HƯ HƯ LỤC GIẢNG GIẢI
Hòa Thượng Thích Thanh Từ
Luận Gương Tuệ Giáo
Dịch
Tuệ sanh từ sức định. Nếu tâm định thì gương tuệ sanh, nếu tâm loạn thì gương tuệ diệt. Cũng như chiếc gương bằng đồng trước phải nhờ mài giũa, sau mới trong sạch soi sáng. Nếu chẳng mài giũa thì tỳ vết bụi nhơ phủ tối. Đã bị bụi nhơ phủ thì ánh sáng làm sao mà sanh? Cho nên trí tuệ do định hiện, định tuệ nương nhau không thể thiếu một.
Nếu mượn danh tọa thiền, tâm chưa được định mà gương tuệ sanh thì không bao giờ có. Tuy có tánh tuệ mà không tập tọa thiền, tự cho đã có tuệ thì cần tọa thiền làm gì? Người như thế, tuy có tuệ mà không gương thể. Nếu khi thiền định, tâm chưa được định mà muốn cầu tuệ, ví như sóng gió chưa dừng mà mong thấy bóng mặt trăng. Nếu tâm đã định lại sanh tà giải, cầu mong được tuệ, cũng như sóng gió đã lặng, bóng trăng lóng trong mà lại lấy tay vớt trong nước muốn được bóng mặt trăng, khi nào được thấy.
Tổ sư nói: “Tịch mà thường chiếu, chiếu mà thường tịch.” Lại nói: “Tịch tịch tỉnh tỉnh phải, tịch tịch vô ký sai. Tỉnh tỉnh tịch tịch phải, tỉnh tỉnh loạn tưởng sai(1).” Tỉnh tỉnh tịch tịch, tịch tịch tỉnh tỉnh là thuốc, vô ký loạn tưởng là bệnh. Nếu thân có bệnh phải nhờ thuốc đối trị, thân đã bình định còn gì phải trị. Nếu được như thế thì định tuệ thành tựu.
Giảng
Tuệ sanh từ sức định. Nếu tâm định thì gương tuệ sanh, nếu tâm loạn thì gương tuệ diệt. Cũng như chiếc gương bằng đồng trước phải nhờ mài giũa, sau mới trong sạch soi sáng. Nếu chẳng mài giũa thì tỳ vết bụi nhơ phủ tối. Đã bị bụi nhơ phủ thì ánh sáng làm sao mà sanh? Cho nên trí tuệ do định hiện, định tuệ nương nhau không thể thiếu một.
Đây là đoạn đầu ngài Trần Thái Tông nói về gương trí tuệ. Trí tuệ từ đâu mà có, tức là trí tuệ từ sức định, do định mà có tuệ. Nếu không có giới thì khó được định, nếu không có định, không thể phát tuệ. Thế nên giới định tuệ có sự liên quan mật thiết, nếu thiếu một chúng ta khó thực hiện được trí tuệ cao siêu.
Nếu tâm định thì gương tuệ sanh, nếu tâm loạn thì gương tuệ diệt.
Ở đây Ngài ví dụ tuệ như cái gương. Gương sáng là nhờ đâu, tức nhờ trong sạch nên gương sáng. Nếu gương bị bụi phủ, hay bị những vết hằn trên mặt gương, chúng ta sẽ không thấy gương sáng được. Ví dụ tâm chúng ta loạn tưởng nhiều, đó là những bụi làm nhơ gương trí tuệ của mình. Vì vậy định là phương tiện để gương trí tuệ sáng. Muốn được sáng suốt, trước hết tâm phải an định, từ tâm an định mới phát ra trí tuệ. Nếu tâm không an định mà muốn được trí tuệ không bao giờ có. Thế nên, chúng ta phải ngồi thiền nhiều là phương tiện để tâm an định, từ tâm an định chúng ta mới có trí tuệ sáng suốt thấy được lẽ thật ở nơi mình và ở ngoại cảnh. Vì vậy, trí tuệ không phải tự có mà nhờ tâm an định mới phát ra.
Cũng như chiếc gương bằng đồng trước phải nhờ mài giũa, sau mới trong sạch soi sáng. Nếu chẳng mài giũa thì bụi nhơ phủ tối.
