ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH KHOA CHÚ
Đường Tam Tạng sa-môn Thật Xoa Nan Đà dịch
Cổ Diêm Khuông Am Thanh Liên bật-sô Linh Thừa soạn
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh Khoa Chú
Quyển Trung
3.2.2.3. Thị nghiệp báo sai biệt (chỉ dạy nghiệp báo sai biệt)
3.2.2.3.1. Phẩm đề (tên gọi của phẩm kinh này)
(Kinh) Địa ngục danh hiệu, phẩm đệ ngũ.
(經)地獄名號,品第五。
(Kinh: Phẩm thứ năm: Danh hiệu của địa ngục).
3.2.2.3.2. Phẩm văn (kinh văn trong phẩm này)
3.2.2.3.2.1. Phổ Hiền thỉnh thuyết (ngài Phổ Hiền xin nói [danh hiệu của địa ngục])
(Kinh) Nhĩ thời, Phổ Hiền Bồ Tát Ma Ha Tát bạch Địa Tạng Bồ Tát ngôn: – Nhân giả! Nguyện vị thiên long tứ chúng, cập vị lai, hiện tại nhất thiết chúng sanh, thuyết Sa Bà thế giới cập Diêm Phù Đề tội khổ chúng sanh, sở thọ báo xứ, địa ngục danh hiệu, cập ác báo đẳng sự.
(經)爾時,普賢菩薩摩訶薩白地藏菩薩言:仁者!願為天龍四眾,及未來現在一切眾生,說娑婆世界及閻浮提罪苦眾生,所受報處,地獄名號,及惡報等事。
(Kinh: Lúc bấy giờ, Phổ Hiền Bồ Tát Ma Ha Tát bạch cùng Địa Tạng Bồ Tát rằng: – Thưa nhân giả! Xin hãy vì trời, rồng, tứ chúng, và hết thảy chúng sanh trong đời vị lai nói danh hiệu của địa ngục là chỗ thọ báo của chúng sanh tội khổ trong thế giới Sa Bà và Diêm Phù Đề, và những chuyện ác báo v.v…)
Kế đó, sau phần nghiệp duyên và nghiệp cảm, bèn hỏi tướng nghiệp báo sai biệt trong địa ngục; vì thế nói là “nhĩ thời” (lúc bấy giờ). Trong tiếng Phạn, danh xưng Bật Thâu Bạt Tha (Viśva-bhadra), hoặc Tam Mạn Bạt Đà (Samantabhadra), dịch sang tiếng Hán là Phổ Hiền. Theo kinh Bi Hoa (Karunā-pundarīka-sūtra), Ngài chính là vương tử thứ năm của vua Vô Tránh Niệm (Araṇasmṛti) trong quá khứ, tên là Vô Sở Úy (Vaiśāradyāni). Do hạnh thù thắng hơn các vị Bồ Tát khác, nên được Phật Bảo Tạng (Ratnagarbha) đổi tên thành Phổ Hiền. Sách Pháp Hoa Văn Cú viết: “Đạt tột đỉnh của phục đạo[1], do nhân trọn khắp, nên gọi là Phổ. Sau khi đoạn đạo, gần với bậc cực thánh, nên nói là Hiền”. Kim Quang Minh Kinh Sớ viết: “Địa vị tương tự Chân, mỗi địa vị đều thuận theo, không địa vị nào chẳng có. Như ngài Phổ Hiền tu trọn vẹn hạnh Phổ Hiền, địa vị gần với đấng tôn quý tột bậc, địa vị tương tự ấy cao lắm”. Pháp Hoa Văn Cú Ký viết: “Đã chứng thì gọi là Chân, chưa chứng thì gọi là Tự (tương tự)”. Đức Phổ Hiền là bậc Đẳng Giác, do so với địa vị cực thánh (Phật) mà gọi là Tự, cho nên đặt tên là Hiền.
Phẩm này nhờ ngài Phổ Hiền phát khởi, vì kiến hạnh đã trọn khắp pháp giới thì bi nguyện mới có thể đặc biệt to lớn. Do ngài Phổ Hiền tin tưởng Như Lai Tạng, lại còn biểu thị đã chứng Xuất Triền Pháp Thân (Pháp Thân hiển lộ sau khi lìa khỏi phiền não), vì khiến cho hết thảy chúng sanh thấu đạt “toàn thể y báo và chánh báo của A Tỳ ở ngay trong tự tâm của bậc cực thánh. Thân và cõi của đức Tỳ Lô Giá Na chẳng vượt khỏi một niệm của phàm phu hạ căn” thì mới thấu hiểu bổn nguyên, thành tựu cực trí (trí của bậc cực thánh, Phật trí). Quán chiếu ngược lại Phật trí, sẽ thấy chẳng khác sơ tâm. Nhưng phẩm đức và địa vị của hai vị Đại Sĩ (Địa Tạng và Phổ Hiền) ngang nhau, trí hạnh bình đẳng, lẽ đâu [đức Phổ Hiền] chẳng biết danh hiệu và chuyện trong địa ngục hay sao? Ấy là vì đức Địa Tạng phân thân trong cõi âm, giáo hóa Nê Lê, Ngài nêu bày [những sự thật về địa ngục] trước mặt mọi người, chẳng ai không tin nhận. Do vậy, [đức Phổ Hiền] đặc biệt nêu câu hỏi.
“Nhân giả” (仁者) [là từ ngữ] tôn xưng đấng Từ Dục (慈育, nuôi nấng chúng sanh bằng lòng Từ). Nhân từ chính là tổng thể của tâm đức (các phẩm đức của tâm), do đức to lớn của trời đất là Sanh. Con người do coi trọng sự sống, tự nhiên sẽ có lòng trắc ẩn, từ ái, đối với mọi loài sẽ đều là mùa Xuân. Vì thế, xét theo ý nghĩa, chữ Nhân (仁) do Nhân (人) và Nhị (二) ghép thành. “Nhị” biểu thị trời trên, đất dưới. Con người có thể chế ngự những dục vọng của chính mình, sẽ hòa lẫn thành một Thể với trời đất, rỗng rang, tột bậc công chánh. Trời tượng trưng cho chư Phật, đất tượng trưng cho chúng sanh. Tâm con người xen lẫn, kết hợp vào đó, thẳng thừng khiến cho chúng sanh và Phật có cùng một Thể. Vì thế, gọi là “nhân giả” (đấng có lòng nhân).
