TÂY VỰC KÝ
Thích Như Điển
Nguyễn Minh Tiến
Việt dịch và chú giải
QUYỂN 6 – (4 nước)
- Nước Thất-la-phạt-tất-để
- Nước Kiếp-tỷ-la-phạt-tốt-đổ
- Nước Lam-ma
- Nước Câu-thi-na-yết-la
1. Nước Thất-la-phạt-tất-để
Nước Thất-la-phạt-tất-để chu vi gần 2.000 km. Kinh thành hoang phế, đổ nát, không còn xác định được phạm vi đến đâu. Nền cũ cung điện chu vi khoảng 6.5 km, tuy cũng hoang vu đổ nát nhưng vẫn còn có người ở. Nơi đây lúa má tốt tươi, khí hậu ôn hòa, phong tục thuần phác chân chất, người dân ham học, ưa thích làm việc phước thiện.
Có khoảng mấy trăm ngôi chùa, hư hoại đổ nát quá nhiều, tăng sĩ rất ít, tu tập theo phái Chính lượng [thuộc Tiểu thừa]. Đền thờ Phạm thiên có khoảng trăm nơi, rất nhiều người theo ngoại đạo. Nơi đây khi đức Như Lai còn tại thế, có vua Bát-la-tê-na-thị-đa trị vì. Bên trong cung điện xưa còn lại một nền móng cũ, chính là nền cung điện của vua Thắng Quân.
Tiếp theo về hướng đông cách đó không xa lại có một khu nền cũ, trên ấy dựng lên một ngọn tháp nhỏ, chính là nơi ngày xưa vua Thắng Quân đã vì đức Như Lai mà cho xây dựng pháp đường rộng lớn.
Bên cạnh pháp đường này, cách đó không xa lại có một nền cũ khác, bên trên có tháp, chính là di tích ngôi tinh xá ni của Tỳ-kheo ni Bát-la-xà-bát-để, di mẫu của đức Phật, do vua Thắng Quân xây dựng.
Ngọn tháp tiếp theo về phía đông [xây dựng trên nền] nhà cũ của ông Tô-đạt-đa. Bên cạnh nền nhà này có một ngọn tháp lớn, là nơi Ương-cũ-lợi-ma-la bỏ tà theo chánh.
Ương-cũ-lợi-ma-la là một người hung ác ở Thất-la-phạt-tất-để, giết hại nhiều người, tàn bạo độc ác, giết người rồi lấy ngón tay xâu lại thành vòng đội lên đầu. Khi ông sắp giết mẹ mình để lấy cho đủ số ngón tay, đức Thế Tôn vì lòng bi mẫn liền hiện đến hóa độ. Từ xa nhìn thấy đức Thế Tôn, Ương-cũ-lợi-ma-la trong lòng vui mừng tự nghĩ rằng: “Ta nay chắc chắn sẽ được sinh lên cõi trời, vì thầy ta trước đây có dạy, những ai hại Phật, giết mẹ ắt được sinh lên cõi trời.” Liền nói với mẹ: “Bà hãy đợi ở đây, ta đi giết gã sa-môn kia trước.” Nói rồi cầm gươm chạy đến để giết đức Thế Tôn. Đức Như Lai từ hòa chậm rãi lui bước, nhưng Ương-cũ-lợi-ma-la cố hết sức chạy nhanh theo vẫn không kịp. Đức Thế Tôn nói: “Sao ngươi lại giữ tâm xấu ác, bỏ gốc lành, buông thả theo việc ác?”
Ương-cũ-lợi-ma-la nghe lời Phật dạy, chợt nhận ra việc làm sai trái của mình, nhân đó liền xin quy y, xuất gia tu tập, tinh tấn chuyên cần không giải đãi, cuối cùng chứng quả A-la-hán.
Phía nam kinh thành, cách xa khoảng 1.5-1.9 km có rừng Thệ-đa, là khu vườn của ông Cấp Cô Độc xưa kia. Đại thần Thiện Thí của vua Thắng Quân đã vì Phật mà xây dựng tinh xá. Trước đây là một tu viện lớn nhưng nay đã hoang phế. Nơi cửa phía đông [của tinh xá], hai bên đều có dựng trụ đá, cao hơn 23 mét. Trụ đá bên trái chạm khắc hình luân tướng trên đỉnh, trụ đá bên phải có khắc hình con bò ở bên trên. Cả hai đều do vua Vô Ưu dựng lên. Phòng ốc nơi đây đã đổ nát hết, chỉ còn lại nền móng cũ, duy nhất có một căn nhà bằng gạch nung vẫn còn tồn tại trơ trọi, trong đó có một tượng Phật. Thuở xưa khi đức Như Lai lên cõi trời Ba mươi ba vì mẹ thuyết pháp, vua Thắng Quân nghe chuyện vua Xuất Ái cho khắc tượng Phật bằng gỗ chiên-đàn nên cũng cho khắc tượng Phật này.
Trưởng giả Thiện Thí là người nhân từ, thông minh mẫn tiệp, có thể tạo ra của cải rất nhiều mà cũng có thể ban phát bố thí, cứu giúp những người nghèo khổ, cô độc, nên người thời bấy giờ ngưỡng mộ đức hạnh của ông, tôn danh hiệu là Cấp Cô Độc.
Ông Cấp Cô Độc nghe nói về công đức của đức Phật, sinh lòng tôn kính sâu xa nên phát nguyện xây dựng tinh xá, thỉnh Phật quang lâm đến đây. Đức Thế Tôn cho ngài Xá-lợi-phất theo đến vùng này xem xét tìm hiểu, thấy chỉ có khu đất vườn của thái tử Thệ-đa là thoáng rộng thích hợp. Ông Cấp Cô Độc liền đến gặp thái tử trình bày rõ sự việc và ý muốn của mình. Thái tử nói đùa rằng: “Trải vàng kín đất thì ta mới bán.” Ông Thiện Thí nghe xong trút sạch lo lắng, liền lập tức xuất vàng trong kho trải lên khắp mặt đất đúng như lời thái tử. Khi chỉ còn một ít chưa phủ kín, thái tử bảo chừa lại rồi nói: “Đức Phật đúng là ruộng phước, chúng ta nên cùng gieo hạt giống lành.” [Rồi phát tâm cúng chỗ đất ấy.]
Sau đó, tinh xá được xây dựng trên những phần đất trống, [còn cây vườn giữ nguyên.] Đức Thế Tôn nhân việc ấy bảo ngài A-nan: “Đất vườn ông Thiện Thí đã mua, còn cây vườn do thái tử Thệ-đa cúng dường. Hai người đồng lòng làm nên việc rất lớn lao này. Từ nay về sau nên gọi nơi đây là Vườn ông Cấp Cô Độc, cây của Thệ-đa.”
Phía đông bắc khu vườn Cấp Cô Độc có một ngọn tháp, là nơi đức Như Lai tắm rửa cho một tỳ-kheo bị bệnh.
Thuở Như Lai còn tại thế, có một vị tỳ-kheo bị bệnh, đau nhức khổ sở ở riêng một mình. Đức Thế Tôn thấy vậy hỏi rằng: “Vì sao ông đau đớn khổ sở như thế? Vì sao ông ở một mình?”
Vị tỳ-kheo thưa: “Tánh tình con lười nhác, [xưa nay] không chịu chăm sóc người bệnh, vì thế nay con mắc bệnh chẳng ai ngó ngàng đến con.”
Bấy giờ, đức Như Lai thương xót nói rằng: “Thiện nam tử, nay ta sẽ chăm sóc cho ông.”
Như Lai nói rồi đưa tay xoa vào người vị tỳ-kheo, bệnh khổ liền tiêu trừ. Rồi đức Phật đỡ vị tỳ-kheo ra bên ngoài nhà, lại giúp thay cỏ thuốc đắp trên vết thương, đích thân tắm rửa cho rồi thay y phục mới. Sau đó, đức Phật khích lệ vị tỳ-kheo: “Hãy nỗ lực tinh tấn lên.”
Vị tỳ-kheo nghe lời Phật dạy hết sức biết ơn, thân tâm đều cảm thấy vui mừng khoan khoái.
Phía tây bắc của khu vườn Cấp Cô Độc có một ngọn tháp nhỏ, là nơi ngài Một-đặc-già-la vận sức thần thông nhưng không thể nhấc lên nổi cái dải y của ngài Xá-lợi tử.
Thuở ấy, khi Phật đang ở tại hồ Vô Nhiệt Não, đại chúng trời, người đều tụ họp đến, duy chỉ có ngài Xá-lợi tử chưa đến được đúng lúc, Phật dạy ngài Một-đặc-già-la đến triệu vời. Ngài Một-đặc-già-la vâng mệnh ra đi, đến nơi thấy ngài Xá-lợi tử đang ngồi vá tấm pháp y. Ngài Một-đặc-già-la nói: “Đức Thế Tôn hiện đang ở tại hồ Vô Nhiệt Não, bảo tôi gọi ngài đến.”
Ngài Xá-lợi tử đáp: “Xin đợi một lát, tôi vá y xong sẽ cùng đi.”
Ngài Một-đặc-già-la nói: “Nếu ngài không đi ngay, tôi sẽ vận sức thần thông đưa cả ngài và gian thạch thất này đến chỗ đại hội.”
Ngài Xá-lợi tử liền đặt dải buộc y trên đất rồi nói: “Nếu ngài nhấc cái dải buộc y này lên được thì thân tôi mới lay động.”
Ngài Một-đặc-già-la vận sức đại thần thông cố nhấc dải buộc y lên nhưng vẫn thấy nằm yên, còn mặt đất thì chấn động, liền dùng phép thần túc quay về chỗ Phật. Đến nơi thì thấy ngài Xá-lợi tử đã ngồi trong chúng hội rồi.
Ngài Một-đặc-già-la cúi đầu thán phục khen rằng: “Hôm nay mới biết là sức thần thông thật không bằng sức trí tuệ.”
