ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH KHOA CHÚ
Đường Tam Tạng sa-môn Thật Xoa Nan Đà dịch
Cổ Diêm Khuông Am Thanh Liên bật-sô Linh Thừa soạn
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
3.2.3.1.1.2.2.2.1.3.1.1.2.5.2. Thích độc kinh chi ích (nói về lợi ích do đọc kinh)
3.2.3.1.1.2.2.2.1.3.1.1.2.5.2.1. Cử Diêm Phù tội trạng (nêu ra tội trạng của người trong châu Diêm Phù)
(Kinh) Nam Diêm Phù Đề chúng sanh, cử chỉ động niệm, vô bất thị nghiệp, vô bất thị tội. Hà huống tứ tình sát hại, thiết đạo, tà dâm, vọng ngữ, bách thiên tội trạng.
(經)南閻浮提眾生,舉止動念,無不是業,無不是罪。何況恣情殺害,竊盜,邪婬,妄語,百千罪狀。
(Kinh: Chúng sanh trong Nam Diêm Phù Đề cư xử, dấy lên ý niệm, không gì chẳng phải là nghiệp, không gì chẳng phải là tội. Huống chi mặc sức giết hại, trộm cắp, tà dâm, nói dối, trăm ngàn tội trạng).
Người Nam Châu tâm thức vô định; huống hồ trong ý căn, theo pháp tắc sanh thành có ba tánh thiện, ác, vô ký (không thiện không ác); nhưng phàm phu nhiều lúc dấy lên ác niệm. “Cử” (舉, hành động) là động, Chỉ (止, không hành động) là tĩnh. Dù động hay tĩnh, dấy lên ý niệm chẳng đồng nhất. Kinh An Ban Thủ Ý dạy: “Nhất đàn chỉ khoảnh, tâm hữu cửu bách lục thập chuyển” (Trong khoảng thời gian một cái khảy ngón tay, tâm chyển đổi ý niệm chín trăm sáu mươi lần). Kinh Nhân Vương dạy: “Nhất niệm hữu cửu thập sát-na, nhất nhất sát-na trung, phục hữu cửu bách sanh diệt” (Trong một niệm có chín mươi sát-na, trong mỗi sát-na có chín trăm lần sanh diệt). Kinh Bồ Tát Xử Thai dạy: “Nhất đàn chỉ khoảnh, hữu tam thập nhị ức bách thiên niệm, niệm niệm thành hình, hình hình hữu thức. Nhất niệm thiện, hữu vô lượng thiện quả báo. Nhất niệm ác, hữu vô lượng ác quả báo” (Trong khoảng một cái khảy ngón tay, có ba mươi hai ức trăm ngàn niệm, niệm niệm thành hình, mỗi hình đều có thức. Một niệm thiện, có vô lượng thiện quả báo. Một niệm ác, có vô lượng ác quả báo). Vì thế nói: “Cử chỉ động niệm, vô phi thị nghiệp” (Hành động hay tĩnh lặng, dấy lên ý niệm, không gì chẳng phải là nghiệp).
Nhưng phàm phu tạo nghiệp, hễ thân, khẩu dấy động, đều do cái tâm sai khiến. Nếu tâm bất thiện thì mới có thể tổn hại chúng sanh. Nếu trong tâm tốt lành thì mới có thể tương ứng với phước. Tuy là tổn hại hay lợi ích khác nhau, nhưng cái gốc của ba nghiệp đều bắt nguồn từ tâm. Vì thế, hễ dấy động ý niệm bèn thành nghiệp. Niệm thiện là phước, niệm ác thành tội. Nhưng kiểm điểm tự tâm thì trong mười hai thời, nói chung là tội nhiều hơn phước; huống hồ còn buông lung sáu tình thức, mặc sức tạo tác ba nghiệp ư? Kinh Di Giáo dạy: “Túng thử tâm giả, táng nhân thiện sự. Thí chi nô mã, cực lực khống chế, thượng nan điều phục. Nhược túng kỳ bôn dật, tổn vật vô nghi” (Buông lung cái tâm này sẽ chôn vùi thiện sự của mỗi người. Ví như ngựa hèn, cực lực khống chế nó, mà còn khó điều phục. Nếu để mặc cho nó chạy lung tung, sẽ tổn hại muôn vật chẳng ngờ chi). Giết hại, trộm cắp, tà dâm là ba ác nghiệp nơi thân. Nói dối v.v… bao gồm bốn nghiệp nơi miệng như đã nói trong phần trước. “Trăm ngàn tội trạng” tức là một sát nghiệp có thượng, trung, hạ, cho đến tham, sân, si cũng có thượng, trung, hạ. Nói chi tiết, sẽ chẳng thể nêu trọn hết được! Vì thế, chỉ nói tổng quát là “trăm ngàn”. Cần biết: Kết tội do xét theo cái tâm mà nghiệp có nặng, hay nhẹ; như sân nặng nề thì tội nặng nề, sân nhẹ thì tội nhẹ. Thành Thật Luận viết: “Hoặc do sự việc nặng nề, bèn có quả báo cố định. Hoặc do tâm coi trọng mà có quả báo cố định. Như người do phiền não sâu dầy mà giết hại trùng, kiến, tội sẽ nặng hơn kẻ do cẩu thả mà giết người. Nếu tâm chẳng có sân, dẫu giết bề trên, cho đến giết cha, mẹ, cũng chẳng thành tội nghịch”. Vì thế biết các nghiệp theo lệ, sẽ có nhẹ hay nặng. Tuy chia thành nặng và nhẹ, nhưng thọ báo chẳng sai sót mảy may, há có nên mặc sức buông lung ư?
