NHỮNG LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Thư Trả Lời Cư Sĩ Mã Khế Tây
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Thư trả lời cư sĩ Mã Khế Tây

(thư thứ nhất)

Nói “ngoài việc trường trai niệm Phật ra, nên giữ quy luật”, chính là tận sức hiếu [với cha mẹ], hòa thuận [cùng anh em], chuyên chú trọn hết luân thường, đừng làm các điều ác, vâng làm các điều thiện, chẳng để lòng động niệm nơi tà vạy, hư ngụy, hễ làm việc cho người bèn trọn hết chức trách, gặp kẻ hữu duyên bèn khuyên lơn khiến cho nhập đạo. Những hành tướng ấy chẳng cần phải nêu ra hết, chỉ khuyên ông nên đọc Ấn Quang Văn Sao và An Sĩ Toàn Thư sẽ tự biết. Phải biết: Làm đệ tử Phật, phàm những hành vi đều phải vượt trỗi những hành vi thế tục, thì chính mình mới hưởng lợi ích thật sự, khiến cho người ta trông vào thấy là lành. Nếu miệng nói tu hành, tâm ôm ấp những điều bất thiện, đối với cha mẹ, anh em và hết thảy mọi người trên cõi đời chưa thể trọn hết bổn phận thì người như thế gọi là thiện nhân giả dối; nhân địa đã hư ngụy, làm sao đạt lợi ích thật sự cho được! Cái học của thánh hiền đều khởi đầu từ cách vật trí tri, thành ý chánh tâm, huống chi muốn liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập thánh ư? Về “cách vật trí tri” nên xem bài tựa bản in lại cuốn chú giải Tứ Thư của ngài Ngẫu Ích và bài tựa sách Liễu Phàm Tứ Huấn của ông Viên Liễu Phàm [1].

Xưa kia, ông Bạch Cư Dị hỏi Ô Khoa thiền sư: “Thế nào là đại ý của Phật pháp?” Ngài Ô Khoa đáp: “Đừng làm các điều ác, vâng làm các điều thiện”. Ông Bạch nói: “Hai câu ấy đứa trẻ lên ba cũng nói như thế được!” Ngài Ô Khoa nói: “Tuy đứa trẻ lên ba nói được, ông lão tám mươi làm không được!” Phải biết lời này chính là lời nói tổng quan thiết yếu cho hết thảy những ai học Phật pháp. Các điều ác, những điều thiện đều là từ tâm địa mà luận, chứ không chuyên chỉ về sự thực hành nơi mặt sự tướng mà thôi. Trong tâm địa trọn chẳng khởi ác thì toàn thể là thiện, niệm Phật như thế hơn công đức của người bình thường niệm Phật trăm ngàn vạn ức lần. Muốn được tâm địa “chỉ thiện không ác” thì trong hết thảy thời, hết thảy chỗ, phải chú trọng lòng kính, giữ lòng thành như đối diện Phật, trời, mới hòng đạt được! Nếu tâm vừa phóng túng thì các ý niệm không đúng pháp sẽ theo nhau khởi lên.

(thư thứ hai)

Trong phần giải quyết mối nghi về Quyền, Thật, Tiệm, Đốn của sách Tây Phương Lộ (con đường Tây Phương), trước hết phải giảng rõ bốn chữ Quyền, Thật, Tiệm, Đốn; rồi mới luận đến niệm Phật, tham Thiền là Quyền, hay Thật, là Tiệm hay Đốn thì mới trọn chẳng bị nghi ngờ nghĩa lý! “Quyền” có nghĩa là Như Lai thuận theo căn cơ của chúng sanh, bày ra phương tiện khéo léo. “Thật” có nghĩa là Phật án theo những nghĩa chính tâm Ngài đã chứng mà nói. “Đốn” là chẳng cần theo thứ tự, thẳng tắt, mau chóng, hễ vượt khỏi liền chứng nhập ngay. “Tiệm” nghĩa là dần dần tu cao lên, chứng nhập theo thứ tự, cần phải tốn nhiều đời nhiều kiếp mới có thể đích thân chứng được Thật Tướng.

Những kẻ tham Thiền nói pháp Tham Thiền chính là pháp “chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật; do vậy, Thiền là Thật, là Đốn”; nhưng chẳng biết Tham Thiền dù có đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh mới chỉ là thấy được vị Phật Lý Tánh sẵn có trong tự tâm. Nếu là căn tánh đại Bồ Tát thì hễ ngộ bèn chứng, tự có thể vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi, vượt thoát khỏi tam giới. Từ đấy, thượng cầu, hạ hóa, dùng đó làm nền tảng để trang nghiêm cả phước lẫn huệ. Loại căn tánh này nếu luận trong số những người đại triệt đại ngộ thì cũng phải cả trăm ngàn người mới có được một hai! Nếu căn khí kém hơn, dù có thể diệu ngộ, nhưng Kiến Tư phiền não chưa thể đoạn trừ thì vẫn ở trong tam giới chịu sống, chịu chết. Đã bị sống – chết thì từ ngộ thành mê sẽ nhiều, từ ngộ vào ngộ hiếm lắm!

Do vậy, tuy pháp này là Thật, là Đốn, nhưng nếu không đúng người cũng sẽ chẳng được hưởng lợi ích thật sự nơi Thật, nơi Đốn, vẫn trở thành pháp Quyền Tiệm mà thôi! Vì cớ sao? Do cậy vào tự lực! Nếu tự lực mười phần đầy đủ thì còn may mắn nào hơn! Hễ kém khuyết một chút sẽ chỉ ngộ được Lý Tánh, chẳng thể đích thân chứng được Lý Tánh. Ngày nay, kẻ đại triệt đại ngộ còn khó kiếm được, huống gì người chứng được điều họ đã ngộ!

Một pháp niệm Phật thông trên thấu dưới, vừa là Quyền vừa là Thật, vừa Tiệm vừa Đốn, chẳng thể phê phán bằng giáo lý thông thường. Trên đến Đẳng Giác Bồ Tát, dưới đến chủng tánh A Tỳ đều nên tu tập (Đây gọi là “thông trên thấu dưới” vậy!) Như Lai vì chúng sanh thuyết pháp, chỉ muốn cho hết thảy chúng sanh liễu sanh thoát tử. Các pháp môn khác bậc thượng căn có thể giải quyết ngay trong một đời này, kẻ hạ căn bao kiếp vẫn khó thành được! Chỉ có mình pháp này, bất luận căn tánh nào, đều vãng sanh Tây Phương, liễu được sanh tử ngay trong đời này. Thẳng chóng như thế đó, há gọi là Tiệm được ư?

