CHUYỆN VÃNG SANH Ở VIỆT NAM
Nhóm Liên Hữu Miền Nam Đất Việt sưu tập

 

92. NGUYỄN VĂN THUYỀN (1931 – 2013, 82 tuổi)

Chân thật tu hành hạnh đức to,
Vui đạo an phần chẳng phiền lo!
Trần thế lợi danh không bận buộc,
Quyết đến Tây Phương chỗ hẹn hò!

Ông Nguyễn Văn Thuyền, là anh ruột của ông Nguyễn Văn Long (chuyện thứ 91 ở trước) sinh năm 1931. Ông là con thứ tám trong gia đình.

Khi em gái thứ chín đi lấy chồng, cha mẹ lần lượt qua đời, ông không lập gia đình mà sống chung với gia đình người em trai Út.

Được biết ông phát tâm trường trai tu hành rất sớm (trước năm 1970), nhưng người thân không còn nhớ rõ là năm tháng nào!

Hằng ngày, nghề chính của ông là đương rổ, đương xề. Mỗi khi đến mùa vụ, ông phụ lực đôi chút với em mình. Ngoài ra ông tích cực đóng góp công sức vào các công tác từ thiện xã hội,như: bắc cầu, bồi lộ, chặt và phơi thuốc Nam…

Tính tình của ông hiền lành, ít nói, không cố chấp nên dễ hòa đồng với mọi người xung quanh. Đối với các cháu trong nhà ông rất mực thương yêu, luôn nhắc nhở chúng tập làm lành lánh dữ, khi thấy chúng có làm điều gì sai trái ông la rầy dạy dỗ xong rồi thì thôi chứ không để bụng. Đời sống sinh hoạt cá nhân rất kiệm ước, ăn mặc đơn giản thanh đạm, chẳng màng danh lợi giàu sang.

Từ khi ông mới bắt đầu tu công khóa mỗi ngày là bốn thời, sau lễ nguyện thì ngồi niệm Phật khoảng một giờ hoặc lâu hơn. Ngày nào ông cũng xem kinh đọc sách, dường như ghiền nghiện! Trọn đời quyển sách ông đọc duy nhất là “Thi Văn Giáo Lý Toàn Bộ”, giống như nhai gạo lứt muối mè, càng đơn giản xem ra càng công dụng, vi diệu vô cùng; đúng với đường lối “Nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu” mà cổ Thánh tiên Hiền đã thường khuyên dạy: “Học chi đạo, quý dĩ chuyên!” bởi vì xen tạp nhiều thứ quá thì khó mà chuyên nhất, nên ít được thọ dụng hơn. Các bạn thiện tri thức cũng thường xuyên ghé nhà ông, cùng nhau trà nước đàm luận việc tu hành.

Đặc biệt là ông không hề cất chứa tiền bạc, của cải, chỉ có chiếc xe đạp và chiếc nón nan dùng làm phương tiện thăm viếng các bạn đạo ở phương xa. Lâu thật lâu ông khởi hành một chuyến khoảng năm ba ngày, đó là dịp học hỏi Phật pháp cũng như trao đổi kinh nghiệm trong phương thức tu tập hành trì. Bao nhiêu tiền làm ra, ông đều giao hết cho các cháu để chi dụng những sinh hoạt cần thiết của gia đình. Mỗi khi con cháu có may y phục mới cho ông bộ nào thì ông chuyển tặng bộ nấy, chỉ chừa ba bộ cũ bên mình để thay đổi thường ngày mà thôi!

***

Năm 68 tuổi, mắt ông bị cườm, thân nhân đưa ông vào Bệnh Viện Đa Khoa An Giang để mổ. Vì ông bị cao huyết áp nên bác sĩ không dám giải phẫu. Lúc này lại phát hiện thêm ông bị “thoát vị bìu”, triệu chứng này đã nhiều năm trước tới giờ, nhưng ông không cho con cháu biết, nên đã lâu lắm rồi dáng đi đứng thì thấy xương sống của ông uốn cong lại có dạng lưng tôm và khi nằm thì luôn nằm nghiêng một bên chứ không nằm ngửa được. Bác sĩ khuyên gia đình thôi hãy để vậy luôn đi vì ông cụ lớn tuổi, lại cao huyết áp nên phẫu thuật đưa ruột lên sẽ rất nguy hiểm. Hơn nữa, thoát vị ở lúc giai đoạn đầu gây tắc ruột thì mới đáng lo, còn bây giờ đã phình to mà ông chịu đựng quen rồi cũng không có gì phải sợ!

