ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH KHOA CHÚ
Đường Tam Tạng sa-môn Thật Xoa Nan Đà dịch
Cổ Diêm Khuông Am Thanh Liên bật-sô Linh Thừa soạn

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

 

3.2.3.1.1.2.2.2.1.3.1.1.2.1.3. Kết khuyến tu công đức (tiểu kết, khuyên tu công đức)

(Kinh) Thị cố, Phổ Quảng! Nhược kiến hữu nhân độc tụng thị kinh, nãi chí nhất niệm tán thán thị kinh, hoặc cung kính giả.

()是故普廣若見有人讀誦是經乃至一念讚歎是或恭敬者。

(Kinh: Do vậy này Phổ Quảng! Nếu thấy có người đọc tụng kinh này, cho đến một niệm tán thán, hoặc cung kính kinh này).

Tiếp nối công đức trong phần trên, nên nói “thị cố” (do vậy). Đối trước kinh thì là “độc” (讀, đọc) vì chưa thuộc. Đọc thuộc thì gọi là Tụng (誦) do đã thông thuộc kinh văn. Căn có lợi, độn, thời có lâu, mau. “Thị kinh” (kinh này) tức là kinh Địa Tạng. Nói là “thị” thì “toàn thể đều là”, chẳng có hai! Tông này (tông Thiên Thai) dùng Lục Tức để hiển lộ Thị. Do toàn thể tâm là kinh, ngoài kinh chẳng có tâm, nên nói “thị kinh” (kinh này). “Nhất niệm tán thán”: Trong phần trên thì do một niệm gièm báng người cúng dường, còn mắc tội ương bao kiếp. Một niệm tán thán kinh này, ắt cảm phước trong nhiều đời. Người cung kính đọc tụng đạt được phước có cùng công năng với tán thán.

(Kinh) Nhữ tu bách thiên phương tiện, khuyến thị đẳng nhân, cần tâm mạc thoái, năng đắc vị lai, hiện tại, thiên vạn ức bất khả tư nghị công đức.

()汝須百千方便勸是等人勤心莫退能得未來現在千萬億不可思議功德。

(Kinh: Ông hãy nên dùng trăm ngàn phương tiện, khuyên những người ấy dốc lòng siêng gắng, đừng lui sụt, sẽ có thể đạt được ngàn vạn ức công đức chẳng thể nghĩ bàn trong đời vị lai và hiện tại).

Từ “nhữ tu” (ông hãy nên) trở đi, đức Phật khuyên răn ngài Phổ Quảng hãy nên dùng trăm ngàn phương tiện để khuyên bảo những người đọc tụng, tán thán, cung kính ấy, như kinh Đại Phương Quảng Tổng Trì đã dạy: “Phật diệt độ hậu, nhược hữu pháp sư thiện tùy nhạo dục, vị nhân thuyết pháp, năng linh Bồ Tát học Đại Thừa giả, cập chư đại chúng, hữu phát nhất mao hoan hỷ chi tâm, nãi chí tạm hạ nhất trích lệ giả, đương tri giai thị Phật chi thần lực” (Sau khi đức Phật diệt độ, nếu có pháp sư khéo thuận theo lòng vui thích, mong muốn để thuyết pháp cho người khác, có thể khiến cho Bồ Tát học Đại Thừa, và các đại chúng có tâm hoan hỷ chừng bằng mảy lông, thậm chí tạm rơi một giọt lệ, hãy nên biết đấy đều là do thần lực của đức Phật). Do điều này mà chứng biết: Người đọc, tụng, tán thán, cung kính, không gì chẳng phải là do thần lực của Phật, cho nên cần phải dùng phương tiện để khuyên lơn.

“Cần tâm mạc thoái” (tâm siêng gắng, đừng lui sụt): Như trong kinh Kiên Ý, đức Phật bảo ngài A Nan: “Kỳ hữu hảo tâm thiện ý chi nhân, văn Phật minh pháp, nhất tâm nhi thính, năng nhất nhật khả, bất năng nhất nhật, bán nhật khả. Bất năng bán nhật, nhất thời khả, bất năng nhất thời, bán thời khả, bất năng bán thời, tu du khả, kỳ phước bất khả lượng, bất khả tư dã. Nhữ đương quảng vị chư tỳ-kheo tăng, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, bạch y nhân dân thuyết chi” (Nếu có kẻ hảo tâm, thiện ý, nghe đức Phật thuyết pháp bèn nhất tâm lắng nghe, có thể trong vòng một ngày, hoặc chẳng thể một ngày thì nửa ngày cũng được. Nửa ngày chẳng được, một giờ cũng được. Một giờ chẳng thể thì nửa giờ cũng được. Nửa giờ chẳng được thì trong khoảnh khắc cũng được, phước ấy chẳng thể lường, chẳng thể ca ngợi được! Ông hãy nên rộng nói cho các vị tỳ-kheo tăng, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, nhân dân tại gia [hay biết]). Tạm nghe mà còn như thế, huống là cung kính, tán thán, đọc tụng ư? Vì thế, khuyên lơn [chúng sanh] tâm phải siêng gắng, đừng lui sụt, sẽ có thể đạt được công đức chẳng thể nghĩ bàn trong vị lai và hiện tại.

3.2.3.1.1.2.2.2.1.3.1.1.2.2. Mộng mị kiến quỷ (mộng mị thấy quỷ)

3.2.3.1.1.2.2.2.1.3.1.1.2.2.1. Mộng kiến ác cảnh (mộng thấy cảnh ác)

3.2.3.1.1.2.2.2.1.3.1.1.2.2.1.1. Thị tướng (chỉ bày tướng trạng)

(Kinh) Phục thứ Phổ Quảng! Nhược vị lai thế chư chúng sanh đẳng, hoặc mộng, hoặc mị, kiến chư quỷ thần, nãi cập chư hình, hoặc bi, hoặc đề, hoặc sầu, hoặc thán, hoặc khủng, hoặc bố.

()復次普廣若未來世諸眾生等或夢或寐見諸鬼神乃及諸形或悲或啼或愁或歎或恐或怖。

(Kinh: Lại này, Phổ Quảng! Nếu các chúng sanh trong đời vị lai, hoặc trong mộng, hoặc trong khi mơ màng, thấy các quỷ thần, cho đến các hình tướng buồn bã, hoặc khóc lóc, hoặc sầu muộn, hoặc than thở, hoặc hãi hùng, hoặc sợ sệt).

