ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH KHOA CHÚ
Đường Tam Tạng sa-môn Thật Xoa Nan Đà dịch
Cổ Diêm Khuông Am Thanh Liên bật-sô Linh Thừa soạn

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

 

3.2.2.3.2.2.2.1.2.2.1.2. Chỉ quảng (nói rộng)

(Kinh) Địa Tạng bạch ngôn: “Nhân giả! Thiết Vi chi nội, hữu như thị đẳng địa ngục, kỳ số vô hạn”.

()地藏白言仁者鐵圍之內有如是等地獄其數 無限。

(Kinh: Ngài Địa Tạng bạch rằng: “Thưa nhân giả! Trong Thiết Vi, có những địa ngục như thế, số đến vô hạn”).

“Như thị đẳng” (như thế đó) là nói các địa ngục trong Thiết Vi như vừa thuật trong phần trên. “Số vô hạn”: Trong mỗi ngục đều có các tiểu ngục chẳng thể kể trọn. Nói là “có” vì phàm phu hư vọng dấy lên ái thủ (yêu mến, nắm giữ), chấp có cảnh. Vì thế, có nhân, có quả, có khổ, có lạc. Do đó, Duy Thức Luận nói: “Hết thảy [những cảnh tượng] như địa ngục, thấy giống như có ngục tốt v.v… có thể làm chuyện bức bách, đều là do cái tâm ác nghiệp của tội nhân hiện ra, trọn chẳng phải là ngoài tâm thật sự có những chuyện như chó đồng, rắn sắt v.v…” Hết thảy sự và pháp trong thế gian cũng đều giống như thế.

3.2.2.3.2.2.2.1.2.2.2. Ngục danh bất đồng (tên địa ngục khác nhau)

3.2.2.3.2.2.2.1.2.2.2.1. Liệt danh (kể tên)

 (Kinh) Cánh hữu Khiếu Hoán địa ngục, Bạt Thiệt địa ngục, Phẩn Niệu địa ngục.

()更有叫喚地獄拔舌地獄糞尿地獄。

(Kinh: Cũng có địa ngục kêu gào, địa ngục kéo lưỡi, địa ngục phân tiểu).

Theo Trường A Hàm, Khiếu Hoán (kêu gào) được xếp vào tám đại địa ngục nóng. Ngục thứ tư trong số ấy là Khiếu Hoán, thứ năm là Đại Khiếu Hoán, mỗi ngục đều có mười sáu du tăng (các địa ngục phụ ở bốn phía địa ngục chính). Do ngục tốt bắt lấy tội nhân, quăng vào chảo to, đun sôi sùng sục. Lại quăng lên vỉ sắt nướng to, lăn qua, lăn lại nung, nướng. Vì thế, tội nhân kêu rú, gào thét. Lại còn có ngục Đại Hào Đào Khiếu Hoán (ngục kêu rú, gào thét lớn). Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ nói: “Hắc Thằng địa ngục, hữu xứ danh Đẳng Hoán, bỉ xứ ác thiêu, thọ khổ vô gián. Cử tại hiểm ngạn, vô lượng do-tuần. Nhiệt viêm hắc thằng, thúc phược hệ dĩ, hậu thôi đọa thiết đao, nhiệt địa chi thượng, thiết cẩu đạm thực. Nhất thiết thân phần, phần phần phân ly, xướng thanh hống hoán” (Địa ngục Hắc Thằng có chỗ tên là Đẳng Hoán. Chỗ đó bị đốt dữ dội, chịu khổ chẳng gián đoạn. Toàn thể chỗ ấy ở nơi bờ dốc hiểm trở vô lượng do-tuần. Sợi dây màu đen nung đỏ chằng trói [tội nhân] chặt chẽ. Sau đó, [ngục tốt] đẩy tội nhân té xuống cuộc đất nóng rực có đao sắt, chó sắt ăn nuốt. Hết thảy các phần trên thân thể, từng phần chia lìa, rống thét, gào rú). Theo đó, hai ngục Khiếu Hoán chỉ ở trong ngục [nóng] thứ hai là Hắc Thằng (dây đen). Nói chung, tám ngục liên tiếp, cho nên nói gộp chung như vậy. Kinh Trường A Hàm nói: “Do sân khuể, hoài độc, tạo chư ác hạnh, cố đọa Khiếu Hoán địa ngục. Do tập chúng tà kiến, vị ái võng sở khiên, tạo dị lậu hạnh, đọa Đại Khiếu Hoán địa ngục” (Do sân hận, ôm lòng độc dữ, tạo các hạnh ác, cho nên đọa vào địa ngục Khiếu Hoán. Do quen theo các tà kiến, bị lưới ái lôi kéo, tạo các hạnh khác lạ, thô tháp, sẽ đọa vào địa ngục Đại Khiếu Hoán). Bạt Thiệt và Phẩn Niệu như trong phần sau [sẽ giải thích].

(Kinh) Đồng Tỏa địa ngục, Hỏa Tượng địa ngục.

()銅鎖地獄火象地獄。

(Kinh: Địa ngục xiềng đồng, địa ngục voi lửa).

“Đồng Tỏa” (xiềng xích bằng đồng): Kinh Quán Phật Tam Muội nói: “Hắc Thằng địa ngục giả, bát bách thiết tỏa, bát bách thiết sơn, thụ đại thiết tràng, lưỡng đầu hệ cảnh. Ngục tốt, La Sát, khu hới tội nhân, linh phụ thiết sơn, thiết thằng thượng tẩu, bất thắng lạc địa, đọa hoạch thang trung, La Sát khu khởi. Khát cấp, ẩm thiết, thôn thạch. Nhất nhật, nhất dạ, kinh lịch thị khổ cửu thập vạn biến. Thử do ngu si chúng sanh, thất chúng đệ tử, cửu thập lục chủng Phạm Chí đẳng, pháp thuyết phi pháp, phi pháp thuyết pháp, hoặc phạm khinh giới, cửu bất sám hối sở trí nhĩ” (Địa ngục Hắc Thằng: Tám trăm xiềng sắt, tám trăm núi sắt, dựng tràng sắt lớn, hai đầu buộc vào cổ [tội nhân]. Ngục tốt, La Sát xua đuổi, quát tháo tội nhân, bắt họ vác núi sắt đi trên dây sắt. Tội nhân không tránh khỏi rơi xuống đất, ngã vào vạc đang đun sôi. La Sát lùa họ đứng dậy. Do quá khát, bèn uống nước sắt, nuốt đá. Một ngày, một đêm, trải qua nỗi khổ ấy chín mươi vạn lần. Đấy là do chúng sanh ngu si, bảy chúng đệ tử, và chín mươi sáu loại Phạm Chí v.v… đối với pháp bèn nói là phi pháp, bảo phi pháp là pháp, hoặc phạm giới nhẹ, lâu ngày chẳng sám hối mà ra!)

Hỏa Tượng (voi lửa) là như Tăng Hộ[1] tiến về phía trước, thấy một con voi trắng bị lửa rừng rực đốt thân. Đức Phật bảo: “Nhữ kiến tượng giả, thị địa ngục nhân. Ca Diếp Phật thời, thị xuất gia nhân, vị tăng đương trù. Chư đàn-việt đẳng, tương chư cúng dường, hướng tự thí tăng, hoặc thực hậu lai. Đàn-việt bạch ngôn: ‘Đại đức! Nhật do vị cố, khả đả kiền chùy, tập tăng thí thực’. Tỳ-kheo ác khẩu, đáp bạch y ngôn: ‘Chư tỳ-kheo đẳng do như bạch tượng, thực bất năng bão. Hướng thực dĩ cánh, đình lưu nhật hậu’. Dĩ thị nhân duyên, nhập ư địa ngục, thọ bạch tượng thân. Hỏa thiêu thọ khổ, chí kim bất tuyệt” (Ngươi thấy con voi ấy chính là kẻ ở trong địa ngục. Thời đức Phật Ca Diếp, kẻ đó là người xuất gia, trông coi bếp núc cho tăng chúng. Các vị thí chủ đem các thứ cúng dường đến chùa để cúng thí chư tăng, có khi đến sau bữa ăn. Thí chủ thưa rằng: “Thưa đại đức! Ngày chưa qua hết, có thể đánh kiền chùy nhóm tăng để dâng cúng thức ăn hay không?”. Vị tỳ-kheo ấy ác khẩu, trả lời những người tại gia: “Lũ tỳ-kheo giống như voi trắng, ăn chẳng thể no được! Nay giờ ăn đã qua rồi, để lại đó cho ngày hôm sau!” Do nhân duyên ấy, vào trong địa ngục, thọ thân voi trắng. Lửa đốt chịu khổ tới nay chẳng dứt).

Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ lại nói: “Nhược nhân tác như thị tâm, tượng nhược túy thời, năng đa sát nhân, ngã tắc đắc thắng. Vi lệnh tượng đấu, dữ tửu linh ẩm; đọa Khiếu Hoán ngục trung, hữu đại tượng sanh, thân giai diễm nhiên, nhất thiết thân phần giai năng đả xúc, thủ bỉ nhân dĩ, xúc phá thân phần, phá toái đọa lạc, xướng thanh đại hoán, cố sanh hỏa tượng dã” (Nếu có kẻ nghĩ như thế này: “Nếu khi voi say, sẽ có thể giết nhiều người, ta sẽ thắng lợi”. Bèn cho voi ra đấu, cho nó uống rượu, kẻ ấy sẽ đọa vào ngục Khiếu Hoán, có con voi lớn sanh ra, thân toàn là lửa cháy rực. Hết thảy các phần trên thân thể của nó đều có thể húc chạm. Nó bắt lấy kẻ ấy rồi húc vỡ thân thể, [tội nhân] tan nát rơi rớt, kêu gào, rú thét. Vì thế, sanh làm con voi lửa).

(Kinh) Hỏa Cẩu địa ngục, Hỏa Mã địa ngục, Hỏa Ngưu địa ngục.

()火狗地獄火馬地獄火牛地獄。

(Kinh: Địa ngục chó lửa, địa ngục ngựa lửa, địa ngục trâu lửa).

Hỏa Cẩu (chó lửa): Kinh Khởi Thế nói: “Nhiệt phí hôi hà lưỡng ngạn, sở hữu chư cẩu, thân hắc tử sắc, cấu nị khả úy, đạm bỉ địa ngục chúng sanh thân nhục, luyến luyến giảo thực” (Hai bên bờ sông tro sôi sùng sục, tất cả những con chó thân có màu tím đen, bẩn thỉu đáng sợ, ăn thịt nơi thân của chúng sanh trong địa ngục, cắn xé, nuốt từng miếng một). Tam Pháp Độ Luận nói: “[Ngục tốt] xua chúng sanh phạm tội vào chỗ đất bằng sắt có lửa thiêu đốt để quay cho họ chín rục. Đã chín rồi, lại đuổi ra cho chó ác ăn. Chó ăn hết sạch thịt xong, gió thổi qua khiến cho [tội nhân] sống lại, [thân thể] trở lại như cũ. Do trong cõi này (ở trong nhân gian) đã nuôi tằm, nấu, nướng, cho nên sanh vào nơi ấy”.

Hỏa Ngưu, Hỏa Mã (trâu lửa, ngựa lửa): Theo kinh Chánh Pháp Niệm Xứ, có kẻ nào nếu trông thấy âm hộ của trâu cái, ngựa cái v.v… sanh tâm phân biệt: “Chỗ ấy chẳng khác gì phụ nữ”, bèn làm chuyện dâm dục với chúng. Do vậy, đọa vào Hợp đại địa ngục, sanh trong chỗ tròn xoe, trông thấy những con trâu, ngựa, sẽ giống như trước mà nghĩ nhớ, tưởng như phụ nữ trong loài người, dục tâm lừng lẫy, chạy đến chỗ trâu, ngựa. Người đó đã đến gần âm hộ của trâu, ngựa, do nghiệp nhân ác, đi vào trong âm hộ của chúng, lọt vào bụng của chúng, lửa nóng đầy dẫy, chịu khổ trong ấy.

(Kinh) Hỏa Sơn địa ngục, Hỏa Thạch địa ngục.

()火山地獄火石地獄。

(Kinh: Địa ngục núi lửa, địa ngục đá lửa).

Hỏa Sơn, Hỏa Thạch (núi lửa, đá lửa): Theo kinh Khởi Thế, địa ngục tên là Chúng Hợp. Chúng sanh sống giữa hai núi tên là Bạch Dương, miệng ăn những ngọn lửa rực cháy cực mạnh. Bọn họ vào trong núi ấy, hai quả núi cùng nghiền, cùng ép, cùng chà xát vào nhau. Chập lại, nghiền, ép, chà xát như thế xong, [những quả núi ấy] trở về chỗ cũ, ví như Tỳ Khư Nậu và Ra Tỳ Khư Nậu (đây là tên của của hai thứ sét) chập vào nhau, cùng nghiền, cùng chà xát, cùng ép xong, đều trở về chỗ cũ. Đã thế, kẻ giữ ngục dùng tảng đá to bằng sắt bốc lửa mạnh cháy rực quăng vào chúng sanh trong địa ngục, khiến cho họ té ngửa trên đá sắt nóng, rồi lấy tảng đá khác chặn bên trên. Giống như cối xay trong thế gian, [hai tảng đá ấy] nghiền tới, nghiền lui như cối xay. Cối xay to đã vụn rồi, lại dùng cối xay nhuyễn hơn, nghiền lần nữa thành bụi. Chỉ thấy máu mủ tuôn ra, chẳng có vụn xương, tủy sót lại!

(Kinh) Hỏa Sàng địa ngục, Hỏa Lương địa ngục.

()火牀地獄火梁地獄。

(Kinh: Địa ngục giường lửa, địa ngục kèo lửa).

Hỏa Sàng (giường lửa) giống như Thiết Sàng (giường sắt) trong phần trước. Hỏa Lương (kèo rường lửa): Trong địa ngục có kèo sắt, cột sắt, không gì chẳng phải là lửa. Hoặc bắt tội nhân treo lên rường để đốt, hoặc dùng kèo sắt đè thân để thiêu.

(Kinh) Hỏa Ưng địa ngục, Cứ Nha địa ngục.

()火鷹地獄鋸牙地獄。

(Kinh: Địa ngực ưng sắt, địa ngục cưa răng).

Hỏa Ưng giống như Thiết Ưng trong phần trước. Theo kinh Chánh Pháp Niệm Xứ, [nơi ấy] tên là Ô Khâu Sơn. Núi ấy bốc lửa, ngọn lửa cao năm ngàn do-tuần. Nơi đó có cây bằng sắt, trên cây có quạ sắt. Thân con quạ tóe lửa khắp cả cây ấy. Tội nhân đến đó, con quạ lửa mổ vỡ toang đầu người, ăn óc, ăn mắt, ăn mũi, ăn má, ăn tim, ăn phổi, ăn ruột non, ruột già. Những con quạ ấy ăn người trong địa ngục, phần thân thể nào cũng đều ăn. Do nghiệp lực của tội lỗi, [tội nhân] đã bị ăn hết bèn sống lại. Chuyện chim ưng và quạ [hành hạ tội nhân] giống như nhau.

Cứ Nha (cưa răng): Kinh Khởi Thế nói: “Thủ ngục giả, thủ bỉ chúng sanh, phác trước nhiệt thiết địa thượng. Dĩ thiết hắc thằng, biền độ kỳ thân, tức dĩ thiết cứ, cứ bỉ thân phá. Phá dĩ phục phá, nãi chí đại phá” (Kẻ giữ ngục bắt chúng sanh đó quăng lên chỗ đất bằng sắt nóng. Dùng dây đen bằng sắt, đo đạc thân họ, liền dùng cưa sắt, cưa xẻ thân họ. Đã cưa rồi lại cưa nát hơn, cho đến nát vụn). Đã cưa thân thể họ, lẽ nào chẳng cưa răng họ? Ngục này là do bốn ác nghiệp nơi miệng cảm vời.

