ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH KHOA CHÚ
Đường Tam Tạng sa-môn Thật Xoa Nan Đà dịch
Cổ Diêm Khuông Am Thanh Liên bật-sô Linh Thừa soạn
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
3.2.3.1.1.2.2.2.1.3.1.1.1.1.2. Tố họa hình tượng phước (phước do đắp, vẽ hình tượng)
(Kinh) Phổ Quảng! Nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân, hoặc thái họa hình tượng, hoặc thổ, thạch, giao, tất, kim, ngân, đồng, thiết, tác thử Bồ Tát, nhất chiêm, nhất lễ giả.
(經)普廣!若有善男子,善女人,或彩畫形像,或土石膠漆,金銀銅鐵,作此菩薩,一瞻一禮者。
(Kinh: Này Phổ Quảng! Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân, hoặc vẽ vời hình tượng, hoặc dùng đất, đá, keo, sơn, vàng, bạc, đồng, sắt làm tượng vị Bồ Tát này, một lần chiêm ngưỡng, lễ một lạy).
Trước hết là tu nhân. “Thái họa” (vẽ vời) là như kinh Pháp Hoa dạy: “Nhược nhân vị Phật cố, kiến lập chư hình tượng” (Nếu có người vì Phật mà tạo dựng các hình tượng). “Thái” (彩) là màu sắc. Dùng ngũ sắc để trang hoàng, tô vẽ hình tướng trăm phước. “Thổ, thạch, giao, tất” (đất, đá, keo, sơn): Hoặc dùng đất sạch để nặn, đắp hình tượng, hoặc dùng đá cứng khéo điêu khắc thành hình tượng. Theo kinh Ưu Bà Tắc Giới thì không được dùng chất keo [chế từ động vật] (cõi này có hai loại keo làm từ da trâu và ruột cá). [Sử dụng hai chất keo ấy để làm tượng] sẽ phạm tội thất ý (tội ơ hờ, không cẩn thận). [Chất keo] được dùng trong kinh này chính là keo từ nhựa cây (như các loại bạch cập). Có người nói nước của đại đậu (đậu nành, sách Bổn Thảo [Cương Mục] bảo là đậu đen), có thể thay thế, chế thành một loại keo trong. Như Quang Trạch[1] cho phép dùng keo làm từ da trâu, rốt cuộc [tượng vẽ ấy] là vật bất tịnh, sau này sẽ mắc quả báo bất tịnh. Ấy là do tượng vẽ mà không dùng chất keo, lâu ngày sẽ bay mất màu, chất vải trơ trụi không có keo, hình vẽ sẽ không dính chắc [nền vải]. Đấy là thứ cần thiết không thể thiếu khi tạo loại tượng này.
Vàng, bạc, đồng, sắt tuy giá trị sang quý hay tầm thường khác nhau, nhưng đều là những chất cứng chắc, không thay đổi. Đổ khuôn đúc làm tượng thì vĩnh viễn trang nghiêm. Tu Bạt Noa (Suvarṇa) dịch là Kim (vàng). Theo Đại Luận, [chất vàng] tìm thấy từ cát, từ đá núi, hay từ chất đồng có màu đỏ. Sách Thuyết Văn Giải Tự nói kim loại có năm màu, hoàng kim quý nhất, do chôn lâu ngày không thay đổi, nung luyện trăm lần chẳng nhẹ bớt. A Lộ Ba (Rūpya) dịch là Ngân (bạc). Theo Đại Luận, bạc có được do nung đá. Sách Nhĩ Nhã viết: “Chất kim loại màu trắng được gọi là Bạc”. Đồng là thứ kim loại có màu đỏ, kém hơn bạc. Kinh A Lỗ Lực chép: “Đa Rị Lộ Ha, chú vân tam kim, vị kim, ngân, đồng. Tùng kim, tùng đồng, sắc dữ kim tương tự, nhi đức đại hữu gián hỹ” (Đa Rị Lộ Ha tức là ba thứ kim loại, tức vàng, bạc, đồng. Đồng (銅) là do chữ Kim (金) và chữ Đồng (同) ghép lại, [chất đồng] có màu sắc tương tự như vàng, nhưng đặc tánh thua kém vàng rất xa).
Cổ văn dựa theo ý nghĩa mà chế chữ, [đã tạo chữ Thiết nhằm] biểu thị “chẳng thể dựa theo hình mạo để xét đoán con người được”. Sắt là chất kim loại có màu đen. [Chữ Thiết (銕, sắt) viết theo lối cổ] do Di (夷) [và Kim (金) ghép lại], thể hiện ý nghĩa “sắt là thứ tầm thường”. Sắt tầm thường, luyện lâu ngày sẽ thành tinh thuần. Tuy nung luyện trăm lần mà chẳng hao tổn, được gọi là “chân cang”[2]. Trong ngũ kim, sắt có địa vị thấp nhất, nhưng được sử dụng nhiều nhất, là thứ hữu ích chẳng thể thiếu đối với dân chúng. Trên đây là nói về chuyện tạo tượng.
Theo Giới Kinh, tiền bất tịnh chẳng nên dùng để tạo tượng, có thể đổi lấy tiền thanh tịnh đúng pháp để tạo tượng. Lại chớ nên tạc tượng bán thân, [vì tượng bán thân] chẳng thể dấy khởi tướng tốt lành [trong tâm người chiêm ngưỡng], họ sẽ đọa lạc trong sanh tử. Người chiêm ngưỡng, lễ bái tượng Bồ Tát một lượt, [tức là] do người khác dùng các món vật [đã nói trên đây] để tạo hình tướng thù thắng của Địa Tạng Bồ Tát, mà có thiện nam, thiện nữ nào trông thấy, hoặc chỉ ngắm nhìn chẳng lễ, hoặc vừa chiêm ngưỡng vừa lễ bái, cho thấy tu nhân rất ít, nhưng đạt được quả báo cực đại!
(Kinh) Thị nhân bách phản sanh ư tam thập tam thiên, vĩnh bất đọa ư ác đạo. Giả như thiên phước tận cố, hạ sanh nhân gian, do vi quốc vương, bất thất đại lợi.