Không xa chỗ ngọn tháp nơi ngài Một-đặc-già-la nhấc dải y có một cái giếng. Khi Như Lai còn tại thế, giếng luôn đầy nước đủ cho Phật dùng. Bên cạnh đó có một ngọn tháp do vua Vô Ưu xây dựng, trong đó có thờ xá-lợi của đức Như Lai. Ngoài ra những nơi di tích Phật kinh hành, thuyết pháp… đều có dựng trụ làm dấu hoặc xây tháp.
Những nơi này đều có thiện thần hộ pháp âm thầm bảo vệ, thường hiện những điềm lành, hoặc có người nghe tiếng âm nhạc cõi trời, hoặc ngửi được mùi hương thần, điềm lành phúc lớn khó kể ra hết.
Phía sau khu tinh xá không xa là nơi thuở xưa ngoại đạo Phạm chí đã giết hại cô kỹ nữ để [lấy cớ vu cáo] phỉ báng Phật.
Đức Như Lai có đủ Mười sức, Mười điều chẳng sợ, Trí hiểu biết tất cả [Nhất thiết chủng trí], nên chư thiên, loài người đều tôn trọng kính nguỡng, các bậc hiền thánh đều kính cẩn vâng theo. Lúc bấy giờ, bọn ngoại đạo cùng hội họp bàn nhau rằng: “Chúng ta nên dùng mưu dối trá để phỉ báng [sa-môn Cồ-đàm] giữa hội chúng.”
Bàn tính như vậy rồi, bọn họ liền nói dối để thuê một cô kỹ nữ, giả vờ vào nghe Phật thuyết pháp, chờ đến khi mọi người đều biết việc cô này đến nghe pháp, liền bí mật giết chết cô, đem chôn xác bên gốc cây rồi [giả vờ] oán trách, trình báo lên đức vua. Vua ra lệnh truy tìm thì trong vườn Thệ-đa [quân binh] tìm được xác chết. Lúc bấy giờ ngoại đạo lớn tiếng nói rằng: “Sa-môn Kiều-đáp-ma thường xưng là giữ giới, thế mà nay dan díu với cô gái này rồi giết người để bịt miệng. Đã phạm tội dâm dục lại phạm tội giết người, sao có thể gọi là giữ giới?”
Chư thiên ở giữa không trung liền lên tiếng đáp trả rằng: “Đây là lời của bọn ngoại đạo hung ác vu cáo phỉ báng mà thôi.”
Từ tinh xá Kỳ viên đi về hướng đông khoảng 170 mét, có một cái hố lớn rất sâu. Đây là nơi Đề-bà-đạt-đa muốn dùng thuốc độc hại Phật, liền bị [chỗ đất này sụp xuống, khiến] đọa vào địa ngục ngay khi còn đang sống.
Đề-bà-đạt-đa là con vua Hộc Phạn. Ông tinh tấn chuyên cần trải qua 12 năm trì tụng 80 ngàn Pháp tạng. Sau vì lợi dưỡng mà cầu học thần thông rồi thân cận với bạn xấu ác, cùng tụ tập bàn luận, nói rằng: “Ta có 30 tướng tốt, nào kém Phật bao nhiêu? Nếu có đại chúng vây quanh thì đâu khác gì Như Lai?”
Suy nghĩ như vậy rồi liền làm việc phá hòa hợp, gây chia rẽ chúng tăng. Ngài Xá-lợi tử và ngài Một-đặc-già-la vâng lời Phật dạy, nương oai thần của Phật, đến thuyết pháp răn dạy, Tăng chúng lại hòa hợp như trước. Nhưng Đề-bà-đạt-đa không bỏ tâm xấu ác, liền dùng thuốc độc bôi vào móng tay, dự tính nhân lúc lễ Phật sẽ làm hại Phật. Đang khi thực hiện mưu kế này, từ xa đi đến [chỗ Phật,] nhưng vừa đến đây thì đất nứt ra, liền bị rơi xuống địa ngục trong lúc còn sống.
Từ chỗ này nhìn về hướng nam lại có một hố lớn nữa, là nơi tỳ-kheo Cù-già-lê hủy báng Như Lai, liền bị rơi vào địa ngục trong lúc còn đang sống.
Từ hố này đi về hướng nam hơn 700 mét có một hố lớn rất sâu nữa. Đây là nơi cô gái bà-la-môn Chiến-già hủy báng đức Như Lai, bị đọa địa ngục khi còn đang sống.
[Thuở ấy,] đức Phật đã vì hàng trời, người thuyết giảng các pháp trọng yếu. Có người [nữ] đệ tử của ngoại đạo từ xa nhìn thấy đức Thế Tôn được đại chúng cung kính liền tự nghĩ rằng: “Nhất định hôm nay phải làm nhục Kiều-đáp-ma, khiến cho mất hết danh dự, để chỉ riêng thầy ta được nổi danh thôi.”
Nghĩ rồi liền buộc một cái bát gỗ [giấu trong áo] trước bụng, rồi đi đến vườn Cấp Cô Độc, ở giữa đại chúng lớn tiếng nói rằng: “Người đang thuyết pháp kia đã cùng tôi tư thông, đứa con trong bụng này chính là dòng họ Thích.”
Những kẻ tà kiến đều tin lời ấy là thật, nhưng người trung thực đều biết đó là lời phỉ báng. Lúc bấy giờ, Thiên Đế Thích muốn trừ bỏ sự nghi ngờ [cho đại chúng], liền hóa làm một con chuột bạch, cắn đứt dây buộc bát gỗ. Bát gỗ rơi xuống thành tiếng làm chấn động đại chúng. Những người chứng kiến sự việc đều hết sức vui thích. Trong số đó có một người đứng lên cầm lấy cái bát gỗ, chỉ cho cô Chiến-già xem và hỏi: “Đây là con của cô sao?”
Ngay lúc ấy, mặt đất tự nhiên nứt ra, toàn thân cô gái ấy rơi xuống, đọa ngay vào địa ngục Vô gián, chịu đủ mọi khổ não.
Ba hố sâu vừa nói trên đều như không đáy. Mùa thu, mùa hạ, mưa đổ dầm dề, hồ ao sông suối đều tràn ngập nước, nhưng các hố sâu này không có nước đọng.
Về phía đông của tinh xá Kỳ viên, cách khoảng 100 – 120 mét, có một tinh xá cao khoảng 20 mét, trong đó có một tượng Phật ngồi xoay mặt về hướng đông. Đây chính là nơi ngày xưa đức Như Lai luận nghị [khuất phục] các ngoại đạo.
Kế tiếp về hướng đông lại có một đền thờ Phạm thiên, kích thước bằng như tinh xá. Buổi sáng mặt trời lên, nắng chiếu bóng của đền thờ không che đến tinh xá. Buổi chiều khi mặt trời sắp lặn thì bóng của tinh xá phủ lên đền thờ.
Từ chỗ tinh xá này đi về hướng đông khoảng 1.3 km có một ngọn tháp, chính là nơi tôn giả Xá-lợi tử luận nghị cùng ngoại đạo.
Ban đầu, khi Trưởng giả Thiện Thí mua vườn của Thái tử Thệ-đa, muốn vì đức Như Lai mà xây dựng tinh xá, Tôn giả Xá-lợi tử đi theo trưởng giả để xem xét tìm nơi thích hợp. Lúc đó, bọn sáu thầy ngoại đạo đòi tỷ đấu thần lực. Ngài Xá-lợi tử đã nương theo việc này để nhiếp hóa, hàng phục những người theo ngoại đạo.
Bên cạnh mặt trước của tinh xá có một ngọn tháp, là nơi Như Lai phá trừ ngoại đạo cùng nhận lời thỉnh cầu của bà Tỳ-xá-khư.
Phía nam của ngọn tháp này là nơi vua Tỳ-lô-trạch-ca kéo quân đến để giết sạch họ Thích nhưng gặp Phật liền lui binh về.
Vua Tỳ-lô-trạch-ca sau khi nối ngôi muốn rửa hận việc bị [người họ Thích] làm nhục trước đây nên huy động đại binh, sắp xếp vừa xong thì thân hành dẫn quân sang đánh. Lúc đó có vị tỳ-kheo nghe tin liền bạch Phật. Đức Thế Tôn liền đến ngồi dưới một gốc cây khô [bên đường chờ đón]. Vua Tỳ-lô-trạch-ca từ xa nhìn thấy đức Thế Tôn liền xuống ngựa kính lễ, rồi lui về phía sau đứng, thưa hỏi: “[Gần đây] có cây cành lá sum suê che mát sao ngài không ngồi, lại ngồi dưới một gốc cây khô trơ trụi?”
Đức Thế Tôn đáp rằng: “Người cùng tộc họ cũng như cành lá [che mát], cành lá mà gặp nguy thì bóng mát còn đâu nữa?”
Vua nói: “Đức Thế Tôn muốn vì người trong tộc họ của mình đây mà. Ta nên quay về thôi.”
Vua gặp Phật nên trong lòng cảm động, liền lui quân về nước.
Kế bên chỗ nhà vua lui quân, có một ngọn tháp, chính là nơi những người phụ nữ họ Thích bị sát hại.