(Kinh) Bác Bì địa ngục, Ẩm Huyết địa ngục.

()剝皮地獄飲血地獄。

(Kinh: Địa ngục lột da, địa ngục uống máu).

Bác Bì (lột da): Luận Lập Thế nói: “Ở giữa hai ngục Cánh Sanh (sống lại, tức Đẳng Hoạt) và Hắc Thằng, có địa ngục tên là Đại Hạng (ngõ lớn). Nếu có tội nhân, bị lột da trên đất, lại còn xẻo thịt kẻ ấy, chất lên trên da. Xưa kia làm người, tội nhân đã làm nghề mổ, chặt, giết dê, lợn, trâu, nai để tự nuôi thân, hoặc săn bắt cá, chim v.v… Do nghiệp báo ấy, sẽ thọ sanh trong đó”.

Ẩm Huyết (uống máu): Theo kinh Chánh Pháp Niệm Xứ, có một chỗ riêng biệt thứ tám trong Hợp địa ngục, tên là Châu Tru Châu Tru. Nếu kẻ nào trộm cắp, tà hạnh, hoặc do không có người nữ, bèn hành dâm với dê, hoặc lừa. Hoặc [hành dâm] nơi phù-đồ (tháp thờ Phật), hoặc gần phù-đồ. Do ác nghiệp ấy, đọa vào chốn ác, thường có ác trùng tên là Châu Tru Châu Tru ăn nuốt thịt, uống máu kẻ ấy. Đã uống huyết xong, lại làm đứt gân để uống tủy; hoặc bắt tội nhân tự uống máu mình. Như kinh đã nói địa ngục vọng ngữ có mười tám chỗ, ngục thứ mười bảy tên là Huyết Tủy Ẩm (血髓飲, uống máu và tủy). Chỗ ấy có sông tên là Nhiệt Huyết Dương Thủy. Sông ấy nóng sôi lên, dùng nước đồng nóng, nước sáp trắng cùng tích tụ trong đó (kinh Trường A Hàm gọi nó là địa ngục Nùng Huyết (膿血, máu mủ). Tự nhiên máu mủ nóng sôi sùng sục, trào ra. Tội nhân chạy đuổi theo để tự ăn những thứ đó).

(Kinh) Thiêu Thủ địa ngục, Thiêu Cước địa ngục, Đảo Thích địa ngục.

()燒手地獄燒腳地獄倒刺地獄。

(Kinh: Địa ngục đốt tay, địa ngục đốt chân, địa ngục đâm ngược).

Thiêu Thủ (đốt tay) và Thiêu Cước (đốt chân) cùng một loại. Trong tám nhiệt ngục, ngục thứ sáu là Thiêu Chá (燒炙, đốt, nướng), ngục thứ bảy là Đại Thiêu Chá, [tội nhân trong ấy] toàn thân đều bị đốt, da, thịt cháy tan nát. Nay do biệt nghiệp, chỉ thiêu tay chân. Đấy là do đã mổ giết sanh linh, chặt tay, chặt chân, đun, nấu, nung, nướng. Vì thế, đọa vào trong ngục này.

Đảo Thích (đâm ngược): Kinh Lâu Thán nói: “Não Lao Hà, tung quảng nhị vạn lý, hà lưỡng biên hữu thiết thụ” (Sông Khuấy Nhiễu có kích thước mỗi bề hai vạn dặm. Hai bên bờ sông có cây cối bằng sắt). Luận Lập Thế nói: “Cây Diêm Phù Lê có gai ngược, hết thảy đều bằng sắt, ngày đêm thiêu đốt. Cây cao một do-tuần, gai dài mười sáu tấc. Ngục tốt nắm lấy cánh tay tội nhân, kéo lên cây đầy gai, rồi lại kéo xuống. Kéo lên phía trên thì gai [từ phía trên] đâm xuống dưới, kéo xuống dưới thì gai đâm ngược lên trên. Bụng [tội nhân] vướng vào cây, da, thịt toạc hết, lưng, eo cũng thế. Chịu đựng sự tàn hại ấy là vì xưa kia làm người, đã tà dâm phụ nữ, hoặc vợ lừa dối chồng. Lại có đủ mọi nghiệp báo tăng thượng, bèn sanh trong ấy”.

(Kinh) Hỏa Ốc địa ngục, Thiết Ốc địa ngục, Hỏa Lang địa ngục.

()火屋地獄鐵屋地獄火狼地獄。

(Kinh: Địa ngục nhà lửa, địa ngục nhà sắt, địa ngục sói lửa).

Hỏa Ốc (nhà lửa) và Thiết Ốc (nhà sắt) hai ngục giống nhau, mỗi ngục được đặt tên theo điều coi trọng. Hỏa Ốc thuần bằng sắt tạo thành; còn Thiết Ốc lửa dữ cháy bừng bừng. Kinh Khởi Thế nói: “Thời ngục tốt thủ bỉ chúng sanh, trịch trí thiết ốc thất trung, xí nhiên đại nhiệt, bức thiết nan nhẫn, chúng não hòa hợp, toại đại khiếu hoán. Bỉ trung cánh hữu thiết phòng, thiết liễn, thiết các, thiết lâu. Kỳ trung thán hỏa, phí dũng doanh dật” (Khi ấy, ngục tốt tóm các chúng sanh đó, quăng vào trong nhà sắt đang cháy bừng bừng hết sức nóng bức, bức bách khó thể chịu nổi. Các thứ não hại xen lẫn, [tội nhân] bèn kêu gào thật to. Trong ấy, lại có phòng sắt, xe sắt, gác sắt, lầu sắt. Đốt than lửa trong đó, sôi sục tràn đầy). Kinh Trường A Hàm gọi ngục này là Thiêu Chá, chuyện [hành hạ trong ngục ấy] đại để tương đồng.

Hỏa Lang (sói lửa): Kinh Lâu Thán nói: “Tùng Não Lao Hà đắc xuất, nhập lang, dã can, tung quảng nhị vạn lý” (Từ sông Quấy Nhiễu thoát ra, vào trong bầy sói, dã can[2], kích thước mỗi bề hai vạn dặm). Kinh Khởi Thế nói: “Dĩ chư bất thiện nghiệp quả báo, cố ư bỉ ngục xuất sanh hồ, lang, thô ác khả úy. Bỉ địa ngục chúng sanh thân nhục, cước đạp, khẩu xế, luyến luyến nhi thực” (Do quả báo của các nghiệp bất thiện, cho nên trong ngục ấy sanh cáo, sói thô ác đáng sợ. Chúng nó chân giẫm, miệng xé thịt nơi thân của chúng sanh trong địa ngục ấy thành từng miếng để ăn).

3.2.2.3.2.2.2.1.2.2.2.2. Chỉ quảng (nói rộng)

(Kinh) Như thị đẳng địa ngục, kỳ trung các các phục hữu chư tiểu địa ngục, hoặc nhất, hoặc nhị, hoặc tam, hoặc tứ, nãi chí bách thiên. Kỳ trung danh hiệu, các các bất đồng.

 ()如是等地獄其中各各復有諸小地獄或一或二或三或四乃至百千。其中名號各各不同。

(Kinh: Các địa ngục như thế, mỗi ngục trong ấy lại có các tiểu địa ngục, hoặc một, hoặc hai, hoặc ba, hoặc bốn, cho đến trăm ngàn. Danh hiệu trong ấy, mỗi ngục mỗi khác).

Câu đầu tiên tổng kết các ngục trên đây. Từ chữ “kỳ trung” (trong ấy) trở đi, cho biết: Trong những ngục như thế đó, mỗi ngục lại đều tự có các tiểu địa ngục để làm quyến thuộc, hoặc là một, hai, ba [tiểu địa ngục], hoặc đến trăm ngàn, danh hiệu sai biệt, chẳng thể chỉ bày trọn hết được!

