TÔN GIẢ ƯU BA LY
TRÌ GIỚI ĐỆ NHẤT

 

1- XUẤT THÂN TỪ GIAI CẤP THỦ ĐÀ LA

Tôn giả Ưu-ba-ly được liệt kê trong số mười vị đại đệ tử của Phật, đối với giai cấp nghiêm khắc của xã hội Ấn Độ, không phải là chuyện dễ.

Ưu-ba-ly xuất thân từ dòng hạ tiện Thủ-đà-la, số mạng định sẵn là chỉ có làm nô bộc cho người. Ở cổ Ấn Độ, người sanh trong dòng Thủ-đà-la, ngay từ khi mới lọt lòng đã bị sự kỳ thị, bị xem như đồ phẩn uế không đáng nhìn tới.

Người Thủ-đà-la, nếu gặp hàng Bà-la-môn hay Sát-đế-lợi trên đường đi, phải quỳ xuống bên đường nhường lối, nếu lén nhìn sẽ bị móc mắt, còn nếu lý luận với hai hạng trên, thì sẽ bị cắt lưỡi. Thật đáng thương cho Ưu-ba-ly đã sanh ra trong dòng Thủ-đà-la nên phải chịu một kiếp sống bi thảm như vậy.

Tuổi thơ của Ưu-ba-ly được niềm an ủi duy nhất là tình thương của cha mẹ, lòng thương con thì dù ở giai cấp nào cũng chẳng kể mức độ cách biệt.

Từ nhỏ Ưu-ba-ly đã không được hưởng quyền lợi về học vấn. Người của dòng Thủ-đà-la mà muốn học tập pháp điển Mã-nổ của Bà-la-môn, là một vọng tưởng hão huyền.

Đến khi lớn khôn, cha mẹ Ưu-ba-ly nghĩ đến việc chọn cho con mình một nghề nghiệp để nuôi thân. Lúc ấy, những nghề như thương buôn hoặc công chức thì không cho phép người Thủ-đà-la tham dự. Hơn nữa, đã không được học hỏi mà đi làm công chức hoặc thương buôn làm sao được. Cha mẹ chàng đã biết con đường tương lai của con mình chỉ có chọn lựa trong các nghề nông dân, lao lực, nô lệ, chọn lấy một nghề để sinh nhai cho qua một kiếp tủi hèn.

Ban đầu, song thân chàng định cho chàng học nghề làm ruộng, nhưng sau nghĩ đến việc ruộng nương thiệt tân khổ, người cày cuốc cần phải có sức lực, mà Ưu-ba-ly bẩm chất vốn ốm yếu làm nghề đó sợ sống không lâu. Sau nữa, họ lại định cho chàng học nghề đánh xe, nhưng nghĩ lại dù làm kẻ chăn ngựa hay người đánh xe phải đi sớm về tối, bôn ba lao lực, nên lại thôi. Lòng của người làm cha mẹ muốn chọn cho Ưu-ba-ly một nghề thích hợp thiệt cũng lắm phen do dự.

Làm nô lệ cho người cần nhất là chọn được chủ nhân tử tế. Muốn vậy phải có nghề nghiệp chuyên môn. Và sau khi thương lượng đắn đo, họ bèn cho Ưu-ba-ly học nghề hớt tóc.

Ưu-ba-ly là một cậu bé học nghề rất dễ dạy, tánh tình khiêm tốn và có thói quen vâng lời, học các kỹ thuật hớt tóc, chải bới, chẳng bao lâu Ưu-ba-ly đã học thành thạo các kiểu cách thời trang, mọi thứ cắt tỉa, thủ thuật nghề nghiệp.

Ra nghề, song thân Ưu-ba-ly lại tìm người giới thiệu cho con, và Ưu-ba-ly được nhận vào vương cung Ca-tỳ-la để hớt tóc trang điểm cho các vương tôn công tử.

Tuy chỉ là một người thợ hớt tóc, nhưng tâm tánh của Ưu-ba-ly rất thuần lương, trung hậu. Rốt cuộc chàng được sự tín nhiệm của các vương tử, cho ở luôn tại hoàng cung để cắt tóc cho các tiểu vương tử. Các ông hoàng nhỏ như Bạt-đề, A-na-luật đều rất thích chàng thợ cạo Ưu-ba-ly. Bởi vì với lối cắt nhanh gọn, khéo léo, nhẹ nhàng không làm đau đầu, Ưu-ba-ly được mọi người ưa chuộng, và chàng cũng hết lòng kính trọng các vương tử.

2- CẠO TÓC CHO ĐỨC PHẬT

Vào khoảng gần hai mươi tuổi, Ưu-ba-ly đã là một người thợ hớt tóc lành nghề. Lúc ấy đức Phật thành đạo được ba năm, Ngài đã trở về cố hương Ca-tỳ-la. Đến ngày cạo tóc, mọi người bèn giới thiệu Ưu-ba-ly.

“Cạo tóc cho đức Phật!” Ưu-ba-ly nghe tin ấy rất lo sợ hoang mang. Chàng nghĩ đến đức Phật là bậc Đại giác, có ba mươi hai tướng tốt, nhất định đầu tóc của Ngài không giống người thường. Ưu-ba-ly nghĩ đến đó đã e ngại, rủi như lỡ tay xúc phạm đến đức Thế Tôn thì làm sao. Chàng trở về nhà nói hết tâm sự với mẹ. Vốn xuất thân từ dòng Thủ-đà-la đã mang nặng lòng tự ti từ lúc nhỏ, đức Thế Tôn là hàng vương tử thành Phật, chính chàng còn không dám nhìn đến gót chân của Ngài, làm sao dám cạo tóc?

Mẫu thân bèn an ủi Ưu-ba-ly, khuyên con đừng sợ, nghe đồn rằng đức Phật rất từ bi, thường thuyết pháp cho mọi người nghèo khổ. Đức Phật chắc chắn không có thành kiến như người đời, chắc chắn sẽ không khinh thị người Thủ-đà-la. Tuy nghe mẹ nói như vậy, nhưng Ưu-ba-ly vẫn không yên tâm. Mẹ chàng bèn bảo ngày mai bà sẽ cùng đi với Ưu-ba-ly đến chỗ Phật.

Thật cũng lạ đời, đã rành rẽ kỹ thuật hớt tóc mà khi đi làm phải có mẹ theo tiếp một bên. Qua câu chuyện này, chúng ta cũng thấy được cá tánh của Ưu-ba-ly.

Hôm sau, bà mẹ dẫn Ưu-ba-ly trước tiên đến bái kiến đức Phật và sau mới bảo cạo tóc cho Thế Tôn.

Ưu-ba-ly cẩn thận, chú ý từng chút, chậm rãi làm việc. Mẹ chàng đứng một bên theo dõi, một lúc sau bà quỳ trước mặt đức Phật, thưa:

– Bạch Thế Tôn! Kỹ thuật cạo tóc của Ưu-ba-ly ra sao?

Đức Phật chú ý nhìn Ưu-ba-ly một lúc rồi mới đáp:

– Thân thể rất cong.