Mộng trong đoạn này khác với mộng trong đoạn trước. Trong đoạn trước là do oán đối của chính mình, còn đoạn này là quyến thuộc xa xưa ngấm ngầm quấn quít, đều là chiêm bao thật. Tôn  Chân  Nhân[1]

nói: “Mộng đều là hồn nhờ vào mộng để tác động lên các vật. Do tâm thức [trong ban ngày] bị hạn cuộc nơi thân thể, chẳng thể lưu thông. Ban đêm, trong mộng thì hồn rỗng rang, tĩnh lặng, sẽ dùng những cảnh tượng tốt lành trong mộng để báo trước điều tốt lành, dùng những điều hung hiểm trong giấc mộng để báo trước chuyện xấu”. Vì thế, Đông Lai Lữ Thị[2] nói: “Thân có thể tiếp xúc thì là Sự, tinh thần gặp gỡ thì là mộng”. Nay do thân tiếp xúc, thần thức gặp gỡ, cho nên có những chuyện trong mộng. Sách Châu Lễ phân tích sáu loại mộng, phân tích mộng là cát hay hung: Thông thường, kinh ngạc, nghĩ nhớ, tỉnh giấc kể lại, vui sướng, và kinh hãi.

“Mị” (寐) là mê mệt, mắt nhắm, tinh thần ẩn tàng. Trang Tử nói: “Mị là giao tiếp bằng hồn” chính là nói về ý này. Thấy các quỷ thần, các quỷ thần ấy chính là thân thuộc nhiều đời, nương vào giấc mộng để hiện hình. Đấy chính là mộng thuộc loại bình thường. “Chư hình” (các hình trạng): Nam, nữ, già, trẻ bất đồng, người hay quỷ diện mạo chẳng đồng nhất. “Bi đề” (悲啼, buồn bã, khóc lóc) thì thuộc loại mộng kinh ngạc và sợ hãi. Theo sách thuốc, do nương theo khí Âm, cho nên thấy quỷ thần. Khí nơi phổi mà thịnh sẽ mộng thấy khóc lóc, bay lên, vẫy vùng. Khí nơi tim mà thịnh, sẽ mộng thấy vui cười, hay hãi hùng, sợ sệt. Ở đây là do thân thuộc cơ cảm, chẳng do Âm, Dương, hư hay thực[3]. “Buồn bã, khóc lóc, sầu thảm, than thở” là nói đến tình trạng quỷ xin [người thân còn sống hãy] thương xót.

3.2.3.1.1.2.2.2.1.3.1.1.2.2.1.2. Thích ý (giải thích ý nghĩa)

(Kinh) Thử giai thị nhất sanh, thập sanh, bách sanh, thiên sanh, quá khứ phụ mẫu, nam, nữ, đệ, muội, phu thê, quyến thuộc, tại ư ác thú, vị đắc xuất ly.

()此皆是一生十生百生千生過去父母男女弟妹夫妻眷屬在於惡趣未得出離。

(Kinh: Đấy đều là cha mẹ, con trai, con gái, em trai, em gái, chồng, vợ, quyến thuộc một đời, mười đời, trăm đời, ngàn đời trong quá khứ đang ở trong đường ác chưa được thoát khỏi).

Do là quyến thuộc nhiều đời, nên hiện các thân hình. Do chưa được tiếp xúc lúc họ còn sống, làm sao có thể nghĩ đến họ cho được? Cha, mẹ, con trai, con gái như đã giải thích trong phần trước. “Đệ” (弟, em trai) là “đệ” (第, thứ tự), [hàm nghĩa] do theo thứ tự mà [anh] ở trước em. “Muội” (妹, em gái) là “muội” (昧, tối tăm), ví như mặt trời vừa mới mọc, mới mọc được một chốc, vẫn còn tối tăm [tức là em gái còn non nớt so với anh, chị]. “Phu thê” (chồng vợ) hàm nghĩa “sánh đôi”. [Dân chúng bình phàm là] những người có địa vị kém hơn kẻ sĩ (người có quan chức, có học thức) thì được gọi là Thê, Thê (妻) có nghĩa là Tề (齊, mấp mé, ngang bằng). Phàm là kẻ thấp kém, chẳng đáng để tôn xưng bèn nói là “tề đẳng” (kẻ ngang hàng). Họ (những thân quyến nhiều đời ấy) ở trong các đường ác hoặc trầm luân nơi địa phủ, hoặc đọa làm quỷ đã lâu ngày, thiếu người giúp đỡ thoát khỏi.

(Kinh) Vô xứ hy vọng phước lực cứu bạt, đương cáo túc thế cốt nhục, sử tác phương tiện, nguyện ly ác đạo.

()無處希望福力救拔當告宿世骨肉使作方便願離惡道。

(Kinh: Không có chỗ nào để mong mỏi phước lực cứu bạt, bèn nói với người ruột thịt trong những đời trước để mong  họ  tạo  phương  tiện hòng thoát khỏi đường ác).

Đã không có chỗ để mong mỏi phước lực cứu vớt, bèn nói với người thân trong nhiều đời xa xưa. Những quỷ thần ấy đã nghĩ nát nước mà không có cách nào, đang ở trong cảnh khổ mong cầu cứu, [nên đành phải nói với người thân nhiều đời]. Vì thế biết: Vì cha mẹ v.v… trong quá khứ làm phước, sẽ như cấp lương cho người từ xa đến. Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ dạy: “Nhược vị vong nhân tu phước, hành bố thí, sanh quỷ đạo giả, quỷ dung đắc phước. Dĩ quỷ tri hối, tiền thân xan tham, cố vị thí thời, bỉ tắc hoan hỷ. Nhược sanh dư đạo, đa vô đắc lực” (Nếu vì người đã mất tu phước, làm chuyện bố thí, thì nếu người [đã mất] sanh vào quỷ đạo, sẽ được hưởng phước. Do quỷ biết hối hận đời trước đã trót keo, tham, cho nên khi được bố thí, họ sẽ hoan hỷ. Nếu [người đã mất] sanh trong các đường khác thì phần nhiều chẳng đắc lực). Nay những người ấy mong [người thân còn sống] tạo phương tiện để họ được lìa khỏi ác đạo thì sợ rằng họ thuộc loại ngạ quỷ đấy chăng?

3.2.3.1.1.2.2.2.1.3.1.1.2.2.2. Sắc khiển độc kinh (truyền dạy hãy đọc kinh)       

(Kinh) Phổ Quảng! Nhữ dĩ thần lực, khiển thị quyến thuộc, linh đối chư Phật, Bồ Tát tượng tiền, chí tâm tự độc thử kinh, hoặc thỉnh nhân độc. Kỳ số tam biến, hoặc thất biến.