Vua Tỳ-lô-trạch-ca thành công trong việc giết sạch [nam giới] cả dòng họ Thích, lại chọn 500 cô gái họ Thích đưa vào nội cung [phục vụ]. Những cô gái họ Thích vì quá giận dữ, không kiềm được lời oán hận, mắng nhiếc nhà vua: “Ngươi là con của đứa nô tỳ.” Vua nghe như vậy nổi giận, liền ra lệnh giết. Người thi hành lệnh y theo lời vua, [mang 500 cô gái ấy ra] chặt hết chân tay rồi ném vào hầm sâu. Lúc bấy giờ, các cô gái họ Thích đau đớn khổ sở nên đồng thanh xưng danh Phật. Đức Thế Tôn quán chiếu biết rõ cảnh khổ của họ, liền bảo các thầy tỳ-kheo cùng ngài đi đến đó, vì họ mà thuyết giảng giáo pháp nhiệm mầu, chỉ rõ do sự ràng buộc của năm món dục mà [chúng sinh] phải lưu chuyển trong ba đường ác, cứ trải qua ân ái rồi ly biệt, sống chết nối nhau lâu dài mãi mãi. Lúc ấy, những người con gái họ Thích nghe lời Phật răn dạy rồi, [trong tâm] liền xa lìa hết ô nhiễm cõi trần, chứng được mắt pháp thanh tịnh, tất cả đều cùng lúc qua đời, cùng được sinh lên cõi trời. Lúc ấy, Thiên Đế Thích hóa làm một người bà-la-môn thu nhặt thi hài của họ mang đi hỏa táng. Người đời sau đã ghi chép lại chuyện này.
Không xa bên cạnh ngọn tháp ghi dấu nơi sát hại những người con gái họ Thích có một hồ lớn khô kiệt nước. Đây là nơi vua Tỳ-lô-trạch-ca bị vùi lấp toàn thân, đọa vào địa ngục.
Đức Thế Tôn đến chỗ những cô gái họ Thích rồi, khi về lại vườn Cấp Cô Độc liền nói với các vị tỳ-kheo: “Giờ đây, vua Tỳ-lô-trạch-ca sau bảy ngày nữa sẽ bị lửa thiêu.”
Vua nghe Phật báo trước như vậy, hết sức lo lắng sợ hãi. Cho đến ngày thứ bảy vẫn được an ổn chưa gặp nguy hiểm, vua muốn làm tiệc ăn mừng, liền ra lệnh cho cung nữ cùng đi đến bờ sông ăn uống vui chơi. Nhưng vì sợ lửa thiêu [như lời Phật nói] nên vua cho chèo thuyền nhẹ ra sông, thả trôi theo sóng nước, [vui chơi trên đó]. Đột nhiên thuyền bốc lửa, thiêu rụi cả thuyền, rồi toàn thân vua từ trên thuyền rơi thẳng xuống đọa vào địa ngục Vô Gián, chịu đủ mọi sự khổ não.
Từ chỗ tinh xá này đi về hướng tây bắc khoảng 1-1.4 km thì đến rừng Đắc Nhãn. Nơi đây có di tích nơi đức Như Lai kinh hành và các vị thánh tu tập thiền định. Tất cả đều được rào chắn và có bảng ghi dấu hoặc xây dựng tháp.
Thuở xưa, nơi đây có một bọn cướp năm trăm tên, hoành hành khắp trong thôn xóm. Vua Thắng Quân bắt được rồi, ra lệnh móc mắt, thả vào rừng sâu. Bọn trộm đau đớn khổ sở quá, cầu khẩn xưng danh Phật. Lúc đó, Như Lai đang ở tinh xá Thệ-đa, nghe được tiếng cầu khẩn bi thương của họ liền khởi tâm từ bi, tạo một cơn gió mát êm dịu đưa cỏ thuốc từ Tuyết Sơn đến đắp lên mắt họ, khiến cho được sáng mắt như trước. Vừa mở mắt ra liền nhìn thấy đức Thế Tôn đứng trước mặt, tất cả đều vui mừng phát tâm Bồ-đề, cung kính lễ Phật, sau đó vất bỏ gậy gộc rồi đi. [Những cây gậy ấy] bén rễ xuống đất, mọc lên thành cây rừng.
Từ kinh thành đi về hướng tây bắc hơn 20 km lại có một thành cổ. Đây là nơi trong Hiền kiếp này, lúc tuổi thọ con người là 20.000 tuổi, có đức Phật Ca-diệp-ba ra đời. Phía nam thành này có một ngọn tháp, là nơi sau khi thành Chánh giác đức Phật [Ca-diệp-ba] lần đầu gặp lại phụ thân. Phía bắc thành phía bắc cũng có một ngọn tháp, là nơi lưu giữ xá-lợi toàn thân của đức Phật Ca-diệp-ba. Tất cả tháp đều do vua Vô Ưu xây dựng.
Từ nơi đây đi về hướng đông nam hơn 163 km thì đến nước Kiếp-tỷ-la-phạt-tốt-đổ, thuộc miền Trung Ấn.
2. Nước Kiếp-tỷ-la-phạt-tốt-đổ
Nước Kiếp-tỷ-la-phạt-tốt-đổ chu vi khoảng 1.300 km, có mười mấy khu thành trống không, hoang phế vô cùng. Vương thành [khi xưa giờ] hư sụp đổ nát, phạm vi không còn xác định được, chỉ còn phần thành nội chu vi khoảng 4.6-4.9 km, xây bằng gạch nung, nền cao chắc chắn, hoang vắng đã lâu, dân cư thưa thớt.
Trong nước không có vua, mỗi thành đều tự lập người cai quản. Đất đai màu mỡ, lúa má gieo trồng theo thời vụ, khí hậu điều hòa, phong tục ôn hòa dễ chịu. Có hơn ngàn nền chùa cổ nhưng kế bên cung thành nay chỉ có một ngôi chùa, tăng sĩ hơn 30 vị, đều tu tập theo phái Chính lượng thuộc Tiểu thừa. Đền thờ Phạm thiên có hai nơi, ngoại đạo các phái chung sống lẫn lộn.
Bên trong cung thành còn một nền móng cổ, là cung điện chính của vua Tịnh Phạn, trên đó có xây dựng một tinh xá, bên trong có tượng của nhà vua.
Cách đó không xa có một nền cổ khác, chính là hậu cung của phu nhân Ma-ha-ma-da. Trên khu nền cũ này cũng có xây dựng một tinh xá và trong đó có tượng của phu nhân. Tinh xá kề bên đó là nơi Bồ Tát Thích-ca giáng thần vào thai mẹ, bên trong có tượng Bồ Tát giáng thần.
Theo Thượng tọa bộ thì Bồ Tát giáng thần vào thai mẹ nhằm đêm ba mươi của tháng ốt-đa-la át-sa-đồ, nhằm vào ngày 15 tháng 5 [theo lịch Trung Hoa]. Các bộ phái khác đều cho rằng Bồ Tát giáng thần vào thai mẹ đêm 23 cùng tháng đó, nhằm ngày mồng 8 tháng 5.
Từ nơi Bồ Tát giáng thần, nhìn về hướng đông bắc có một ngọn tháp, là nơi vị tiên A-tư-đa xem tướng thái tử.
Ngày Bồ Tát đản sanh có rất nhiều điềm lành hội tụ. Vua Tịnh Phạn cho mời các vị thầy đoán tướng đến hỏi rằng: “Đứa con này sanh ra, tương lai lành dữ thế nào, các ông hãy nói cho thật rõ ràng chính xác.”
Đáp rằng: “Cứ theo như ghi chép của các bậc thánh xưa và khảo sát các điềm lành tương ứng [thì biết rằng, Thái tử] nếu ở đời sẽ làm Chuyển luân Thánh vương, nếu xuất gia sẽ thành bậc Đẳng Chánh Giác.”
Lúc bấy giờ, tiên A-tư-đa từ xa tìm đến, xin được diện kiến. Vua hết sức vui mừng, cung kính đón tiếp, kính lễ rồi mời ngồi trên tòa báu, thưa rằng: “Thật không ngờ hôm nay được đại tiên hạ cố giáng lâm.”
Tiên A-tư-đa nói: “Ta đang ngồi yên ổn ở thiên cung, bỗng thấy chư thiên kéo nhau từng đoàn ca múa, liền hỏi: ‘Có việc gì các vị vui mừng đến thế?’ Chư thiên đáp rằng: ‘Đại tiên nên biết, đệ nhất phu nhân của vua Tịnh Phạn thuộc dòng họ Thích ở châu Nam Thiệm-bộ vừa hạ sanh thái tử, tương lai sẽ chứng quả Chánh giác, thành tựu Nhất thiết trí.’ Ta nghe như vậy nên tìm đến đây để chiêm nguỡng. Chỉ buồn cho ta nay đã già yếu, không thể chờ đến lúc Đại Thánh giáo hóa.”
Cửa thành phía nam có một ngọn tháp, là nơi thái tử và các [thanh niên] họ Thích đọ sức, từng ném [xác] một con voi.
Thái tử vốn nhiều tài nghệ, vượt xa hẳn những bạn cùng lứa. Vua Tịnh Phạn mừng vui khi nghe thái tử sắp trở về, liền sai người quản tượng chuẩn bị đưa voi ra ngoài thành đón. Đề-bà-đạt-đa vốn luôn cậy vào sức mạnh của mình, lúc ấy từ bên ngoài đi vào hỏi người quản tượng: “Chuẩn bị kiệu voi trang nghiêm thế này, để cho ai cưỡi vậy?” Người quản tượng đáp: “Thái tử sắp về nên đưa đến cho ngài cưỡi.”
Đề-bà-đạt-đa [nghe như vậy] nổi giận [vì ganh tức với thái tử], liền đến bên voi, dùng tay đấm vào trán voi, dùng chân đá vào bụng voi, khiến voi ngã lăn ra chết, nằm chặn giữa đường, không ai dịch chuyển nổi xác voi. Người đi đường đều bị cản trở, ùn tắc không qua lại được. Vương tử Nan-đà đến sau hỏi rằng: “Ai giết chết con voi này?”
Mọi người đáp: “Là Đề-bà-đạt-đa.”
Nan-đà liền kéo [xác voi] tránh ra ven đường. Khi thái tử đến lại hỏi: “Ai đã làm việc độc ác, giết chết con voi này?”
Có người đáp rằng: “Đề-bà-đạt-đa giết chết voi làm bít cửa thành, Nan-đà kéo sang một bên để mở lối đi.”
