CHUYỆN VÃNG SANH Ở VIỆT NAM
Nhóm Liên Hữu Miền Nam Đất Việt sưu tập

 

91. NGUYỄN VĂN LONG (1935 – 2013, 78 tuổi)

Ông Nguyễn Văn Long sinh năm 1935, nguyên quán tại huyện Sóc Xoài, tỉnh Kiên Giang. Thân phụ là cụ ông Nguyễn Văn Cơ, thân mẫu là cụ bà Đặng Thị Ngà. Ông là con Út trong gia đình có chín anh em.

Khi tuổi còn ở độ thơ đồng, cha ông đã di cư về sinh sống tại ấp Long Thiện, xã Ô Long Vĩ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang để thuận tiện cho việc học hỏi Phật pháp, tu thân hành thiện.

Năm 24 tuổi, ông kết hôn với bà Nguyễn Thị Sàng, sinh được một trai, bảy gái. Gia đình sống bằng nghề làm ruộng và buôn bán.

Thuở thanh niên ông rượu chè be bét, khi gặp Phật pháp, thiện căn quá khứ chín mùi, ông bảo bà vợ làm một bữa tiệc rồi mời hết các bạn “lưu linh” lại, ăn uống no say một lần cuối cùng trước khi rửa tay gác kiếm để rút chân ra khỏi bang hội, lúc đó ông được 35 tuổi (1970).

Từ đó ông trường trai giới sát, quyết chí tu thân hành thiện, mỗi ngày ba thời lễ nguyện, niệm Phật khi đi, đứng, nằm, ngồi không đợi gì thời khắc. Ông ý thức rằng hình dáng tướng mạo cũng giúp ích cho sự tu sửa thân tâm, nên ông noi theo gương tiền nhân để tóc và khoác lên mình bộ y phục bà ba.

Tính tình ông vui vẻ, đôn hậu, hiếu kính với mẹ già, thuận thảo với anh em, hòa đồng với mọi người. Đối với lối xóm thôn hương, ông chẳng hề mích lòng bất cứ một ai. Ông rất sốt sắng trong các công tác từ thiện xã hội.

Năm 1974, mẹ ông qua đời, ông và người anh thứ Tám đã gắng hết sức chăm sóc và hộ niệm cho bà, cuối cùng gặt hái được kết quả mỹ mãn là bà cụ đã thật sự được vãng sanh!

Ngoài công phu thường nhật, ông thường xem kinh đọc sách mà đặc biệt duy nhất chỉ là quyển “Thi Văn Giáo Lý Toàn Bộ”, các băng đĩa thuyết giảng cũng duy nhất của ông Hai Tho và ông Út Châu. Ông thường xuyên làm công quả cho Ban Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo tại địa phương, và tham gia cầu nguyện cho những tang lễ quanh vùng. Các bạn đồng tu tâm đầu ý hiệp thường xuyên tới lui nhà của ông để bàn luận, trao đổi kinh nghiệm tu trì.

***

Ông thường dạy dỗ con cháu trong nhà làm ăn buôn bán phải chơn chất thật thà, và cố gắng ăn chay, tu hiền, niệm Phật. Ông thường nói:

– Các con nên biết, con người sống thì phải có Đạo, rán tu… ông bà mình thì đã có tu rồi, thì mình rán tu! Rán niệm Phật! Rán làm lành! Rán làm phước, giúp đỡ mọi người lối xóm và những người nghèo đói tật nguyền!

– Mình rán niệm Phật để sau này mình được vãng sanh, mình được về Tây Phương, để thoát khỏi bể khổ trầm luân cõi Ta Bà, an hưởng yên vui vĩnh viễn nơi miền Cực Lạc!

Các con ông noi theo gương ông, nên y theo lời ông dạy. Ông cũng thường nói với các con:

– Không lẽ ba với mấy đứa không kéo nổi má mầy hay sao?

Thế là mọi người đồng khuyến tấn bà, dần dần bà cũng phát tâm trường trai theo mọi người vào đầu thập niên 90.

Hằng ngày, ngoài những lúc chăm lo việc đồng áng ruộng vườn hay phận sự cho giáo hội, và công tác phúc lợi xã hội ra, ông tận dụng thời gian còn lại để đươn đát các gia cụ, phụ với người anh thứ Tám, hầu tăng thêm thu nhập. Con gái ông lấy làm lạ khi thấy ông vừa ngồi chẻ tre, hay ngồi vót nan… mà sao môi cha mình cứ lép nhép hoài. Khi hỏi ra mới biết cha mình đang niệm Phật.

Khi đến tuổi lục tuần, các con đã khôn lớn, trưởng thành có thể gánh vác mọi chuyện, ông bèn giao phó việc nhà nên nhàn nhã nhiều hơn.Từ đó trở đi công phu hành trì cũng tăng lên bốn thời trong ngày.

***

Vào khoảng tháng 2- 2008, chân trái của ông không còn tự chủ được nữa, các con ông đưa ông vào Bệnh Viện Đa Khoa Châu Phú để chữa trị, qua một tuần không giảm mà còn tăng thêm một tay bên trái. Thân nhân nóng lòng bèn chuyển ông ra Sài Gòn vào Bệnh Viện Hoàn Mỹ, bác sĩ chẩn đoán là tai biến mạch máu não, ở đây một tuần thì xuất viện, bệnh tình ổn định tương đối khả quan.

