中 阿 含 經
KINH TRUNG A HÀM
Hán Dịch: Phật Ðà Da Xá & Trúc Phật Niệm,
Việt Dịch & Hiệu Chú: Thích Tuệ Sỹ
IX. PHẨM NHÂN
97. KINH ĐẠI NHÂN[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa tại Câu-lâu-sấu, ở Kiếm-ma-sắt-đàm, một đô ấp của Câu-lâu[02].
Bấy giờ, Tôn giả A-nan, một mình tĩnh tọa tại một nơi vắng vẻ, tâm nghĩ như vầy, ‘Kỳ diệu thay, pháp duyên khởi này! Thật là vô cùng sâu sắc và ánh sáng cũng thật là vô cùng sâu sắc[03], nhưng ta quán sát thấy rất nông cạn, rất nông cạn!’[04]
Rồi vào lúc xế, Tôn giả A-nan rời chỗ tĩnh tọa, qua đến chỗ Phật, đảnh lễ chân Ngài, rồi đứng sang một bên, bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn, hôm nay con một mình tĩnh tọa tại một nơi thanh vắng, tâm nghĩ như vầy, ‘Kỳ diệu thay, duyên khởi này! Thật là vô cùïng sâu sắc, nhưng ta quán sát thấy rất nông cạn, rất nông cạn!”
Đức Thế Tôn bảo:
“A-nan, ngươi chớ nghĩ rằng ‘Duyên khởi này rất nông cạn, rất nông cạn!’ Vì sao? Vì duyên khởi này thật là vô cùng sâu sắc và ánh sáng cũng thật là vô cùng sâu sắc.
“Này A-nan, đối với duyên khởi này, vì không biết như thật, thấy như thật, không giác ngộ, không thấu triệt, nên khiến chúng sanh ấy dính móc nhau như khung cửi rối ren, như đám uẩn-mạn[05] mọc chằêng chịt, tấp nập huyên náo, đi từ đời này đến đời kia, từ đời kia đến đời này, qua rồi lại, lại rồi qua, không thể ra khỏi vòng sanh tử. A-nan, cho nên phải biết duyên khởi này thật vô cùng sâu sắc và ánh sáng cũng rất là sâu sắc.
“A-nan, nếu có người hỏi: ‘Già và chết có duyên không?’ Nên đáp như vầy, ‘Già, chết có duyên’. Nếu có người hỏi: ‘Già, chết có duyên gì?’ Nên đáp như vầy: ‘Duyên nơi sanh vậy’.
“A-nan, nếu có người hỏi: ‘Sanh có duyên không?’ Thì nên đáp rằng: ‘Sanh cũng có duyên’. Nếu có người hỏi rằng: ‘Sanh có duyên gì?’ Thì nên đáp rằng: “Duyên nơi hữu vậy”.
“A-nan, nếu có người hỏi: ‘Hữu có duyên không?’, thì nên đáp rằng ‘Hữu cũng có duyên’. Nếu có người hỏi: ‘Hữu có duyên gì?’, thì nên đáp rằng: ‘Duyên nơi thủ[06] vậy’.
“A-nan, nếu có người hỏi: ‘Thủ có duyên không?’ Thì nên đáp rằng ‘Thủ cũng có duyên’. Nếu có người hỏi: ‘Thủ có duyên gì?’ Thì nên đáp rằng: ‘Duyên nơi ái vậy’.
“A-nan, đó là duyên ái có thủ; duyên thủ có hữu; duyên hữu có sanh; duyên sanh có già và chết, duyên già chết có buồn lo, khóc lóc, buồn khổ, áo não; đều duyên nơi già chết mà có. Như thế là trọn đủ toàn khối khổ đau to lớn.
“A-nan, duyên sanh có già chết. Đây nói duyên sanh có già chết; nên biết, điều được nói là duyên sanh có già chết. A-nan, nếu không sự sanh, như cá và loài cá, chim và loài chim, muỗi và loài muỗi, rồng và loài rồng, thần và loài thần, quỷ và loài quỷ, trời và loài trời, người và loài người; A-nan, các loài chúng sanh ấy, chúng sanh ấy, tùy theo những chỗ ấy, chỗ ấy; nếu không sự sanh, mỗi loài và mỗi loài đều không sanh, thì giả sử tách rời sự sanh, có già chết không?”
“Bạch Thế Tôn, không”.
“A-nan, cho nên biết rằng, nhân của già chết, tập của già chết, bản của già chết, duyên của già chết[07], gọi đó là sanh. Vì sao? Vì duyên nơi sanh nên có già chết.
“A-nan, duyên hữu có sanh. Đây nói là duyên hữu có sanh; nên biết, điều được nói là duyên hữu có sanh.
“A-nan, nếu không có hữu, như cá và loài cá, chim và loài chim, muỗi và loài muỗi, rồng và loài rồng, thần và loài thần, quỷ và loài quỷ, trời và loài trời, người và loài người. A-nan, các loài chúng sanh ấy, chúng sanh ấy tùy theo những chỗ ấy, chỗ ấy; nếu không có sự hữu, mỗi loài và mỗi loài đều không có hữu, thì giả sử tách rời sự hữu, có sanh chăng?”
“Bạch Thế Tôn, không”.
“A-nan, cho nên biết rằng nhân của sanh, tập khởi của sanh, bản của sanh, duyên của sanh, gọi đó là hữu. Vì sao? Vì duyên hữu nên có sanh.
“A-nan, duyên thủ có hữu. Đây nói là duyên thủ có hữu; nên biết, điều được nói là duyên thủ có hữu. A-nan, nếu không có thủ, mỗi loài và mỗi loài đều không có thủ, thì giả sử tách rời thủ, sẽ có hữu chăng? Thi thiết có hữu chăng?”
“Bạch Thế Tôn, không”.
“A-nan, cho nên biết rằng nhân của hữu, tập khởi của hữu, bản của hữu, duyên của hữu, gọi đó là thủ. Vì sao? Vì duyên thủ nên có hữu.