Đây nói gương bằng đồng chớ không phải gương pha lê. Gương bằng đồng có khi chúng ta thấy nó sáng, có lúc thấy tối. Vì sao? Gương sáng là nhờ có mài giũa, do mài giũa cho hết tỳ vết để gương được phẳng, có phẳng gương mới sáng, nhưng nếu không giữ để bụi bặm phủ lấp thì gương vẫn tối như thường. Vì vậy trước có công phu mài giũa, kế phải giữ gìn gương mới trong, gương trong thì được sáng. Gương trí tuệ của chúng ta cũng vậy, trước phải cố gắng dẹp bỏ vô minh phiền não, rồi gìn giữ không cho loạn tưởng. Hội đủ hai điều này thì trí tuệ chúng ta sẽ được sáng. Đó là ý nghĩa dụ trí tuệ như gương.
Đã bị bụi nhơ phủ thì ánh sáng làm sao mà sanh? Cho nên trí tuệ do định hiện, định tuệ nương nhau không thể thiếu một.
Nghĩa là gương bị bụi nhơ phủ kín thì làm sao có ánh sáng. Cũng vậy, nếu tâm loạn tưởng thì trí tuệ không thể sanh. Trí tuệ sanh là do có sức an định. Nhưng ở đây nói theo lối nhìn của Nhị thừa, luôn luôn đặt trước có giới, sau có định, rồi mới có tuệ. Nếu nhìn theo tinh thần của Lục Tổ thì định tuệ bình đẳng. Định và tuệ không tách rời nhau, có định tức có tuệ, có tuệ tức có định. Tại sao vậy? Vì đối với Thiền tông chúng ta không phải đợi tâm an định viên mãn mới phát ra trí tuệ. Nếu vậy thì định trước tuệ sau, mà Thiền tông nói định và tuệ đồng thời, trong định có tuệ, trong tuệ có định, hai cái không tách rời nhau được. Do đâu để chứng nghiệm điều này. Thí dụ hằng ngày chúng ta ngồi thiền thấy vọng không theo. Vọng dấy là động, mình biết nó, nó lặng xuống, thì cái biết vọng là tuệ, vọng lặng là định. Do đó không phải đợi khi tâm an định hoàn toàn chúng ta mới có tuệ, mà chính khi nó đang dấy động chúng ta vẫn có trí tuệ thấy biết, không theo thì được an. Hiểu như vậy mới biết tinh thần Thiền tông mà Lục Tổ đã nói là Định Tuệ bình đẳng. Nếu vọng dấy lên chúng ta thấy thì cái thấy vọng để không theo đó là tuệ. Nhưng khi vọng lặng hết không còn nữa thì lúc đó tuệ đang ở đâu? Tuệ ở chỗ biết vọng đang yên. Như bây giờ không có vọng thì ai biết không vọng? Khi vọng dấy lên nó biết, khi không vọng nó cũng biết, thì cái biết trước là tuệ, cái biết sau cũng là tuệ. Hiểu cho thật kỹ mới rõ được ý nghĩa tu thiền. Nếu không hiểu cứ cố gắng kềm cho nó yên, khi nó yên lại hoảng hốt lên tưởng mình đâu mất rồi. Khi có vọng tưởng mình còn thấy, bây giờ vọng lặng hết sao không thấy gì. Như vậy tưởng là mất sạch không còn tâm tri giác, nhưng không ngờ khi vọng yên rồi, thì thấy rõ vọng yên, mà thấy rõ vọng yên là cái gì thấy? Đó là trí tuệ thấy.
