HÀNH TRANG CHO NGÀY CUỐI
PHÁP SƯ THẾ LIỄU
TỲ KHEO THÍCH THIỆN PHƯỚC dịch
VẤN ĐÁP VỀ MỐI TƯƠNG QUAN CỦA THÂN TRUNG ẤM
HỎI: Người sau khi mất, trong gia đình phải ăn chay niệm Phật trong 49 ngày, tạo các công đức để siêu độ cho người quá cố, việc làm nầy có ý nghĩa gì?
ĐÁP: Người mất nếu thật sự được sanh về Tây phương, những người trong gia đình ăn chay niệm Phật tu tạo công đức lành để siêu độ, có hai ý nghĩa:
Một là tăng thêm phẩm vị hoa sen của họ.
Hai là mỗi người trong gia đình đều được phước vô lượng.
Giả như không được vãng sanh Tây phương, tuy đã chết nhưng vẫn còn chưa quyết định để thọ sanh thì trong thời kỳ này gọi là thân trung ấm. Lúc bấy giờ, gia đình phải niệm Phật hồi hướng, tu tạo các công đức và khơi mở căn lành tịnh độ, khiến họ trong thời kỳ thân trung ấm sanh tín tâm, phát thệ nguyện niệm Phật cầu sanh về Tây phương. Chỉ cần người trong gia đình và đích thân họ có đầy đủ ba tư lương: Tín, nguyện, hạnh thì nhất định được Phật tiếp dẫn vãng sanh về Tây phương.
HỎI: Trung ấm nghĩa là gì?
ĐÁP: Người chết sau khi thần thức đã lìa khỏi xác, tức là khi chưa đi đầu thai, ví như người từ trong gian phòng này đi ra định đến một gian phòng khác mà chưa vào được, còn ở khoảng giữa, đây nghĩa là trung ấm. Người chết biết niệm Phật thì được vãng sanh Tây phương, người làm lành thì được sanh lên cõi trời, người làm ác thì bị đọa xuống địa ngục vô gián, các hạng người này không trải qua thời kỳ thân trung ấm. Thường người không quá ác cũng chẳng làm lành đều phải trải qua thời kỳ thân trung ấm. Thân trung ấm nếu mau thì chỉ trong khoảng một khảy móng tay liền thác sanh vào sáu đường; chậm thì đến 49 ngày hoặc qua 49 ngày, không nhất định.
HỎI: Người sau khi chết, vì sao không được đi đầu thai liền, lại phải vào thân trung ấm và trải qua 49 ngày?
ĐÁP: Nhân vì người mất từ nhiều kiếp cho đến nay đã tạo ra những nghiệp thiện ác chưa nhất định là nặng hay nhẹ. Đó là do vọng tâm vô minh nghiệp thức, một tâm niệm lành, một tâm niệm ác, sanh rồi diệt, diệt rồi sanh. Nghiệp thiện ác thường không nhất định. Nếu định nghiệp lành thì sanh vào cõi lành, tâm lành cũng có bậc thượng trung hạ, cho nên mới cảm đến ba con đường lành Trời, Người, A tu la. Nếu định nghiệp ác thì đầu thai vào cõi ác, tâm ác cũng có thượng trung hạ, cho nên mới chiêu cảm đến ba đường ác Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sanh.
Chúng ta phải hiểu vì có mối quan hệ như thế, cho nên những người thân trong 49 ngày hẳn phải ăn chay niệm Phật, thay người mất tu tạo các công đức lành khiến cho người mất nương vào các công đức ấy tiêu trừ được tội ác, phước lành thêm lớn, được vãng sanh Tây phương hoặc thác sanh vào cõi trời người. Nếu những người trong gia đình không phát tâm ăn chay niệm Phật và tu tạo các công đức lành, lại gây tạo các ác nghiệp như sát sanh, tà dâm, ăn thịt, uống rượu… như thế túc nghiệp của người mất cho dù là lành đi nữa thì cũng chuyển làm ác nghiệp; nếu túc nghiệp của họ là ác thì ác nghiệp lại chồng thêm ác nghiệp, mà ác nghiệp cộng thêm ác nghiệp thì chính là phẩm ác bậc thượng; người mất nhất định sẽ đọa ngay vào địa ngục chịu khổ mãi mãi.