Đại khái là do Ưu-ba-ly đối với Phật cung kính nên cúi khom lưng mà cạo tóc, không dám ngẩng lên. Chàng nghe Phật nói lại tập trung tâm ý, theo truyền thuyết thì lúc ấy chàng đã tấn nhập Sơ thiền. Một lúc sau, mẹ chàng lại quỳ xuống thưa:

– Kính bạch Thế Tôn! Lúc này Ưu-ba-ly cạo tóc thế nào?

Đức Phật lại đáp:

– Lúc này thân thể rất ngay thẳng.

Ưu-ba-ly nghe Phật nói, lại chẳng dám khởi vọng tưởng ngừng nghỉ, nhất tâm nhất ý và lúc đó chàng lại được công phu nhập Nhị thiền.

Chẳng bao lâu, mẹ chàng lại cung kính hỏi thăm:

– Kính bạch Thế Tôn! Bây giờ Ưu-ba-ly cạo tóc ra sao?

– Hơi thở vào quá thô! – Đức Phật đáp.

Ưu-ba-ly nghe nói liền tập trung tâm ý vào hơi thở, theo truyền thuyết, lúc đó chàng đã nhập đệ Tam thiền.

Sau cùng, mẹ chàng lại hỏi:

– Kính bạch Thế Tôn! Hiện tại Ưu-ba-ly cạo tóc thế nào?

– Hơi thở ra quá thô!

Lúc ấy, Ưu-ba-ly chẳng khởi một niệm, quên luôn con dao cạo trong tay, và theo truyền thuyết lúc đó chàng đã vào đệ Tứ thiền.

Đức Phật liền gọi vị Tỳ-kheo đứng gần:

– Ông đến lấy con dao trong tay của Ưu-ba-ly ra, chú ấy đã nhập Tứ thiền, không còn tưởng niệm gì cả, và cần một người đỡ giùm chú bé đừng cho té xuống đất.

Theo ký sự này, chúng ta có thể biết Ưu-ba-ly đã chú tâm đến mức nào trong công tác, mỗi lần nghe lời chỉ dạy của Phật đều sửa đổi thật đúng. Với bản chất ưa suy tư và tánh tình nghiêm túc, nên trong cuộc sống được nhiều người giúp đỡ, và ngay bản thân mình đã không để cho người gièm chê hoặc phê bình một lời. Do đó, về sau Ưu-ba-ly được tôn xưng là Trì giới bậc nhất, không phải không có lý do.

3- XUẤT GIA TRƯỚC LÀM SƯ HUYNH

Đức Phật trở về Ca-tỳ-la-vệ, khắp rưới mưa pháp trong hoàng cung. Những hạt giống Bồ-đề đã gặp duyên nẩy mầm tăng trưởng. Các vương tử dòng họ Thích nghe đức Thế Tôn thuyết pháp nhiều người phát tâm xuất gia theo Phật.

Trong số ấy có nhiều người được phụ mẫu cho phép, cũng có người phụ mẫu không tán thành, các hoàng thân này cùng hẹn nhau lén trốn đi, đến rừng Ni-câu-đà tìm đức Phật, xuất gia rồi sẽ báo tin cho hoàng gia biết sau.

Trong số bảy vương tử ấy có mặt Bạt-đề, A-nan và A-na-luật. Muốn xuất gia phải cạo bỏ râu tóc, các hoàng thân bắt buộc phải mang theo Ưu-ba-ly. Trong khu rừng gần kề tinh xá của Phật, dưới bóng cây rừng, khi Ưu-ba-ly cạo tóc cho vương tử Bạt-đề đã tuôn rơi từng giọt nước mắt. A-na-luật thấy thế mới dùng quyền vương gia mà trách hỏi Ưu-ba-ly:

– Ngươi thấy chúng ta xuất gia, đáng lý phải vui vẻ, tại sao lại khóc?

Ưu-ba-ly sợ sệt đáp:

– Thưa vương tử! Xin Ngài khoan thứ cho sự vô lễ của kẻ tiện dân. Vì vương tử Bạt-đề đã đối xử với hạ dân rất tử tế, hôm nay, Ngài đã xuất gia với các vương tử, xuất gia rồi kẻ hèn này không còn được gặp lại, nghĩ đến đó hạ dân không cầm được nước mắt. Xin vương tử đừng trách mắng.

A-na-luật nghe xong, thông cảm và an ủi Ưu-ba-ly:

– Ngươi đừng lo lắng, chúng ta sẽ giúp đỡ cho ngươi sinh sống.

Và quay sang các vương tử, A-na-luật nói:

– Này các vương huynh vương đệ! Ưu-ba-ly hầu hạ chúng ta cũng khá lâu, y rất siêng năng, trung thành. Hôm nay chúng ta đi xuất gia, nên an bài cho cuộc sống của y. Chúng ta hãy gói tất cả những đồ trang sức trên thân mình lại và cho Ưu-ba-ly. Chúng ta xuất gia rồi đâu cần dùng mấy thứ này.

Các vương tử đều tán thành ý kiến của A-na-luật. Mỗi người đều cởi y phục gấm vóc và đồ trang sức châu báu tặng cho Ưu-ba-ly, và bảo trở về thành Ca-tỳ-la, còn họ lại đi tìm Phật.

Các vương tử đi rồi, Ưu-ba-ly định quay về nhưng lúc ấy hốt nhiên đổi ý: “Bây giờ mà ta đem những thứ châu báu này về thành thuật lại, thì lão vương và hoàng gia đại thần nhất định sẽ gán cho ta tội a tòng theo các vương tử, đưa đi xuất gia, tội đáng chết, ta khó mà toàn mạng. Các vương tử tôn quý như thế mà còn bỏ vinh hoa của thế gian để đi xuất gia, còn kẻ hạ tiện như ta thì có lưu luyến cái gì trên cuộc đời này? Hay là ta cũng đi tìm Phật xin theo tu luôn!”
Nghĩ xong Ưu-ba-ly bèn quyết định, như thỏi sắt bị nam châm thu hút, không chút do dự đem bọc đồ trân bảo treo lên nhánh cây, để mặc ai đi ngang có thấy được lấy xài, còn mình đi về hướng đức Phật.

Đi một đỗi, lại nghĩ đến thân phận hạ tiện của mình, trong lòng Ưu-ba-ly nổi lên niềm bi ai tủi hổ, chàng ngồi bên đường khóc lóc, tự nhủ:

– Ta làm gì có tư cách được xuất gia? Các vị ấy là vương tử, còn ta chỉ là thân nô bộc, làm sao dám sánh ngang hàng xuất gia với vương tôn?

Chàng than thở oán trách thế gian không công bình, giận cho số phận mình không may, vừa buồn vừa khóc như vậy, thì bỗng nghe bên tai có người hỏi:

– Có chuyện gì mà anh khóc lóc buồn thảm như vậy?