“Nguyện vị thiên, long đẳng” (Xin hãy vì hàng trời, rồng v.v…): Do nghe nói chẳng cần biết là nam, nữ v.v… hễ đã tạo tội, sẽ cảm nghiệp, sẽ đều cùng hứng chịu [khổ quả] như nhau. Vì thế, [địa ngục ấy] được gọi là Vô Gián. Sau đó, lại nghe nói “nhất thiết chúng sanh vị giải thoát đẳng” (hết thảy chúng sanh chưa giải thoát…), cho nên nguyện xin đức Địa Tạng hãy vì những kẻ như thế mà nói. “Chúng sanh tội khổ” chính là những kẻ thọ báo. Chỗ để thọ báo nói chung là lục đạo, nói riêng thì chỉ có địa ngục. Những chuyện ác báo chính là cảnh phải trải
qua khi thọ báo. Nói đại lược, có chín loại:
– Nếu nghe pháp mà nói lưỡi đôi chiều, gây rối người khác, sẽ đọa làm loài chó cụp tai.
– Nghe pháp mà tâm không suy ngẫm pháp vị, đọa làm con lừa tai dài.
– Keo tham, ăn một mình (không chia sẻ với người khác), đọa trong ngạ quỷ. Sanh làm người, sẽ là kẻ nghèo đói.
– Cho người khác ăn những thứ dơ bẩn, sẽ đọa làm lợn, bọ hung.
– Cướp đoạt đồ vật của người khác, sẽ đọa làm dê, bị người ta lột da, ăn thịt.
– Thích trộm đồ vật của người khác, sẽ đọa làm trâu, ngựa; sanh làm người thì làm tôi tớ.
– Thích bịa chuyện, đồn đãi chuyện xấu của người khác, sẽ đọa địa ngục, bị nước đồng sôi rót vào miệng, bị kéo lưỡi ra để cày bừa.
– Thích uống rượu say sưa, sẽ đọa trong Phí Thỉ (沸屎, phân sôi) Nê Lê, thoát khỏi địa ngục sẽ làm con tinh tinh (chimpanzee), làm người thì là kẻ ương bướng, ngu xuẩn.
– Làm người trên mà đánh đập kẻ dưới, khiến họ không kêu vào đâu được, sẽ đọa vào địa ngục. Thoát ra bèn làm trâu cày, bị xỏ mũi, chở nặng, hòng đền trả tội ương.
Nếu nói rộng ra, sẽ là vô lượng!
(Kinh) Sử vị lai thế Mạt Pháp chúng sanh, tri thị quả báo.
(經)使未來世末法眾生,知是果報。
(Kinh: Khiến cho chúng sanh đời Mạt Pháp trong thuở mai sau biết những quả báo ấy).
Từ chữ “sử vị lai” (khiến cho đời mai sau) trở đi, nói rõ ý nghĩa chánh yếu của [việc thưa hỏi danh hiệu] địa ngục: Sở dĩ chúng sanh chịu khổ là vì họ chẳng biết quả báo. Phàm “không, vô sở hữu, vô tướng, vô nguyện” là trí huệ trọng yếu trong đạo, nhưng chẳng thể nói với kẻ mới học! Họ nghe nói “vô sở hữu” bèn buông tuồng cái tâm, chẳng còn tu giới nữa. Đã nói “hết thảy đều không”, cần gì phải làm [lành, tránh ác] chi nữa? Phàm là bậc thiện tri thức muốn dạy kẻ mới học, phải nói dần dần về ma sự để tạo nhân duyên ngăn ngừa ma; [cũng như nói] chuyện tội khổ trong đường sanh tử, năm đường rành rành, khiến cho họ tin tội phước. Đã hiểu rõ mọi chuyện thì mới có thể nói [không, vô tướng, vô tác v.v…] Do đó, phải khiến cho vị lai chúng sanh biết quả báo!
3.2.2.3.2.2. Địa Tạng thừa đáp (ngài Địa Tạng vâng theo lời hỏi mà giải đáp)
3.2.2.3.2.2.1. Khiêm cung hứa thuyết (khiêm cung, hứa sẽ trả lời)
(Kinh) Địa Tạng đáp ngôn: – Nhân giả! Ngã kim thừa Phật oai thần, cập Đại Sĩ chi lực, lược thuyết địa ngục danh hiệu, cập tội báo, ác báo chi sự.
(經)地藏答言:仁者!我今承佛威神,及大士之力,略說地獄名號,及罪報,惡報之事。
(Kinh: Địa Tạng đáp rằng: “Thưa nhân giả! Tôi nay nương vào oai thần của đức Phật và sức của Đại Sĩ, nói đại lược danh hiệu của địa ngục và các chuyện tội báo, ác báo”).
“Thừa Phật oai thần” (Nương vào oai thần của đức Phật): Đấng giáo chủ cực thánh, nương nhờ vào Ngài là chuyện đương nhiên, nhưng nói “và sức của Đại Sĩ” là vì lẽ nào? Ngài Phổ Hiền là đích tử của Phật, tôn quý không ai bằng, sức hạnh nguyện sâu xa; do vậy, tôn xưng Ngài là Đại Sĩ. Truyện (phần chú giải kinh Dịch) viết: “Thông cổ kim, nhiên biện phủ? Vị chi Sĩ” (Thông hiểu xưa nay, biện định đúng sai thì gọi là Sĩ). “Sĩ” (士) là sự, do chữ Thập (十), biểu thị “có nhiều sự việc, mọi chuyện trong vũ trụ đều thuộc về phận sự của ta”, [ghép với] chữ Nhất (一), hàm nghĩa “một và khác đều quán thông”. Vì thế, Khổng Tử nói: “Thôi nhất hợp thập vi Sĩ” (Sĩ là người có thể từ một mà suy ra mười). Nay vạn hạnh của ngài Phổ Hiền cũng thế, do một mà thành mười, cho đến do ngàn mà thành vạn, hiểu rõ vạn hạnh có cùng một tánh, độ chúng sanh bằng nhất tâm. Do có thể kiến lập chuyện cực đại, cho nên gọi là Đại Sĩ. “Lược thuyết” (nói đại lược) là từ ngữ khiêm tốn.