()普廣汝以神力遣是眷屬令對諸佛菩薩像前志心自讀此經或請人讀。其數三徧或七徧。

(Kinh: Này Phổ Quảng! Ông dùng thần lực khiến cho những quyến thuộc ấy đối trước tượng của chư Phật, Bồ Tát, chí tâm tự đọc kỉnh này, hoặc thỉnh người khác đọc. Số đến ba lần hoặc bảy lần).

Vì sao [đức Phật] lại bảo ngài Phổ Quảng dùng thần lực khiến cho quyến thuộc đọc kinh? Do kẻ ngu trong thế gian ít người biết ơn. Lục thân đang sống sờ sờ, họ còn chẳng hề đoái hoài, huống hồ người thân đã cách mấy đời! Dẫu có người nghĩ tưởng, do chưa biết mặt, dẫu [người đã khuất] hiện hình trong mộng mị, họ vẫn chẳng nghĩ tới. Vì thế, ngài Phổ Quảng dùng thần lực ngấm ngầm giúp đỡ, khiến cho họ mau chóng nghĩ nhớ, khiến cho họ cung kính đối trước tượng Phật, Bồ Tát, hoặc tự đọc kinh, hoặc thỉnh người khác đọc.  

Vì sao tụng kinh này tới ba lượt hay bảy lượt? Do chúng đều là những con số Dương [trong Dịch học]. “Ba” là con số của thiên, địa, nhân. Từ một mà lại gấp bội lên thì Tam Tài được trọn đủ. Một thành hai là Dương sanh Âm; hai sanh ra ba là Âm và Dương hòa hợp. Ba sanh ra vạn vật, sanh sôi vô cùng. Bảy là con số thuộc về Thiếu Dương. Đây cũng là biến thể của hai và ba, hai thêm năm thành bảy, [bảy] cộng thêm hai thành chín, tức là Lão Dương. Chuyển ngục quỷ nơi âm ty sanh vào dương thế thuộc cõi trời. Vì thế, chỉ lấy con số ba và bảy, chẳng nêu ra con số sáu và tám, bởi số âm khuyết hãm, chẳng phải là đạo siêu thoát lên cõi sáng.

3.2.3.1.1.2.2.2.1.3.1.1.2.2.3. Tồn vong đắc ích (kẻ còn lẫn người mất được lợi ích)

(Kinh) Như thị ác đạo quyến thuộc, kinh thanh tất thị biến số, đương đắc giải thoát, nãi chí mộng mị chi trung, vĩnh bất phục kiến.

()如是惡道眷屬經聲畢是徧數當得解脫乃至夢寐之中永不復見。

(Kinh: Khi tiếng tụng kinh trọn đủ số ấy thì các quyến thuộc trong ác đạo như thế sẽ được giải thoát, thậm chí trong khi mộng mị, sẽ vĩnh viễn chẳng thấy họ nữa).

“Giải thoát” là lìa khỏi ác đạo; hoặc sanh lên cõi trời, hoặc tiến nhập tam thừa thánh đạo. Người thân đã mất được siêu thăng, sẽ chẳng còn hiện hình trong mộng mị nữa.

3.2.3.1.1.2.2.2.1.3.1.1.2.3. Hạ tiện cầu hối (kẻ hèn hạ cầu sám hối)

3.2.3.1.1.2.2.2.1.3.1.1.2.3.1. Tiêu năng sám nhân (nêu ra người có thể sám hối)       

(Kinh) Phục thứ Phổ Quảng! Nhược vị lai thế, hữu chư hạ tiện đẳng nhân, hoặc nô, hoặc tỳ, nãi chí chư bất tự do chi nhân, giác tri túc nghiệp, yếu sám hối giả.

()復次普廣若未來世有諸下賤等人或奴或婢乃至諸不自由之人覺知宿業要懺悔者。

(Kinh: Lại này Phổ Quảng! Nếu trong đời vị lai có những kẻ hạ tiện, hoặc là tớ trai, hoặc là tớ gái, cho đến những kẻ chẳng được tự  do, nhận biết là do nghiệp đời trước, cần phải sám hối).

“Hạ tiện”: Theo kinh Biện Ý, có năm sự [khiến cho một người] thường sanh làm kẻ ty tiện (kém hèn), làm nô tỳ cho kẻ khác:

– Một là kiêu mạn, chẳng kính trọng cha mẹ.

– Hai là ương ngạnh, chẳng có tâm cẩn trọng.

– Ba là buông lung, chẳng lễ kính Tam Bảo.

– Bốn là sống bằng nghề trộm cắp.

– Năm là mắc nợ mà trốn tránh, chẳng đền trả.

Nhưng hạ tiện là nói tương phản với tôn quý, nô tỳ là nói tương phản những người thuộc thế gia vọng tộc, mỗi nơi đều có sự khác biệt. Nếu nói theo bốn phương, châu Bắc Uất Đan Việt không có kẻ nào được coi là tôi tớ, cho nên chẳng có sang, hèn. Ba châu kia mới có sang, hèn, do có vua, quan, dân chúng khác biệt. Do có thế gia vọng tộc và tôi tớ sai khác, cho nên mới có các loại sang, hèn khác nhau. Nói gộp chung về sang hèn thì có sáu bậc:

– Một là tôn quý nhất trong những kẻ tôn quý, như Luân Vương v.v…

– Hai là loại kém hơn trong những bậc tôn quý, tức là các vị Túc Tán Vương.

– Ba là bậc hạ trong những người tôn quý, tức bá quan.

– Bốn là kẻ hèn kém nhất trong những kẻ hèn kém, tức nô tỳ, tôi tớ sai vặt…

– Năm là những kẻ đỡ hèn kém hơn, tức kẻ hầu thân cận, nông nô…

 – Sáu là những kẻ đỡ hèn kém nhất, tức bọn vợ lẽ, hầu thiếp v.v…

Nói gộp chung thô lược như thế, chứ tách ra cặn kẽ, sẽ chẳng thể cùng tận. “Những kẻ chẳng được tự do” tức là những kẻ chẳng thuộc vào hàng nô tỳ hèn kém, tức là bọn sai dịch nơi công môn, nha lại v.v… Hằng tháng được trả lương để hằng ngày có cái mà sống, nghe lệnh đòi bèn đến, phải biết đón ý chủ nhân, nghe theo lệnh sai khiến mà làm, tuân theo oai thế của chủ nhân, thân chẳng được tự tại, chẳng phải là bậc trượng phu.

