CHUYỆN VÃNG SANH Ở VIỆT NAM
Nhóm Liên Hữu Miền Nam Đất Việt sưu tập

 

97. LONG THỊ THE (1929 – 2012, 83 tuổi)

Những người trong Ban Hộ Niệm xầm xì với nhau rằng: Bà cụ ở Cả Dứa yếu hơn cô Hai nhiều mà hộ niệm suốt một tuần lễ bả mới đi! Còn cô Hai đây… không biết… mấy ngày?

Bà đang nằm nghe thế, liền ứng thinh đáp gọn lỏn:

– Không có lâu đâu!

Quả đúng như vậy, tới 6 giờ tối, hơi thở của bà ngắn dần. Đúng 8 giờ thì bà nhẹ nhàng ra đi. Trước khi bà ra đi thì môi bà nhép đủ ba lần câu: Nam Mô A-di-đà Phật.

Bà Long Thị The sinh năm 1929, cư ngụ tại ấp Tân Quới, xã Tân Phú Trung, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp. Kế phụ là cụ ông Phạm Văn Mùi, thân mẫu là cụ bà Phạm Thị Chính.

Năm 20 tuổi, bà kết hôn với ông Trần Kim Sơn, nguyên quán tại xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Cha mẹ bà gả bắt rể, vì bà là con gái duy nhất. Sau khi kết hôn, bà sinh được năm trai, hai gái.

Tính tình bà rộng rãi, không ích kỷ bo bo. Nhất là những hiểu biết, những kinh nghiệm quý báu về nấu nướng hay làm ăn… bà đều hướng dẫn, truyền đạt cho mọi người xung quanh cùng được lợi ích. Đối xử từ gia đình ra đến lối xóm chòm riềng bà đều từ ái, hòa nhã. Bà thường răn dạy con cháu “Nghèo cho sạch, rách cho thơm”. Không gian tham dù là nhỏ nhặt như trái cà, trái ớt… cho đến cây kim cọng cỏ!

Chồng bà trước kia tham gia kháng chiến chống Pháp. Khi đã lập gia đình thì vừa lo làm ruộng, vừa cày đất mướn bằng máy móc cơ giới, cũng vừa tham gia phong trào chấn hưng Phật Giáo tại miền Tây Nam bộ, và ông đã nhận chức vụ Hội Trưởng của xã suốt hai nhiệm kỳ. Sau năm 1975, ông mạnh mẽ chuyên lo các công tác từ thiện, như: bắc cầu, bồi lộ, cất nhà tình thương… đồng thời ông cũng có chân trong hội Chữ Thập Đỏ ở địa phương nhà. Năm 1986, ông cùng bà và vài người con phát tâm trường trai, giới sát. Ông thường nghiên cứu kinh sách, tinh tấn nỗ lực tu hành, sớm chiều cầu nguyện lễ Phật, trì niệm câu Lục Tự Hồng Danh Vạn Đức. Đặc biệt là ông rất thích tham dự hội Long Hoa.

Ngày 22 tháng 5 nhuần, năm 1998, ông bị tai biến mạch máu não, các con đưa ông vào Bệnh Viện Đa Khoa Sa Đéc. Nằm viện được ba ngày thì ông đòi về nhà để được hộ niệm. Các con thấy ông bệnh tình chưa đến đỗi gì, nên cố nài nỉ khuyên cha tiếp tục điều trị cho tới khi bình phục. Nhưng ông không chịu, các con phải y theo mong muốn của ông bèn đưa ông về vào ngày 25. Hôm sau là sáng ngày 26, đúng 12 giờ 30 phút trưa thì ông nhẹ nhàng, tỉnh táo, an tường niệm Phật rồi trút hơi thở sau cùng, thọ 76 tuổi.

Qua 12 tiếng đồng hồ sau đó tay chân của ông mềm mại, gương mặt hồng hào tươi sáng, tràn đầy nét hoan hỷ, tươi vui, đỉnh đầu của ông vẫn còn rất nóng!

Vài tuần thất sau đó có hai người bạn đạo đồng nằm chiêm bao thấy ông, ông cho các vị ấy biết rằng hiện giờ mình đang tu với Đức Phật Di Lặc.

***

Khi chứng kiến ông chồng ra đi có những dấu hiệu tốt đẹp, bà càng tin tưởng tuyệt đối vào pháp môn niệm Phật.