3.2.3.1.1.2.2.2.1.3.1.1.2.5.2.2. Thị trai nhật độc kinh (dạy đọc kinh trong ngày trai)
(Kinh) Năng ư thị thập trai nhật, đối Phật, Bồ Tát, chư hiền thánh tượng tiền, độc thị kinh nhất biến.
(經)能於是十齋日,對佛菩薩,諸賢聖像前,讀是經一遍。
(Kinh: Có thể trong mười ngày trai ấy, đối trước tượng của Phật, Bồ Tát, và các vị hiền thánh đọc kinh này một lượt).
Lục trai và thập trai tăng giảm khác nhau. Đại Luận quyển sáu mươi lăm chép: “Vào sáu ngày trai, chư thiên đến quan sát lòng người. Ngày Rằm và Ba Mươi, bạch lên chư thiên. Sáu ngày trai lại là ngày xấu, tạo hung suy cho con người. Nếu có ai trong những ngày ấy thọ tám giới, trì trai, bố thí, nghe pháp, khi đó, chư thiên hoan hỷ, tiểu quỷ chẳng thừa dịp làm hại, hành giả được lợi ích”. Vì thế, sách Ma Ha Chỉ Quán xếp việc tuân giữ trai nhật vào hàng đầu là có lý do vậy, nhưng cách trì trai hơi khác biệt. Sách [Thỉnh Quán Âm Kinh Sớ] Xiển Nghĩa Sao trích dẫn thiên Tế Thống [trong Lễ Ký]: “Trai (齋) có nghĩa là Tề (齊, san bằng), tức là san bằng những chỗ bất bình đẳng, hòng đạt đến bình đẳng, cũng như làm cho thanh tịnh, ngăn ngừa tà vật, dứt các ham muốn, tai chẳng nghe nhạc”.
Nay trong đạo Thích coi “chẳng ăn quá ngọ” là Trai, cũng do dựa theo ý nghĩa “ngăn tà, dứt dục, san bằng những thứ bất bình đẳng”. Vì thế, sách Thỉnh Quán Âm Sớ viết: “Trai chỉ là Trung Đạo. Sau giữa trưa, chẳng được ăn nữa, biểu thị ngoài Trung Đạo pháp giới, chẳng có pháp nào khác nữa!” Do lẽ này, trong đạo Thích, tăng lẫn tục đều coi “sau giữa trưa không ăn nữa” là Trai. Gần đây, có quan niệm thông tục “kẻ bạch y (tại gia) không ăn mặn, uống rượu” thì Trai (tức là coi ăn chay là Trai), cho nên khác biệt. Kinh Pháp Cú dạy: “Từ tự chủng họa căn, nhật dạ trưởng chi điều, đường khổ bại thân bổn, pháp trai độ thế tiên” (Cúng tế [quỷ thần] là gieo cái gốc họa, ngày đêm [cái gốc họa] ấy càng tăng trưởng cành nhánh, khổ công vô ích mà chỉ có hại cho thân tâm. Chỉ có Bát Trai Giới là pháp lợi ích hơn hết để vượt thoát tam giới)[1]. Vì thế, trong các ngày Lục Trai hay Thập Trai, hãy nên trì trai, bố thí, đọc tụng kinh Bổn Nguyện. Đấy là nói rõ chuyện đọc kinh.
(Kinh) Đông, Tây, Nam, Bắc, bách do-tuần nội, vô chư tai nạn. Đương thử cư gia, nhược trưởng, nhược ấu, hiện tại, vị lai, bách thiên tuế trung, vĩnh ly ác thú.
(經)東西南北,百由旬內,無諸災難。當此居家,若長若幼,現在未來百千歲中,永離惡趣。
(Kinh: Đông, Tây, Nam, Bắc, trong một trăm do-tuần, không có các tai nạn. Những người sống trong nhà ấy, dù lớn hay bé, trong hiện tại và vị lai, trong trăm ngàn năm, vĩnh viễn lìa khỏi đường ác).