Thái tử liền nâng xác voi ném lên cao, bay qua khỏi hào sâu quanh thành. Chỗ xác voi rơi xuống lún thành một cái hầm lớn, dân gian thường gọi là hầm Voi Rơi.
Kế bên [tháp ở cửa thành phía nam] có một tinh xá, bên trong có tượng của Thái Tử. Cạnh đó lại có một tinh xá khác, là [vị trí] hậu cung Thái tử phi [ngày trước], trong đó có tượng của Da-du-đà-la và La-hỗ-la. Bên cạnh lại có một tinh xá, dựng tượng thái tử trong tư thế đang học tập. Nơi đây chính là nền cũ ngôi trường học của thái tử.
Ở góc thành phía đông nam có một tinh xá, trong có tượng thái tử cưỡi ngựa trắng phi trên hư không. Đây là nơi thái tử vượt thành [ra đi xuất gia].
Bên ngoài bốn cửa thành có bốn tinh xá, [tùy theo nơi] mà bên trong đó có tượng [thể hiện] người già, người bệnh, người chết và tượng sa-môn.
[Thuở xưa,] thái tử sau khi dạo chơi [ra bốn cửa thành, lần đầu tiên] thấy các tướng [già, bệnh, chết] thì càng thêm ưu tư trong lòng, hết sức chán bỏ trần tục, nhân đó có sự xúc cảm và nhận biết [về cuộc nhân sinh], liền ra lệnh cho người đánh xe quay về.
Từ thành này đi về phía nam đi hơn 16 km thì gặp một thành cổ, trong có một ngọn tháp. Đây là nơi đản sinh của đức Phật Ca-la-ca-thôn-đà trong Hiền kiếp này, vào thời mà tuổi thọ trung bình của con người là 60.000 tuổi. Cách thành này về phía nam không xa có một ngọn tháp, là nơi [đức Phật Ca-la-ca-thôn-đà lần đầu tiên] gặp lại phụ thân sau khi thành Chánh Giác.
Phía đông nam của thành này có một ngọn tháp, trong có xá-lợi di thân của đức Như Lai [Ca-la-ca-thôn-đà]. Phía trước tháp có dựng trụ đá cao hơn 10 mét, phía trên khắc hình tượng sư tử, bên cạnh [khắc chữ] ghi lại sự kiện [đức Phật] nhập diệt. Tháp và trụ đá đều do vua Vô Ưu xây dựng.
Từ thành này đi về hướng đông bắc khoảng 10 km thì đến một thành cổ rất lớn, trong có một ngọn tháp, là nơi đức Phật Ca-nặc-ca-mâu-ni đản sinh trong Hiền kiếp này, vào lúc tuổi thọ trung bình của con người là 40.000 tuổi.
Không xa về phía đông bắc có một ngọn tháp, là nơi [đức Phật Ca-nặc-ca-mâu-ni] sau khi thành Chánh Giác đã hóa độ phụ thân. Tiếp theo về phía bắc cũng có một ngọn tháp, trong có xá-lợi di thân của đức Như Lai Ca-nặc-ca-mâu-ni, phía trước có dựng trụ đá cao gần 7 mét, phía trên có khắc hình sư tử, bên cạnh [khắc chữ] ghi lại sự kiện [đức Phật] nhập diệt. Tháp và trụ đá đều do vua Vô Ưu xây dựng.
Từ thành này đi về hướng đông bắc khoảng 13 km có một ngọn tháp, là nơi ngày xưa thái tử ngồi dưới bóng cây xem cày ruộng, nhân đó ngài nhập định, chứng pháp ly dục. Vua Tịnh Phạn nhìn thấy thái tử ngồi dưới bóng cây nhập định, mặt trời ngày càng lên cao mà chỗ bóng cây [che mát thái tử] vẫn không di động, trong lòng vua cảm nhận được sự thiêng liêng thánh thiện nên càng thêm kính quý.
Về phía tây bắc của thành này có đến mấy trăm ngàn ngọn tháp, là nơi dòng họ Thích bị tàn sát.
[Thuở xưa,] vua Tỳ-lô-trạch-ca đánh thắng họ Thích, bắt hết người trong tộc họ, tổng cộng 99.900.000 người, đều mang ra giết sạch, xác người la liệt phủ kín mặt đất, máu chảy đọng thành ao hồ. Chư thiên muốn lay động lòng người nên thu nhặt hết thi hài chôn cất.
Phía tây nam của khu vực họ Thích bị tàn sát, có bốn ngọn tháp nhỏ, là nơi bốn người họ Thích kháng cự [quân của vua Tỳ-lô-trạch-ca].
[Thuở xưa,] vua Thắng Quân lên ngôi rồi, sang cầu hôn với người họ Thích. Họ Thích khinh chê vua thuộc dòng tộc kém hơn mình nên lừa dối lấy người con gái của một nữ tỳ gả cho. Vua Thắng Quân [lúc đó không biết] lập làm chánh hậu, rồi sinh ra một người con trai, chính là vua Tỳ-lô-trạch-ca [sau này].
Tỳ-lô-trạch-ca muốn về bên họ ngoại để học hỏi rèn luyện các kỹ năng. Lúc đến thành phía nam thấy một giảng đường mới xây, liền vào trong đó tạm nghỉ ngơi. Người họ Thích biết được liền đuổi ra, lại nhiếc mắng rằng: “[Ngươi là] con của tỳ nữ hèn hạ, sao dám vào giảng đường này! Nhà này do họ Thích xây dựng là để cúng dường đức Phật.”
Vua Tỳ-lô-trạch-ca sau khi nối ngôi, muốn rửa mối nhục ngày trước nên huy động quân binh, kéo đến đóng quân tại vị trí này. [Lúc đó,] bốn người họ Thích đang cày ruộng, liền lập tức xông ra kháng cự, đánh cho quân địch tán loạn thối lui, rồi mới quay vào trong thành. Những người họ Thích trong thành cho rằng, [họ Thích] kế thừa phúc lộc ông cha là Chuyển luân vương, lại là cùng tông tộc với đấng Pháp vương, mà nay [bốn người này] lại dám có hành vi hung bạo, nhẫn tâm giết hại [quân địch], thật là làm ô nhục tông môn, nên họ quyết định cắt đứt tình thân tộc, trục xuất bốn người này phải đi thật xa.
Bốn người họ Thích bị trục xuất cùng theo hướng bắc, hướng về Tuyết sơn mà đi. [Về sau,] một người làm vua nước Ô-trượng-na, một người làm vua nước Phạm-diễn-na, một người làm vua nước Hứ-ma-đát-la và một người làm vua nước Thương-di, đời đời truyền nối cơ nghiệp, con cháu nối dòng không dứt.
Về phía nam của thành, cách khoảng 1-1.4 km, trong rừng cây ni-câu-luật có một ngọn tháp do vua Vô Ưu xây dựng, là nơi đức Phật Thích-ca sau khi thành Chánh Giác quay về nước gặp lại phụ vương, vì cha thuyết pháp.
Vua Tịnh Phạn sau khi biết rằng Như Lai đã hàng phục được ma quân và đang đi hóa độ nhiều nơi, trong lòng rất khao khát được gặp mặt kính lễ, liền sai sứ đến thỉnh Như Lai, dặn nói rằng: “Trước đây ngài có hẹn khi thành Phật rồi sẽ quay về quê quán, lời hứa này như vẫn còn bên tai, nay đã đến lúc xin cất bước quay về.”
Sứ giả đến chỗ Phật nói rõ ý vua, Như Lai nói: “Bảy ngày nữa ta sẽ trở về quê quán.”
Sứ giả về tâu lên, vua Tịnh Phạn liền ra lệnh cho dân chúng quét dọn đường sá, chuẩn bị sẵn hương hoa và cùng quần thần ra khỏi thành hơn 13 km, chờ để nghinh tiếp. Lúc bấy giờ, đức Như Lai cùng đi với đại chúng, tám vị thần Kim cương hộ vệ chung quanh, bốn thiên vương dẫn đường phía trước, Đế Thích và chư thiên các cõi trời Dục giới theo hầu bên trái, Phạm vương cùng chư thiên các cõi trời Sắc giới theo hầu bên phải, các vị tỳ-kheo đi thành hàng phía sau. Đức Phật nổi bật lên giữa đại chúng như mặt trăng ở giữa các vì sao, uy thần chấn động khắp Ba cõi, hào quang chiếu sáng hơn cả ánh sáng của mặt trời, mặt trăng và 5 vì sao lớn, bước đi trên hư không về lại nơi sinh của mình.
Vua Tịnh Phạn cùng triều thần lễ kính rồi lui về trong thành, [đức Phật cùng chư tỳ-kheo] nghỉ lại ở chùa Ni-câu-lô-đà.
Không xa bên cạnh [ngọn tháp nơi đức Phật gặp lại vua cha], có một ngọn tháp là nơi [trước đây] Như Lai ngồi dưới gốc cây đại thọ, xoay mặt về hướng đông, thọ nhận áo cà-sa bằng tơ vàng của di mẫu ngài. Kế đến là ngọn tháp ghi dấu nơi Như Lai hóa độ 8 vương tử và 500 người họ Thích.
Bên trong cửa thành phía đông, phía bên tay trái con đường có một ngọn tháp, là nơi ngày xưa thái tử Nhất Thiết Nghĩa Thành học tập, rèn luyện các kỹ năng, nghệ thuật. Bên ngoài cửa thành có đền thờ Tự Tại Thiên, trong đền có tượng Tự Tại Thiên Vương trong tư thế đứng dậy [nghinh tiếp], chính là [mô tả] khi thái tử [còn bé] được bế vào đền.
