Giảng Giải
Phẩm Phổ Môn

Sâm Hạ Đại Viên
Dịch từ Nhật văn qua Hán văn: Đại sư Tinh Vân
Dịch từ Hán văn qua Việt văn: Thích nữ Hạnh Huệ

 

ĐẠI THỪA TIỂU THỪA

Phật giáo, vốn chia ra Phật giáo Nguyên thủy và Phật giáo Hậu kỳ, Phật giáo Nguyên thủy còn gọi là Phật giáo Tiểu thừa, Phật giáo Hậu kỳ còn gọi là Phật giáo Đại thừa.

Trong Phật giáo Tiểu thừa còn có chia nhiều phân phái. Chẳng kể phân phái của họ nhiều bao nhiêu, chỉ cần là Tiểu thừa tất nhiên đều là để mắt vào hiện tượng giới của vũ trụ, cho thế gian hiện thực này là khổ, là không, là vô thường. Sống còn trên một thế gian như thế, công tác trọng yếu nhất chẳng qua là tận lực xa lìa thế gian, cầu được giải thoát cho tự thân. Đến việc lợi người thế nào, cứu giúp thế gian làm sao, họ cũng chẳng hề biểu thị một chút quan tâm. Điều này ở trong Phật giáo gọi là gã tự liễu, riêng thiện thân mình. Vì họ trừ giác ngộ chính mình ra, chẳng để ý đến giải thoát cho người khác, đem giác ngộ của người khác xem là không quan hệ đến mình. Chủ nghĩa giải thoát theo khuynh hướng cá nhân này, có thể nói là hàm chứa sắc thái xuất thế rất ư nồng hậu.

Đến Phật giáo Đại thừa Hậu kỳ, thì tương phản với tư tưởng này. Họ xem hiện tượng vũ trụ là hiện thực, cho là sự lý viên dung, mình người bình đẳng. Do đó Tiểu thừa là tiêu cực còn Đại thừa là tích cực; Tiểu thừa là tịch diệt còn Đại thừa là hoạt động; Tiểu thừa là cá nhân mà Đại thừa là xã hội.

Trong Phật giáo Đại thừa, lại phân biệt quyền và thật. Quyền giáo nghĩa là đối với phương tiện lý thuyết đã không có mười phần triệt để đạt đến viên dung vô ngại, mà đối với phương diện khai ngộ cũng cho là có cách biệt rất lớn. Nhưng Thật giáo thì chẳng giống thế, đây như kinh Pháp Hoa nói: “Chỉ có pháp Nhất thừa, không hai cũng không ba”, căn bản không có sai biệt gì tất cả. Sum la vạn tượng trong vũ trụ, hoàn toàn là biểu hiện Diệu pháp thực tướng trung đạo.

Các cổ đức Phật giáo từ trong nhận thức quán thấu “một tức tất cả”, thường thường nói thế này: Dương liễu màu xanh chính là pháp thân vi diệu thanh tịnh; gió thổi qua tùng bá chính là âm thanh thuyết pháp độ sanh của chư Phật Bồ-tát.

Khê thanh tận thị quảng trường thiệt, Sơn sắc vô phi thanh tịnh thân.

Đó là miêu tả cảnh giới này. Trong tất cả kinh điển, kinh có thể phát huy thấu đáo đủ đạo lý cứu cánh này, chính là kinh Pháp Hoa. Do đó kinh này thực là một bộ kinh vĩ đại nhất trong Đại thừa.

Theo Phật giáo đồ thông thường nói: Phật Thích-ca Mâu-ni lúc mới khai ngộ, vốn nghĩ chuyển pháp luân căn bản giảng Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh, nhưng lý rốt ráo cao thâm này, lỗ tai trần tục thông thường rất khó nghe để tiến. Nhân đây không thể không dùng phương tiện quyền xảo, từ phương diện nền tảng ra tay. Trước hết giảng kinh A- hàm của Tiểu thừa, sau đó từ Tiểu thừa tiến vào Đại thừa mà thuyết các kinh Phương Đẳng, lại tiến thêm một bước giảng kinh Đại Bát-nhã. Đây đều là phương tiện tiến nhập Đại thừa Thật giáo. Cuối cùng trên hội Pháp Hoa, thuyết kinh Pháp Hoa khai quyền hiển thật, mới kể là chân chính đạt đến mục đích truyền đạo của Thích Tôn.