Tiếp đó là nói đến lợi ích. Trước hết nói rõ: Do đọc kinh, các phương không có tai nạn. Nếu có một người có thể trong các ngày trai, đều đọc kinh một lượt, sẽ khiến cho bốn phương trong vòng một trăm do-tuần, trọn chẳng có tai nạn. Thứ ngỗ nghịch nơi đất là Yêu (䄏), điều trái thời nơi trời thì gọi là Tai (災). Nói “quyên trừ yêu tai” (trừ sạch các thứ yêu quái, tai nạn) là nói về chuyện này.
Kế đến là nói “người trong nhà lìa khỏi đường ác”. Vì sao chỉ đọc kinh một lượt mà lại đạt được quả báo thù thắng? Điều này tỏ rõ chuyện lợi ích chẳng thể nghĩ bàn của đức Địa Tạng. Nhưng nay có trường hợp chẳng phải là không đọc kinh, thế mà chẳng đạt được báo ứng tốt đẹp là vì lẽ nào? Thưa rằng, chuyện này có hai ý:
– Người ở trong vùng ấy và quyến thuộc sống trong nhà đời trước tội ác sâu nặng, cho nên khó trốn khỏi định nghiệp.
– Hai, có thể là do tâm người đọc kinh khác nhau. Người chí tâm tụng kinh đắc lực, cho nên có thể chuyển biến túc ương. Kẻ chẳng chí tâm, do sức cạn cợt, phước chẳng thể thắng nổi tội, cho nên khó chuyển!
3.2.3.1.1.2.2.2.1.3.1.1.2.5.2.3. Thích hiện thế phước lợi (giải thích về phước báo và lợi ích trong đời hiện tại)
(Kinh) Năng ư thập trai nhật, mỗi chuyển nhất biến, hiện thế linh thử cư gia, vô chư hoạnh bệnh, y thực phong dật.
(經)能於十齋日,每轉一遍,現世令此居家,無諸橫病,衣食豐溢。
(Kinh: Có thể trong mười ngày trai, thường tụng một lượt, thì trong đời này sẽ khiến cho người sống trong nhà chẳng có các bệnh ngang trái, áo cơm sung túc).
“Hoạnh bệnh” (bệnh ngang trái) chính là dịch bệnh đang lưu hành, do phước suy mà bỗng dưng nhiễm bệnh. Tuy do ác quỷ xằng bậy giáng họa, ban phước, nhưng chính là do bản thân ta không có thiện lực nên phải chuốc lấy [tai họa]. Nay đã tụng kinh, vĩnh viễn dứt bặt các thứ bệnh ngang trái. Áo cơm sung túc là chuyện quan trọng nhất. Kinh Kim Quang Minh dạy: “Y nhân y thực, chư kết não nhiệt” (Do vì cơm áo mà vấn vít lo nghĩ, khổ não). Kinh Dược Sư dạy: “Vị y thực cố, tạo chư ác nghiệp” (Vì cơm áo mà tạo các ác nghiệp). Nay do đọc kinh trong ngày trai, cho nên cảm vời quả báo dư dật. Không chỉ là chẳng có nghiệp, mà còn tăng phước. Dẫu là kẻ nghèo nàn không có cơm áo, cũng sẽ đạt được quả báo sung túc, dư dả. Lợi ích của kinh há nghĩ bàn được ư? Nói về chuyện lợi ích đã xong.
3.2.3.1.1.2.2.2.1.3.1.2. Tổng kết oai thần chi lực (tổng kết về sức oai thần của Bồ Tát)
3.2.3.1.1.2.2.2.1.3.1.2.1. Chánh kết Địa Tạng lợi ích (kết lại sự lợi ích của đức Địa Tạng)
(Kinh) Thị cố Phổ Quảng! Đương tri Địa Tạng Bồ Tát, hữu như thị đẳng bất khả thuyết bách thiên vạn ức đại oai thần lực, lợi ích chi sự.
(經)是故普廣!當知地藏菩薩,有如是等不可說百千萬億大威神力,利益之事。
(Kinh: Vì thế, Phổ Quảng! Hãy nên biết Địa Tạng Bồ Tát có trăm ngàn vạn ức sức đại oai thần và chuyện lợi ích chẳng thể diễn tả như thế đó).
Kết lại bằng một câu “như thị đẳng” (như thế đó) nhằm chỉ rõ những điều đã nói trên đây chỉ là nêu đại khái, như hai kinh Địa Tạng Thập Luân và Chiêm Sát Thiện Ác đã nói cặn kẽ chuyện này.