(經)是人百返生於三十三天,永不墮於惡道。假如天福盡故,下生人間,猶為國王,不失大利。
(Kinh: Người ấy trăm lần sanh trong ba mươi ba tầng trời, vĩnh viễn chẳng đọa trong ác đạo. Nếu như vì phước trời đã hết, sanh xuống nhân gian, vẫn là một vị quốc vương, chẳng đánh mất lợi ích to lớn).
“Thị nhân” (người ấy) tức là người tạo tượng, chiêm lễ, sẽ sanh một trăm lượt trong ba mươi ba tầng trời, lại còn vĩnh viễn chẳng đọa vào ác đạo, do tạo tượng vốn là nghiệp sanh thiên.
Kinh Tạo Tượng Công Đức nói: “Nhược nhân lâm chung, phát ngôn tạo tượng, nãi chí như mạch cảnh, năng trừ tam thế bát thập ức kiếp sanh tử chi tội, hữu thập nhất công đức. Nhất, thế thế nhãn mục thanh khiết. Nhị, sanh xứ vô ác. Tam, thường sanh quý gia. Tứ, thân như tử ma kim sắc. Ngũ, phong nhiêu trân ngoạn. Lục, sanh hiền thiện gia. Thất, sanh đắc vi vương. Bát, tác Kim Luân Vương. Cửu, sanh Phạm Thiên. Thập, bất đọa ác đạo. Thập nhất, hậu sanh hoàn năng kính trọng Tam Bảo” (Nếu kẻ nào lâm chung, thốt lời tạo tượng, dẫu chỉ là tượng nhỏ như một hạt lúa mì, có thể trừ tội trong tám mươi ức kiếp sanh tử cả ba đời, có mười một công đức: Một, đời đời mắt thanh khiết. Hai, sanh vào chỗ không có điều ác. Ba, thường sanh trong nhà tôn quý. Bốn, thân có màu như chất vàng tía đã được giồi mài. Năm, những thứ đồ trân ngoạn dư dật. Sáu, sanh trong nhà hiền thiện. Bảy, sanh ra được làm vua. Tám, làm Kim Luân Vương. Chín, sanh vào Phạm Thiên. Mười, chẳng đọa ác đạo. Mười một, đời sau vẫn có thể kính trọng Tam Bảo). Vì thế, sau đó liền nói: “Giả như thiên phước” (nếu như phước trời). Ngài Diệu Lạc (tổ Kinh Khê Trạm Nhiên)[3] nói: “[Thiện căn do tạo tượng Bồ Tát, chiêm ngưỡng, lễ bái] há có phải là thiện căn sanh trong nhân thiên của Dục Giới ư?” Vì thế, hậu hiền giảng kinh này, trọn chẳng thể chuẩn theo kinh Chánh Pháp Niệm Xứ để nói Đao Lợi Thiên là “tam thập tam thiên”, ắt phải dựa theo kinh Quán Đảnh Chú như tôi đã trích dẫn [trong những phần trước]. Đấy chính là điều xác định ngàn đời không sai vậy.
“Bất thất đại lợi” (chẳng đánh mất lợi ích to lớn): Nói chung thì tuy sanh làm vua trong loài người, vẫn chẳng đánh mất lợi ích to lớn do tạo tượng, chiêm ngưỡng, lễ bái. Nếu xét sâu xa ý ấy, ắt phải coi thành Phật là đại lợi! Như kinh đã dạy “như thị chư nhân đẳng, tiệm tiệm tích công đức, cụ túc đại bi tâm, giai dĩ thành Phật đạo” (những người như thế ấy, dần dần tích công đức, trọn đủ tâm đại bi, đều đã thành Phật đạo) chính là nói lên ý nghĩa này. Vì thế, ngài Diệu Lạc nói: “Kinh này (kinh Pháp Hoa) muốn gồm thâu những điều thiện nhỏ nhặt từ vô thỉ vì chúng đều [là tư lương] để tiến hướng Bồ Đề. Nếu đã phát tâm, thuận theo những điều thiện mảy may đã có, không gì chẳng phải là duyên nhân [để thành Phật]”. Nay kinh này đã giống như kinh Pháp Hoa, phước lợi tự chẳng nghĩ bàn!
3.2.3.1.1.2.2.2.1.3.1.1.1.1.3. Yếm nữ cúng tượng phước (chán nhàm thân nữ, được phước do cúng dường tượng Bồ Tát)
3.2.3.1.1.2.2.2.1.3.1.1.1.1.3.1. Yếm nữ thân cúng tượng chuyển báo (chán nhàm thân nữ, do cúng dường tượng mà chuyển báo)
3.2.3.1.1.2.2.2.1.3.1.1.1.1.3.1.1. Minh cúng tượng (nói về chuyện cúng dường tượng)
(Kinh) Nhược hữu nữ nhân, yếm nữ nhân thân, tận tâm cúng dường Địa Tạng Bồ Tát họa tượng, cập thổ, thạch, giao, tất, đồng, thiết đẳng tượng.
(經)若有女人,厭女人身,盡心供養地藏菩薩畫像,及土石膠漆,銅鐵等像。
(Kinh: Nếu có người nữ nhàm chán thân nữ, dốc lòng cúng dường tượng vẽ và các tượng bằng đất, đá, keo, sơn, đồng, sắt v.v… của Địa Tạng Bồ Tát).
Hai câu đầu là nói về ý khởi tâm cúng dường vì chán nhàm thân nữ. [Điều này] giống như trong lời nguyện của Phật Dược Sư: “Nhược hữu nữ nhân vị nữ bách ác chi sở bức não, cực sanh yếm ly, nguyện xả nữ thân” (Nếu có nữ nhân bị trăm điều ác của thân nữ bức bách, khổ não, hết sức chán nhàm, nguyện bỏ thân nữ). Bởi lẽ, thân nữ nhân do dâm nghiệp mà có, nương theo ái tâm mà sanh, là bẫy rập hãm người, là đồi gò tích tụ các thứ nhơ uế. Kinh Siêu Nhật Nguyệt nói [thân nữ] có năm điều chướng ngại:
– Một là không được làm Phạm Thiên Vương; do thanh tịnh và cấu nhiễm bất đồng.
– Hai là không được làm Đế Thích, do thiểu dục và đa dục sai khác.
– Ba là không được làm ma vương, do cứng cỏi và mềm yếu sai khác.