“A-nan, duyên ái có thủ. Đây nói là duyên ái có thủ; nên biết, điều được nói là duyên ái có thủ. A-nan, nếu không có ái, mỗi loài và mỗi loài đều không có ái, thì giả sử tách rời ái, sẽ có thủ chăng? Thiết lập có thủ chăng?”
“Bạch Thế Tôn, không”.
“A-nan, cho nên biết rằng nhân của thủ, tập khởi của thủ, bản của thủ, duyên của thủ, gọi đó là ái. Vì sao? Vì duyên ái nên có thủ.
“A-nan, đó là duyên ái có cầu[08], duyên cầu có lợi, duyên lợi có phân, duyên phân có nhiễm dục, duyên nhiễm dục có trước, duyên trước có keo kiệt, duyên keo kiệt có bủn xỉn, duyên bủn xỉn có bảo thủ[09].
“A-nan, vì duyên bảo thủ nên có dao gậy, đấu tranh, dua siểm, lừa gạt, nói láo, nói hai lưỡi, khởi lên vô lượng pháp ác bất thiện. Như vậy là trọn đủ toàn khối khổ đau to lớn.
“A-nan, nếu không có bảo thủ, tất cả đều không có bảo thủ, thì giả sử tách rời bảo thủ sẽ có dao gậy, đấu tranh, dua siểm, lừa gạt, nói láo, nói hai lưỡi, khởi lên vô lượng pháp ác bất thiện chăng?”
“Bạch Thế Tôn, không”.
“A-nan, cho nên biết rằng dao gậy, đấu tranh, dua siểm, lừa gạt, nói láo, nói hai lưỡi, khởi lên vô lượng pháp ác bất thiện thì nhân của chúng, tập khởi của chúng, bản của chúng và duyên của chúng chính là bảo thủ vậy. Vì sao? Vì duyên bảo thủ nên có dao gậy, đấu tranh, dua nịnh, lừa gạt, nói láo, nói hai lưỡi, khởi lên vô lượng pháp ác bất thiện. Như vậy là trọn đủ toàn khối khổ đau to lớn.
“A-nan, duyên bủn xỉn có bảo thủ. Đây nói là duyên bủn xỉn có bảo thủ; nên biết, điều được nói là duyên bủn xỉn có bảo thủ. A-nan, nếu không có bủn xỉn, tất cả đều không có bủn xỉn thì giả sử tách rời bủn xỉn, có bảo thủ chăng?
“Bạch Thế Tôn, không”.
“A-nan, cho nên biết rằng nhân của bảo thủ, tập khởi của bảo thủ, bản của bảo thủ, duyên của bảo thủ, gọi đó là keo kiệt vậy. Vì sao? Vì duyên keo kiệt nên có bảo thủ.
“A-nan, duyên bỏn sẻn có keo kiệt. Đây nói là duyên bỏn sẻn có keo kiệt; nên biết, điều được nói là duyên bỏn sẻn có keo kiệt. A-nan, nếu không có bỏn sẻn, tất cả đều không có bỏn sẻn thì giả sử tách rời bỏn sẻn, có keo kiệt chăng?
“Bạch Thế Tôn, không”.
“A-nan, cho nên biết rằng nhân của keo kiệt, tập khởi của keo kiệt, bản nguyên của keo kiệt, duyên của keo kiệt, gọi đó là bỏn sẻn. Vì sao? Vì duyên bỏn sẻn nên có keo kiệt.
“A-nan, duyên đắm trước có bỏn sẻn. Đây nói là duyên đắm trước có bỏn sẻn; nên biết, điều được nói là duyên đắm trước có bỏn sẻn. A-nan, nếu không có đắm trước, tất cả đều không có đắm trước, thì giả sử tách rời đắm trước, có bỏn sẻn chăng?
“Bạch Thế Tôn, không”.
“A-nan, cho nên biết rằng nhân của bỏn sẻn, tập khởi của bỏn sẻn, bản nguyên của bỏn sẻn, duyên của bỏn sẻn, gọi đó là đắm trước. Vì sao? Vì duyên đắm trước nên có bỏn sẻn.
“A-nan, duyên dục có đắm trước. Đây nói là duyên dục có đắm trước; nên biết, điều được nói là duyên dục có đắùm trước. A-nan, nếu không có dục, tất cả đều không có dục thì giả sử tách rời dục, có đắm trước chăng?
“Bạch Thế Tôn, không”.
“A-nan, cho nên biết rằng nhân của đắm trước, tập khởi của đắm trước, bản của đắm trước, duyên của đắm trước, gọi đó là dục. Vì sao? Vì duyên dục nên có đắm trước.
“A-nan, duyên phân biệt có nhiễm dục. Đây nói là duyên phân biệt có nhiễm dục; nên biết, điều được nói là duyên phân biệt có nhiễm dục. A-nan, nếu không có phân biệt, tất cả đều không có phân biệt thì giả sử tách rời phân biệt, có nhiễm dục chăng?
“Bạch Thế Tôn, không”.
“A-nan, cho nên biết rằng nhân của nhiễm dục, tập khởi của nhiễm dục, bản nguyên của nhiễm dục, gọi đó là phân. Vì sao? Vì duyên phần nên có nhiễm dục vậy.
“A-nan, duyên lợi có phân biệt. Đây nói là duyên lợi có phân biệt; nên biết, điều được nói là duyên lợi có phân biệt. A-nan, nếu không có lợi, tất cả đều không có lợi thì giả sử tách rời lợi, có phân biệt chăng?
“Bạch Thế Tôn, không”.
“A-nan, cho nên biết rằng nhân của phân biệt, tập khởi của phân biệt, bản của phân biệt, duyên của phân biệt gọi đó là lợi. Vì sao? Vì duyên lợi nên có phân biệt.
“A-nan, duyên cầu có lợi. Đây nói là duyên cầu có lợi; nên biết, điều được nói là duyên cầu có lợi. A-nan, nếu không có cầu, tất cả đều không có cầu, thì giả sử tách rời cầu, có lợi chăng?