[Thuở xưa,] khi Vua Tịnh Phạn từ vườn Lạp-phạt-ni đón thái tử về thành, trên đường đi ngang qua đền này. Vua nói: “Ngôi đền này có nhiều sự linh ứng. Các đứa bé dòng họ Thích đưa đến đây cầu nguyện gia hộ đều được linh nghiệm. Nên đưa thái tử vào đây lễ kính.”
Lúc bấy giờ, người bảo mẫu bế thái tử vào đền, tượng Tự Tại Thiên bằng đá liền đứng dậy để nghinh đón thái tử. Khi đưa thái tử đi ra rồi, tượng mới ngồi xuống.
Bên ngoài cửa nam của thành, phía bên trái của đường đi có một ngọn tháp, là nơi thái tử và những thanh niên họ Thích cùng tỷ thí võ nghệ, bắn tên vào trống sắt. Từ chỗ này đi về hướng đông nam khoảng 11 km có một ngọn tháp nhỏ, bên cạnh có dòng suối, nước trong như soi gương. Khi thái tử cùng những thanh niên họ Thích thi thố sức mạnh giương cung, mũi tên thái tử bắn ra đã xuyên thủng trống [bằng sắt] rồi bay luôn đến tận hồ này, cắm vào lòng đất mất tích. Từ chỗ đó một dòng nước trong chảy vọt ra, người đời sau gọi là suối Bắn Tên. Những ai có bệnh uống nước suối này, rất nhiều người được khỏi bệnh. Những người từ xa đến lấy bùn [ở đây] mang về, tùy chỗ đau khác nhau đều lấy bùn nhão này bôi lên trán, sẽ được thần linh bảo hộ, nhiều người nhờ vậy được khỏi bệnh.
Từ suối Bắn Tên đi về hướng đông bắc khoảng 2.5-3 km thì đến rừng Lạp-phạt-ni, có hồ tắm của dòng họ Thích, nước trong như soi gương, các loại hoa mọc phủ khắp mặt đất. Từ hồ tắm nhìn sang phía bắc khoảng 40 mét có cây hoa vô ưu, giờ đã khô héo, chính là nơi linh địa Bồ Tát đản sanh. Bồ Tát đản sanh vào ngày mồng tám của tháng phệ-xá-khư (vesakha), nhằm ngày mồng tám tháng ba [theo lịch Trung Hoa]. Theo Thượng tọa bộ thì là ngày 15 tháng phệ-xá-khư, nhằm ngày 15 tháng 3 [theo lịch Trung Hoa].
Tiếp đến về phía đông có một ngọn tháp do vua Vô Ưu xây dựng, là nơi hai con rồng phun nước tắm thái tử.
Bồ Tát sanh ra liền tự đi không cần nâng đỡ, đi về bốn hướng, mỗi hướng bảy bước, và tự nói rằng: “Khắp trong trời đất chỉ có ta là cao quý nhất. Sanh ra lần này là dứt trừ sanh tử.” Theo mỗi bước đi của ngài, dưới chân đều mọc lên một đóa hoa sen lớn, rồi hai con rồng bỗng xuất hiện trên không trung cùng phun nước xuống, một vòi nước lạnh, một vòi nước ấm để tắm cho thái tử.
Kế bên ngọn tháp rồng tắm thái tử, về hướng đông có hai dòng suối trong, bên cạnh có hai ngọn tháp, là nơi hai con rồng từ dưới đất vọt lên.
Bồ Tát sanh ra rồi, những người trong hoàng tộc đều hối hả đi tìm nước để tắm cho thái tử. Khi ấy thì phía trước hoàng hậu ra bỗng có hai dòng suối chảy vọt ra, một ấm một lạnh, liền dùng nước đó để tắm rửa.
Từ đây nhìn sang phía nam có một ngọn tháp, là nơi Thiên Đế Thích đón đỡ lấy Bồ Tát khi vừa sanh ra.
Khi Bồ Tát vừa ra khỏi thai mẹ, Thiên Đế Thích lập tức hiện ra quỳ xuống dùng tấm y huyền diệu của cõi trời đỡ lấy Bồ Tát.
Tiếp theo đó có bốn ngọn tháp, là nơi Tứ thiên vương nâng bế Bồ Tát [lúc vừa sinh ra].
Bồ Tát từ hông phải [mẫu thân] sinh ra, Tứ đại thiên vương dùng tấm y lụa quý màu vàng nâng Bồ Tát đặt lên giường vàng, rồi đến trước hoàng hậu thưa rằng: “Phu nhân sinh ra người con đầy phúc lành này, thật hết sức đáng mừng. Chư thiên còn vui mừng huống chi người trần thế?”
Cách những ngọn tháp nơi Tứ thiên vương nâng bế thái tử không xa, có một trụ đá lớn, trên đầu chạm hình con ngựa, do vua Vô Ưu dựng lên, về sau bị con rồng dữ hóa ra sấm sét làm trụ bị gãy ngang ở giữa, ngã lăn trên mặt đất.
Bên cạnh đó có một con sông nhỏ chảy về hướng đông nam, tục gọi là sông Dầu. Khi hoàng hậu Ma-da vừa sinh thái tử, chư thiên hóa ra hồ nước mát mẻ trong trẻo để phu nhân tắm gội sạch hết cáu bẩn và trừ những bệnh phong khí, hư tổn [hậu sản]. Ngày nay hồ nước ấy biến thành dòng sông này, vẫn còn dấu vết cáu bẩn và chất nhờn [như nước tắm thải ra].
Từ nơi đây đi về hướng đông đều là rừng hoang đồng trống, khoảng 65 km thì đến nước Lam-ma, thuộc miền Trung Ấn.
3. Nước Lam-ma
Nước Lam-ma đã từ lâu hoang vu trống trải, ranh giới không xác định được, thành ấp đổ nát hoang tàn, dân cư hết sức thưa thớt.
Phía đông nam của thành cổ có một ngọn tháp xây bằng gạch nung, cao khoảng 30 mét.
Thuở xưa, sau khi đức Như Lai nhập diệt, vua nước này đến chia được một phần xá-lợi mang về, theo đúng phép tắc xây dựng tháp này, thường có nhiều điều linh hiển, thỉnh thoảng lại có hào quang tỏa chiếu.
Bên cạnh tháp có một hồ nước trong, có con rồng mỗi lần ra khỏi hồ thì hóa hình thành rắn bò nhiễu trọn vòng quanh tháp theo hướng về bên phải. Voi rừng họp thành bầy cùng nhau [dùng vòi] hái hoa rải trên tháp, như có thần linh âm thầm hộ trì giám sát nên chưa từng gián đoạn.
Thuở xưa, khi vua Vô Ưu phân chia xá-lợi để xây tháp thờ phụng khắp nơi, những tháp có xá-lợi trước đây do bảy nước xây dựng đều đã mở ra [để lấy xá-lợi phân chia lại], liền đến nước này, chuẩn bị bắt đầu việc mở tháp. Long vương ở hồ này sợ vua lấy xá-lợi đi liền hóa thành một người bà-la-môn đến lễ trước đầu voi của vua thưa rằng: “Đại Vương có lòng lưu giữ Phật pháp, rộng tạo phước lành, kẻ hèn này bạo gan dám thỉnh đại vương khó nhọc một phen giáng lâm tệ xá.”
Vua hỏi: “Nhà ông ở đâu, gần hay xa?”
Người bà-la-môn đáp: “Tôi là Long vương ở hồ này, thấy đại vương muốn tạo phước đức nên mới dám đến thưa thỉnh.”
Vua nhận lời mời, cùng đi vào Long cung. Ngồi được một hồi lâu, Long vương nói: “Tôi vì tạo nghiệp ác phải sinh làm thân rồng. Do vậy nên cúng dường xá-lợi Phật mong được tiêu trừ tội nghiệp. Thỉnh đại vương đích thân đến xem sự lễ kính của tôi.”
Vua Vô Ưu xem qua rồi, kinh ngạc nói rằng: “Hết thảy những phẩm vật cúng dường này con người không thể có được.”
Long vương liền nói: “Nếu đã là như vậy thì xin đừng phá bỏ chỗ cúng dường của tôi.”
Vua Vô Ưu tự lượng sức mình không chống nổi Long vương, nên hủy bỏ việc mở tháp này.
Nơi nhà vua đi ra khỏi hồ, nay vẫn được ngăn quanh và có dựng trụ làm dấu.
Cách ngọn tháp này không xa có một ngôi chùa, tăng chúng rất ít, rộng thoáng sạch đẹp, [đặc biệt là do] một sa-di đảm nhận hết công việc quản lý chung. Khách tăng từ xa đến luôn được tiếp đãi long trọng, mời ở lại ba ngày, cúng dường đầy đủ bốn thứ nhu yếu.
Xem trong các ghi chép xưa thấy viết rằng: “Ngày xưa có một vị tỳ-kheo cùng các vị tăng khác từ xa đến đây lễ tháp, nhìn thấy một bầy voi tất bật tới lui quanh tháp, dùng ngà xới cỏ hoặc dùng vòi tưới nước, lại cùng nhau mang những loài hoa lạ đến cúng dường. Bấy giờ, chúng tăng nhìn thấy đều xúc động thương cảm. Vị tỳ-kheo ấy [nhân việc này] liền xả giới cụ túc, nguyện ở lại để cúng dường [tháp Phật], nói lời từ biệt các vị khác rằng: “Tôi chỉ là nhờ được nhiều phước báu nên mới lạm đứng vào hàng tăng chúng, nhưng năm tháng qua mau mà sự tu tập chẳng có thành tựu gì. Nay trong tháp này có xá-lợi Phật, do đức độ của Phật mà âm thầm chiêu cảm cả bầy voi đến đây dọn cỏ, tưới nước. Nay tôi nguyện gửi thân nơi đất này, cùng với bầy voi dọn tháp cúng dường cho đến hết phần đời còn lại, được như vậy là điều may mắn nhất rồi.”