3.2.2.3.2.2.2. Đáp thích ngục báo (trả lời, giải thích về những báo ứng trong địa ngục)
3.2.2.3.2.2.2.1. Đáp địa ngục danh hiệu (trả lời về danh hiệu địa ngục)
3.2.2.3.2.2.2.1.1. Tổng thị ngục xứ (nói chung về nơi chốn của địa ngục)
(Kinh) Nhân giả! Diêm Phù Đề Đông phương hữu sơn, hiệu viết Thiết Vi. Kỳ sơn hắc thúy, vô nhật nguyệt quang.
(經)仁者!閻浮提東方有山,號曰鐵圍。其山黑邃,無日月光。
(Kinh: Thưa nhân giả! Phía Đông Diêm Phù Đề có núi tên là Thiết Vi (Cakravāda). Núi ấy tối tăm, không có ánh sáng mặt trời, mặt trăng).
Trong phẩm Địa Ngục của kinh Thế Ký thuộc quyển mười chín của Trường A Hàm, đức Phật bảo các tỳ-kheo: “Thử tứ thiên hạ hữu bát thiên thiên hạ vi nhiễu. Kỳ ngoại, phục hữu đại hải thủy, châu biến vi nhiễu bát thiên thiên hạ. Phục hữu Đại Kim Cang sơn, nhiễu đại hải thủy. Kim Cang sơn ngoại, phục hữu đệ nhị Đại Kim Cang sơn. Nhị sơn trung gian, yểu yểu minh minh. Nhật, nguyệt, thần, thiên hữu đại oai lực, bất năng dĩ quang chiếu cập ư bỉ bát đại địa ngục, cố vân hắc thúy” (Trong tứ thiên hạ này, có tám ngàn thiên hạ vây quanh. Phía ngoài lại có biển nước lớn, vây quanh trọn khắp tám ngàn thiên hạ. Lại có núi Đại Kim Cang (Vajra-parvata) vây quanh biển cả. Ngoài núi Kim Cang, lại có rặng núi Đại Kim Cang thứ hai. Khoảng giữa hai núi, tối tăm mờ mịt. Mặt trời, mặt trăng, thần hoặc trời có đại oai lực chẳng thể dùng quang minh chiếu thấu tám đại địa ngục trong ấy. Vì thế nói là “tối tăm”).
“Thúy” (邃) là sâu thẳm. Đã tối tăm, lại còn sâu thăm thẳm. Do vậy, luận Lập Thế A Tỳ Đàm nói: “Đức Thế Tôn nói có đại địa ngục tên là Hắc Ám. Ở phía ngoài mỗi thế giới đều có [địa ngục ấy], đều là không che phủ. Chúng sanh trong ấy tự giơ tay lên, nhưng mắt chẳng thể thấy. Dẫu cho mặt trời, mặt trăng, và các vị có oai thần to lớn, tất cả quang minh đều chẳng thể chiếu thấu nơi đó. Chư Phật xuất thế thì đại quang minh chiếu trọn khắp. Do quang minh ấy, họ mới trông thấy nhau. Phần thế giới ở giữa hai rặng núi đó và ở ngoài núi Thiết Vi được gọi là Giới Ngoại”. Do ở phía Đông Diêm Phù Đề, nên nói là “Đông phương hữu sơn” (phía Đông có núi) v.v…
3.2.2.3.2.2.2.1.2. Biệt khai ngục danh (nêu tên từng địa ngục riêng biệt)
3.2.2.3.2.2.2.1.2.1. Chánh chủ địa ngục (địa ngục chánh yếu)
(Kinh) Hữu đại địa ngục, hiệu Cực Vô Gián. Hựu hữu địa ngục, danh Đại A Tỳ.
(經)有大地獄,號極無間。又有地獄,名大阿鼻。
(Kinh: Có đại địa ngục tên là Cực Vô Gián. Lại có địa ngục, tên là Đại A Tỳ).
Hai đại địa ngục Vô Gián và A Tỳ, [được các kinh luận] nói gộp lại, hoặc nói tách ra, từ xưa đã khó biện định. Theo kinh Trường A Hàm và kinh Quán Phật Tam Muội, thì nói gộp thành một ngục. Kinh tự hỏi đáp: “Vì sao tên là địa ngục A Tỳ?” Phương này dịch là địa ngục Vô Gián. Kinh này và kinh Lăng Nghiêm coi đó là hai ngục. Kinh [Lăng Nghiêm] nói: “Cửu tình nhất tưởng, hạ đỗng hỏa luân. Thân nhập phong hỏa nhị giao quá địa, khinh sanh hữu gián, trọng sanh Vô Gián. Thuần tình, tức trầm nhập A Tỳ ngục” (Chín phần tình, một phần tưởng, bèn trầm luân, lọt qua hỏa luân. Thân đi vào chỗ lửa và gió giao xen, tội nhẹ thì sanh vào ngục có gián đoạn, tội nặng thì sanh vào địa ngục Vô Gián. Thuần tình thì chìm xuống, vào trong địa ngục A Tỳ). Chuyện này do kinh nói khác biệt, các vị dịch sư mỗi người dịch mỗi khác, khiến cho hai ngục được gộp lại hay tách ra khác nhau. Riêng tôi cho rằng: Ví như hai họ cùng sống trong một căn nhà, ra vào cùng bằng một cửa. Mỗi họ có quyến thuộc riêng. Người ngoài nhìn vào, không ai chẳng cho là giống nhau hay khác nhau. Cùng ra bằng một cửa, nói là một thì có trở ngại gì? Đã là hai họ, chẳng ngại nói là hai! Do hai ngục cùng ở một chỗ, chịu tội đại lược như nhau, cho nên là một hay hai không nhất định.