“Bạch Thế Tôn, không”.
“A-nan, nhân của lợi, tập khởi của lợi, bản của lợi, duyên của lợi, gọi đó là cầu. Vì sao? Vì duyên cầu cho nên có lợi.
“A-nan, duyên ái có cầu. Đây nói là duyên ái có cầu; nên biết, điều được nói là duyên ái có cầu.
“A-nan, nếu không có ái, tất cả đều không có ái, thì giả sử tách rời ái, có cầu chăng?
“Bạch Thế Tôn, không”.
“A-nan, cho nên biết rằng nhân của cầu, tập khởi của cầu, bản của cầu, duyên của cầu, gọi đó là ái. Vì sao? Vì duyên ái nên có cầu.
“A-nan, dục ái và hữu ái, hai pháp này nhân thọ[10], duyên thọ đưa đến.
“A-nan, nếu có người hỏi ‘Thọ có duyên không?’ thì nên đáp rằng ‘Thọ cũng có duyên’. Nếu có người hỏi ‘Thọ có duyên gì?’ thì nên đáp rằng ‘Thọ duyên với xúc’[11] nên biết rằng: duyên xúc có thọ.
“A-nan, nếu không có nhãn xúc, tất cả đều không có nhãn xúc thì giả sử tách rời nhãn xúc sẽ có duyên nhãn xúc mà sanh ra lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ chăng?”
“Bạch Thế Tôn, không”.
“A-nan, nếu không có nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc, tất cả đều không có ý xúc, thì giả sử tách rời ý xúc sẽ có duyên ý xúc mà sanh ra lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ chăng?”
“Bạch Thế Tôn, không”.
“A-nan, cho nên biết rằng nhân của thọ, tập khởi của thọ, bản của thọ, duyên của thọ, gọi đó là xúc. Vì sao? Vì duyên xúc nên có thọ vậy.
“A-nan, nếu có người hỏi ‘Xúc có duyên không?’ thì nên đáp rằng ‘Xúc có duyên’. Nếu có người hỏi ‘Xúc có duyên gì?’ thì nên đáp rằng ‘Duyên danh sắc’. Nên biết rằng duyên danh sắc có xúc.
“A-nan, sở hành, sở duyên[12] có danh thân[13]. Rời hành này, ly duyên này thì có hữu đối xúc[14] chăng?”
“Bạch Thế Tôn, không”.
“A-nan, sở hành, sở duyên có sắc thân. Rời hành này, ly duyên này thì có tăng ngữ xúc chăng?[15]”
“Bạch Thế Tôn, không”.
“Giả sử rời danh thân và sắc thân thì sẽ có xúc, thi thiết xúc chăng?”
“Bạch Thế Tôn, không”.
“A-nan, cho nên biết rằng nhân của xúc, tập khởi của xúc, bản của xúc, duyên của xúc, gọi đó là danh sắc. Vì sao? Vì duyên danh sắc nên có xúc.
“A-nan, nếu có người hỏi ‘Danh sắc có duyên chăng?’ thì nên đáp rằng ‘Danh sắc có duyên’. Nếu có người hỏi ‘Danh sắc có duyên gì?’ thì nên đáp rằng ‘Duyên thức’. Nên biết rằng duyên thức có danh sắc.
“A-nan, nếu thức không vào thai mẹ mà chỉ có danh sắc, thì có thành thân này chăng?”
“Bạch Thế Tôn, không”.
“A-nan, nếu thức mới vào thai, liền ra tức khắc thì danh sắc hợp với tinh chăng?”
“Bạch Thế Tôn, không”.
“A-nan, nếu thức của trẻ nhỏ, con trai hay con gái, bị đoạn hoại không còn, thì danh sắc tăng trưởng dần được chăng?”
“Bạch Thế Tôn, không”.
“A-nan, cho nên biết rằng nhân của danh sắc, tập khởi của danh sắc, bản của danh sắc, duyên của danh sắc, gọi đó là thức. Vì sao? Vì duyên thức nên có danh sắc.
“A-nan, nếu có người hỏi ‘Thức có duyên chăng?’ thì nên đáp rằng ‘Thức có duyên’. Nếu có người hỏi ‘Thức có duyên gì?’ thì nên đáp rằng ‘Duyên danh sắc’. Nên biết rằng duyên danh sắc có thức.
“A-nan, nếu thức không có danh sắc, nếu thức không an lập, không dựa vào danh sắc thì thức có sanh, có già, có bệnh, có chết chăng? Có khổ chăng?”
“Bạch Thế Tôn, không”.
“A-nan, cho nên biết rằng nhân của thức, tập khởi của thức, bản của thức, duyên của thức, gọi đó là danh sắc. Vì sao? Vì duyên danh sắc nên có thức.
“A-nan, đó là duyên danh sắc có thức; duyên thức cũng có danh sắc; do đó có tăng ngữ, do tăng ngữ có truyền thuyết, do truyền thuyết mà có thể thi thiết là có, nghĩa là thức và danh sắc cùng đi đôi vậy[16].
“A-nan, thế nào là có một loại kiến chấp có thần ngã?[17]”
Tôn giả A-nan bạch Đức Thế Tôn:
“Thế Tôn là Pháp bản, Thế Tôn là Pháp chủ, Pháp do Thế Tôn, cúi xin Thế Tôn nói điều đó. Con nay nghe xong, được biết ý nghĩa một cách rộng rãi”.
Phật nói:
“A-nan, hãy lắng nghe kỹ. Hãy khéo tư niệm kỹ. Ta sẽ phân biệt cho thầy nghe ý nghĩa một cách rộng rãi”.
Tôn giả A-nan vâng lời dạy, lắng nghe.
Phật nói:
“A-nan, Hoặc có kiến chấp thọ là ngã[18]. Hoặc lại có kiến chấp không cho rằng thọ là ngã, nhưng thần ngã có cảm thọ, mà tính cách của ngã là khả năng cảm thọ. Hoặc lại có kiến chấp không cho rằng thọ là ngã và cũng không cho rằng ngã có cảm thọ, vì tính cách của ngã là khả năng cảm thọ, mà chỉ cho rằng ngã không cảm thọ gì cả.
