ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH KHOA CHÚ
Đường Tam Tạng sa-môn Thật Xoa Nan Đà dịch
Cổ Diêm Khuông Am Thanh Liên bật-sô Linh Thừa soạn

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

 

3.2.2.2.2.2.1.2.2.1.2.2.2. Chí tâm phụng sự thọ phước (chí tâm phụng sự sẽ được phước)          

          (Kinh) Nhược năng chí tâm quy kính, cập chiêm lễ, tán thán, hương, hoa, y phục, chủng chủng trân bảo, hoặc phục ẩm thực, như thị phụng sự giả.

          ()若能志心歸敬及瞻禮讚歎香華衣服種種珍寶或復飲食如是奉事者。

          (Kinh: Nếu có thể chí tâm quy kính và chiêm ngưỡng, lễ bái, tán thán, dùng hương, hoa, y phục, các thứ trân bảo, hoặc lại dùng thức ăn, phụng sự như thế).

          Trước hết, nói đến sự cúng dường. Câu đầu tiên là nói chung. Những câu như “chí tâm…” ý nghĩa đã rõ. “Hương, hoa”, theo Mật Bộ, hương có thể giúp đạt được hoan hỷ tam-muội. Dùng thứ ấy để cúng dường, liền đạt được trí vô ngại của Như Lai. Hoa là bảo trang nghiêm tam-muội. Dùng nó để cúng dường, sẽ mau chóng đạt được được ba mươi hai diệu tướng của Như Lai. Từ ngữ Chấn Việt (Cīvara) trong tiếng Phạn được cõi này dịch là Y Phục. Y (衣, áo) là Y (依, nương nhờ); do nó có thể ngăn nóng lạnh, che giấu điều xấu xí. “Chủng chủng trân bảo” (Các thứ trân bảo): Phật Địa Luận có nói đến vô lượng món bảy báu.

          “Ẩm thực”: [Tiếng Phạn là] Bán Giả Bồ Thiện Ni (Pañcabhoja-nīya), tiếng Hán là Ngũ Đạm Thực (五噉食, năm thứ ăn nuốt), tức là cơm, bánh, bột rang v.v… Những thứ ấy gọi là Chánh Thực. Từ giờ Thìn tới giờ Ngọ, tùy ý ăn dùng. Sau giữa trưa, không được ăn nữa. Bán Giả Kha Đản Ni (Pañcakhādanīya), dịch sang tiếng Hán là Ngũ Tước Thực (五嚼食, năm món để cắn xé), tức là những thứ củ, thân, lá, hoa, quả v.v… Những món ấy được gọi Bất Chánh Thực. Sau khi thọ trai, không được ăn trái cây, rau dưa. Câu “như thị phụng sự” (phụng sự như thế) nhằm kết lại những thứ cúng dường trên đây để nhắc lại.

          (Kinh) Vị lai bách thiên vạn ức kiếp trung, thường tại chư thiên, thọ thắng diệu lạc. Nhược thiên phước tận, hạ sanh nhân gian, do bách thiên kiếp thường vi đế vương, năng ức túc mạng, nhân quả bổn mạt.

          ()未來百千萬億劫中常在諸天受勝妙樂。若天福盡下生人間猶百千劫常為帝王能憶宿命因果本末。

          (Kinh: Trong trăm ngàn vạn ức kiếp nơi đời vị lai, thường làm chư thiên, hưởng diệu lạc thù thắng. Nếu phước trời đã hết, bèn sanh trong nhân gian, vẫn trong trăm ngàn kiếp thường làm đế vương, có thể nhớ túc mạng và nhân quả đầu đuôi).

          Từ “vị lai” trở đi là nói về phước báo, nói rõ “sanh lên trời hưởng

phước”. Từ “nhược thiên phước” (nếu phước trời) trở đi, nói rõ về dư phước. Như kinh Bách Duyên [có chép] một người do nhân duyên hái hoa cúng Phật, mạng chung, sanh về Đao Lợi Thiên. Lại nữa, tỳ-kheo Chiên Đàn Hương lúc sanh ra, các lỗ chân lông trên thân tỏa mùi hương Chiên Đàn, miệng tỏa mùi thơm như hoa Ưu Bát La (Utpala, hoa sen xanh). Đấy là do Ngài đã dùng hương Chiên Đàn cúng dường tháp của Tỳ Bà Thi Phật (Vipaśyin). Đức dường như trời đất thì gọi là Đế (帝), do nhân nghĩa sanh ra thì gọi là Vương (王); như Ngũ Đế Tam Vương[1] trong thế gian.

          “Ức túc mạng…” (Nhớ túc mạng) là đắc Túc Mạng Trí. Như trong kinh A Ma Họa, đức Phật dạy: “Bỉ dĩ tâm định, thanh tịnh vô uế, nhu nhuyễn, điều phục, tiện năng ức thức túc mạng vô số nhược can chủng sự. Năng ức nhất sanh chí vô số sanh, kiếp số thành bại, tử thử, sanh bỉ, danh tánh, chủng tộc, ẩm thực, hảo ố, thọ mạng trường đoản, sở thọ khổ lạc, hình sắc, tướng mạo, giai tất ức thức” (Người ấy do cái tâm đã định, thanh tịnh, chẳng nhơ, nhu nhuyễn, điều phục, liền có thể nhớ biết vô số chuyện chừng đó trong đời trước. Có thể nhớ từ một đời đến vô số đời, kiếp số thành bại, chết đây, sanh kia, danh tánh, chủng tộc, các thứ ăn uống, ưa ghét, thọ mạng dài hay ngắn, khổ hay vui đã hứng chịu, hình sắc, tướng mạo, thảy đều nhớ biết). Vì thế, tuy từ cõi trời giáng hạ, làm bậc đế vương, nhưng hiểu rành rẽ, nhớ biết trăm ngàn kiếp trước! Thoạt đầu là do cái nhân chiêm ngưỡng, lễ bái đức Địa Tạng mà cảm cái quả sanh lên cõi trời. Cái gốc là thoạt đầu sanh lên trời, cái ngọn là nay làm vua, không chuyện gì chẳng nhớ biết và hiểu rõ. Ví như có người từ thôn xóm của mình đến quốc ấp khác, ở tại nơi ấy, đi, đứng, nói năng, im lặng. Lại từ cõi ấy đến nước khác, xoay vần như thế; sau đấy, trở về nước mình, chẳng nhọc tâm trí, mà có thể nhớ biết trọn hết những nước đã từng đi qua. Từ cõi này sang cõi kia, từ cõi kia sang chốn này, đi, đứng, nói năng, im lặng, thảy đều nhớ hết. Đấy chính là sức oai thần của ngài Địa Tạng, há có thể nghĩ bàn nổi chăng? Phần nói về lợi ích đã xong.