3.2.3.1.1.2.2.2.1.3.1.2.2. Biệt thị Diêm Phù hữu duyên (đặc biệt chỉ ra chúng sanh trong Diêm Phù có duyên với đức Địa Tạng)
3.2.3.1.1.2.2.2.1.3.1.2.2.1. Lược thị hữu duyên (chỉ bày đại lược sự hữu duyên)
(Kinh) Diêm Phù chúng sanh, ư thử Đại Sĩ, hữu đại nhân duyên.
(經)閻浮眾生,於此大士,有大因緣。
(Kinh: Chúng sanh Diêm Phù có nhân duyên to lớn với vị Đại Sĩ này)
“Nhân duyên” chỉ là tên gọi khác của “cảm ứng”. [Nói là] “đại”, hàm ý: Đấy là đại sự nhân duyên muốn cho chúng sanh đều khai thị ngộ nhập tri kiến của Phật. Vì thế, đích thân kim khẩu của Đại Sĩ đã nói: “Chỉ cần làm thiện sự trong Phật pháp, [dẫu chỉ bằng] một sợi lông, một giọt nước, một hạt cát, một hạt bụi, ta sẽ dần dần độ thoát, khiến cho [kẻ ấy] đạt được lợi ích to lớn”. “Lợi ích to lớn” chính là “vô lượng trân bảo chẳng cầu mà tự đạt được” như kinh Pháp Hoa đã nói, tức Bồ Đề Niết Bàn. Đại nhân duyên như thế, không phải chỉ là mới ngày nay, mà trong vô lượng A-tăng-kỳ kiếp đến nay, Ngài luôn ở trong Diêm Phù Đề, tùy theo căn cơ mà hóa độ chúng sanh. Luôn luôn chẳng buông bỏ việc gieo căn lành, làm cho cơ duyên chín muồi hòng thoát khỏi tam đồ. Ví như con rơi vào nơi nước lửa, cha mẹ lăng xăng cứu vớt. Con bị bệnh tật, cha mẹ cháy lòng lo âu. Do chúng sanh trong Nam Diêm Phù Đề tội nghiệp đặc biệt nặng nề, cho nên chúng sanh trong Nam châu cũng đặc biệt tin tưởng Đại Sĩ chẳng bỏ lơi. Do vậy, cao, thấp, sang, hèn, tăng, tục, nam, nữ, không một ai chẳng nương theo Địa Tạng Bồ Tát, cầu Ngài cứu bạt nước, lửa, chữa trị bệnh tật. Ví như nam châm hút sắt, ứng cảm đồng thời! Do có đại nhân duyên, hãy nên tỉnh ngộ sâu xa!
3.2.3.1.1.2.2.2.1.3.1.2.2.2. Quảng minh văn ích (nói rộng về lợi ích do nghe danh hiệu của Ngài)
(Kinh) Thị chư chúng sanh, văn Bồ Tát danh, kiến Bồ Tát tượng, nãi chí văn thị kinh tam tự, ngũ tự, hoặc nhất kệ, nhất cú giả, hiện tại thù diệu an lạc, vị lai chi thế, bách thiên vạn sanh, thường đắc đoan chánh, sanh tôn quý gia.
(經)是諸眾生,聞菩薩名,見菩薩像,乃至聞是經三字五字,或一偈一句者,現在殊妙安樂,未來之世,百千萬生,常得端正,生尊貴家。
(Kinh: Các chúng sanh ấy nghe danh hiệu của Bồ Tát, thấy tượng Bồ Tát, cho đến nghe kinh này ba chữ, năm chữ, hoặc một bài kệ, một câu, hiện tại được an lạc thù thắng nhiệm mầu, trong trăm ngàn vạn đời tương lai, thường được đoan chánh, sanh trong nhà tôn quý).
Đây là nói về chuyện “nghe danh, thấy tượng”, nhắc đi, nhắc lại công đức của Bồ Tát. Do chúng sanh và Phật vốn có cùng một giác thể, tánh của biển giác là lắng trong, viên mãn. Giác vốn trong lặng, viên mãn mầu nhiệm; do gió vô minh bất giác dấy lên, hư vọng chia ra thành thấy, nghe, hay, biết, hạn cuộc trong cảnh giới, tự cách biệt thành chướng ngại. Do vậy, cái thấy không vượt ra ngoài sắc được, cái nghe không thoát khỏi thanh được! Nay xoay chuyển cái Nghe hư vọng ấy để nghe danh hiệu Bồ Tát, xoay chuyển cái Thấy hư vọng ấy để thấy tượng Bồ Tát, khiến cho danh hiệu được nghe khế nhập cảnh chân không, danh cũng là vô danh. Tượng được thấy sẽ giống như Pháp Tánh Thân, có tượng nào để có thể đạt được? Danh mà vô danh thì cái Nghe chân thật rành rành. Tượng mà chẳng có tượng thì cái Thấy chân thật rạng ngời. Như thế thì tùy tiện lấy ba chữ trong kinh, sẽ ngay lập tức phá Tam Hoặc, tiêu ba chướng, thành tựu ba trí, chứng ba đức, hiển lộ ba thân. Hoặc lấy năm chữ, ở nơi đâu cũng đều phá Ngũ Trụ, thoát năm đường, lập Ngũ Căn, tăng trưởng Ngũ Lực, thành tựu Ngũ Phần Pháp Thân. Do một bài kệ bèn vượt thoát một môn. Do một câu bèn [chứng nhập] một tánh viên minh. Hai, bốn, sáu, tám như thế, tùy theo mỗi hạnh mà tăng con số lên. Trong hiện tại bèn đạt được sự an lạc, thù thắng nhiệm mầu, niệm niệm cùng dòng với bổn nguyện, tâm tâm cùng hiện với Bồ Tát. Trong đời vị lai, thường đạt được tướng hảo đoan nghiêm, thanh tịnh, chánh đáng, ở nơi đâu cũng đều sanh trong gia đình tôn quý.
