ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH KHOA CHÚ
Đường Tam Tạng sa-môn Thật Xoa Nan Đà dịch
Cổ Diêm Khuông Am Thanh Liên bật-sô Linh Thừa soạn
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
3.2.3.1. Hóa chủ phóng quang tán thán (đức giáo hóa chủ phóng quang minh, khen ngợi)
3.2.3.1.1. Thế Tôn tán thán công đức (đức Thế Tôn khen ngợi công đức)
3.2.3.1.1.1. Phẩm đề (tên gọi của phẩm kinh)
(Kinh) Như Lai tán thán, phẩm đệ lục.
(經)如來讚歎,品第六。
(Kinh: Phẩm thứ sáu: Như Lai tán thán).
3.2.3.1.1.2. Phẩm văn (kinh văn trong phẩm này)
3.2.3.1.1.2.1. Như Lai tán thán từ bi sự (đức Như Lai tán thán chuyện từ bi)
3.2.3.1.1.2.1.1. Tự quang thanh xưng thán (trần thuật chuyện phóng quang và phát ra âm thanh ca ngợi)
(Kinh) Nhĩ thời, Thế Tôn cử thân phóng đại quang minh, biến chiếu bách thiên vạn ức Hằng hà sa đẳng chư Phật thế giới.
(經)爾時,世尊舉身放大光明,徧照百千萬億恆河沙等諸佛世界。
(Kinh: Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn khắp thân tỏa quang minh to lớn, chiếu trọn khắp trăm ngàn vạn ức các thế giới nhiều như cát sông Hằng).
Trong phần trên đã nói về đấng hóa chủ và căn cơ được hóa độ đã xong, đức Thế Tôn bèn thừa dịp tán thán, hòng nói rõ cái duyên độ thoát, cho nên nói là “nhĩ thời” (lúc bấy giờ). Toàn thân phóng quang minh, hiển thị đại địa cùng thành trí địa, thâu tóm quần sanh đều nhập Vô Sanh. Như trong kinh Đại Phẩm Bát Nhã có nói: Từ tướng bánh xe ngàn căm dưới chân, tỏa ra sáu trăm vạn ức quang minh. Từ mười ngón chân, hai mắt cá chân, đầu gối, gót chân, bắp đùi, eo, bụng, lưng, rốn, tim, ngực, vai, cánh tay, ngón tay, cổ, miệng, răng, lỗ mũi, mắt, tai, tướng bạch hào, và nhục kế, mỗi nơi đều tỏa ra sáu trăm vạn ức quang minh. Từ các luồng sáng ấy, tỏa ra các vầng quang minh to lớn chiếu trọn khắp các thế giới chư Phật trong mười phương nhiều như cát sông Hằng. Nếu chúng sanh gặp quang minh ấy, ắt đắc A Nậu Bồ Đề (Vô Thượng Chánh Giác). Nay quang minh được tỏa ra cũng giống như thế, cho nói “khắp thân phóng đại quang minh, chiếu trọn khắp vạn ức các cõi nhiều như cát”.
(Kinh) Xuất đại âm thanh, phổ cáo chư Phật thế giới nhất thiết chư Bồ Tát Ma Ha Tát, cập thiên, long, quỷ, thần, nhân phi nhân đẳng.
(經)出大音聲,普告諸佛世界一切諸菩薩摩訶薩,及天龍鬼神,人非人等。
(Kinh: Phát ra âm thanh to lớn, bảo khắp hết thảy các vị Bồ Tát Ma Ha Tát và trời, rồng, quỷ, thần, người, phi nhân v.v… trong các thế giới của chư Phật).
“Đại âm thanh” chính là tướng Phạm thanh trong ba mươi hai tướng. Luận Tân Tỳ Bà Sa nói: “Phạm thanh của Như Lai: Trong cổ họng của Phật có đại chủng mầu nhiệm, có thể nói các phạm âm hòa nhã, vui đẹp lòng người như chim Yết La Tần Già (chim Ca Lăng Tần Già), và phát ra âm thanh như sấm rền vang xa, như tiếng trống của Đế Thích”. Đại Luận nói: “Như năm thứ tiếng của Phạm Thiên Vương, từ miệng phát ra: Một là rất sâu như sấm. Hai là trong trẻo, thấu triệt, có thể nghe được rất xa, người nghe vui sướng. Ba là nghe lọt vào tâm, [người nghe] sanh lòng kính yêu. Bốn là trọn vẹn chắc thật, dễ hiểu. Năm là người nghe muốn nghe chẳng chán”. Vì thế nói là “xuất đại âm thanh”. “Cáo chư Bồ Tát” (bảo các Bồ Tát): Nhằm lưu thông kinh này, cho nên bảo trời, rồng v.v… hãy ủng hộ kinh này.