Tuy có căn cơ nhưng chẳng phải là loại căn cơ như trong những pháp viên đốn thông thường nên có vẻ giống như Tiệm. Nhưng oai lực của pháp môn này nằm ở chỗ thệ nguyện của Như Lai khiến cho những căn tánh hèn kém mau được đại lợi ích. Lợi ích ấy hoàn toàn do cậy vào Phật từ lực. Phàm những kẻ giảng Thiền, nếu chưa nghiên cứu Tịnh Tông, không ai chẳng miệt thị Tịnh Độ là thiển cận. Nếu nghiên cứu Tịnh Tông sâu xa, ắt sẽ tận tâm kiệt lực hoằng dương, há còn chấp trước vào những biện luận sai lầm Quyền, Thật, Tiệm, Đốn để tự lầm, lầm người nữa ư?

Niệm Phật phải khéo phát tâm, tâm là chủ của sự tu trì. Nếu hợp với Tứ Hoằng Thệ Nguyện thì niệm một câu Phật hiệu, làm một chuyện lành, công đức vô lượng, vô biên. Huống chi ba nghiệp thân – khẩu – ý luôn chú trọng lấy niệm Phật để lợi sanh! Nếu tâm chỉ cầu tự lợi, chẳng muốn lợi người, tuy làm nhiều việc, nhưng đạt được công đức rất ít; huống chi lại đèo thêm ý niệm khuynh loát người, hại người, cũng như cái tâm khoác lác, tự kiêu thì cái tâm niệm Phật, điều thiện đã làm ấy cũng chẳng phải hoàn toàn là không có công đức gì, nhưng thật ra trong trăm ngàn vạn ức phần chỉ đạt được một phần, hay nửa phần, nhưng cái lỗi ác niệm cũng chẳng nhỏ nhoi đâu! Vì vậy, người tu hành đều phải khéo phát tâm, chứ không riêng gì người niệm Phật!

Nếu ước theo Thật Nghĩa rốt ráo để nạn (“nạn” nghĩa là cật vấn) chuyện “lấy – bỏ” thì tức là chẳng biết “rốt ráo không lấy không bỏ” chính là chuyện sau khi đã thành Phật. Nếu chưa thành Phật thì trong khi ấy, đoạn Hoặc chứng Chân đều thuộc về lấy – bỏ. Đã chấp nhận đoạn Hoặc chứng Chân là lấy – bỏ thì sao không chấp nhận chuyện lấy – bỏ trong việc bỏ Đông, lấy Tây, lìa cấu lấy tịnh? Nếu trong pháp Tham Thiền, lấy – bỏ đều sai, thì trong pháp Niệm Phật lấy – bỏ lại đều là đúng. Bởi một đằng chuyên suy xét Tự Tâm, một đằng kiêm nhờ Phật lực. Những người chẳng xét đến duyên do của pháp môn, lầm lẫn dùng pháp Tham Thiền để phá pháp Niệm Phật, tức là dùng sai ý nghĩa.

Chuyện không lấy – bỏ vốn là Đề Hồ, nhưng người muốn niệm Phật cũng chẳng lấy – bỏ thì lại thành độc dược! Mùa Hạ mặc áo mỏng, mùa Đông mặc áo cừu, khát uống, đói ăn, chẳng thể trái nghịch mà cũng chẳng thể cố chấp, chỉ chọn lấy những gì thích nghi sẽ có lợi ích không gì tệ hại! Chỉ mong ông dốc sức trọn hết luân thường, chuyên chí niệm Phật. Nếu còn sức thì đối với cha mẹ, anh em, vợ con, bằng hữu v.v… tùy phần tùy sức khuyên dạy, ngõ hầu họ đều cùng được lợi ích nơi Niệm Phật để khỏi uổng dịp gặp gỡ trong kiếp sống này!

(thư thứ ba)

Phó Đại Sĩ Ngữ Lục[2] sai ngoa không biết bao nhiêu mà kể, lại thêm những bài kệ tụng trong ấy đa phần đề xướng Thiền Tông, sợ ông không đủ học thức, nếu không nghi Đại Sĩ nói sai cũng sẽ dựa theo ý kiến của chính mình hiểu lầm ý Ngài thì tội lỗi vô lượng. Hãy nên đưa cho bậc thông gia coi, còn ông ngàn vạn lần chớ nên xem! Nếu muốn coi thì đợi đến năm sau, Hưng Từ pháp sư khắc ván in lần thứ hai xong, mới lại thỉnh về coi. Thoạt đầu, Hưng Từ pháp sư được bản này bèn giám định, khắc bản; năm ngoái gởi cho Quang một bộ. Quang lắng lòng giảo chánh, khuyên thầy ấy khắc bản khác. Thầy ấy định năm sau mới in, bản này đáng nên đọc kỹ nhiều lần.

Sách Hộ Pháp Lục[3] rất hay, nhưng không chuyên chú Tịnh Độ, những chỗ sách ấy bàn về Thiền chớ nên hiểu sai, nhưng đọc đến lời hay hạnh đẹp của bậc cao Tăng sẽ trưởng dưỡng thiện căn. Đối với Vãng Sanh Luận Chú[4] nên chiếu theo những gì Quang đã chỉ bày, có chiếu theo được hay chưa? Cuốn sách này cả văn lẫn lý đều thật tuyệt, hãy nên đọc kỹ.

Cái tâm vọng tưởng của ông ngập trời trùm đất, không biết lắng lòng niệm Phật, có thể nói là “hướng ngoại rong ruổi tìm cầu, chẳng biết phản chiếu hồi quang”. Học Phật như thế rất khó được lợi ích thật sự! Mạnh Tử nói: “Đạo học vấn chẳng có gì khác, cầu sao buông được cái tâm mà thôi!” Ông học Phật mà chẳng biết lắng lòng niệm Phật, đối với Nho Giáo còn chưa thật sự tuân thủ, huống gì đối với Phật giáo là pháp thật sự lắng lòng ư? Quán Thế Âm Bồ Tát xoay trở lại nghe nơi Tự Tánh, Đại Thế Chí Bồ Tát nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối, kinh Kim Cang không trụ vào đâu để sanh tâm, chẳng trụ vào Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp để hành bố thí, cho đến vạn hạnh; Tâm Kinh “soi thấy năm Uẩn đều không” đều nhằm dạy cho con người diệu pháp “từ cảnh biết được tâm” vậy. Nếu cứ một mực muốn xem rộng khắp hết thảy thì sẽ không có lợi ích gì. Hễ nghiệp chướng chưa tiêu, sẽ chưa đạt lợi ích ấy, mà trước hết còn bị mắc bệnh!