“Túc nghiệp”: Đức Phật bảo vua Ba Tư Nặc: “Phàm nhân xử thế, tôn ty quý tiện, bần phú khổ lạc, giai do túc hạnh nhi trí tư quả. Nhược thế chi ngu ngoan vô giác tri giả, ức khởi cam chi, thả vị đắc chi. Nhược sảo hiệt huệ, hữu giác tri giả, khởi duy ai chi, thành dục thoát chi. Nhược dục ly thoát, tất tu sám-ma địch đãng, hối quá khiên vưu” (Phàm là người sống trong cõi đời, sang cả, thấp hèn, giàu, nghèo, khổ, vui, đều do những hành vi đời trước dẫn đến cái quả ấy. Nếu là kẻ ngu độn, ương nướng, chẳng hiểu biết trong cõi đời, có lẽ sẽ cam chịu, lại còn cho đó là chuyện đương nhiên. Nếu là có đầu óc đôi chút, có hiểu biết, há chẳng buồn sao, thật sự mong thoát khỏi. Nếu muốn thoát lìa, ắt cần phải sám hối để gột sạch, hối hận tội lỗi và oan trái trong quá khứ). Kinh Kim Quang Minh nói: “Hệ thuộc ư tha, thường hữu bố úy, bất đắc tự tại, nhi tạo chư ác, cố tu hành sám hối dã” (Phụ thuộc vào người khác, sẽ thường bị lo sợ, chẳng được tự tại, do tạo các ác, cho nên phải tu hành sám hối). Chữ Sám-ma (Kṣama) trong tiếng Phạn, dịch sang tiếng Hán là Hối Quá (悔過, hối lỗi). [Nói “sám hối”] là dùng cả tiếng Phạn lẫn tiếng Hán ghép lại. Sách Phụ Hành viết: “Sám hối chỉ là [sửa đổi sao cho] ba nghiệp tốt lành”.

3.2.3.1.1.2.2.2.1.3.1.1.2.3.2. Thích sở hối pháp (giảng về phương pháp sám hối)      

(Kinh) Chí tâm chiêm lễ Địa Tạng Bồ Tát hình tượng, nãi chí nhất thất nhật trung, niệm Bồ Tát danh, khả mãn vạn biến.

()志心瞻禮地藏菩薩形像乃至一七日中念菩薩名可滿萬徧。

(Kinh: Chí tâm chiêm ngưỡng, lễ bái hình tượng Địa Tạng Bồ Tát, cho đến trong vòng bảy ngày có thể niệm danh hiệu Bồ Tát trọn một vạn lần).

“Bảy ngày”: Con số cùng tột trong thế gian là bảy. Nếu niệm một ngày chưa cảm ứng thì niệm suốt bảy ngày, ắt sở cầu sẽ được toại nguyện. Vì thế, kinh Thập Luân dạy: “Nhất nhật xưng Địa Tạng, công đức đại danh văn, thắng câu-chi kiếp trung, xưng dư trí giả đức, năng giải chư chúng sanh, nhất thiết phiền não phược” (Xưng niệm đức Địa Tạng một ngày thì công đức sẽ lừng lẫy, hơn công đức xưng niệm những bậc trí khác trong câu-chi kiếp; [công đức ấy] có thể tháo gỡ hết thảy những phiền não trói buộc chúng sanh). Vì thế, cần phải xưng niệm danh hiệu của Ngài đủ một vạn lần, biểu thị “trừ khử muôn điều ác, tu tập muôn điều thiện”.

3.2.3.1.1.2.2.2.1.3.1.1.2.3.3. Kết chuyển báo  ích (tiểu  kết  phần  lợi  ích chuyển đổi quả báo)

(Kinh) Như thị đẳng nhân, tận thử báo hậu, thiên vạn sanh trung, thường sanh tôn quý, cánh bất kinh tam ác đạo khổ.

()如是等人盡此報後千萬生中常生尊貴更不經三惡道苦。

(Kinh: Những người như thế sau khi hết báo thân này, trong ngàn vạn đời, thường sanh làm người tôn quý, trọn chẳng chịu nỗi khổ trong ba đường ác nữa).

Điều này hiển thị sức đại oai thần của đức Địa Tạng. Như đức Phật bảo ngài Biện Ý: “Hữu ngũ sự đắc vi tôn quý, chúng nhân sở kính. Nhất, thí huệ phổ quảng. Nhị, lễ kính Tam Bảo cập chúng trưởng giả. Tam, nhẫn nhục, vô hữu sân khuể. Tứ, nhu hòa khiêm hạ. Ngũ, bác văn kinh giới” (Có năm sự khiến cho [người nào vâng làm theo], sẽ được tôn quý, mọi người kính trọng: Một là bố thí rộng rãi. Hai là lễ kính Tam Bảo và các vị trưởng thượng. Ba là nhẫn nhục, chẳng nóng giận. Bốn là nhu hòa, khiêm tốn, nhún nhường. Năm là rộng nghe kinh giới). Nay bảy ngày xưng danh, há chỉ là tôn quý trong ngàn vạn đời, mà còn chẳng trải qua ác đạo, tức là Phật quả ắt sẽ đạt được!

3.2.3.1.1.2.2.2.1.3.1.1.2.4. Tân sản hoạch phước (người mới sanh nở được phước)

3.2.3.1.1.2.2.2.1.3.1.1.2.4.1. Cử chủng loại tân sản (nêu ra các loại người mới sanh nở)          

(Kinh) Phục thứ Phổ Quảng! Nhược vị lai thế trung, Diêm Phù Đề nội, Sát-lợi, Bà-la-môn, trưởng giả, cư sĩ, nhất thiết nhân đẳng, cập dị tánh chủng tộc, hữu tân sản giả, hoặc nam, hoặc nữ.

()復次普廣若未來世中閻浮提內剎利婆羅門長者居士一切人等及異姓種族有新產者或男或女。

(Kinh: Lại này, Phổ Quảng! Nếu trong đời vị lai, trong Diêm Phù Đề, Sát-lợi, Bà-la-môn, trưởng giả, cư sĩ, hết thảy mọi người, và những chủng tộc khác, có người mới sanh nở, dù sanh con trai, hay sanh con gái).