3.2.2.3.2.2.2.2. Đáp tội báo ác sự (trả lời về những sự ác do tội báo)

3.2.2.3.2.2.2.2.1. Chánh thị ác nghiệp cảm báo (dạy thẳng vào những quả báo do ác nghiệp cảm vời)

3.2.2.3.2.2.2.2.1.1. Dạng thị nghiệp cảm (chỉ bày nghiệp cảm)

(Kinh) Địa Tạng Bồ Tát cáo Phổ Hiền Bồ Tát ngôn: “Nhân giả! Thử giả giai thị Nam Diêm Phù Đề hành ác chúng sanh, nghiệp cảm như thị”.

()地藏菩薩告普賢菩薩言仁者此者皆是南閻浮提行惡眾生業感如是。

(Kinh: Địa Tạng Bồ Tát bảo Phổ Hiền Bồ Tát rằng: “Thưa nhân giả! Đấy đều là những chúng sanh làm ác trong Nam Diêm Phù Đề nghiệp cảm như thế đó”).

Chỉ nói về chúng sanh trong Diêm Phù Đề, do họ chí tánh vô định, quen tạo nghiệp ác, cảm vời những địa ngục ấy. Kinh Na Tiên Tỳ Kheo nói: “Như thế gian hỏa nhiệt, bất như Nê Lê trung hỏa nhiệt. Như trì tiểu thạch, trước thế gian hỏa trung, chí mộ bất tiêu. Thủ đại thạch trước Nê Lê hỏa trung, tức tiêu. Diệc như hữu nhân tác ác, tử tại Nê Lê trung, sổ thiên vạn tuế, kỳ nhân bất tử” (Như độ nóng của lửa trong thế gian, chẳng bằng độ nóng của lửa trong địa ngục. Như cầm hòn đá nhỏ, bỏ vào trong lửa thế gian, [nung từ sáng] cho đến tối, đá chẳng tiêu. Bỏ tảng đá to vào trong lửa Nê Lê, lập tức tiêu mất. Cũng như có kẻ làm ác, chết đi vào trong Nê Lê, mấy ngàn vạn năm, người ấy chẳng chết). Đấy hoàn toàn là do nghiệp lực thiện hay ác mà đến nỗi tiêu hay chẳng tiêu. Vì thế nói là “nghiệp cảm như thế đó”.

3.2.2.3.2.2.2.2.1.2. Thích nghiệp lực đại (giải thích về nghiệp lực to lớn)

3.2.2.3.2.2.2.2.1.2.1. Chánh cử (nêu ra)

(Kinh) Nghiệp lực thậm đại, năng địch Tu Di, năng thâm cự hải, năng chướng thánh đạo.

()業力甚大能敵須彌能深巨海能障聖道。

(Kinh: Nghiệp lực rất lớn có thể to hơn Tu Di, có thể sâu hơn biển cả, có thể chướng ngại thánh đạo).

Đây là giải thích về cội nguồn của nghiệp cảm. Sách Ma Ha Chỉ Quán viết: “Cái chuốc lấy quả là nhân, cũng gọi là nghiệp. Nghiệp của mười pháp giới dấy lên trong tự tâm. Chỉ cần có tâm, các nghiệp đều trọn đủ”. “Lực” là lực dụng có thể kham thực hiện. Đức Phật dạy: “Nhất thiết tráng, vô quá tâm. Tâm thị oán gia, thường khi ngộ nhân. Tâm thủ địa ngục, tâm thủ ngạ quỷ, tâm thủ súc sanh, tâm thủ nhân thiên. Tác hình mạo giả, giai tâm sở vi” (Hết thảy các thứ mạnh mẽ, không gì hơn nổi tâm! Tâm là kẻ oán, thường lừa dối, khiến người ta lầm lẫn. Do tâm mà giữ lấy địa ngục, do tâm mà giữ lấy ngạ quỷ, do tâm mà giữ lấy súc sanh, do tâm mà giữ lấy người, trời. Tạo tác hình dạng, tướng mạo, đều do tâm làm ra). Sức của nó to lớn nhất. Có thể lấy sự cao rộng của núi Tu Di để sánh ví với nó. Đại dương mênh mông, sâu thẳm, có thể dùng để sánh ví sự thẳm sâu của nó. Thánh đạo rỗng rang, thông suốt, có thể bị nó chướng ngại. Đấy đều là do nghiệp lực của chúng sanh khiến thành ra như vậy, nó chẳng phải là quá to thì là gì đây? Hai câu “núi, biển” nhằm nêu thí dụ. “Năng chướng thánh đạo” (Có thể chướng ngại thánh đạo): Nghiệp hữu lậu có thể chướng ngại thánh đạo tam thừa; nghiệp vô lậu có thể chướng ngại Trung Đạo nơi Phật Tánh. Sách Kim Quang Minh Kinh Văn Cú viết: “Ba thứ chướng gây chướng ngại Phật, bỏ lìa Đệ Nhất Nghĩa Thiên”. Vì thế biết nghiệp lực sâu rộng và to lớn!

3.2.2.3.2.2.2.2.1.2.2. Giới khuyến (khuyên răn)

(Kinh) Thị cố chúng sanh, mạc khinh tiểu ác, dĩ vi vô tội. Tử hậu hữu báo, tiêm hào thọ chi. Phụ tử chí thân, kỳ lộ các biệt, túng nhiên tương phùng, vô khẳng đại thọ.

()是故眾生莫輕小惡以為無罪。死後有報纖毫受之。父子至親歧路各別縱然相逢無肯代受。

(Kinh: Vì thế, chúng sanh đừng coi thường điều ác nhỏ, cho là vô tội. Sau khi chết, sẽ có báo ứng. Tội dẫu mảy may, đều phải hứng chịu. Cha con chí thân, đường nẻo khác biệt, dẫu gặp gỡ nhau, chẳng bằng lòng chịu khổ thế cho nhau).

Dựa theo lý do [nghiệp lực] có thể chướng ngại thánh đạo [như vừa mới nói] trên đây để khuyên răn. Trong thế gian, con người thường nghĩ như thế này: “Những lỗi nhỏ nhặt ai mà tính đến?” Trong kinh Duy Vô Tam Muội, đức Phật đã bảo ngài A Nan: “Nhân sanh thế gian, sở dĩ bất đắc đạo giả, đản tọa tư duy uế niệm đa cố. Nhất niệm lai, nhất niệm khứ, nhất nhật, nhất túc, hữu bát ức tứ thiên vạn niệm, niệm niệm bất tức. Nhất niệm thiện giả, đắc thiện quả báo. Nhất niệm ác giả, đắc ác quả báo. Thị hưởng ứng thanh, như ảnh tùy hình. Thị cố thiện ác, tội phước các biệt. Như Diêm La vương cáo tội nhân vân: – Nhân sanh tại thế gian thời, tội quá tiểu thả khinh, tử tại địa hạ Nê Lê, đại thả trọng” (Người sống trong thế gian, sở dĩ chẳng đắc đạo chỉ vì suy nghĩ có nhiều ý niệm nhơ uế. Một niệm đến, một niệm đi; một ngày, một đêm, có tám ức bốn ngàn vạn niệm, các niệm chẳng ngừng. Một niệm thiện bèn đạt được quả báo thiện. Một niệm ác bèn đạt được quả báo ác. Đó là do tiếng vang ứng theo âm thanh, như bóng theo hình. Do vậy, thiện ác, tội phước mỗi điều mỗi khác. Như vua Diêm La bảo tội nhân: “Khi con người sống trong thế gian, tội lỗi đã nhỏ lại nhẹ, chết đi, sanh trong ngục Nê Lê dưới đất, [quả báo] đã to lớn lại nặng nề”).

