HỒI KÝ PHÙNG PHÙNG
Hạnh Đoan biên dịch
GIỚI LÀ TỰ NGUYỆN
Có một dạo các nhân sĩ Phật giáo Hồng Kông, Đài Loan, Châu Âu và Hoa Kỳ… sôi nổi thảo luận về đề tài: Tăng, Ni có nên kết hôn hay không?
Mọi khía cạnh của cuộc thảo luận, tôi đã xem qua rất nhiều. Cho dù hai phái (tích cực lẫn tiêu cực) đều có chủ kiến riêng, không cần một kẻ thiển lậu như tôi “nối đuôi chồn làm lông chó” mà chi nữa. Thế nhưng, tôi nghĩ có một số pháp hữu tin thờ Phật rất quan tâm đến việc này, họ rất muốn biết tôi có kiến giải như thế nào, vì vậy tôi cũng làm gan nói mấy câu, nếu có gì không đúng, xin tha thứ!
Tôi là một tục nhân, đối với giáo lý Phật biết không nhiều. Tôi không dám cuồng vọng trích dẫn Phật học pháp điển chi… Nhưng theo tôi biết: Tăng, Ni tu theo Phật; sở dĩ gọi là xuất gia, thì ít nhất là do họ không có gia đình… và sắc dục chính là một trong các Đại giới cấm kỵ, cực kỳ quan trọng của Phật giáo.
Đương nhiên nếu nhìn theo quan điểm của con người mà phán, thì có thể nói: Mọi người đều có quyền tự do quyết định mình nên kết hôn hay không, nên trì giới hay không… và không ai có quyền ép người khác!
Xét theo chủ trương “Có thể kết hôn” của một phái đề ra?… Thì giống như là họ đang trách Phật giáo đang làm điều trái trái đạo bất nhân chi đó? Vì họ nói: “Cấm chế tình dục” là phi nhân đạo, là vi phạm sức khỏe thể chất, là đạo đức giả, là ngụy thiện v.v…
Những lời tuyên bố này mới nghe qua thấy đầy vẻ tân tiến?… Họ còn dẫn chứng vì sao các nhà sư thuộc phái nọ của Nhật Bản vẫn có thể cưới vợ, vừa kết hôn vừa tu, v.v…và v.v…
Tôi là một tục nhân chưa thọ qua giới cấm, tôi không phản đối. Ngay cả Khổng phu tử cũng xem đây là chuyện đại dục của kiếp nhân sinh. Đến Nho gia còn có thuyết: Tội thứ ba là tội không cưới vợ sinh con! Bởi vì: Không có người nối dõi tông đường là tội lớn nhất!
Vấn đề rất đơn giản: Rõ ràng là Phật giáo đâu có ép ai phải xuất gia? Lẽ nào người xuất gia là do họ bị trói, bị ép đưa đi… và bị hăm dọa rằng: Nếu không xuất gia thì sẽ bắn chết hay sao? Hoàn toàn không có điều ấy! Phật giáo tuyệt không cưỡng ép bất kỳ ai xuất gia!
Theo chứng kiến của tôi thì có rất nhiều ngôi tự viện Phật giáo thậm chí còn không dễ dàng đồng ý cho phép một người trẻ đi tu (nếu họ chưa được nếm qua mài luyện, thì chưa cho phép xuất gia).
Giới dâm, giới sắc là một trong các giới trọng yếu của Phật giáo. Thực tế cũng là một chí nguyện, là đương sự tự tình nguyện vâng theo giới điều, đâu ai cưỡng ép? Người xuất gia đã có chí nguyện tu trì: Tu thân độ sinh, họ tự thệ cống hiến đời mình cho đạo pháp, thế thì làm sao có thể trách Phật giáo cấm sắc dục là không thích hợp thời đại, không hợp nhân đạo, như một số giả thuyết nhiều người đang dựng lập, đề ra?
Chuyện này rất đơn giản mà, nếu ai không muốn giữ giới Phật chế thì rất dễ, bởi Phật giáo đâu có ngăn cấm các vị này hoàn tục? Không ai ép buộc cả! Dứt khoát là: Nếu tu mà muốn kết hôn thì có thể hoàn tục, chứ tuyệt đối không nên vừa cưới vợ, vừa tu!
Ai mà ham muốn dâm sắc lẫn muốn làm Phật, là quá sai! Trong kinh Lăng Nghiêm Phật đã nói: Chuyện này giống như nấu cát muốn thành cơm!