Chỉ nói về Nam Châu vì Bắc Châu sanh con dưới gốc cây[4], cũng chẳng trần trụi, dơ bẩn, khổ não! Hai châu Đông và Tây dục sự đã ít, sanh nở đương nhiên cũng ít. Chỉ có nữ nhân ở Nam Châu sanh nở nhiều, chịu khổ nhiều, do hết thảy chúng sanh, khi mẹ sắp sanh con, toàn thân đau đớn, hứng chịu khổ não to lớn. Thoạt đứng, thoạt ngồi, chẳng thể tự yên. Vì thế, đặc biệt nói về người trong Diêm Phù Đề. “Sát-lợi v.v…”: Người tuy sang hèn chẳng bình đẳng, nhưng lúc sanh ra thì thiện, ác ai biết? Ba mươi tám thất trọn đủ (tròn đủ chín tháng mười ngày hoài thai), ắt phải chuyển dạ sanh trai hay gái. Đấy là do túc nghiệp nhân duyên, thuận theo sự biến hóa của Âm Dương. Vì thế, trong Bát Quái của Châu Dịch, Càn thuộc Dương là cha, Khôn thuộc Âm là mẹ, sanh ba trai là Chấn, Khảm, Cấn, ba gái là Tốn, Ly, Đoài, hóa sanh vạn vật. Theo kinh Tăng Nhất A Hàm, nếu là con gái, thai nhi sẽ ở bên hông trái của mẹ, nương vào xương sống, hướng đầu về phía bụng mà trụ. Nếu là con trai, sẽ ở bên hông phải của mẹ, nương vào bụng, hướng đầu về xương sống mà trụ. Do vậy biết là trai hay gái cũng đều do ái mà sanh, do dâm dục mà có tánh mạng.

3.2.3.1.1.2.2.2.1.3.1.1.2.4.2. Thị kinh danh lợi ích (chỉ bày lợi ích của kinh này và danh hiệu của đức Địa Tạng)

3.2.3.1.1.2.2.2.1.3.1.1.2.4.2.1. Tụng kinh, niệm danh (tụng kinh này, niệm danh hiệu của Địa Tạng Bồ Tát)

(Kinh) Thất nhật chi trung, tảo dữ độc tụng thử bất tư nghị kinh điển, cánh vị niệm Bồ Tát danh, khả mãn vạn biến.

()七日之中早與讀誦此不思議經典更為念菩薩名可滿萬徧。

(Kinh: Trong vòng bảy ngày, hãy sớm đọc tụng kinh điển chẳng thể nghĩ bàn này và có thể niệm danh hiệu Bồ Tát cho người ấy đủ số một vạn lần).

Vì sao hãy nên sớm đọc kinh và xưng danh hiệu? Theo kinh Hộ Chư Đồng Tử Chú, lúc đức Như Lai mới thành Chánh Giác, có một Đại Phạm Thiên Vương đến chỗ đức Phật, làm lễ, nói kệ rằng: “Hữu Dạ Xoa, La Sát, thường hỷ đạm nhân thai, năng linh nhân vô tử, thương hại ư bào thai. Nam nữ giao hội thời, sử kỳ ý mê loạn, hoài nhâm bất thành tựu, cập sanh thời đoạt thai, giai thị chư ác quỷ, vị kỳ tác nhiễu hại. Ngã kim thuyết bỉ danh, nguyện Phật thính ngã thuyết. Đệ nhất danh Di Thù Ca, nãi chí đệ thập ngũ danh Lam Bà. Thử thập ngũ quỷ thần, thường du hành thế gian, vị anh hài, tiểu nhi, tác ư khủng bố, cập thuyết khủng bố hình tướng” (Có Dạ Xoa, La Sát thường thích ăn thai người, khiến cho người ta không có con, gây tổn hại cho bào thai. Khi trai gái giao hợp, chúng nó khiến cho tâm ý họ mê loạn, chẳng đậu thai được, và đến lúc sanh nở bèn đoạt thai, đều là do các ác quỷ ấy gây hại. Con nay nói tên chúng nó, thứ nhất tên là Di Thù Ca (Mañjuka), cho đến quỷ thứ mười lăm tên là Lam Bà (Ālambā). Mười lăm quỷ thần ấy[5] thường du hành trong thế gian, gây kinh hoảng, hãi hùng cho con thơ, trẻ nhỏ, và nói hình tướng kinh khiếp của chúng). Nay vì đã sớm đọc kinh Bổn Nguyện và niệm danh hiệu đức Địa Tạng, khiến cho các vị thiện thần ủng hộ, bảo vệ môn hộ, ác quỷ tự trốn xa!

3.2.3.1.1.2.2.2.1.3.1.1.2.4.2.2. Thoát ương, tăng thọ (thoát họa hại, tăng tuổi thọ)    

(Kinh) Thị tân sanh tử, hoặc nam, hoặc nữ, túc hữu ương báo, tiện đắc giải thoát, an lạc, dị dưỡng, thọ mạng tăng trưởng.

()是新生子或男或女宿有殃報便得解脫安樂易養壽命增長。

(Kinh: Đứa trẻ mới sanh đó dù trai hay gái, nếu đời trước có ương báo liền được giải thoát, yên vui, dễ nuôi, thọ mạng tăng thêm).

Đoạn này chia làm hai tiểu đoạn. Thứ nhất là chuyển biến túc báo. “Túc ương báo”: Luận Du Già Sư Địa nói: “Lại nữa, ở trong thai tạng (bào thai), hoặc là do nghiệp lực từ trước, hoặc do mẹ chẳng tránh khỏi sức bất bình đẳng mà sanh ra loại gió tùy thuận, khiến cho nơi thai tạng, hoặc tóc, hoặc lông, hoặc da, và các chi thể khác sanh ra biến đổi khác lạ”. Nay đã tụng kinh, xưng danh, sẽ khiến cho đứa bé dù trai hay gái mới sanh đều thoát khỏi trọn hết quả báo do túc ương. “Yên vui, dễ nuôi”: Khi thai tạng đã hình thành tột cùng viên mãn, người mẹ không chịu nổi cái thai nặng nề ấy, vào ngày thứ tư, Nội Phong liền phát khởi, sanh ra đại khổ não. Thai tạng ấy lại do Phần Phong phát sanh từ nghiệp báo khiến cho đầu [thai nhi] chúc xuống dưới, chân hướng lên trên, nhau thai quấn cuộn, hướng đến sản môn. Đúng lúc lọt lòng, nhau thai bèn nứt tách ra, bám vào hai bên nách [đứa bé]. Khi ra khỏi sản môn thì gọi là Chánh Sanh Vị. Sanh xong thì gọi là Xúc, nghĩa là mắt tiếp xúc [cảnh vật bên ngoài] v.v… Nhưng khi sanh có nhiều loại khác nhau, hoặc là sanh thuận, hoặc là đẻ ngược. Thậm chí có đứa một chân ra trước, được gọi là “đạp liên sanh” (sanh ra theo kiểu đạp hoa sen). Nếu ruột của mẹ cũng lọt theo ra thì gọi là “bàn tràng sanh” (quấn ruột mà sanh). Trường hợp này hiểm ác nhất, mạng trong khoảnh khắc. Nay đã tụng kinh, niệm danh, ắt bình yên, vui sướng, sanh nở, nuôi nấng rất dễ dàng.