Chúng tăng đều nói: “Việc này thật tốt đẹp thay. Chúng tôi đây tâm địa cũng cấu nhiễm nặng nề, chỉ là không đủ trí tuệ để quyết định như ông. Mong ông tự bảo trọng, không bỏ dở công hạnh thù thắng này.”
Vị ấy sau khi rời khỏi chúng tăng, tự thân quyết chí thành tâm lập nguyện, an nhiên hoan hỷ sống một mình, lập chí sống như vậy cho đến cuối đời.
Từ đó, vị này cắt cỏ tranh làm nhà, dẫn nước vào thành hồ, tùy mùa hái hoa tươi [cúng dường], rưới nước quét dọn sạch sẽ quanh tháp, trải qua nhiều năm tháng phụng sự lòng không biếng trễ.
Vua các nước quanh vùng nghe biết sự việc này, hết sức kính trọng, tranh nhau cúng dường tiền bạc châu báu, chung sức xây dựng [bên cạnh đó] một ngôi chùa lớn rồi thỉnh người giữ tháp này đảm nhận hết thảy công việc của chúng tăng. Từ đó về sau, để không quên công hạnh của vị [sa-di] ấy nên chùa này luôn đề cử sa-di đảm nhận tất cả công việc quản lý tăng chúng.
Từ ngôi chùa này theo hướng đông đi trong rừng rậm khoảng 32 km thì đến một ngọn tháp do vua Vô Ưu xây dựng, là nơi thái tử vượt thành đi đến đây thì cởi bỏ hoàng bào, chuỗi anh lạc, giao cho người hầu mang về.
Thái tử vượt thành ra đi lúc nửa đêm, trời sáng thì đến nơi đây, đã đạt được tâm nguyện nên tự nghĩ rằng: “Đây là nơi ta dứt bỏ được mọi ràng buộc, cởi bỏ hết xiềng xích, là nơi cuối cùng lìa bỏ xa giá.” Rồi [thái tử] lấy viên bảo châu như ý cài trên mũ ra, dặn người đánh xe rằng: “Ông mang viên ngọc quý này về, thưa với phụ vương ta, nay ta đã lánh thân đi xa, chẳng phải sự xa lìa tạm thời, mà ta muốn dứt bỏ vô thường, trừ sạch hết lậu hoặc.”
[Người đánh xe là] Xiển-đạc-ca thưa rằng: “Kẻ tôi tớ này còn lòng dạ nào mà trở về với xa giá trống rỗng?”
Thái tử liền dùng lời khéo léo an ủi, [khiến cho người đánh xe] nhận hiểu được mà quay về.
Phía đông tháp này có một cây thiệm-bộ (jambu), tuy cành lá đã khô nhưng gốc vẫn còn đó. Bên cạnh lại có một ngọn tháp nhỏ, là nơi thái tử lấy áo quý còn lại của mình đổi lấy áo bằng da hươu [của người thợ săn].
Thái tử tuy đã cắt tóc, thay đổi y phục, cởi bỏ chuỗi ngọc, nhưng trên người vẫn còn một tấm thiên y, liền tự nghĩ: “Tấm áo này quý báu quá [thật không thích hợp với ta bây giờ], biết làm sao để thay đổi?”
Lúc đó, chư thiên cõi trời Tịnh Cư liền hóa thành người thợ săn mặc áo da hươu, mang cung tên [đi đến]. Thái tử nâng tấm y của mình lên nói rằng: “Tôi muốn đổi áo với ông, mong ông chấp thuận.”
Người thợ săn đáp ngay: “Tốt lắm!”
Thái tử liền cởi tấm y ra trao cho người thợ săn. Người thợ săn nhận lấy tấm y, [đổi áo cho Thái tử] rồi, hiện nguyên hình chư thiên, bay lên không trung.
Từ nơi thái tử đổi áo, cách đó không xa có một ngọn tháp do vua Vô Ưu xây dựng, là nơi thái tử cắt tóc.
Thái tử lấy con dao của Xiển-đạc-ca để tự cắt tóc. Thiên Đế Thích đón lấy [tóc ngài] mang về Thiên cung để thờ phụng cúng dường.
Lúc bấy giờ, chư thiên cõi trời Tịnh Cư hóa làm người thợ cắt tóc, cầm một con dao sắc, thong thả đi đến. Thái tử đón hỏi: “Ông cạo tóc được không? Xin cạo sạch giúp tôi.” Người thợ do chư thiên hóa hình đó liền vâng lời cạo tóc [cho thái tử].
Thời điểm thái tử vượt thành đi xuất gia cũng không được xác định, có nơi nói lúc Bồ Tát 19 tuổi, có nơi nói 29 tuổi, vào giữa đêm mồng tám tháng phệ-xá-khư, nhằm ngày mồng tám tháng ba theo lịch Trung Hoa. Hoặc có nơi nói là giữa đêm 15 tháng phệ-xá-khư, tức nhằm ngày 15 tháng 3 theo lịch Trung Hoa.
Từ ngọn tháp nơi thái tử cạo tóc, đi về hướng đông nam qua vùng đồng trống hoang vắng, khoảng 57-61 km, đến rừng Ni-câu-lô-đà thì có một ngọn tháp cao hơn 10 mét.
Ngày xưa, sau khi Như Lai tịch diệt, xá-lợi đã phân chia xong mà các vị bà-la-môn không nhận được gì, liền đến chỗ đất làm lễ niết-điệp-ban-na thu gom lấy phần tro than còn lại, mang về nước mình xây lên ngọn tháp này để thờ phụng cúng dường. Từ đó thường có nhiều điều linh ứng, những người có tật bịnh đến đây cầu nguyện rất nhiều người được khỏi.
Bên cạnh tháp này, trong khuôn viên một ngôi chùa cổ, có di tích nơi bốn vị Phật quá khứ tọa thiền cùng kinh hành. Hai bên ngôi chùa cổ này có mấy trăm ngọn tháp, trong đó có một tháp lớn do vua Vô Ưu xây dựng, nền tháp tuy nghiêng lún nhưng vẫn còn cao hơn 33 mét.
Từ nơi đây đi về hướng đông bắc là rừng rậm, đường đi gian nan hiểm trở, đầy khó khăn nguy hiểm, có bò rừng, voi hoang, đảng cướp, thợ săn… luôn chực chờ rình rập khách đi đường, sẵn sàng hãm hại. Ra khỏi khu rừng này là đến nước Câu-thi-na-yết-la, thuộc miền Trung Ấn.
4. Nước Câu-thi-na-yết-la
Nước Câu-thi-na-yết-la thành quách sụp đổ hư nát, xóm ấp tiêu điều. Nền thành cổ xây bằng gạch, chu vi khoảng 3.2 km, dân cư thưa thớt, đường sá hoang vu.
Nơi góc đông bắc trong thành có một ngọn tháp do vua Vô Ưu xây dựng, trên nền nhà cũ của ông Chuẩn-đà. Trong nhà có một cái giếng, thuở xưa ngay lúc ông chuẩn bị cúng dường đức Phật thì mới đào cái giếng này. Tuy trải qua nhiều năm tháng nhưng nước giếng vẫn còn trong trẻo.
Về phía tây bắc của thành, cách khoảng 1-1.4 km, qua sông A-thị-đa-phạt-để, cách bờ sông phía tây không xa là rừng sa-la. Cây sa-la cùng họ với cây sồi nhưng vỏ màu trắng xanh, lá cây sáng láng. Có bốn cây đặc biệt cao hơn, chính là nơi đức Như Lai nhập Niết-bàn.
Nơi đây có một tinh xá lớn xây bằng gạch, bên trong có tượng đức Phật nhập Niết-bàn, nằm quay đầu về hướng bắc. Bên cạnh đó có một ngọn tháp do vua Vô Ưu xây dựng, tuy nền móng đã nghiêng lún nhưng vẫn còn cao khoảng 70 mét. Phía trước có dựng một trụ đá để ghi chép về sự tịch diệt của Như Lai, nhưng lại không thấy ghi ngày tháng.
Đọc trong các ghi chép trước đây thấy ghi rằng: Phật sống đến năm 80 tuổi, vào ngày 15 tháng phệ-xá-khư nhập Niết-bàn, nhằm ngày 15 tháng 3 theo lịch Trung Hoa. Theo phái Thuyết nhất thiết hữu thì Phật nhập Niết-bàn vào ngày mồng tám tháng Ca-lạt-để-ca, nhằm ngày mồng tám tháng chín theo lịch Trung Hoa.
Về [năm] Phật nhập Niết-bàn, các bộ phái nói khác nhau, hoặc cho là đã hơn 1.200 năm, hoặc nói hơn 1.300 năm, hoặc nói hơn 1.500 năm, hoặc nói hơn 900 năm nhưng chưa đến 1.000 năm.
Bên cạnh tinh xá này, cách đó không xa có một ngọn tháp. Ngày xưa đức Như Lai thuở còn tu hạnh Bồ Tát sinh làm con chim trĩ chúa cứu lửa, chính là ở nơi này.
Thuở ấy nơi đây là khu rừng lớn rậm rạp, là nơi cư trú của nhiều loài thú và chim muông. Hôm ấy trời nổi gió bão từ khắp bốn phương, khu rừng bị lửa cháy dữ dội. Có một con chim trĩ ôm lòng thương xót muôn loài, cố sức lao mình xuống suối nước cho ướt cánh rồi bay lên cao rảy cánh để dập lửa. Lúc ấy, Thiên Đế Thích nhìn thấy hiện đến nói: “Sao ngươi ngu si đến thế, chỉ phí sức mệt cánh vô ích? Lửa dữ đã bốc cao thiêu cả khu rừng, sức lực nhỏ nhoi của ngươi như vậy lại có thể dập tắt được sao?”
Chim trĩ liền hỏi: “Ai đang nói đó?”
Đáp rằng: “Ta là Thiên Đế Thích.”