– Bốn là không được làm Chuyển Luân Vương, do nhân từ và ganh ghét khác biệt vời vợi.
– Năm là không được làm thân Phật, do vạn đức và phiền não khác biệt.
Kinh Ngọc Da lại còn nói cặn kẽ mười điều ác nơi thân nữ:
– Một là mới sanh ra, cha mẹ chẳng vui mừng.
– Hai là tuy được chăm bẵm, nhưng không được coi trọng lắm.
– Ba là tâm thường sợ hãi kẻ khác.
– Bốn là cha mẹ lo lắng về chuyện cưới gả.
– Năm là phải lìa khỏi cha mẹ trong khi còn sống.
– Sáu là sợ sự mừng, giận của chồng.
– Bảy là mang thai, sanh nở rất gian nan.
– Tám là ít được cha mẹ quan tâm giao phó những việc trọng đại.
– Chín là bị chồng hạn chế.
– Mười là khi già cả lại bị con cháu chê trách.
Vì thế, người nữ có trí thường sanh lòng chán nhàm [thân nữ].
Từ chữ “tận tâm” trở đi là nói về cách cúng dường. Kinh Tô Tất Địa đã nói chi tiết về các cách cúng dường khác biệt. Đối với chuyện cúng dường [theo kinh đó], bèn vâng theo Phổ Hiền Tỳ Thủ Yết Ma để làm. [Pháp ấy] vốn trích từ pháp Hư Không Khố Tạng[4], nương vào Đại Viên Kính Trí và Thành Sở Tác Trí để thực hiện. Cần phải nghiền ngẫm hai chữ “tận tâm”. Những vật cúng như sẽ kể trong đoạn kế tiếp đều thuộc về Sự, là Tài Thí. Nếu chẳng lìa tự tâm, dốc cạn tấc lòng để thực hiện, thì hết thảy các pháp, dẫu hướng theo phương diện Pháp hay theo phương diện Tài, đều chẳng thành vấn đề, bởi toàn thể Sự chính là Lý, Tài chính là Pháp vậy. Cách tạo tượng giống như trong phần trước.
(Kinh) Như thị nhật nhật bất thoái, thường dĩ hoa, hương, ẩm thực, y phục, tằng thái, tràng phan, tiền, bảo vật đẳng cúng dường.
(經)如是日日不退,常以華香,飲食,衣服,繒綵,幢旛,錢,寶物等供養。
(Kinh: Hằng ngày chẳng thoái chuyển như thế, thường dùng hoa, hương, thức ăn, lọng lụa[5], tràng phan, tiền, các thứ vật báu v.v… để cúng dường).
Hằng ngày đều như thế chẳng thoái chuyển, có thể nói là “tâm luôn kiên cố, niệm nào cũng siêng năng, chuyên ròng”. Hoa, hương, thức ăn, y phục như đã giải thích trong phần trước. “Tằng thái” (繒綵) tức là loại lụa năm màu. Chữ Tằng (繒) có hai âm đọc:
– Một là Tăng, cùng âm với chữ Tăng (增); có nghĩa như chữ Tăng (矰) tức là sợi dây bằng tơ bện dùng buộc vào mũi tên để bắn le, nhạn, [khi bắn xong, sẽ dễ lôi con mồi về, không phải chạy ra tận nơi nhặt]. Cổ thi có câu: “Vị tất phùng tăng chước” (chưa chắc đã gặp phải tên bắn) là nói về chuyện này.
– Hai là Tằng, âm giống như chữ Tình (情), có nghĩa là lụa. Dâng tặng cho thần thì gọi là Tằng (繒), nay [chữ “繒” ở đây phải] đọc theo âm giống như chữ Tình (tức là đọc thành Tằng).
Tràng (幢) trong tiếng Phạn là Thoát Xà (Dhvaja), Tư Trì Ký dịch là Tràng. Sách Lăng Nghiêm Kinh Huân Văn Ký dẫn sách Nhĩ Nhã cho rằng: “Xà (闍) có nghĩa là Đài, nhưng nói là Thoát thì có nghĩa là đất chất chứa [để làm nền đài] bị lở sụp”. Nay chẳng dùng nghĩa ấy, vì đây là [phiên âm] tiếng Phạn, thế nhưng trong [Thích Dịch] Danh Nghĩa Tập [của ngài Pháp Vân] đã coi từ ngữ này liên quan với chùa, tháp, đàn, và tràng, cho nên ý nghĩa Đài cũng chẳng sai. Nhưng sách Thuyết Văn Giải Tự giảng: “Tràng thuộc loại cờ hiệu”. Sách Phụ Hành lại nói: “Phan là tiếng gọi chung của các loại cờ hiệu”. Nay do thứ để cúng dường trong Phật pháp có hình dạng giống như vậy, cho nên gọi là Phan (旛). Tức là Phan và Tràng cùng một loại; phan to thì gọi là Tràng. Tràng có nghĩa là “ngăn che, chứa đựng”. Cắm chi chít trên mui xe hình dung sự che kín, tức là Tràng cũng tương tự như vật dùng để che phủ xe. Vì thế, đất Sở gọi nó là Trù (幬, màn hay rèm che), còn Quan Đông và Quan Tây thì gọi là Tràng. Phàm trong cách tạo phan, đừng nên [thêu, vẽ] hình tượng Phật, Bồ Tát và danh hiệu của các Ngài. [Bởi lẽ], phan là vật để dâng cúng, dâng cúng cho đấng được cúng dường, sao lại dùng hình tượng và danh hiệu của các Ngài để dâng cúng? “Tiền, bảo vật” v.v… là tánh mạng của chúng sanh, là vật liền khúc ruột, khó quên được. Có thể xả tài vật coi như tánh mạng, trong tâm chẳng keo tiếc, thì nội tâm ngưng dứt keo tham, sẽ đạt được vô lượng phước.
3.2.3.1.1.2.2.2.1.3.1.1.1.1.3.1.2. Chuyển báo quả (chuyển đổi quả báo)
3.2.3.1.1.2.2.2.1.3.1.1.1.1.3.1.2.1. Minh chuyển nữ thân (nói về chuyện chuyển thân nữ thành nam)
(Kinh) Thị thiện nữ nhân, tận thử nhất báo nữ thân, bách thiên vạn kiếp, cánh bất sanh hữu nữ nhân thế giới, hà huống phục thọ!