“Thọ mạng tăng trưởng”: [Trong Phật Thuyết Hộ Chư Đồng Tử Đà La Ni Kinh], Đại Phạm lại bạch với đức Phật: “Thử chư nữ đẳng, dục cầu tử tức bảo mạng trường thọ giả, thường đương hệ niệm tu hành thiện pháp. Ư nguyệt bát nhật, thập ngũ nhật, thọ trì bát giới, thanh tịnh tẩy mộc, tụng ngã sở thuyết đà-la-ni chú giả, sở sanh đồng tử an ổn vô hoạn, tận kỳ hình, thọ mạng bất trung yểu” (Những người nữ ấy muốn cầu cho con cái giữ yên tánh mạng, sống lâu, hãy nên thường hệ niệm, tu hành thiện pháp. Trong ngày mồng Tám và ngày Rằm mỗi tháng, thọ trì tám giới, tắm gội thanh tịnh, tụng chú đà-la-ni do con đã nói thì đứa trẻ được sanh ra ấy sẽ an ổn, không hoạn nạn, cho đến hết đời chẳng bị chết yểu). Nay đã tụng kinh, xưng danh, sẽ không bị ác quỷ não hại, cho nên thọ mạng tăng trưởng.

(Kinh) Nhược thị thừa phước sanh giả, chuyển tăng an lạc, cập dữ thọ mạng.

()若是承福生者轉增安樂及與壽命。

(Kinh: Nếu là đứa trẻ nương theo phước mà sanh, sẽ tăng thêm an lạc và thọ mạng).

Từ chữ “nhược thị” (nếu là) trở đi, ý nói: Tăng phước trong hiện tại. “Thừa phước sanh” (nương theo phước mà sanh): Kinh Tu Hành Đạo Địa nói: “Nhân hạnh bất thuần, hoặc thiện, hoặc ác, chí tam thập bát thất nhật, tại mẫu phúc trung, tùy kỳ bổn hạnh, tự nhiên phong khởi, túc hành thiện giả, tiện hữu hương phong, khả kỳ thân ý, nhu nhuyễn vô hà, chánh kỳ cốt tiết, linh kỳ đoan chánh, mạc bất ái kính. Hựu mẫu phúc phong khởi, hoặc thượng, hoặc hạ, chuyển kỳ nhi thân, nhi linh đảo huyền, đầu hướng sản môn. Kỳ hữu phước giả, thời tâm niệm ngôn, ngã đầu dục trì, thủy trung du hý, như đọa cao sàng, hoa, hương chi xứ dã. Ác giả, phản thị” (Do hạnh của mỗi người khác nhau, hoặc thiện, hoặc ác, cho đến ba mươi tám thất (chín tháng mười ngày), ở trong bụng mẹ, tùy theo hạnh của chính mình, tự nhiên gió nổi lên, kẻ xưa kia đã làm lành bèn có gió thơm, sướng thân vừa ý, mềm mại, không khuyết điểm, khiến cho các đốt xương ngay ngắn, khiến cho [thân thể] đoan chánh, không ai chẳng yêu mến. Trong bụng mẹ, gió lại nổi lên, hoặc phía trên, hoặc phía dưới, xoay chuyển thân thai nhi, khiến cho nó chúc đầu xuống, đầu hướng đến sản môn. Kẻ có phước thì khi ấy, tâm sẽ nghĩ rằng: “Ta gieo mình vào ao tắm, vui chơi trong nước, như té vào giường cao, vào chỗ hương, hoa”. Kẻ ác thì trái lại). Nay lại sớm vì đứa trẻ ấy tụng kinh, xưng danh, nó lại nương vào phước xưa kia mà sanh, cho nên đương nhiên phải an vui, tăng thêm an lạc. Thọ mạng đương nhiên phải tăng thêm nhiều!

3.2.3.1.1.2.2.2.1.3.1.1.2.5. Trai tụng cảm báo (ngày thập trai tụng kinh cảm báo)

3.2.3.1.1.2.2.2.1.3.1.1.2.5.1. Tiêu trai nhật ý (nói về ý nghĩa của các ngày trai)

(Kinh) Phục thứ Phổ Quảng! Nhược vị lai thế chúng sanh, ư nguyệt nhất nhật, bát nhật, thập tứ nhật, thập ngũ nhật, thập bát nhật, nhị thập tam, nhị thập tứ, nhị thập bát, nhị thập cửu, nãi chí tam thập nhật.

()復次普廣若未來世眾生於月一日八日十四日十五日十八日二十三二十四二十八二十九日乃至三十日。

(Kinh: Lại này Phổ Quảng! Nếu chúng sanh trong đời vị lai, mỗi tháng vào ngày mồng Một, mồng Tám, Mười Bốn, Rằm, Mười Tám, Hai Mươi Ba, Hai Mươi Bốn, Hai Mươi Tám, Hai Mươi Chín, cho đến ngày Ba Mươi).

Trì trai trong cõi đời có ba loại: Trường trai (ăn chay trường), ăn chay mỗi tháng sáu ngày, và mười ngày khác nhau. Nay trước hết ấn định số ngày trai [trong mỗi tháng]. Theo kinh Văn Thù Bồ Tát Thiện Ác Tú Diệu, vào ngày mồng Một mỗi tháng, tiếng Phạn là Bát Xà Để Hạ (Hán dịch là Phạm Vương), là ngày Kiến Danh, hãy nên làm chuyện thuộc về thiện nghiệp, khắc khổ tu hành, bố thí v.v… thì sẽ tốt lành. Ngày mồng Tám và Hai Mươi Ba, là ngày Lực Chiến, thiện thần Bà Sa giáng hạ, hãy nên tận lực tu tập. Ngày Mười Bốn và ngày Hai Mươi Chín là ngày Dũng Mãnh, thần Dược Sô giáng hạ. Ngày Hai Mươi Bốn là ngày Hung Mãnh, thần Rô Đạt Ra Ni (Rudrani) giáng hạ. Ngày Hai Mươi Tám là ngày Tối Thắng, thần Bát Chiết Để (tiếng Hán là thần thiên ma) giáng hạ. Ngày Rằm và Ba Mươi là ngày Cát Tướng (tướng trạng tốt đẹp), thần Tất Đa Lô (Hán dịch là Hồn Linh Thần) giáng hạ. Hãy nên cúng tế người đã khuất và bố thí, cúng dường cha mẹ, bậc đáng tôn kính, chư thiên, giữ gìn trai giới, thí thực, và cúng bái các thứ thì sẽ tốt lành. Do vậy, lấy mười ngày ấy làm trai nhật.