Thế nên tôi thường hay dẫn câu chuyện của vị Tổ thứ mười tám ở Ấn Độ là Tổ Già-da-xá-đa. Một hôm, Ngài đi hóa đạo ngang qua một vùng nọ, có người Bà-la-môn tên Cưu-ma-đa-la (sau này là vị Tổ thứ mười chín) thấy Ngài bèn đến hỏi: “Ngài tu theo đạo nào mà có đức hạnh đáng kính như thế?” Ngài nói: “Tôi tu theo đạo Phật.” Người Bà-la-môn nghe Ngài nói tu theo Phật, ông hoảng sợ, chạy về nhà đóng kín cửa lại. Tổ biết người này có duyên, về sau sẽ làm được Phật sự lớn, nên Tổ theo tới nhà. Đến nơi, thấy cửa đóng kín, Tổ bước lại gõ cửa, gõ mãi ông vẫn làm thinh. Sau cùng, ở bên trong ông nói vọng ra: “Trong nhà không có người.” Tổ liền hỏi: “Không có người, vậy ai trả lời đó?” Nghe Tổ nói như vậy, ông mới giựt mình mở cửa ra đón Tổ.
Câu chuyện này nghe qua như chuyện đùa, nhưng có một ý nghĩa thâm trầm mà chúng ta không biết. Thường chúng ta cứ nghĩ khi vọng tưởng lăng xăng nghĩ việc này đến việc khác, lúc đó nói tâm mình đang nghĩ, đang suy tính, nhưng có một phút giây nào tâm lặng xuống không nghĩ suy nữa, lại hoảng hốt tưởng như mất mình. Cũng giống như người Bà-la-môn kia khi nghe tiếng gõ cửa lại trả lời không có người ở nhà. Quả là dốt! Đã lên tiếng mà nói không có người thì chỉ có người ngu dốt mới như vậy. Nhưng thật tình chúng ta cũng giống như ông Bà-la-môn kia. Khi tâm lăng xăng thì cho là có tâm, đến lúc tâm yên lặng nói không có tâm nữa, mất tôi rồi. Vậy ai biết tâm yên lặng, ai biết mất tôi? Đã biết nói “mất tôi” là có người biết nói, mà có biết nói tức có mình chớ có mất đâu? Nếu mất tôi thì không có cái biết, còn biết mất tôi là có mình rõ ràng. Đó là việc rất tế nhị mà người tu có khi không hiểu, từ chỗ không hiểu mà tu ít lâu rồi hoảng sợ mình tu sai, sợ rơi vào không. Bởi vì khi không có vọng tưởng lại tưởng là không ngơ, nhưng không ngờ không vọng tưởng mà có “cái biết không vọng tưởng”. Biết không vọng tưởng thì làm sao nói “không” được? Đó là ý nghĩa trong nhà thiền thường nói Định Tuệ không rời nhau. Tóm lại, khi định còn có cái biết mình an định đó là tuệ, nếu không có cái biết, làm sao biết lúc đó tâm an định. Chỗ này quí vị cần phải thấy rõ để khỏi lầm lẫn. Vì vậy định và tuệ không thể thiếu trong lúc chúng ta tu thiền.
Nếu mượn danh tọa thiền, tâm chưa được định mà gương tuệ sanh thì không bao giờ có.
Câu mượn danh tọa thiền, nguyên chữ Hán là giả danh tọa thiền. Ở đây Ngài muốn nói cho chúng ta hiểu rõ chữ TUỆ. Như trong kinh thường nói mỗi chúng sanh đều có tánh giác, hay đều có Phật tánh, tức là có trí tuệ sẵn nơi chúng ta, tuy có trí tuệ sẵn nhưng nếu tâm chưa an định thì trí tuệ không phát sanh được. Đây tôi phân tích cho quí vị hiểu rõ nghĩa hai chữ trí tuệ sanh và trí tuệ sẵn. Trí tuệ sẵn là trí tuệ thầm biết, lúc nào cũng hằng hữu nơi chúng ta, trí tuệ đó gọi là tánh tuệ. Tuy có tánh tuệ nhưng nếu không nhờ tọa thiền để tâm an định thì tánh tuệ không phát khởi mạnh nên không sanh tuệ. Như vậy là có tánh tuệ mà không có diệu dụng, không có hiện tướng của trí tuệ. Người tu thiền sẽ thấy rõ điều này. Vì vậy chúng ta thường nghe nói tu thiền sẽ có giác ngộ, việc này không gì lạ. Vì trong khi tu, những gì chúng ta học hoặc đọc trong kinh chưa hiểu, lòng còn băn khoăn, thắc mắc, ôm ấp nghi ngờ, bất chợt một hôm nào đó ngồi thiền tâm được yên, bỗng dưng sáng ra, thông suốt được là do trí tuệ phát khởi hay trí tuệ sanh. Trí tuệ phát sanh này do tâm yên sáng, phát ra diệu dụng làm chúng ta hiểu biết cụ thể những vấn đề chưa hiểu. Do đó trí tuệ sanh là cái diệu dụng hay cái hiện tướng của trí tuệ sẵn hay tánh tuệ. Cho nên nói:
Tuy có tánh tuệ mà không tập tọa thiền, tự cho đã có tuệ thì cần tọa thiền làm gì? Người như thế, tuy có tuệ mà không gương thể.