Ưu-ba-ly ngó lên, thấy tôn giả Xá-lợi-phất, vội chùi nước mắt, quỳ xuống thưa:

– Bạch Tôn giả! Ngài là đại đệ tử của đức Phật, khi Ngài theo Phật về hoàng cung con có được biết Ngài. Xin thỉnh ý Ngài. Một người dòng dõi Thủ-đà-la như con không biết có được theo Phật xuất gia làm đệ tử hay không? Con đã mạo muội vọng tưởng như vậy, thật quá quắc, xin Tôn giả từ bi chỉ bảo.
Xá-lợi-phất hỏi lại:

– Anh tên gì?

– Con tên Ưu-ba-ly.

Tôn giả bèn nhớ lại khi trước, chú thợ cạo của đức Phật đã nhập Tứ thiền lúc ấy, chính là người này. Tôn giả liền nói:

– Giáo pháp của đức Thế Tôn rất tự do, bình đẳng. Không kể người trí hay người ngu, không chia nghề nghiệp sang hèn, chỉ cần có khả năng giữ gìn giới luật, là ai ai cũng có thể làm đệ tử Phật, ai cũng có thể xuất gia, ai cũng có thể chứng quả Chánh giác Vô thượng. Anh hãy theo ta, đức Thế Tôn nhất định sẽ rất hoan hỷ thâu nhận anh làm đệ tử xuất gia.

Ưu-ba-ly nghe nói, mừng rỡ quá đỗi, bèn theo sau tôn giả Xá-lợi-phất về bái kiến đức Phật. Đức Phật cũng hoan hỷ làm lễ thế độ cho Ưu-ba-ly và trao luôn cụ túc giới. “Nước trăm sông đều chảy về biển cả, bốn chủng tánh xuất gia, đồng một họ Thích”, đó là tinh thần của đức Phật quy định trên pháp chế, hôm nay đã thực hiện thành sự thật qua việc Ưu-ba-ly xuất gia.

Đức Phật dạy Ưu-ba-ly:

– Ông rất có thiện căn. Ta biết ông sau này nhất định sẽ tuyên dương chánh pháp của ta. Trước khi ông đến đây, các vương tử đã đến xin ta làm lễ thế độ.

Tuy ta đã thâu nhận họ làm đệ tử nhưng phải gia hạn cho họ tu tập trong bảy ngày, đợi họ quên được tập khí vương tử rồi, chỉ còn một việc là đệ tử của ta thôi, ta sẽ làm lễ cho họ. Lúc ấy họ sẽ dùng lễ độ để ra mắt ông.

Ưu-ba-ly cảm động đến rơi lệ. Tuy ngày trước đã có dịp cạo tóc cho đức Phật, nhưng không ngờ đức từ bi của Ngài cao rộng như thế. Thầy tự nguyện từ đây trở đi sẽ làm một đệ tử tín thành, sẽ luôn luôn theo Phật học tập.

Bảy ngày sau, đức Phật cho gọi Bạt-đề, A-na-luật… bảy vị vương tử ra mắt đại chúng. Ở giữa đông đảo huynh đệ, họ bất ngờ khi nhìn thấy thầy Tỳ-kheo Ưu-ba-ly, các vương tử đều ngạc nhiên quái lạ, đều do dự không biết phải gọi Ưu-ba-ly như thế nào mới đúng. Đức Phật nghiêm nghị bảo:

– Các ông do dự điều gì? Trong pháp xuất gia học đạo việc trước nhất là phải hàng phục tâm kiêu mạn. Ta đã cho Ưu-ba-ly xuất gia trước, thọ giới trước, các ông phải đảnh lễ thầy ấy chứ còn sao nữa?

Bạt-đề, A-na-luật… nghe Phật dạy, đều khiêm tốn cúi đầu làm lễ Ưu-ba-ly, ngay lúc ấy họ cảm thấy tín tâm xuất gia càng thêm mạnh mẽ. Ngược lại, Ưu-ba-ly cảm thấy lúng túng không an. Phật bảo thầy:

– Ông cũng nên dùng lễ huynh trưởng mà đối với các ông ấy.

Ưu-ba-ly hết cả e ngại, cảm động quá chỉ còn biết đảnh lễ đức Phật.

Một người bị xem là kẻ nô lệ hạ tiện, đối với những người xuất gia sau, là những vương tử mình đã từng phục dịch, ở trong Phật pháp lại được lãnh thọ sự đối đãi ngang hàng, đó là việc chưa từng có ở trong một xã hội nặng nề về giai cấp như Ấn Độ.

Việc Ưu-ba-ly xuất gia khiến cho pháp chế của đức Phật dần dần thực hiện. Trong Tăng đoàn không có sự phân chia chủng tộc. Về sau Ưu-ba-ly được thành tựu, thật không cô phụ ân huệ của Phật.

4- MỘT ĐOẠN BỔN SANH

Mùa hạ trong năm Ưu-ba-ly xuất gia, đang khi chúng Tăng cử hành lễ an cư, Ưu-ba-ly đã tinh tấn tu đạo và khai ngộ. Do đó, Tôn giả đã thành một bậc thượng thủ trong Tăng đoàn, được sự cung kính của hai chúng tại gia, xuất gia. Việc ấy cũng làm nhiều người kinh ngạc. Một người dòng Thủ-đà-la thấp hèn mà căn cơ mẫn nhuệ đến như vậy, đó không những làm rạng rỡ cho dòng Thủ-đà-la, mà cũng làm vẻ vang cho tinh thần bình đẳng của Phật giáo.

Nhân dịp này, đức Phật đặc biệt nói đến một đoạn bổn sanh của Ưu-ba-ly.

Về thời quá khứ có hai người bạn đều sanh trong gia đình bần cùng, tuy vậy cả hai đều không quên làm việc thiện, bố thí cúng dường. Do nhân duyên công đức ấy về sau họ tái sanh, một người làm quốc vương tên là Phạm Đức, một người sanh trong một gia đình Bà-la-môn cao quý, tên là Ưu-bà-gia. Ưu-bà-gia kết hôn với một cô nương đẹp mỹ miều, rất mực yêu dấu. Một hôm, nhân lúc Ưu-bà-gia tỏ thái độ lịch sự thân mật với một vài thiếu nữ, bị phu nhân bắt gặp và nàng không bằng lòng chút nào. Nàng hờn giận Ưu-bà-gia, nằm khóc lóc ba, bốn hôm rồi sau đó chẳng thèm nói chuyện với chàng, suốt ngày cứ lầm lì im lặng.

Cô vợ trẻ đa nghi dữ quá khiến Ưu-bà-gia chẳng biết làm cách nào, chỉ biết rầu rĩ mà thôi. Cho đến một hôm, mùa xuân đã qua, sắp sang hè, cô vợ yêu bấy lâu không nói chuyện, bỗng nhiên nay bảo chàng:

– Bữa nay chàng hãy đi ra phố mua ít hoa tươi về trang hoàng trong phòng chúng ta nhé!

Chàng trượng phu đa tình nghe được vợ nói mấy lời rất mừng vui, lập tức ra chợ tìm hoa tươi. Mua xong về giữa đường gặp lúc giữa trưa nóng bức, nhưng tâm tình chàng rất cao hứng vì được giảng hòa với vợ, nên chàng vừa đi vừa lớn tiếng hát vang.