3.2.2.2.2.2.1.2.2.2. Kết hiển thần lực thông kinh (kết lại phần nói về thần lực, dạy hãy lưu thông kinh này)

3.2.2.2.2.2.1.2.2.2.1. Như Lai kết hiển (Như Lai kết lại phần nói về thần lực)

          (Kinh) Định Tự Tại Vương! Như thị Địa Tạng Bồ Tát, hữu như thử bất khả tư nghị đại oai thần lực, quảng lợi chúng sanh. Nhữ đẳng chư Bồ Tát, đương ký thị kinh, quảng tuyên lưu bố.

          ()定自在王如是地藏菩薩有如此不可思議大威神力廣利眾生。汝等諸菩薩當記是經廣宣流布。

          (Kinh: Này Định Tự Tại Vương! Như đức Địa Tạng Bồ Tát này có sức oai thần to lớn chẳng thể nghĩ bàn như vậy, rộng lợi ích chúng sanh; hàng Bồ Tát các ông hãy nên ghi nhớ kinh này, lưu thông, truyền bá rộng rãi).

          Câu “như thị” kết lại phần nói về đấng có thể hóa độ. Câu “hữu như” nói rõ tác dụng ban bố [lợi ích]. Kinh nói về nhân và pháp chẳng thể nghĩ bàn như thế, há có nên chẳng ghi tạc trong tâm, lưu thông, truyền bá rộng rãi hay chăng?

3.2.2.2.2.2.1.2.2.2.2. Đương cơ thừa mạng (bậc đương cơ vâng lãnh mạng lệnh)

3.2.2.2.2.2.1.2.2.2.2.1. Ủy Phật, thông kinh (an ủi đức Phật, hứa nguyện lưu thông kinh này)

          (Kinh) Định Tự Tại Vương bạch Phật ngôn: “Thế Tôn! Nguyện bất hữu lự. Ngã đẳng thiên vạn ức Bồ Tát Ma Ha Tát, tất năng thừa Phật oai thần, quảng diễn thị kinh ư Diêm Phù Đề, lợi ích chúng sanh”.

          ()定自在王白佛言世尊願不有慮。我等千萬億菩薩摩訶薩必能承佛威神廣演是經於閻浮提利益眾生。

          (Kinh: Ngài Định Tự Tại Vương bạch Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Xin đừng lo âu. Ngàn vạn ức Bồ Tát Ma Ha Tát chúng con ắt có thể nương vào oai thần của Phật mà rộng diễn kinh này trong Diêm Phù Đề hòng lợi ích chúng sanh”).

          Phật pháp phải nên lưu thông khắp các cõi  nhiều  như  cát, lợi  ích

chẳng hạn cuộc trong Diêm Phù! Nhưng người ở Nam châu, tánh thức vô định, ác nghiệp đặc biệt nhiều, cho nên phải phiền các vị Phật, Bồ Tát đặc biệt hướng đến Nam Thiệm Bộ Châu vậy!

3.2.2.2.2.2.1.2.2.2.2.2. Bạch dĩ kính thoái (bạch xong, cung kính lui ra)

          (Kinh) Định Tự Tại Vương Bồ Tát bạch Thế Tôn dĩ, hiệp chưởng cung kính, tác lễ nhi thoái.

          ()定自在王菩薩白世尊已合掌恭敬作禮而退。

          (Kinh: Định Tự Tại Vương Bồ Tát bạch Thế Tôn xong, chắp tay, cung kính, làm lễ lui ra).

          Ý nghĩa đã rõ, ngài Định Tự Tại Vương vấn đáp đã xong.

3.2.2.2.2.2.2. Thiên vương vấn hà cánh lập thệ nguyện (thiên vương hỏi vì sao Bồ Tát còn lập thệ nguyện)

3.2.2.2.2.2.2.1. Thiên vương nhiếp tiền nghi vấn (thiên vương dựa theo những điều đã nói trước đó để nêu nghi vấn)

3.2.2.2.2.2.2.1.1. Kinh gia tự nghi (người trùng tuyên kinh trần thuật)

          (Kinh) Nhĩ thời, tứ phương thiên vương, câu tùng tòa khởi, hiệp chưởng cung kính.

          ()爾時四方天王俱從座起合掌恭敬。

          (Kinh: Lúc bấy giờ, thiên vương bốn phương đều từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay, cung kính).

          [Do các vị thiên vương ấy] ủng hộ cuộc đất thuộc bốn đại châu, ngăn ngừa ác quỷ xâm lăng, cho nên gọi là “tứ phương thiên vương”. Theo kinh Thế Ký, núi chúa Tu Di có bốn mặt, cao bốn vạn hai ngàn do-tuần. Cung điện nơi tứ thiên đại vương ngự có bảy tầng thành báu. Lan can, lưới mành, hàng cây, linh báu, mỗi thứ đều có bảy tầng. Vô số các loài chim cùng hòa tiếng hót.