(thư thứ tư)

Những sách của ngài Vĩnh Minh có sách nào không hợp? Ông hãy nên nghiêm túc niệm Phật. Một cuốn sách Tịnh Độ Thập Yếu xem nhiều lần là đủ rồi, những thứ khác đợi đến khi nào tài trí có thừa hãy thỉnh về mà đọc cũng chẳng trễ tràng đâu! Niềm vui niệm Phật chỉ người thật sự niệm Phật tự biết, nhưng cần phải chí thành khẩn thiết, nhiếp tâm mà niệm, chẳng được chấp trước cảnh tướng bên ngoài. Nếu không, tâm địa chẳng thông, quán đạo chẳng rành, ma cảnh hiện tiền cũng chẳng hiểu rõ thì tệ lắm! Hãy nhớ lấy, nhớ lấy nhé!

Nay những người thật sự hoằng dương Tịnh Độ thật khó có ai. Nếu đổi ý niệm “tham học với khắp các tri thức” thành “nhất tâm niệm Phật” thì lợi ích lớn lao lắm! Nếu không, sẽ thành ra nhọc nhằn, bôn ba mà thôi! Nên thỉnh giáo nhiều ở chỗ Đế Pháp Sư (ngài Đế Nhàn), những người khác Quang không biết. An Sĩ Toàn Thư đứng đầu các thiện thư xưa nay, hãy nên khắc in phổ biến lưu truyền, nhờ đó vãn hồi thế đạo nhân tâm. May là cư sĩ Vưu Tích Âm đã cực lực chuyên lo quảng cáo, khuyên khắp mọi người in tặng, nhân đó cho làm ra bốn khuôn in, tính in hai mươi, ba mươi vạn bộ, ngõ hầu những chỗ quan trọng thuộc hai ngàn bốn mươi mốt huyện trong toàn quốc và những người quan trọng đều được xem đến, về sau sẽ càng lưu thông phổ biến xa rộng hơn nữa. Nhưng thành sự tại trời, chẳng cần phải tính trước, chỉ lấy chuyện cứu quốc cứu dân làm trọng, tận lực mà làm đó thôi!

Niệm Phật chẳng thể thuần nhất thì phải chế ngự tâm chẳng cho nó đuổi theo bên ngoài, lâu dần sẽ tự có thể thuần nhất. “Thành phiến” là thuần nhất không tạp. Đại trượng phu nếu như văn chương trùm lấp thiên hạ, công nghiệp rền vang vũ trụ, nhưng không thể đoạn Hoặc chứng Chân, liễu sanh thoát tử là vì chấp vào cái bên ngoài, bỏ phế cái bên trong, chấp vào cái ngọn hữu vi, bỏ sót cái gốc vô vi. Người thế gian ai có thể vẹn toàn mọi điều, chúng ta chỉ giữ lấy chuyện trọn hết luân thường, tận lực tu Tịnh nghiệp mà thôi! Cần gì phải tính toán chi khác nữa!

(thư thứ năm)

Lúc niệm Phật, ai nấy hãy cốt sao thích hợp với mình. Nay niệm Phật đường trong các tùng lâm đều trước hết niệm kinh Di Đà, tụng kinh xong, niệm chú Vãng Sanh ba biến hoặc một biến, sau đó mới cử bài kệ tán Phật, niệm kệ xong, niệm tiếp “nam mô Tây Phương Cực Lạc thế giới đại từ đại bi A Di Đà Phật”, liền vừa đi nhiễu vừa niệm. Phải đi nhiễu từ Đông qua Nam, qua Tây rồi lên Bắc. Đó là thuận chiều, là tùy hỷ. Nhiễu theo chiều thuận có công đức, Tây Vực coi trọng nhất là đi nhiễu quanh. Phương này (Trung Hoa) cũng thực hiện chuyện đi nhiễu cùng với lễ bái. Nếu đi từ Đông sang Bắc, đến Tây, đến Nam là đi nhiễu ngược chiều, có tội lỗi, chẳng thể không biết. Nhiễu niệm một nửa [thời gian] rồi ngồi niệm thầm ước chừng một khắc, lại niệm ra tiếng. Niệm xong lại quỳ niệm Phật mười tiếng, Quán Âm, Thế Chí, Thanh Tịnh Đại Hải Chúng mỗi danh hiệu ba lượt. Sau đó, niệm bài văn phát nguyện. Người tại gia sợ rằng thất nhỏ khó đi nhiễu thì đứng, quỳ, ngồi niệm, đều án theo tinh thần mà định, đúng là chẳng cần cậy người khác lập pháp tắc cho mình.

Niệm nhưng không niệm, vô niệm mà niệm, niệm đến lúc tương ứng thì tuy thường niệm Phật, nhưng trọn chẳng có tướng khởi tâm động niệm (trước lúc tương ứng, chẳng khởi tâm động niệm để niệm thì sẽ không có niệm). Tuy chẳng khởi tâm động niệm, nhưng một câu Phật hiệu thường luôn xưng niệm, hoặc ức niệm, vì thế nói “niệm mà vô niệm, vô niệm mà niệm”. Chớ hiểu “vô niệm” là không niệm, “vô niệm mà niệm” nghĩa là không có cái tướng khởi tâm động niệm để niệm, nhưng vẫn niệm niệm không gián đoạn, cảnh giới này thật chẳng dễ đạt được, chớ có hiểu sai! Pháp quán tưởng tuy hay, nhưng phải biết rõ tượng Phật ta thấy được vốn thuộc về duy tâm sở hiện. Nếu cho đó là cảnh bên ngoài sẽ rất có thể bị ma dựa phát cuồng, không thể không biết [điều này]. “Duy tâm sở hiện” là tuy những hình tướng ấy rành rành phân minh, nhưng quả thật chẳng phải là vật cụ thể. Nếu nghĩ là cảnh bên ngoài, coi nó là thật có thì liền thành ma cảnh. Nhắm mắt hay mở mắt cứ thuận tiện là được!