Lúc ấy, vua Phạm Đức đang ở trong cung, nhà vua lên lầu quan sát phong cảnh thấy Ưu-bà-gia đi ngang qua cung vua. Tiếng ca bay đến tai vua Phạm Đức. Nhà vua nghe hát rất lấy làm lạ, nghĩ thầm: “Nhìn cách phục sức của chàng ta thì thuộc dòng Bà-la-môn, nhằm lúc trời nóng đổ lửa như thế này mà bỗng nhiên ca hát ngoài đường, nhất định chàng ta phải là một người lạc quan lắm.” Nhà vua nổi tánh hiếu kỳ, sai người cho gọi Ưu-bà-gia đến hỏi chuyện. Hai người đàm đạo giây lâu, nhà vua rất vừa ý, phong cho Ưu-bà-gia một chức quan to trong triều, và từ đó rất sủng ái Ưu-bà-gia.

Ưu-bà-gia được vua Phạm Đức tín nhiệm, uy quyền càng ngày càng lớn. Cho đến về sau nhân dân chỉ biết có Ưu-bà-gia mà không biết có vua Phạm Đức. Ưu-bà-gia không biết đủ. Một hôm, nhân vua Phạm Đức ngủ say, chàng khởi ý định hành thích vua đoạt ngôi. Đang lúc nuôi âm mưu soán đoạt, bỗng chàng giật mình tỉnh ngộ, cảm thấy lòng tham muốn về danh lợi quyền tước thật đáng ghê sợ. Chàng đem hết tâm niệm ác độc của mình thuật lại cho vua Phạm Đức nghe, nhà vua lại càng khen ngợi lòng trung thực của chàng. Sau đó, Ưu-bà-gia nguyện từ bỏ địa vị sám hối xuất gia, tu hành không bao lâu liền được thần thông.

Lúc ấy, trong hoàng cung có một người thợ cạo tên Hằng-già-ba-la nghe vua Phạm Đức khen ngợi chí xuất gia của Ưu-bà-gia, ban đầu sanh tâm tùy hỷ, và cũng phát nguyện xuất gia làm đệ tử Ưu-bà-gia, một lòng tu đạo rồi cũng đắc thần thông như thầy.

Hai thầy trò Ưu-bà-gia đều trở thành bậc Thánh, có thần thông ngang nhau. Một hôm, vua Phạm Đức lên núi cúng dường Ưu-bà-gia, vua đảnh lễ thầy rồi lại nghĩ thầm: “Đối với bậc thánh không nên so đo về chỗ xuất thân của quá khứ”, bèn tự mình làm gương, hướng về thầy Hằng-già-ba-la đảnh lễ, và bảo cả trăm quan đại thần tùy tùng cùng đảnh lễ Hằng-già-ba-la. Thầy tuy xuất thân hạ tiện, do oai lực của pháp mà khiến ngay cả nhà vua cũng quỳ lạy.

Trên đây tuy chỉ là một đoạn sự tích của Phật ngày xưa, nhưng pháp vốn vĩnh cửu bất biến, ở trong Phật pháp không kể là xuất thân từ hạng nào, đều không thành vấn đề, người đã khai ngộ đều được mọi người tôn trọng, mà chứng ngộ thì không phân chia giai cấp.

Đức Thế Tôn kể xong câu chuyện, trân trọng bảo đại chúng:

– Ưu-bà-gia thuở ấy chính là thân ta, chàng thợ cạo Hằng-già-ba-la nay chính là Ưu-ba-ly vậy!

Một đoạn cố sự đơn giản như thế, nhưng nếu nghiền ngẫm kỹ, chúng ta sẽ thấy nó hàm chứa biết bao ý chỉ. Vì tham quyền mà sanh tâm sát hại. Trong thời kỳ tu nhân của đức Phật đã từng nuôi dưỡng ý niệm đó. Ưu-ba-ly là dòng Thủ-đà-la, hiện tại được khai ngộ chứng quả, làm bậc thượng thủ trong chúng, được mọi người tôn trọng, chuyện ấy cũng không phải lần đầu, mà cũng đã có nguyên nhân trong quá khứ.

Đức Thế Tôn nói pháp rồi, khiến tất cả lòng nghi ngờ trong chúng đối với Ưu-ba-ly hoàn toàn tiêu tan.

5- TAO NGỘ TRÊN ĐƯỜNG HÀNH HÓA

Sau khi chứng ngộ, với bản tánh cẩn thận gò bó, rất chú trọng tứ oai nghi hằng ngày đối với giới điều đức Phật chế ra, Tôn giả đều nhất nhất tuân thủ, không hề hủy phạm, các bậc Tỳ-kheo đồng học đều tôn xưng là bậc Trì giới đệ nhất .

Về vấn đề này, nếu là người tu chân chánh thì đối với bậc trưởng lão nghiêm trì giới luật đương nhiên rất cung kính, hoan hỷ cúng dường. Còn người nào không tuân quy củ, không nghiêm trì giới hạnh sẽ không ưa người trì giới, đó cũng là chuyện tự nhiên.

Do đó, trong Tăng đoàn có số người không ưa Ưu-ba-ly, thậm chí còn phê bình nữa là khác.

Một bậc Tỳ-kheo giữ giới lúc cư trú tại viện, sẽ có những tín đồ cung kính đến quỳ trước phòng tỏ bày niềm tin, nhưng khi đi ra ngoài hóa đạo không nhất định sẽ được sự hoan nghinh của tăng và tục.

Một hôm, tôn giả Ưu-ba-ly cùng một nhóm các Tỳ-kheo trì giới như pháp đi du hóa các nơi. Các vị xiển dương, đề cao tinh thần trì giới, thường thường cử hành các pháp sám hối khi Yết-ma cử tội, Yết-ma diệt tẫn, Yết-ma y chỉ, Yết-ma quở trách… thì rất hoan hỷ tiếp đón tôn giả. Và trái lại, có một số Tỳ-kheo, khi nghe tin Ưu-ba-ly đến chẳng vui chút nào. Họ bàn soạn với nhau:

– Bữa nay Tỳ-kheo trì giới Ưu-ba-ly đến đây. Lão ấy mà tới nhất định sẽ có chuyện dạy dỗ chúng ta chuyện gì nên làm, chuyện gì không được làm, làm tăng thêm lòng nghi hối cho chúng ta. Chúng ta nên tìm cách cản trở lão ấy, đừng cho ghé đây.

– Lão ta mà đến thì mình đóng cửa lại, đem tọa cụ treo ngoài cửa đừng thèm hỏi han gì lão.

– Cần gì. Hễ lão vừa tới thì ta bỏ đi nơi khác.