Qua lần bệnh này, khi xuất viện về nhà ông nghỉ đương đác, từ đó chuyên lo tu niệm hơn xưa.

Các cháu trong gia đình khi lên hơn 5 tuổi là ông dạy học thuộc lòng “Bài văn phát nguyện quy y”, rồi kế tiếp là thực hành khóa lễ sớm chiều.

Ông thường nằm trên chiếc võng điểm danh, kiểm soát, đốc thúc từng đứa một. Ngày qua ngày, tập tễnh dần quen, sau đó chúng tự động ý thức, cũng tự giác ngồi niệm Phật mỗi ngày. Những khi rảnh rỗi, ông đem đạo lý giảng giải cho các cháu nghe, đồng thời khuyên rán niệm Phật, có lần cháu ông hỏi:

– Niệm Phật để làm chi, thưa bác?

Ông đáp:

– Niệm Phật mới được vãng sanh, chớ không niệm Phật thì làm sao vãng sanh được con!

Và ông cũng thường hay dạy:

– Các cháu rán cúng lạy niệm Phật để cứu bản thân mình, khi rửa chén, khi chặt củi, quét sân, xách nước gì cũng rán nhớ niệm Phật. Chỉ có Phật mới cứu mình thôi chứ không có ai cứu mình được… Lúc nào mình cũng rán nhớ niệm Phật để đi thẳng về Tây Phương Cực Lạc. Chỉ có thế giới đó là giải thoát sanh tử luân hồi, thế giới đó mới là tốt đẹp thôi, thế giới đó không còn khổ đau nữa!

Sanh, già, bệnh, chết vốn dĩ đương nhiên là lẽ thật của cuộc đời, người trí nhìn xem xung quanh bao cảnh tượng diễn biến hằng ngày sẽ tự giác ngộ, như lời cảnh tỉnh của Cổ Đức:

“Da mồi tóc bạc lần lần,

Lụm cụm chân run mấy chốc.

Đứng đi mệt nhọc,

Ngồi nằm khó khăn.

Đổ vãi khi ăn,

Trọc trằn khi ngủ.

Mỏi tê đầy đủ,

Khắp cả tứ chi.

Chẳng có chỗ ni,

Mà không đau nhức.

Tiểu tiêu rất cực,

Bón thì ngồi hoài.

Có khi cả ngày,

Mà chưa xả trược.

Lắm lúc đi tước,

Không tự chủ cầm.

Lênh láng giường nằm,

Thúi hôi dậy đất.

Quả là khổ thật,

Cho lứa tuổi già.

Ai cũng phải qua,

Được tha là yểu.

Nay khỏe chẳng liệu,

Còn đợi chừng nào?

Niệm Phật mau mau,

Cầu về Cực Lạc!

Lâm chung Phật cùng Bồ Tát,

Hương mầu thiên nhạc lai nghinh!

Trời Tây thêm đóa sen xinh,

Ta Bà bớt một hữu tình khổ đau!”

Thời gian mau chóng trôi qua, tấm thân tứ đại rồi cũng phải bị định luật vô thường chi phối, biến đổi theo vòng tuần hoàn của thiên nhiên tạo hóa… Năm 2009 (78 tuổi), ông ngã bệnh, thân quyến đưa ông vào Bệnh Viện Đa Khoa An Giang. Một điều làm các cháu của ông vô cùng kinh ngạc là suốt thời gian ở đây, mặc dù không có đồng hồ nhưng khi đến thời công phu thì ông vẫn ngồi dậy xá nguyện rất đúng giờ, không chênh lệch sai trật, sáng: 5 giờ, trưa: 11 giờ, chiều: 5 giờ, khuya: 11 giờ đêm.

