CHUYỆN VÃNG SANH Ở VIỆT NAM
Nhóm Liên Hữu Miền Nam Đất Việt sưu tập

 

89. NGUYỄN THỊ BA (1951 – 2011, 60 tuổi) và NGUYỄN THỊ TƯ (1955 – 2010, 55 tuổi)

Bà Nguyễn Thị Ba sinh năm 1951, cụ ngụ tại ấp Vĩnh Bảo, xã Vĩnh Hậu, huyện An Phú, tỉnh An Giang. Thân phụ là cụ ông Nguyễn Văn Đáng, thân mẫu là cụ bà Phan Thị Khỏe. Bà là con thứ Ba trong gia đình có tám chị em.

Tính tình của bà hiếu thuận, hiền lành, hòa đồng với mọi người.

Nhờ gặp gỡ bạn đạo và đi cầu nguyện siêu độ cho các tang lễ quanh vùng, được dịp nghe các thiện tri thức cảnh tỉnh cõi thế là vô thường, biển trần là khổ lụy! Và cũng nhờ đọc học kinh sám, tiếp xúc với Phật pháp:

“Một mai chết chợt đến,

Mới hay mình trong mộng!

Trăm thứ đều bỏ lại,

Chỉ mang tội phước đi!”

Nhờ những cơ duyên trên, mà bà phát tâm trường trai, giới sát, tu hành từ năm 30 tuổi. Người em gái thứ Tư của bà nhỏ hơn bà bốn tuổi cũng phát tâm tu theo. Hai chị em nương với nhau, sống chung, tu chung, không lập gia đình. Tính tình của bà Tư cũng như bà Ba, như in ra từ một khuôn. Bà Ba vốn ít nói, bà Tư lại càng ít nói hơn, hai bà làm thuê làm mướn để độ nhựt.

Hằng ngày sau hai thời lễ nguyện sớm tối, hai bà đều ngồi niệm Phật. Hôm nào không đi làm thì tăng thêm một thời công phu vào giữa trưa, nhưng chính yếu vẫn là niệm Phật trong mọi oai nghi, và những lúc đang làm công việc.

Mặc dù thiếu thốn về phương diện vật chất, nhưng hai bà vẫn hăng hái tham gia các công tác từ thiện xã hội, nhất là chặt thuốc Nam, hoặc theo đoàn sưu tầm thuốc ở núi, ở hòn… với thời gian dài hạn.

Sự hành trì của hai bà đại để như thế, âm thầm và đều đặn suốt ba mươi năm. Những tháng ngày về già, hạnh đức của hai bà đã chiêu cảm các cháu, mỗi tối chúng đều đến nhà để hai bà hướng dẫn lễ bái, niệm Phật, đồng thời đem Phật pháp giảng giải cho chúng nghe về lợi ích của sự hiếu hạnh, thuận thảo; lợi ích của sự tu hiền; lợi ích của sự niệm Phật… Khuyên chúng rán làm lành lánh dữ, tập ăn chay, cầu vãng sanh Tây Phương Cực Lạc để vĩnh viễn ra khỏi sinh tử luân hồi, thoát vòng khổ mê trần tục!

Vào khoảng tháng 6 năm 2010, bên ngực trái của bà Ba nổi lên mụt độc, không nung mủ mà chỉ ửng đỏ, bóng nước, vỡ ra chảy nước vàng rồi lan ra xung quanh. Thay thầy đổi thuốc lắm phen, đủ các loại: đắp, dặt, dán, phết, bôi, trong uống ngoài thoa… đủ phương đủ cách nhưng đâu vẫn vào đấy. Hướng lan của nó qua bên trái ăn lầy ra hết nửa lưng. Các thầy thuốc dường như rất sợ đối với thứ mụt độc địa này, hầu hết đều miễn cưỡng điều trị cầu may vậy thôi chứ không tự tin gì cả!

Lúc này bà sụt cân rất nhanh, chỉ còn 28kg, sự ăn ngủ suy kém nhiều. Đến tháng 9, người em gái thứ Năm nóng lòng đưa bà ra Bệnh Viện Trung Tâm Ung Bướu ngoài Sài Gòn. Ở đây một tuần vẫn không tìm ra bệnh, bác sĩ đang chuẩn bị làm “sinh thiết đồ” thì thân nhân quyết định xin xuất viện. Về nhà bà vẫn tiếp tục uống thuốc Bắc và đắp, dặt thuốc Nam như cũ. Bệnh hoành hành bằng những cơn nóng rát giống như là chế nước muối vào da thịt mới vừa bị đứt. Cô Năm phải dùng rất nhiều bông gòn để chặm vết loét mỗi ngày hai lần.

Từ khi mới phát bệnh bà đã không chịu đi chạy chữa, do chiều ý gia đình nên bà miễn cưỡng tùy thuận. Suốt thời gian dài bệnh khổ, chưa từng nghe bà rên rỉ, than van, chỉ một lòng niệm Phật A-di-đà cầu vãng sanh Tây Phương Cực Lạc. Do vì bà nhận thấy rằng:

“Ta-bà thế giới rộng thênh,

Xưa nay thần chết không quên người nào.

Kiếp này không sớm tẩu đào,

Cõi trần còn phải chui vào chết thêm.

Trước khi chết có đâu êm,

Bao nhiêu đau khổ đổ trên đời mình.

Nào danh nào lợi nào tình,

Mất thì thương tiếc, được gìn hết hơi.

Lo cho đến chết mất đời,

Người nào cũng thiếu không người nào xong.