Chim trĩ nói: “Nay Thiên Đế có đại phước lực, muốn gì được nấy, việc trừ tai cứu nạn dễ như trở bàn tay, [nhưng đã không làm mà] ngược lại còn vặn hỏi ta sao làm việc phí công, vậy ai có lỗi? Lửa đang cháy mạnh, thôi đừng lắm lời.” Nói rồi tiếp tục bay nhanh đến suối lấy nước.
Thiên Đế liền dùng tay vốc nước tưới khắp khu rừng, lửa tắt khói tan, muôn loài được cứu sống. Cho nên ngày nay gọi đây là tháp Cứu Hỏa.
Cách tháp Cứu Hỏa không xa, có một ngọn tháp khác, là nơi đức Như Lai thuở còn tu hạnh Bồ Tát sinh làm con hươu cứu sống [muôn thú].
Ngày xưa, nơi đây có một khu rừng lớn, bị lửa cháy lan khắp, các loài thú chạy đã cùng đường, phía trước là dòng suối nước chảy siết ngăn lại, phía sau thì lửa dữ tràn tới, không thể thoát cảnh chết chìm dưới nước hoặc lửa thiêu mất mạng. [Bồ Tát] hươu khởi tâm thương xót, dùng thân mình vắt ngang qua dòng suối [để bắc cầu cho các loài thú đi qua], da rách xương gãy nhưng vẫn cố sức chịu đựng. Có một con thỏ què chân đi chậm đến sau cùng, hươu cố gắng chịu đựng cho đến khi thỏ lên được bờ bên kia rồi thì kiệt sức, rơi xuống suối chết chìm. Chư thiên [cảm động nên] vớt xác hươu, dựng tháp này đặt vào.
Không xa về phía tây của tháp này là nơi ông Tô-bạt-đà-la nhập diệt.
Ông Thiện Hiền vốn là một vị thầy Phạm chí đã 120 tuổi, là bậc kỳ cựu nhiều trí tuệ, nghe Phật nhập diệt liền tìm đến nói với ngài A-nan: “Đức Thế Tôn sắp nhập diệt nhưng lòng tôi còn nhiều nghi ngờ, xin được thỉnh vấn.”
Ngài A-nan nói: “Phật sắp nhập Niết-bàn, mong ông đừng quấy rầy.”
Ông Thiện Hiền nói: “Tôi nghe rằng khó gặp Phật ra đời, Chánh pháp khó được nghe. Tôi có mối nghi sâu nặng, sợ không còn chỗ để thưa hỏi.”
Thiện Hiền được vào gặp Phật, trước hết hỏi rằng: “Các phái khác nhau ai cũng tự xưng là thầy, mỗi vị đều có pháp khác nhau, dẫn dắt kẻ đạo người tục, Kiều-đáp-ma có thể biết hết không?”
Đức Phật đáp: “Ta đã nghiên cứu sâu xa tất cả.”
Rồi liền vì ông Thiện Hiền mà giảng thuyết, nghe xong liền được tâm thanh tịnh, tin hiểu, xin được xuất gia thọ giới Cụ túc.
Đức Như Lai dạy rằng: “Ông nghĩ là mình xuất gia được sao? Những người ngoại đạo, học pháp khác, muốn xuất gia tu Phạm hạnh trong giáo pháp của ta cần phải thử thách trong 4 năm, xem hành vi, xét tính nết, nếu được đủ oai nghi, tịch nhiên tĩnh lặng, lời nói thành thật, thì mới có thể được vào tu hạnh thanh tịnh trong pháp của ta. Nhưng điều này cũng tùy thuộc vào hành vi của mỗi người, chẳng có gì là khó.”
Ông Thiện Hiền thưa: “Đức Thế Tôn từ bi thương xót, cứu độ khắp muôn người không phân biệt, qua bốn năm tập học như vậy thì ba nghiệp mới được thuần phục.”
Đức Phật dạy: “Như ta đã nói, điều này tùy thuộc vào hành vi của mỗi người.”
Liền cho phép Thiện Hiền xuất gia, thọ giới Cụ túc. Ông chuyên cần gắng sức tu tập, thân tâm đều mạnh mẽ, vì đối với các pháp không còn gì nghi ngờ nên tự mình trải nghiệm, thực chứng. Vừa quá nửa đêm chưa được bao lâu, ông chứng quả A-la-hán, dứt hết các lậu hoặc, thành tựu phạm hạnh. Vì không muốn thấy cảnh Phật nhập Niết-bàn nên liền ở ngay trong chúng mà nhập định Hỏa giới, hiện các phép thần thông rồi tịch diệt trước [Phật]. Ông là người đệ tử cuối cùng của đức Như Lai nhưng lại nhập diệt trước, tiền thân trước đây chính là con thỏ què được Bồ Tát hươu cứu thoát cuối cùng.
Bên cạnh tháp nơi ông Thiện Hiền tịch diệt có một tháp khác, là nơi xưa kia thần Chấp Kim cương ngã lăn ngất xỉu.
Đức Đại Bi Thế Tôn tùy căn cơ mà làm lợi lạc chúng sinh, việc hóa độ đã xong nên vào cảnh vui Niết-bàn, ở giữa hai cây sa-la, nằm xoay đầu về hướng bắc. Thần Chấp Kim cương, lực sĩ Mật Tích thấy Phật diệt độ liền sầu thảm than khóc rằng: “Như Lai bỏ con vào Niết-bàn rồi, không có chỗ nương tựa, không có ai bảo hộ che chở, con như bị tên độc, bị lửa sầu bi thiêu đốt.”
Than khóc rồi ném chày kim cương, ngã lăn ra đất ngất xỉu. Hồi lâu mới tỉnh lại, bi ai luyến tiếc lại bảo nhau rằng: “Biển sanh tử lớn, còn đâu thuyền từ cứu độ? Đêm dài vô minh, biết ai thắp đuốc soi đường?”
Kế bên ngọn tháp nơi thần Kim cương ngã xuống đất, lại có một ngọn tháp nữa, là nơi [chư thiên] thiết lễ cúng dường trong bảy ngày sau khi Như Lai diệt độ.
Khi Như Lai sắp diệt độ, hào quang soi chiếu khắp nơi, trời người đều tụ hội đến, ai ai cũng đau buồn thương cảm, cùng bảo nhau rằng: “Đấng Đại Giác Thế Tôn nay sắp vào Niết-bàn, phước lành của chúng sinh đã hết, thế gian không còn nơi nương tựa.”
Đức Như Lai nằm nghiêng bên phải trên giường sư tử, bảo với đại chúng rằng: “Các ông đừng nói rằng Như Lai cuối cùng rồi cũng nhập diệt, vì pháp thân là thường trụ, lìa khỏi mọi sự biến đổi. Hãy trừ bỏ sự biếng nhác trễ nãi, sớm cầu giải thoát.”
Các vị tỳ-kheo đều buồn đau, sụt sùi thương cảm khóc than. Lúc bấy giờ, ngài A-nê-luật-đà bảo các tỳ-kheo rằng: “Thôi đi, thôi đi! Các thầy đừng buồn đau than khóc nữa, kẻo chư thiên quở trách.”
Lúc bấy giờ, người dân nước Mạt-la cúng dường Phật đã xong, muốn đưa kim quan đến chỗ làm lễ Niết-điệp-ban-na (trà-tỳ) thì ngài A-nê-luật-đà liền bảo: “Hãy khoan! Chư thiên còn muốn lưu kim quan lại đây để cúng dường trong bảy ngày.”
Liền đó chư thiên mang hoa đẹp cõi trời, từ trên không trung tán tụng thánh đức, mỗi vị đều đem hết tâm thành cùng lo việc cúng dường.
Bên cạnh tháp cúng dường kim quan, có một ngọn tháp nữa, là nơi phu nhân Ma-ha-ma-da khóc thương Phật.
Sau khi đức Như Lai tịch diệt, việc nhập quan đã hoàn tất, ngài A-nê-luật-đà mới lên cung trời báo với phu nhân Ma-da rằng: “Đấng Đại Thánh Pháp Vương nay đã tịch diệt rồi.”
Phu nhân Ma-da nghe như vậy buồn thương nghẹn ngào đau đớn, liền cùng chư thiên đến chỗ hai cây sa-la nơi Phật nhập Niết-bàn, nhìn thấy tấm y tăng-già-chi, bình bát và tích trượng [của Phật để lại], đưa tay sờ vào rồi sầu thảm khóc lớn, ngẹn ngào hồi lâu mới nói được rằng: “Phước lành của trời người đã hết, thế gian mất đi con mắt soi đường, nay những thánh vật này không còn ai làm chủ nữa.”
Lúc ấy, đức Như Lai vận thánh lực, nắp kim quan tự mở ra, phóng chiếu hào quang [hiện hình] đức Phật ngồi chắp tay an ủi từ mẫu: “Nhọc sức mẹ từ xa xuống trần. Các pháp đều [vô thường] như thế, xin đừng quá sầu thương.”
Ngài A-nan cũng bi ai thưa thỉnh Phật: “ Như người đời sau hỏi việc này, con nên trả lời thế nào?”
Phật dạy rằng: “Hãy nói rằng, khi Phật đã nhập Niết-bàn, từ mẫu Ma-da từ cung trời giáng hạ nơi rừng sa-la, đức Như Lai vì những chúng sanh bất hiếu [đời sau] nên từ kim quan trổi dậy, chắp tay thuyết pháp [cho mẹ].”
Về phía bắc của thành, qua sông rồi cách khoảng 500 mét có một ngọn tháp, là nơi làm lễ trà-tỳ nhục thân Như Lai. Mặt đất đến nay vẫn có màu đen ngả vàng, đất lẫn với tro than, những ai chí thành cầu thỉnh có khi cũng được xá-lợi.