A là Vô, Tỵ (Vici) là Giá (遮, ngăn che), hoặc là Cứu. Nói gộp lại là Vô Giá, Vô Cứu (không ngăn trở, không cứu giúp). Theo kinh Thập Luân, tội Ngũ Nghịch là cực ác nhất. Lại có bốn loại tội lớn, giống như bốn tội nghịch, phạm tội căn bản v.v… Nếu kẻ nào phạm một tội [trong các tội] đó, sau khi thân hoại, mạng hết, đều đọa vào địa ngục A Tỳ. Đức Phật bảo Tăng Hộ: “Hữu cửu chủng nhân thường xử A Tỳ đại địa ngục trung: Nhất, thực Tăng vật; nhị, Phật vật; tam, sát phụ; tứ, sát mẫu; ngũ, sát A La Hán; lục, phá hòa hợp Tăng; thất, phá tỳ-kheo tịnh giới; bát, phá phạm tịnh hạnh ni; cửu, tác Nhất Xiển Đề. Thị cửu chủng nhân hằng tại địa ngục” (Có chín loại người thường ở trong đại địa ngục A Tỳ: Một, ăn đồ của Tăng; hai, ăn vật cúng Phật; ba, giết cha; bốn, giết mẹ; năm, giết A La Hán; sáu, phá hòa hợp Tăng; bảy, phá tịnh giới của tỳ-kheo; tám, phá tỳ-kheo-ni tịnh hạnh; chín, là kẻ Nhất Xiển Đề. Chín loại người ấy thường ở trong địa ngục).
Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ nói sự khổ trong địa ngục A Tỳ hơn ngàn lần mười đại địa ngục trước đó, thọ mạng cả một kiếp. Kinh Quán Phật Tam Muội Hải lại nói: “A Tỳ địa ngục tung quảng bát thiên do-tuần, thất trùng thiết thành, thất tằng thiết võng, đao lâm, kiếm lâm đẳng, các các thất trùng, các hữu thập bát Hàn Băng đẳng ngục” (Địa ngục A Tỳ có kích thước mỗi bề là tám ngàn do-tuần, bảy lớp thành sắt, bảy tầng lưới sắt, rừng đao, rừng gươm v.v… mỗi thứ đều có bảy tầng. Mỗi mỗi đều có mười tám ngục như Hàn Băng v.v…) Đấy chính là các ngục như Tứ Giác, Phi Đao v.v… trong phần kinh văn tiếp theo, đều là quyến thuộc của A Tỳ. Vì thế, trong bộ luận Lập Thế A Tỳ Đàm, sau khi giảng giải chuyện sanh vào tám địa ngục xong, phẩm thứ chín bèn nói tới các địa ngục ở rìa ngoài, như Nhiệt Hôi (熱灰, tro nóng), Phẩn Thỉ (糞屎, phân tiểu) v.v… đều ở nơi đó, tức là như trong phần sau, sẽ đặt ra một khoa riêng cho các địa ngục quyến thuộc. Đó là cách biện định mẫu mực, các hậu hiền chớ nên không biết!
3.2.2.3.2.2.2.1.2.2. Quyến thuộc đẳng ngục (các địa ngục quyến thuộc)
3.2.2.3.2.2.2.1.2.2.1. Ngục số vô hạn (số lượng địa ngục vô hạn)
3.2.2.3.2.2.2.1.2.2.1.1. Liệt danh (kể tên)
(Kinh) Phục hữu địa ngục, danh viết Tứ Giác.
(經)復有地獄,名曰四角。
(Kinh: Lại có địa ngục, tên là Bốn Cạnh).
[Trong các đoạn kế tiếp] đều nói “phục hữu” (lại có), do các ngục ấy đều là quyến thuộc của đại địa ngục A Tỳ. Loại này rất nhiều, cho nên dùng hai chữ ấy để chỉ ra. Tứ Giác là như kinh Chánh Pháp Niệm Xứ nói: “Hữu nhân thật phi sa-môn, tự vị sa-môn. Nhược văn phụ nữ ca, vũ, hý, tiếu, trang nghiêm cụ thanh, bất thiện quan sát, tâm sanh ái nhiễm, lậu thất bất tịnh, thân hoại, mạng chung, đọa ư Hợp đại địa ngục thiết mạt hỏa xứ (thị Hợp địa ngục đệ thập lục xứ). Sở vị nhiệt thiết Tứ Giác địa ngục, châu vi thiết bích ngũ bách do-tuần, tùng thượng vũ hỏa, vũ thiết. Nhất thiết thân phần phân tán vi mạt, thường chử, thường thiêu” (Có người thật sự chẳng phải là sa-môn mà tự cho là sa-môn. Nếu nghe âm thanh ca, múa, vui cười, hoặc [tiếng va chạm từ] các vật trang sức… của phụ nữ mà chẳng khéo quan sát, tâm sanh ái nhiễm, rò rỉ chất bất tịnh (xuất tinh) thì khi thân hoại, mạng hết, sẽ đọa trong Hợp đại địa ngục (địa ngục ép lại) ở chỗ Vụn Sắt Bốc Lửa (tức là chỗ thứ mười sáu trong Hợp địa ngục). Đó gọi là địa ngục Bốn Cạnh Sắt Nóng, chung quanh toàn là vách sắt, rộng đến năm trăm do-tuần. Từ trên tuôn xuống lửa và sắt, hết thảy thân thể [của tội nhân] tan nát thành vụn, thường bị nấu, thường bị đốt).
Theo Lập Thế A Tỳ Đàm Luận, trong địa ngục Hắc Thằng (黑繩, dây đen) hết thảy đều bằng sắt, ngày đêm thiêu đốt. Tội nhân trong ấy bị ngục tốt truy bắt, quăng cho nằm sóng soài trên mặt đất. [Ngục tốt] căn theo chỗ những sợi dây màu đen giăng mắc để chặt [thân thể tội nhân] bằng búa to, hoặc thành hình bát giác, hoặc thành lục giác, hoặc thành bốn đoạn. Lại có khi chặt vụn từ đầu đến chân như từng đốt mía. Đấy là do khi xưa làm người, [những tội nhân đó] đã tự tay hoặc bảo kẻ khác chặt, xẻo tay, chân, mũi, tai, chặt ngang lưng, xẻo thịt v.v… [người khác] nên thọ sanh trong đó!
(Kinh) Phục hữu địa ngục, danh viết Phi Đao.
(經)復有地獄,名曰飛刀。
(Kinh: Lại có địa ngục tên là Đao Bay).
Phi Đao (đao bay) là địa ngục Đao Luân (刀輪, vầng đao). Kinh Quán Phật Tam Muội Hải quyển năm nói: “Đao Luân địa ngục giả, tứ diện đao sơn. Ư chúng sơn trung, tích đao như chuyên. Hư không trung hữu bát bách vạn ức cực đại đao luân, tùy thứ nhi hạ, do như vũ trích” (Địa ngục Đao Luân bốn phía là núi đao. Trong các quả núi, chứa đao như ngói. Trong hư không, có tám trăm vạn ức vầng đao hết sức to, lần lượt rơi xuống giống như giọt mưa). Luận Lập Thế gọi chúng là “mưa gươm, mưa búa rìu” v.v… Chúng rơi xuống chỗ nào, các phần thân thể bị chặt đứt, đầu đứt rời như chẻ củi, tung tóe, hỗn độn. Đó là do xưa kia làm người, [các tội nhân ấy] theo đuổi việc chiến đấu, hoặc cho kẻ khác vũ khí, sai họ chiến đấu, tụ tập nhiều người, tùy ý sát hại. Do nghiệp căn ấy, bèn sanh trong đó.