Như đức Phật bảo vua Ba Tư Nặc: “Nhân từ khiêm thuận, kính trưởng, ái tiểu, tắc vi quý nhân. Hung ác cường lương, kiêu tứ tự đại, tắc vi tiện nhân” (Nhân từ, khiêm nhường, thuận thảo, kính trọng bậc trưởng thượng, yêu mến kẻ nhỏ hơn, thì là bậc quý nhân. Hung ác, ương bướng, kiêu căng, phóng túng, tự cao tự đại thì là kẻ hèn hạ). Lại nói: “Tam giới luân chuyển, vô hữu định phẩm. Tích thiện nhân hòa, sanh ư hào tôn. Tập ác phóng tứ, tiện sanh ty tiện” (Luân chuyển trong ba cõi không có phẩm loại nhất định. Tích tụ điều thiện, nhân từ, ôn hòa, sẽ sanh trong gia đình có thế lực, tôn quý. Làm ác buông lung bừa bãi, sẽ sanh làm kẻ hèn hạ). Dùng những điều ấy để xem xét, [sẽ biết]: Con người chớ nên làm ác, hãy nên tu tập. Đức Thế Tôn nói về lợi ích đã xong.
3.2.3.1.1.2.2.2.1.3.2. Phổ Quảng thỉnh kinh danh (Phổ Quảng thưa hỏi tên kinh)
3.2.3.1.1.2.2.2.1.3.2.1. Kết hiển thỉnh ý (tổng kết những điều đã được dạy, nêu ý nghĩa vì sao thưa hỏi)
(Kinh) Nhĩ thời, Phổ Quảng Bồ Tát văn Phật Như Lai, xưng dương, tán thán Địa Tạng Bồ Tát dĩ, hồ quỳ, hiệp chưởng.
(經)爾時,普廣菩薩聞佛如來,稱揚讚歎地藏菩薩已,胡跪合掌。
(Kinh: Lúc bấy giờ, Phổ Quảng Bồ Tát nghe Phật Như Lai xưng dương, tán thán Địa Tạng Bồ Tát xong, hồ quỳ, chắp tay).
Trước hết là người trùng tuyên kinh tường thuật, kế đó, trần thuật ý nghĩa vì sao [Phổ Quảng Bồ Tát] khải thỉnh. “Hồ quỳ”: Sách Âm Nghĩa Chỉ Quy nói: “Đáng lẽ không nên nói là Hồ Quỳ, vì hậu duệ của Phạm Thiên sống tại năm xứ Thiên Trúc, còn các chủng tộc Nhung, Khương, Hồ sống tại phía Bắc Thông Lãnh. Nay kinh, luật phần nhiều dịch thành Hỗ Quỳ (互跪), vì ba chỗ dựng thẳng lên[2], nên gọi là Hỗ Quỳ. Tức là gối phải đặt sát đất. Do gối phải có sức, có thể quỳ lâu, [đang quỳ] đứng lên rất tiện, nên đặt nó sát đất bèn vững vàng”. Nếu nữ ni (tỳ-kheo-ni) thể chất yếu ớt, đức Phật cho phép trường quỳ.
(Kinh) Phục bạch Phật ngôn: “Thế Tôn! Ngã cửu tri thị Đại Sĩ, hữu như thử bất khả tư nghị thần lực, cập đại thệ nguyện lực. Vị vị lai chúng sanh, khiển tri lợi ích, cố vấn Như Lai. Dụy nhiên đảnh thọ”.
(經)復白佛言:世尊!我久知是大士,有如此不可思議神力,及大誓願力。為未來眾生,遣知利益,故問如來。唯 然頂受。
(Kinh: Lại bạch đức Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Con biết vị Đại Sĩ này đã lâu, có thần lực và đại thệ nguyện lực chẳng thể nghĩ bàn như thế. Con muốn cho chúng sanh trong đời vị lai biết lợi ích, cho nên thưa hỏi Như Lai. Thưa vâng, con xin cung kính lãnh nhận”).