Ưu-ba-ly vẫn thường gặp những tình cảnh như thế nên trong lòng hối hận không muốn đi ra ngoài hoằng pháp, nhưng đức Phật lại thường cổ động Tôn giả.
Cho nên một hôm, bà ni Thâu-la-nan-đà tự nhiên đến mắng ngay tôn giả Ưu-ba-ly:

– Ông không phải là người chân tu, chuyên môn ưa gây sóng gây gió. Tại sao ông cứ theo hỏi đức Thế Tôn: Đây là hai bộ Tăng trì, kia là một bộ Tăng trì, chuyện này nên làm, chuyện kia không nên làm… khiến cho cuộc sống chúng tôi tăng thêm khổ sở rối rắm!

Gặp những cảnh như vậy, Ưu-ba-ly chỉ một bề nhẫn nhục, không trả lời đi lại. Một vị Tỳ-kheo giữ giới nghiêm minh thì người chân chánh tu đạo sẽ rất hoan nghinh, còn kẻ tu giả dối thì chẳng ưa chút nào.

Đức Phật rất lưu tâm đến Tôn giả. Mỗi khi gặp các Tỳ-kheo đi hoằng hóa các nơi trở về, Ngài đều thăm hỏi:

– Các ông có gặp Tỳ-kheo Ưu-ba-ly không?

– Bạch Thế Tôn! Con có gặp, tôn giả đang giáo hóa nơi đó, nơi đó…

– Tại nơi ông ấy đi ngang, mọi người có cung kính cúng dường không?

– Bạch Thế Tôn! Có những địa phương chẳng đủ lễ với Tôn giả. Đồ chúng tại gia thì không biết Tôn giả là bậc trì giới, còn Tỳ-kheo xuất gia thì không muốn gặp Tôn giả, thậm chí còn có Tỳ-kheo ni nổi sân mắng chửi nữa!

– Như thế là làm sao? – Đức Phật hoài nghi hỏi.

Tỳ-kheo kia thật tình thưa:

– Tại vì mọi người thấy rằng sống chung với một vị Tỳ-kheo trì giới thật là bất tiện!

Đức Phật nghe xong không vui, liền triệu tập các Tỳ-kheo, dạy bảo giới rất đáng tôn quý, người trì giới như một ngọn đèn sáng, người có phẩm hạnh đoan chánh, thân tâm thanh tịnh tự nhiên ưa chỗ xán lạn. Còn những ai ưa làm điều quấy quá ám muội mới không ưa ánh sáng, thích chỗ hắc ám.

Đức Phật cho người mời các Tỳ-kheo vô lễ với Ưu-ba-ly và Tỳ-kheo ni sân hận nhục mạ Ưu-ba-ly đến. Ngài hỏi:

– Các ông cự tuyệt Ưu-ba-ly, tránh mặt không gặp và sân si ác khẩu mắng chửi ông ấy, thiệt có như vậy chăng?

Những người này không dám nói dối với Phật, chỉ biết thừa nhận:

– Bạch Thế Tôn! Dạ phải, chúng con quả thật có vô lễ với Tôn giả ấy.

Đức Phật nghiêm nghị quở trách:

– Các ông thật ngu si! Không cung kính Tỳ-kheo trì giới thì còn ai đáng cung kính hơn? Giới là thầy của các ông. Giới ở nơi nào pháp ở nơi đó. Giới còn là pháp còn. Các ông không cung kính Tỳ-kheo trì giới chứng tỏ các ông có ý đồ phi pháp!

Vì ái hộ cho Ưu-ba-ly, đức Thế Tôn quở trách nặng nề các Tỳ-kheo và Tỳ-kheo ni kia. Như thế đủ biết tôn giả Ưu-ba-ly đã có địa vị trọng yếu đến đâu.

6- NGƯỜI DẸP TRANH CÃI

Trong Tăng đoàn, người y pháp tu hành chứng quả rất nhiều, mà người phạm giới cũng không ít, như Tỳ-kheo Ca-lưu-đà-di, Đề-bà… trong Tỳ-kheo ni thì có Tu-ma, Bà-phả, Thâu-la-nan-đà… đều hay phạm giới. Hạnh ác của họ, danh đồn ác của họ thường làm Phật phiền lòng, Ngài thường khuyên mọi người nên lấy tôn giả Ưu-ba-ly làm mô phạm.

Tăng đoàn vốn thanh tịnh và hòa hợp. Nhưng các Tỳ-kheo tánh xấu khó sửa đổi cũng có lúc khởi gây kình phi pháp, thầy không nhường tôi, tôi chẳng nhường thầy. Đôi bên hiềm khích làm ảnh hưởng đến sự tu hành của đại chúng và ảnh hưởng đến thanh danh của Tăng đoàn. Mỗi khi ở nơi nào có Tỳ-kheo, hoặc Tỳ-kheo ni khởi sự tranh cãi, thì đức Phật cần phải cử một vị trưởng lão thượng tọa đến đó giải hòa phân xử. Chọn một người có đủ tư cách ấy, không phải là bậc danh cao đức trọng, chỉ cần yếu là có thể phân minh phải trái, có tài cầm cân công bình là được. Mỗi khi có sự tranh cãi xảy ra ở đâu, đức Phật đều sai tôn giả Ưu-ba-ly đến trước phân xử. Việc gây gổ ở nước Câu-diệm-di, ở nước Sa-kỳ, Ưu-ba-ly đã từng làm sứ giả hòa bình, như nắng xuân ôn hòa chiếu đến nơi nào thì những khối băng giá ngưng đọng đều tự nhiên chảy ra.

Ưu-ba-ly thường theo Phật, thường xuyên ở tại thành Xá-vệ. Các Tỳ-kheo nơi đây rất hòa hợp, vì thường được thân cận với đức Thế Tôn. Một thầy, một đạo như sữa hòa với nước, từ xưa đến nay không hề xảy ra những việc không vui hòa, mè đậu lộn lạo. Ưu-ba-ly hiểu ý Phật, mỗi khi vâng lời Phật đi dàn xếp việc cãi vã, Tôn giả thường có một nguyên tắc “Nơi nào gây gổ chấm dứt ngay nơi ấy”. Tôn giả không đem việc gây ở chỗ này đi nói lại chỗ kia, không đem kể xấu người khởi gây cho người khác nghe. Nơi nào thị phi nơi ấy biết. Tôn giả không ưa khai thác rộng việc bất hòa, đã mở những gút mắc của tranh cãi thì không cho lưu dấu vết.

Với tư cách hòa chúng như vậy, thật không hổ là bậc trì giới, là thượng thủ trong Tăng đoàn.

Một hôm, đang trong mùa an cư, đức Phật sai tôn giả đến nước Sa-kỳ dẹp một nhóm gây nhau, Ưu-ba-ly từ chối không đi, đức Phật hỏi:

– Vì sao ông không đi?

Ưu-ba-ly biết câu chuyện này không có Phật giải hòa không xong, nhưng Tôn giả không tiện yêu cầu, chỉ mượn cớ thoái thác:

– Bạch Thế Tôn! Cái y Tăng-già-lê của con quá dày, nếu như đi đường gặp mưa ướt không khô, mà mang thêm một y nữa thì không hợp pháp, xin đức Thế Tôn từ bi, phen này đừng sai con đi được không?