(Kinh) Phục hữu địa ngục, danh viết Hỏa Tiễn.
(經)復有地獄,名曰火箭。
(Kinh: Lại có địa ngục tên là Tên Lửa).
Theo kinh Quán Phật Tam Muội, Hỏa Tiễn (tên lửa) chính là năm trăm ức địa ngục Thiết Cơ (鐵機, máy sắt): Có một cái giường sắt, kích thước mỗi bề vừa đúng bốn trăm do-tuần; trên đó, cắm đầy kim tua tủa. Giữa các mũi kim, đều có vạn ức nỏ sắt. Trên cái lẫy của nỏ sắt, có trăm ức lưỡi đao bén nhọn. Tội nhân sanh [vào địa ngục này, sẽ nằm] trên cái máy sắt đó, vạn ức cây kim sắt từ dưới đưa lên, các mũi kim đều ngửa lên, hay cắm xuống. Vô lượng nỏ sắt đồng thời đều kéo căng, mỗi mũi nỏ sắt đều bắn vào tim tội nhân. Một ngày, một đêm, sáu trăm ức lần sống chết. Luận Lập Thế nói: “Chúng sanh ngu si trong thế giới, vì tham dục mà bất hiếu với cha mẹ, chẳng kính trọng sư trưởng, chẳng vâng theo sự dạy dỗ tốt lành, giết hại chúng sanh, nuôi nấng những kẻ gian trá, cho nên hứng chịu báo này”.
(Kinh) Phục hữu địa ngục, danh viết Giáp Sơn.
(經)復有地獄,名曰夾山。
(Kinh: Lại có địa ngục tên là Núi Kẹp).
Giáp Sơn (núi kẹp lại): Luận Tam Pháp Độ[2] viết: “Địa ngục Chúng Hợp: Chúng sanh mắc tội, do sợ hãi ngục tốt, vô lượng trăm ngàn người chạy vào giữa núi. Đã vào rồi, tự nhiên trước sau bốc lửa ngăn chặn họ, hai bên núi tự ép lại như cối xay. Máu tuôn như sông, xương, thịt tan nát hết sạch. Những kẻ sanh trong ấy là do thích cầm đầu giày vò chúng sanh”. Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ nói: “Nhị sơn kiên tiên, thiết diễm hỏa nhiên, lưỡng sương tác thế, nhất thời câu lai, tạt địa ngục nhân. Tạt dĩ, ma chi, kỳ thân tán tận, vô vật khả kiến. Như thị ma dĩ, nhi phục hoàn sanh. Phục dĩ nhị sơn, như tiền tạt ma. Như thị phục tạt, phục ma, vô lượng bách thiên niên tuế. Thử do chúng nghiệp sở trí” (Hai quả núi ép cứng ngắc, lửa sắt nóng cháy bừng. Hai vách núi hình thành thế gọng kìm, cùng lúc ép lại, kẹp tội nhân trong địa ngục. Kẹp rồi chà xát, thân họ vỡ tan, chẳng còn vật gì để thấy. Chà như thế xong, họ sống lại [thân thể hồi phục]. Lại bị hai quả núi kẹp chặt, chà xát như trước. Cứ kẹp chặt, xay xát như thế trong vô lượng trăm ngàn năm. Đó là do các nghiệp mà ra).
(Kinh) Phục hữu địa ngục, danh viết Thông Thương.
(經)復有地獄,名曰通槍。
(Kinh: Lại có địa ngục tên là Thương Đâm).
“Thông thương” (giáo đâm): Thương (槍) là cái giáo dài. Lại nữa, vót nhọn gỗ để tổn thương bọn trộm cắp thì gọi là Thương. Luận Lập Thế nói: “Tội nhân đã qua địa ngục Phấn Thỉ, thấy địa ngục Kiếm Diệp (lá gươm) bèn dấy lòng yêu đắm. Như rừng cây Am La chính là con đường rừng gươm, có những mũi gai nhọn hoắt, dao găm, dao cạo, đao, gươm, lưỡi dao bén ngót trải khắp mặt đất. Tội nhân đi vào con đường rừng ấy, chịu đủ mọi nỗi khổ đâm thọc, xuyên qua v.v… Do nghiệp báo sát sanh tăng thượng và cầm đầu chiến đấu mà cảm vời”.
(Kinh) Phục hữu địa ngục, danh viết Thiết Xa. Phục hữu địa ngục, danh viết Thiết Sàng.
(經)復有地獄,名曰鐵車。復有地獄,名曰鐵牀。
(Kinh: Lại có địa ngục tên là Xe Sắt. Lại có địa ngục tên là Giường Sắt).
“Thiết Xa” (xe sắt): Kinh Lăng Nghiêm dạy: “Tư báo kết tức, tắc vi hỏa xa” (Quả báo của Tư [tâm sở pháp] là thừa dịp hơi thở ra vào kết thúc, bèn thành xe bốc lửa). Theo kinh Hiền Ngu, đức Phật Thích Ca bắt đầu khởi từ tâm là lúc Ngài đang ở trong địa ngục [bị phạt kéo xe bốc lửa].
“Thiết Sàng” (giường sắt): Theo kinh Lăng Nghiêm, “dâm tập, tắc hữu thiết sàng, đồng trụ” (do tập khí dâm dục mà có giường sắt, trụ đồng). Kinh Tạp Tạng nói: “Kim thân dâm dật, tử nhập địa ngục, ngọa chi thiết sàng, hoặc bão đồng trụ. Ngục quỷ nhiên hỏa, dĩ thiêu kỳ thân” (Thân hiện tại dâm dật thì lúc chết, sẽ đọa vào địa ngục, nằm trên giường sắt, hoặc ôm cột đồng. Quỷ canh ngục đốt lửa thiêu thân kẻ đó). Vì thế, kinh Quán Phật Tam Muội nói: “Tội nhân mạng chung, tọa thiết sàng thượng. Như nhạn vương tường, lạc hắc ám xứ. Đao luân thượng hạ, trảm tỏa kỳ thân” (Tội nhân chết đi, nằm trên giường sắt. Như nhạn chúa bay lượn, rơi vào chỗ tối tăm. Các vầng đao trên dưới chặt chém thân kẻ đó).