(Kinh) Thính ngô kim nhật xưng dương tán thán Địa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát, ư thập phương thế giới, hiện đại bất khả tư nghị, oai thần từ bi chi lực, cứu hộ nhất thiết tội khổ chi sự.
(經)聽吾今日稱揚讚歎地藏菩薩摩訶薩,於十方世界,現大不可思議,威神慈悲之力,救護一切罪苦之事。
(Kinh: Nghe ta ngày nay xưng dương, tán thán Địa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát, trong mười phương thế giới, hiện sức oai thần từ bi to lớn chẳng thể nghĩ bàn để làm chuyện cứu vớt, che chở hết thảy kẻ tội khổ).
“Thính” (nghe) là do sức của tai. Đối với loài người, sự dụ hoặc bên ngoài phần nhiều là do mắt tiếp xúc; nhưng không lọt sâu vào lòng người bằng tai nghe. “Nghe” tạo hữu ích cho mọi người cũng nhiều. Vì sao? Nhìn thì tán loạn, mà nghe thì tập trung. Cổ nhân đã khéo khế hợp lý này, đã tạo chữ Thính (聽) do Nhĩ (耳, tai), Đĩnh (𡈼, tốt lành), và Đắc (悳, tâm thẳng thắn) ghép lại, hàm ý: Hễ tai nghe thì những gì được nghe là đức, tâm làm chủ. Vì thế, cần phải gom cái nhìn lại, xoay trở lại cái nghe, hãy nghe ta ngày nay xưng dương, tán thán.
Chữ Hiện (現) ở đây có nghĩa là “khởi lên”. Tuy biết các pháp vô tánh, Phật chủng vẫn do duyên khởi. Chúng sanh do nhân này mà cảm, đức Địa Tạng do duyên này mà ứng. “Đại”: Tánh ấy rộng lớn, dung nạp rất nhiều. Đại sư tử hống, lợi ích to lớn cho thánh lẫn phàm. “Bất khả tư nghị” (chẳng thể nghĩ bàn): Ba thứ Thể, Tướng, và Dụng đều chẳng thể nghĩ bàn. Toan nói về chúng thì ngôn từ chỉ tổn thương sự thật. Toan nghĩ suy thì suy nghĩ khiến sự thật bị vùi lấp. Vì sao? Đã nói “các pháp vô tánh”, tức là chẳng có bốn tánh[3] để suy lường. Đã thế, Phật chủng là do duyên [sanh khởi] hòng đạt được lợi ích Tứ Tất Đàn. Ở đây, Dụng khởi từ Thể, Dụng còn ngầm khế hợp Lý. Thể nhờ vào Dụng để hiển lộ, mà bản thân của Thể thì không tịch. Thể chính là Dụng, Dụng chính là Thể, tùy ý ban bố, cứu bạt. “Thể, Dụng” chính là chẳng phải Thể và Dụng, ban bố và cứu bạt chẳng phải là ban bố và cứu bạt. Đấy chính là lợi ích Tất Đàn chỉ riêng Viên Giáo mới có, cho nên nói “đại bất khả tư nghị oai thần chi lực” (sức oai thần to lớn chẳng thể nghĩ bàn). Nhưng đạo từ bi, cứu bạt làm đầu, hoài bão của Bồ Tát lấy xót thương cứu tế làm Dụng, thường ứng hiện trọn khắp địa ngục, thay họ chịu khổ. Vì thế nói “cứu hộ nhất thiết tội khổ chi sự” (cứu vớt, che chở hết thảy các chuyện tội khổ).