Vì thế, kinh Niết Bàn dạy: “Mạc khinh tiểu ác, dĩ vi vô ương. Thủy trích tuy vi, tiệm doanh đại khí. Lương dĩ tiêm giới chi ác, lịch kiếp bất vong. Hào ly chi thiện, tích thế trường tồn” (Đừng coi thường điều ác nhỏ, cho là chẳng có ương họa gì! Giọt nước tuy nhỏ, dần dần chứa đầy đồ đựng lớn. Đó là vì điều ác nhỏ nhặt, trải bao kiếp chẳng mất. Điều thiện mảy may, trải bao đời còn mãi). Phước đã thành, ắt thiên đường tự đến. Tội tích tụ, ắt địa ngục tự vào! Đấy chính là lẽ tất nhiên, chẳng thể nghi hoặc gì nữa!

Cha con thiên tánh tương quan, thân  thiết  tột  bậc; nhưng  cha  tu thiện mà con làm ác, thì cha sanh lên trời, con đọa trong cảnh khổ. Đường lối đã khác, tất nhiên khó thể gặp gỡ. Dẫu ngẫu nhiên gặp gỡ, há cha chịu đem niềm vui nơi thiên đường đổi lấy sự khổ trong địa ngục của con ư? Con lành, cha ác, tình lý cũng thế! Như trong kinh Lại Trá Hòa La đã dạy: “Thiện ác tùy nhân, như ảnh tùy thân. Nhân sanh độc sanh, tử diệc độc tử. Thân tác thiện ác, thân độc đương chi, vô hữu đại nhân giả” (Thiện ác theo người, như bóng theo thân. Con người sanh ra một mình, chết thì cũng chết trơ trọi một mình. Thân làm chuyện thiện ác, chỉ riêng thân mình gánh chịu, chẳng có ai thay thế). Vì thế, Phật Thuyết Tứ Tự Xâm Kinh có dạy: “Bất kế vô thường, nhi phản tham ái, ngôn hữu phụ mẫu, huynh đệ, thê tử, trung ngoại thân tộc, lão, bệnh, tử lai, thiện, ác, khổ, lạc, độc tự đương chi, vô hữu đại giả” (Chẳng xét đến vô thường, ngược ngạo tham ái, nói có cha, mẹ, anh, em, vợ con, thân tộc trong ngoài, [thế nhưng] già, bệnh, chết xảy đến, thiện, ác, khổ, vui, riêng mình hứng chịu, chẳng có ai thay cho). Vì thế, khuyên chớ vì điều ác nhỏ mà coi thường để rồi cố ý gây tạo.

3.2.2.3.2.2.2.2.1.3. Nguyện nhân thính ngôn (xin nhân giả nghe tôi nói)

3.2.2.3.2.2.2.2.1.3.1. Địa Tạng khuyến thính (Địa Tạng khuyên nghe)

(Kinh) Ngã kim thừa Phật oai lực, lược thuyết địa ngục tội báo chi sự. Duy nguyện nhân giả, tạm thính thị ngôn.

()我今承佛威力略說地獄罪報之事。唯願仁者暫聽是言。

(Kinh: Tôi nay nương vào oai lực của Phật, nói đại lược chuyện tội báo trong địa ngục. Kính mong nhân giả tạm nghe lời ấy).

Ý nghĩa dễ hiểu.

3.2.2.3.2.2.2.2.1.3.2. Phổ Hiền thích ý (ngài Phổ Hiền giải thích dụng ý thưa hỏi)

(Kinh) Phổ Hiền đáp ngôn: “Ngô dĩ cửu tri tam ác đạo báo. Vọng nhân giả thuyết, linh hậu thế Mạt Pháp nhất thiết ác hạnh chúng sanh, văn nhân giả thuyết, sử linh quy Phật”.

()普賢答言吾已久知三惡道報。望仁者說令後世末法一切惡行眾生聞仁者說使令歸佛。

(Kinh: Phổ Hiền đáp rằng: “Tôi biết sự báo ứng trong ba đường ác đã lâu. Vẫn mong nhân giả nói ra, khiến cho hết thảy chúng sanh ác hạnh thời Mạt Pháp mai sau nghe nhân giả nói sẽ quy hướng Phật”).

Đức Phổ Hiền nói: “Ngài Địa Tạng mong tôi tạm nghe nói tội báo đại lược như vậy, há tôi chẳng biết chuyện khổ sở trong ác đạo ư? Chỉ vì nhân giả giáo hóa trong chốn tối tăm ẩn kín đã lâu, làm giáo chủ cõi địa ngục, Ngài đối trước đại chúng tuyên nói, mọi người ắt tin tưởng, mới có thể khiến cho họ quy hướng đức Phật được!” Vô Thường Kệ có đoạn: “Có sanh ắt đều chết, tạo nghiệp khổ bức thân, chỉ có Phật Bồ Đề, là chỗ thật nương về”. Khuyên chúng sanh quy hướng Phật chính là dụng ý chánh yếu để thưa hỏi về địa ngục.

3.2.2.3.2.2.2.2.2. Biệt minh ngục báo sai biệt (nói riêng về quả báo sai khác trong các ngục)

3.2.2.3.2.2.2.2.2.1. Tổng thị (dạy chung)

(Kinh) Địa Tạng bạch ngôn: “Nhân giả! Địa ngục tội báo, kỳ sự như thị”.    

()地藏白言仁者地獄罪報其事如是。

(Kinh: Địa Tạng bạch rằng: “Thưa nhân giả! Chuyện tội báo trong địa ngục như sau…”)

Đoạn kinh văn này có thể hiểu theo hai cách:

– Nhằm tiểu kết phần trên, tức danh hiệu của các địa ngục trong phần trên là như thế đó.

– Mở đầu cho phần sau, tức là nói sẽ có những địa ngục này nọ v.v… như thế này, như thế nọ. Nay hiểu câu này nhằm chỉ chung những điều kế tiếp, sẽ càng ổn thỏa hơn!

3.2.2.3.2.2.2.2.2.2. Biệt minh (nói riêng)

(Kinh) Hoặc hữu địa ngục, thủ tội nhân thiệt, sử ngưu canh chi.

()或有地獄取罪人舌使牛耕之。

(Kinh: Hoặc có địa ngục, kéo lưỡi tội nhân ra cho trâu cày).

Ngục thứ nhất, như kinh Bát Sư nói: “Lưỡng thiệt, ác khẩu, vọng ngôn, ỷ ngữ, trấm nhân vô tội, báng hủy tam tôn, tử nhập địa ngục. Ngục trung quỷ thần, bạt xuất kỳ thiệt, dĩ ngưu lê chi, dương đồng quán khẩu, cầu tử bất đắc” (Nói đôi chiều, nói lời thôi ác, nói dối, nói thêu dệt, gièm pha người vô tội, hủy báng Tam Bảo, chết sẽ đọa vào địa ngục. Quỷ tốt trong ngục kéo lưỡi kẻ đó ra cho trâu cày, nước đồng sôi rót vào miệng, mong chết mà chẳng được).

(Kinh) Hoặc hữu địa ngục, thủ tội nhân tâm, Dạ-xoa thực chi.

()或有地獄取罪人心夜叉食之。

(Kinh: Hoặc có địa ngục moi tim tội nhân cho Dạ-xoa ăn).

“Thủ tâm, Dạ-xoa thực” (Moi tim cho quỷ Dạ-xoa ăn): Kinh Quán Phật Tam Muội nói: “Chư tội nhân sanh hôi hà trung, chư kiếm thụ gian, hữu nhất La Sát, dĩ xoa, xoa kỳ tâm xuất, dữ Dạ-xoa thực. Dĩ tích thời thâu đạo sư trưởng, phụ mẫu tội nhân duyên cố, nhất nhật, nhật dạ, ngũ bách ức sanh tử, thọ khổ vô lượng” (Các tội nhân sanh trong sông tro, giữa các cây đầy gươm, có một La Sát dùng chĩa ba móc tim tội nhân ra cho Dạ-xoa ăn. Do nhân duyên xưa kia phạm tội trộm cắp sư trưởng, cha mẹ, trong một ngày một đêm có năm trăm ức lần sống chết, chịu khổ vô lượng).