Phật nghe xong, suy nghĩ giây lâu. Ngài muốn Ưu-ba-ly đi hóa giải, nên lại hỏi:

– Ông đi phen này mấy hôm trở về?

– Bạch Thế Tôn! Nếu như con phải đi, thì từ Xá-vệ đến nước Sa-kỳ mất hai ngày, ở lại đó hai ngày, trở về cũng mất hai ngày, một chuyến đi về cũng mất sáu ngày.

Đức Phật gật đầu nói:

– Từ nay về sau, trong thời gian an cư, Tỳ-kheo giữ trong người hai cái y, được phép trong vòng sáu ngày không phạm.

Vì muốn Ưu-ba-ly đi điều tra việc gây gổ mà đức Phật đã sửa đổi giới điều, chẳng phải là đem pháp luật chìu theo người, mà vì Ưu-ba-ly đã có địa vị trọng yếu như thế nào đối với Phật pháp!

Đức Phật sai Ưu-ba-ly đi điều tra chuyện gây gổ, dẹp tranh cãi, đối với các Tỳ-kheo ưa gây, Phật cũng thường bảo Ưu-ba-ly làm pháp Yết-ma sám hối cho họ. Trước khi cử hành pháp Yết-ma, Tôn giả trịnh trọng bảo mọi người:

– Thưa chư vị Đại đức! Tôi vâng lời Phật, vì các ông hay gây gổ làm các pháp Yết-ma, trị tẫn các ông. Lúc ấy, xin các ông đừng sợ hãi, đừng khởi niệm không vui.

Có một số Tỳ-kheo nghe tiếng nói uy nghiêm của Ưu-ba-ly đã không dám ở lại nơi đó, đã đi rồi cũng không dám tranh cãi, chẳng dám để cho vị chấp pháp như núi là Ưu-ba-ly làm pháp Yết-ma. Do đó, môi trường gây gổ dần dần biến mất. Thật tôn giả là vị trưởng lão hòa bình khéo dứt gây.

7- HỎI PHẬT VỀ GIỚI

Tôn giả Ưu-ba-ly có địa vị trọng yếu như thế và được tôn xưng là Trì Giới Đệ Nhất, là vì tất cả những vấn đề quan hệ đến giới pháp, Tôn giả thường đến đức Thế Tôn thưa hỏi đối thoại luận bàn, điều ấy có thể thấy ghi lại trong Luật tạng. Vì đó là những mẩu chuyện rời, hoặc là những giới điều khô khan, chúng tôi khó lòng dùng lối viết chuyện diễn tả vào đây. Hiện tại chỉ có thể sưu tập một hai việc, thuật ra đây đủ để biết những việc khác.

Trong chủng tộc Thích-ca thành Ca-tỳ-la-vệ, toàn quốc đã quy định luật lệ chung, nếu là người phụ nữ dòng họ Thích, không được kết hôn với người khác ngoài họ Thích. Nếu bất tuân sẽ trị tội nặng.

Lúc ấy có cô gái Hắc-ly-xa dòng họ Thích, tuổi đang thanh xuân, trong lúc mặt hoa dáng nguyệt tròn đầy lại bất hạnh chồng chết sớm, khiến một đời xuân trẻ gặp cảnh cô quả thiệt khó chịu được cảnh sớm tối tịch mịch. Ít lâu sau có một thanh niên thuộc họ khác đến cầu hôn, Hắc-ly-xa đã thuận lòng ưng chịu, nhưng gặp tên em chồng cản trở, muốn chiếm chị dâu làm vợ mình.

Tên này phẩm hạnh không ra gì, nhằm lúc Hắc-ly-xa gặp niềm vui mới, nàng đôi ba phen cự tuyệt không chịu đáp ứng, khiến hắn ta nổi giận thề rằng:

– Mi đã có tình riêng, ta sẽ giết mi cho xem.

Hắn bèn bỏ thuốc mê vào trong rượu khiến Hắc-ly-xa uống nhằm say bất tỉnh. Hắn đánh đập cô thương tích cùng mình và lên quan báo cáo.

– Cô này là vợ tôi, tư thông với người khác họ.

Khi Hắc-ly-xa tỉnh dậy, có miệng không lời, đã mang tội như vậy ắt là bị xử tử. Cô bèn thừa dịp người gác hơ hỏng, chạy trốn đến thành Xá-vệ và theo các Tỳ-kheo ni trong thành xuất gia.

Quan quân thành Ca-tỳ-la truy nã cô gái khắp nơi không thấy tung tích. Sau nghe tình báo cho biết Hắc-ly-xa hiện đào tẩu ở nước Xá-vệ, họ bèn tức tốc biên thư cho vua Ba-tư-nặc.

“Nước chúng tôi có một nữ tội phạm đã mang tội quốc pháp. Nghe tin cô ta đang đào tỵ ở quý quốc, chúng tôi mong rằng quý quốc giao trả nữ tội phạm ấy lại cho nước chúng tôi. Sau này, nếu có tội phạm của quý quốc trốn sang nước chúng tôi, chúng tôi cũng sẽ giao lại quý quốc xử lý.”

Vua Ba-tư-nặc xem thư xong hỏi các quan:

– Hắc-ly-xa thiệt có trốn đến nước ta chăng?

Các quan thưa:

– Khải bẩm đại vương! Hắc-ly-xa quả thật đang trốn tại nước ta, nhưng cô ấy đã theo các Tỳ-kheo ni xuất gia. Đại vương đã ban lệnh từ trước nếu ai phạm đến các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni sẽ bị tội nặng. Hiện tại, cô ta đã xuất gia thì đâu có ai dám làm gì được. Xin thỉnh ý đại vương phải dùng biện pháp gì đây?

Vua Ba-tư-nặc suy nghĩ đôi ba phen, rồi biên thư phúc đáp:

“Hắc-ly-xa quả thật có trốn ở nước tôi, nhưng hiện nay đã xuất gia, không thể truy tội. Nếu như việc khác sẽ xin như lời của quý quốc. ”

Vua quan dòng Thích-ca nhận được hồi âm ấy, đều bừng bừng tức giận. Có một nữ tội nhân mà không trừng trị được thì quốc pháp dùng vào đâu?

Vì một nữ phạm nhân xuất gia khiến cho hai nước gây mầm hiềm khích, tôn giả Ưu-ba-ly biết được việc ấy, bèn đến hỏi Phật:

– Bạch Thế Tôn! Người đã phạm quốc pháp, chúng ta có thể thâu nạp cho xuất gia không?

– Này Ưu-ba-ly! Quốc pháp hợp lý hay không hợp lý đó là việc của chánh phủ và dân chúng, nếu như đã phạm tội khi chưa được tuyên bố ân xá, Tăng đoàn không được làm phép xuất gia!