          Vách núi phía Đông là hoàng kim, có thiên vương tên là Đề Đầu Lại Trá (Dhṛtarāṣṭra), cõi này dịch là Trì Quốc (持國), do vị này hộ trì quốc độ, thống lãnh Càn Thát Bà (Ghandarva, Hán dịch là Tầm Hương Hành, họ là nhạc thần thế tục của Thiên Đế) và Phú Đan Na (Bhūtana, Hán dịch là Xú (hôi thối), là loài mạnh mẽ nhất trong các ngạ quỷ, chuyên gây ra nhiệt bệnh).

          Mặt phía Nam bằng lưu ly, có thiên vương tên là Tỳ Lưu Lặc Xoa (Virūḍhaka), Hán dịch là Tăng Trưởng (增長), do Ngài khiến cho thiện căn của chính mình lẫn người khác tăng trưởng, thống lãnh Cưu Bàn Trà (Kumbhāṇḍa, Hán dịch là Ung Hình (甕形, [nghĩa là] có hình dạng như cái vò, là loài yếm mị quỷ) và Bệ Lệ Đa (Preta, hoặc Pitṛ, Hán dịch là Tổ Phụ Quỷ, là loài thấp kém nhất trong các ngạ quỷ).

          Mặt phía Tây của núi bằng bạch ngân, có  thiên  vương  tên  là  Tỳ

Lưu Bác Xoa (Virūpākṣa), Hán dịch là Tạp Ngữ (雜語), do vị này có thể nói các thứ ngôn ngữ, thống lãnh Tỳ Xá Xà (Piśāca, Hán dịch là Đạm Tinh Khí Quỷ (quỷ ăn tinh khí), còn gọi là Điên Cuồng Quỷ) và rồng độc (mắt độc, âm thanh độc, hơi độc, chạm vào sẽ bị trúng độc).

          Vách núi phương Bắc bằng thủy tinh, thiên vương tên Tỳ Sa Môn (Vaiśravaṇa), Hán dịch là Đa Văn (多聞), do tiếng tăm phước đức vang dội bốn phương, thống lãnh Dạ Xoa (Yaksa, Hán dịch là Khinh Tiệp (輕捷, nhẹ nhàng, nhanh nhẹn) vì chúng có thể bay rất nhanh trong hư không), La Sát (Rākṣasa, Hán dịch là Khả Úy (可畏, đáng sợ), còn gọi là Bạo Ác).

          Bốn thiên vương mỗi vị đều có chín mươi mốt đứa con, đều tên là Nhân Đà La (Indra), có đại thần lực; nhưng trong bốn vị trời này, Tỳ Sa Môn tôn quý nhất. Nếu Tỳ Sa Môn nghĩ tới họ, thiên vương ba phương đều nghiêm trang, ngự xa giá tới chỗ thiên vương Tỳ Sa Môn, đứng ở một bên. Vì thế, thiên vương phương Bắc thống lãnh ba phương kia. “Tùng tòa nhi khởi” (Từ chỗ ngồi đứng lên): Khâm thừa pháp yếu, do trong tâm khát ngưỡng, nên chắp tay, cung kính.

3.2.2.2.2.2.2.1.2. Thiên vương thuật nghi (thiên vương thưa bày điều nghi)      

          (Kinh) Bạch Phật ngôn: “Thế Tôn! Địa Tạng Bồ Tát ư cửu viễn kiếp lai, phát như thị đại nguyện, vân hà chí kim, do độ vị tuyệt, cánh phát quảng đại thệ ngôn?”

          ()白佛言世尊地藏菩薩於久遠劫來發如是大願云何至今猶度未絕更發廣大誓言

          (Kinh: Bạch Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Địa Tạng Bồ Tát từ kiếp lâu xa đến nay đã phát đại nguyện như thế, cớ sao cho đến giờ vẫn độ chưa hết, lại còn phát lời thề rộng lớn?”)

          Do [nghe đức Phật trần thuật] bốn phen hoằng thệ, bèn dựa theo những điều đáng nghi trên đây để thưa hỏi. Bởi lẽ, vị Đại Sĩ này từ kiếp lâu xa đến nay đã phát đại nguyện ấy, lẽ ra phải độ hết chúng sanh rồi. Nay đã độ chẳng hết, lại còn phát nguyện lần nữa, có phải là do nguyện lực chưa đạt tới? Hay là do chúng sanh khó độ ư? Vì thế nói là “vân hà” (cớ sao).

3.2.2.2.2.2.2.1.3. Nguyện Phật vị thuyết (xin đức Phật hãy nói cho)

          (Kinh) Duy nguyện Thế Tôn, vị ngã đẳng thuyết.

          ()唯願世尊為我等說。

          (Kinh: Kính mong đức Thế Tôn hãy nói cho chúng con biết).

          “Vị ngã đẳng thuyết” (Vì chúng con mà nói) là vì chuyện có mối tương quan. Do chúng con đang hộ trì bốn phương, mà Nam Châu đặc biệt lắm ác nghiệp. Vị Bồ Tát ấy tuy ôm tấm lòng cứu vớt của bậc đại sĩ, con cũng giữ tâm tư hộ trì thế giới khỏi tai ương. Vì thế, kính xin đức Phật hãy nói để chúng con thoát khỏi nghi thành, an ủi chúng sanh trong đời vị lai.

3.2.2.2.2.2.2.2. Như Lai vị hậu đáp thích (Như Lai vì chúng sanh trong đời mai sau mà trả lời, giải thích)

3.2.2.2.2.2.2.2.1. Tán hứa (khen ngợi, chấp thuận)

          (Kinh) Phật cáo tứ thiên vương: – Thiện tai! Thiện tai! Ngô kim vị nhữ, cập vị lai, hiện tại thiên nhân chúng đẳng, quảng lợi ích cố, thuyết Địa Tạng Bồ Tát ư Sa Bà thế giới, Diêm Phù Đề nội, sanh tử đạo trung, từ ai cứu bạt, độ thoát nhất thiết tội khổ chúng sanh phương tiện chi sự.