Nói “cửu tri” (biết đã lâu) tức Phổ Quảng cũng cùng một loại với ngài Địa Tạng. Do Ngài tự có thần lực và đại thệ nguyện lực chẳng thể nghĩ bàn, cho nên có thể biết. Đã biết mà lại hỏi, chính là do mong đức Như Lai tuyên dương trong đại hội, khiến cho chúng sanh trong đời vị lai biết Địa Tạng Bồ Tát tạo lợi ích như thế, cho nên Ngài thưa hỏi. “Dụy nhiên” là lời đáp ứng nhanh nhẹn, thể hiện ý nghĩa chẳng nghi. Gần là nói đến những câu ngay trước đó, xa là chỉ những đoạn văn trước kia: “Nhữ đẳng chư Bồ Tát, đương ký thị kinh, quảng tuyên lưu bố” (Hàng Bồ Tát các ông hãy nên ghi nhớ kinh này, tuyên dương, lưu thông rộng rãi). Nhưng lúc đó, ngài Định Tự Tại Vương chỉ vâng mạng lưu thông, chẳng thưa hỏi tên kinh, suy ra thì biết chuyện thần lực của đức Địa Tạng còn chưa nói xong, đó là một lý do. Suy ngược lại thì biết ngài Phổ Quảng thưa hỏi, [đã được dạy] tường tận về chuyện lợi ích. Đó là lý do thứ hai.
Vì thế biết: Chủ khách xướng họa, phát khởi, tuyên dương lẫn nhau, ví như đe và búa đập vào nhau, cao thấp tương ứng. Từ chữ “cố vấn” (vì thế thưa hỏi) trở đi là lời kính vâng, cung kính tiếp nhận.
3.2.3.1.1.2.2.2.1.3.2.2. Chánh thỉnh kinh danh (hỏi thẳng tên kinh)
3.2.3.1.1.2.2.2.1.3.2.2.1. Thỉnh (thưa hỏi)
(Kinh) Thế Tôn! Đương hà danh thử kinh, sử ngã vân hà lưu bố?
(經)世尊!當何名此經,使我云何流布?
(Kinh: Bạch Thế Tôn! Nên đặt tên kinh này như thế nào, khiến cho con lưu truyền như thế nào?)
“Đương hà, vân hà” đều là những từ ngữ nghi vấn. Từ lúc nói kinh cho đến nay, [đức Thế Tôn] tán thán ngài Địa Tạng có công đức trừ một mình đức Phật ra, không ai có thể sánh bằng. Danh sở dĩ gọi là danh, vì nó có thể triệu vời cái thật. Nay đã nói “thật đức của ngài Địa Tạng chẳng thể nghĩ bàn”, tức là chẳng dùng tên để gọi tên vậy, cho nên nói “đương hà danh thử kinh” (nên đặt tên kinh này là gì). Danh đã chẳng lập, khiến cho chúng con sẽ lại dựa vào pháp môn nào để truyền bá? Theo Châu Lễ, suối chảy gọi là Bố (布). Ý nói: Tiền trong thế gian lưu thông giống như nước suối tuôn chảy. Kinh được lưu truyền, lan rộng cũng giống như vậy.
3.2.3.1.1.2.2.2.1.3.2.2.2. Đáp (trả lời)
3.2.3.1.1.2.2.2.1.3.2.2.2.1. Đáp kinh danh (đáp tên kinh)
(Kinh) Phật cáo Phổ Quảng: “Thử kinh hữu tam danh, nhất danh Địa Tạng Bổn Nguyện, diệc danh Địa Tạng Bổn Hạnh, diệc danh Địa Tạng Bổn Thệ Lực Kinh”.
(經)佛告普廣:此經有三名,一名地藏本願,亦名地藏本行,亦名地藏本誓力經。
(Kinh: Đức Phật bảo ngài Phổ Quang: “Kinh này có ba tên, một là Địa Tạng Bổn Nguyện, còn gọi là Địa Tạng Bổn Hạnh, cũng gọi là Địa Tạng Bổn Thệ Lực Kinh”).