Vì vậy, theo tôi đề tài này không cần phải tranh luận, vì hiển nhiên là như thế!
Nếu có người lấy cớ: Tu là phải biết uyển chuyển theo thời đại tân tiến, rồi vin vào lý do đó… để phản bội giới luật căn bản của Phật đã chế, sống trái ngược hoàn toàn với những cấm kỵ Phật đặt ra… chỉ vì họ muốn chìu theo dục vọng ham muốn phàm tục của bản thân, thì đây là điều không thể nào chấp nhận được!
Bên Thiên Chúa giáo có cách cư xử rất hay: Nếu như Linh mục hay Ma sơ nào không muốn giữ giới nữa thì có thể hoàn tục. Năm ngoái tại Mỹ (chỉ trong một năm thôi) ít nhất đã có hơn mười hai ngàn Linh mục và nữ tu đã hoàn tục để kết hôn, bước vào đời sống tự do. Tôi tuyệt không nghe nói Giáo hội tòa Thánh đồng ý sửa giới luật, cho phép tu sĩ kết hôn; cũng chẳng nghe Thiên Chúa giáo bị suy vi hay nhân tài điêu tàn chi… vì không kết hôn!
Phật giáo về mặt tuân thủ giới luật, tương đối xem trọng chuyện tự giác tự nguyện hơn các tôn giáo khác. Quy định phải làm gì, không nên làm gì, tất cả đều do nội tâm người tu tự quyết định!
Theo tôi thấy, nếu muốn bắt chước tính toan theo phương Tây, để làm một cuộc cách mạng tôn giáo và viện đủ lý do: Vì nhân đạo, vì cứu vãn nguy cơ nhân tài Phật giáo suy vi v.v… thì những luận điệu này toàn là mượn cớ để xảo biện mà thôi, đều không nằm ngoài mục đích muốn hưởng thụ tình dục! Xin đừng trách tôi nói thẳng: Tôi không xóa được nghi ngờ với những người dựng lên tà thuyết này! Ai muôn chửi tôi, xin cứ chửi!
Lúc ở Mỹ tôi tình cờ gặp một số Tăng lữ đến tham quan ngôi chùa nọ và cùng ở bên nhau một thời gian. Tôi không thể nói rõ họ là ai (nhưng những lời tôi kể đây hoàn toàn đúng sự thật, không hề vọng ngữ).
Hạng phàm phu thế tục như tôi đây mà hằng ngày ba giờ sáng còn thức dậy để tham dự khóa công phu khuya, nhưng ba-bốn mươi vị Tăng đó, tuyệt không có một người nào chịu thức dậy đi tụng khóa sáng, cũng không ai đả tọa, họ chỉ nằm chơi. Có thể đổ cho là do họ đi đường bị mệt mỏi chăng?
Nhưng ngược lại, những Tăng nhân Mỹ quốc bản địa, họ đều tốt nghiệp Tiến sĩ, nhưng vẫn ném phăng công danh phú quý, từ bỏ hết mọi hưởng thụ giàu sang để tình nguyện bước vào đời sống khổ hạnh thanh tu, sớm tối tinh tấn không lười…
Một phàm phu như tôi ở lẫn trong biển Tăng chúng lúc đó, chứng kiến cảnh này cũng cảm thấy xấu hổ lây. Thật là không có lời để diễn tả!
(Xin đừng chửi tôi sính ngoại, tất nhiên người Tây phương cũng có kẻ làm nhiều điều khiến tôi xem thường). Tôi biết đã là người tại gia thì không nên phê bình tu sĩ, kể ra mấy chuyện này quả thực tôi cũng rất có lỗi, nhưng nếu đã làm tu sĩ mà không thực hành chu toàn bổn phận mình thì ngay cả thần hộ pháp cũng phẫn nộ, chư Phật Bồ tát cũng thất vọng, huống chi tôi chỉ là một phàm phu, làm sao không khỏi bất bình?)
Trong đoàn khách tu sĩ đến tham quan chùa kia, đương nhiên cũng có những vị cao Tăng tu tốt, giảng pháp hay, tâm từ bi có đủ… nhưng xen lẫn trong đó cũng có không ít người (mà cách hành xử của họ đã khiến cho một kẻ phàm phu thế tục như tôi phải há miệng tròn mắt, hết ý kiến!)