          ()佛告四天王善哉善哉吾今為汝及未來現在天人眾等廣利益故說地藏菩薩於娑婆世界閻浮提內生死道中慈哀救拔度脫一切罪苦眾生方便之事。

          (Kinh: Đức Phật bảo bốn vị thiên vương: – Lành thay! Lành thay! Ta nay sẽ vì lợi ích rộng rãi cho các ông và đại chúng trời người trong hiện tại và vị lai mà nói những sự phương tiện do Địa Tạng Bồ Tát từ bi, thương xót độ thoát hết thảy chúng sanh tội khổ trong đường sanh tử nơi Diêm Phù Đề của thế giới Sa Bà).

          Tán thán thiên vương gồm hai điều: Một là vì họ thưa hỏi hay khéo, hai là vì họ khéo hộ trì thế gian. Nói Sa Bà là bao gồm cõi đại thiên (tam thiên đại thiên thế giới). Nêu ra Diêm Phù tức là đặc biệt chú trọng Nam Châu (Nam Thiệm Bộ Châu). “Sanh tử đạo trung” (Trong đường sanh tử): Do lục đạo đều có sanh, lão, bệnh, tử; nay dùng sanh để bao gồm lão, dùng tử để nhiếp bệnh; vì thế, chỉ nói trước, sau, lược bớt trung gian. Thăng trầm đắp đổi, khổ lạc tương thông, sanh tử tuần hoàn, chưa từng ngưng nghỉ. Vì thế, Địa Tạng Bồ Tát vận dụng  vô  duyên  đại từ để cứu vớt, tế độ.

          “Chúng sanh tội khổ”: Đức Phật nói: “Nhất thiết chúng sanh thường tại trường ngục, thập nhị trùng thành vi chi, tam trùng cức ly ly chi, lục tặc bạt đao tý chi, năng ư kỳ trung đắc thoát xuất giả, thậm nan, thậm nan!” (Hết thảy chúng sanh thường ở trong ngục dài, mười hai lớp thành vây bọc, ba tầng rào gai rào kín, sáu tên giặc tuốt đao truy tìm, kẻ có thể từ trong đó mà thoát ra rất ư là khó). “Trường ngục” là tam giới, “mười hai lớp thành” là mười hai nhân duyên, “ba tầng rào gai” là Tam Độc. Nay ngài Địa Tạng do vì những chúng sanh ấy mà tạo phương tiện độ thoát, khiến cho họ hiểu tam giới là Không, chẳng hành theo những tập quán của tam hữu (ba cõi) nữa, tức là “độ thoát tam giới”. Họ biết sự khởi diệt của mười hai nhân duyên, có thể vượt thoát gốc si, sẽ thoát khỏi mười hai lớp thành. Biết dâm, giận, si thì tam cấu sẽ không trói buộc nữa, ý chẳng còn đắm chấp, tức là dẹp được ba lớp rào gai. Hiểu rõ sáu tình thức đều chẳng có gốc ngọn, bèn lìa khỏi sáu tên giặc đang tuốt đao. Đấy đều là những chuyện Đại Sĩ khéo tạo phương tiện để độ thoát vậy.

3.2.2.2.2.2.2.2.2. Nguyện văn (tứ thiên vương mong được nghe)

          (Kinh) Tứ thiên vương ngôn: “Dụy nhiên! Thế Tôn! Nguyện nhạo dục văn”.

          ()四天王言唯然世尊願樂欲聞。

          (Kinh: Tứ thiên vương thưa: “Thưa vâng! Thế Tôn! Con ưa thích mong được nghe”).

          Trong kinh Hoa Nghiêm, Giải Thoát Nguyệt Bồ Tát nói: “Tương thị hàm cung kính, nhất tâm tất chuyên ngưỡng, như phong niệm hảo mật, như khát tư cam lộ” (Nhìn ngắm, đều cung kính, nhất tâm chuyên chiêm ngưỡng, như ong nghĩ mật ngon, như khát mơ cam lộ). Nay [tứ thiên vương] cũng giống như thế; vì thế nói là “nguyện nhạo dục văn”.

3.2.2.2.2.2.2.2.3. Chánh cáo (dạy bảo)

3.2.2.2.2.2.2.2.3.1. Lược thị trùng phát nguyện ý (dạy sơ lược về ý nghĩa vì sao Bồ Tát phát nguyện nhiều lượt)

          (Kinh) Phật cáo tứ thiên vương: “Địa Tạng Bồ Tát cửu viễn kiếp lai, ngật chí ư kim, độ thoát chúng sanh, do vị tất nguyện. Từ mẫn thử thế tội khổ chúng sanh, phục quán vị lai vô lượng kiếp trung, nhân mạn bất đoạn. Dĩ thị chi cố, hựu phát trọng nguyện”.

          ()佛告四天王地藏菩薩久遠劫來迄至於今度脫眾生猶未畢願。慈愍此世罪苦眾生復觀未來無量劫中因蔓不斷。以是之故又發重願。

          (Kinh: Đức Phật bảo tứ thiên vương: “Địa Tạng Bồ Tát từ kiếp lâu xa mãi cho đến nay độ thoát chúng sanh, nhưng nguyện vẫn chưa trọn hết. Ngài từ bi xót thương chúng sanh tội khổ trong đời này, lại quán trong vô lượng kiếp nơi đời vị lai, cứ dây dưa chẳng dứt. Do vì lẽ ấy, Ngài lại phát trọng nguyện”).