Ba năm sau (2001) bà bị tai biến mạch máu não, liệt nửa người, và nhiều lần tái phát sau đó. Khớp xương bả vai xệ xuống, khớp khuỷu tay và các khớp ngón tay đều co quéo lại, từ từ cứng đờ, không còn mặc áo được nữa, thân quyến phải thay đổi hoàn toàn y phục bằng vải thun.

Xưa nay nhà bà thường có các bạn đồng tu tới lui giảng giải Phật Pháp, khuyến tấn gia đình bà cố gắng hành trì pháp môn Tịnh Độ. Do vì đã tu hành mười mấy năm trường, đùng một cái bệnh khổ ập đến, bức bách, khốn đốn khó kham nhẫn, nên bà có mối hoài nghi canh cánh nơi lòng:“Tại sao trước mắt mình thấy có rất nhiều người đâu ăn chay làm lành, đâu có tu hành lạy Phật, niệm Phật gì, mà họ lại khoẻ ru; còn mình sao mà lại ra nông nỗi thê lương thế này?”

Các thiện tri thức biết được nỗi hoài nghi của bà như thế mới giảng rõ về lý nhân quả thông ba đời cho bà nghe. Những người hiện giờ không tu đôi khi rất hung ác, mà nhàn nhã thung dung, hưởng vinh hoa phú quý, là họ đang hưởng những nhân phước ở quá khứ. Tức là trước đây một hoặc nhiều đời nhiều kiếp, họ đã hành thiện tích đức. Khi mà hưởng phước hết rồi thì họ phải thọ những quả báo khổ của nhân mà hiện tại họ đang gây tạo. Còn mình hiện tại tu hành gieo trồng phước thiện mà lại lâm vào cảnh bệnh tật hay hoạn nạn khốn cùng đầy đau thương tang tóc, thì nên biết ở quá khứ mình đã gieo tạo rất nhiều hạt giống xấu ác, giờ phút này nó đã chín muồi, còn nhân thiện hiện nay đang gieo chưa kịp ra hoa kết quả. Cho nên mình phải tin sâu lý nhân quả báo ứng xuyên suốt cả ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai, không bao giờ sai chạy, dù chỉ một tơ hào chi li nhỏ nhặt nào: trồng dưa nhất định phải hưởng dưa, trồng ớt thì chắc chắn phải ra bông trái ớt. Do đó mà nên hoan hỷ đón nhận trả nghiệp; nghiệp dữ hết rồi thì nhân thiện, quả thiện sẽ đến, đừng hồ nghi mà thối tâm, lui sụt sự tu tiến của mình!

Nghe xong bà thực sự tiếp nhận, nghiệm xét lời khai thị của Cổ Đức, bà chuyên tâm niệm Phật để mai kia nhất định thoát ly bể khổ sanh tử luân hồi:

“Đời dơ bẩn, xa trông bát ngát,

Gót hồng trần, lưu lạc mấy xuân.

Lòng riêng luống những bâng khuâng,

Rán tu thoát kiếp trầm luân khổ phiền.

An Dưỡng Quốc ấy miền chân thật,

Nên thành tâm niệm Phật là hay!

Hương nguyền một nén xa bay,

Hướng về Cực Lạc hôm mai khẩn cầu.

Đời dâu bể bể dâu lắm độ,

Cảnh khổ đau đau khổ thê lương.

Nguyện nương đấng Đại Y Vương,

Nhờ Ngài dắt dẫn ra đường u mê.

Xót thương nỗi khổ về vật chất,

Hại nhau vì giọt mật hư danh.

Kiếp luân hồi mãi loanh quanh,

Mà ba đường ác đã thành gia cư.

Giấc mơ tỉnh bây chừ tủi thẹn!

Bước qui Tây rán thẹn tu mà?

Lầu cao rọi ánh trăng ngà,

Kiếp người luẩn quẩn bệnh già kề bên.

Từ nay giữ lòng bền niệm Phật,

Quyết một lòng nắm chặt đài sen!

Việc đời mặc tiếng chê khen,

Cuộc đời mặc kẻ đua chen sắc tài.

Đường sinh tử an bày trước mắt,

Bước khổ vui dè dặt mà trông.

Đã hay lửa đỏ sen hồng,

Đắng cay bao cũng giữ lòng sắt son.

Thôi thì gắng siêng bòn công đức,

Thôi thì rèn niệm lực tinh chuyên.