Một số khách Tăng không ngớt phàn nàn là: Chùa không có nước nóng rửa mặt, không có máy sưởi, không có ghế sa lông…
Tôi là phàm phu thế tục, nhưng vẫn có thể tắm nước lạnh giữa tiết trời giá buốt (đồng thời cũng lo tẩy rửa tâm tư phàm tục ô trọc của mình), còn các vị Tăng này có một số tự xưng là Đại hòa thượng, nhưng luôn ta thán, càm ràm ai oán rằng: Cơm nước không ngon, khiến họ chẳng hài lòng. Dù tôi không thấy ngon ngọt, nhưng chẳng thốt nửa câu than. Có nhiều vị Tăng còn tỏ vẻ mình là hàng đại biểu cấp cao, bệ vệ ngồi tòa đầu, thọ hưởng đệ tử tục gia cúng dường… để mặc cho các nhà sư người Tây phương (tâm hạnh cao khiết ôn hòa) vất vả chạy tới, chạy lui phục dịch, hầu hạ…
Một số vị Sư sãi trong nhóm này còn tỏ vẻ rất uy quyền, luôn muốn người ta phải khắc ghi vào lòng địa vị thượng đỉnh của họ. Họ ngồi không chỉ tay năm ngón, cao giọng truyền lệnh, bảo tôi khiêng bàn mang ghế, sai mọi người phục vụ tất bật… khiến tôi đâm ra hoài nghi phong thái tu của họ (lúc ngụ tại chùa nhà của họ). Thế nhưng tôi vẫn ngoan ngoãn làm theo những gì họ sai bảo, cung cung kính kính, phục dịch, hầu hạ…
Đương nhiên họ chẳng biết tôi là ai, tôi cũng không hề nói thân phận mình. Trong ánh nhìn của họ, bất quá tôi chỉ là một tên phàm phu thế tục ngu ngốc, đang răm rắp phục dịch họ.
Cho đến khi sư phụ vừa tới, nhìn thấy tôi ngoan ngoãn đứng hầu họ, ngài bật cười to và bảo:
– Các vị không biết y là ai ư?
Chư vị khách Tăng đều ngẩn ngơ, sư phụ chỉ cười mà không nói gì, nhưng lúc an tọa thì ngài kéo tôi ngồi xuống bên cạnh.
Lúc này các đệ tử bổn tự đồng loạt quỳ bái Sư tôn, tôi tuy chẳng phải là đệ tử cũng vội tuột xuống lễ bái theo, nhưng Sư phụ ngăn lại không cho làm lễ, còn cương quyết bảo tôi phải ngồi cạnh ông, tỏ vẻ thập phần sủng ái… đến mức tôi cảm thấy lúng túng khó xử, lúc đó các vị Tăng này đều thắc mắc, đồng lên tiếng hỏi tôi là ai?
Sư phụ không nói gì, ngài chỉ cười và bảo:
– Các vị có nhận ra y chăng?
Chư vị tân khách ngồi hàng đầu đều đáp không nhận ra, sư phụ nói:
– Y không phải là đệ tử bổn tự, y chỉ là khách quý chúng tôi mời đến đây!
Lần này tôi khó tránh bị lộ thân phận. Các vị Sư từng sai tôi phục dịch, thấy cách chủ nhân sủng ái tôi như thế thì cũng đâm ra lúng túng, lộ vẻ ngượng ngùng. Tôi cũng không muốn làm họ khó xử, nên nói:
– Do tôi quá ngốc nên không xứng làm đệ tử của Sư phụ đây…
Tôi kể ra một phần chuyện này tuyệt không có ý tự nâng mình lên, mà chỉ muốn phản ảnh các thói quen hành xử của một thiểu số Tăng nhân (cố nhiên là có cung cách quá quan liêu!) Tôi không phải là nhân vật cao cấp gì, nên dẫu có phục dịch các vị ấy một chút, thì cũng chẳng thấy mình bị hạ thấp chi. Hơn nữa, tôi đã nhất tâm hướng Phật, thì chẳng phải là cũng nên học tính khiêm cung hay sao?
Sau đó có các nhà sư này, mỗi vị vốn là Trụ trì một phương, đều không nhịn được nên cứ khăng khăng nhất quyết tra hỏi tôi là ai? Nhưng Lão sư phụ vẫn cười riu riu không chịu hồi đáp.