          Trước hết, thuật nguyện từ bi thuở trước, kế đến là nêu ra ý nghĩa vì sao Ngài lại phát nguyện. “Từ mẫn thử thế” (Từ bi, thương xót đời này): Kinh A Nan Phân Biệt chép: “Phật ân phi bất đại, tội do chúng sanh cố. Thế trược đa ác nhân, hoàn tự đọa điên đảo. Tự tác chúng tội bổn, mạng tận vãng vô trạch. Đao kiếm giải thân hình, dương đồng ốc kỳ khẩu. Tao ngộ chúng ách nạn, độc thống bất khả ngôn. Nhược sanh hoàn vi nhân, hạ tiện bần cùng trung” (Chẳng phải là ơn Phật không lớn, mà là do chúng sanh tự tạo tội. Đời trược có lắm kẻ ác, vẫn tự đọa vào điên đảo. Tự gây các gốc tội, khi mạng hết, sẽ ra đi không thể chọn lựa. Đao, gươm xẻ thân hình, nước đồng sôi rót đầy miệng. Gặp gỡ các thứ ách nạn, đau khổ dữ dội chẳng thể nói được. Nếu lại được làm người, thì là kẻ hạ tiện, nghèo túng). Vì thế, Đại Sĩ từ mẫn độ thoát họ.

          “Phục quán vị lai” (Lại thấy trong tương lai): Như kinh nói: “Thương sanh ngột mạng, kỳ tội mạc đại, oán đối tương báo, vô hữu đoạn tuyệt. Hiện thế bất an, sổ phùng tai hung. Tử nhập địa ngục, xuất ly nhân hình, đương đọa súc sanh, vị nhân đồ cát, dĩ nhục cung nhân, vô hữu cánh thời. Thế thế vi oán, hoàn tương báo thường. Thần đồng hình dị, tội thâm như thị. Ký do nghiệp duyên, triển chuyển tương nhân, thí như cát lũy, lũy ư cù mộc, oanh khiên bất đoạn” (Tổn hại sanh mạng, không tội nào lớn hơn, oán đối báo đền, chẳng có lúc nào chấm dứt. [Người phạm tội ấy] đời hiện tại bất an, nhiều lượt gặp tai nạn hung hiểm. Chết rồi đọa vào địa ngục, đánh mất thân người, sẽ đọa làm súc sanh, bị người khác cắt xẻ để lấy thịt cung ứng cho kẻ khác, chẳng có lúc nào xong. Đời đời bị kẻ oán trả thù. Thần thức chẳng đổi, thân hình đã khác. Tội sâu như thế là do nghiệp duyên, xoay vần làm nhân, ví như dây leo, bám vào cây to, quấn quít chẳng dứt).

          “Mạn” (蔓) thuộc loại dây leo. Ý nói như dây leo tràn lan. Tả Truyện viết: “Vô sử tư mạn, mạn, nan đồ dã” (Chớ để cho chuyện xấu phát triển tràn lan; nó đã tràn lan thì khó thể thâu thập được). Nay nghiệp chằng néo cái thân, hệt như dây leo mọc tràn lan trong hang, chỉ thấy lá nó um tùm, chẳng có chỗ nào ngưng dứt! Đấy là do Hoặc vun bồi nghiệp, do nghiệp được phiền não vun bồi mà sanh ra cái quả trong vị lai, do sanh trong vị lai nên lại tạo nghiệp, do nghiệp lại đọa vào khổ. Do vì lẽ ấy, lại nhọc nhằn Địa Tạng Đại Sĩ phát nguyện cực trọng lần nữa, cũng như dây leo tràn lan, phủ kín cả hang chẳng biết đâu vào với đâu!

3.2.2.2.2.2.2.2.3.2. Quảng minh tùy cơ thuyết pháp (nói chi tiết về việc Đại Sĩ tùy cơ thuyết pháp)

3.2.2.2.2.2.2.2.3.2.1. Đại sĩ độ thoát

3.2.2.2.2.2.2.2.3.2.1.1. Tổng thị phương tiện (dạy chung về phương tiện)

          (Kinh) Như thị Bồ Tát, ư Sa Bà thế giới Diêm Phù Đề trung, bách thiên vạn ức phương tiện, nhi vi giáo hóa.

          ()如是菩薩於娑婆世界閻浮提中百千萬億方便而為教化。

          (Kinh: Trong Diêm Phù của thế giới Sa Bà, Bồ Tát dùng trăm ngàn vạn ức phương tiện để giáo hóa như thế đó).

          Quang minh giáo hóa ứng khắp các căn cơ, ứng hiện trọn khắp Sa Bà. Bi nguyện tuyên dương rộng lớn, đặc biệt lưu truyền nơi Nam Thiệm Bộ Châu. Sách Diệu Pháp Liên Hoa Kinh Huyền Nghĩa nói: “Ba nghiệp của Bồ Tát không gì chẳng lợi lạc chúng sanh. Nay chỉ nói đến thân thuyết pháp, chẳng nói đến ý, mà dùng hai nghiệp kia để ứng hợp khít khao căn cơ của chúng sanh, đấy chính là sự thiện xảo của ý vậy. Nay dùng phương tiện thích đáng với thân luân và ý luân, nhằm xét soi thông suốt căn cơ”. Câu kế tiếp chính là nói đến khẩu luân thuyết pháp. “Trăm ngàn vạn ức” nhằm tỏ rõ: Nghiệp dụng bất đồng của cái tâm, thực hiện phương tiện hóa độ đối với mỗi căn cơ mỗi khác. Như quyển thứ mười bảy của bộ Đại Luận có viết: “Pháp Thân Bồ Tát biến hóa vô lượng thân vì chúng sanh thuyết pháp, nhưng tâm Bồ Tát chẳng có phân biệt. Như cây đàn của A Tu La thường tự phát ra tiếng, tùy ý tấu nhạc, chẳng cần người khảy, chẳng tán tâm, chẳng nhiếp tâm, do phước đức báo sanh, cho nên có thể tùy ý người nghe mà phát ra tiếng”. Pháp Thân Bồ Tát cũng giống như thế, chẳng phân biệt, cũng chẳng tán tâm, cũng chẳng có tướng thuyết pháp, do vô lượng phước đức, Thiền Định, trí huệ, tùy ý phát ra đủ mọi âm thanh. Vì thế, kinh Thập Luân tán thán: “Hiện tác chủng chủng thân, vị chúng sanh thuyết pháp, cụ túc Thí công đức, bi mẫn chư chúng sanh” (Hiện đủ mọi thứ thân, vì chúng sanh thuyết pháp, trọn đủ công đức Thí, thương xót các chúng sanh) là nói về ý này vậy.