Nghĩa là tuy có trí tuệ sẵn mà gương thể của trí tuệ không hiện. Như cái gương bị bụi bặm phủ, nên tuy có gương mà không có ánh sáng của gương, phải nhờ lau bụi ánh sáng mới phát. Đây là trường hợp chỉ người tự ỷ mình có tánh tuệ không cần tọa thiền thì tuệ không phát sanh.
Nếu khi thiền định, tâm chưa được định mà muốn cầu tuệ, ví như sóng gió chưa dừng mà mong thấy bóng mặt trăng.
Thí dụ như đêm rằm, chúng ta ở gần bờ hồ hoặc gần dòng sông, khi gió mạnh sóng to, dù có trăng nhưng nhìn xuống sông, hồ chúng ta thấy rõ bóng mặt trăng không? Vì có sóng mặt nước không yên, nên nhìn không thấy rõ bóng mặt trăng. Cũng như trường hợp trên, tuy biết mình có tuệ sẵn tức là có tánh tuệ, nhưng vẫn phải ngồi thiền cho tâm được định thì trí tuệ mới phát sanh. Như khi sóng gió lặng thì đêm rằm nhìn xuống mặt hồ, mặt sông, chúng ta sẽ thấy mặt trăng hiện đầy đủ.
Nếu tâm đã định lại sanh tà giải, cầu mong được tuệ, cũng như sóng gió đã lặng, bóng trăng lóng trong mà lại lấy tay vớt trong nước muốn được bóng mặt trăng, khi nào được thấy.
Đây là trường hợp tâm được định lại khởi tà giải. Tà giải là hiểu không đúng chân lý hay hiểu thiên lệch một bên. Nếu khởi hiểu thiên lệch thì cái định bị xao xuyến. Thí dụ chúng ta nghe trong kinh Phật dạy, những người tu chứng A-la-hán có lục thông trong đó có Túc mạng thông là biết được quá khứ vị lai, nhớ được vô số đời trước và biết những đời sau. Vì vậy khi ngồi thiền tâm vừa được yên, chúng ta liền khởi nghĩ muốn được thần thông để biết quá khứ vị lai của mình của người, hoặc khởi niệm xuất hồn để đi du lịch chỗ này chỗ kia. Khi khởi niệm tâm liền xao xuyến không còn yên nữa. Giống như đêm rằm ở dưới dòng sông hay dưới mặt hồ không có sóng, nhìn xuống thấy bóng mặt trăng vội đưa tay vớt bóng, đã không nắm bắt được, lại làm xáo động mặt hồ và mất bóng mặt trăng. Vì vậy khi tâm được định cứ để định, trí sáng cứ để sáng, tâm càng định trí càng sáng. Đến khi nào tất cả phiền não lậu tận sạch rồi thì tự sáng, biết được quá khứ vị lai, nếu khởi niệm muốn biết là lạc, là sai. Đó là để nói người tu thiền mà sanh tà giải thì từ đó trí tuệ mất luôn không còn hiện nữa. Vì vậy có nhiều người rất thích tu thiền, nhưng trong khi tu lại khởi những niệm sai lầm nên bị dẫn đi lạc hướng, rồi từ đó mất hết trí tuệ chân thật, là do không hiểu được gốc của sự tu.