(Kinh) Hoặc hữu địa ngục, hoạch thang thịnh phí, chử tội nhân thân.

()或有地獄鑊湯盛沸煮罪人身。

(Kinh: Hoặc có địa ngục, vạc sôi sùng sục, nấu thân tội nhân).

“Hoạch thang chử thân” (vạc sôi nấu thân): Trong kinh trên đây có nói: “Hoạch Thang địa ngục hữu thập bát hoạch. Nhất nhất hoạch tung quảng tứ thập do-tuần, mãn trung phí thiết. Ngũ bách La Sát cổ đại thạch thán, thiêu kỳ đồng hoạch. Hỏa diễm tương thừa, lục thập nhật bất diệt. Diêm Phù Đề nhật mãn thập tam vạn tuế. Hoạch phí như tinh, hóa thành hỏa luân. Thử do hủy Phật cấm giới, sát sanh từ tự, vi đạm nhục huyết, phần thiêu sơn dã, sanh tầm chúng sanh, dĩ hỏa phần thiêu, sanh hoạch thang trung, tốc tật tiêu lạn, duy dư cốt tại. Thiết xoa liêu xuất, thiết cẩu thực chi, ẩu thổ tại địa, tầm phục hoàn hoạt. Ngục tốt khu hới, hoàn linh nhập hoạch” (Địa ngục Vạc Sôi có mười tám cái vạc. Mỗi cái vạc có kích thước mỗi bề bốn mươi do-tuần, chứa đầy nước sắt lỏng sôi sùng sục. Năm trăm La Sát dồn những tảng than đá lớn để đun những vạc đồng đó. Ngọn lửa cháy liên tục suốt sáu mươi ngày chẳng tắt; tính theo thời gian trong Diêm Phù Đề thì tròn mười ba vạn năm. Vạc sôi [bốc hơi lên] như các ngôi sao [chi chít], hóa thành vầng lửa. Đấy là do hủy hoại cấm giới của Phật, sát sanh để cúng tế, ăn thịt, uống máu [những sanh vật]; thiêu đốt núi non, đồng rẫy, nướng sống chúng sanh. Do dùng lửa thiêu đốt, nên sanh trong vạc sôi, nhanh chóng bị tiêu nát, chỉ còn lại xương. [Quỷ tốt] dùng chĩa ba sắt vớt ra, cho chó sắt ăn. Nó ói ra đất, [tội nhân] ngay lập tức sống lại. Ngục tốt xua đuổi, quát mắng, lại trở vào trong vạc).

(Kinh) Hoặc hữu địa ngục, xích thiêu đồng trụ, sử tội nhân bão.

()或有地獄赤燒銅柱使罪人抱。

(Kinh: Hoặc có địa ngục, nung đỏ cột đồng, bắt tội nhân ôm).

“Nung đỏ cột đồng” như đã giải thích trong phần trước.

(Kinh) Hoặc hữu địa ngục, sử chư hỏa thiêu, sấn cập tội nhân.

 ()或有地獄使諸火燒趁及罪人。

(Kinh: Hoặc có địa ngục, khiến cho các thứ lửa đốt, bay tấp vào thân tội nhân).

“Hỏa thiêu sấn cập tội nhân” (lửa đốt bay tấp vào thân tội nhân): Chữ Sấn (趁) (đọc là Sấn, khứ thanh), có nghĩa là “đuổi theo, theo sát”. Kinh Khởi Thế nói: “A Tỳ đại ngục chư chúng sanh bối, dĩ bất thiện nghiệp quả báo, kinh vô lượng thời, kiến ngục Đông môn hốt khai. Ngục chúng kiến văn khai môn, tẩu hướng bỉ xứ. Tẩu dĩ phục tẩu, đại tốc tật tẩu, ngã đẳng kim giả, quyết ưng đắc thoát. Như thị tẩu thời, thân chư chi tiết, chuyển phục xí nhiên! Nam, Tây, Bắc môn, diệc phục như thị” (Các chúng sanh trong đại ngục A Tỳ do quả báo của nghiệp bất thiện [mà bị giam trong đó] đã vô lượng thời, thấy cửa phía Đông của ngục bỗng mở ra. Mọi người trong ngục thấy, nghe cửa mở, bèn chạy đến đó, chạy miết, càng chạy nhanh chóng hơn, [tự nhủ]: “Chúng ta nay sẽ chắc chắn thoát nạn”. Khi họ chạy như thế, các lóng đốt trên thân lại chuyển thành lửa cháy bừng bừng. Cửa Nam, Tây, Bắc cũng giống như thế).

(Kinh) Hoặc hữu địa ngục, nhất hướng hàn băng.

()或有地獄一向寒冰。

 (Kinh: Hoặc có địa ngục, thuần là băng lạnh).

“Nhất hướng hàn băng” (thuần là băng lạnh): Kinh Lâu Thán dạy: “Tùng Lang Dã Can xuất, tẩu nhập Hàn Băng, tung quảng nhị vạn lý. Nhân tất nhập kỳ trung, phong tứ diện khởi hàn băng (Trường A Hàm vân: “Nhị Kim Cang sơn gian, hữu đại phong khởi, danh viết Tăng Khư”). Phong xuy nhân cơ phu, bì, nhục, cân, cốt, nhập tủy trung tiện tử. Dĩ chư bất thiện nghiệp quả báo, nhi sanh kỳ trung” (Từ ngục Lang Dã Can thoát ra, bèn đi vào ngục Hàn Băng. Ngục ấy có kích thước mỗi bề hai vạn dặm (kinh Trường A Hàm nói: “Giữa hai núi Kim Cang có gió to nổi lên, tên là Tăng Khư (Sāṁkhya)”). Gió thổi qua da, thịt, gân, xương của con người, lọt vào đến tủy bèn chết. Do quả báo của nghiệp bất thiện mà sanh trong ấy).

(Kinh) Hoặc hữu địa ngục, vô hạn phẩn niệu.

()或有地獄無限糞尿。

(Kinh: Hoặc có địa ngục, vô hạn phân, tiểu).

“Vô hạn phẩn niệu” (vô hạn phân, nước tiểu): Kinh Địa Ngục dạy: “Phí Thỉ ngục, hữu thập bát cách, các bát thiên do-tuần. Thập bát thiết thành, nhất nhất hữu thập bát cách. Cách trung tứ bích, bách vạn ức kiếm thụ, giai sanh thiết trùng, khẩu thổ nhiệt thỉ. Hữu tình ẩm thỉ, thử trùng sáp thiệt, đạm tâm. Dĩ tiền thế phá Bát Trai Giới, cập bất tịnh ác nghiệp cố” (Ngục Phân Sôi có mười tám ngăn, mỗi ngăn rộng tám ngàn do-tuần. Mười tám thành sắt, mỗi thành có mười tám ngăn. Bốn vách của mỗi ngăn là tám vạn ức cây cối đầy gươm, đều sanh ra trùng sắt. Miệng chúng nó phun ra phân nóng. Hữu tình uống phân, con trùng ấy bèn mút chặt lưỡi họ, ăn tim. Do đời trước phá Bát Quan Trai Giới, và do ác nghiệp bất tịnh).

(Kinh) Hoặc hữu địa ngục, thuần phi tật lê.

()或有地獄純飛𨪏鏫。

(Kinh: Hoặc có địa ngục, thuần là vuốt sắt bay).