Dù là kẻ dốt hay thông,

Vẫn làm tôi mọi không công cho đời.

Để tâm suy xét tột nơi,

Thấy rằng cái kiếp con người dối ma.

Người thương mấy cũng phải xa,

Vật ưa thích mấy cũng là bỏ đi.

Chạy trời không khỏi tử qui,

Trăm mưu ngàn kế làm gì bớ ai.

Đâu bằng niệm Phật ăn chay,

Cầu về Cực Lạc hết ngày trầm luân.”

***

Vào lúc 5 giờ chiều, ngày mùng 3 tháng 10 năm 2010, bà Tư bị đột quỵ, mê man bất tỉnh, lúc 8 giờ tối gia đình đưa vào Bệnh Viện Đa khoa An Phú. Thấy bệnh nặng quá, bác sĩ làm hồ sơ chuyển tuyến, 12 giờ khuya vào nằm Bệnh Viện Đa Khoa Châu Đốc. Sau khi chụp “Citi” bác sĩ cho biết kết quả:

– Bệnh nhân này các động mạch lớn ở não bị đứt hết rồi. Thôi!.. Tùy gia đình muốn để ở đây… hay chở về thì chở!

Dượng Năm trả lời:

– Vậy thì thôi, quý bác sĩ cho tôi làm giấy chở chị tôi về nhà. Bởi vì chị là người tu tại gia cư sĩ, đem về nhà để nhờ đồng đạo hộ niệm! Chứ nếu tắt thở ở bệnh viện thì hộ niệm không có kết quả!

Thế là cấp tốc đưa bà về, về tới nhà là đúng 6 giờ sáng ngày hôm sau.

Các bạn đồng tu hay tin kéo đến cùng với thân quyến hộ niệm mãi cho đến 2 giờ 30 phút chiều, bà Tư nhẹ nhàng trút hơi thở sau cùng, nhằm ngày mùng 4 tháng 10 năm 2010, bà Tư hưởng dương 55 tuổi.

***

Suốt thời gian từ lúc ngả bệnh cho đền lúc mất gần hai mươi bốn giờ đồng hồ, bà Tư luôn ở trong trạng thái hôn mê và gương mặt bị méo lệch sang một bên.

Cuộc hộ niệm và khai thị vẫn tiếp tục duy trì, hai giờ sau gương mặt bà Tư bình thường trở lại, hết còn méo nữa! Qua tám tiếng đồng hồ sau đó gương mặt của bà hồng hào, đẹp đẽ, tay chân mềm mại, điểm ấm chỉ còn duy nhất ở đỉnh đầu.

***

Lo hậu sự cho bà Tư xong, bệnh tình của bà Ba tăng dần, bà không nằm trên giường được, đêm cũng như ngày đều nằm võng và cũng không còn đi đứng được. Ăn thì chỉ dùng qua loa được một ít cháo, em gái thứ Năm nài ép năn nỉ lắm mới ăn mà thôi. Thường khi bà hay năn nỉ ngược trở lại, một lòng mong cầu sớm sanh về cõi Phật, sớm xả ly tấm thân nhơ nhớp đầy bệnh hoạn khổ đau!

Đến ngày mùng 1 tết năm 2011 bà không chịu ăn nữa. Thấy chị mình bệnh mà không chịu ăn, cô Năm bưng cháo đến nằn nì, nài ép trong khi cơ thể của bà mỗi lúc ăn thức ăn vào đều cảm nghe bức ngặt khó chịu nên bà nói:

– Vú thằng Thành à! Đã chị nói như vậy rồi mà sao vú thằng Thành ép chị hoài vậy? Thôi đi đừng có ép chị ăn nữa!… Chị đã nguyện về cõi Phật rồi, không có còn mơ mộng gì ở dương trần này nữa đâu!

Dường như sức lực của bà thực sự cạn kiệt, nói chuyện mà đã thấy rất khó khăn. Thân nhân đề nghị mời đồng đạo đến hộ niệm, bà vô cùng hoan hỷ gật đầu. Thế là chuyển bà từ chiếc võng ở trong buồng ra giường ở nhà trước. Từ đó bà nằm im lặng niệm Phật theo mọi người, huynh đệ đến khai thị bà không trả lời mà bà chỉ gật đầu hoặc nheo mắt, lâu lâu nhỏ một tí nước thấm môi cho bà.

Suốt ba ngày liền bà vẫn tỉnh táo, sáng suốt, không có hôn mê. Đến hơn 2 giờ chiều ngày mùng 4 tháng 1 năm 2011, hơi thở của bà ngắn dần, không lâu sau thì bà an tường nhẹ nhàng trút hơi thở cuối cùng trong âm thanh Phật hiệu vang rền, lúc đó đúng 2 giờ 40 phút, bà thọ 60 tuổi.

***

Lúc mất miệng của bà há to, bốn giờ sau bắt đầu từ từ ngậm kín lại. Qua tám giờ sau gương mặt của bà đổi màu hồng hào, tươi đẹp hơn lúc bình thời. Các khớp xương mềm mại, đặc biệt là đỉnh đầu ấm nóng.

Tiếp theo đó là nhập liệm rồi ai về nhà nấy để nghỉ ngơi, vài mươi phút sau trong nhà tỏa ra mùi hương, từa tựa mùi thơm của trà nhưng không phải, kéo dài hơn nửa tiếng đồng hồ mới mất hết!

(Thuật theo lời Nguyễn Thị Quân và Dương Văn Hòa, em gái và em rể thứ Năm của hai bà).