(Kinh) Phục hữu địa ngục, danh viết Thiết Ngưu. Phục hữu địa ngục, danh viết Thiết Y.
(經)復有地獄,名曰鐵牛。復有地獄,名曰鐵衣。
(Kinh: Lại có địa ngục, tên là Trâu Sắt. Lại có địa ngục, tên là Áo Sắt).
“Thiết Ngưu” (trâu sắt) sẽ nói tường tận trong phần sau. “Thiết Y” (áo sắt): Theo luận Lập Thế, có lúc ngục tốt chửi bới, đe dọa người chịu tội. Kẻ ác đứng lên, tuy đứng, nhưng chẳng thể cử động. Khi đó, vô lượng tội nhân hết sức hoảng hốt, run rẩy dựa dẫm, [cả đám người tội chao đảo] giống như rừng phan. Lúc ấy, vô số ngàn vạn áo ca-sa bằng sắt nóng đỏ và áo sắt nóng đỏ từ trên hư không rơi xuống. Tội nhân kêu gào: “Áo đến rồi, áo đến rồi!” Các tấm áo ấy rơi đến nơi, mỗi tấm quấn phủ [tội nhân], da, thịt, gân, xương đều cháy nát xong, áo sắt tự biến mất.
Đó là do khi xưa làm người, đánh đập, đấm đá chúng sanh có sanh mạng. Lại có kẻ xuất gia phá giới, hưởng dụng y phục và dây thắt lưng[3] của quốc gia. Do nghiệp báo ấy, phải thọ sanh trong đó. Cổ đức nói: “Hiện kiến ca-sa ly thể, tương lai thiết điệp triền thân” (Nay thấy có [những tỳ-kheo] áo ca-sa lìa thân, trong tương lai áo sắt quấn thân) chính là nói về chuyện này.
(Kinh) Phục hữu địa ngục, danh viết Thiên Nhận.
(經)復有地獄,名曰千刃。
(Kinh: Lại có địa ngục tên là Ngàn Mũi Nhọn).
Thiên Nhận (một ngàn mũi nhọn): Kinh Quán Phật Tam Muội nói: “Tự hữu chúng sanh, bất thuận sư giáo, hưng ác nghịch tâm, bất tri ân dưỡng, đạo sư, hại sư, ô sư tịnh thực, tọa sư sàng tòa, tróc sư bát vu, mạ sư, báng sư, đả sư, sát sư, dĩ chư độc dược, trì dĩ ẩm sư. Nhược sa-môn, Bà-la-môn, tác chư phi pháp, vô hữu tàm quý, bác tượng, phá tháp, kiếp pháp bảo vật, sát bá, thúc, phụ mẫu, huynh, đệ, tỷ, muội. Như thị tội nhân, mạng chung tọa ư đại kiếm sàng thượng, bách ức kiếm nhận. Nhận giai xuất hỏa, thiêu thích kỳ thân. Không trung hỏa luân, tùng thượng nhi hạ, trực phách kỳ đảnh, kỳ thân toái liệt, vi sổ thiên đoạn” (Có chúng sanh chẳng nghe theo lời thầy dạy, dấy lòng ác nghịch, chẳng biết ơn dưỡng dục, trộm cắp của thầy, hại thầy, làm bẩn thức ăn thanh tịnh của thầy, ngồi lên giường, tòa của thầy, đoạt bát của thầy, chửi thầy, hủy báng thầy, đánh thầy, giết thầy, lấy các thứ thuốc độc đưa cho thầy uống. Nếu sa-môn, Bà-la-môn làm những chuyện phi pháp, chẳng có tâm hổ thẹn, bóc [vàng, bạc, hay các bảo thạch khảm] tượng, phá tháp, cướp bảo vật trong tháp, giết bác, chú, cha, mẹ, anh em trai, chị em gái, kẻ tội nhân như thế mạng chung, sẽ ngồi trên giường gươm to lớn. Trăm ức mũi gươm bén, mỗi mũi gươm đều bốc lửa, đốt, đâm thân kẻ đó. Trong hư không, có từng vầng lửa từ trên rơi xuống, bửa thẳng vào đỉnh đầu kẻ đó. Thân kẻ đó vỡ vụn thành mấy ngàn mảnh).
(Kinh) Phục hữu địa ngục, danh viết Thiết Lư.
(經)復有地獄,名曰鐵驢。
(Kinh: Lại có địa ngục tên là Lừa Sắt).
Thiết Lư (lừa sắt) sẽ được giải thích trong phần sau.
(Kinh) Phục hữu địa ngục, danh viết Dương Đồng. Phục hữu địa ngục, danh viết Bão Trụ.
(經)復有地獄,名曰烊銅。復有地獄,名曰抱柱。
(Kinh: Lại có địa ngục tên là Nước Đồng Sôi. Lại có địa ngục tên là Ôm Cột).