3.2.3.1.1.2.1.2. Lệnh phương tiện hộ kinh (dạy [các vị Bồ Tát và đại chúng] hãy phương tiện hộ trì kinh này)
(Kinh) Ngô diệt độ hậu, nhữ đẳng chư Bồ Tát đại sĩ, cập thiên, long, quỷ, thần đẳng, quảng tác phương tiện, vệ hộ thị kinh, linh nhất thiết chúng sanh, chứng Niết Bàn lạc.
(經)吾滅度後,汝等諸菩薩大士,及天龍鬼神等,廣作方便,衛護是經,令一切眾生,證涅槃樂。
(Kinh: Sau khi ta diệt độ, hàng Bồ Tát đại sĩ các ông, và hết thảy trời, rồng, quỷ, thần v.v… hãy tạo phương tiện rộng rãi để bảo vệ, hộ trì kinh này, khiến cho hết thảy chúng sanh chứng niềm vui Niết Bàn).
Kinh Đại Thừa nói Như Lai thật sự chẳng rốt ráo nhập Niết Bàn, nay [đức Phật] nói “ngô diệt độ hậu” (sau khi ta diệt độ) là vì lẽ nào? Ấy là vì củi căn cơ đã hết, lửa ứng hóa bèn tắt, thuận theo [lời thỉnh cầu của ma vương] Ba Tuần mà thị hiện diệt độ. Đối với phương tiện mà nói là “quảng tác” (rộng thực hiện) vì phương tiện chính là công cụ để thực hiện nhị lợi (tự lợi và lợi tha) của bậc Bồ Tát, chẳng thể tạm lìa trong khoảnh khắc!
Do vậy, kinh Duy Ma Cật nói: “Vô phương tiện, huệ phược. Hữu phương tiện, huệ giải” (Không phương tiện thì huệ bị trói buộc. Có phương tiện thì huệ được cởi gỡ), ý nói: Chẳng dùng cái tâm ái kiến để trang nghiêm cõi Phật, thành tựu chúng sanh. Dùng pháp Không, Vô Tướng, Vô Tác pháp để tự điều phục mà chẳng chán, nhàm; đó gọi là “huệ giải có phương tiện”. Không có [phương tiện] thì bị trói buộc.
“Khuyên bảo vệ, hộ trì kinh này” do kinh này là thuốc tốt lành của chúng sanh. Ví như Chiên Đàn có thể trị bệnh của mọi người, hết thảy chúng sanh không ai chẳng mong có được. Có người có được nhiều cây hương Chiên Đàn, bó thành củi đem bán, chẳng có ai mua! Kinh này có thể khiến cho mọi người đắc đạo, không ai chẳng đắc độ. Sau khi ta nhập Niết Bàn, lưu lại kinh này trong thế gian, chẳng có ai nhìn tới, cũng giống như Chiên Đàn bó thành củi đem bán, chẳng có ai mua. Vì thế, đối với pháp, phải rộng tạo phương tiện, bảo vệ, hộ trì lưu thông, khiến cho hết thảy chúng sanh tội khổ sẽ lấp nguồn vô minh, nhổ rễ sanh tử, thoát khỏi ác đạo tam đồ, chứng Tam Đức tịch quang, ngõ hầu chẳng cô phụ sức từ bi oai thần, cũng như tấm lòng cứu vớt bảo vệ bọn tội khổ của bậc Đại Sĩ.
3.2.3.1.1.2.2. Phổ Quảng thỉnh lợi ích sự (Phổ Quảng thưa hỏi về chuyện lợi ích)
3.2.3.1.1.2.2.1. Đương cơ thỉnh thuyết (bậc đương cơ thỉnh Phật dạy bảo)
(Kinh) Thuyết thị ngữ dĩ, hội trung hữu nhất Bồ Tát, danh viết Phổ Quảng, hiệp chưởng, cung kính, nhi bạch Phật ngôn.
(經)說是語已,會中有一菩薩,名曰普廣,合掌恭敬,而白佛言。
(Kinh: Nói lời ấy xong, trong hội có một vị Bồ Tát tên là Phổ Quảng, chắp tay, cung kính, mà bạch đức Phật rằng).