HỎI: Nếu gặp người có gia cảnh nghèo cùng khốn khổ, trong 49 ngày ăn chay niệm Phật, lại gây tạo các công đức lành thì làm sao có thể duy trì được cuộc sống?
ĐÁP: Muốn tu tạo các công đức, chỉ cần niệm Phật là có công đức rất lớn. Nếu cuộc sống gia đình chật vật khó khăn thì đâu cần phải thỉnh Tăng Ni, tổ chức các pháp hội để siêu tiến… toàn thể gia đình cứ ăn chay niệm Phật thì công đức ấy đã quá lớn rồi. Mỗi ngày phải quy định thời gian niệm Phật.
Sáng sớm, khi niệm Phật xong, liền đến trước linh vị của người mất mà hồi hướng công đức cho họ, sau đó mới ăn cơm sáng.
Buổi trưa, niệm Phật trước hoặc sau khi ăn cơm, nên xem xét có trở ngại gì trong công việc của mình không, rồi mới định thời khóa.
Buổi tối, khi ăn cơm chiều xong thì mới niệm Phật, niệm xong lại ở trước bàn linh mà hồi hướng công đức cho họ. Mỗi ngày niệm Phật ba lần như thế và mỗi lần đều phải hồi hướng.
Ngoài ra, trong lúc làm việc, tâm miệng cũng phải niệm thầm câu Phật hiệu. Phương pháp niệm Phật độ vong như thế đối với kinh tế chẳng những tiết kiệm, lại còn giản tiện, không bị trở ngại trong sinh hoạt, công đức lại càng lớn, gia đình được mát mẻ bình an, mọi người trong gia quyến đều được phước và người mất cũng được lợi ích rất lớn. Đây là phương pháp tốt nhất cho kẻ còn lẫn người mất đều được lợi.
DẪN CHỨNG VÀI ĐIỂM TRỌNG YẾU TRONG PHẨM THỨ 7
“KẺ CÒN NGƯỜI MẤT ĐỀU ĐƯỢC LỢI” CỦA KINH ĐỊA TẠNG
Trưởng giả Đại Biện chắp tay cung kính hỏi Bồ tát Địa Tạng rằng: “Đại sĩ, chúng sanh trong cõi Nam Diêm Phù Đề, sau khi mạng chung, quyến thuộc kẻ lớn người nhỏ vì tu tạo các công đức, thiết trai cúng dường, gieo trồng các nhân lành (niệm Phật, ăn chay, giữ giới, cúng dường Tam Bảo…). Vậy người mạng chung có được lợi ích và thoát khỏi sinh tử chăng?”.
Bồ tát Địa Tạng đáp: “Trưởng giả! Thuở hiện tại cùng vị lai, nơi có các chúng sanh sau khi mạng chung nếu nghe được một danh hiệu Phật, Bồ tát, Bích Chi Phật… không luận là có tội hay không tội, đều được giải thoát” (vãng sanh về thế giới Cực Lạc Tây Phương).
Lại nói: “Con quỷ vô thường không hẹn mà đến, thần hồn mê mờ, chưa rõ là tội hay phước, trong 49 ngày như ngây như điếc, hoặc ở tại các ty sở để định đoạt về nghiệp quả; sau khi thẩm định xong, lại căn cứ vào tội nghiệp mà thọ sanh. Trong khoảng thời gian chưa phân định ấy, họ phải lãnh chịu muôn ngàn điều sầu khổ, huống gì bị đọa vào các nẻo ác! Nếu người mạng chung chưa được thọ sanh khoảng 49 ngày, mỗi niệm luôn luôn trông mong quyến thuộc tu tạo phước lành để cứu vớt. Khi qua khỏi 49 ngày thì cứ theo nghiệp mà thọ lãnh quả báo. Nếu có tội thì phải trải qua trăm ngàn kiếp (thường ở trong ba đường ác: Địa ngục, Ngạ quỷ và Súc sanh chịu vô lượng khổ), không có ngày giải thoát. Nếu mắc tội năm vô gián thì bị đọa vào đại địa ngục, trải qua muôn ngàn kiếp mãi mãi chịu muôn thứ khổ đau”.