(經)是善女人,盡此一報女身,百千萬劫,更不生有女人世界,何況復受!
(Kinh: Thiện nữ nhân ấy khi hết thân nữ trong đời này, sẽ trong trăm ngàn vạn kiếp trọn chẳng sanh trong thế giới có nữ nhân, huống hồ còn phải thọ thân nữ nữa ư!)
Chuyện chuyển báo khó khăn, cốt yếu là lòng tinh thành. Nay đã dốc trọn tấm lòng cúng dường, lại còn ngày ngày chẳng lui sụt, cho nên khi thọ xong quả báo trong đời này, từ đấy trở đi, trong trăm ngàn vạn kiếp, chẳng còn sanh vào thế giới có nữ nhân, tức là nói tới Tây Phương Cực Lạc, một mực chẳng có nữ nhân, huống hồ còn phải thọ thân nữ trong tam giới nữa ư?
3.2.3.1.1.2.2.2.1.3.1.1.1.1.3.1.2.2. Nguyện bất chuyển nữ ([trường hợp] người nữ đó chẳng mong chuyển thân nữ)
(Kinh) Trừ phi từ nguyện lực cố, yếu thọ nữ thân, độ thoát chúng sanh.
(經)除非慈願力故,要受女身,度脫眾生。
(Kinh: Trừ phi do nguyện lực từ bi, cần thọ thân nữ để độ thoát chúng sanh).
Như Ma Da phu nhân, do pháp môn Đại Huyễn Nguyện Trí, vĩnh viễn làm mẹ của một ngàn đức Phật. Đấy là dùng pháp môn thuận ái để độ chúng sanh. Lại như cô Bà Tu Mật Đa (Vasumitrā) [trong hội Hoa Nghiêm] nói pháp môn Ly Dục Tế: “Hết thảy chúng sanh tùy theo từng loại hễ thấy ta, ta sẽ khiến cho họ đắc hết thảy tam-muội”. Đấy là dùng pháp môn nghịch ái để độ chúng sanh, đều là do sức thệ nguyện từ ái tam-muội mà thị hiện làm nữ nhân. “Trước là dùng dục để lôi kéo, sau đó khiến cho họ nhập Phật Trí” chính là ý nghĩa này!
3.2.3.1.1.2.2.2.1.3.1.1.1.1.3.1.2.3. Kết bất thọ nữ thân (tiểu kết về chuyện chẳng thọ thân nữ)
(Kinh) Thừa tư cúng dường Địa Tạng lực cố, cập công đức lực, bách thiên vạn kiếp, bất thọ nữ thân.
(經)承斯供養地藏力故,及功德力,百千萬劫,不受女身。
(Kinh: Nương vào sức cúng dường Địa Tạng và sức công đức, trong trăm ngàn vạn kiếp chẳng thọ thân nữ).
Cúng dường đức Địa Tạng chính là hành tinh tấn trong hiện thời. “Cập công đức lực” (và sức công đức) chính là do huân thập điều thiện mà phát khởi. Chủng tử và hiện hành huân tập lẫn nhau, công nghiệp hoàn thành, cho nên trong trăm ngàn vạn kiếp, vĩnh viễn chẳng thọ thân nữ nhân.
3.2.3.1.1.2.2.2.1.3.1.1.1.1.3.2. Yếm xú bệnh lễ tượng hoạch phước (chán thân xấu xí, bệnh tật, lễ tượng được phước)
3.2.3.1.1.2.2.2.1.3.1.1.1.1.3.2.1. Chiêm lễ (chiêm ngưỡng, lễ bái)
(Kinh) Phục thứ Phổ Quảng! Nhược hữu nữ nhân, yếm thị xú lậu, đa tật bệnh giả, đản ư Địa Tạng tượng tiền, chí tâm chiêm lễ, thực khoảnh chi gian.
(經)復次普廣!若有女人,厭是醜陋,多疾病者,但於地藏像前,志心瞻禮,食頃之間。
(Kinh: Lại này Phổ Quảng! Nếu có người nữ chán ngán tấm thân hôi hám, xấu xí, lắm bệnh tật này, chỉ đối trước tượng Địa Tạng, chí tâm chiêm ngưỡng, lễ bái trong khoảng một bữa ăn).
“Xú” (醜) là hôi thối, dơ bẩn, Lậu (陋) là xấu xí, thô kệch. Trong cõi này (Trung Hoa), vào thời Hoàng Đế thì có Mô Mẫu[6], nước Tề có Vô Diêm Nữ, vợ của Lương Hồng là Mạnh Quang, đều là những cô gái xấu trong thiên hạ nhưng là những bậc hiền huệ. Theo kinh Nghiệp Báo Sai Biệt, do mười nghiệp mà chịu báo xấu xí:
– Một là ưa giận dữ.
– Hai là ưa ganh ghét, oán hận.
– Ba là bịa chuyện, gạt gẫm người khác.
– Bốn là não loạn chúng sanh.
– Năm là chẳng có lòng kính yêu cha mẹ.
– Sáu là chẳng sanh lòng cung kính đối với hiền thánh.
– Bảy là xâm phạm, chiếm đoạt vật dụng cần thiết trong cuộc sống, ruộng nương, và tài sản của bậc hiền thánh.
– Tám là dập tắt đèn thắp sáng trong tháp miếu thờ Phật.
– Chín là thấy kẻ xấu xí bèn hủy báng, chê bai, khinh miệt.
– Mười là quen hành các thói ác.
Cũng do mười nghiệp mà mắc báo ứng lắm bệnh:
– Một là thích đánh đập hết thảy chúng sanh.
– Hai là xúi người khác đánh đập.
– Ba là khen ngợi cách đánh.
– Bốn là thấy [người khác] đánh đập bèn vui vẻ.
– Năm là não loạn cha mẹ.
– Sáu là não loạn hiền thánh.
– Bảy là thấy kẻ oán khổ sở vì bệnh tật, tâm hết sức hoan hỷ.
– Tám là thấy kẻ oán khỏi bệnh, sanh tâm bực bội.
– Chín là thấy kẻ oán bị bệnh, chẳng cho họ thuốc trị đúng bệnh.
