CHUYỆN VÃNG SANH Ở VIỆT NAM
Nhóm Liên Hữu Miền Nam Đất Việt sưu tập

 

95. TRẦN MINH CHÂU (1920 – 1979, 59 tuổi)

Có tài mà cậy chi tài,
Vun bồi đức hạnh chờ ngày nở hoa.
Tình thương rãi khắp gần xa,
Chí tâm tưởng Phật liên tòa phóng quang!

Ông Trần Minh Châu sinh năm 1920, cư ngụ tại ấp Long Hòa 2, xã Long Điền, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Thân phụ là cụ ông Trần Văn Trồng, một thầy thuốc danh tiếng đương thời; thân mẫu là cụ bà Dương Thị Lánh. Ông là con thứ Ba trong gia đình có chín anh em.

Khi tuổi trưởng thành ông được cha truyền cho nghề Đông y. Sau khi đã hoàn tất học nghiệp, ông không hành nghề này mà cùng một số bạn đồng trang lứa sang Cam-pu-chia mưu sinh bằng những nghề lao động tay chân nặng nhọc như gánh đất mướn…

Hôm nọ, nhà ông chủ có cô con gái Út bị bệnh “băng kinh”. Mặc dù đã rước nhiều lương y đến chẩn mạch và kê đơn, chẳng những bệnh tình không hề thuyên giảm, mà càng ngày càng nghiêm trọng thêm hơn, tính mạng đang cơn nguy ngập “thập tử nhất sanh”. Trong số anh em làm chung có người đề nghị:

– Anh biết nghề thuốc! Thì thôi ra tay nghĩa hiệp trị bệnh cho con gái ông chủ đi!

Rồi họ bèn giới thiệu ông với ông chủ nhà. Ông liền xin ông chủ nhà đưa toa thuốc của những vị lương y trước đã hốt để xem. Ông chủ nhà liền hỏi:

– Bộ mày biết hốt thuốc Bắc hả?

Ông khiêm nhượng đáp:

– Con cũng biết chút đỉnh chứ không có biết nhiều, ông ơi!

Sau khi đọc toa thuốc xong, ông nói:

– Bệnh này dùng phương thang này thì đúng rồi! Nhưng trong đây có mấy vị thuốc cần phải đem đi sao đen thì mới chỉ huyết, tức là cầm máu; còn như không sao đen để dùng sống thì nó có tác dụng ngược lại là hoạt huyết, tức là máu ra nhiều hơn chứ không cầm máu được!

Ông chủ nhà cấp tốc làm y theo lời hướng dẫn của ông, bệnh của cô con gái lập tức khỏi hẳn.

Bấy lâu nay mọi người xem ông rất bình thường. Nhưng qua sự kiện này thì mọi người nhìn ông bằng cặp mắt khác, ai ai cũng kính nể ông và không cho ông gánh đất nữa.

Sau khi mục kích bệnh trạng của con gái mình trong cảnh hiểm nạn phút chốc biến mất, ông chủ nhà mừng quá, mời ông đến để nói lời cảm ơn và ngỏ ý muốn gả con gái cho ông, nhưng ông từ chối!

Kế đó ông chủ nhà giàu có ấy lại nảy ra dự định khác, là ông sẽ bỏ vốn ra đầu tư kinh doanh một tiệm thuốc Bắc cho ông đứng trông coi. Khi nêu lên kế hoạch trù liệu này với ông, ông cũng khước từ. Vì mong muốn chẳng để cho một nhân tài bị mai một, ông chủ nhà không mướn ông gánh đất nữa, với dụng ý ép buộc ông ra tay cứu giúp thế nhân bằng kiến thức y học gia truyền của mình. Vậy là ông bị rơi vào tình trạng thất nghiệp, ông bèn bỏ trốn về lại quê xưa sau gần mười năm tha hương phiêu bạc.

Không lâu sau, ông kết hôn với bà Trương Thị Lắm, sinh được mười người con nhưng mất hết năm, chỉ còn ba trai hai gái. Gia đình ông sanh sống bằng nghề làm ruộng.

Năm 1946, do nhìn thấy nhiều người bị bệnh khổ và nghèo đói bức bách, lâm vào cảnh khốn cùng, ông bèn lập ra một phòng thuốc Nam từ thiện tại nhà. Những bệnh nhân nào cần dùng thuốc Bắc thì ông kê đơn cho họ tự đi đến tiệm để hốt, hoặc ông đích thân mang về rồi lấy lại tiền vốn. Việc làm của ông được đại đa số quần chúng hưởng ứng, kẻ góp công người góp của, lần hồi phòng thuốc trở nên hưng thạnh. Đồng thời, cái tên thầy Ba Châu dần dần trở nên quen thuộc với tất cả mọi người, lúc đó ông 27 tuổi.

Ngoài ra ông còn thu nhận rất nhiều học trò, truyền đạt về nghề thuốc lẫn Hán văn, để tiếp nối sự nghiệp phúc lợi xã hội này.