“A-nan, Nếu có người cho rằng ‘thọ là thần ngã’, thì nên hỏi người ấy rằng ‘Ông có ba cảm thọ, lạc thọ, khổ thọ và không khổ không lạc thọ; trong ba cảm thọ này, ông cho thọ nào là ngã?’ A-nan, nên nói tiếp với người ấy ‘Nếu lúc có cảm thọ về lạc thọ, thì ngay lúc ấy hai cảm thọ kia, khổ thọ và không khổ không lạc thọ, diệt mất. Lúc ấy chỉ có cảm thọ về lạc thọ, nhưng lạc thọ là pháp vô thường, khổ, hoại diệt’. Nếu khi lạc thọ diệt rồi thì người ấy há không nghĩ rằng ‘Chẳng phải là ngã diệt chăng?’ A-nan, nếu chỉ có cảm thọ về khổ thọ, thì lúc ấy hai cảm thọ kia, lạc thọ và không khổ không lạc thọ, diệt mất. Người ấy lúc đó chỉ có cảm thọï về khổ thọ, nhưng khổ thọ là pháp vô thường, khổ, hoại diệt. Nếu khổ thọ đã diệt thì người ấy há không nghĩ rằng ‘Chẳng phải là ngã diệt chăng?’ A-nan, nếu chỉ có cảm thọ về bất khổ bất lạc thọ thì lúc ấy cả hai cảm thọ kia, lạc thọ và khổ thọ, diệt mất. Người ấy lúc đó chỉ có cảm giác về không khổ không lạc thọ, nhưng không khổ không lạc thọ là pháp vô thường, khổ, hoại diệt. Nếu không khổ không lạc thọ đã diệt thì người ấy há không nghĩ rằng ‘Chẳng phải là ngã diệt chăng?’ A-nan, thọ là pháp vô thường như vậy, chỉ xen lẫn khổ, lạc thì lại còn chấp rằng thọ là ngã chăng?”
“Bạch Thế Tôn, không”.
“A-nan, thọ vô thường như vậy, chỉ xen lẫn khổ, lạc thì không nên chấp rằng thọ là ngã.
“A-nan, nếu lại có một loại kiến chấp không cho rằng thọ là ngã, nhưng ngã có cảm thọ vì tính cách của ngã là khả năng cảm thọ, thì nên nói với người ấy ‘Nếu ông không có thọ, thì thọ không thể có, không thể nói rằng cái này là sở hữu của tôi’. A-nan, người kia còn chấp như vầy ‘Thọ không phải là ngã, nhưng ngã có cảm thọ, vì tính cách của ngã là khả năng cảm thọ’ nữa chăng?”
“Bạch Thế Tôn, không”.
“A-nan, cho nên người kia không nên chấp như vầy ‘Thọ không phải là ngã, nhưng ngã có cảm thọ, vì tính cách của ngã là khả năng cảm thọ’.
“A-nan, nếu lại có một loại kiến chấp không cho rằng thọ là ngã, cũng không cho rằng ngã có cảm thọ, vì tính cách của ngã là khả năng cảm thọ, mà chỉ chấp rằng ngã không cảm thọ gì cả, thì nên nói với người ấy ‘Nếu ông không có cảm thọ, hoàn toàn không có cảm thọ, nhưng nếu ngã ở ngoài cảm thọ thì không thể nói ngã thanh tịnh’. A-nan, người kia còn chấp ‘Thọ không phải là ngã, cũng không chấp ngã có cảm thọ, tính cách của ngã là khả năng cảm thọ, mà chỉ chấp ngã hoàn toàn không có cảm thọ’ nữa chăng?”
“Bạch Thế Tôn, không”.
“A-nan, cho nên người kia không nên chấp như vầy ‘Thọ không phải là ngã, cũng không chấp ngã có cảm thọ, tính cách của ngã là khả năng cảm thọ, mà chỉ chấp ngã hoàn toàn không có cảm thọ’. Đó gọi là một loại kiến chấp có ngã.
“A-nan, Thế nào là có loại kiến chấp không cho rằng có ngã?”
Tôn giả A-nan bạch Đức Thế Tôn:
“Thế Tôn là Pháp bản, Thế Tôn là Pháp chủ, Pháp do Thế Tôn. Cúi xin Thế Tôn nói điều đó. Con nay nghe rồi được biết ý nghĩa rộng rãi”.
Phật bảo:
“A-nan, Hãy lắng nghe kỹ. Hãy khéo tư niệm kỹ. Ta sẽ phân biệt cho thầy nghe ý nghĩa một cách rộng rãi”.
Tôn giả A-nan vâng lời dạy, lắng nghe.
Phật nói:
“A-nan, nếu có người không cho rằng ‘Thọ là ngã, cũng không cho rằng ngã có cảm thọ, vì tính cách của ngã là khả năng cảm thọ và cũng không cho rằng ngã hoàn toàn không có cảm thọ’. Người ấy do không chấp như vậy nên không còn thọ sanh ở thế gian này. Người ấy do không còn thọ sanh nên không còn phiền lụy. Do không phiền lụy mà Bát-niết-bàn, biết một cách như thật rằng ‘Sự sanh đã hết, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’.
“A-nan, đó gọi là tăng ngữ, do tăng ngữ có truyền thuyết, do truyền thuyết mà thi thiết là có. Biết như vậy thì không còn gì để chấp thủ.
“A-nan, nếu Tỳ-kheo chánh giải thoát như vậy thì không có kiến chấp rằng Như Lai còn hay Như Lai không còn sau khi chết[19]; chấp Như Lai vừa còn, vừa không còn; Như Lai không phải còn hay không còn. Đó gọi là có một loại không thấy có ngã.
“A-nan, Thế nào là có một quan niệm có thần ngã được chủ trương?