– Mười là đồ ăn cũ chưa tiêu hóa hết, lại ăn thêm.
Do hai mươi loại nghiệp ấy mà cảm thân nữ nhân xấu xí, bệnh tật. Tướng mạo xấu xí, bị chồng ghét bỏ, chuốc lấy tiếng gièm chê của mọi người, thân lắm bệnh tật, đến nỗi chính mình sầu khổ, chuốc phải tình cảnh quyến thuộc lấn hiếp. Ba điều ác cùng tụ tập, suốt một đời lắm nỗi ưu sầu, há chẳng ôm lòng chán bỏ từ lâu ư? [Đây là nói về] căn cơ có thể cảm và nguyên do gây tạo nên tình cảnh ấy, tiếp theo là nói về chuyện tu nhân. “Thực khoảnh” (食頃) là thời gian một bữa ăn. Dùng ít để hiển thị nhiều, dùng ngắn để hình dung dài vậy!
3.2.3.1.1.2.2.2.1.3.1.1.1.1.3.2.2. Chuyển báo (chuyển đổi quả báo)
3.2.3.1.1.2.2.2.1.3.1.1.1.1.3.2.2.1. Tướng mạo viên mãn (tướng mạo viên mãn)
(Kinh) Thị nhân thiên vạn kiếp trung, sở thọ sanh thân, tướng mạo viên mãn.
(經)是人千萬劫中,所受生身,相貌圓滿。
(Kinh: Người ấy trong ngàn vạn kiếp, nhận lãnh tấm thân tướng mạo viên mãn).
Điều này hiển lộ công năng chẳng thể nghĩ bàn của việc tạm thời chiêm ngưỡng, lễ bái. “Viên” (圓) là chẳng có tướng xấu ác méo mó, vẹo vọ. “Mãn” (滿) là không có tướng xấu xí, cong quẹo. Đã đạt được tướng mạo viên mãn, thân thể tự nhiên chẳng có bệnh tật.
3.2.3.1.1.2.2.2.1.3.1.1.1.1.3.2.2.2. Quý tánh thọ sanh (thọ sanh trong dòng họ cao quý)
(Kinh) Thị xú lậu nữ nhân, như bất yếm nữ thân, tức bách thiên vạn ức sanh trung, thường vi vương nữ, nãi cập vương phi, tể phụ, đại tánh, đại trưởng giả nữ, đoan chánh thọ sanh, chư tướng viên mãn.
(經)是醜陋女人,如不厭女身,即百千萬億生中,常為王女,乃及王妃,宰輔大姓,大長者女,端正受生,諸相圓滿。
(Kinh: Người nữ hôi hám, xấu xí ấy nếu chẳng chán thân nữ, sẽ trong trăm ngàn vạn đời thường làm vương nữ, hoặc vương phi, con gái của tể phụ, thế gia vọng tộc, hay con gái của đại trưởng giả, thọ sanh đoan chánh, các tướng viên mãn).
Chẳng chán thân nữ do chưa quên tình ái; nhưng công năng của chiêm ngưỡng, lễ bái, chẳng sai sót mảy may! Vì thế, trong vạn ức đời, thường làm con gái vương gia, như cô Thắng Man (Śrīmālā) con gái vua Ba Tư Nặc (Prasenajit), hoặc Thuật Đạt (Asuddharta) [con gái của] A Xà Thế (Ajātaśatru).
“Vương phi”: Phi (妃) là “hợp”, quý hiển trong hàng phi tần ngự dụng, [địa vị] chỉ thua Hoàng Hậu. Lại nữa, trong hậu cung của thiên tử, dẫu là vợ cả hay vợ lẽ, đều gọi là Phi; như các bà Mạt Lợi (Mallikā), Vi Đề Hy (Vaidehī) chẳng hạn. Tể phụ, thế gia vọng tộc chính là tay chân của thiên tử, hoặc bậc nguyên huân, a hành[7]. Hoặc sanh trong thế gia vọng tộc dòng Sát-đế-lợi, hoặc sanh làm con gái của trưởng giả thuộc thế gia vọng tộc trong giai cấp Bà-la-môn, như cô Tô Mạn (Sumangala) con gái ông Tu Đạt Đa (Sudatta), hoặc cô Nguyệt Thượng (Candrottarā) con ngài Duy Ma Cật (Vimalakīrti).
“Đoan chánh”: Tiếng Phạn là A Ba La Đề Mục Già (Apratimu-kha), phương này dịch là Đoan Chánh (端正). Biệt Hành Sớ viết: “Nữ nhân đoan chánh là khởi đầu của bảy đức”. Nhưng đoan chánh mà thiếu phước tướng thì hoặc là sớm mồ côi, hay sớm ở góa, tài lộc chẳng bền! Nay nói rõ diện mạo và tướng phù hợp, càng hiển lộ đức của người ấy. Đoan chánh ắt được chồng sủng ái, cũng như được tài lộc, kính trọng. Nếu yêu thương kèm theo khinh mạn, sao có thể gọi là đức? Yêu thương, kính trọng, cho nên gọi là “tướng”. Nay đã đoan chánh viên mãn, tướng càng mầu nhiệm trọn khắp vậy!
3.2.3.1.1.2.2.2.1.3.1.1.1.1.3.2.3. Kết thành (tiểu kết phần thành tựu này)
(Kinh) Do chí tâm cố, chiêm lễ Địa Tạng Bồ Tát, hoạch phước như thị.
(經)由志心故,瞻禮地藏菩薩,獲福如是。
(Kinh: Do chí tâm kiên cố, chiêm ngưỡng, lễ bái Địa Tạng Bồ Tát bèn đạt được phước như thế).