Đoạn này chia thành hai tiểu đoạn. Phần đầu là người trùng tuyên bộ kinh này trần thuật oai nghi; từ chữ “kim kiến” (nay thấy) trở đi là phần tán thán, xin nói về lợi ích. Có một vị Bồ Tát liền vâng mạng làm người bảo vệ kinh này, tên Ngài là Phổ Quảng. Từ tâm phát khởi trí, trí trọn khắp pháp giới là Phổ. Dùng trí hướng dẫn hạnh, hạnh tròn đầy hư không là Quảng. Tâm là cảnh thể (bản thể của cảnh), Phổ Quảng là Dụng. Tâm tức là Pháp Thân, Phổ là Bát Nhã, Quảng tức Giải Thoát, do Đại Sĩ chứng Tam Đức (Pháp Thân, Bát Nhã, Giải Thoát) đã lâu, rộng cứu giúp quần sanh. Tuy Dụng chẳng lìa Thể, nhưng Thể lại cậy vào Dụng để hiển lộ; do đó, dùng Dụng để đặt tên. Nếu nói rộng chuyện ấy, sẽ giống như Thập Phổ của đức Quán Âm[4].
(Kinh) Kim kiến Thế Tôn tán thán Địa Tạng Bồ Tát, hữu như thị bất khả tư nghị đại oai thần đức.
(經)今見世尊讚歎地藏菩薩,有如是不可思議大威神德。
(Kinh: Nay thấy đức Thế Tôn tán thán Địa Tạng Bồ Tát, có công đức oai thần to lớn chẳng thể nghĩ bàn như thế).
Từ “kim kiến” (nay thấy) trở đi, trước hết, nhắc lại lời tán thán oai đức trong phần trên. Đại Luận viết: “Hỏi: Chư Phật thoát khỏi tam giới, chẳng chấp thế gian, chẳng có Ngã và Ngã Sở, thấy ngoại đạo, kẻ ác, Bồ Tát, và A La Hán bình đẳng giống hệt như nhau, chẳng khác. Vì sao tán thán Bồ Tát? Đáp: Phật tuy chẳng có tôi, ta, chẳng có ghét, yêu, đối với hết thảy các pháp tâm chẳng chấp trước, thương xót chúng sanh, dùng tâm đại từ bi hướng dẫn hết thảy. Vì thế, phân biệt: Đối với người lành bèn tán thán, cũng là vì muốn phá những điều ác ma mong mỏi. Do đức Phật tán thán mà vô lượng chúng sanh yêu thích Bồ Tát, cung kính, cúng dường. Về sau đều thành tựu Phật đạo. Do vậy, chư Phật tán thán Bồ Tát”. Vì sao tán thán? Do Địa Tạng Bồ Tát từ kiếp lâu xa đến nay có thể quán các pháp rốt ráo là Không, mà cũng có thể khởi tâm đại từ bi đối với chúng sanh. Hành Sanh Nhẫn, chẳng thấy chúng sanh. Hành Pháp Nhẫn, chẳng chấp các pháp. Tuy biết Niết Bàn là thật pháp (pháp chân thật) vô thượng, nhưng chẳng chấp giữ chứng đắc. Tuy biết chúng sanh như huyễn, như hóa, mà có thể khởi lên thân, khẩu, ý nghiệp [cứu độ], có thể nói là chí nguyện mênh mông. Có đại bi tâm, làm chuyện như thế, thật là hiếm có!
(Kinh) Duy nguyện Thế Tôn, vị vị lai thế Mạt Pháp chúng sanh, tuyên thuyết Địa Tạng Bồ Tát lợi ích nhân thiên nhân quả đẳng sự, sử chư thiên long bát bộ, cập vị lai thế chúng sanh, đảnh thọ Phật ngữ.
(經)唯願世尊,為未來世末法眾生,宣說地藏菩薩利益人天因果等事,使諸天龍八部,及未來世眾生,頂受佛語。
(Kinh: Kính mong đức Thế Tôn vì chúng sanh đời Mạt Pháp trong vị lai mà tuyên nói những chuyện nhân quả lợi ích trời, người v.v… của Địa Tạng Bồ Tát, khiến cho trời, rồng tám bộ và chúng sanh đời vị lai kính vâng lời Phật).