Tôn giả A-nan bạch Phật rằng:
“Thế Tôn là Pháp bản, Thế Tôn là Pháp chủ, pháp do Thế Tôn. Cúi xin Thế Tôn nói điều đó. Con nay nghe rồi biết ý nghĩa rộng rãi”.
Phật bảo:
“A-nan, hãy lắng nghe kỹ. Hãy khéo tư niệm kỹ. Ta sẽ phân biệt cho thầy nghe ý nghĩa một cách rộng rãi”.
Tôn giả A-nan vâng lời, lắng nghe.
Phật nói:
“Hoặc trong một giới hạn sắc nhỏ hẹp mà quan niệm ngã được chủ trương; hoặc trong một giới hạn không phải sắc nhỏ hẹp mà quan niệm ngã được chủ trương, nhưng trong một giới hạn sắc vô lượng mà quan niệm ngã được chủ trương; hoặc trong một giới hạn không phải sắc nhỏ hẹp, cũng không phải sắc vô lượng mà quan niệm ngã được chủ trương, nhưng với giới hạn vô sắc nhỏ hẹp mà quan niệm ngã được chủ trương; hoặc không phải trong giới hạn sắc nhỏ hẹp mà quan niệm ngã được chủ trương, cũng không phải sắc vô lượng mà quan niệm ngã được chủ trương, cũng không phải vô sắc nhỏ hẹp mà quan niệm ngã được chủ trương, nhưng trong giới hạn vô sắc vô lượng mà quan niệm ngã được chủ trương.
“A-nan, nếu có trường hợp căn cứ vào giới hạn sắc nhỏ hẹp mà quan niệm ngã được chủ trương thì người ấy trong hiện tại với sắc nhỏ hẹp này mà quan niệm ngã được chủ trương, và đối với khi thân hoại mạng chung cũng nói nó như vậy, cũng thấy nó như vậy. Nếu khi ngã tách ngoài sắc nhỏ hẹp này, người ấy cũng suy niệm như vậy, tư duy nó như vậy, như vậy. A-nan, như thế là có trường hợp căn cứ vào sắc nhỏ hẹp mà quan niệm ngã được chủ trương. Như vậy, có trường hợp căn cứ vào sắc nhỏ hẹp mà kiến chấp về ngã bị chấp trước.
“A-nan, nếu có trường hợp không căn cứ vào sắc nhỏ hẹp mà quan niệm ngã được chủ trương, nhưng căn cứ vào vô lượng sắc mà quan niệm ngã được chủ trương, thì người ấy trong hiện tại với vô lượng sắc này mà quan niệm ngã được chủ trương, và đối với khi thân hoại mạng chung cũng nói nó như vậy, cũng thấy nó như vậy. Nếu khi ngã tách khỏi vô lượng sắc, người ấy cũng suy niệm như vậy, tư duy nó như vậy, như vậy. A-nan, như thế, có trường hợp căn cứ vào vô lượng sắc mà quan niệm ngã được chủ trương. Như vậy, với vô lượng sắc mà kiến chấp về ngã bị chấp trước.
“A-nan, nếu có trường hợp không căn cứ vào sắc nhỏ hẹp, cũng không căn cứ vào sắc vô lượng, nhưng căn cứ vào vô sắc nhỏ hẹp mà quan niệm ngã được chủ trương, thì người ấy, trong hiện tại, căn cứ vào vô sắc nhỏ hẹp mà quan niệm ngã được chủ trương, khi thân hoại mạng chung cũng nói nó như vậy, cũng thấy nó như vậy. Nếu khi ngã rời khỏi vô sắc nhỏ hẹp, người ấy suy niệm như vậy, tư duy nó như vậy, như vậy. A-nan, như thế có trường hợp căn cứ vào vô sắc nhỏ hẹp mà quan niệm ngã được chủ trương. Như vậy với vô sắc nhỏ hẹp mà kiến chấp ngã bị chấp trước.
“A-nan, nếu có trường hợp không căn cứ vào sắc nhỏ hẹp, cũng không căn cứ sắc vô lượng, cũng không căn cứ vô sắc nhỏ hẹp, nhưng căn cứ vào vô sắc vô lượng mà quan niệm ngã được chủ trương, thì người ấy trong hiện tại, với vô lượng vô sắc mà quan niệm ngã được chủ trương, khi thân hoại mạng chung cũng nói nó như vậy, cũng thấy nó như vậy. Nếu khi ngã rời khỏi vô lượng vô sắc, người ấy suy niệm như vậy, tư duy nó như vậy, như vậy. A-nan, như thế có trường hợp căn cứ vào vô lượng vô sắc mà quan niệm ngã được chủ trương. Như vậy, với vô lượng vô sắc mà kiến chấp ngã bị chấp trước.
“A-nan, như vậy là có một loại quan niệm ngã được chủ trương.
“A-nan, thế nào là có một loại quan niệm vô ngã được chủ trương?
Tôn giả A-nan bạch Đức Thế Tôn:
“Thế Tôn là Pháp bản, Thế Tôn là Pháp chủ, Pháp do Thế Tôn. Cúi mong Thế Tôn nói điều đó. Con nay nghe rồi được biết ý nghĩa rộng rãi”.
Phật bảo:
“A-nan, hãy lắng nghe kỹ. Hãy khéo tư niệm kỹ. Ta sẽ phân biệt cho thầy nghe ý nghĩa một cách rộng rãi”.
Tôn giả A-nan vâng lời dạy, lắng nghe.
Phật nói:
“A-nan, hoặc có trường hợp không căn cứ vào sắc nhỏ hẹp mà quan niệm ngã được chủ trương, cũng không căn cứ vào sắc vô lượng, cũng không căn cứ vào vô sắc nhỏ hẹp và cũng không căn cứ vào vô sắc vô lượng mà quan niệm ngã được chủ trương.