Nguyện sinh về cõi Bảo Liên,

Để không còn nỗi thảm phiền tử sanh!”

Từ đó về sau, đĩa “Cách thức hành trì pháp môn Tịnh Độ” của Như Trúc trích tuyển từ Thi Văn Giáo Lý và Hiển Đạo, bà mở nghe quanh năm suốt tháng. Khi không nghe Pháp thì mở máy niệm Phật để niệm theo. Cứ xen kẽ thay đổi nhau không cho hở trống phút giây nào. Nhờ vậy mà bà tâm tâm nhàm chán xác thân đầy nhơ bẩn, khổ đau; ý ý khẩn thiết nguyện sanh về Cực Lạc thế giới. Nên sự niệm Phật của bà ngày một khẩn thiết tinh chuyên. Bao nhiêu tiền của người thân hoặc con cháu cho bà, hoặc nhà nước trợ cấp, bà đều bố thí sạch sẽ. Bà thường dặn dò các con khi mình qua đời, quần áo chỉ mang theo một bộ thôi, còn lại để hiến tặng cho những người túng thiếu bần hàn, vì chôn dưới đất hư mục rất uổng phí.

Đến ngày mồng 8 – 12 – 2012, bà bị sốt, bệnh tình càng lúc nặng dần, điều trị dây dưa, đến trưa ngày 15 khi cô Sáu đang đút cháo cho bà, đến muỗng thứ ba thì bà cắn muỗng lại, và không ăn nữa. Rồi bà kêu cô Sáu gọi điện thoại mời Ban Hộ Niệm. Chương trình hộ niệm cũng bắt đầu từ chiều hôm ấy.

Từ đó trở đi bà luôn luôn nhắm nghiền đôi mắt, bất cứ ai hỏi gì bà cũng mở mắt ra rồi khoác tay nói:

– Thôi để niệm Phật!

Sáng ngày 16, do thấy sức khoẻ của bà còn sỏi quá, nên những người trong Ban Hộ Niệm xầm xì với nhau rằng:

– Bà cụ ở Cả Dứa yếu hơn cô Hai nhiều mà hộ niệm suốt một tuần lễ bả mới đi! Còn cô Hai đây… không biết… mấy ngày?

Bà đang nằm nghe thế, liền ứng thinh đáp gọn lỏn:

– Không có lâu đâu!

Quả đúng như vậy, tới 6 giờ chiều hơi thở của bà ngắn dần. Đúng 8 tối giờ thì bà nhẹ nhàng ra đi. Trước khi bà ra đi thì môi bà nhép đủ ba lần câu: “Nam Mô A-di-đà Phật”. Hiện tượng ấy làm cho mọi người vô cùng vui mừng khi ngân vang âm thanh câu Hồng Danh tiễn biệt bà về An Dưỡng Quốc. Hôm ấy nhằm ngày 16 tháng 12 năm 2012, bà hưởng thọ 83 tuổi.

***

Sáu giờ sáng hôm sau (tức là ngày 27), qua hơn 10 tiếng đồng hồ kể từ lúc dứt hơi, gương mặt của bà hồng hào tươi sáng. Miệng tự ngậm kín lại, đỉnh đầu rất nóng trong khi toàn thân đều lạnh (thời điểm này vào mùa đông khí hậu cực lạnh). Đặc biệt là các khớp xương mềm mại hi hữu lạ lùng. Vì các khớp bị dị tật đã cứng đơ cứng còng trên tám năm, hằng ngày không kéo ra được mà bây giờ tự động duỗi thẳng ra bình thường!

Lúc sanh thời, con bà thường nói với bà:

– Chắc nữa… chừng nào vú mất phải lấy dao lam cắt gân, mới mặc áo… mới liệm vô hòm được!”

Bà đáp:

– Không có đâu!… Đến chừng đó nó thẳng ran ra chứ có gì mà phải lo!

Con bà cứ ngỡ đó là câu trả lời cho suông qua thôi nên không mấy chú ý. Chẳng ngờ lời nói đó lại trở thành hiện thực!

***

Hơn một tuần lễ sau có cô Năm nhà bên kia sông, nằm mơ thấy bà, bà cho biết đã về với Phật A-di-đà rồi!

(Thuật theo lời Trần Thị Kim Cúc, cô con gái thứ sáu của bà.)