Nay đã thấy đức Thế Tôn tán thán oai thần, công đức to lớn chẳng thể nghĩ bàn của Bồ Tát, nhưng đối với những chuyện như nhân quả lợi ích trời người v.v… càng nguyện [đức Phật] rủ lòng vì đời vị lai [mà dạy bảo cho]. Vì thế, xin đức Phật tuyên nói. Đức Thế Tôn thuyết pháp, chẳng ngoài bàn luận về Thí, Giới, sanh thiên. Chánh tu gọi là Nhân, cái đã đạt được thì gọi là Quả. Những điều được nêu rõ dưới đây đều xét theo phía trời người để chỉ rõ nhân quả. Nếu dạy về Tam Hiền Thập Địa trong Biệt Giáo thì trong các kinh sách của tông này (tông Thiên Thai) đã nói tường tận.
“Thiên, long” là những người có thể cung kính tiếp nhận. “Phật ngữ” là pháp để cung kính tiếp nhận. Trong tâm lãnh nạp là Thọ (受). Trong thân người, đỉnh đầu được coi là tôn quý nhất. Nay nói “đảnh thọ” [nhằm biểu lộ] cung kính tột bậc, tin tưởng sâu xa. Chẳng tiếp nhận Phật ngữ, làm sao có thể nói là Thọ cho được?
3.2.3.1.1.2.2.2. Thế Tôn thùy đáp (đức Thế Tôn rủ lòng giải đáp)
3.2.3.1.1.2.2.2.1. Như Lai chánh đáp (đức Như Lai trả lời thẳng vào vấn đề)
3.2.3.1.1.2.2.2.1.1. Giới thính, hứa thuyết (răn hãy lắng nghe, chấp thuận sẽ nói)
(Kinh) Nhĩ thời, Thế Tôn cáo Phổ Quảng Bồ Tát, cập tứ chúng đẳng: “Đế thính! Đế thính! Ngô đương vị nhữ, lược thuyết Địa Tạng Bồ Tát lợi ích nhân thiên phước đức chi sự”.
(經)爾時,世尊告普廣菩薩,及四眾等:諦聽!諦聽!吾當為汝,略說地藏菩薩利益人天福德之事。
(Kinh: Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn bảo Phổ Quảng Bồ Tát và tứ chúng rằng: “Lắng nghe! Lắng nghe! Ta nay sẽ vì ông nói đại lược những chuyện phước đức lợi ích trời, người của Địa Tạng Bồ Tát”).
Răn bảo “lắng nghe” vì đây là chuyện từ bi oai thần chẳng thể nghĩ bàn! “Phước” là điều thiện giúp cho thiên đạo. Thiện bèn thuận theo trời, hòa khí ngày càng thấm đẫm. Từ chữ Thị (示) và chữ Phúc (畐) [ghép thành chữ Phước (福)], chữ này thuộc loại Hội Ý. “Đắc” (悳) chính là điều thiện vốn sẵn có. Trực tâm là Đắc (悳). Tánh mạng vốn sẵn chánh trực. Công lao dễ dàng, giản dị trong học vấn, thiên sách Hồng Phạm[5] trần thuật ngũ phước là “phước thọ, phú quý, khang ninh (mạnh khỏe bình yên), hảo đức (đức tốt đẹp), khảo chung (chết tốt lành)”. Sách Luận Ngữ dạy ngũ đức là ôn (ôn hòa), lương (thiện lương), cung (cung kính), kiệm (cần kiệm), nhượng (nhún nhường). Nếu xét theo giáo của chúng ta (đạo Phật) thì theo kinh Tứ Thiên Vương, trong sáu ngày trai, sứ giả, thái tử, thiên vương sẽ siêng năng tra xét chúng sanh, xem họ làm chuyện tốt lành hay xấu xa. Nếu trong những ngày đó, giữ tâm trai thanh tịnh, quy ngưỡng, kính lễ, cúng dường Địa Tạng Bồ Tát, chư thiên sẽ sai thiện thần canh gác, bảo vệ môn hộ. Các thứ dịch bệnh hung hiểm, các thứ tà, âm mưu sẽ bị tiêu diệt, đêm chẳng có ác mộng. Quan huyện, giặc cướp, tai biến nước, lửa trọn chẳng gây hại. Đến khi hết tuổi thọ, họ sẽ đón hồn thần của người ấy sanh lên trời. Do phước đức nơi cõi trời, sở nguyện tự nhiên, cung điện bảy báu tùy ý cư trụ. Hết tuổi thọ [nơi cõi trời], sẽ hạ sanh trong nhà vương hầu, diện mạo rạng rỡ, người khác trông thấy sẽ hoan hỷ, gặp Phật, gặp pháp, ắt đạt đến Nê Hoàn (Niết Bàn). Đấy đều là do [tuân thủ] Ngũ Giới, Thập Thiện, thâu liễm tình cảm, khống chế dục vọng. Nếu trong sáu ngày trai mà được như thế thì chính là chuyện phước đức lợi ích trời, người.
