NHỮNG LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Thư Gởi Cư Sĩ Từ Úy Như
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Thư gởi cư sĩ Từ Úy Như

Nhận được thư nhưng công việc bộn bề, chưa thể trả lời được. Quang tuy vì thái phu nhân sáng chiều hồi hướng, há nào thật sự có ích cho thái phu nhân? Chỉ mong thái phu nhân thương cho một niệm chân thành của tôi, lôi kéo Di Đà, Quán Âm đến cứu vớt tôi. Các hạ ngợi khen tôi quá lẽ, khôn ngăn khiến cho người ta thẹn thùng. Lệnh đệ cũng đã phát tâm, xin hãy vì ông ta diễn giảng, đủ biết đời trước đã cùng gieo thiện căn, tương lai cùng làm anh em muôn kiếp trong Liên Trì Hải Hội, mừng mừng tủi tủi. Bài thuốc cai thuốc phiện đăng báo nên đăng nhiều kỳ suốt năm thì người ta mới biết rộng rãi được. Nên kêu gọi những người có tài lực cùng làm. Nếu một người trang trải phí tổn, e không đủ sức kéo dài.

Cách tóm gọn bộ Văn Sao hủ bại đều nên làm sao cho hợp lý, bởi thư Quang đã viết đều chỉ nhằm cho một người nào đó, nếu phổ cập đại chúng thì phải trọn không có chỗ trở ngại nào mới khỏi chuốc lấy lời gièm chê. Những chỗ chỉ trích những thứ cuồng vọng của bọn con cái của ma nên dùng cách trình bày tóm lược, sao cho phù hợp với văn thể. Nhưng nay đa phần môn đồ Thiền Tông chẳng biết Thiền, nếu chẳng chỉ ra những hình tích thật sự đơm đặt đồn thổi của bọn họ, môn đồ Thiền Tông sẽ cho là Quang báng Thiền. Ngay cả đối với bài Tông Giáo Bất Nghi Hỗn Lạm Luận (luận về Tông và Giáo chẳng nên xen trộn), bọn Thiền giả chẳng hiểu Tông phong cũng cho là báng Thiền. Kiến thức của đồ chúng nhà Thiền đa phần đều là như thế cho nên pháp Thiền mới bị suy sụp sát đất.

Gần đây, Phật pháp lưu thông, cư sĩ Vương Hoằng Nguyện[1] ở Triều Châu rất ham Mật Tông; y theo đó tu trì, hơi có hiệu nghiệm, đối với các tông khác tuy chưa thông tỏ hoàn toàn, nhưng đã mon men ngoài bờ rào. Ông ta dịch cuốn Mật Giáo Cương Yếu[2] của Nhật Bản rồi in ra, gởi cho tôi hai bộ. Nay tôi gởi cho ông một bộ, mong ông tùy hỷ. Nhưng ông ta là người hoằng truyền Mật Tông, nên thiên về đề cao Mật Tông. Ước theo giáo mà luận, cố nhiên chẳng trở ngại lớn lao gì; nhưng nếu xét trên pháp môn Tịnh Độ độ khắp ba căn, thuyết giáo tương ứng với căn cơ mà luận thì cố nhiên khác hẳn nhau. Những điều Vương Hoằng Nguyện đã viết trong thư gởi đến đều là ước theo giáo bỏ sót căn cơ. Quang gởi thư cho ông ta ước trên căn cơ để luận sự lợi ích của giáo pháp, tuy chẳng phù hợp, nhưng cũng không trái nghịch cho lắm. Người ấy đã ngoài bốn mươi tuổi, nếu lại nghiên cứu hơn mười năm nữa cũng có thể trở thành bậc đại thông gia.

Bài bạt Thiền Tông Bí Mật Liễu Nghĩa Kinh, quyết phải nên thủ tiêu để khỏi gây nghi ngờ, lầm lẫn. Còn như Thanh Văn chuyển xoay Tiểu Quả họ đã chứng để hướng về Như Lai đại đạo, tuy là đốn – tiệm sai khác, nhưng những địa vị theo thứ tự trong khoảng giữa ấy bất tất phải dẹp mất. Đại bàng hễ cất cánh bèn bay chín vạn [dặm], cũng là từ thấp bốc dần lên cao. Dao bén chặt một nhát đứt ngàn tờ giấy, cũng là từ một đến ngàn. Đốn giáo chỉ ước trên mặt đốn mà nói nên không có địa vị thứ tự, nhưng trong chỗ không có địa vị thứ tự ấy, chẳng trở ngại chuyện có địa vị thứ tự rành rành. Nếu khác với Tiệm thì Tiệm chẳng phải là Tiệm như trong Đốn Giáo nói, mà Đốn cũng chẳng phải là Đốn như trong Tiệm Giáo. Hai pháp phán định khác biệt, trọn chẳng tương tức[3], chỉ nên dùng Thật Nghĩa để lập ngôn, chẳng nên dùng cách biểu hiện Tiệm Đốn làm căn cứ thì Phật pháp không pháp nào chẳng thông với nhau.

