy tiến, hãy nên biết cha sẽ hưởng được. Nếu nói sát sanh cúng quải mà được phước, nghĩa ấy chẳng phải đúng! Vì sao vậy? Chẳng thấy người đời gieo hạt Y Lan[3] mà được cây Chiên Đàn; đoạn mạng chúng sanh mà được phước đức ư? Nếu muốn cúng quải, hãy nên dùng hương, hoa, sữa, bơ, kem, trái cây để làm phước truy tiến cho người đã khuất). Vì thế, hai chữ “hà nhẫn” (sao lại nhẫn tâm) trở đi có ý “nhẫn tâm quá đỗi, tăng thêm nghiệp [cho người chết]”!
ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH KHOA CHÚ
[1] Võng Lượng (魍魎) vốn là loài yêu quái trong nước, có hình dáng như đứa trẻ ba tuổi, da đen pha đỏ, mắt đỏ, tai dài, tóc rậm, thích ăn gan người chết.
[2] Thuyết Uyển còn gọi là Tân Uyển, do Lưu Hướng soạn dưới đời Tây Hán. Đến đời Tống, Tăng Củng giảo chánh, bổ khuyết soạn thành bộ sách gồm hai mươi quyển. Sách ghi chép những truyền thuyết và những mẫu chuyện lịch sử từ thời Tiên Tần (trước khi Tần Thủy Hoàng diệt lục quốc) cho đến thời Tây Hán, thể hiện quan điểm và tư tưởng của Nho gia.
[3] Y Lan (Erāvaṇa) là một loại hoa có màu đỏ rất đẹp, nhưng mùi hết sức hôi thối. Mùi thối lan tỏa rất xa. Kinh thường dùng hoa Y Lan để sánh ví thân người chỉ đẹp đẽ bề ngoài, bên trong toàn là bất tịnh. Loại hoa này khác với hoa Ylang Ylang (còn gọi là Cananga, hoặc Perfume tree, cũng được dịch là hoa Y Lan trong tiếng Hán). Hoa Ylang Ylang vàng tươi, cánh cong dài, thường được chiết xuất tinh dầu để chế nước hoa.