Vị Tỳ-kheo ni thâu nhận Hắc-ly-xa bị đức Thế Tôn quở trách một phen. Điều đó không phải Phật thiếu lòng từ, không cứu tội nhân, nhưng vì Tăng đoàn thanh tịnh phạm giới luật thì bị diệt tẫn, còn phạm phép nước phải chịu luật nước xử trị. Phật pháp không thể che chở cho tội nhân. Vì muốn kiện toàn Tăng đoàn, để cho giới pháp không xúc phạm quốc pháp, tôn giả Ưu-ba-ly đã bàn luận vấn đề này với Phật.

Ưu-ba-ly lại có khi thưa hỏi với đức Phật về một vấn đề lý thú:

– Bạch Thế Tôn! Tỳ-kheo và Tỳ-kheo ni có thể làm mai mối cho nam nữ không?

Đức Phật trả lời:

– Này Ưu-ba-ly! Nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni đem tâm tình người nam ngỏ với người nữ, đem ý người nữ nói với người nam, cho đến giới thiệu giao hội một lần, sẽ phạm Tăng-già-bà-thi-xa, cần phải hối quá.

– Như vậy thì, bạch Thế Tôn! Các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni trong Tăng đoàn đối với việc hôn lễ của tín đồ tại gia, phải nên có thái độ thế nào mới đúng?

– Không nên lưu tâm lắm, nếu là hợp pháp, thì có thể đối trước Tam bảo làm lễ chứng minh cho họ.

Giới là ý nghĩa phòng phi chỉ ác, vốn là khuôn phép cho thân tâm, mà vấn đề nam nữ rất dễ gây rắc rối, dễ đem lại phiền não bất an, tôn giả Ưu-ba-ly – Trì giới đệ nhất – đã thưa thỉnh đức Phật việc này. Trong giới luật đã liên quan đến việc hạn chế tương giao nam nữ rất nhiều.

8- PHÉP THĂM NUÔI BỆNH NHÂN

Đối với bệnh nhân thế nào? Ưu-ba-ly đã một phen xin đức Phật giảng giải tỉ mỉ về vấn đề này.

Khi có bệnh, tuy đang đau ốm nhưng phải thế nào mới hợp giới pháp? Khi thăm nuôi bệnh, phải chăm nom thế nào mới hợp pháp? Ưu-ba-ly rất quan tâm đến việc này.

Có lúc Tôn giả theo sau đức Thế Tôn, thấy một vị Tỳ-kheo bệnh nằm nơi ô uế không thể tự ngồi dậy, lại một lần khác Tôn giả thấy một Tỳ-kheo bệnh nằm bên đường đi, các Tỳ-kheo khác thấy rõ ràng nhưng vì đức Phật chưa chế giới khán bệnh nên thầy chỉ nhiễu quanh người bệnh rồi bỏ đi, không chăm nom. Lại có những Tỳ-kheo khi mang bệnh cho rằng không cần trì giới nên tự ý buông lung. Vì những chuyện như vậy, Tôn giả bèn đưa vấn đề ra thỉnh vấn đức Phật:

– Bạch Thế Tôn! Nếu như có Đại đức Tỳ-kheo bệnh, thì nên chăm sóc như thế nào?

– Này Ưu-ba-ly! Khi có Tỳ-kheo đại đức bệnh, không nên để nằm tại phòng thất nhỏ hẹp, nên để nằm ở phòng chính thoáng khí sáng sủa phía ngoài. Đệ tử của vị ấy nên thường hầu hạ hai bên, quét dọn trong phòng, cắm hoa đốt hương, tùy thời theo dõi hơi thở của thầy. Nếu các Tỳ-kheo đồng học đến thăm, nên rót nước mời trà. Nếu khách hỏi điều gì, người bệnh muốn đáp nhưng sức yếu không có tinh thần giảng giải, thị giả nên trả lời thay. Khi hỏi thăm an ủi nên tùy thuận thuyết pháp, vì người bệnh phục vụ mọi thứ, cung cấp đầy đủ những điều cần yếu của người bệnh về ăn uống, thuốc men. Nếu có tín chúng tại gia đến thăm bệnh, nên mời ngồi ở sau người bệnh, và vì họ thuyết pháp, nếu có cúng dường nên niệm Phật chú nguyện tiếp thọ. Nếu người bệnh muốn đại, tiểu tiện, người thăm bệnh nên lè lẹ lui ra. Trong phòng trừ người thị giả nuôi bệnh, ngoài cửa phòng cũng cần có người, không nên để người đột nhập.

Này Ưu-ba-ly! Tỳ-kheo Đại đức bệnh nên theo như trên mà khán bệnh.

– Bạch Thế Tôn! Tỳ-kheo tiểu đức khi bệnh, chúng con đến chăm sóc thăm nom như thế nào?

– Này Ưu-ba-ly! Tỳ-kheo nhỏ nếu đau ốm, không nên để nằm nơi phòng chính, đừng để hơi bệnh ô uế bay đến các phòng khác. Sư trưởng hoặc đệ tử của người đó đều nên đến chăm sóc. Nếu như không có đệ tử hay sư trưởng, các vị đồng trụ xứ nên cử người khán bệnh, đôi ba người thay phiên nhau chăm sóc. Bệnh nhân nếu cần thuốc men ăn uống, người khán bệnh nên cung cấp đầy đủ, nếu không có đầy đủ thuốc và vật thực thì đại chúng nên cấp cho, như đại chúng cũng không có, nên lấy những y bát đáng giá của người bệnh mà đổi lấy thuốc men, vật thực. Nếu như người bệnh tiếc rẻ không muốn đổi, nên bạch với vị trưởng lão đại đức mềm mỏng thuyết pháp để người bệnh vui lòng xả bỏ vật chất, rồi sau mới đem đổi. Nếu không có cách gì đổi chác, đại chúng nên đi xin về nuôi người bệnh. Nếu không xin được thì lựa thức ăn thượng vị của chúng Tăng đem cho, hoặc Tăng chúng không có, người khán bệnh nên đem theo hai bát vào làng xóm khất thực, lựa thức ăn ngon cho người bệnh. Này Ưu-ba-ly! Khi chăm sóc bệnh cho Tỳ-kheo nhỏ nên làm như thế.

Những vấn đề liên quan đến Tỳ-kheo có bệnh, cách ăn uống, thuốc thang quy định thế nào, cho đến sau khi bệnh nhân viên tịch xử lý những vật còn lại, tôn giả Ưu-ba-ly đều thưa hỏi Phật. Tôn giả đã lưu tâm tỉ mỉ đến người bệnh, chúng ta thấy rõ tinh thần từ bi vì người của Tôn giả, và đó cũng là tinh thần trì giới.

Một vị Tỳ-kheo xuất gia, cắt ái từ thân, xa cách làng xóm gia đình, gia nhập Tăng đoàn, mà lúc đau bệnh nếu không ai săn sóc sẽ rất khổ sở. Nhưng từ khi Ưu-ba-ly thưa hỏi đức Phật về cách khán bệnh thì quy củ ổn định, khi bệnh không còn bất ổn nữa. Trong tám phước điền thì khán bệnh là phước điền đệ nhất, nào là sư phụ, sư huynh, sư đệ, đệ tử đều chăm lo cho bệnh nhân. Qua câu chuyện giữa đức Phật và Ưu-ba-ly, chúng ta thấy vấn đề ấy rất quan trọng đối với Tăng chúng.