Lại nói: “Sau khi người thân thuộc mất trong khoảng 49 ngày, tạo các công đức lành khiến cho các chúng sanh mãi mãi xa lìa nẻo ác: Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sanh, được thác sanh làm Trời người hưởng thọ vô lượng quả vui và quyến thuộc hiện tại cũng được lợi ích vô lượng”.
BỔ SUNG THÊM HAI CÂU VẤN ĐÁP
HỎI: Có người thường ngày tín nguyện niệm Phật, nhưng đến lúc lâm chung thì bị trúng gió không nói được, thần thức hôn mê. Lúc này, mọi người trợ niệm có tác dụng gì không? Nếu có tác dụng thì thần thức người này vốn đã hôn mê, không hay biết. Vậy tác dụng ở chỗ nào? Nếu không có tác dụng thì những công đức tín nguyện niệm Phật lúc thường ngày chẳng luống uổng ư?
ĐÁP: Niệm Phật có công đức không thể nghĩ bàn. Nếu người thường ngày tín nguyện niệm Phật, đến lúc lâm chung bị trúng gió, không thể nói được và thần thức bị hôn mê; nếu gặp bạn lành trợ niệm cho họ thì người lâm chung được lợi ích không thể nghĩ bàn. Nếu thần thức người ấy chưa lìa khỏi xác, khi tỉnh lại nghe được tiếng niệm Phật, phát lòng tín nguyện niệm Phật như thường ngày thì lúc mạng chung nhất định sẽ nương nhờ Phật lực tiếp dẫn vãng sanh về Tây phương không ngăn ngại vậy! Giả như hôn mê đến chết, thần thức khi lìa khỏi xác, vì nghiệp lực của người này ở đời trước hoặc hiện tại chưa định nên cần phải trải qua thân trung ấm. Trong thời kỳ thân trung ấm, nếu được quyến thuộc và thiện hữu vì họ mà niệm Phật, bấy giờ người mất liền nhớ lại tâm tín nguyện niệm Phật lúc thường ngày, nương nhờ Phật lực tiếp dẫn vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc. Nếu không được như vậy, chỉ gặp thắng duyên niệm Phật của các thiện hữu, cho dù không được vãng sanh thì cũng tăng thêm căn lành tịnh độ ở đời sau.
Kinh chép: “Vào thời Phật còn tại thế, có một người gặp con hổ, ông bèn leo thoắt lên cây, vì sợ quá nên niệm một tiếng Nam mô Phật. Do căn lành này mà ông gặp Phật và được độ thoát”. Huống gì khi còn sống chúng ta đã sớm tín nguyện niệm Phật! Do đó, công đức niệm Phật thật không luống uổng vậy!
HỎI: Người điếc lúc lâm chung, tuy có người trợ niệm, nhưng họ không nghe được tiếng niệm Phật thì việc trợ niệm ấy có tác dụng gì?
ĐÁP: Người điếc do vì nhĩ căn của họ ở đời trước đã tạo ác nghiệp, cho nên bị quả báo như thế! Song người điếc tuy không nghe được tiếng niệm Phật, nhưng lúc lâm chung, có người trợ niệm cũng được vãng sanh. Vì sao? Người điếc tuy bị kém thiếu về nhĩ căn, nhưng tánh nghe vẫn chưa từng bị mất đi, chỉ cần người ấy tự tâm tỉnh táo, tín nguyện vững vàng và một lòng cầu sanh về Tây phương. Lại có bạn lành trợ niệm cho họ, khi mạng chung nhất định sẽ được cảm ứng, Đức Phật đến tiếp dẫn. Do tâm lực của chúng sanh không thể nghĩ bàn, danh hiệu của Đức Phật có công đức không thể nghĩ bàn. Vì vậy, người vãng sanh Tây phương giống như thuận gió mà giương buồm, xe nhẹ mà đường quen – trạng thái vô cùng dễ dàng và thuận lợi. Lại có người lúc lâm chung, nghiệp trước sắp hết, nghiệp sau chưa sanh, tuy thức thứ tám có tác dụng, nhưng nghiệp chướng ở đời trước còn nên đời nay không có được nhĩ căn, lại không có nhĩ thức. Đến lúc này, quả trước đã hết thì thức thứ tám tự nghe và tự biết được thôi!