3.2.3.1.1.2.2.2.1.2. Thừa chỉ nguyện văn (vâng theo lời dạy, mong được nghe)
(Kinh) Phổ Quảng bạch ngôn: “Dụy nhiên, Thế Tôn! Nguyện nhạo dục văn”.
(經)普廣白言:唯然,世尊!願樂欲聞。
(Kinh: Phổ Quảng bạch rằng: “Thưa vâng đức Thế Tôn! Con nguyện ưa thích nghe”).
Ý nghĩa dễ hiểu.
3.2.3.1.1.2.2.2.1.3. Quảng minh lợi ích (nói cặn kẽ về lợi ích)
3.2.3.1.1.2.2.2.1.3.1. Giáo chủ thuyết lợi ích (đức giáo chủ nói đến lợi ích)
3.2.3.1.1.2.2.2.1.3.1.1. Quảng thuyết lợi ích chi sự (rộng nói những sự lợi ích)
3.2.3.1.1.2.2.2.1.3.1.1.1. Thông thị văn danh đẳng ích (dạy chung những chuyện lợi ích do nghe danh hiệu v.v…)
3.2.3.1.1.2.2.2.1.3.1.1.1.1. Cúng dường đắc phước (do cúng dường mà được phước)
3.2.3.1.1.2.2.2.1.3.1.1.1.1.1. Văn danh tán lễ phước (phước do nghe danh hiệu bèn tán thán, lễ bái)
(Kinh) Phật cáo Phổ Quảng Bồ Tát: – Vị lai thế trung, nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân, văn thị Địa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát danh giả, hoặc hiệp chưởng giả, tán thán giả, tác lễ giả, luyến mộ giả, thị nhân siêu việt tam thập kiếp tội.
(經)佛告普廣菩薩:未來世中,若有善男子,善女人,聞是地藏菩薩摩訶薩名者,或合掌者,讚歎者,作禮者,戀慕者,是人超越三十劫罪。
(Kinh: Đức Phật bảo Phổ Quảng Bồ Tát: “Trong đời vị lai, nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân, nghe danh tự của vị Địa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát này mà hoặc là chắp tay, tán thán, làm lễ, luyến mộ, người ấy sẽ vượt thoát tội trong ba mươi kiếp”).
Người tu thiện được gọi là thiện nam hay thiện nữ. Kẻ làm ác được gọi là ác nam hay ác nữ. Như vua Diêm La răn truyền tội nhân: “Các ngươi nay ra đi, làm con của kẻ khác, hãy nghĩ tưởng hiếu thuận, báo ơn cha mẹ. Đang lúc tuổi trẻ sung sức, hãy nhẫn nại kiêng ác làm lành, dốc lòng tin tưởng Tam Bảo, giữ giới, giữ đạo, tu các công đức. Đừng làm ác nữa, kẻo trở lại nơi đây”. Thiện chính là tinh túy tự nhiên trong bản tánh của con người; nó phát khởi đúng lúc, sẽ tốt đẹp không gì có thể diễn tả được, không một điều [tốt đẹp nào] chẳng phát xuất từ nó. Vì thế, [chữ Thiện (善) dùng chữ Mỹ (美) nhằm giải thích cái tâm, hòng dạy học vấn căn bản cho trời, người. Vì sao lại dùng chữ Nhị (二) và Ngôn (言) để [tạo chữ]? Ngôn là tiếng của tâm. Nói lời thiện thì người khác cũng dùng điều thiện để đáp lại. Tâm mọi người đều cư xử như nhau, có thể thấy được cái tâm của trời. Nay nói do nghe danh hiệu của đức Địa Tạng mà chắp tay v.v… là do được nghe danh hiệu tốt lành. Bởi lẽ, danh hiệu của Đại Sĩ được trang nghiêm bằng vạn hạnh, vạn đức. Từ một niệm tối sơ của tấm lòng hiếu thảo cứu mẹ, trở thành cội nguồn của chuyện phát tâm cứu khổ cho lục đạo, [tâm niệm ấy] sâu rộng không bờ bến! Tới nay đã hơn mười một đại kiếp, nếu muốn phân biệt, dẫu hết một kiếp vẫn chẳng thể trọn hết! Do đó, chắp tay, tán thán, làm lễ v.v… đều vượt thoát tội trong bao kiếp. Như [thần y] Kỳ Bà (Jīvaka) nhặt lấy cỏ, không gì chẳng phải là thuốc, đều có thể trị bệnh. Hết thảy trọn đủ như châu Như Ý, thỏa mãn trọn hết nguyện ấy.