Đến tháng 3 – 2009, bệnh tái phát, gia đình đưa ông vào Bệnh Viện Hoàn Mỹ, điều trị một tháng thì xuất viện về nhà tiếp tục uống thuốc Đông, Tây, Nam, Bắc, lần này bệnh tình không hồi phục mặc dù có đến bệnh viện từ thiện của huyện để tập vật lý trị liệu cả tháng trời, triệu chứng liệt nửa người vẫn không thay đổi mà còn tiến triển ngày càng nhiều hơn!

Mỗi lúc bệnh của ông thêm nặng, các chi bị liệt từ từ cứng các khớp đốt xương sống và ngón tay; nhất là các ngón tay co quéo lại, lúc đầu còn kéo ra để lau chùi theo các kẻ, về sau cứng đơ cứng còng, khi con ông nắm kéo ra thì ông rất đau nên để nguyên như thế, đến độ các móng bị thúi. Do nửa người bị cứng các khớp nên mỗi lần thay y phục cho ông rất là khó khăn, phải hai đến ba người mới có thể hoàn thành được việc này. Thân ông tuy bệnh nhưng thần trí rất sáng suốt, ông nhớ rõ từng việc mồn một, công phu trì niệm của ông càng tinh thuần hơn trước.

Có lần con ông muốn đi làm ở xa tận ngoài Bình Dương để có thể kiếm tiền, ông khuyên con nên dừng lại ý định đó:

– Thôi con ơi! Mình ở nhà vừa lo làm, vừa lo niệm Phật, lạy Phật thì được rồi!

Bởi vì ngạn ngữ có câu: “Hổ ly sơn hổ bại”, con cọp một khi xa núi lìa rừng khó mà bảo toàn được mạng sống. Cho nên tầm nhìn của người cha lúc nào cũng xa rộng thực tiễn, mong cho con mình không phải lâm vấp vào bao thứ cạm bẫy đời thường: danh, lợi, cảm tình, văn minh vật chất!

Nếu như mình nghèo mà giữ gìn được đạo, mình có đạo vui với đời sống tu hành, “thiểu dục tri túc” hay là “lạc đạo an bần, xả thân tu tỉnh” thì mình vẫn hạnh phúc hơn nhiều so với tiền tài của cải… Hạnh phúc đó mới là hạnh phúc chân thật. Mà hạnh phúc chân thật ấy vốn có sẵn trong tầm tay của mình, không phải bôn ba kiếm tìm. Khác hẳn tiền tài vật chất là thứ giả dối tạm bợ mong manh luôn thay luôn đổi. Đó cũng là nguồn cội của bao thứ ưu phiền, tang thương khổ lụy, càng làm cho kiếp luân hồi kéo dài vô cùng tận. Như lời của Cổ Đức đã nhận định:

“Xuống lên nơi cõi hồng trần,

Chịu đường sanh tử, chịu phần khổ lao.

Bị làn sóng nghèo giàu lôi cuốn,

Bắt đấu tranh, bắt muốn hơn thua;

Lợi danh lo bán, lo mua,

Ái tình lo hốt, lo vùa vào thân.

Đi cặp với tâm trần ham hố,

Nào ưu sầu tai khổ muôn trùng;

Mạng căn như đóa phù dung,

Muốn ham chưa thỏa, kế chun vào hòm.

Nếu để mắt mà nom đích xác,

Công Dã Tràng xe cát biển Đông;

Của tiền nhiều lấp cạn sông,

Người yêu đứng lợp cả đồng cũng thôi.

Uổng công đổ mồ hôi nước mắt,

Vào tình yêu vào các lợi danh;

Chỉ gây lấy tội vào mình,

Thân không trường hưởng, hồn linh đọa đày.”

Đầu tháng 5 – 2013, bệnh ông trở nặng. Đến ngày mùng 9 ông không còn nói chuyện được nữa và không ăn được gì, chỉ uống nước cúng Phật và một ít sữa. Các con ông và một số bạn đạo bắt đầu lên chương trình hộ niệm. Qua nửa tháng, cô Hai thấy sức khỏe của cha suy kiệt quá nên nóng lòng, bèn truyền dịch cho ông, nhưng chỉ được nửa chai, tình hình không ổn nên dừng lại. Hộ niệm thêm nửa tháng nữa, ông nhẹ nhàng trút hơi thở cuối cùng vào lúc 10 giờ 45 phút tối, ngày mùng 8 – 6 – 2013, ông hưởng thọ 78 tuổi.

Trong suốt một tháng ông không nói chuyện được, nhưng có bạn đạo đến khai thị nhắc nhở hay con cháu hỏi ông có nhớ niệm Phật hay không, thì ông gật đầu hoặc nheo mắt. Bình thường ông nằm yên, khi mệt nhiều phải há miệng ra để thở chứ không thấy ông nhép môi niệm Phật theo đại chúng. Vậy mà trước khi ra đi năm phút ông nhép môi niệm Phật theo mọi người rồi mới an lành ra đi. Khi mất miệng ông há to rồi sau đó từ từ khép kín lại.

Hơn tám giờ sau gương mặt của ông sáng đẹp, vui tươi, đỉnh đầu ấm nóng trong khi toàn thân thì lạnh.

Sáng hôm sau là ngày mùng 9, lúc 9 giờ sáng nhập mạch, một điều hết sức đặc biệt là khi thay đồ rất dễ dàng, không tìm thấy một khớp xương nào cứng cả. Khớp ngón tay co quéo vào bàn tay khi ông còn sanh tiền cứng đến đổi không kéo ra được nữa, vậy mà bây giờ tự động rời ra mềm mại một cách lạ thường!

(Thuật theo lời Nguyễn Thị Sàng, vợ ông và Nguyễn Thị Vàng, con gái thứ Mười của ông.)