Vương Hoằng Nguyện luận về Mật Tông cũng là dùng những lời lẽ biểu thị hoằng dương Mật Tông để luận. Do vậy, biết là ông ta vẫn chưa hiểu biết ý tột cùng trong giáo pháp Như Lai là “phải khế cơ”. Căn tánh La Hán cũng không nhất định. Có người hồi Tiểu hướng Đại bèn vượt lên, chứng ngay vào địa vị sâu; có người tiến lên từ từ. Dù đốn – tiệm sai khác, nhưng vị thứ vẫn rành rành, tợ hồ chẳng sai khác gì lớn. Tùy loại hiện thân trong mười phương thế giới, bậc Sơ Trụ trong Viên Giáo đã làm được như vậy. Không trải qua các địa vị Hạnh, Trụ, Hồi Hướng v.v… thì chỉ có bậc đã thành Phật, rồi thị hiện làm La Hán, mới có thể như thế. Nếu là thật chứng, tức thật sự là bậc La Hán hồi Tiểu hướng Đại, e rằng không có bản lãnh ấy. Nếu có thì các Bồ Tát thuộc những địa vị Trụ, Hạnh, Hồi Hướng đều thành hạng người độn căn, không có gì kỳ lạ cả, có lẽ ấy chăng? Lìa Đốn nói Tiệm, lìa Tiệm nói Đốn, lìa Giáo nói Tông, lìa Tông nói Giáo, đề cao Mật Tông, miệt thị Hiển Giáo, đều đáng gọi là “đảm bản hán”[4] (gã vác gỗ) chỉ thấy được một bên mà thôi. Khéo hiểu Phật pháp thì pháp pháp lưu thông. Nếu không, pháp nào cũng gây ra trở ngại. Quang thật là kẻ thấy ít, nghe ít, nhưng ước nghĩa, ước lý mà luận thường dung thông như thế, trọn chẳng có hai đạo lý! Ý kiến hèn mọn của tôi là như vậy đó, chẳng biết các hạ nghĩ như thế nào?

***

[1] Ông Vương Hoằng Nguyện người Triều An, Quảng Đông, là người đi tiên phong trong việc phục hưng Đông Mật tại Trung Hoa. Ông từng theo học Mật Tông với Quyền Điền Lôi Phủ suốt 13 năm, được truyền pháp Quán Đảnh. Về sau ông truyền quán đảnh cho người khác ở chùa Lục Dung tại Quảng Châu, chủ trương cư sĩ có thể làm A Xà Lê, chấp nhận các tỳ-kheo thọ pháp đảnh lễ mình, khiến cho các vị Thái Hư, Mạn Thù Yết Đế v.v… công kích, tạo thành đầu mối tranh luận gay gắt giữa Hiển Giáo và Mật Giáo.

[2] Mật Giáo Cương Yếu là tác phẩm nhập môn Mật Giáo gồm bốn quyển của ông Quyền Điền Lôi Phủ người Nhật biên soạn, Vương Hoằng Nguyện dịch cuốn này ra tiếng Hán vào năm 1918. Nội dung trình bày sự phát triển của Mật giáo tại Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản, trình bày những giáo nghĩa, cách thức tác pháp tu trì theo truyền thống Đông Mật (gọi là Đông Mật để phân biệt với truyền thống Mật Giáo của Tây Tạng).

[3] Tương tức: Pháp này chính là pháp kia, như thường nói “một tức là nhiều, nhiều tức là một”.

[4] Nguyên văn là “từ lục đảm bản, chỉ kiến nhất biên” (kẻ đi vác gỗ, chỉ thấy được một bên). Đảm Bản Hán nguyên là những người công nhân chuyên vác các tấm gỗ, phiến gỗ. Do khiêng nặng và cồng kềng họ chỉ có thể nhìn về đằng trước, không thể ngó xung quanh. Thiền lâm dùng thuật ngữ “đảm bản hán” để chỉ kẻ thiên chấp, chẳng dung thông toàn thể.