Hai chữ “chí tâm” nghĩa sâu, ý trọng, xuyên suốt phần trước lẫn phần sau, chớ nên xem nhẹ. Phàm một người chuyển đổi quả báo, đúng là chuyện chẳng dễ dàng! Ví như một gã nông dân bỗng đến trước tòa vua, như kẻ sống trong nhà xí chợt lên cung trời. Phước đột ngột [như sấm nổ] giữa đất bằng chẳng thể nào suy lường được! Nay đạt được phước, đúng là do chí tâm. “Chí” (志) là tâm đạt tới. Người nữ xấu xí ấy dùng chiêm ngưỡng, lễ bái để cảm, ngài Địa Tạng dùng từ lực để ứng, đều là tâm. Nếu đối với mỗi chuyện đều quen tánh so đo chẳng quên thì Năng lẫn Sở rạch ròi, phàm thánh khác nẻo, làm sao có thể cảm ứng đạo giao, chuyển báo, đạt phước cho nổi? Chỉ có trong lúc chiêm ngưỡng, lễ bái, hiểu rõ Năng lẫn Sở đều Không, cho nên trong khi cảm ứng, sẽ đạt đến Giả và Trung chẳng thể bàn, cho nên người đàn bà xấu xí chẳng hai, chẳng khác đức Địa Tạng, hoàn toàn do công của chí tâm. Vì thế, kinh Tăng Nhất A Hàm nói: “Nhược dục lễ Phật giả, đương lai cập quá khứ, đương quán không, vô pháp, thị danh lễ Phật nghĩa” (Nếu kẻ muốn lễ Phật thì hãy quán tương lai và quá khứ đều là không, chẳng có pháp. Đó là ý nghĩa việc lễ Phật). Chớ nên không biết bảy loại lễ[8] của Lặc Na Tam Tạng!
3.2.3.1.1.2.2.2.1.3.1.1.1.1.4. Kỹ nhạc, tán cúng phước (phước do dùng âm nhạc để tán thán, cúng dường)
(Kinh) Phục thứ Phổ Quảng! Nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân, năng đối Bồ Tát tượng tiền, tác chư kỹ nhạc, cập ca vịnh, tán thán, hương, hoa cúng dường, nãi chí khuyến ư nhất nhân, đa nhân.
(經)復次普廣!若有善男子,善女人,能對菩薩像前,作諸伎樂,及歌詠讚歎,香花供養,乃至勸於一人多人。
(Kinh: Lại này Phổ Quảng! Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân, có thể đối trước tượng Bồ Tát, tấu các kỹ nhạc, và ca, vịnh, dùng hương, hoa cúng dường, cho đến khuyên một người hay nhiều người).
Đoạn kinh văn này chia thành hai tiểu đoạn:
– Đoạn đầu nói về căn cơ có thể cúng dường.
– Từ chữ “như thị” (như thế) trở đi, [nói về] phước đạt được.
“Năng” (người có thể cúng dường) là người tin tưởng, tốt lành, thật sự thực hiện. Lòng tin chẳng chân thật, sẽ chẳng thể làm được! Sách Thuyết Văn Giải Tự giảng chữ Kỹ (伎) nếu do Nữ (女) và Chi (支) ghép lại [tức chữ Kỹ (妓)] thì có nghĩa là “phụ nữ làm nhạc công sử dụng những nhạc khí nhỏ”. Từ Nhân (人) [và Chi (支) ghép thành Kỹ (伎)] thì có nghĩa là “cho”. Nhạc là chuyện trọng yếu của bậc thiên tử, có thể quan sát, khảo cứu phong tục [để chế định lễ nhạc tương ứng], khiến cho dân chúng gột sạch những thứ xấu xa, tà vạy. Vì thế, lễ nhạc chẳng thể rời thân dẫu chỉ khoảnh khắc! Như Lễ Ký có nói: “Quỳ thỉ chế nhạc dĩ thưởng chư hầu. Tự Hoàng Đế hàm trì dĩ hạ, đại chế ư nhạc” (Quỳ (tên nhạc quan của vua Thuấn) bắt đầu chế nhạc để thiên tử thưởng cho chư hầu. Từ khúc nhạc Hàm Trì[9] của Hoàng Đế trở đi, các đời đều chế nhạc). Bất quá, đấy là dựa theo cõi này mà nói như vậy đó thôi!
“Ca vịnh”: Sách Thượng Thư viết: “Thi ngôn chí, ca vịnh ngôn” (thơ nhằm diễn tả chí, ca hát để lời lẽ trong thơ được lan truyền)[10]. Trong phần lời Tựa cho kinh Thi đã viết: “Tình dấy động bên trong, hình thành lời lẽ. Do ngôn từ chẳng đủ để diễn tả, bèn than thở. Do than thở vẫn chẳng đủ, bèn ca vịnh”. “Ca” (歌) là âm thanh của nhạc, trực tiếp diễn tả đức ấy. Theo Sơn Hải Kinh, tám đứa con của Đế Tuấn[11] [là những người] khởi đầu ca hát. Nếu nói theo giáo của chúng ta (đạo Phật) thì là Phạm Bái. Bái (唄) của phương Tây giống như phương Đông có Tán. “Tán” (讚) là theo lời văn mà kết thành chương khúc; còn Bái là dùng những bài kệ ngắn để ca tụng. Hai chuyện này tuy tên gọi khác nhau, nhưng ý nghĩa thật sự đồng nhất. Nay đã tấu nhạc ngũ thanh, bát âm[12], cùng ngân nga ca vịnh, tán thán, lại còn bày hương, hoa, các vật cúng dường. Không chỉ là tự mình tin tưởng thực hiện, mà lại còn khuyên khắp những người khác làm theo, hoặc một người hay nhiều người, tùy duyên chuyển hóa.
(Kinh) Như thị đẳng bối, hiện tại thế trung, cập vị lai thế, thường đắc bách thiên quỷ thần, nhật dạ vệ hộ, bất linh ác sự triếp văn kỳ nhĩ, hà huống thân thọ chư hoạnh.
(經)如是等輩,現在世中,及未來世,常得百千鬼神,日夜衛護,不令惡事輒聞其耳,何況親受諸橫?
(Kinh: Những người như thế, trong đời hiện tại và đời mai sau, thường được trăm ngàn quỷ thần, ngày đêm bảo vệ, chẳng để chuyện ác đột ngột lọt vào tai họ, huống hồ là đích thân hứng chịu những chuyện ngang trái ư?)