“A-nan, nếu có trường hợp không căn cứ vào sắc nhỏ hẹp mà quan niệm ngã được chủ trương, thì người ấy trong hiện tại không căn cứ vào sắc nhỏ hẹp mà quan niệm ngã được chủ trương, khi thân hoại mạng chung cũng không nói nó như vậy, cũng không thấy nó như vậy. Nếu khi ngã rời khỏi sắc nhỏ hẹp, người ấy không suy niệm như vậy, cũng không tư duy nó như vậy, như vậy. A-nan, như thế, có trường hợp không căn cứ vào sắc nhỏ hẹp mà quan niệm ngã được chủ trương. Như vậy, với không sắc nhỏ hẹp mà không kiến chấp ngã bị chấp trước.
“A-nan, nếu có trường hợp không căn cứ vào sắc vô lượng mà quan niệm ngã được chủ trương, thì người ấy, trong hiện tại không căn cứ vào sắc vô lượng mà quan niệm ngã được chủ trương, khi thân hoại mạng chung cũng không nói nó như vậy, cũng không thấy nó như vậy. Nếu khi ngã rời sắc vô lượng, người ấy không suy niệm như vậy, cũng không tư duy nó như vậy, như vậy. A-nan, như thế có trường hợp không căn cứ vào sắc vô lượng mà quan niệm ngã được chủ trương. Như vậy, với không sắc vô lượng mà không kiến chấp ngã bị chấp trước.
“A-nan, nếu có trường hợp không căn cứ vào vô sắc nhỏ hẹp mà quan niệm ngã được chủ trương, thì người ấy, trong hiện tại không căn cứ vào vô sắc nhỏ hẹp mà quan niệm ngã được chủ trương, khi thân hoại mạng chung cũng không nói nó như vậy, cũng không thấy nó như vậy. Nếu khi ngã rời khỏi vô sắc nhỏ hẹp, người ấy không suy niệm như vậy, cũng không tư duy nó như vậy, như vậy. A-nan, như thế có trường hợp không căn cứ vào vô sắc nhỏ hẹp mà quan niệm ngã được chủ trương. Như vậy, với không vô sắc nhỏ hẹp mà không kiến chấp ngã bị chấp trước.
“A-nan, nếu có trường hợp không căn cứ vào vô sắc vô lượng mà quan niệm ngã được chủ trương, thì người ấy, trong hiện tại, không căn cứ vào vô sắc vô lượng mà quan niệm ngã được chủ trương. Khi thân hoại mạng chung cũng không nói nó như vậy, cũng không thấy nó như vậy. Nếu khi ngã rời khỏi vô sắc vô lượng, người ấy không suy niệm như vậy, cũng không tư duy nó như vậy, như vậy. A-nan, như thế có trường hợp không căn cứ vào vô sắc vô lượng mà quan niệm ngã được chủ trương. Như vậy, với vô sắc vô lượng mà không kiến chấp ngã bị chấp trước.
“A-nan, đó gọi là có một loại quan niệm vô ngã được chủ trương.
“Lại nữa, này A-nan, có bảy trú xứ của thức[20] và hai xứ[21]. Thế nào là bảy trú xứ của thức? Chúng sanh hữu sắc[22] với các chủng loại thân khác nhau, các chủng loại tướng khác nhau, ấy là loài người và loài trời cõi Dục. Đó là trú xứ thứ nhất của thức.
“Lại nữa, này A-nan, chúng sanh hữu sắc với các chủng loại thân khác nhau, nhưng chỉ có một loại tưởng, ấy là Phạm thiên sơ sanh không yểu thọ[23]. Gọi đó là trụ xứ thứ hai của thức.
“Lại nữa, này A-nan, chúng sanh hữu sắc với một loại thân nhưng nhiều chủng loại tưởng, ấy là Hoảng dục thiên[24]. Gọi đó là trụ xứ thứ ba của thức.
“Lại nữa, này A-nan, chúng sanh hữu sắc với một thân, với một loại tưởng, ấy là Biến tịnh thiên. Gọi đó là trụ xứ thứ tư của thức.
“Lại nữa, này A-nan, chúng sanh vô sắc, vượt qua tất cả sắc tưởng, diệt trừ hữu đối tưởng, không tư duy các loại tưởng, vào vô lượng không xứ, thành tựu an trụ vô lượng không xứ, ấy là Vô lượng không xứ thiên. Gọi đó là trụ xứ thứ năm của thức.
“Lại nữa, này A-nan, chúng sanh vô sắc, vượt qua tất cả vô lượng không xứ, vào vô lượng thức xứ, thành tựu an trụ vô lượng thức xứ, ấy là Vô lượng thức xứ thiên. Gọi đó là trụ xứ thứ sáu của thức.
“Lại nữa, này A-nan, chúng sanh vô sắc, vượt qua tất cả vô lượng thức tưởng, vào Vô sở hữu xứ, thành tựu an trụ Vô sở hữu xứ, ấy là Vô sở hữu xứ thiên. Gọi đó là trụ xứ thứ bảy của thức.
“Thế nào là có hai xứ? Chúng sanh hữu sắc không có tưởng, không có thọ, ấy là Vô tưởng thiên. Gọi đó là xứ thứ nhất.
“Lại nữa, này A-nan, chúng sanh vô sắc vượt qua tất cả Vô sở hữu xứ, vào Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ, thành tựu an trụ Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ, ấy là Phi hữu tưởng phi vô tưởng thiên. Gọi đó là xứ thứ hai[25].
“A-nan, đối với trụ xứ thứ nhất của thức, chúng sanh hữu sắc với các chủng loại thân, với các chủng loại tưởng, là loài người và loài trời cõi Dục; nếu có Tỳ-kheo biết như thật trụ xứ ấy của thức, biết sự tập khởi của trụ xứ của thức, biết sự diệt tận, vị ngọt, tai hoạn, biết xuất yếu, thì này A-nan, Tỳ-kheo kia có thể vui thích nơi trụ xứ của thức ấy, kế trước và trụ nơi trụ xứ ấy của thức chăng?”
“Bạch Thế Tôn, không”.