9- PHÁ TĂNG VÀ HÒA TĂNG

Ưu-ba-ly đứng trên lập trường trì giới, nên thường không quan tâm đến vấn đề pháp chế, vấn đề nam nữ, vấn đề lão bệnh, nhưng Tôn giả quan tâm nhất là vấn đề phá Tăng và hòa Tăng.

Trong Tăng đoàn lục hòa, hòa hợp về giới luật mới có thể đồng sống chung, cho nên một vị Tỳ-kheo trì giới đặc biệt để ý đến vấn đề Tăng đoàn hòa hợp.

Một hôm, Phật ở tại thành Xá-vệ, Ưu-ba-ly nghĩ đến vấn đề đoàn kết của chúng Tăng, Tôn giả bèn đến chỗ của đức Phật, cúi đầu đảnh lễ và thưa hỏi:

– Bạch Thế Tôn! Con xin hỏi về thế nào là phá hòa hợp Tăng?

– Này Ưu-ba-ly! – Đức Phật ngừng một chút rồi mới nói. Nếu có vị Tỳ-kheo hiểu nghĩa lý sâu xa đúng pháp đúng luật, thì các đệ tử của vị ấy dù tại gia hay xuất gia đều phải lễ bái, cung kính, tùy thuận theo lời chỉ dạy của vị ấy. Nếu có người khinh thị, đàm tiếu, chê bai, hủy báng đó là phá hòa hợp Tăng. Nếu các tín đồ tại gia, đối với chư Tăng phân chia nhân ngã, hoặc khiêu khích gây mầm chia rẽ trong Tăng đoàn, hoặc làm nhiều chuyện rối rắm, gọi đó là phá hòa hợp Tăng. Hoặc như quan quân chính quyền cố dùng quyền thế mà can thiệp vào nội bộ tự viện, xua đuổi Tăng Ni, gọi là phá hòa hợp Tăng.

– Bạch Thế Tôn! Người phá hòa hợp Tăng bị tội ra sao?

– Ưu-ba-ly! Tội phá hòa hợp Tăng phải đọa địa ngục, chịu khổ trong một kiếp.

Ưu-ba-ly lại hỏi:

– Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là hòa hợp Tăng?

– Này Ưu-ba-ly! Lễ bái cung kính tùy thuận theo vị Tỳ-kheo như pháp, như luật, và có thể phát tâm hỗ trợ chúng Tăng, khen ngợi chúng Tăng, thì gọi là hòa hợp Tăng.

– Như vậy thì người hòa hợp Tăng được những công đức gì?

– Công đức của người ấy được sanh lên cõi trời thọ hưởng khoái lạc trong một kiếp.

Công và tội của hòa Tăng và phá Tăng, không phải Ưu-ba-ly không biết, nhưng Tôn giả muốn chính kim khẩu Phật nói ra điều đó để tăng thêm sự quan trọng và sức mạnh. Tôn giả vốn là một người khiêm tốn, giữ luật, rành rẽ nghĩa lý, tác phong của Tôn giả, thái độ của Tôn giả khiến chúng ta phát khởi lòng kỉnh ái vô lượng.

10- KẾT TẬP TẠNG LUẬT

Bình thường tôn giả Ưu-ba-ly xử lý những rắc rối trong Tăng đoàn, thường làm pháp Yết-ma sám hối cho các Tỳ-kheo phạm giới, thường luận bàn với đức Phật về những chỗ vi tế trong giới luật. Lâu dần, tôn giả thành một bậc danh cao đức trọng, về phương diện giới luật, Tôn giả có đầy đủ quyền hạn. Đức Phật tuyên bố tôn giả là người Trì giới đệ nhất, và các vị Tỳ-kheo trong Tăng đoàn cũng công nhận như vậy.

Có các Tỳ-kheo và Tỳ-kheo ni, nếu không hiểu một vài điểm trong giới luật, không tiện thưa hỏi Phật, thảy đều thỉnh giáo với Ưu-ba-ly. Tôn giả như một cổ đại hồng chung trầm mặc, bình thường ít nói, nhưng gặp việc cũng phát ra ảnh hưởng lớn.

Một đời của Ưu-ba-ly, vì Tôn giả là vị Tỳ-kheo trì giới, rất ít giao thiệp với kẻ thế tục, không có những hoạt động ngoài xã hội. Giới luật được thành lập vì Tăng đoàn nên sanh hoạt của Ưu-ba-ly xưa nay không rời khỏi Tăng đoàn. Những ký sự liên quan đến Tôn giả, chúng ta cũng chỉ có thể giới hạn trong Tăng đoàn.
Khi đức Phật nhập Niết-bàn, Tôn giả cũng xấp xỉ bảy mươi tuổi. Các vị đại đệ tử vân tập trong hang Tất-bát-la, do Đại Ca-diếp làm thủ tọa, đã đề cử A-nan kết tập tạng Kinh, Ưu-ba-ly kết tập tạng Luật, nhưng đang khi đại chúng cung thỉnh, Tôn giả đã khiêm tốn từ chối:

– Tôi không dám đảm nhận trách nhiệm lớn lao, xin chư vị hãy mời trưởng lão khác.

Tôn giả Đại Ca-diếp ủng hộ Ưu-ba-ly, thấy từ chối, bèn nói:

– Tôn giả Ưu-ba-ly! Xin đừng khách sáo. Tuy hôm nay ngồi tại tòa có năm trăm người đều là Tỳ-kheo trưởng lão, nhưng ngay từ ban đầu, đức Thế Tôn đã thọ ký Tôn giả thành tựu được mười bốn pháp, trừ đức Phật ra, trong Tăng đoàn Ngài là người trì giới đệ nhất, tạng Luật hiện tại do Tôn giả tụng ra đấy!
Ưu-ba-ly nhận lời, và trước tiên đưa ra nhiều nguyên tắc, yêu cầu đại chúng cùng tuân theo, rồi sau mới tụng luật.

Khi Tôn giả lên tòa, mỗi mỗi điều luật đều nói rõ giới này Phật nói lúc nào, ở đâu, nói với người nào, do nguyên nhân gì mà chế giới, và phạm giới ấy có tội, không tội ra sao. Các vị trưởng lão tham gia cuộc kết tập, đối với sự ghi nhớ tỉ mỉ của Tôn giả đều khâm phục sát đất.

Một vị xuất thân từ dòng hạ tiện, lại có địa vị cao tột như thế trong Tăng đoàn, thiệt chẳng phải là điều ngẫu nhiên. Sau hết, vì tôn giả đã chủ trì buổi kết tập Thánh điển Luật tạng, một trong ba tạng, nên được hưởng thọ sự kính ngưỡng bái phục của muôn đời sau, khiến cho các dân tộc khổ nạn thêm tín tâm mạnh mẽ, khiến cho ánh sáng bình đẳng của Phật giáo đã chiếu sáng ngàn vạn đời cho tất cả chúng sanh.