Người như thế đáng nên được phước. Vì thế nói “như thị đẳng bối” (hạng người như thế). Nhưng tấu nhạc cúng dường tượng, cớ sao lại được quỷ thần bảo vệ? Lễ Ký viết: “Lễ nhạc chi hành hồ Âm Dương, thông hồ quỷ thần” (Lễ nhạc vận chuyển Âm, Dương, cảm thông quỷ thần). Sách Hán Thư chép: “Nhạc là thứ thánh nhân dùng để cảm trời đất, thông quỷ thần”; huống chi Càn Thát Bà và Khẩn Na La đều là nhạc thần của thiên đế. Nay đã dùng âm nhạc để ca vịnh đức Địa Tạng, lẽ nào chẳng cảm Đế Thích sai Càn Thát Bà và Khẩn Na La bảo vệ ư?
Nhưng “chuyện ác chẳng nghe lọt vào tai” lại do đâu mà đạt được như thế? Thưa: Chẳng nghe sách Lễ Ký đã nói đó ư? “Phù nhạc, thanh minh tượng thiên, quảng đại tượng địa, chung thỉ tượng tứ thời, châu toàn tượng phong vũ” (Nhạc trong sáng giống như trời, rộng lớn giống như đất, từ đầu đến cuối giống như bốn mùa, xoay chuyển trọn khắp giống như gió, mưa). Nay đã tấu nhạc cúng dường tượng, tự nhiên sẽ cảm vời khí tượng trong sáng của trời đất, bốn mùa điều hòa, mưa gió đúng thời, làm sao có chuyện ác bỗng dưng nghe lọt vào tai cho được? Vì thế nói Nhạc có nghĩa là Lạc (vui). Quân tử vui do thấu đạt đạo, tiểu nhân vui do đạt được điều ham muốn. Huống chi nay đạt được phước, thật sự là do tín tâm mà có, lẽ nào còn đích thân hứng chịu các thứ ngang trái ư? Nếu dựa theo kinh Pháp Hoa nói: Dùng kỹ nhạc để ca tụng đức, mở ra nghiệp nhân thiên, tự nhiên đáng nên sớm thành Phật đạo!
ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH KHOA CHÚ
[1] Quang Trạch (467-529) là một vị Tăng thời Nam Triều, pháp hiệu là Pháp Vân, do trụ trì chùa Quang Trạch ở Giang Tô, nên thường gọi là Quang Trạch. Sư giỏi giảng kinh Pháp Hoa, có soạn bộ Pháp Hoa Kinh Nghĩa Ký, hay còn gọi là Quang Trạch Sớ. Những lời phê phán trên đây đều do ngài Linh Thừa trích từ sách Pháp Hoa Văn Cú của tổ Trí Giả.
[2] Chân Cang (真剛) là tên một thanh bảo kiếm thời cổ. Theo truyền thuyết, vua nước Việt là Câu Tiễn đã dùng ngựa trắng và trâu trắng tế thần núi Côn Ngô, sai người lấy sắt từ núi đó, đúc thành tám thanh kiếm báu: Yểm Nhật, Đoạn Thủy, Chuyển Phách, Huyền Tiễn, Kinh Nghê, Diệt Hồn, Khước Tà, và Chân Cang. Về sau, từ ngữ này (Chân Cang) thường được dùng để chỉ những thứ tinh luyện, sắc bén vô song. Vì lẽ đó, khi Triệu Cao thao túng chánh quyền nhà Tần sau khi Tần Thủy Hoàng chết, đã lập ra một đội sát thủ (gọi là Lục Kiếm Nô), dùng Chân Cang để đặt tên cho một thủ lãnh của bọn sát thủ này.
[3] Do ngài Kinh Khê Trạm Nhiên (tổ thứ sáu của tông Thiên Thai) trụ tích tại chùa Diệu Lạc ở Thường Châu để giảng kinh Pháp Hoa, nên người thời ấy gọi Ngài là Diệu Lạc đại sư. Những câu nói của Ngài khi được ghi là “Diệu Lạc nói” trong suốt bộ Khoa Chú này đều trích từ bộ Pháp Hoa Văn Cú Ký của Ngài.
[4] Hư Không Khố Tạng, tức là Hư Không Tạng Bồ Tát (Ākāśagarbha), còn được dịch là Hư Không Dựng, Hư Không Quang v.v… Mật hiệu là Khố Tạng Kim Cang, là một trong tám vị đại Bồ Tát được tôn sùng nhất trong Phật giáo Đại Thừa (Văn Thù, Phổ Hiền, Quán Âm, Kim Cang Thủ (hoặc Đại Thế Chí), Hư Không Tạng, Địa Tạng, Di Lặc, và Trừ Cái Chướng). Ngài biểu thị trí huệ, công đức và của cải vô lượng như hư không. Ngài thường được tạc tượng như sau: Thân có màu chất báu, đầu đội mũ báu Ngũ Phật. Tay phải cầm huệ kiếm báu tỏa đủ màu. Tay trái đặt cạnh hông, cầm hoa sen báu. Trên hoa có Như Ý bảo châu. Trong Thai Tạng Giới Mạn Đà La, Ngài có một viện riêng gọi là Hư Không Tạng Viện, và làm tôn chủ của viện ấy. Còn trong Kim Cang Giới Mạn Đà La, Ngài được gọi là Kim Cang Tràng Bồ Tát.
[5] Tằng Thái chỉ có nghĩa là các loại lụa, hay the lượt năm màu, dùng dâng cúng. Do trong các tự viện, nhất là tự viện của Tây Tạng, họ thường dùng lụa thêu hoa văn có năm màu, kết thành những chiếc lọng dài, có nhiều lớp may nhún lại, mỗi lớp một màu, nên chúng tôi tạm dịch là “lọng lụa”.
[6] Mô Mẫu (嫫母) là thứ phi của Hiên Viên Hoàng Đế. Bà là người cực xấu thời đó, Sử chép bà trán dồ, mũi gẫy, béo phục phịch, da đen như sơn, nhưng tột bậc hiền huệ. Khi nguyên phi là Luy Tổ bệnh nặng qua đời, Hoàng Đế cử bà chưởng quản hậu cung, trông nom việc tế tự.