“A-nan, đối với trụ xứ thứ hai của thức, chúng sanh hữu sắc với các chủng loại thân nhưng một chủng loại tưởng, là Phạm thiên sơ sanh không yểu thọ; nếu có Tỳ-kheo biết như thật trụ xứ ấy của thức, biết sự tập khởi của trụ xứ ấy của thức, biết sự diệt tận, biết vị ngọt, biết tai hoạn, biết xuất yếu, thì này A-nan, Tỳ-kheo ấy có thể hoan lạc nơi trụ xứ kia của thức, kế trước và trụ nơi trụ xứ kia của thức chăng?
“Bạch Thế Tôn, không”.
“A-nan, đối với trụ xứ thứ ba của thức, chúng sanh hữu sắc với một loại thân nhưng nhiều chủng loại tưởng, ấy là Hoảng dục thiên. Nếu có Tỳ-kheo biết như thật trụ xứ ấy của thức, biết sự diệt tận, biết vị ngọt, biết tai hoạn, biết xuất yếu, thì này A-nan, Tỳ-kheo ấy có thể hoan lạc nơi trụ xứ kia của thức, kế trước và trụ nơi trụ xứ kia của thức chăng?
“Bạch Thế Tôn, không”.
“A-nan, đối với trụ xứ thứ tư của thức, chúng sanh hữu sắc với một loại thân, với một loại tưởng, ấy là Biến tịnh thiên. Nếu có Tỳ-kheo biết như thật trụ xứ ấy của thức, biết sự diệt tận, biết vị ngọt, biết tai hoạn, biết xuất yếu, thì này A-nan, Tỳ-kheo ấy có thể hoan lạc nơi trụ xứ kia của thức, kế trước và trụ nơi trụ xứ kia của thức chăng?
“Bạch Thế Tôn, không”.
“A-nan, đối với trụ xứ thứ năm của thức, chúng sanh vô sắc, vượt qua tất cả sắc tưởng, diệt trừ hữu đối tưởng, không tư duy các loại tưởng, vào vô lượng không xứ, thành tựu an trụ vô lượng không xứ, ấy là Vô lượng không xứ thiên. Nếu có Tỳ-kheo biết như thật trụ xứ ấy của thức, biết sự diệt tận, biết vị ngọt, biết tai hoạn, biết xuất yếu, này A-nan, vị Tỳ-kheo ấy có thể hoan lạc nơi trụ xứ kia của thức, kế trước và trụ nơi trụ xứ kia của thức chăng?
“Bạch Thế Tôn, không”.
“A-nan, đối với trụ xứ thứ sáu của thức, chúng sanh vô sắc vượt tất cả vô lượng không xứ, vào vô lượng thức xứ, thành tựu an trụ vô lượng thức xứ, ấy là Vô lượng thức xứ thiên. Nếu có Tỳ-kheo biết như thật trụ xứ ấy của thức, biết sự diệt tận, biết vị ngọt, biết tai hoạn, biết xuất yếu, thì này A-nan, Tỳ-kheo ấy có thể an lạc nơi trụ xứ kia của thức, kế trước và trụ nơi trụ xứ kia của thức chăng?
“Bạch Thế Tôn, không”.
“A-nan, đối với trụ xứ thứ bảy của thức, chúng sanh vô sắc vượt qua tất cả vô lượng thức tưởng, vào Vô sở hữu xứ, thành tựu an trụ Vô sở hữu xứ, ấy là Vô sở hữu xứ thiên. Nếu có Tỳ-kheo biết như thật trụ xứ của thức, biết sự diệt tận, biết vị ngọt, biết tai hoạn, biết xuất yếu, thì này A-nan, vị Tỳ-kheo ấy có thể hoan lạc nơi trụ xứ kia của thức, kế trước và trụ nơi trụ xứ kia của thức chăng?”
“Bạch Thế Tôn, không”.
“A-nan, đối với trụ xứ thứ nhất, chúng sanh hữu sắc không có tưởng, không có thọ, ấy là Vô tưởng thiên. Nếu có Tỳ-kheo biết như thật trụ xứ ấy của thức, biết sự diệt tận, biết vị ngọt, biết tai hoạn, biết xuất yếu, thì này A-nan, Tỳ-kheo ấy có thể hoan lạc nơi trụ xứ kia của thức, kế trước và trụ nơi trụ xứ kia của thức chăng?”
“Bạch Thế Tôn, không”.
“A-nan, đối với trụ xứ thứ hai của thức, chúng sanh vô sắc, vượt qua tất cả Vô sở hữu xứ, vào Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ, thành tựu an trụ Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ, ấy là Phi hữu tưởng phi vô tưởng thiên. Nếu có Tỳ-kheo biết như thật xứ ấy của thức, biết sự diệt tận, biết vị ngọt, biết tai hoạn, biết xuất yếu, thì này A-nan, Tỳ-kheo ấy có thể hoan lạc nơi xứ kia của thức, kế trước và trụ nơi xứ kia của thức chăng?
“Bạch Thế Tôn, không”.
“A-nan, nếu có Tỳ-kheo biết như thật bảy trụ xứ của thức và hai xứ kia, tâm không nhiễm trước, được giải thoát thì gọi là Tỳ-kheo A-la-hán danh tuệ giải thoát.
“Lại nữa, này A-nan, có tám giải thoát.
“Những gì là tám?”
“Sắc quán sắc, đó là giải thoát thứ nhất.
“Lại nữa, bên trong không sắc tưởng, bên ngoài quán sắc, đó là giải thoát thứ hai.
“Lại nữa, với tịnh giải thoát, tự thân chứng ngộ, thành tựu an trụ, đó là giải thoát thứ ba.
“Lại nữa, vượt qua tất cả sắc tưởng, diệt trừ hữu đối tưởng, không tư duy các loại tưởng, vào vô lượng không xứ, thành tựu an trụ vô lượng không xứ, đó là giải thoát thứ tư.
“Lại nữa, vượt qua tất cả vô lượng không xứ, vào vô lượng thức xứ, thành tựu an trụ vô lượng thức xứ, đó là giải thoát thứ năm.