Tính tình của ông vui vẻ, hài hòa, ít nói nhưng rất cương nghị và nghiêm túc, luôn nghiêm khắc với chính mình, rộng dung thứ người. Luôn tỏ ra uy đức khiến cho mọi người nể sợ, ông dùng thân giáo làm chính. Đời sống sinh hoạt cá nhân thì vô cùng đơn giản, ăn rất thanh đạm, mặc thì chỉ hai bộ đồ để thay đổi mà thôi, và ông tự tay mình đẻo hai đôi guốc, một đôi bằng cây vông nem, còn đôi kia thì bằng cây gòn.

Được biết ông dùng trường trai rất sớm nhưng con cháu không nhớ rõ là tháng năm nào!

Ông thường khuyên học trò và mọi người rán tu tròn nhân đạo để niệm Phật cầu sanh Tây Phương Cực Lạc, bởi vì xét thấy tu hạnh xuất gia không phải dễ dàng!

“Nếu xuất gia thì phải hy sinh,

Cả vật chất tinh thần lo Đạo.

Chớ giả dối mà mang sắc áo,

Mượn bồ-đề chuỗi hột lòe người.

Làm cho dân khinh dể ngạo cười,

Tội lỗi ấy luật nào dung thứ.”

Ông thường đọc kinh “Pháp Bảo Đàn”, “Giảng Xưa” và quyển “Thi Văn Giáo Lý Toàn Bộ” bằng chữ Nôm, hằng ngày ông ngủ rất ít, giữa khuya ông đã dậy công phu, đến 3 giờ thì đọc sách hoặc là dạy các con học cho đến giờ công phu buổi sớm mai, rồi bắt đầu lo chẩn mạch bốc thuốc. Tới giờ cơm sáng thì tạm nghỉ, dùng cơm xong thì tiếp tục làm việc cho tới giờ cơm chiều. Dùng cơm chiều xong, ông tiếp tục giải quyết cho đến hết bệnh nhân mới thôi. Ông đối xử với mọi người rất bình đẳng không phân biệt giàu nghèo, chức vụ lớn nhỏ… Hễ ai đến trước thì trị bệnh trước, ai đến sau thì chẩn mạch sau. Tiền bạc, oai thế không áp chế được ông. Chỉ ưu tiên cho những trường hợp đặc biệt mà ai cũng phải công nhận thôi! Tối đến, công phu xong thì ông đi nghỉ một lát, đến 11 giờ thì tiếp tục công phu khuya. Ngày nào cũng lặp đi lặp lại đều đặn như thế.

Làm việc ở cơ quan, hãng xưởng có lãnh lương và còn có giờ giấc, mỗi tuần đến chủ nhật và ngày lễ thì đều nghỉ; riêng ông thì hoàn toàn trống không các khoảng ấy. Đôi khi hai buổi cơm ban ngày, thậm chí giấc ngủ ban đêm cũng chẳng được tròn nữa là… Việc làm này xuất phát từ tinh thần tự nguyện, hết lòng hy sinh phụng hiến!

Chùa Long Hòa là ngôi chùa làng, ông cũng có tên trong danh sách Ban Hộ Tự. Thế mà những ngày lễ lớn trong năm hay là những buổi họp trọng đại ông đều tham dự chẳng trọn vẹn bởi bệnh nhân kiếm tìm. Các dịp cúng quảy trong thân tộc cũng không ngoại lệ. Dường như quanh năm suốt tháng bước chân của ông chưa hề bước ra cửa ngõ.

Bệnh nhân đến hốt thuốc ông thường khuyên giữ im lặng, đừng bàn chuyện thị phi, đừng bới móc xấu dở hay bài bác nọ kia… Đúng như câu:

“Chuyện người chớ móc chớ moi,

Hãy treo gương thiện mà soi lấy mình”.

Mặc khác, cả đời ông đã chứng kiến rất nhiều bệnh nhân giàu có tài sản kếch sù nhưng rồi cũng phải cúi đầu trước tử thần, ngoan ngoãn chấp hành. Các cơn đau đớn dữ dội trên thân cứ hành hạ liên tục đêm ngày chẳng dứt; những nỗi niềm sầu khổ trong tâm cứ cắn xé mãnh liệt không ngừng, bao nhiêu danh y diệu dược đều bó tay vô phương cứu chữa, giờ phút ấy mọi thứ vật chất của cải, bạc tiền… đều trở thành con số không to tướng, mọi thứ đều trở nên vô dụng! Những bệnh nhân ấy xem ra khổ đau còn kinh khiếp hơn những người bình thường. Đúng y như lời nhận định của cổ nhân:

“Ví hưởng khoái lạc ngàn muôn,

Đâu khỏi vô thường chết mất!

Cho rằng vật chất,

Chỗ dựa an toàn.

Tính toán lo toan,

Cả đời tạo lập.

