NHỮNG LÁ THƯ THẦY
Thích nữ Hải Triều Âm
Mùa an cư, ngày bố tát thứ 2
Thân gởi Liên Hoa, Viên Thông, Hoa Nghiêm
Thương quý lớp Lăng Nghiêm bao nhiêu tóc bạc mà toàn là trẻ thơ. (Một lớp học Lăng Nghiêm có các vị tại gia lớn tuổi ở chùa Liên Hoa.)
Chánh văn kinh: Trả lời ông Anan xong cả ba phần Samatha, Tamma và Thiền na, Phật kết rằng: “Như vậy các ngôi vị đều dùng kim cương quan sát 10 thâm thí dụ như huyễn, thanh tịnh tu chứng, lần lần thâm nhập”.
Giảng rằng: Quan sát Kim cương hẳn là sắc bén. Để đâm thủng vách sắt tường đá nào?
Chỉ để thấu đáo hai chữ “như huyễn”. Hễ thấu đáo được thì cùng nhau thanh tịnh, lần lần trải qua các ngôi Hiền, ngôi Thánh, mà vào biển đại giác trang nghiêm. Pháp sư Viên Anh trích 10 thâm thí dụ ở kinh Đại Bát Nhã:
1- Quán hết thảy nghiệp như huyễn.
2- Quán hết thảy pháp như lửa bùng.
3- Quán hết thảy thân như trăng đáy nước.
4- Quán hết thảy sắc tướng như hoa đốm ở hư không.
5- Quán hết thảy âm thanh như tiếng vang trong hang.
6- Quán hết thảy cõi Phật như thành Càn Thát Bà.
7- Quán hết thảy Phật sự như mộng.
8- Quán hết thảy Phật thân như bóng ảnh.
9- Quán hết thảy Báo thân như tượng vẽ.
10- Quán hết thảy Pháp thân như hóa.
Chẳng thể thủ, chẳng thể xả, bởi vì không thật. Dụ tuy 10 nhưng pháp không ngoài độ sanh, thuyết pháp, cúng dường Tam-bảo, trang nghiêm cõi Phật mà thôi. Nhưng đã nói “không thể thủ” thì hẳn không có chúng sanh để độ, không có pháp để thuyết, không có quốc độ để trang nghiêm, không có Phật Tăng để cúng dàng.
Đã nói “không thể xả” thì hẳn nhậm vận vẫn độ sanh, thuyết pháp, cúng dàng, trang nghiêm Phật độ.
Đã nói “hết thảy không” thì thủ xả cũng buông. Cả tâm buông cũng tịch. Nên gọi là thâm sâu.
Cổ Đức dạy rằng: “Tu tập vạn hạnh không hoa, an tọa đạo tràng bóng trăng đáy nước. Hàng phục quân ma bóng hiện trong gương. Đại tác Phật sự trong mộng”.
Thầy góp bàn: Chúng ta cạo tóc vào chùa, vẫn yên chí là mình đang đặt chân cất bước trên đường đại trang nghiêm, để lần lần qua các ngôi Hiền, ngôi Thánh, bước dần vào quả vị đại giác, đại hùng, đại lực, đại từ bi. Con đường tự giác, giác tha để tới chỗ giác hành viên mãn này, chúng ta có thật từng niệm từng niệm đang đi không? Chị em ai nấy hãy thành thật với Phật Tổ, với chính mình. Chúng ta báo ân Phật, phụng trì pháp, nghĩa là xuất gia có đúng như lời Phật dạy không?
Khuyên chị em bình tĩnh trong hoàn cảnh của mình mà dùng trí tuệ Kim cương quan sát cho thủng đáy cái thùng sơn chứa đựng sáu căn, sáu trần, sáu thức dính nhơm nhớp đi.
Khi ấy chị em sẽ bật cười vì rõ ràng Thầy chẳng ở xa. Mà đức Bổn Sư Thích Ca ở vườn Lâm Tỳ Ni cũng chưa từng sanh, rừng Ta La cũng chưa từng diệt, không sanh không diệt lão Cù Đàm mà!
Vui vẻ Thầy trò đang ngồi hoa sen vi diệu thơm ngát.
– Bài Lăng Nghiêm, H nhớ nhắc các em là đây Thầy chỉ bổ túc thêm những gì mình chưa học. Phải ôn lại kỹ những bài cũ, chớ để thời giờ buồn tủi chuyện xa Thầy. Chớ để cho giặc ý thức buông lung. Trong quẻ bói kỳ trước, thiền sư dạy rằng “thừa đương là con, không thừa đương là giặc”. Thừa là kham lãnh, đương là đảm nhiệm. Ai học Lăng Nghiêm đối cảnh lo quay về tánh nghe, tánh thấy của mình, đó là thừa đương. Còn để cho cảnh ngoài lôi cuốn mà mừng mà giận thì đó là không thừa đương. Lăng Nghiêm dạy ba tiệm thứ là gốc đạo. Sư cô H đọc lại cho các em nghe để cùng thường ôn bài.
– Phàm làm việc gì nên vì Phật Pháp Tăng, vì bổn phận, vì lợi ích cho bốn ân ba cõi, chớ đừng có bao giờ vì ưa thích. Phải trị cái “ưa thích” cho thật kỹ thì mới nói chuyện tu hành được. Xem ông Anan đấy, hôm nay vì ưa thích Phật nên xuất gia thì mai cũng vì ưa thích cô Ma Đăng Già mà vào dâm thất. Hai cái yêu ghét chính là gông cùm xiềng xích loài hàm thức. Phật ra đời chỉ có một mục đích là dạy chúng ta cởi bỏ nó ra.