Có một vị khách Tăng cảm thấy bất mãn, ông xoay qua hỏi tôi, âm thanh đầy giận trách:
– Nè cư sĩ kia, tôi thấy anh còn trẻ như thế, sao dám ngồi ngang hàng với sư phụ hử?
Sư phụ vội nói:
– Không sao, hắn cũng không phải là đệ tử của bổn tự.
Tôi đáp:
– Tôi đâu dám lạm quyền, nhưng cũng chẳng dám bất kính cự tuyệt thịnh tình của Lão sư đây!
Tan hàng, các sư khách kia vẫn nán đợi. Vì tâm hiếu kỳ mạnh mẽ đã buộc họ nhất định phải tìm tôi để hỏi cho ra lẽ. Thôi thì họ hỏi đủ thứ, xúm nhau vấn Đông tra Tây, còn bực bội hỏi tôi có biết họ là ai, làm chức gì, trụ trì tại chùa nào, ở đâu… hay không?
Họ cứ cố tình hỏi khó, làm phiền mãi, khiến tôi đột nhiên sinh thất lễ, tôi chẳng còn e ngại chi mà nói huỵch tẹt hết ra: Họ chức vụ gì, Trụ trì chùa nào, ở đâu, tình hình ra sao, ngay cả đồ đạc tạp vật trong phòng họ tôi cũng nêu tên kể vanh vách! Thậm chí tôi còn mô tả họ mỗi ngày ăn thế nào, sáng xơi gì, chiều dùng chi, điểm tâm ra sao… Tôi kể họ một ngày ăn hai bữa, dùng cháo buổi sáng, uống trà buổi chiều, ăn bánh nướng hoặc dùng cà phê sữa và luôn được các tiểu Sa di cung phụng, hầu hạ rất chu đáo ra làm sao…
Lúc này, các việc họ đã từng làm đều hiện rõ mồn một ngay trước mắt tôi, nhìn tỏ tường như trong lòng bàn tay.
Những câu đáp kỳ này đối với hành xử khiêm cung bên ngoài của tôi thật quá khác xa. Tuy tôi chỉ mô tả sơ thôi, nhưng khó tránh còn giữ đủ lễ mạo, tôi chỉ nhìn thấy các vị khách Tăng này mặt mày đỏ bừng rồi chuyển sang tái nhợt, sau đó thì họ tỏ vẻ hoảng kinh, vội vàng lánh đi mau để trốn ánh mắt của tôi. Tôi cũng không biết vì sao lúc ấy mình vô lễ như thế: Dám lột trần, kể sạch bách mọi riêng tư của họ ra!
Khi tôi trả lời họ xong thì các hình ảnh, hành vi… về lý lịch nhân thân của họ cũng biến mất trong não tôi.
Ở Kim Sơn Tự có một vị đệ tử thập phần si ngốc, cả ngày không nói năng, trừ tụng kinh và làm công khóa ra, thì từ sáng đến tối ông không nghỉ một phút nào, luôn cắm đầu làm công tác lao dịch. Dù không ai sai bảo, ông vẫn cứ làm, bản thân ông không ngừng lao động nhọc nhằn. Ông thường mặc đồ rách, nếu có người biếu cho y phục cũng không nhận, mà dẫu có nhận cũng chẳng nói cảm ơn, chưa từng nghe ông nói nửa câu với ai!
Một hôm khoảng hai giờ khuya, tôi bỗng phát hiện một chuyện lạ: Vị đệ tử có vẻ dơ bẩn si ngốc này, toàn thân đang tỏa kim quang lấp lánh, thần sắc trên mặt ông nhìn rất an tịnh hiền hòa, rõ ràng là so với các đệ tử chúng Tăng toàn chùa, không ai tu sâu bằng ông.
Tôi hết sức kính trọng vị Phật hữu này. Vào buổi trưa, tuy ông ngồi yên tại một góc chùa, nhưng không hề mở mắt ra nhìn ai, lúc đó ngoại cảnh chung quanh dường như không tồn tại với ông. Tôi đi ngang qua ông, không nhịn được, nên đã dừng lại, chăm chú nhìn ông đầy vẻ tôn kính và cũng không dám làm phiền ông. Đột nhiên ông bỗng mở mắt ra, nhãn tinh rực sáng chạm đến mắt tôi, ông điềm đạm mỉm cười rồi nhắm lại. Chỉ một lần tiếp xúc ấy thôi cũng đủ để tâm chúng tôi tương thông, ông mở mắt là vì muốn hồi đáp sự tôn kính của tôi.