Chúng ta khả dĩ nói: Phật Thích-ca Mâu-ni từ pháp thuyết trên hội Hoa Nghiêm ra, các kinh ở giữa thuyết đều là Pháp luân ngọn ngành, cuối cùng đến trên hội Pháp Hoa mới là chuyển pháp luân căn bản, nghĩa là pháp luân “Nhiếp ngọn về gốc” là chỉ cho đây. Do đây có thể biết kinh Pháp Hoa trong tất cả kinh chiếm địa vị trọng yếu thế nào.

Về kinh Pháp Hoa, ở Ấn Độ ngài Thế Thân là người chú thích sớm nhất. Tại Trung Quốc, pháp sư Pháp Vân thuộc Tông Niết-bàn có Pháp Hoa Nghĩa Sớ. Đại sư Gia Tường thuộc Tam Luận Tông có Pháp Hoa Nghĩa Sớ, đại sư Từ Ân thuộc Pháp Tướng Tông có Pháp Hoa Kinh Huyền Tán, thiền sư Giới Hoàn Thiền Tông có Diệu Pháp Liên Hoa Kinh Giải. Họ mỗi người đều nương theo giáo nghĩa của tông mình mà giải thích kinh Pháp Hoa. Đại sư Trí Giả lúc đó dùng một bộ kinh này làm trung tâm, riêng mở một tông gọi là Pháp Hoa Tông và viết ba bộ lớn Pháp Hoa Huyền Nghĩa, Pháp Hoa Văn Cú, Ma-ha Chỉ Quán.

Do đây mà xem, bộ kinh Pháp Hoa này, chẳng kể là một Tông nào của Phật giáo đều chiếm một địa vị trọng yếu. Không kể ai đều không coi thường giá trị của bộ kinh này.

Kinh Pháp Hoa gồm 28 phẩm. Phẩm Phổ Môn là một phẩm trong 28 phẩm này. Giáo nghĩa mỗi phẩm đều rất trọng yếu, không có phân biệt đẳng cấp ất giáp gì. Để tiện thuyết minh, chỉ có thể chia làm hai môn: Bổn môn và Tích môn.

Mười bốn phẩm trước của kinh Pháp Hoa, chính là tất cả vết tích của Thích Tôn, nên gọi là Tích môn. Mười bốn phẩm sau là nương bổn địa của Thích Tôn mà nói Bổn môn. Đây đều là ngôn giáo mà Thế Tôn xuất hiện ở thế gian này nói ra. Thế Tôn vốn là người thể hiện chân lý vũ trụ, Ngài đã sớm thành tựu quả Phật mà chứng pháp thân, nương pháp thân này mà xuất hiện thành đấng Thích Tôn đến thế gian này, ví như vầng trăng trong sáng dọi bóng xuống dòng sông.

Trong 28 phẩm này đã chia hai môn Bổn – Tích.

Trong Tích môn, phẩm Phương Tiện và phẩm An Lạc Hạnh.

Trong Bổn môn phẩm Như Lai Thọ Lượng và phẩm Phổ Môn, gọi chung là Pháp Hoa Tứ Yếu Phẩm.

Đại sư Diệu Lạc nói: Phẩm Phương Tiện tương đương với phát tâm, phẩm An Lạc Hạnh tương đương với tu hành, phẩm Thọ Lượng tương đương với Bồ-đề, phẩm Phổ Môn tương đương với Niết-bàn. Từ phát tâm tu hành mà đến giác ngộ Bồ-đề, lại do giác ngộ hiện tiền mà đến Niết-bàn của phẩm Phổ Môn. Do đây lại có thể rõ ràng phẩm Phổ Môn trong kinh Pháp Hoa chiếm địa vị trọng yếu như thế nào.

Phẩm Phổ Môn đã chiếm địa vị trọng yếu trong kinh Pháp Hoa như thế, do đó danh hiệu của Bồ-tát Quán Thế Âm, khắp nơi có người thọ trì; hình tượng từ bi của Bồ-tát Quán Thế Âm, khắp nơi có người cung phụng, cũng là đạo lý này.