3.2.2.2.2.2.2.2.3.2.1.2. Biệt minh thuyết pháp (nói riêng về các phương tiện thuyết pháp)

3.2.2.2.2.2.2.2.3.2.1.2.1. Chánh minh tùy cơ thuyết hóa (nói về sự tùy thuận căn cơ để thuyết pháp, hóa độ)

          Phàm là bậc có thể thuyết pháp thì có nhuyễn ngữ và khổ ngữ sai khác; giáo pháp được ban bố có Chân Đế và Tục Đế khác biệt. Do căn cơ phức tạp, hạnh sai khác, khiến cho giáo pháp khác biệt và cách hóa độ không giống nhau.

          Hỏi: Nghiệp báo khổ ấy đã chẳng phải là thiện sự, [vậy thì] chẳng bằng nói thẳng vào điều thiện khiến cho họ tu tập, cần gì phải xứng theo tình kiến của họ để nói những nghiệp khổ?

          Đáp: Nhân, quả, thiện, ác cần phải đối ứng với pháp. Nếu không nói lỗi của tham, sân v.v… sẽ do đâu mà hiển thị những thiện pháp? Nếu không tuyên xưng tam đồ là khổ, sẽ chẳng có cách nào hiển thị niềm vui trong cõi nhân, thiên! Vì thế, cần phải nói ra những hành vi tạo tội của phàm phu để người ta hay biết, sẽ chán lìa, trở về với thiện. Nếu là kẻ độn căn, nghe những nghiệp khổ ấy, khi họ sanh lòng chán nhàm, sẽ liền cầu niềm vui thế gian. Do đó, họ chuyển tâm, tu các phước nghiệp. Nếu là bậc lợi căn, nghe những khổ nghiệp ấy, khi sanh tâm chán nhàm, liền cầu giải thoát. Do vậy mà chuyển tâm, có thể tu đạo quán, liền có thể từ trong Hoặc, dấy lên cái nhân xuất ly. Vì thế, kinh dạy: “Nhất thiết phiền não giai thị Phật chủng” (Hết thảy phiền não đều là chủng tử để thành Phật). Do đó, biết khổ nghiệp chính là cái gốc để chán lìa, là cái duyên để dấy lên điều thiện; vì vậy, cần phải nói ra. Nếu chẳng nói những ác nghiệp, những hành vi tạo tội ấy, chúng sanh do chẳng nhận biết, sẽ cứ thường làm chẳng dứt. Tuy xứng theo tình kiến của họ mà nói các lỗi ác, nhưng ngoài tâm, chẳng có nghiệp khổ nào khác. Do kẻ ngu chưa thấu hiểu, cho nên nhất định cần phải nói đến tội. Vì thế, nương theo Tục Đế, thốt lời cay đắng, thiết tha để  giáo  hóa  họ. Nay  luận  bàn  về  điều  thứ nhất.

          (Kinh) Tứ thiên vương! Địa Tạng Bồ Tát, nhược ngộ sát sanh giả, thuyết túc ương đoản mạng báo. Nhược ngộ thiết đạo giả, thuyết bần cùng khổ sở báo. Nhược ngộ tà dâm giả, thuyết tước, cáp, uyên ương báo.

          ()四天王地藏菩薩若遇殺生者說宿殃短命報。若遇竊盜者說貧窮苦楚報。若遇邪婬者說雀鴿鴛鴦報。

          (Kinh: Này tứ thiên vương! Địa Tạng Bồ Tát nếu gặp kẻ sát sanh, bèn nói báo ứng đoản mạng do túc ương (ương họa trong quá khứ). Nếu gặp kẻ trộm cắp, sẽ nói bị báo ứng bần cùng, khổ sở. Nếu gặp kẻ tà dâm, sẽ nói báo ứng làm chim công[2], bồ câu, uyên ương).

          Trước hết, nêu lên quả báo của Thập Ác. Giết, trộm, dâm là ba điều ác nơi thân. Sát sanh là tội nặng, nên nêu ra trước hết. Ai nấy đều yêu quý mạng sống, con vật nào cũng đều tham sống, ngay cả những thứ hàm linh ngọ ngoạy (sâu bọ) cũng đều có Phật Tánh. Giết chúng để ăn, tức là giết chư Phật. [Do vậy], thường đọa trong tam đồ, chịu vô lượng khổ. Nếu được làm người, các căn chẳng đầy đủ, thọ mạng tổn giảm. Như một con quỷ hỏi ngài Mục Liên: “Tôi sanh ra con trai, con gái, nhưng chúng nó đều chết sớm, nghĩ tưởng [dòng dõi sẽ bị] đoạn tuyệt. Do tội gì mà đến nỗi như thế?” Ngài Mục Liên đáp: “Khi ngươi làm người, thấy con cái sát sanh, bèn giúp cho chúng nó vui thích, cùng nhau ăn thịt những con vật ấy. Do giết chóc nên đoản mạng, do hoan hỷ nên đau đớn”.