Tôi chẳng biết tên họ và thân thế ông, nhưng trong giây phút chăm chú nhìn ông, tôi nhận ra: Ông đã rửa sạch hết tất cả mọi hành vi tội lỗi, vì tôi nhìn thấu suốt hết mọi việc làm trong qua khứ của ông, ông đã sám hối tẩy rửa thành công. Tôi rất tôn kính người này (nên ở đây tôi không viết kể những chuyện dĩ vãng của ông làm chi).
Tôi hi vọng mình tu học được tốt, song tôi luôn cảm thấy tâm tư chưa ổn.
Một phàm phu chưa nhập môn như tôi, mới tiến sơ vào cảnh giới tâm linh, khi nói ra những chỗ kém vụng của người tu, trong lòng cũng xấu hổ vạn phần (thực ra đây chẳng phải là những điều nên làm của người học Phật chân chánh). Bất quá, tôi chỉ tung gạch nhữ ngọc, cũng hi vọng dẫn khởi lớp độc giả trẻ tuổi, đối với hiện tượng tối sơ của Phật giáo, có hứng thú muốn nghiên cứu, rồi từng bước chịu tiến vào Phật lý uyên thâm.
Cá nhân tôi tu không đạt lắm, bản thân còn phiền não vô cùng, tôi thậm chí vô phương nhìn thấy hôm qua và ngày mai của tự thân, cũng chưa giải trừ thống khổ của mình, tôi không dám khuyên mọi người thế nào, làm sao; cũng không có tư cách bàn đến giới Phật chế…
Tôi chỉ dùng một đoạn cảnh giới có thực mình từng nhìn thấy và trải qua, để tạm chia sẻ những ai khăng khăng chủ trương: Người xuất gia có thể kết hôn – và những ai là đệ tử Phật mà không chịu giữ giới – hãy nên xem xét cho kỹ càng.
Còn một điều nữa, tuy tôi sống tại Canada, nhưng thỉnh thoảng vẫn nhìn thấy rõ hành vi của một số người ở tận nước ngoài (điều này thanh niên A ở Vancouver và vị sư phụ đạo Giáo của anh tại Hương Cảng có thể làm chứng).
Tôi tuyệt không quen anh A, nhưng lúc anh đến chùa thì tôi đột nhiên thố lộ rất nhiều sự tình về anh, tôi nhìn thấy bạn gái anh A (đang ngụ tại Hương Cảng) trước ngực có đeo một tượng Phật Thái Lan bằng vàng, tôi nhìn rõ diện mạo, y phục, trang sức của cô. Tôi thấy nhà cô ở gần vịnh Tiên Thủy, còn nhìn rõ cuốn sách đầu tiên trong thư phòng phụ thân cô mang tựa gì. Tôi còn thấy cả vong linh Tổ phụ cô, thấy trước sân nhà cô có chưng bày hoa kiểng và mô tả cảnh biển như thế nào, tôi nhìn thấy rõ cảnh thầy trò Đạo sĩ của anh đang bị tẩu hỏa nhập ma (do đuổi quỷ gặp tà,) nhìn thấy cả cảnh xe đụng anh bị thương….
Tất cả hình ảnh này hiện ra trong não tôi ngay trước Phật tòa, anh A bản tính vốn cứng cỏi, ương bướng, Nhưng sau khi nghe tôi mô tả tỉ mỉ mọi chuyện rồi thì đã phải khâm phục lẫn kinh sợ, anh tự động quỳ xuống lễ bái Phật.
Tôi nói, tôi không tu chi (tôi chỉ là một người có đạo ngay từ trong tâm, thế thôi). Những gì tôi có thể nhìn thấy, thảy đều do tự phát… và bản thân tôi cũng chưa thể giải quyết hết những phiền não của mình.
Nhưng mà, khi tôi đi bái Phật, tôi có thể nhìn thấu hành vi dối mình, gạt người của một số kẻ tu giả. Vì vậy nếu ai muốn phản bội, đi ngược lại với thanh quy điều luật Phật chế, thì nhất định tôi sẽ không khách sáo (tôi sẽ đến lạy trước Phật, cầu Ngài giúp tôi nhìn thấy rõ) và tôi sẽ nhất nhất vạch trần họ ra hết, bởi tôi rất ghét những kẻ ngụy thiện, những kẻ đạo đức giả, tu giả.