Bác sĩ chẩn đoán ông bị bốn chứng bệnh một lượt: “viêm phổi, viêm gan, suy thận và nhồi máu cơ tim”. Ở đây ba ngày thì chuyển sang Trung Tâm Tim Mạch một tuần. Lúc này bệnh tình rất nguy kịch, ông thường nằm bất động, các mạch máu đã chuyển sang màu tím.

Thân nhân ở nhà đã đặt bàn Phật và mời đồng đạo đến để cầu nguyện cho ông suốt ba hôm liền. Sau đó các bạn thân của ông và gia đình mới liên hệ với bác sĩ, xin được đưa ông về nhà để hộ niệm, vì không muốn ông mất ở bệnh viện. Lúc đầu bác sĩ không chấp thuận, khuyên gia đình “còn nước còn tát”, vì biết rằng khi ông rời khỏi bệnh viện thì mạng sống của ông giống như “chỉ mành treo chuông”. Các bạn đồng tu mới đến gần kề vào tai ông trình bày ý định ấy thì thấy ông gật đầu, bác sĩ chứng kiến nên liền chấp thuận cho ông xuất viện. Khi xe đưa về đến nhà, ông nằm trên băng ca lúc khiêng vào nhà, vừa bước ngang qua ngưỡng cửa đến ngôi thờ Tam Bảo thì ông đã chấp tay kỉnh lễ. Từ đó trở đi gia quyến cùng chư đồng đạo túc trực hộ niệm liên tục ngày đêm. Trợ niệm qua ngày kế thì ông dần dần khỏe lại rồi nhanh chóng phục hồi hẳn như lúc bình thường. Quả là bất khả tư nghì, hiệu lực của câu Hồng Danh Vạn Đức vô cùng thù thắng!

***

Bốn năm sau, đến năm 2013 ông bắt đầu trở bệnh, nhưng không nặng lắm, thường chỉ lên huyết áp, rồi sự ăn ngủ kém dần.

Trong thời gian một tháng hộ niệm cho ông Út, ông cũng thường ngồi trên giường của mình gần đó để hộ niệm cho em. Chiều ngày mùng 9, lễ an táng của ông Út vừa hoàn mãn, hôm sau là ngày mùng 10 thì ông bắt đầu lên cơn mệt dữ dội, các đồng tu lần lượt được gia đình mời quay trở lại để tiếp tục hộ niệm cho ông. Khi các liên hữu đến khai thị, ông thường bảo rằng vãng sanh là nguyện vọng duy nhất, mà suốt đời mình hằng ôm ấp và nỗ lực hết mình. Ông nói:

– Tôi lúc nào cũng niệm Phật để mong vãng sanh Cực Lạc hết trơn, không có lúc nào quên câu niệm Phật đâu!

Cuộc hộ niệm kéo dài đến ngày 12 tháng 6 năm 2013 (3 ngày 3 đêm), vào lúc 9 giờ 45 phút sáng thì ông nhẹ nhàng ra đi trong âm thanh vang rền của câu Phật hiệu, ông thọ 82 tuổi. Suốt mấy ngày liền môi của ông luôn nhép, niệm Phật theo mọi người, trước khi mất khoảng 15 phút ông vẫn còn dùng một chén cháo, ăn xong nhờ người nhà đỡ nằm xuống. Hơn mười năm qua, do lưng tôm nên ông luôn nằm nghiêng một bên, mà ông thường nghiêng về bên phải nhiều hơn. Vậy mà trước khi mất ông lại nằm ngửa ra bình thường, hai tay và hai chân tự sửa xuôi theo thân hết sức ngay ngắn, rồi miệng ngưng nhép, từ từ dứt thở đi êm, mọi người chứng kiến một cảnh tượng quá đỗi lạ lùng!

Đến 5 giờ chiều, đồng thời tiến hành làm lễ nhập mạch và an táng, khi ấy gương mặt của ông hồng hào, vui đẹp hơn lúc còn sanh tiền, các khớp xương mềm dịu, các nơi đều lạnh, duy có đỉnh đầu vẫn còn ấm nóng.

(Thuật theo lời Nguyễn Thị Vàng, cháu của ông.)