Ý nghĩa của tên kinh như đã giải thích trong phần Luân Quán. Lại giải thích chữ Bổn Nguyện: Tâm mong muốn thì gọi là Nguyện. Lòng mong muốn vừa sâu vừa chuyên. Nguyện hướng ra ngoài thì toàn là nhân dục (những ham muốn của con người), chỉ có thiên lý là lòng ham muốn thuộc về tánh, chính là cái tâm căn bản của con người. [Chữ Nguyện (願) được ghép] từ chữ Nguyên (原), nhằm dạy mọi người hãy quay ngược lại cầu mong nơi cái gốc ấy, mong mỏi điều thiện đáng mong mỏi ấy. [Chữ Nguyện] lại được ghép thêm chữ Hiệt (頁, cái đầu) là vì lẽ nào? Do tâm cầu được, bèn cúi đầu để lắng lòng suy nghĩ. Vậy thì tham cũng đã dứt, mà si cũng đã dứt. Đấy tuy là cách giải thích [chữ Nguyện] theo đạo Nho, nhưng bổn nguyện của đức Địa Tạng há cũng ra ngoài những điều ấy ư? Không gì chẳng nhằm mong cho con người khôi phục giác tánh vốn sẵn có, cùng trở về bí tạng; đấy chính là nguyện của Đại Sĩ khi đó (khi Ngài phát nguyện).
Bổn Hạnh tức là hạnh nơi Bổn và Tích, cho nên tôi dựa theo ý nghĩa ấy, căn cứ theo phần Thập Diệu thuộc Bổn Môn trong sách Diệu Pháp Liên Hoa Kinh Huyền Nghĩa để minh thị bổn địa có mười thứ chẳng thể nghĩ bàn thì văn nghĩa mới được thông suốt, mới tỏ rõ: Các chuyện chẳng thể nghĩ bàn của Bồ Tát được thành tựu trong lúc ấy và sau này, đều là do nguyện hạnh thuộc về Tích môn vậy.
Bổn Thệ Lực, tiếng Phạn là Tăng Na (Saṁnāha), dịch sang tiếng Hán là Hoằng Thệ. Có thuyết nói Tăng Na là Đại Thệ, còn Tăng Niết (Saṁaddha) là Tự Thệ. Tăng Na là Khải (鎧, áo giáp), Tăng Niết là Trước (著), [nói gộp lại thì] có nghĩa là “mặc áo giáp to”. Chữ Phạn này đọc âm đúng phải là San Na Ha (dịch là Giáp) San Nại Đà (dịch là Bị (被), tức đeo, khoác, hoặc là Y, tức áo), hàm nghĩa “khoác, mặc áo giáp”. Trong Mật Bộ nói đến ba mươi hai loại giáp trụ v.v… tức là đại thệ trang nghiêm trong Đại Phẩm Bát Nhã. Chữ Sa La trong tiếng Phạn, cõi này dịch là Lực. Kinh Ấm Trì Nhập dạy: “Bỉ lực, ưng dĩ hà vi nghĩa? Đáp: Vô năng hoại vi lực nghĩa. Hữu sở ích vi lực nghĩa. Hữu đảm vi lực nghĩa. Năng đắc y vi lực nghĩa” (Lực ấy nên có những ý nghĩa nào? Đáp: Chẳng thể hoại là ý nghĩa của Lực. Có lợi ích là ý nghĩa của Lực. Có can đảm là ý nghĩa của Lực. Có thể nương cậy được là ý nghĩa của Lực). Nay Địa Tạng từ lúc phát tâm ban đầu cho tới nay, chẳng bị thiên ma ngăn trở, phá hoại, đó là một lực. Luôn lợi ích chúng sanh, đấy là hai lực. Có tâm can đảm riêng giáo hóa địa ngục, đấy là ba lực. Có thể làm nơi nương tựa cho lục đạo, đó là bốn lực. Đấy chính là sức thệ nguyện vốn có của đức Địa Tạng, cho nên gọi là Bổn Thệ Lực Kinh.
3.2.3.1.1.2.2.2.1.3.2.2.2.2. Kết lưu bố (kết lại phần lưu thông, truyền bá)
(Kinh) Duyên thử Bồ Tát, cửu viễn kiếp lai, phát đại trọng nguyện, lợi ích chúng sanh. Thị cố nhữ đẳng, y nguyện lưu bố.
(經)緣此菩薩,久遠劫來,發大重願,利益眾生。是故汝等,依願流布。
(Kinh: Do vị Bồ Tát này từ kiếp lâu xa đến nay, đã phát đại trọng nguyện lợi ích chúng sanh. Vì thế các ông hãy nên nương theo ý nguyện mà lưu thông, truyền bá).
Điều này cho thấy danh hiệu Địa Tạng cũng do bổn nguyện mà lập. Do vì đại nguyện, cho nên lợi ích chúng sanh. Vì thế, các ông cũng nên nương theo bổn nguyện ấy mà lưu thông, truyền bá. Do đó, người kết tập kinh chỉ dùng Bổn Nguyện để đặt tựa đề kinh cũng là có thâm ý vậy!
3.2.3.1.1.2.2.2.2. Phổ Quảng lễ thoái (ngài Phổ Quảng làm lễ, lui ra)
(Kinh) Phổ Quảng văn dĩ, hiệp chưởng, cung kính, tác lễ nhi thoái.