Kiêm trì thánh hiệu Quán Thế Âm đáng là pháp để nương tựa, hết thảy mọi người đều nên tu như thế. Lúc làm lụng chẳng thể “niệm đâu chú tâm vào đó” là vì chưa đạt đến cảnh giới nhất tâm bất loạn nên tâm không thể dùng vào hai việc cùng một lúc được, khó tránh khỏi bị gián đoạn. Nếu có thể thường giữ được sự giác chiếu thì không trở ngại gì. Con người ai nấy nên tuân thủ bổn phận, ông trên còn có bà nội, có cha mẹ, dưới có em nhỏ, vợ con, nhưng công việc cực nhàn, dễ dàng tu trì nhất, chẳng thể chân thật, khẩn thiết dụng công trong cảnh ấy lại vọng động mong muốn xuất gia tu hành. Nếu xuất gia thì ông có được cơ duyên tốt như thế để chuyên tâm tu đạo hay chăng? Ông chẳng biết xuất gia có công chuyện xuất gia, ai mà có thể việc gì cũng chẳng cần phải ngó ngàng tới? Ngay như Quang trọn chẳng có chuyện gì mà cũng gần như bận bịu quanh năm, chẳng rảnh rỗi để chuyên tâm niệm Phật, huống gì những người khác? Mong hãy tùy phận, tùy lực tu trì, chớ mong tưởng chuyện ngoài bổn phận thì may mắn lắm!

(thư thứ sáu)

Người tu hành phải lắng lòng tịnh dưỡng. Ông tên là Tịnh Am, sao chẳng nghĩ đến ý nghĩa của cái tên ấy, cứ một mực vô sự bày ra chuyện, khiến cho hết thảy mọi người chán nhàm, tự mình bụng dạ chương phềnh, chóng mặt, mệt trí, lại chẳng biết tự giữ sức khỏe, đến nỗi thổ huyết. Nhẹ thì sẽ thành bệnh dây dưa, nếu nặng thì ắt đến nỗi tổn mạng, đâm ra khiến cho người ta nói: “Ông học Phật tu hành chẳng những vô ích mà còn bị tổn hại”. Từ đó, những kẻ vô tri bèn chê Phật pháp sai trái; nhân đấy, phỉ báng, ngăn trở, đoạn mất thiện căn của người, chứ họ đâu biết là vì ông chẳng y theo lời Phật dạy để tu hành nên mới bị như thế. Ông phải tự biết tốt – xấu!

Tu hành chuyện gì phải tận hết sức mình, ngầm tu thầm khế hợp thì mới nên. Bệnh của ông là do chính ông tự chuốc lấy, nói gì bây giờ? Hãy gấp gáp sửa lỗi, nhiếp tâm niệm Phật, ngay cả kinh cũng tạm thời chẳng nên xem. Một hai tháng sau bèn được phục hồi. Nếu không, bèn tuyệt giao, ngày sau gặp nhau, đối đãi với nhau như người đi trên đường thấy nhau mà thôi!

(thư thứ bảy)

Danh để biểu thị cái thực, có danh có thực cũng chẳng lấy làm vinh, vì sao? Vì thuộc về bổn phận. Không có thật mà được danh thì còn gì nhục bằng! Huống hồ muốn phô trương dấy động cho người ta nghe biết, ắt phải đăng trên khắp báo chí. Kẻ nào phô phang như thế, ắt phải nghi ngờ, đoán định kẻ ấy là kẻ dối đời trộm danh vậy. Ông chỉ biết một, chẳng biết đến hai, do vậy không thể không bảo rõ một lần nữa. Ông tín tâm khá sâu, nhưng ưa phô phang, ham giao du, ham kết giao, quả thật là đại chướng ngại cho việc tu hành. Ông mới hơn hai mươi tuổi mà đã kết giao như thế, sau này lúc học Phật thông suốt rồi, suốt ngày sẽ chẳng thể rảnh rỗi! Mong ông hãy náu mình ẩn tiếng, ắt được lợi ích vô lượng. Hãy coi chừng!

(thư thứ tám)

Đã nhiều lần răn nhắc ông nên náu mình, kín tiếng, nhất tâm niệm Phật, nhưng rốt cuộc vẫn không chịu buông xuống thói quen phô phang, Hiển Ấm đã đem bản thảo ghi những chuyện đã biết cho đăng trên tờ Hải Triều Âm, đó đã là chuyện không thông hiểu sự việc, ông lại lấy làm đắc ý, chẳng phải là cũng chỉ nhằm cầu danh hay sao? Việc quyên góp in Ấn Quang Văn Sao nên dừng lại, vì chưa phải là lúc ông nên làm chuyện đó. Hãy nên lắng lòng niệm Phật, đừng cầu đọc rộng khắp. Lệnh nội[5] đã phát tâm quy y, tôi bèn đặt pháp danh là Khế Tịnh. Tên ấy có nghĩa là tuy hiện thời chưa có công phu, nhưng đến lúc rảnh sẽ hành. Những câu hỏi trong phần sau của thư ông quả thật đều là những chuyện thiết yếu, chỉ vì ông chẳng lắng lòng niệm Phật nên vẫn ngẩn ngơ chẳng biết đi về đâu. Ông hãy nên nghiêm túc niệm Phật, lâu dần ắt tự biết, không cần ai bảo cho nữa! Lệnh nội đã quy y, nên khiến cho bà ta tâm y theo lời Phật, trừ khử tập khí nữ nhân, ngõ hầu được đại lợi ích. Y theo lời Phật chính là nương vào Tứ Hoằng Thệ Nguyện, và đừng làm các điều ác, vâng làm các điều thiện. Tuy chưa phải là bổn phận của bà ta, nhưng cố nhiên phải nên phát cái tâm lợi mình lợi người. Trừ khử tập khí nữ nhân, đừng chăm chút trang điểm, đừng ôm lòng dua vạy. Đối với người trưởng thượng, hoặc kẻ ngang hàng đều tận hiếu, tận tình hòa thuận. Như thế mới chẳng thẹn là đệ tử Phật vậy!