 “Thuần phi tật lê”[3]: Kinh Quán Phật Tam Muội nói: “Tội  nhân

lạc hắc ám xứ, hữu thiết ô, tủy cự, trường lợi, tùng sơn phi lai, trảo, trác tội nhân, thống cấp tật tẩu. Túc hạ tật lê, xuyên cốt triệt tủy, kinh ngũ bách vạn ức tuế” (Tội nhân rơi vào chỗ tối tăm, có quạ sắt, mỏ to, dài, sắc, từ núi bay đến, quắp, mổ tội nhân. Tội nhân đau đớn, vội vàng chạy lẹ. Dưới chân có chông sắt xuyên thấu xương, xuyên vào tủy, trải qua năm trăm vạn ức năm). Nay nói “thuần phi” (đều là [vuốt sắt] bay), tức khắp ngục đều [có những thứ xuyên móc] như thế. Đấy là do binh gia gài bẫy, bốn phía đều chôn chông sắt, lao sắt để hại người, cho nên sanh trong ngục này.

(Kinh) Hoặc hữu địa ngục, đa toản hỏa thương.

()或有地獄多攢火槍。

(Kinh: Hoặc có địa ngục, đâm nhiều giáo lửa).

“Đa toản hỏa thương” (đâm nhiều giáo lửa) giống như ngục Thông Thương, chỉ [có điểm khác biệt] là có nhiều lửa!

(Kinh) Hoặc hữu địa ngục, duy chàng hung bối.

()或有地獄唯撞胸背。

(Kinh: Hoặc có địa ngục, chỉ đập ngực, lưng).

“Duy chàng hung bối” (chỉ đập ngực, lưng): Theo kinh Lăng Nghiêm, trong phần Lịch Thính thuộc quả báo của Xúc, tức là có thể va đập, do Xúc làm nhân mà thành cái quả này.

(Kinh) Hoặc hữu địa ngục, đản thiêu thủ, túc.

()或有地獄但燒手足。

(Kinh: Hoặc có địa ngục chỉ đốt tay, chân).

“Đản thiêu thủ túc” (chỉ đốt tay, chân): Kinh Khởi Thế dạy: “Tùng Ngại Điệp tiểu địa ngục xuất, nghệ hướng hộc lượng ngũ bách do-tuần tiểu địa ngục trung. Thủ ngục giả thủ địa ngục bối, dĩ nhiệt thiết hộc, khiển kỳ lượng hỏa, thiêu thủ, thiêu cước, nhĩ, tỵ, chi tiết. Kim tùng biệt nghiệp, biệt báo, cố đản thiêu thủ, túc” (Từ tiểu địa ngục Ngại Điệp (Cối Xay chồng chất) thoát ra, vào trong tiểu địa ngục to bằng cái hộc rộng năm trăm do-tuần. Kẻ giữ ngục bắt lấy bọn tội nhân, dùng hộc sắt nóng để đong lửa thiêu tay, đốt chân, tai, mũi, chi thể. Nay [có hình phạt như vậy] là do từ biệt nghiệp mà có biệt báo, cho nên chỉ đốt chân, tay).

(Kinh) Hoặc hữu địa ngục, bàn kiểu thiết xà. Hoặc hữu địa ngục, khu trục thiết cẩu.

()或有地獄盤繳鐵蛇。或有地獄驅逐鐵狗。

(Kinh: Hoặc có địa ngục cho rắn sắt quấn trói. Hoặc có địa ngục, xua đuổi chó sắt [cắn xé tội nhân]).

Rắn sắt, chó sắt giống như trong những phần trước.

(Kinh) Hoặc hữu địa ngục, tận giá thiết loa.

()或有地獄盡駕鐵騾。

(Kinh: Hoặc có địa ngục, đều bị bắt cưỡi trên con la sắt).

“Tận giá thiết loa” (tội nhân đều bị bắt cưỡi con la[4] sắt): Như tỳ-kheo Tăng Hộ thấy một con lừa bị lửa dữ thiêu thân. Đức Phật bảo: “Thật phi thị lư, Ca Diếp Phật thời xuất gia nhân, đương trù phân tăng ẩm thực, hằng tự trưởng thọ nhị, tam nhân phần. Trì luật tỳ-kheo như pháp ha trách, đáp ngôn: ‘Ngã đương tăng trù, thậm đại lao khổ, nhữ bất tri ân, tráng tự như lư, đản dưỡng nhất thân, hà bất mặc nhiên?’ Dĩ thị nhập địa ngục trung, lư thân thọ khổ” (Thật sự chẳng phải là lừa! Ông ta là người xuất gia thời đức Phật Ca Diếp, trông nom nhà bếp, [đảm nhiệm việc] chia thức ăn cho tăng chúng, luôn tự chia cho mình nhiều gấp đôi, gấp ba người khác. Vị tỳ-kheo giữ luật bèn theo đúng pháp quở trách, ông ta trả lời: “Tao lo bếp núc cho tăng chúng, hết sức vất vả. Mày chẳng biết ơn, khỏe mạnh như lừa mà chỉ biết nuôi béo cái thân, sao không câm miệng đi?” Do vậy, vào trong địa ngục, làm thân lừa chịu khổ). Nay nói “tận giá” (đều cưỡi hết), đại khái là tội nhân cưỡi trên lừa sắt, lửa đốt thân họ.

3.2.2.3.2.2.2.2.3. Kết nghiệp hiển cảm khổ khí (tổng kết về nghiệp, nêu rõ đó là nguyên do cảm vời các dụng cụ hành hình)

(Kinh) Nhân giả! Như thị đẳng báo, các các ngục trung, hữu bách thiên chủng nghiệp đạo chi khí. Vô phi thị đồng, thị thiết, thị thạch, thị hỏa. Thử tứ chủng vật, chúng nghiệp hạnh cảm.

()仁者如是等報各各獄中有百千種業道之器。無非是銅是鐵是石是火。此四種物眾業行感。

(Kinh: Thưa nhân giả! Những quả báo như thế, trong mỗi ngục đều có trăm ngàn thứ khí cụ để hành hình theo từng nghiệp, không gì chẳng phải là bằng đồng, bằng sắt, bằng đá, hay bằng lửa. Bốn thứ vật ấy đều do các nghiệp hạnh [bất thiện] cảm vời).

“Như thị đẳng báo” (những thứ báo ứng như thế) chỉ chung những chuyện trên đây. Do hết thảy chúng sanh luôn sanh khởi ba loại tư duy bất thiện, ngẫm nghĩ ngũ dục, nghĩ chuyện giận dữ, tàn hại, nghĩ cách dối gạt, đều do vô minh làm nhân khiến cho chúng sanh khởi. Thân hoại, mạng hết, sẽ đọa vào đường ác. “Khí” (器) chính là những vật dụng thường dùng hằng ngày. Nay đồng, sắt, đá, lửa là [chất liệu] của những dụng cụ hành hình trong địa ngục, đều do nghiệp hạnh của tội nhân cảm vời, chẳng phải do trời ban hay người tặng! Nghiệp hạnh tuy nhiều, Thập Ác bao hàm trọn hết, Tam Độc làm nhân, Thất Chi làm duyên, thực hiện ác nghiệp, tạo tác khí cụ hành hình, để rồi chính mình hứng chịu, chẳng thể tránh né! Vì thế, Kim Quang Minh Kinh Ký chép: “Tâm phá giới đã thành thì có thể tạo ra địa ngục, các thứ dụng cụ hành hình nghiêm ngặt. Chẳng có một vật nào từ bên ngoài mà có”. Vì thế, luận Duy Thức nói: “Như trong địa ngục, chẳng có người làm chủ địa ngục, nhưng chúng sanh trong địa ngục, do nghiệp tự nhiên, thấy vị chủ của địa ngục và đủ mọi thứ khổ, khởi tâm trông thấy: Đây là chốn địa ngục, đây là lúc ban đêm hoặc ban ngày. Do ác nghiệp, nên thấy chó, thấy quạ, hoặc thấy núi ép lại”.