Tổ sư nói: “Tịch mà thường chiếu, chiếu mà thường tịch.” Lại nói: “Tịch tịch tỉnh tỉnh phải, tịch tịch vô ký sai. Tỉnh tỉnh tịch tịch phải, tỉnh tỉnh loạn tưởng sai.” Tỉnh tỉnh tịch tịch, tịch tịch tỉnh tỉnh là thuốc, vô ký loạn tưởng là bệnh. Nếu thân có bệnh phải nhờ thuốc đối trị, thân đã bình định còn gì phải trị. Nếu được như thế thì định tuệ thành tựu.
Đây là Ngài dẫn lời của ngài Vĩnh Gia Huyền Giác trong bộ Vĩnh Gia Tập, để làm tiêu chuẩn cho người tu thiền đúng và sai. Đầu tiên nói “Tịch mà thường chiếu, chiếu mà thường tịch”. Tịch là lặng, chiếu là soi sáng. Lặng mà thường soi sáng, soi sáng mà thường lặng lẽ. Đó là trọng tâm của tu thiền. Bây giờ dẫn câu nói rõ ràng về đúng và sai của người tu thiền là “Tịch tịch tỉnh tỉnh phải”. Tức lặng lặng mà tỉnh tỉnh, đó là ngồi thiền đúng. Khi ngồi thiền tâm yên mà luôn luôn tỉnh sáng là đúng. Ngược lại “Tịch tịch vô ký sai”. Vô ký tức không nhớ không biết. Lặng lặng mà không biết gì đó là sai. Đây là cây thước để đo người tu thiền đúng và sai. Nếu ngồi thiền được yên tĩnh, tâm không dấy động mà vẫn tỉnh sáng, đó là tịch tịch tỉnh tỉnh, là đúng. Nếu ngồi yên tĩnh mà không biết mình đang làm gì, đó là vô ký, là sai. Đúng hay sai chỉ do lệch một chút đó. Nếu tịch mà tỉnh là đúng, tịch mà quên hết là sai. Ngược lại “Tỉnh tỉnh tịch tịch phải, tỉnh tỉnh loạn tưởng sai”. Ngồi thiền mà luôn luôn tỉnh sáng, có gió thổi, có tiếng động đều nghe, ai đi qua trước mặt cũng thấy v.v… Tỉnh như vậy mà tâm vẫn lặng lẽ là đúng. Nếu tỉnh mà cứ nghĩ chuyện này chuyện kia luôn, là sai. Đây là tỉnh tỉnh mà loạn tưởng thì sai. Như vậy chúng ta hãy kiểm tra lại mình sai ở chỗ nào, chắc hầu hết là tỉnh tỉnh mà loạn tưởng. Đó là chưa đúng tinh thần thiền. Chúng ta phải nắm vững được điều này, để khi tu tự biết lúc nào đúng, lúc nào sai. Nếu không biết, nhiều khi cứ ngồi để mặc nó ra sao thì ra là không được, là đưa đến sai lầm. Vì vậy người tu thiền cần phải học hiểu cho cẩn thận, không nên để sai lệch, vì nếu mình tu đã lệch rồi hướng dẫn người khác cũng sẽ lệch theo luôn. Thế nên trong kinh thường nói thầy mù dẫn một đám mù, người đi trước mù, những người đi theo cũng mù luôn, rốt cuộc rơi xuống hố không ai cứu được. Bởi vậy muốn hướng dẫn người đi, trước chúng ta phải sáng, nếu mù thì không nên làm. Nhưng nhiều người có thiện chí tối đa, tuy mình còn mù mà cũng muốn dẫn người đi, cho nên không sao tránh khỏi rơi vào những tệ nạn. Vì vậy chúng ta phải hiểu cho thật kỹ điều này.
Đây tôi chỉnh lại câu này theo trong quyển của ngài Trần Thái Tông, không biết do người xưa hay người sau này viết sai. Nguyên văn chữ Hán của ngài Huyền Giác là: “Tịch tịch tỉnh tỉnh thị, tịch tịch hôn trầm phi. Tỉnh tỉnh tịch tịch thị, tỉnh tỉnh loạn tưởng phi.” Ở đây trong chánh văn lại nói “Tịch tịch tỉnh tỉnh thị vô ký, tỉnh tỉnh tịch tịch thị loạn tưởng”. Hai câu này tôi cho là lầm, vì trong khi sắp bản in có thể sai, chớ nguyên bản chữ Hán là “Tịch tịch tỉnh tỉnh thị, tịch tịch hôn trầm phi. Tỉnh tỉnh tịch tịch thị, tỉnh tỉnh loạn tưởng phi”. Những câu này tôi đã đọc kỹ trong Vĩnh Gia Tập, nên đây tôi chỉnh lại cho quí vị so sánh để khỏi hiểu lầm bên chữ Hán.