 (thư thứ chín)

Tiện Mông Sao[6] là tác phẩm được soạn bởi Mộ Liên pháp sư ở núi Hồng Loa vào năm cuối triều Đạo Quang, Tịnh Độ Quyết Nghi Luận đặc biệt mượn giọng điệu của Ngài để phát khởi. Năm Dân Quốc thứ ba (1914), ông Địch Sở Thanh gởi thư bảo tôi viết bài luận ấy để đóng góp tài liệu cho Phật Học Tùng Báo. Quang trước đó đã không muốn dùng cái tên Ấn Quang, nên bèn mượn tên ngài. Dưới tựa đề ghi rằng “Di cảo của Hồng Loa Sơn Mộ Liên pháp sư, Vân Thủy Tăng Thường Tàm[7] sao chép”; đến khi gởi cho ông Mạnh Do thì đề là “mượn khẩu khí của Mộ Liên pháp sư ở Hồng Loa”. Khi ông Úy Như ấn hành, cả hai thứ tiêu đề ấy đều bị lược bỏ mất, nên ông mới nghi Ấn Quang đã từng soạn sách ấy; trước kia đã hỏi, nay trình bày rõ.

Tâm vốn không có hình tượng, nhưng sâm la vạn tượng đều do tâm hiện. Tâm vốn không có pháp (pháp là sự, phàm những gì có thể gọi tên đều gọi chung là “pháp”), nhưng hết thảy các pháp đều do tâm hiển hiện. Vì thế, mới nói: “Không có hình tượng nhưng là chủ của muôn hình tượng, không có pháp nhưng là tông của các pháp” (Tông có nghĩa là quy thú (hướng về), như sông ngòi chảy xuôi về biển. Tông lại có nghĩa là chủ thể, bởi các pháp không pháp nào chẳng lấy tâm làm thể vậy), chúng sanh và Phật đồng thể, nào có sai biệt! Nếu sai biệt sao gọi là “đồng” được! Ông lẫn lộn Tướng, Dụng với Thể, nên mới hỏi câu ấy.

Chúng sanh và Phật về Thể vốn không hai, chỗ bất đồng chính là mê – ngộ, thuận – nghịch nơi Tướng và Dụng của Thể. Chúng sanh mê nghịch đối với Thể, còn Phật, Bồ Tát ngộ thuận theo Thể. Mê – ngộ, thuận – nghịch nơi Tướng và Dụng bèn thành khác biệt một trời một vực. Ngài Phổ Hiền dùng mười đại nguyện vương khuyến tấn Thiện Tài và Hoa Tạng hải chúng, hãy nên xem Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm sẽ tự biết. Trong bộ Văn Sao của Quang chỗ nào cũng nói đến [điều này], sao chẳng lãnh hội? Về bốn cõi của Cực Lạc thì kẻ đới nghiệp vãng sanh sống trong Phàm Thánh Đồng Cư Độ, người đã đoạn Kiến Tư Hoặc sống trong Phương Tiện Độ, người phá được vô minh sống trong cõi Thật Báo. Người đoạn sạch vô minh sống trong cõi Tịch Quang.

Thêm nữa, cõi Thật Báo là ước trên quả báo cảm được mà nói. Tịch Quang là ước trên lý tánh chứng được mà nói, vốn cùng là một cõi, nhưng giảng như thế để cho người ta dễ hiểu. Do vậy, kẻ phần chứng thuộc về Thật Báo, còn người mãn chứng thuộc về Tịch Quang, chứ thật ra trong hai cõi đều có phần chứng và mãn chứng. Trong Văn Sao cũng nói cặn kẽ điều này. Cõi Đồng Cư tuy có đủ ba cõi kia, nhưng người chưa đoạn Hoặc chỉ thọ dụng được cảnh của Đồng Cư. Tuy là người đới nghiệp vãng sanh nhưng chẳng thể gọi là phàm phu vì họ đã đều đắc ba thứ Bất Thoái. Đây chính là lý luận thông thường, muốn so sánh với sở chứng của người được vãng sanh Cực Lạc thì cứ đọc kỹ sẽ tự biết.

Sự Trì là tin có Phật A Di Đà ở Tây Phương, tuy chưa đạt “tâm này làm Phật, tâm này là Phật”, nhưng quyết chí cầu sanh như con nhớ mẹ, không lúc nào tạm quên. Đây là chưa đạt lý tánh nhưng chỉ tu trì theo mặt Sự. Lý Trì là tin Tây Phương A Di Đà Phật tâm ta sẵn có đủ, do tâm ta tạo. “Tâm có đủ” nghĩa là tâm ta vốn sẵn đủ lý ấy. “Tâm tạo” là nương vào lý “tâm có đủ” ấy để khởi tu, thì lý ấy mới hiển hiện. Do vậy, gọi là “tạo”. “Tâm đầy đủ” chính là Lý Thể, “tâm tạo” chính là Sự Tu. “Tâm đầy đủ” chính là “tâm này là Phật”; “tâm tạo” chính là “tâm này làm Phật”. “Tâm này làm Phật” bèn xứng tánh khởi tu; “tâm này là Phật” bèn toàn tu nơi tánh. Tu đức hữu công, tánh đức mới hiển. Tuy ngộ lý nhưng vẫn chẳng phế sự thì mới là chân tu. Nếu không, bèn rớt vào tri kiến cuồng vọng chấp lý phế sự! Do vậy, mới nói: “Dùng cái hồng danh tự tâm sẵn đủ, do tâm tạo ra, để buộc tâm nơi cảnh, chẳng để cho tạm quên mất”. Giải pháp này thiên cổ chưa từng có, quả thật là khế lý lẫn khế cơ, lý sự viên dung, chẳng phải là bậc Pháp Thân đại sĩ, ai có thể đạt đến điều này?

Vì Sự Trì dẫu chưa ngộ Lý nhưng há có thể ra ngoài Lý được ư? Bất quá là hành nhân chưa thể viên ngộ tự tâm. Hễ đã ngộ thì Sự chính là Lý, há nào phải cái Lý được ngộ chẳng nằm trong Sự? Lý chẳng lìa Sự, Sự chẳng lìa Lý, Lý – Sự vô nhị! Như thân và tâm con người, cả hai thứ cùng sử dụng một lúc, trọn chẳng hề có chuyện thân và tâm đây kia tách rời nhau, người đã đạt dù có muốn chẳng dung hợp cũng không được! Còn tri kiến cuồng vọng chấp Lý phế Sự thì chẳng thể dung hợp được. Toàn chân thành vọng, toàn bộ vọng chính là chân, do giống như toàn thể nước biến thành sóng, toàn thể sóng chính là nước. Nước là tướng tịnh, sóng là tướng động. Động – tịnh tuy khác, tánh ướt vốn đồng. Suốt ngày tùy duyên, suốt ngày bất biến; suốt ngày bất biến nhưng suốt ngày tùy duyên.