“Dương Đồng” (nước đồng sôi) như đã nói trong phần trên. “Bão Trụ” (ôm cột): Kinh Quán Phật Tam Muội nói: “Thế gian ngu si chúng sanh, nhiễm ái tà dâm, mạng chung sanh đồng trụ đầu, mãnh hỏa diễm xí, phần thiêu kỳ thân. Kinh bố hạ thị, kiến thiết sàng thượng, hữu đoan chánh nữ. Nhược thị nữ nhân, kiến đoan chánh nam, tâm sanh ái trước, tùng đồng trụ thượng, dục đầu ư địa. Đồng trụ quán thân, thiết võng lạc cảnh. Thiết tủy chư trùng, thiếp thực kỳ khu. Lạc thiết sàng thượng, nam nữ câu thời lục căn hỏa khởi. Hữu thiết chủy trùng, tùng nhãn nhi nhập, tùng nam căn xuất. Nhược ô giới giả, biệt hữu vạn ức chư tiểu trùng bối, như tiếu thư trùng. Trùng hữu thập nhị chủy, chủy đầu xuất hỏa, thiếp thực kỳ khu. Thử tà dâm báo, nhất nhật, nhất dạ, cửu bách sanh tử” (Chúng sanh ngu si trong thế gian, yêu đắm tà dâm, mạng hết bèn sanh nơi đầu cột đồng, lửa mạnh cháy hừng hực, thiêu đốt thân họ. Họ sợ hãi nhìn xuống, thấy trên giường sắt có người nữ đoan chánh. Nếu là nữ nhân thì thấy người nam đoan chánh. Tâm sanh yêu đắm, bèn từ trên cột đồng, muốn buông mình xuống đất. Cột đồng xuyên qua thân, lưới sắt thít chặt cổ. Các con trùng có mỏ bằng sắt đục khoét thân họ. Rơi xuống giường sắt, nam nữ đều sáu căn bốc lửa. Có trùng mỏ sắt từ mắt chui vào, từ nam căn chui ra. Nếu là kẻ làm ô uế người giữ giới, sẽ riêng có vạn ức các con trùng nhỏ giống như loài giòi. Mỗi con trùng có mười hai cái mỏ, đầu mỏ bốc lửa, đục khoét thân kẻ đó. Quả báo tà dâm ấy trong một ngày, một đêm, chín trăm lần chết đi, sống lại).
(Kinh) Phục hữu địa ngục, danh viết Lưu Hỏa.
(經)復有地獄,名曰流火。
(Kinh: Lại có địa ngục, tên là Lửa Trôi Nổi).
Theo Tam Pháp Độ Luận, Lưu Hỏa (tung lửa, lửa trôi nổi thành từng vầng) chính là địa ngục Đại Khiếu (大哭, gào khóc to lớn), tức là trong núi sắt lớn, lửa cháy khắp nơi, chặn đường bốn phía, không có chỗ đi. Ngục tốt ác độc, chẳng nhân từ, giận dữ hỏi: “Ngươi muốn đi đâu?” Vô duyên, vô cớ dùng lửa nung chày sắt, phang vỡ đầu tội nhân. Những kẻ trong cõi này làm cho muôn dân khốn khổ, sẽ sanh vào đó. Theo kinh Thủ Lăng Nghiêm, trong hai tướng của vị báo (quả báo do Vị), tướng thứ hai là phun khí thành lửa dữ bay lơ lửng, đốt tan xương, tủy [tội nhân], chính là ngục này vậy.
(Kinh) Phục hữu địa ngục, danh viết Canh Thiệt. Phục hữu địa ngục, danh viết Tỏa Thủ.
(經)復有地獄,名曰耕舌。復有地獄,名曰剉首。
(Kinh: Lại có địa ngục tên là Cày Lưỡi. Lại có địa ngục tên là Chặt Đầu).
Canh Thiệt (cày lưỡi) như trong phần sau sẽ giải thích. Tỏa Thủ (chặt đầu): Tam Pháp Độ Luận nói: “Hoạt địa ngục là ngục tốt dùng đao hay búa bén để mổ xẻ, chặt, chém chúng sanh thọ tội như chặt, chém đầu dê, tách rời da thịt”. Luận Lập Thế nói: “Xưa kia, khi họ làm người đã bửa vỡ toang đầu chúng sanh có mạng sống, hoặc [bổ vỡ đầu] loài cá, rắn, rết v.v… đủ mọi nghiệp, nên bị quả báo vỡ toang đầu”.
(Kinh) Phục hữu địa ngục, danh viết Thiêu Cước.
(經)復有地獄,名曰燒腳。
(Kinh: Lại có địa ngục tên là Đốt Chân).
Theo luận Lập Thế, Thiêu Cước (đốt chân) chính là địa ngục Nhiệt Hôi (熱灰, tro nóng). Tội nhân từ đại địa ngục thoát ra, thấy phía ngoài của Nhiệt Hôi như chỗ đất trống bằng phẳng. Do thấy hình tướng ấy bèn nghĩ: “Ta nên đến đó”. Do vậy, tội nhân đến nơi đó rồi, chân giẫm lên tro nóng, da thịt liền nứt nẻ ví như khối sáp rơi vào trong lửa mạnh. Hễ giở chân lên, da thịt trở lại như cũ. Hoặc là lún đến gối, đến eo, đến cổ, hoặc chìm lỉm, chẳng hiện. Đó là do xưa kia làm người, bắt chúng sanh có sanh mạng bỏ vào lửa, hoặc trong tro nóng, hay trong cát nóng. Hoặc là tà dâm vợ người khác, coi thường phép tắc thế gian, hoặc là xuất gia mà phá giới, đi, đứng, nằm, ngồi trong chốn già-lam, hoặc giẫm đạp cảnh giới Tứ Chi Đề (Caitiya)[4], hoặc giẫm lên bóng của Chi Đề. Do nghiệp báo ấy, thọ sanh trong đó.
(Kinh) Phục hữu địa ngục, danh viết Đạm Nhãn. Phục hữu địa ngục, danh viết Thiết Hoàn.
(經)復有地獄,名曰啗眼。復有地獄,名曰鐵丸。
(Kinh: Lại có địa ngục tên là Ăn Mắt. Lại có địa ngục tên là Hòn Sắt).
Đạm Nhãn (ăn mắt): Kinh Khởi Thế nói: “Đao diệp lâm tiểu địa ngục trung, dĩ vô lượng chư bất thiện nghiệp quả báo, cố hữu thiết chủy ô, hốt nhiên sanh xuất, phi hướng địa ngục chúng sanh lưỡng bác chi thượng. An lập cước dĩ, tức dĩ thiết tủy trác bỉ tội nhân lưỡng nhãn nhi khứ” (Trong tiểu địa ngục rừng lá đao, do quả báo của vô lượng nghiệp bất thiện, cho nên có quạ mỏ sắt bỗng dưng sanh ra. Chúng nó bay tới hai vai của chúng sanh trong địa ngục, đã đặt chân vững rồi, liền dùng mỏ sắt khoét hai mắt của tội nhân mà bay đi). Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ nói: “Tội nhân nhập đại kiếm thụ thiết lâm chi trung, hữu thiết thứu điểu, trác phá kỳ nhãn, nhi ẩm kỳ trấp. Thị bổn dữ tửu ác nghiệp quả báo” (Tội nhân vào trong rừng sắt có cây cối đầy gươm to, có chim ưng sắt mổ vỡ mắt họ để uống chất dịch. Đấy là do quả báo của ác nghiệp đem rượu cho cho người khác). Thiết Hoàn như trong phần trước đã nói.