Tháng năm vun đắp,

Cốt sao cho nhiều.

Ngỡ rằng được nhiều,

Sẽ là hạnh phúc.

Ruộng vườn sung túc,

Thẳng cánh cò bay.

Nhà cửa lầu đài,

Trang hoàng rực rỡ.

Xe tàu đủ cỡ,

Bóng lộng cao sang.

Sở hữu bá bang,

Vô biên tài vật…

Nào ngờ khi mất,

Chẳng đem được gì!

Tâm trí ưu bi,

Mến yêu thương tiếc.

Phút giây vĩnh biệt,

Đau đớn vô vàn!

Luống uổng biết bao công lao

dã tràng xe cát,

Tim gan tan nát,

hồn vía bấn loạn kinh hoàng!

Giờ chưa muộn màng,

Phải nên tu gấp!

Thiện cần xây đắp,

Ác thì sám hối, cố gắng ngăn chừa.

Thành lòng niệm Phật sớm trưa,

Tin sâu nguyện thiết quê xưa sẽ về.

Lâm chung quyết ngự Liên Huê,

Khỏi vòng sanh tử u mê bao đời!”

Vào cuối năm 1978, sức khỏe của ông bắt đầu suy sụp, ăn uống kém dần, nhưng ông vẫn làm việc bình thường. Hôm nọ, vào một buổi chiều ông nằm trên chiếc võng có đủ mặt ba người con trai, ông nói:

– Ba tháng nữa ba mất!

Chú Sáu cất tiếng hỏi:

– Thưa ba! Ba nói ba tháng nữa ba mất, mà ba mất vào tháng nào?

– Ba mất vào tháng tư!

Chú liền chạy đi lật lịch xem, xem xong chú lại hỏi:

– Thưa ba! Năm nay nhuần hai tháng tư, vậy thì ba mất tháng tư trước hay là tháng tư sau?

Ông đáp:

– Tháng tư sau!

Chú lại hỏi tiếp:

– Ba mất tháng tư sau, mà ngày mấy?

Ông đáp:

– Ngày mùng!

– Ba có thể cho tụi con biết là ngày mùng mấy được không, thưa ba?

Ông trả lời:

– Đã nói ngày mùng rồi mà còn hỏi mấy gì nữa!

Hay tin ông yếu, các bạn hữu đến thăm và khuyên ông cố gắng bảo trọng thể lực để duy trì sự giúp dân trợ thế được bền bỉ lâu dài. Ông cho biết thuở xưa ông phát nguyện hành nghề ba mươi năm, mà giờ phút này đã ba mươi hai năm rồi, nên chắc phải buông xả muôn duyên, thu xếp để chuẩn bị cho chuyến về quê của mình. Từ đó ông ăn ít dần, nhưng vẫn chẩn mạch hốt thuốc trị bệnh cho mọi người như thường nhật.

Đến ngày 25 tháng 4, ông hoàn toàn ngưng ăn, chỉ uống một ít nước trắng, các con và những học trò luân phiên thay nhau chăm sóc cho ông. Trải qua một tuần thấy ông suy gầy quá độ, một học trò đề nghị vô nước biển, ông không chịu. Nài nỉ riết ông đành tùy thuận, khi đang truyền dịch thì ông bị tai biến liệt nửa người. Từ đó ông không còn nói chuyện được nữa!

Qua ngày hôm sau bảy, tám học trò đang bu quanh bàn chuyện ồn náo, ông bèn hứ lớn một tiếng. Biết được ý muốn của ông mọi người giữ yên lặng, chăm lo hộ niệm, ông rất hoan hỷ lộ nét vui mừng!

Hộ niệm xuyên suốt qua bảy ngày đêm, ông an tường trút hơi thở cuối cùng vào lúc 3 giờ 35 phút chiều, ngày mùng 9 tháng 4 (nhuần) năm 1979. Ông hưởng dương 59 tuổi, đúng như lời ông đã báo trước đó ba tháng.

Trước khi mất, ông nhếch môi mỉm cười, gương mặt vô cùng rạng rỡ tươi vui. Chú Ba (học trò của ông) đứng bên cạnh nhìn thấy như thế, trong lòng tin chắc rằng thầy mình đã được vãng sanh Tây Phương Cực Lạc, nên năm mười phút sau chú đưa tay sờ lên đỉnh đầu của ông nhưng không chạm sát vào da đầu mà cách xa một khoảng, thế mà hơi nóng hực ra nóng ran cả bàn tay. Ba, bốn tiếng đồng hồ sau sức nóng vẫn còn y nguyên như cũ!

Sáng hôm sau đến giờ nhập mạch, gương mặt ông tươi vui, hồng hào, sáng đẹp như người đang nằm ngủ và đang mỉm cười. Các khớp xương thì mềm mại, đỉnh đầu vẫn còn rất nóng.

(Thuật theo lời Trần Văn n, con trai thứ Sáu của ông và đồng đạo Ba.)