Giống như hư không trọn chẳng có các tướng, nhưng mây đùn bèn tối, mặt trời chiếu bèn sáng tỏ. Bụi do gió thổi dậy nên bẩn thỉu, bụi do mưa gột bèn sạch sẽ. Hư không là bất biến, chẳng ngại tùy thuận các duyên, thành ra sáng – tối, trong – đục. Tuy là sáng – tối, trong – đục khác nhau, nhưng bản thể của hư không trọn chẳng biến đổi. Hiểu rõ điều này sẽ tùy thuận cái duyên ngộ tịnh để tạo cõi Phật sẵn có trong tự tâm, bỏ cái duyên mê nhiễm để diệt sáu cõi và tam giới huyễn hiện trong chính cái tâm này (đây chính là ước theo mười pháp giới mà nói, nên bảo lục đạo là sáu cõi và tam thừa là ba cõi, chớ nên hiểu lầm!) Tâm này trọn khắp thường hằng, hệt như hư không. Chúng ta do mê nhiễm nên khởi các chấp trước; ví như hư không bị vật ngăn ngại nên chẳng thể trọn khắp, chẳng thường hằng vậy. Nhưng chẳng trọn khắp, chẳng thường hằng chính là chấp trước vọng hiện, há nào phải hư không thật sự bị vật chướng ngại nên chẳng thể trọn khắp, chẳng thể thường hằng! Do vậy, cái tâm phàm phu và cái tâm bất sanh bất diệt mà đức Như Lai đã chứng trọn chẳng khác gì nhau. Có khác là vì phàm phu mê nhiễm nên thành ra như vậy, chứ không phải tâm thể vốn có biến đổi!

Tịnh Độ của Phật Di Đà hoàn toàn ở trong một niệm tâm tánh của chúng ta, tâm ta sẵn có Phật Di Đà. Đã là tâm ta sẵn có thì cố nhiên phải nên thường niệm. Đã có thể thường niệm thì sẽ cảm ứng đạo giao, tu đức hữu công, tánh đức mới hiển hiện. Sự – Lý viên dung, chúng sanh và Phật chẳng hai; do vậy, nói: “Dùng cái tâm sẵn có Phật của ta để niệm đức Phật tâm ta sẵn có, lẽ đâu đức Phật sẵn có trong tâm ta lại chẳng ứng với cái tâm ta sẵn có Phật?” Những điều đã nói đến trong phần sau của thư ông viết đều là vì chẳng hiểu: Thật sự chẳng có tự tướng, thuận theo mê nhiễm nên cái Thể ấy biến thành vọng. Vọng vốn không có tự tánh, bởi lẽ bản thể của mê nhiễm vốn là chân. Hai câu “suốt ngày tùy duyên, suốt ngày bất biến”“suốt ngày bất biến, suốt ngày tùy duyên” soi rọi lẫn nhau, tán trợ lẫn nhau. Do tâm ông không có chánh trí nên nghi hai điều ấy là mâu thuẫn. Niệm Phật xong, bèn khởi [ý niệm] ta – người chính là tự sanh chướng ngại. Phàm người hành đạo Bồ Tát, phải phát Tứ Hoằng Thệ Nguyện. Nếu có được cái tâm Tứ Hoằng Thệ Nguyện thì dù cảnh ta – người có phát, trong tâm địa rốt cuộc vẫn chẳng khởi chấp trước ta – người. Khởi ta – người đều là do tâm trụ vào tướng, chẳng biết ý chỉ vi diệu “tâm Bồ Tát không trụ vào đâu, hành lục độ vạn hạnh, thượng cầu hạ hóa”. Những điều vừa nói trên đây nếu tự lãnh hội được thì tốt; nếu như không thể lãnh hội thì cứ lắng lòng niệm Phật đến lúc nghiệp tiêu trí rạng, sẽ tự hiểu biết rõ ràng, chẳng cần phải chuyên chú hỏi ai khác nữa!

(thư thứ mười)

Pháp danh của lệnh ái[8] nên đặt là Phước Trinh. Trinh là chánh, là gốc đức hạnh của phụ nữ. Nếu có thể nhất tâm niệm Phật khiến cho phiền não Hoặc nghiệp tiêu diệt hết sạch, công đức, trí huệ triệt để phơi bày toàn thể, cũng như đức hạnh trinh lương của người nữ không bị bên ngoài làm nhiễm, chánh đáng nghiễm nhiên tự lập. Vì thế, kinh Dịch nói: “Trinh giả, sự chi cán dã” (Trinh là cái cốt lõi của sự). “Cán” chính là cái thân chánh của cây cối. Vì thế, người tu hành đạt được chánh thân Bồ Đề, thì đạo nghiệp sẽ tự thành tựu, tự được trọn đủ phước huệ. Tuy đứa bé chưa thể đạt được như vậy, nhưng mong mỏi như thế nên đặt tên như vậy đó, mong nó sẽ nghĩ đến ý nghĩa của cái tên rồi cuối cùng cũng đạt được như vậy thì sau này sẽ là vợ hiền của người ta, là mẹ hiền của người ta, giúp chồng thành tựu đức hạnh, dạy con cái từ khi còn đang mang thai, vẻ vang nào hơn? Lệnh nội đã quy y, nên siêng năng tu trì, chớ để hữu danh vô thật, thì may mắn lắm! Kinh lướt qua mắt tức là đã duyệt rồi, chớ nên xem rồi vướng mắc vào đó. Nếu có cần xem thì cũng mong nên xem ít, chỉ lấy việc niệm Phật để đối trị tập khí, tiêu nghiệp làm trọng. Nghiệp tiêu rồi thì hễ xem sách, vừa đọc liền lãnh hội được chỗ mầu nhiệm. Đây là ước theo sự đạt được diệu pháp mà luận. Người đời nay căn tánh hèn kém, xem nhiều sẽ lan man, không nơi nương tựa, tâm tình lắm mối phân vân, khó thể tương ứng được!