Nhưng hai chữ “nãi chí” (cho đến) từ xưa đến nay đều giảng là từ ngữ hàm ý giản lược. Nay số ngày đã đến hai mươi chín rồi, mà lại còn nói lược qua đến ngày ba mươi, [nếu cho rằng] là vị pháp sư dịch kinh hành văn không suông sẻ cho lắm thì chẳng đúng, [viết như vậy] hàm súc ý nghĩa sâu xa mà không ai biết! Tôi suy xét chữ Nãi (乃), thấy cổ nhân giải thích chữ Nãi có nghĩa là “khó khăn”, nhưng dùng theo ý nghĩa của chữ Nan trong từ ngữ “nan tâm” (trong tâm ngại khó) thì khác hẳn. Vì thế, [chữ Nãi viết theo lối cổ] hình dung ngữ điệu do dự, diễn tả ý “đã khó khăn lại càng khó khăn hơn”. Do vậy, [vị pháp sư dịch kinh] dùng chữ Nãi ở đây với dụng ý dạy người nghe: Nay nói từ ngày mồng Một đến ngày Ba Mươi, mười ngày chẳng gián đoạn như thế, tột bậc khó, hết sức khó! Nếu chẳng chấp nhận cách hiểu này, hai chữ [Nãi Chí] ấy làm sao có thể giải thích cho suông sẻ được?

(Kinh) Thị chư nhật đẳng, chư tội kết tập, định kỳ khinh trọng.

()是諸日等諸罪結集定其輕重。

(Kinh: Trong những ngày ấy, các tội kết tập, phán định nặng, nhẹ).

Ba câu kể từ “thị chư” (trong những ngày ấy) trở đi, giải thích ý nghĩa của những ngày ấy. Theo sách Phật Tổ Thống Kỷ, trích dẫn kinh Đề Vị dạy về ba tháng ăn chay trường. Đức Phật bảo trưởng giả Đề Vị rằng: “Tứ thời giao đại, tuế chung tam phúc dĩ giảo, nhất nguyệt lục tấu, chư thiên, Đế Thích, thái tử, sứ giả, Diêm La quỷ thần, câu dụng chánh nguyệt, ngũ nguyệt, cửu nguyệt đán nhật, án hành vương, dân, long, quỷ, điểu, thú, vi thiện ác giả, dữ tứ vương nhất nguyệt lục tấu, sử vô uổng thác, phúc giảo chúng sanh tội phước đa thiểu. Phước đa giả, sắc tư mạng hạ Diêm La ngũ quan trừ tội, tăng lộc” (Bốn mùa đắp đổi, cuối năm có ba lượt phúc thẩm, so sánh. Cứ mỗi tháng, [tứ thiên vương] tấu trình sáu lượt. Chư thiên, Đế Thích, thái tử, sứ giả, Diêm La, quỷ thần đều dùng ngày mồng Một của tháng Giêng, tháng Năm, và tháng Chín để tra xét chuyện thiện ác của vua, dân, rồng, quỷ, chim, thú [trong thế gian], so sánh với lời tâu sáu lần mỗi tháng của tứ thiên vương để [xét xử] không bị oan uổng, sai lạc, phúc thẩm tội phước của chúng sanh nhiều hay ít. Đối với người nhiều phước, liền sắc truyền năm vị quan Diêm La dưới quyền vị đặc trách để trừ tội hay tăng lộc cho kẻ đó). Vì thế, dạy hãy giữ ba tháng trường trai ấy.

[Sách ấy] lại dẫn kinh Tứ Thiên Vương để giảng về sáu ngày trai: “Đế Thích sắc tứ vương, các trị nhất phương, bạch nguyệt bát nhật, khiển sứ giả án sát chúng sanh thiện ác. Thập Tứ nhật, khiển thái tử. Thập ngũ nhật, vương thân lâm. Hắc nguyệt tam nhật, diệc như thị. Nhược vương thân hạ, tinh tú, quỷ thần câu thời tùy tùng. Như ngộ tu hành, trai giới, chư thiên tương khánh, tức vi chú lộc, tăng toán” (Đế Thích sắc truyền bốn vị thiên vương, mỗi vị cai quản một phương. Vào ngày mồng Tám của bạch nguyệt[6], sai sứ giả tra xét thiện ác của chúng sanh. Ngày Mười Bốn, sai thái tử [làm việc ấy]. Ngày Rằm, thiên vương đích thân làm. Ba ngày (Hai Mươi Ba, Hai Mươi Chín, Ba Mươi) trong hắc nguyệt cũng như vậy. Nếu thiên vương đích thân giáng hạ, tinh tú, quỷ thần đều cùng đi theo. Nếu gặp người tu hành, trai giới, chư thiên vui mừng, tăng lộc, tăng thọ cho người ấy).

Lại dẫn kinh Thập Trai để nói về mười ngày trai: “Mỗi nguyệt thập trai nhật, trì Phật, Bồ Tát hiệu, khất phước, diệt tội” (Mỗi tháng mười ngày trai, trì danh hiệu Phật, Bồ Tát, cầu phước, diệt tội) (đối với sáu ngày trai [như vừa nêu trên đây], thêm vào bốn ngày trong tháng nữa, như trong kinh Địa Tạng nói). Nay theo phép nước, hạ lệnh cho các châu trong Thập Trực Nhật[7], không được hành hình chính là vì ý nghĩa này.

