ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH KHOA CHÚ
Đường Tam Tạng sa-môn Thật Xoa Nan Đà dịch
Cổ Diêm Khuông Am Thanh Liên bật-sô Linh Thừa soạn

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

 

3.2.2.2.2.2.1.2.2.1.1.2.2.1.1.2.3.2.2.2.2.3.1.2. Phật cáo sanh xứ (Phật bảo chỗ mẹ cô Quang Mục sanh về)

          (Kinh) Nhi cáo Quang Mục: “Nhữ mẫu bất cửu, đương sanh nhữ gia, tài giác cơ hàn, tức đương ngôn thuyết”.

          ()而告光目汝母不久當生汝家纔覺饑寒即當言說。

          (Kinh: Bèn bảo Quang Mục: “Chẳng bao lâu mẹ con sẽ sanh vào nhà con, vừa mới biết đói lạnh, sẽ liền nói năng).

          Mộng thấy thân Phật phóng quang dạy chỗ mẹ đã sanh về, là chuyện tuyệt lạ! “Sanh vào nhà con”: An ủi, dạy chỗ mẹ sanh về. “Tức ngôn thuyết” (Liền nói năng): Ngầm chỉ mẹ sẽ cầu cứu.

3.2.2.2.2.2.1.2.2.1.1.2.2.1.1.2.3.2.2.2.2.3.2. Tội mẫu thác sanh tỳ gia (người mẹ có tội thác sanh vào nhà đầy tớ)

3.2.2.2.2.2.1.2.2.1.1.2.2.1.1.2.3.2.2.2.2.3.2.1. Sanh xuất cầu cứu (sanh ra bèn cầu cứu)

          (Kinh) Kỳ hậu gia nội, tỳ sanh nhất tử. Vị mãn tam nhật, nhi nãi ngôn thuyết, khể thủ, bi khấp, cáo ư Quang Mục.

          ()其後家內婢生一子。未滿三日而乃言說稽首悲泣告於光目。

          (Kinh: Về sau trong nhà ấy, người hầu gái sanh một con trai. Chưa đầy ba ngày, đã có thể nói, nó dập đầu, buồn khóc, bảo Quang Mục).

          Kinh văn chia thành ba tiểu đoạn. Tiểu đoạn thứ nhất nói về cái duyên sanh hạ. Từ chữ “sanh tử” (sống chết) trở đi, [là tiểu đoạn thứ hai], tường thuật cảnh khổ. Từ “mông nhữ” (mong ngươi) trở đi [là tiểu đoạn thứ ba] trần thuật sự nhờ cậy, cầu cứu. “Tỳ tử” (con của người tớ gái): Nô phụ (奴婦, vợ người đầy tớ) là mẹ sanh ra đứa bé ấy. Chữ Đà Sách Ca (Dāsaka) trong tiếng Phạn được cõi này dịch là Nô (奴, đầy tớ). Sách Thuyết Văn Giải Tự giảng: “Kẻ nam mắc tội [phải làm tôi tớ] là nô, kẻ nữ mắc tội là tỳ”. Chữ Tỳ (婢) gồm chữ Nữ (女) và Ty (卑, kém hèn) ghép lại. Kinh Trường A Hàm nói: “Sanh tử đọa địa năng ngôn, cố danh Thanh Vương” (Sanh con ra, đứa bé rơi xuống đất bèn có thể nói, nên gọi là Thanh Vương). Nay mà trẻ mới sanh liền có thể nói, ai nấy đều sợ hãi, gọi là Đáng Sợ. Nay đứa trẻ mới sanh ba ngày, liền dập đầu, khóc lóc, kể lể cũng là chuyện quái dị. Phật lực khiến thành ra như vậy để kẻ ấy đừng mê mất túc duyên.

          (Kinh) Sanh tử nghiệp duyên, quả báo tự thọ. Ngô thị nhữ mẫu, cửu xử ám minh. Tự biệt nhữ lai, lũy đọa đại địa ngục.