Dùng đoạn văn ấy làm chứng, [sẽ biết]: Do điều thiện, lẽ ác huân tập cái tâm, khiến cho tâm dễ thấy, chứ thật sự chẳng có địa ngục! Nhưng ngoài tâm tuy chẳng có địa ngục, khi ác nghiệp đã thành, sẽ cưỡng ép khiến tội nhân hư vọng thấy là có. Vì thế, kinh Quyết Định Tỳ Ni dạy: “Ngã thuyết địa ngục chư khổ sự, thật vô ác thú khả lai vãng. Đao, trượng, tật lê chúng khổ cụ, diệc vô hữu năng tạo tác giả, do phân biệt cố nhi kiến hữu. Vô lượng khổ độc bức kỳ thân. Do như phân biệt chư huyễn diễm. Ư thử phân biệt tất giai không” (Ta nói các chuyện khổ trong địa ngục, nhưng thật ra chẳng có các đường ác để qua lại. Các thứ dụng cụ hành hình như đao, gậy, chông sắt, cũng chẳng có ai là người có thể tạo tác. Do phân biệt mà thấy có vô lượng khổ độc bức bách cái thân. Ví như phân biệt các ngọn lửa hư huyễn, đối với sự phân biệt ấy, đều là không) có phải là nói về chuyện này đấy chăng?

3.2.2.3.2.2.3. Kết thị chỉ quảng (tổng kết phần chỉ dạy rộng rãi)

(Kinh) Nhược quảng thuyết địa ngục tội báo đẳng sự, nhất nhất ngục trung, cánh hữu bách thiên chủng khổ sở, hà huống đa ngục. Ngã kim thừa Phật oai thần, cập nhân giả vấn, lược thuyết như thị. Nhược quảng giải thuyết, cùng kiếp bất tận.

()若廣說地獄罪報等事一一獄中更有百千種苦楚何況多獄。我今承佛威神及仁者問略說如是。若廣解說窮劫不盡。

(Kinh: Nếu nói rộng những chuyện tội báo trong địa ngục, trong mỗi ngục lại có trăm ngàn thứ khổ sở, huống hồ nhiều ngục! Nay tôi nương theo oai thần của đức Phật và lời hỏi của nhân giả, nói đại lược như thế. Nếu giải thích cặn kẽ, dẫu hết cả kiếp vẫn chẳng hết).

“Tội báo trăm ngàn khổ sở” đều do một niệm tạo thành. Như kinh Chánh Pháp Niệm Xứ dạy: “Vân hà ác nghiệp vô lượng chủng chủng, giai nhân ư tâm, tương tục lưu chuyển. Như hà sấm lưu, phiêu chư chúng sanh, linh đọa ác nghiệp quả báo chi địa? Tại ư địa ngục, thọ cực khổ não. Thử chư chúng sanh, vân hà như thị vị tâm sở cuống, vị ái sở cuống. Cố cảm bách thiên chủng báo, sở độc kỳ thân dã?” (Cớ sao vô lượng các thứ ác nghiệp như thế đều do nơi tâm, lưu chuyển liên tục như sông chảy xiết, trôi giạt chúng sanh, khiến cho họ đọa vào chốn quả báo của ác nghiệp? Ở trong địa ngục, chịu khổ não cùng cực. Các chúng sanh ấy cớ sao lại bị tâm, bị ái mê hoặc dường ấy, đến nỗi cảm vời trăm ngàn loại quả báo hành hạ cái thân?)

“Hà huống đa ngục” (huống hồ nhiều ngục): Chỉ nói một ngục A Tỳ, đã có đủ mọi chuyện khổ sở do tội báo, huống hồ nhiều ngục? Tôi nay nương vào oai thần của đức Phật, kính cẩn đáp lời hỏi của nhân giả, bất quá nói đại lược những chuyện như vậy thôi. Nếu muốn hiểu cặn kẽ tên của các địa ngục và mỗi thứ dụng cụ hành hình, dẫu thọ mạng trọn cả một kiếp, vẫn chẳng thể nói hết! Vì sao? Nghiệp lực của chúng sanh chẳng thể nghĩ bàn! Ấy là vì tâm nghiệp giống như thợ vẽ, do nghiệp của chính mình mà vẽ thành các nơi hứng chịu cái quả do nghiệp đã gây tạo. Do tâm có đủ loại khác nhau, cho nên chịu khổ ở những chỗ khác nhau, có trăm ngàn ức na-do-tha ác sự đáng sợ, chẳng có chuyện nào giống nhau, chẳng thể sánh ví được! Chỉ do chúng sanh thuở trước, do tiếp xúc cảnh mà sanh lòng chấp trước, dấy lòng yêu mến, nay phải chịu khổ trong xúc cảnh dơ xấu. Do đó, quả báo đau khổ, chuyện đau khổ, dụng cụ hành hình, rất khó nêu trọn được! Phần nói về căn cơ được giáo hóa đã xong.

3.2.3. Minh độ thoát duyên (nói về các duyên để được cứu độ giải thoát)

 Phần này được chia thành hai đoạn:

– Hóa chủ phóng quang tán thán.

– Các vua Diêm La thưa hỏi và tán thán.

Kinh Bảo Vũ nói: “Vân hà Bồ Tát năng linh xưng thán? Thiện nam tử, như nguyệt xuất hiện, năng sử nhân gian thành, ấp, tụ lạc, chư Sát-đế-lợi, Bà-la-môn đẳng, nhược nam, nhược nữ, tất giai xưng tán. Bồ Tát như thị, như nguyệt xuất hiện, vị nhất thiết thế gian, thiên, nhân, A-tố-lạc, Kiện-đạt-phược đẳng, tất giai xưng tán” (Vì sao Bồ Tát được ca ngợi? Này thiện nam tử! Như mặt trăng xuất hiện, có thể khiến cho các Sát-đế-lợi, Bà-la-môn dù nam hay nữ trong các thành, ấp, xóm làng trong nhân gian thảy đều khen ngợi. Cũng vậy, Bồ Tát xuất hiện giống như vầng trăng, nên được hết thảy trời, người, A Tu La, Càn Thát Bà v.v… trong thế gian khen ngợi).

Đoạn thứ nhất lại được chia làm hai phần:

– Đức Thế Tôn tán thán công đức.

– Đức Địa Tạng tạo lợi ích cho kẻ còn lẫn người mất.


ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH KHOA CHÚ


[1] Tăng Hộ (Saṃgharakṣita) là một đệ tử của ngài Xá Lợi Phất. Theo kinh Nhân Duyên Tăng Hộ, trước khi xuất gia, Tăng Hộ từng cùng năm trăm thương nhân vào biển cả. Trên đường trở về, bị lạc mất đồng bạn, bèn đi một mình. Ở bờ biển, ông từng trông thấy năm trăm cảnh địa ngục, bèn thưa hỏi đức Phật. Đức Phật giải đáp từng cảnh và nêu rõ nhân duyên vì sao chúng sanh thọ khổ trong ấy.

[2] Dã can (野干): Theo kinh Phật, dã can là loài cáo hoang hoặc chó rừng, hình dáng xấu xí, thân thể hôi thối, hình dáng giống cáo, màu lông xanh lẫn vàng, thường kéo thành bầy như chó rừng, tối đến tru như chó sói, ăn các loài thịt thối rữa. Đa số các nhà nghiên cứu cho rằng Dã Can là một loại Hyena (linh cẩu đốm). Loài này rất hung bạo, không chỉ ăn xác chết, mà còn săn bắt mồi, hung bạo, đôi khi bắt nạt cả sư tử nếu chúng đông hơn về số lượng. Tiếng kêu của chúng nghe như tiếng người cười cuồng loạn, nên người Anh thường gọi chúng là Laughing Hyena.

[3] Từ điển Khang Hy giải thích Tật Lê là Thiết Qua (鐵撾). Qua là một loại vũ khí có cán, đầu cán gắn móc như vuốt  chim, hoặc  như  hình  bàn  tay  người, đúc  bằng  sắt

luyện, có các ngón quặp xuống, vừa có tác dụng tấn công (móc, đập), vừa để chụp bắt, khóa kín vũ khí của đối phương, nhất là đối với các loại vũ khí dài như thương, giáo, kích v.v…

[4] La là con vật lai giữa lừa và ngựa.