“Chắp tay” biểu thị Quyền và Thật có cùng một Thể: Chín pháp giới là Quyền, Phật giới là Thật. Nay đã khai hiển “chúng sanh và Phật cùng một Thể”; đấy là thân nghiệp cúng dường. Hoặc tán thán tướng hảo vi diệu, hoặc khen ngợi công đức mênh mông, sâu xa; đấy là khẩu nghiệp cúng dường. Dập đầu sát đất, ngũ luân[6] đều trọn, hiểu rõ tánh không tịch, cảm ứng đạo giao, chính là ba nghiệp đều cúng dường. Quyến luyến, ngưỡng mộ khắng khít, tâm niệm chẳng gián đoạn, hoặc tưởng oai đức của Bồ Tát, hoặc giãi bày niềm buồn thương của chính mình; đấy là ý nghiệp cúng dường. Người ấy vừa thoáng nghe danh hiệu Bồ Tát bèn chắp tay, tán thán v.v… đều có thể vượt thoát trọng tội trong ba mươi kiếp, đấy chẳng phải là sức oai thần từ bi chẳng thể nghĩ bàn ư?
ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH KHOA CHÚ
[3] Tứ tánh của mỗi pháp:
- Tự tánh: Như so đo một niệm tâm sanh từ các căn của chính mình.
- Tha tánh: So đo một niệm tâm sanh từ các trần.
- Cộng tánh: Chấp trước niệm tâm do căn và trần cùng sanh ra.
- Ly tánh: Chấp trước tâm niệm chẳng sanh từ căn và trần.
Nói chung, đây là sự suy lường chấp trước dựa theo căn và cảnh.
[4] Từ bi phổ, hoằng thệ phổ, tu hành phổ, đoạn hoặc phổ, nhập pháp môn phổ, thần thông phổ, phương tiện phổ, thuyết pháp phổ, cúng dường chư Phật phổ, thành tựu chúng sanh phổ.
[5] Hồng Phạm (洪範, khuôn phép lớn lao) là một thiên sách trong Thượng Thư (tức kinh Thư). Nội dung của thiên sách này là những lời khuyên dạy của Cơ Tử dành cho Châu Vũ Vương (Cơ Phát) về đại pháp trong trời đất. Về sau, sách Hán Thư đặt ra truyền thuyết: Khi Đại Vũ trị thủy, trời cao đã truyền cho vua thiên sách Hồng Phạm dùng làm cương lãnh cai trị. Cơ Tử tên thật là Tử Tư Dư, thuộc hoàng tộc nhà Thương (tức là con của Đế Văn Đinh), là chú của Đế Tân (Trụ Vương). Ông từng giữ chức Thái Sư, được phong ở đất Cơ (nay là huyện Thái Cốc tỉnh Sơn Tây), nên Sử thường gọi là ông là Cơ Tử. Ông từng khuyên can vua Trụ chăm lo triều chánh, đừng mê đắm dục lạc, nhưng bị Trụ vương cầm tù, phải giả điên để tránh họa sát thân. Khi Châu Vũ Vương phạt Trụ, Châu Vũ Vương đã đón ông về hỏi đạo trị quốc.
[6] Ngũ Luân là Địa, Thủy, Hỏa, Phong, và Không (hư không). Khi đảnh lễ, do năm nơi đều áp sát đất, tức trán, hai bàn tay, hai gối áp sát đất, biểu thị Ngũ Luân không tịch, tâm địa bình đẳng, nhẫn nại như đất.