(Kinh) Phục hữu địa ngục, danh viết Tránh Luận. Phục hữu địa ngục, danh viết Thiết Phu. Phục hữu địa ngục, danh viết Đa Sân.
(經)復有地獄,名曰諍論。復有地獄,名曰鐵鈇。復有地獄,名曰多嗔。
(Kinh: Lại có địa ngục tên là Tranh Cãi. Lại có địa ngục tên là Rìu Sắt. Lại có địa ngục tên là Nhiều Sân Hận).
“Thiết Phu” (rìu sắt): Kinh Trường A Hàm nói: “Xuất Thiết Hoàn địa thiết, chương hoảng trì tẩu, cầu tự cứu hộ, túc đối sở khiên, bất giác hốt chí Cân Phủ địa ngục, tung quảng ngũ bách do-tuần. Ngục tốt nộ tróc tội nhân, phác nhiệt thiết thượng. Dĩ nhiệt thiết cân phủ, chước kỳ thủ, túc, nhĩ, tỵ, thân thể, khổ độc, tân toan, bi hào khiếu hoán” (Ra khỏi thành sắt của địa ngục Thiết Hoàn (viên sắt), tội nhân kinh hoảng rảo chạy, cầu được cứu giúp, che chở. Do oán đối đời trước dẫn dắt, bất giác bỗng tới địa ngục Búa Rìu, kích thước mỗi bề năm trăm do-tuần. Ngục tốt giận dữ, bắt tội nhân quăng lên sắt nóng, dùng búa rìu bằng sắt nung nóng, bửa vỡ toang chân, tay, tai, mũi, thân thể. Khổ sở, cay đắng, kêu khóc, gào thét). Kệ rằng: “Phù sĩ chi sanh, phủ tại khẩu trung, sở dĩ trảm thân, do kỳ ác ngôn. Ưng hủy giả dự, ưng dự giả hủy, khẩu vi ác nghiệp, thân thọ kỳ tội” (Phàm người sanh ra, búa rìu nơi miệng! Sở dĩ chém thân, do vì nói ác. Đáng chê lại khen, đáng khen lại chê, miệng tạo ác nghiệp, thân hứng tội ấy).
Tránh Luận (tranh cãi) và Đa Sân (nhiều sân hận) tuy chia thành hai ngục, nhưng do cùng một nhân mà thành. Tranh cãi do tham lam, ghen ghét mà ra. Do vì tham lam, ganh ghét, bèn lắm nỗi nóng giận. Do nhân cảm quả, nên sanh trong ấy. Tam Pháp Độ Luận nói: “Lại do tội ác, tay tự nhiên sanh ra móc sắt, sắc bén như lưỡi đao, có hình dạng như nửa vầng trăng. Ai nấy đều sanh ý kết oán: ‘Gã kia từng áp bức ta, ta nay chèn ép hắn lại’. Do vậy, sanh lòng nóng giận, vồ chụp, cấu xé nhau như cắt đốn tre, lau. Đó là những kẻ ở trong thế gian này, tâm kết oán hận mà chết, nên sanh trong đó”. Cần phải biết hết thảy đều là hư huyễn, lừa dối. Chúng sanh ngu si, sân hận chửi bới, làm hại, thậm chí đoạt mạng. Ngũ Ấm đều là Không, không ta, không người, [thế mà cứ] đấu đá lẫn nhau, ngang ngược độc hại. Do khởi lên tội nặng ấy, đọa trong tam đồ, chịu vô lượng khổ. Vì thế, Bồ Tát bảo chúng sanh rằng: “Các ngươi đừng nên đấu đá nơi những cái xét về căn bản là rỗng không. Thân người còn chẳng thể được, huống hồ gặp gỡ Phật! Nay đã đọa địa ngục, hối hận thì đã trễ rồi!”
ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH KHOA CHÚ
[1] Phục đạo (伏道), còn gọi là Năng Phục Đạo, là địa vị có thể chế ngự hữu lậu hiện hành gây chướng ngại. Đoạn Đạo (斷道) đã hoàn toàn đoạn trừ các nghiệp chướng hữu lậu, vô lậu, cũng như tập khí.
[2] Tam Pháp Độ Luận là bộ luận của phái Khả Trụ Tử Bộ (còn gọi là Độc Tử Bộ, Vātsīputrīya, một bộ phái Phật giáo của Thượng Tọa Bộ). Bộ luận này được ngài Cù Đàm Tăng Già Đề Bà dịch sang tiếng Hán vào thời Đông Tấn.
[3] Đấy là nói y phục thời đức Phật tại thế: Chư tăng sau khi đã đắp y, dùng một mảnh vải dài hẹp làm đai lưng bó chặt cho y khỏi tuột, gọi là Kushalaka. Ngoài ra còn có đai lưng giữ cho chiếc xà rông ở phía dưới khỏi tuột, gọi là Samakaksika. Hiện thời, khi không đắp y theo kiểu hở vai phải, chư Tăng các nước theo Phật giáo Nam Truyền như Thái, Miến, Lào v.v… vẫn thường thắt đai lưng Kushalaka ra ngoài y ca-sa.
[4] Chi Đề (Caitya) còn được phiên âm là Chi Đề, Chi Đà, Chỉ Đế, Chế Đa, Chế Để, Chế Để Da, có nghĩa đen là “tích tập”. Lúc đức Thế Tôn nhập Niết Bàn, các đệ tử chất gỗ thơm thành đống lớn để trà-tỳ (hỏa thiêu), gọi là Chi Đề. Do vậy về sau, các tháp miếu hoặc gò đống để thờ phụng, kỷ niệm Phật, đều được gọi là Chi Đề; cho đến các loại khám thờ đục vào đá để thờ Phật cũng gọi là Chi Đề. Luật Ma Ha Tăng Kỳ quy định, hễ có xá-lợi thờ trong ấy thì gọi là Tháp (Stūpa), không có thì gọi là Chi Đề. Nhưng về sau, hai danh từ này được sử dụng lẫn lộn. Tứ Chi Đề chính là bốn nơi có tháp miếu kỷ niệm nơi đức Phật giáng sanh, thành đạo, chuyển pháp luân, và nhập Niết Bàn.