“Lại nữa, vượt qua tất cả vô lượng thức xứ, vào Vô sở hữu xứ, thành tựu an trụ Vô sở hữu xứ, đó là giải thoát thứ sáu.
“Lại nữa, vượt qua tất cả Vô sở hữu xứ, vào Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ, thành tựu an trụ Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ, đó là giải thoát thứ bảy.
“Lại nữa, vượt qua tất cả Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ, tưởng thọ diệt giải thoát, tự thân chứng ngộ, thành tựu an trụ, đó là giải thoát thứ tám.
“A-nan, nếu có Tỳ-kheo biết như thật về bảy trụ xứ của thức và hai xứ kia, tâm không nhiễm trước, được giải thoát, thành tựu an trụ và với tám giải thoát này, thuận và nghịch mà tự thân chứng ngộ, thành tựu an trụ và cũng do tuệ quán mà diệt tận các lậu, thì đó là Tỳ-kheo A-la-hán, được gọi Câu giải thoát[26].”
Phật thuyết như vậy. Tôn giả A-nan và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
Chú thích:
[01] Bản Hán, quyển 24. Tương đương Pāli: D.15 Mahā-nidāna-suttaṃ. Hán, biệt dịch, No.1 (13), No.14, DTK.52.
[02] Xem các kinh số 10, 175, 177.
[03] Minh diệc thậm thâm 明 亦 甚 深. Pāli: gambhīrāvabhāso; nhưng, avabhāso lại có thể hiểu là “dáng vẻ” nên từ Pāli này được hiểu là “vẻ sâu sắc” (Pāli-Engish Dict. PTS.).
[04] Chí thiển chí thiển 至 淺 至 淺. Pāli: (gambhīrāvabhāso ca…) me uttānauttānako viya khāyati, ta thấy (vẻ sâu xa, xem cht. 3 trên) rất rõ, rất tỏ rõ. Trong đó, uttānaka có nghĩa “dễ dàng (như nằm ngữa)” và do đó, có nghĩa “công khai, minh bạch”. Bản Hán hiểu theo nghĩa cụ thể nên nói là “rất nông cạn”.
[05] Uẩn-mạn thảo 蘊 蔓 草; không rõ, Pāli: muñjapabbaja, cỏ muñja (một loại sậy, tên khoa học Saccharum munja) và cỏ pabbaja, chỉ chung lau sậy.
[06] Nguyên Hán: thọ 受.
[07] Nhân, tập, bản, duyên 因 習 本 緣. Pāli: hetu, samudayo, nidānaṃ, paccayo. Các bản đều chép là 習 (tập quán), nhưng đối chiếu Pāli, nên hiểu là 集 (tập khởi).
[08] Duyên ái hữu cầu 緣 愛 有 求. Pāli: taṇhaṃ paṭicca pariyesanā, duyên nới khát ái mà có tầm cầu.
[09] Lợi, phân, nhiễm dục, trước, xan, gia, thủ 利 分 染 欲 著 慳 家 守. Pāli: labho (lợi lộc), vinicchayo (phân biệt), chandarāgo (dục tham), ajjhosānaṃ (bám chặt), pariggaho (ôm giữ chặt), macchariyaṃ (keo lẩn), ārakkho (bảo thủ).
[10] Nguyên Hán: giác 覺.
[11] Cánh lạc 更 樂.
[12] Sở hành, sở duyên 所 行 所 緣. Hành tướng hay hình thái hoạt động, và đối tượng hoạt động. Xem cht. dưới.
[13] Pāli: ākārehi yehi liṅgehi yehi… Nāmakāyassa paññatti hoti, bởi những hình thái, những tướng mạo… mà có khái niệm về danh thân.
[14] Hữu đối cánh lạc 有 對 更 樂; xúc chạm có đối ngại, sự xúc chạm gây phản ứng trên các giác quan. Xem Câu-xá 10 (Ch.iii, tụng 30). No.1 (13): tâm xúc. Pāli: paṭṇgha-samphassa.
[15] Tăng ngữ xúc 增 語 觸, tác động của ngôn từ trên nhận thức. Cũng gọi là danh mục xúc. No.1(13): thân xúc. Pāli: adhivacana-samphassa.
[16] Tham chiếu Pāli: ettāvatā…jāyetha vā… cavetha vā upapajjetha vā ettāvatā adhivacanapatho ettāvatā niruttipatho ettāvatā paññattipatho…ettāvatā vattaṃ vattati itthattaṃ paññāpanāya yadidam nāmarūpaṃ saha viññaṇena aññamqaññapaccayatā pavattati; trong giới hạn có thể sanh, có thể chết, có thể tái sanh; trong giới hạn ấy có con đường danh ngôn, con đường truyền thuyết, con đường khái niệm; trong giới hạn ấy là sự lưu chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác, tức là danh sắc cùng với thức hỗ tương làm duyên cho nhau…
[17] Nhất kiến hữu thần 一 見 有 神. Pāli: kittāvatā… attānaṃ samanupassamāno samanupassati, cho đến mức nào quan niệm về tự ngã được quan niệm?
[18] Giác thị thần 覺 是 神. Pāli: vedanā me attā, cảm thọ là tự ngã của tôi.
[19] Như Lai chung bất chung.
[20] Thất thức trụ 七 識 住. Pāli: satta viññāṇaṭṭhitiya.
[21] Nhị xứ 二 處. N.1 (13): nhị nhập xứ. Pāli: dve āyatanāni.
[22] Hữu sắc “vì có sắc uẩn” (Tập dị 17. No.1536, Đại 26, trang 437c).
[23] Tập Dị 17 (đd): Phạm chúng thiên vào thời sáng thế.
[24] Hoảng dục thiên, tức Quang âm thiên hay Dục quang thiên. Pāli:Ābhassarā.
[25] Vô tưởng thiên và Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ thiên, không được gọi là trụ xứ của thức vì hai nơi này thức không hiện khởi.
[26] Xem cht.11, Kinh số 195.