          Kinh Tịnh Độ Tam Muội lại nói: Trong tám vương nhật (tức Lập Xuân, Xuân Phân, cho đến Lập Đông, Đông Chí), chư thiên, Đế Thích, trấn thần gồm ba mươi hai vị, tứ trấn đại vương (tứ thiên vương), tư mạng, tư lộc, ngũ Diêm La đại vương, tám vương sứ giả, đều đi khắp bốn phương để tra xét. Lại nữa, bốn vị vua trực nhật sẽ tấu lên [Đế Thích] vào ngày Rằm và Ba Mươi, tra xét nhân dân lập hạnh thiện ác. Vua cõi địa ngục cũng sai các vị quan phụ tá, các tiểu vương cùng lúc đi tra xét, hễ ai có tội bèn ghi chép. Phạm lỗi trong tám ngày trai thuộc vương nhật (tám ngày tiết như Lập Xuân, Xuân Phân…) trên đây mà phước mạnh thì có thể bổ cứu, an ổn, không có chuyện gì khác, do phước mà được xá tội. Sau đó, do phạm lỗi nặng trong mười ngày trai, số lượng tội nhiều, xét theo từng điều tội mà giảm thọ, ấn định ngày, tháng, năm sẽ chết, giao cho địa ngục. Địa ngục nhận được văn thư, liền sai ngục tốt ghi chép tên họ. Quỷ trong địa ngục chẳng có lòng Từ, [kẻ phạm tội đó] chưa đến ngày chết, họ đã thôi thúc kẻ đó làm ác, khiến cho mạng hắn bị rút ngắn. Kẻ nhiều phước, sẽ tăng thêm tuổi thọ. Trời sai thiện thần che chở người ấy, truyền địa ngục dẹp trừ tội danh, tăng thêm thọ mạng, về sau, sanh lên cõi trời. Những cách trì trai trên đây đều phát xuất từ kinh Phật, đều nên tuân phụng, sẽ hưởng phước mãi mãi. Đừng nên cố ý vi phạm, để rồi tự gánh họa ương. Vì thế, tôi ghi chép tường tận ở đây.


ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH KHOA CHÚ


[1] Tôn Chân Nhân là Tôn Tư Mạo (541-682) là một đạo sĩ kiêm thầy thuốc trứ danh đời Đường, có mỹ hiệu là Dược Vương. Về sau, ông được Đạo giáo tôn làm thần chủ

quản y dược với thánh hiệu là Thiên Y Diệu Ứng Quảng Viện Thiện Tế Chân Quân. Ông tinh thông học thuyết của Bách Gia Chư Tử, kiêm cả hai nhà Đạo và Phật. Các đời vua Châu Tuyên Đế, Châu Tĩnh Đế, Tùy Văn Đế, Đường Cao Tông đều dùng chức tước, tiền bạc khuyến dụ ông làm ngự y, nhưng ông đều uyển chuyển từ chối. Chỉ riêng Đường Thái Tông được ông làm ngự y một thời gian ngắn rồi cáo bệnh về ẩn cư.

[2] Đông Lai Lữ Thị là Lữ Tổ Khiêm (1137-1181), tự là Bá Cung. Do họ Lữ là một danh gia vọng tộc ở quận Đông Lai (nay thuộc vùng Yên Đài và Oai Hải tỉnh Sơn Đông), nên ông thường được gọi là Đông Lai tiên sinh. Ông là một triết gia và giáo dục gia nổi tiếng đời Nam Tống, là cháu tám đời của danh thần Lữ Mông Chánh. Tư tưởng của ông tạo nên học phái Lữ Học (còn gọi là Vụ Học vì quê ông ở Vụ Châu). Ông được coi là nhân vật đại biểu cho Kim Hoa học phái thời ấy.

[3] “Hư thực” là danh từ Trung Y dùng để phân loại bệnh tật. “Âm Dương, hàn nhiệt, hư thực, biểu lý” được gọi là “trị bệnh bát tự” (tám chữ để trị bệnh). Hư là chánh khí trong thân thể quá yếu, không đủ, còn Thực là tà khí quá nhiều, quá thịnh. Nói cách khác, khi các hoạt động sinh lý bình thường của mỗi bộ phận trong thân thể suy giảm, trục trặc thì gọi là hư chứng. Khi tà khí quá thịnh hoặc chánh khí không hiển lộ rõ rệt thì gọi là thực chứng. Biểu hiện thường thấy của hư chứng là sắc mặt xanh xao, trắng bệch, thân thể mỏi mệt, ủ rũ, đổ mồ hôi trộm, tay chân lạnh, vô lực, hơi thở ngắn, yếu ớt, phân lỏng, bí tiểu tiện, mạch yếu v.v… Thực chứng ho ra đàm, huyết đọng dưới da, nóng nảy, bứt rứt, bụng trướng, cáu kỉnh, thở phì phò, đàm dãi quá nhiều, lưỡi đầy bợn v.v…

[4] Trong A Di Đà Kinh Sớ Sao, tổ Liên Trì có nói: Ở Bắc Câu Lô Châu (Uất Đan Việt), mẹ thọ thai xong bèn sanh con dưới gốc cây. Sanh xong, bỏ đi không nhìn tới nữa. Người qua đường giơ ngón tay liền phun ra sữa nuôi cho đứa trẻ lớn lên.

[5] Mười lăm quỷ thần não loạn trẻ con thường du hành trong thế gian theo kinh Thủ Hộ Chư Đồng Tử và kinh Thủ Hộ Đại Thiên Quốc Độ là: Di Thù Ca (Mañjuka), Di Ca Vương (Mrgarāja), Khiên Đà (Skanda), A Ba Tất Ma La (Apasmāra), Mâu Trí Ca (Mustikā), Ma Trí Ca (Mātrikā), Diêm Di Ca (Jāmikā), Ca Di Ni (Kāminī), Lê Bà Đê (Revatī), Phú Đa Na (Pūtana), Mạn Đa Nan Đề (Mātrnāndā), Xá Cứu Ni (Śakunī), Càn Trá Bà Ni (Kanthapaninī), Mục Khư Mạn Trà (Mukhamanditikā), và Lam Bà (Ālambā).

[6] Bạch Nguyệt (Śuklapakṣa) là cách tính lịch của Ấn Độ, từ ngày mồng Một (trăng non) cho đến ngày Rằm trăng tròn gọi là Bạch Nguyệt. Từ ngày Mười Sáu trở đi cho đến ngày cuối tháng (không có trăng) gọi là Hắc Nguyệt (Kṛṣṇapakṣa).

[7] Thập Trực Nhật chính là Thập Trai Nhật vừa nói. Kể từ đời Đường, chính quyền đã hạ lệnh: Trong mười trai nhật, nghiêm cấm tử hình tội nhân, giết mổ động vật, và đánh bắt cá. Ngoài ra, trong ba tháng trường trai (tháng Giêng, tháng Năm, và tháng Chín) cấm các hành vi giết chóc như tử hình, giết mổ động vật.