Vô Diêm Nữ là Chung Ly Xuân, còn gọi là Chung Vô Diệm (鍾無艷), quê ở Vô Diêm (無鹽, nay là thôn Vô Diêm, huyện Bình, tỉnh Sơn Đông). Sử chép bà cực xấu xí, trán lồi, xương to, thân thể cục mịch, to lớn như đàn ông, mũi huếch, bụng phệ, hầu lộ, tóc thưa thớt, da đen kịt, bốn mươi tuổi vẫn chưa lấy chồng. Về sau, bà đến ra mắt Tề Tuyên Vương (Điền Tích Cương), vạch ra bốn điều đáng lo ngại cho nước Tề, khiến Tề Tuyên Vương tỉnh ngộ, bãi bỏ nữ nhạc, đuổi bọn quan lại xua nịnh, nghe lời can gián, huấn luyện binh mã, tiết kiệm quốc khố. Vua bèn lập bà thành vương hậu, dùng bà làm cố vấn trị quốc. Đến đời Nguyên, Trịnh Quang Tổ là một nhà soạn hý khúc (tuồng hát), đã soạn tuồng Xú Nữ Tề Hậu Vô Diêm Liên Hoàn, tô vẽ bà như một người văn võ toàn tài, vốn là tiên nữ mắc đọa mà mang hình dáng xấu xí, trực tiếp cầm binh đánh dẹp các nước chư hầu đối nghịch, khiến cho Tề Tuyên Vương trở thành bá chủ chư hầu thời đó.
[7] Nguyên Huân (元勳) là danh từ khác để gọi các bậc khai quốc công thần, hoặc những người có công lao rất lớn đối với vương triều.
A Hành (阿衡): Vốn là một chức quan được lập ra từ đời Thương, có vai trò kiêm nhiệm cả Thái Sư lẫn Thái Bảo. Về sau, A Hành được dùng dể chỉ các vị cố vấn cao cấp của nhà vua hoặc Tể Tướng.
[8] Ngài Lặc Na Tam Tạng (Ratnamati) do thấy dân chúng ở phương Bắc không có thói quen lễ Phật, bèn chỉ ra bảy loại lễ:
1. Ngã mạn lễ: Thân tuy lễ bái, chẳng có tâm cung kính, bề ngoài ra vẻ cung kính, trong tâm ngã mạn.
2. Cầu danh lễ: Muốn có được tiếng thơm là người tu hành siêng năng, giả dối hiện oai nghi lễ bái.
3. Thân tâm lễ: Miệng niệm danh hiệu Phật, tâm tưởng tướng hảo, công đức của Phật, thân cung kính hành lễ, không có niệm nào khác.
4. Trí tịnh lễ: Huệ tâm sáng suốt, nhạy bén, đạt tới cảnh giới của Phật, trong tâm thanh tịnh, rỗng rang, vô ngại. Khi lễ một vị Phật chính là lễ hết thảy chư Phật trong mười phương pháp giới.
5. Biến nhập pháp giới lễ: Các pháp như thân, tâm, đều chẳng lìa pháp giới sẵn có. Lễ một lễ bèn trọn khắp pháp giới. Tâm ta chẳng lìa Phật, tánh tướng bình đẳng, vốn chẳng có tăng hay giảm.
6. Chánh quán tu thành lễ: Tuy nhiếp tâm nơi chánh niệm, lễ thân Phật chẳng khác lễ thân chính mình, thấy hết thảy chúng sanh có Phật tánh bình đẳng với Phật. Hiểu rõ lý chúng sanh và Phật bình đẳng, chỉ do mê hay giác mà sai khác.
7. Thật Tướng bình đẳng lễ: Cách lễ trên đây còn có lễ và quán tách rời, tự và tha khác biệt; còn trong cách lễ này chẳng có tự lẫn tha, phàm và thánh như một, Thể và Dụng bất nhị v.v…
[9] Hàm Trì (咸池) vốn là nơi mặt trời lặn xuống theo thần thoại cổ Trung Hoa. Do đó khi vua mất, cũng gọi là “hàm trì”. Nhưng Trịnh Huyền chú giải Hàm Trì ở đây là một khúc nhạc do Hoàng Đế đặt ra. Về sau, vua Nghiêu có tăng bổ thêm.
[10] Chúng tôi dịch câu này theo cách diễn giải của từ điển trực tuyến Baidu.
[11] Đế Tuấn (帝俊) là vua cõi trời thời thượng cổ trong thần thoại Trung Hoa. Đế Tuấn và vợ là Hy Hòa (羲和) đẻ ra mười mặt trời, cùng với vợ lẽ là Thường Hy (常羲) đẻ ra mười hai mặt trăng. Mười mặt trời chính là mười con quạ vàng ba chân. Theo các nhà nghiên cứu, Đế Tuấn chính là thị tộc tổ của các sắc dân Đông Di và Bách Việt (nói cách khác, Đế Tuấn là nhân cách hóa của chim thiêng, vật tổ của các dân tộc ấy). Đế Tuấn lại còn sanh ra Hắc Xỉ (răng đen), U Cốc (hang tối), Đế Điểu, Yến Long v.v… Những người này trở thành thỉ tổ của các quốc gia tương ứng.
[12] Ngũ Thanh là năm âm, tức năm notes nhạc cơ bản: Cung, Thương, Giốc, Chủy, Vũ. Bát âm là âm thanh từ các nhạc khí được phân loại dựa theo chất liệu:
– Kim là các nhạc khí chế bằng kim loại như biện chung (dàn chuông), não bạt, thanh la, cồng, chiêng, khánh, lục lạc v.v…
– Thạch là các nhạc khí bằng đá hoặc phần chính yếu để phát ra âm thanh bằng đá như biện khánh…
– Thổ: Nhạc khí làm bằng đất như huân (sáo đất, ocarina), phẫu…
– Cách: Nhạc khí có màng rung bằng da như các loại trống.
– Ty: Nhạc khí dùng dây như các loại đàn nhị, đàn tranh, cổ cầm, không hầu (harp) v.v…
– Mộc: Nhạc khí bằng gỗ như mõ, phách, ngữ (có hình dáng hổ, hay kỳ lân, trên lưng có nhiều mấu nổi lên, người diễn tấu dùng thanh gỗ chà lên để phát ra âm thanh soàn soạt) v.v…
– Bào: Các loại nhạc khí dùng quả bầu làm phần cộng hưởng như sênh, vu (loại sênh lớn), hồ lô ty v.v…
– Trúc: Các nhạc cụ làm bằng tre như tiêu, địch, quản, trì v.v…