          “Thiết đạo” (竊盜, trộm cắp): Tuân Tử nói: “Lén lấy vật dụng thì gọi là Đạo”. Tiền bạc, ngọc, lụa, là những thứ để nương cậy bên ngoài. Phan, hoa, vật dụng của Tăng là những thứ nội cúng dường. Trộm những thứ bên ngoài thì có thể sám hối, ăn cắp những thứ nội cúng dường, sẽ khó cứu nổi! [Do tội báo ấy] thường ở trong tam đồ, chịu khổ vô lượng. Nếu được làm người, sẽ bần cùng, khốn khổ, chư thiên lìa bỏ. Tức là ngoài không có gì để nương cậy, trong thì không có phước đức; cho nên đến nỗi bần cùng, khổ sở. Kinh Đăng Chỉ nói: “Đương tri bần cùng tỷ ư địa ngục. Bần cùng cẩu sanh, dữ tử vô biệt. Tân khổ đồ độc, thế sở vô ngẫu” (Hãy nên biết nghèo túng ví như địa ngục. Nếu sống bần cùng khác gì đã chết. Đắng cay, nhọc nhằn, khổ sở, trong đời không có gì sánh bằng). Kinh có mấy ngàn lời để rộng cảm thán nỗi khổ sở vì bần cùng.

          Tà dâm như đã nói trong phần trên. Từ ngữ Ma Do La (Māyūra) trong tiếng Phạn được cõi này dịch là Khổng Tước (孔雀, chim công). Tánh nó đố kỵ, thích khoe đuôi, không cần bạn phối ngẫu, ăn nằm với cả rắn, là loài vật dâm dục. Chữ Ca Bô (Kapotaka) trong tiếng Phạn, Hán dịch là Cáp (鴿, chim bồ câu). Bồ câu thích giao phối nhất. Thông thường thì chim trống đạp chim mái, loài này thì chim mái đè chim trống. Vì thế, “chim công bốn mùa có con, bồ câu mỗi tháng đều sanh con”. Chữ Chước Ca La Bà (Cakravāka) trong tiếng Phạn được cõi này dịch là Uyên Ương, tức là một loài chim luôn có cặp. Đậu thì cùng sánh đôi, bay thì cùng bay đôi, chim trống và chim mái chưa từng rời nhau. Nếu người ta bắt mất một con, con còn lại sẽ nhớ thương rồi chết. Vì thế nói: “Chim khách thích vụng trộm bên ngoài, uyên ương thích tưởng nhớ nhau”. Thế tục nói chim trống gọi là Uyên (鴛), chim mái gọi là Ương (鴦). Nếu sanh trong loài người, sẽ mắc hai thứ quả báo sau đây: Bản thân hay bị thưa kiện, bị vương pháp trừng phạt.

          (Kinh) Nhược ngộ ác khẩu giả, thuyết quyến thuộc đấu tránh báo. Nhược ngộ hủy báng giả, thuyết vô thiệt, sang khẩu báo.

          ()若遇惡口者說眷屬鬬諍報。若遇毀謗者說無舌瘡口報。

          (Kinh: Nếu gặp kẻ ác khẩu, [bảo họ] sẽ bị báo ứng quyến thuộc đấu đá, tranh chấp. Nếu gặp kẻ hủy báng, nói sẽ bị báo ứng không lưỡi, miệng lở).

          Đấy là bốn quả báo nơi miệng. Ác khẩu là một loại, còn “hủy báng” bao gồm cả ba thứ. Do khi hủy báng, sẽ trọn đủ vọng ngôn, lưỡng thiệt v.v… Về sau, được sanh làm người, sẽ có hai dư báo: Thường nghe tiếng ác, và luôn bị thưa kiện. Vì thế, trong kinh Báo Ân, đức Phật bảo ngài A Nan: “Nhân sanh thế gian, họa tùng khẩu xuất. Đương hộ ư khẩu, thậm ư mãnh hỏa. Mãnh hỏa xí nhiên, thiêu thế gian tài. Ác khẩu xí nhiên, thiêu thất thánh tài” (Người sống trong thế gian, họa từ miệng ra. Hãy nên giữ gìn cái miệng vì [lỗi họa do miệng] còn hơn lửa dữ. Lửa dữ cháy hừng hực, đốt của cải thế gian. Ác khẩu cháy hừng hực, đốt rụi thất thánh tài). Tai họa của hết thảy chúng sanh  do  miệng  mà  ra; “lưỡi

búa hủy thân, cái họa diệt thân” chính là nói đến chuyện này!

          “Hủy báng” là hủy nhục, phỉ báng. Kinh Đại Phương Quảng Tổng Trì nói: “Báng pháp chi nhân, cực đại trọng nghiệp, đọa tam ác đạo, nan khả xuất ly. Dĩ báng tha cố, thất thập kiếp trung, thọ đại khổ não, huống bỉ ngu nhân thật vô sở tri, nhi tự cống cao. Nãi chí phỉ báng nhất tứ cú kệ, định đọa địa ngục, vĩnh bất kiến Phật, đắc vô nhãn, vô thiệt chi báo. Cố bất khả bất thận dã!” (Kẻ báng pháp tạo nghiệp tột bậc to nặng, đọa vào ba ác đạo, khó thể thoát lìa. Do báng kẻ khác, trong bảy mươi kiếp, hứng chịu khổ não to lớn. Huống chi kẻ ngu ấy thật sự chẳng biết gì, mà còn tự kiêu căng. Dẫu chỉ phỉ báng một bài kệ bốn câu, nhất định đọa vào địa ngục, vĩnh viễn chẳng thấy Phật, mắc quả báo không mắt, không lưỡi. Vì thế, chớ nên không cẩn thận).

          (Kinh) Nhược ngộ sân khuể giả, thuyết xú lậu lung tàn báo. Nhược ngộ xan lận giả, thuyết sở cầu vi nguyện báo. Nhược ngộ ẩm thực vô độ giả, thuyết cơ khát yết bệnh báo.