 (thư thứ mười một)

Hai lần bão lốc, các xứ bị tai ương, Phổ Đà cũng thế. Ấy là do chúng sanh đồng phận ác nghiệp chiêu cảm mà ra. Chẳng biết quý trạch[9] phòng ốc ra sao? Cư Khoa đang độ tuổi tráng niên, phong thái thuần hậu, đáng làm pháp khí nhập đạo. Quang vì người khác trọn chẳng chấp trước. Ai trước đó nghĩ Quang đáng tin tưởng được bèn chẳng ngại kết giao, sau cho rằng Quang chẳng thể tin được bèn chẳng ngại tuyệt giao. Đến – đi mặc người, tôi vốn không để tâm đến chuyện kết giao hay cự tuyệt. Người khác dạy người đa phần chú trọng dốc sức nơi chỗ huyền diệu, còn Quang dạy người đa phần phát huy ý chỉ “tận hết bổn phận”. Nếu chẳng thể tận hết bổn phận thì dù có thấu triệt tận nguồn tột đáy mọi sự trong Thiền, trong Giáo, cũng chỉ thành một kẻ khiến cho tam thế chư Phật bị oan mà thôi! Huống chi còn có sự chưa thể tột nguồn thấu đáy ư!

Cư Quân đã đến núi này rồi, cần gì tháng Bảy lại phải lên đây? Qua lại nhiều lượt, lộ phí tiêu dùng tốn kém biết là bao nhiêu! Xin đừng tới nữa! Nếu có nghi vấn thì đã có cư sĩ Hiển Vi rồi! Nếu muốn hỏi Quang thì bưu điện là tiện lợi nhất, cần gì lại phải lên đây, làm chuyện vô ích khiến hại đến sự hữu ích! Nay vì Cư Quân đặt pháp danh là Khế Tâm. Vì ông ta tên là Bỉnh Bàn, tự Thấu Am. Nếu tâm ông ta quả thật ngay thẳng, kiên cố, chẳng động như “bàn thạch” (đá tảng), lại còn “thấu đãng” (gột rửa sạch) những chất nhơ bên ngoài thì bổn thể của cái tâm sẽ tự hiển hiện. Chữ Tâm chỉ cho chân tâm thường trụ, chứ không phải là cái tâm tùy duyên khởi lên tập khí. Tâm tập khí chính là tình nhiễm, chứ không phải là bổn thể!

(thư thứ mười hai)

(răn đừng in [danh hiệu Phật, Bồ Tát] lên vải bọc đệm quỳ lễ[10])

Đương gia[11] của hạ viện đem thơ Nhậm Niên gởi đến và gói hàng giao cho Quang, mới biết vải trơn được gởi tới là nhờ Nhậm Niên in. Chuyện này tội lỗi đến cùng cực, đem danh hiệu của Bồ Tát [in trên vải] làm đệm quỳ để lễ, thuộc vào cái tội khinh nhờn đến cùng cực. Huống chi có chỗ dùng vải ấy để bọc đệm ngồi. Năm Quang Tự thứ hai mươi (1894), ở Phổ Đà tôi đã từng trông thấy. Năm Quang Tự hai mươi mốt (1895) ở chùa A Dục Vương, tôi lại thấy, thật là quái dị. Tôi bảo cùng điện chủ điện Xá Lợi, ông ta bảo: “Đấy là tập quán của vùng Ninh Ba”. Tự thẹn mình không có sức để cứu vãn thói ác đấy. Nếu như Quang là chủ nhân một phương, ắt sẽ đi khắp chốn nói rõ lỗi hại của chuyện này, ngõ hầu những ai có tín tâm chỉ được lợi ích chứ không bị tổn hại. Người gởi đã là bà con rất thân của ông, sao không thuật rõ tội phước, mong ông ta chỉ dùng vải trơn để làm đệm quỳ lễ, một là chẳng làm bẩn vải, hai là chỉ được lợi ích không bị tổn hại. Vậy mới là có ích cho ông ta, có nên theo thói tục im lặng chăng? Hãy thay tôi thỉnh cầu ông ta! An Sĩ Toàn Thư in chữ ở cuối sách (bìa sau) ông còn chịu nói đến tội lỗi, thế mà cái lỗi này còn lớn gấp trăm ngàn vạn lần lỗi kia! Hãy nên bảo tường tận cùng hết thảy những người tín tâm.

Ấn ở chùa A Dục Vương đã hư nát chẳng thành dạng chữ nữa (Đây chính là cái ấn mà Quang đã thấy trong năm Quang Tự hai mươi mốt), quả thật là ấn chân thân xá-lợi bảo tháp của Thích Ca Như Lai. Phổ Đà có mấy cái ấn, ấn vàng, ấn ngọc chùa Pháp Vũ, đều là Quán Âm bảo ấn sắc tứ kiến tạo Nam Hải Pháp Vũ thiền tự. Trong cõi tục, nếu con cháu đem tên tuổi tổ phụ in trên đệm quỳ lễ, ắt bị quở là ngỗ nghịch, huống hồ danh hiệu của Phật, Bồ Tát, đại thánh nhân ư? Hãy nên tự đối trước kẻ thân tín, khuyên họ chớ làm như thế, từ một truyền mười, từ mười truyền trăm, truyền ngàn, truyền vạn, há chẳng thể diệt được thói ác ấy hay sao? Phàm mọi chuyện đều do một người đề xướng, mọi người hùa theo bèn thành tục lệ, há riêng mình chuyện phản tà quy chánh là chẳng giống như vậy ư?