Quý vị sẽ nói là tôi điên? Có lẽ đúng vậy. Tôi có thể cảm thông cho một cá nhân đọa lạc, nhưng khó tha thứ cho kẻ đạo đức giả, ngụy thiện! Tôi chúa ghét hạng ngụy quân tử!
Tóm lại là quanh vụ việc này, giữ giới sắc hay giới gì… cũng tốt cả, đều do chúng ta phát tâm học Phật, thệ nguyện tự tuân giữ. Nếu tu mà vô phương khống chế mình, không thể giữ giới, thà rằng hoàn tục tốt hơn.
Chuyện tu hành là việc của mình, vì thế đừng nên viện cớ hay giả mượn danh nghĩa tân tiến, theo thời đại để mà hủy hoại giới pháp Phật chế, cố ý thay đổi, làm sai, sống ngược lại giáo điều và giới luật cao quý của Phật đã ban hành.
Muốn thành tựu tâm linh, thành tựu tinh thần, thì phải tu tốt, phải nghiêm trì giới luật và hành xử phải luôn trái ngược với xác thịt.
Dùng thân tải đạo là việc của chính ta, huống chi Phật giáo còn có một mặt tốt khác nữa là phục vụ xã hội. Đã có biết bao nhiêu Tăng nhân đảm đang khổ nhọc, vùi đầu tu hành, hóa duyên khất thực, gìn giữ đạo đức trong xã hội và cống hiến cho xã hội như: Xây trường học, Y viện, Phật học viện, Tu viện… nhằm trợ giúp nhân quần xã hội.
Tinh thần tế thế vĩ đại và sự hi sinh nhục thể của họ rất mạnh. Họ có lòng dũng cảm hy sinh, không màng chi dục vọng của xác thịt, có ngợi khen họ thì cũng là công bằng. Vì vậy đừng nói người xuất gia là hạng ký sinh, là loài không sinh sản, là không có chức nghiệp hay nghề ngỗng chi!
Những người thốt ra lời phê bình bất công như thế này, là do họ chưa thực sự tiếp xúc với Phật giáo chân chánh.
Tôi không bình luận dài dòng xa đề tài nữa. Điều tôi muốn nói, vẫn là một câu: Không ai ép buộc xuất gia, nếu xem “tứ đại giai không” chẳng nổi, dù nương tựa Phật môn mà quá ưa thích hưởng thụ sung mãn các dục thì hãy nên hoàn tục.
Đừng viện cớ rằng tu sĩ phải kết hôn, phải thay đổi giới là vì sợ nhân tài Phật giáo điêu tàn suy vi. Chỉ cần tu tốt, giữ giới nghiêm minh, làm cho hạt giống Phật nảy mầm hưng thịnh, thì lo gì chuyện nhân tài bị ngưng dứt?
Tôi kêu gọi nhân sĩ Phật giáo, bất kể là xuất gia hay tại gia, phải đồng loạt phản đối những ý đồ ngông cuồng muốn phản bội hủy hoại giới Phật.
Giới căn bản đầu tiên là GIỚI SẮC của Phật giáo. Nếu có người chất vấn bản thân tôi, tôi xin nói rõ: Mặc dù tôi chỉ hơn hai mươi, nhưng tôi không màng đến chuyện kết hôn, vẫn theo khuynh hướng giữ thân như ngọc, tự ăn chay từ trong nôi.
Tôi dùng tư cách của một phàm phu mà nói, không hề nghĩ những chuyện cai sắc dục sẽ gây phiền cho các Tăng trẻ, vì tôi chưa bao giờ cảm thấy rằng nếu thiếu sinh hoạt tình dục thì sẽ không sống nổi! Tôi là người đời mà có thể sống nổi, thì các vị là tu sĩ vẫn có thể sống mạnh.
Bất kể là xuất gia hay tại gia, chúng ta phải hành trì thời khóa tu cho tốt, phải làm công việc cho tròn, phải có lý tưởng phục vụ xã hội, nên tinh tấn không lười. Từ sáng đến tối, quý vị bận tu bận làm túi bụi như thế, thử hỏi có thời gian rảnh đâu mà tơ tưởng đến chuyện ái dục, sắc tình không không cần thiết cho Phật môn?