          ()若遇瞋恚者說醜陋癃殘報。若遇慳說所求違願報。若遇飲食無度者說饑渴咽病報。

          (Kinh: Nếu gặp kẻ nóng giận, nói sẽ bị báo ứng xấu xí, tàn phế. Nếu gặp kẻ keo kiệt, nói sẽ bị báo ứng mong cầu chẳng được toại ý. Nếu gặp kẻ ăn uống vô độ, nói sẽ bị báo ứng đói khát, mắc bệnh về họng).

          Đây là chỉ dạy về ba quả báo thuộc về ý. Kinh Phân Biệt Thiện Ác Sở Khởi nói: “Nhân ư thế gian thường hỷ sân khuể, bất biệt thiện ác, tử nhập Thái Sơn, sổ thiên vạn tuế. Xuất sanh vi nhân, diện mục thường ác. Kim kiến ác sắc nhân, giai túc mạng sân khuể sở trí” (Người ở trong thế gian mà thường thích nóng giận, chẳng phân biệt thiện, ác, chết rồi sẽ vào Thái Sơn mấy ngàn vạn năm. Sanh ra làm người thì diện mạo thường hung ác. Nay thấy kẻ sắc diện hung ác đều là do đời trước nóng giận mà ra).

          “Xan lận” (Keo kiệt): Bản kinh vừa trích dẫn trên đây có chép: “Nhân đắc tài sản, xan tham, bất khẳng bố thí, bất ái thị chư gia. Bần cùng giả bất cấp dữ, bất cúng sự sa-môn, đạo sĩ, bất dữ khất nhi, bệnh nhân. Thực ẩm bất cảm tự bão, y bị bất cảm tự hoàn. Nhân hô thủ tài nô, hằng hà tàm quý. Tử đọa ngạ quỷ, kiến thủy tẩu ẩm, tiện hóa tiêu đồng, nùng huyết. Sanh xuất vi nhân, bần cùng đống ngạ, hung bất năng đắc. Kim hữu bần cùng khất nhân, giai túc thế xan tham si chủng sở trí” (Người có tài sản, nhưng keo kiệt, tham lam, chẳng chịu bố thí, chẳng biết xem xét, thương mến người khác. Đối với kẻ bần cùng chẳng ban cho, chẳng cúng dường, phụng sự sa-môn, đạo sĩ, chẳng cho kẻ ăn mày hay người bệnh. Tự mình chẳng dám ăn no; áo, mền chẳng dám có đủ. Người khác gọi kẻ đó là “đầy tớ giữ của”, luôn ôm nỗi hổ thẹn. Chết đi, đọa làm ngạ quỷ, trông thấy nước bèn chạy đến uống, nước liền hóa thành đồng nung chảy, máu mủ. Được sanh làm người, sẽ nghèo túng, chết rét, chẳng có gì để bỏ bụng. Nay có những kẻ ăn mày nghèo túng, đều là do chủng tử keo kiệt, tham lam, si mê trong đời trước tạo ra).

          Ăn uống cố nhiên là chuyện chẳng thể thiếu trong cuộc đời, nhưng ắt phải có lúc, có hạn lượng. Kinh Cửu Hoạnh có nói chuyện ăn không có chừng mực. Du Già Sư Địa Luận nói ăn quá mức sẽ dẫn đến cái chết ngang xương. Vì thế, cần phải biết điều độ (chẳng có điều độ thì chính là si). Tuân Tử nói: “Lười nhác, mong sống an nhàn, trốn việc, vô liêm sỉ, mà tham ăn tục uống thì có thể gọi là một gã trai trẻ xấu xa vậy”. Kinh Ngũ Khổ Chương Cú nói: “Thực vô tiết độ, ẩm tửu, tham vị, thị nhữ trọng đảm. Bất xả đảm giả, hậu nhập địa ngục” (Ăn không có chừng mực, tham vị ngon, chính là gánh nặng của ngươi. Chẳng bỏ gánh nặng, sau đó, sẽ vào địa ngục). Dựa theo đó, đói khát, bệnh về họng chỉ mới là hoa báo.  

Chữ Yết (咽) trong Yết Hầu (咽喉) đọc là Yết. Yết hầu có hai lỗ hở, cùng dẫn vào khoang bụng, nhưng vận hành khác nhau. Phía trước họng (chỗ có lưỡi gà đậy khí quản) chủ xuất, tức là con đường quan trọng để hơi thở ra vào. Phía sau yết hầu thì chuyên để nuốt, là cửa ải để vận chuyển đồ ăn thức uống. Chữ Yết trong “yết bệnh” (咽病, bệnh về họng), nghĩa bế tắc, tức là bệnh ăn bị nghẹn (hoặc nuốt đồ ăn khó khăn, ăn vào sẽ ói ra). Đấy chính là khí hóa ở vùng tam tiêu [trong cơ thể] không vận hành đúng mức, đến nỗi bị nghịch khí ở giữa ngực, chẳng nuốt đồ ăn thức uống xuống được. Kinh Đại Bảo Tích nói: “Như yết tắc bệnh, tức năng đoạn mạng” (Nếu bị bệnh nghẽn yết hầu thì có thể mất mạng); đúng là giống như tướng trạng của ngạ quỷ trong phần trước.


ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH KHOA CHÚ


[1] Ngũ Đế Tam Vương là các vị vua được tôn là thánh vương trong huyền sử Trung Hoa. Tam Vương (hay Tam Hoàng) là Toại Nhân, Phục Hy, và Thần Nông (có thuyết nói là Thiên Hoàng, Địa Hoàng và Nhân Hoàng). Ngũ Đế là Hoàng Đế, Chuyên Húc, Đế Khốc, Đường Nghiêu, Ngu Thuấn. Lại có thuyết chủ trương Tam Vương phải là Hạ Vũ, Thành Thang và Châu Văn Vương.

[2] Thông thường, Tước là con chim sẻ, nhưng trong lời chú giải, ngài Linh Thừa giảng là Khổng Tước, nên chúng tôi ghi theo cách diễn giải của Ngài.