Kết luận bài Luận Gương Tuệ Giáo chủ yếu ngài Trần Thái Tông muốn khuyến khích tất cả chúng ta tu phải nhờ thiền định để phát sanh trí tuệ. Mặc dù trong kinh Phật dạy mỗi người chúng ta đều có tánh giác, tức là tánh tuệ đã sẵn, nhưng nó bàng bạc ở con người chúng ta. Vì vậy phải nhờ tọa thiền đúng cách, đúng pháp thì tánh giác mới phát khởi diệu dụng để thấy biết thân và cảnh đúng như thật được. Nếu không tọa thiền, chúng ta khó có được diệu dụng của tánh giác, nghĩa là trí tuệ không phát. Như vậy người tu thiền phải tránh hai bệnh:
1. Tự ỷ có tánh giác rồi cứ đi ngao du nơi này chốn nọ mãi mà không cần tọa thiền, vì nghĩ nó đã có sẵn cần gì phải tọa thiền cho mất thời giờ. Đó là bệnh. Tuy có tánh giác hay đã nhận ra mình có tánh giác, nhưng chưa có diệu dụng, nhờ tâm an định mới phát khởi diệu dụng. Muốn tâm an định phải nhờ tọa thiền. Vậy nên tánh giác tuy có nhưng nếu không tọa thiền thì cũng không phát khởi.
2. Tuy tọa thiền tâm được an định lại sanh tà giải, khi khởi niệm tà, tâm định liền mất lại rơi vào loạn tưởng. Cũng giống như người thấy bóng mặt trăng dưới hồ, vội đưa tay vớt, dầu có vớt suốt ngày cũng không nắm được bóng mặt trăng.
Phần cuối là nương theo ý Tổ dạy dùng làm thước để đo người tu thiền biết đúng hay sai. Nếu tọa thiền tâm yên lặng mà vẫn sáng suốt thấy nghe không lầm, gọi là tịch tịch tỉnh tỉnh là đúng với người tu thiền. Nếu khi tọa thiền tâm yên một lúc rồi quên hết không biết gì nữa, đó là tịch tịch mà vô ký. Đây là bệnh. Vì vô ký sẽ đi đến hôn trầm. Như vậy vô ký và hôn trầm gần kề với nhau. Cho nên nói ngồi thiền mà nhắm mắt che tròng là ở trong hang quỉ. Vì khi mình mờ mờ mịt mịt rồi không biết gì hết, đó là sai lầm. Khi ngồi thiền rất tỉnh sáng mà không có vọng tưởng gọi là tỉnh tỉnh tịch tịch. Chữ Tịch nghĩa là Định, chữ Tỉnh nghĩa là Tuệ. Như vậy định và tuệ không rời nhau. Trí tuệ hằng sáng mà tâm vẫn an định đó là đúng. Nếu tỉnh mà loạn tưởng là sai. Chúng ta hãy lấy đây làm cây thước đo để biết mình ngồi thiền đúng hay sai. Vì có người tu mà không được gần thầy hướng dẫn, nên tu mà không biết đúng hay sai, có lạc hay không lạc. Vì thế để nhắc cho quí vị hiểu rõ, trong khi tu chúng ta có thể nương những bài này tự làm thước đo để biết mình tu đúng hay sai không cần phải hỏi ai nữa cả.
(1) Trong chánh văn “Tịch tịch tỉnh tỉnh thị vô ký, tỉnh tỉnh tịch tịch thị loạn tưởng”. Nguyên bản của Thiền sư Huyền Giác “Tịch tịch tỉnh tỉnh thị, tịch tịch hôn trầm phi. Tỉnh tỉnh tịch tịch thị, tỉnh tỉnh loạn tưởng phi”. Có lẽ ở đây in sót mấy chữ.