(經)普廣聞已,合掌恭敬,作禮而退。
(Kinh: Ngài Phổ Quảng nghe xong, chắp tay, cung kính làm lễ, lui ra).
Đối với hai chữ “cung kính”, thường thấy những vị giảng kinh không giảng tới, khiến cho những kẻ mạt học trong đời sau chẳng biết phải hiểu theo ý nghĩa nào! Nay tôi nêu đại lược cội gốc chế tạo chữ ấy, hòng [độc giả] thấy được trong ấy bao hàm ý nghĩa “tâm học”. Chữ Cung (viết theo lối cổ) thể hiện dáng vẻ của đức tánh Kính. Tay và vẻ mặt chủ yếu nhằm thể hiện sự cung kính. Vì thế, chữ Cung [viết theo lối cổ] thể hiện ý nghĩa hai tay giao nhau. Do mọi người trong lúc thông thường, tay buông lỏng, tâm lơi lỏng, thể hiện dáng vẻ lười nhác. Chắp tay lại, tâm ắt thâu liễm, thể hiện dáng vẻ trang trọng, trong ngoài ứng hợp. Chữ Cung viết theo lối thông tục do không biết chữ ấy đã chính là Tâm, lại còn thêm chữ Tâm (心) vào thành Cung (恭), tức là tâm có trong ngoài!
Chữ Kính (敬) viết theo lối cổ, thể hiện sự duy nhất. Cổ nhân tập trung tinh thần để học. Chỉ kính cẩn bề ngoài thì dẫu gượng ép bề ngoài, do trong tâm lén lút dấy động [ý bất kính], sẽ chẳng thể duy trì được. Miệng nói kính trọng [mà tâm thật sự chẳng kính], hành vi ắt lười nhác, nói suông làm sao có thể chế ngự điều ác thật sự cho được! [Nếu hỏi] phải dốc sức như thế nào [để kính] ư? Thưa rằng, đừng quên, đừng giúp cho [ý bất kính] tăng trưởng. [Chữ Kính] do Cấp (𦰶, hành vi cực nghiêm túc) nhằm dạy [mọi người] đừng quên bẵng. Hễ lơi lỏng, sẽ chẳng có công dụng gì! Vừa mới cảm thấy hôn trầm, hãy nhanh chóng tự lay tỉnh. Vừa mới cảm thấy tán loạn, hãy nhanh chóng tự đoạn dứt. [Kế đó], chữ Cửu (久) nhằm dạy chớ giúp cho nó (tán loạn, hôn trầm) tăng trưởng. Hễ gấp rút, ắt sẽ bị bức bối, trong ngực như có vật gì gây nghẹn, huyết khí chẳng thoải mái, làm sao có thể duy trì lâu dài được? Tâm là chủ thể trong thân ta. Kính mà không yên định thì tâm ta tự làm chủ, cần gì phải mượn thêm một chữ Tâm nữa để đối trị cái tâm này. Dẫu đáng sợ, hãy chớ sợ; dẫu thong dong, chớ lơi là! Hãy giữ cho tâm miên mật, thiên đức lan truyền trọn khắp, tâm thường linh hoạt, chẳng chết cứng. Run sợ là dấy lòng kính, răn dè là giữ lòng kính, nể sợ là kính cẩn thận trọng, nghiêm túc là kính cẩn nghiêm nghị, hòa thuận là kính trọng sâu thẳm, khâm phục là kính trọng bậc thánh. Một đức tánh Kính mà có [các mức độ] sống sít, chín muồi, sâu, cạn; đấy chính là uyên nguyên của thánh học, xét suy tâm họa (cách viết chữ theo ý nghĩa của tâm) của cổ nhân, bèn biết đấy là tâm học. Há có nên coi đó là cái học văn tự suông, chướng ngại tánh linh, bế tắc ngộ môn, rốt cuộc chẳng thấu đạt cái tâm! Nào có biết Tự Học (môn học nghiên cứu về chữ) quả thật đã bao hàm cả tánh linh, mở toang cửa ngộ. Vì thế, tôi nêu ra đại lược, đừng chê là tôi ưa chuộng bơi móc những thứ ngấm ngầm, ẩn kín để khoe khoang khác lạ vậy!
ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH KHOA CHÚ
[1] Chúng tôi dịch câu này theo cách giải thích của Kiều Chánh Nhất trong bản bạch thoại của bộ Pháp Cú Thí Dụ Kinh, phẩm Đao Trượng.
[2] Tức là quỳ một chân, ngẩng thẳng đầu, thẳng lưng, đầu gối trái dựng thẳng lên, lòng bàn chân trái áp đất. Cách quỳ này biểu thị ý tuân phục, sẵn sàng đứng lên thực hiện việc được giao phó.