***

[1] Bài số 14 và 13 trong Văn Sao, Quyển 3

[2] Tác phẩm gồm bốn quyển, do ngài Lâu Dĩnh triều Đường biên tập kể về hành trạng của Phó Hấp (497-569). Bộ sách này còn có tên là Thiện Huệ Đại Sĩ Ngữ Lục, hoặc Thiện Huệ Đại Sĩ Lục, được xếp vào tập 120 của Vạn Tự Tục Tạng Kinh. Nội dung gồm những pháp ngữ, hành trạng và thi ca do Phó Hấp sáng tác, cũng như những lời vấn đáp về đạo giữa người tham học và Phó Hấp. Nguyên tác phẩm này gồm tám quyển, đến đời năm Thiệu Hưng 13 (1143) đời Tống, Lâu Chiểu san định, lược bỏ những chỗ rườm rà, sai sót, thâu gọn thành bốn quyển. Phó Hấp (497-569) là một vị tôn túc trong Thiền Tông đời Lương Nam Triều, người huyện Đông Dương (nay thuộc Nghĩa Ô, tỉnh Chiết Giang), tự là Huyền Phong, hiệu là Thiện Huệ. Còn được gọi là Thiện Huệ đại sĩ, Ngư Hành đại sĩ, Phó đại sĩ, Đông Dương đại sĩ v.v… Cùng với ngài Bảo Chí, được đời xưng tụng là “hai vị đại sĩ đời Lương” (Lương đại nhị đại sĩ). Ngài thường cùng người bắt cá, mỗi khi bắt cá bèn bỏ vào giỏ tre, nhúng xuống chỗ nước sâu, bảo: “Muốn đi thì đi, muốn ở thì ở”. Người khi ấy cho Ngài là kẻ ngu. Năm mười sáu tuổi, lấy bà Lưu Diệu Quang, sanh được hai con là Phổ Kiến, Phổ Thành. Năm hai mươi bốn tuổi, đang bắt cá bên sông, chợt gặp Hồ Tăng Tung đầu đà (tức tổ Đạt Ma) bèn vứt bỏ đồ bắt cá, vào dựng am ở Tùng Sơn thuộc huyện Ô Thương, tự xưng là Song Lâm Thụ Hạ Đương Lai Giải Thoát Thiện Huệ Đại Sĩ, tự cho biết mình từ trời Đâu Suất xuống giảng kinh thuyết pháp. Ban ngày làm lụng, ban đêm kinh hành, khổ hạnh bảy năm, tự bảo đã đắc Thủ Lăng Nghiêm Định, người theo về học đông dần. Năm Đại Thông thứ sáu (534), đời Lương Võ Đế, ông sai đệ tử dâng lên vua ba thiên sách. Tháng 12 nhuận năm ấy, vua truyền nhập cung, giảng kinh tại Trùng Vân Điện, vua đích thân đến nghe. Mọi người thấy vua đến đều đứng lên, riêng Ngài ngồi im bất động. Quần thần bắt bẻ, Ngài đáp: “Pháp địa nếu động, hết thảy bất an”. Tháng Tư năm Đại Đồng nguyên niên (535) lại trở về Tung Sơn. Năm Đại Đồng thứ năm, lại vào Thọ Quang Điện giảng Chân Đế cho vua nghe, dâng bài kệ. Năm Đại Đồng thứ sáu, ngài dựng điện Phật tại Tùng Sơn, xây tháp gạch chín tầng, chép kinh luật hơn ngàn quyển. Năm Đại Đồng thứ bảy, tự xưng là một trong ngàn vị Phật ở Hiền Kiếp. Năm Thái Thanh thứ hai (549) muốn thiêu thân cúng dường Tam Bảo, đệ tử van nài, có đến 19 người xin thiêu thân thế thầy, Ngài bèn thôi. Đồ chúng tại gia của Phó Hấp rất đông, Ngài thường hay suất lãnh đồ chúng thiêu ngón tay đốt cánh tay cúng dường Phật, tổ chức pháp hội tụng Pháp Hoa hai mươi mốt lần, nhiều lần tổ chức Vô Giá Hội. Ngoài ra, Ngài còn có chỗ phát huy độc đáo về giáo thuyết Nhất Tâm Tam Quán của tông Thiên Thai, đề xướng thuyết Tam Quán Nhất Tâm Tứ Vận. Tháng Tư năm Thái Kiến nguyên niên (569) đời Trần, dặn dò đệ tử xong, Ngài ngồi kiết già tịch diệt. Đệ tử làm lễ trà-tỳ trên đảnh núi Song Lâm, đặt hiệu cho thầy là Di Lặc Hạ Sanh. Những trước tác của Ngài gồm có Vương Tâm Minh, Ngữ Lục bốn quyển, Hoàn Nguyên Thi v.v…

[3] Hộ Pháp Lục gồm mười quyển, do ngài Tống Liêm soạn vào đời Minh, Tiền Ích Khiêm giảo đính. Tống Liêm đã từng đọc hết Đại Tạng Kinh ba lần, là một bậc thâm nho đa văn. Tác phẩm này bao gồm những bài nói về hộ trì Tam Bảo trích từ cuốn Kim Hoa Văn Tập của chính ông, kèm thêm những bài minh, bài bia, bài ký, bài tựa, cáo, tán, tụng, kệ, thuyết, đề bạt do ông ta soạn.

[4] Tác phẩm gồm hai quyển do ngài Đàm Loan thời Bắc Ngụy soạn, nhằm chú giải bộ Vãng Sanh Luận của ngài Thế Thân soạn. Bộ luận này nguyên mang tên là Vô Lượng Thọ Kinh Ưu Ba Đề Xá Nguyện Sanh Kệ.

[5] Lệnh nội: Tiếng gọi tỏ vẻ kính trọng vợ người khác.

[6] Tức cuốn Phật Thuyết A Di Đà Kinh Yếu Giải Tiện Mông Sao của Đạt Mặc pháp sư (chỉ biết Sư có hiệu là Mộ Liên, chưa rõ sự tích). Tác phẩm này nhằm chú giải đại lược cuốn A Di Đà Kinh Yếu Giải của tổ Ngẫu Ích. Tác phẩm này nằm trong Vạn Tục Tạng, mang số thứ tự 875, tập 91.

[7] Thường Tàm (thường hổ thẹn) là một biệt hiệu khác của Tổ Ấn Quang.

[8] Lệnh ái: Tiếng gọi tỏ vẻ kính trọng con gái người khác.

[9] Quý trạch: danh xưng hoa mỹ để chỉ nhà của người khác.

[10] Nguyên văn là “kháp đầu bố” (vải để rập đầu). Đây chính là loại vải dùng để bọc những cái tọa ỷ để người ta quỳ làm lễ, hay những cái đệm để áp đầu vào khi làm lễ.

[11] Đương gia: Theo nghĩa thông thường, đương gia là người lãnh trách nhiệm quản trị sự vụ chánh yếu trong một gia đình. Trong tùng lâm có thể hiểu là vị Tăng đảm lãnh trách nhiệm trị sự trong chùa. Chùa ở trên núi chia làm nhiều khu vực nên mới có thượng viện, hạ viện.