Khi đức Như Lai tịch diệt, trời người bi thương xúc cảm, dùng bảy món báu làm kim quan, ngàn cuộn vải mịn quấn quanh thân, thiết lễ hương hoa, tràng phan bảo cái trang nghiêm đẹp đẽ, dân chúng nước Mạt-la cung kính dẫn đường, [đại chúng] cùng theo trước sau [kim quan] đưa về hướng bắc, qua sông A-thị-đa-phạt-để, dùng rất nhiều các loại dầu thơm, chất nhiều gỗ thơm rồi nổi lửa trà-tỳ. Khi thiêu xong có hai lớp vải hoàn toàn không cháy, một là lớp quấn sát trong thân Phật, hai là lớp quấn ở ngoài cùng. Khi phân chia xá-lợi cho khắp thảy chúng sinh, thấy tóc và móng tay vẫn còn nguyên không hề bị cháy.
Bên cạnh tháp chỗ trà-tỳ, có một ngọn tháp khác, là nơi đức Như Lai vì ngài Đại Ca-diệp-ba mà hiện đôi chân ra bên ngoài kim quan.
Sau khi đã chất đầy gỗ thơm bên dưới kim quan Như Lai nhưng đốt mãi không cháy, đại chúng đều kinh hãi. Ngài A-nê-luật-đà liền nói: “[Đó là Thế Tôn] muốn đợi ngài Ca-diệp-ba.”
Lúc ấy, ngài Đại Ca-diệp-ba cùng năm trăm đệ tử từ rừng núi xa vừa về đến thành Câu-thi, hỏi ngài A-nan: “Tôi có thể nhìn đức Thế Tôn lần cuối được chăng?”
Ngài A-nan đáp: “Đã quấn ngàn cuộn vải quanh thân, hai lớp áo quan đã niêm, gỗ thơm cũng chuẩn bị xong, đã đến lúc trà-tỳ.”
Ngay lúc ấy, đức Phật từ trong kim quan đưa hai chân ra, trên luân tướng [trong lòng bàn chân Phật] thấy có màu khác lạ. Ngài Ca-diệp-ba liền hỏi ngài A-nan: “Sao có chuyện lạ này?”
Ngài A-nan nói: “Khi Phật vừa nhập Niết-bàn, trời người đều than khóc, nước mắt như mưa, rơi thấm vào chân Phật nên biến sắc như vậy.”
Ngài Ca-diệp-ba liền lễ Phật, rồi đi nhiễu trọn vòng [quanh kim quan], tán thán công đức Phật. Lúc bấy giờ, gỗ thơm tự nhiên bốc cháy.
Như vậy, đức Như Lai tịch diệt rồi có ba lần hiện thân ra bên ngoài kim quan. Lần thứ nhất ngài đưa cánh tay ra, hỏi A-nan việc chuẩn bị đường đi. Lần thứ hai, ngài hiện thân ngồi chắp tay thuyết pháp cho thánh mẫu. Lần thứ ba ngài hiện đôi chân ra cho Ca-diệp-ba được thấy.
Kế bên tháp nơi hiện chân ra của đức Phật, có một ngọn tháp khác do vua Vô Ưu xây dựng, là nơi vua của 8 nước cùng phân chia xá-lợi Phật, phía trước có dựng trụ đá khắc ghi sự kiện này.
Đức Phật nhập Niết-bàn, sau khi lễ niết-điệp-ban-na (trà-tỳ) hoàn mãn, vua của tám nước mỗi vị đều mang theo đủ bốn binh chủng kéo đến, sai bà-la-môn Trực Tánh đến nói với các lực sĩ trong thành Câu-thi: “Đấng Đạo sư của hai cõi trời người đã tịch diệt ở nước này, cho nên chúng tôi từ xa lặn lội đến đây xin được thỉnh xá-lợi.”
Các lực sĩ đáp rằng: “Đức Như Lai tôn quý đã giáng lâm tịch diệt tại nước này, thế gian mất đi bậc thầy sáng suốt, chúng sinh đều mất đi bậc cha lành. Xá-lợi của đức Như Lai [chúng tôi] tự lo việc cúng dường, các ngài chỉ nhọc mệt đường xa mà thôi, không thể nhận được gì.”
Bấy giờ, các vua dùng lời nhu thuận nhún nhường để thỉnh cầu nhưng chẳng được đáp ứng, liền [sai người đến] nói lần nữa rằng: “Chúng tôi theo lễ nghi cầu thỉnh không được, ắt phải dùng đến uy lực quân binh.”
Bà-la-môn Trực Tánh vội can ngăn rằng: “Xin nghĩ lại! Đức Đại Bi Thế Tôn chịu khó nhọc tu hành phước thiện đã qua nhiều kiếp, mọi người đều biết, nay muốn đánh nhau [để tranh giành xá lợi của Ngài] thật không thích hợp. Xá-lợi ở đây xin chia đều làm tám phần, mỗi vị đều được cúng dường, cần chi phải động binh?”
Các lực sĩ y theo lời này, liền phân lường xá-lợi, định chia ra làm tám phần đều nhau.
Khi ấy, Đế Thích nói với các vua rằng: “Cõi trời cũng có một phần, các ngươi đừng cậy sức mạnh mà giành lấy.”
Các vị long vương A-na-bà-đáp-đa, long vương Văn Lân, long vương Y-na-bát-đát-la cùng nói: “Xin đừng quên chúng tôi, nếu muốn dùng sức để tranh giành, các ông không chống nổi đâu.”
Bà-la-môn Trực Tánh nói: “Không nên tranh cãi ồn ào, hãy cùng nhau chia đều.”
Sau đó liền chia ra ba phần, một phần dành cho chư thiên, một phần cho các long vương, một phần giữ lại cõi người, lại chia đều cho vua tám nước. Chư thiên, long vương cùng các vua [nhận xá-lợi Phật rồi], ai nấy đều bi thương cảm động.
Từ chỗ ngọn tháp phân chia xá-lợi đi về hướng tây nam khoảng 65 km thì đến một ngôi làng lớn.
Nơi đây [thuở trước] có một người bà-la-môn vô cùng giàu có nhưng không giống với những người bà-la-môn khác. Ông nghiên cứu ngũ minh, tôn sùng kính trọng Tam Bảo. Kế bên chỗ ở của mình, ông xây dựng một tăng phòng với đầy đủ những vật dụng cần thiết, lại trang hoàng bằng những món quý báu, mỗi khi có các vị tăng sĩ qua lại lỡ đường, ông ân cần mời thỉnh lưu lại và hết lòng cúng dường, dù chỉ ở lại một đêm hay lưu lại đến bảy ngày [cũng đều như vậy].
Về sau, khi vua Thiết-thưởng-ca (Sasahka) hủy phá Phật pháp, tăng chúng chẳng còn ai qua lại vùng này nữa. Năm tháng dần qua nhanh, nhưng vị bà-la-môn này vẫn luôn khắc khoải bi thương, hoài niệm [hình bóng các vị sa-môn].
Một hôm, ông đang đi trên đường thì thấy một vị sa-môn tóc bạc, lông mi dài, tay cầm tích trượng đang đi đến. Vị bà-la-môn vội vàng nghinh đón, hỏi xem từ đâu đến rồi cung thỉnh về tăng phòng, dâng đầy đủ các món cúng dường. Sáng sớm, bà-la-môn nấu cháo bằng loại sữa ngon nhất không pha tạp để dâng lên. Vị sa-môn nhận bát cháo, vừa nếm qua một muỗng thì đặt bình bát xuống, trầm ngâm suy nghĩ rồi thở dài. Vị bà-la-môn đang đứng hầu bữa bên cạnh liền quỳ xuống thưa hỏi: “Đại đức sáng suốt tùy duyên, hân hạnh được ngài hạ cố đến đây, chẳng biết có phải đêm qua chỗ nằm không an giấc, hay vì món cháo này không vừa miệng?”
Vị sa-môn tỏ vẻ xót thương, đáp rằng: “Ta thương cho chúng sanh phước lành mỏng manh. Nhưng thôi hãy gác lại chuyện này, đợi ta ăn xong sẽ nói.”
Vị sa-môn ăn xong, vén y [bước ra] mà không nói gì. Ông bà-la-môn thưa: “Ngài hứa là sẽ nói, sao giờ không nói gì?”
Vị sa-môn đáp: “Không phải ta quên lời, nhưng việc này không dễ nói ra, chỉ sợ khiến [người nghe] sinh lòng nghi hoặc. Nay ông thật lòng muốn nghe, ta sẽ nói sơ qua. [Lúc nãy] ta thở dài đó không phải xem nhẹ bát cháo của ông. Từ mấy trăm năm nay, ta chưa nếm qua mùi vị như thế. Thuở Như Lai còn tại thế, ta thường được đi theo. Tại tinh xá Trúc Lâm ở thành Vương Xá, ta ra dòng nước trong rửa bát [của Như Lai], hoặc dùng nước ấy súc miệng, hoặc tắm rửa. Than ôi! Vị sữa ngon không pha tạp ngày nay lại không bằng ngụm nước trong thời xưa. Đó là vì phước báo của trời, người [đã suy giảm] khiến thành ra như thế.”
Bà-la-môn thưa: “Nếu vậy thì tự thân Đại đức đã từng gặp Phật?”
Vị sa-môn đáp: “Tất nhiên là vậy. Ngươi lẽ nào lại không nghe tên La-hỗ-la, con của Phật, chính là ta đây. Vì hộ trì Chánh pháp nên chưa tịch diệt.”
Vừa nói xong lời ấy thì hốt nhiên không còn nhìn thấy nữa. Vị bà-la-môn liền quét dọn, xông hương căn phòng [ngài La-hỗ-la] đã ngủ lại, tạo tượng trang nghiêm, cung kính như người thật.
Từ nơi đây tiếp tục đi trong rừng rậm [về hướng tây nam], khoảng 163 km thì đến nước Bà-la-ni-tư, thuộc miền Trung Ấn.