          ()生死業緣果報自受。吾是汝母久處暗冥。自別汝來累墮大地獄。

          (Kinh: Nghiệp duyên sanh tử, quả báo tự chịu. Ta là mẹ ngươi, ở trong chốn tối tăm đã lâu. Từ khi giã biệt ngươi đến nay, đọa mãi trong đại địa ngục).

          Hai câu “sanh tử…” [diễn  tả] tình  lý  thảm  đạm. Bậc  hiền  nhân thuở xưa đã nói: “Tử sanh cũng lớn thay”, há chẳng đau lòng ư? Nghiệp duyên là cái nhân của Thập Ác, quả báo ở trong tam đồ. Thập Địa Luận nói: “Giết chóc có ba quả báo. Một là dị thục quả, tức ba ác đạo. Hai là đẳng lưu quả, tức là trong đời người nhiều bệnh tật, đoản mạng. Ba là tăng thượng quả, tức là cảm ngoại vật đều kém tươi nhuận, chẳng tồn tại lâu dài”. Kinh Thụ Đề nói: “Hà vật tối uế trược? Sanh tử tối uế trược. Hà vật lạc địa ngục? Thập Ác lạc địa ngục. Tự tác, tự thọ; vô đại thọ giả” (Vật gì dơ bẩn nhất? Sanh tử dơ bẩn nhất! Vật gì đọa địa ngục? Thập Ác đọa địa ngục. Tự làm tự chịu, không ai chịu thay!) Kinh dạy: “Tác thị đắc thị, giai hành sở trí. Vô hoạnh dữ giả” (Làm gì được quả nấy, đều do đã làm mà ra, chứ không chuyện gì bỗng dưng mà có), chuyện ấy đã quá rõ ràng. Vì thế, luôn là chuyện đáng than thở cảm thương!

          “Cửu xử ám minh” (Ở trong chốn tối tăm đã lâu): Kinh Ngũ Khổ Chương Cú nói: “Đản tọa xan tham thực, cố đọa Hắc Thằng thành, Thiết Vi lưỡng sơn gian, yểu yểu hà minh minh. Thần thức đọa kỳ trung, bất đổ nhật nguyệt tinh, triển chuyển bất tương kiến, đản văn khiếu hô thanh” (Chỉ vì tham ăn uống, nên đọa ngục Hắc Thằng, giữa hai tầng núi Thiết Vi, mù mịt tối âm thầm, chẳng thấy ánh mặt trời, mặt trăng, xoay vần chẳng trông thấy, chỉ nghe tiếng thét gào) là nói về chuyện này.

          “Tự biệt” (Từ khi cách biệt): “Tự” (自) là kể từ khi. Vô Thường Kệ có đoạn: “Thân tri hàm khí xả, nhậm bỉ thằng khiên khứ, tương chí Diễm Ma Vương, tùy nghiệp nhi thọ báo, ác nghiệp đọa Nê Lê, tạo nghiệp khổ thiết thân” (Thân quyến đều buông bỏ, mặc dây thừng lôi đi, đến chỗ vua Diễm Ma, theo nghiệp mà thọ báo, ác nghiệp đọa Nê Lê, tạo nghiệp khổ cùng cực). Vì thế, từ đại địa ngục này sang một đại địa ngục khác!

          (Kinh) Mông nhữ phước lực, phương đắc thọ sanh, vi hạ tiện nhân. Hựu phục đoản mạng, thọ niên thập tam, cánh lạc ác đạo. Nhữ hữu hà kế, linh ngô thoát miễn?

          ()蒙汝福力方得受生為下賤人。又復短命壽年

十三更落惡道。汝有何計令吾脫免

          (Kinh: Nhờ phước lực của ngươi mới được thọ sanh, làm kẻ hạ tiện. Lại còn đoản mạng, thọ mười ba năm, lại rơi vào ác đạo. Ngươi có cách gì khiến cho ta được thoát khỏi hay không?)

          Từ “mông nhữ” trở đi, trước hết cho biết: Nhờ vào phước lực mà thoát tội trong quá khứ. Sau đấy mới cầu cứu hòng thoát nỗi khổ trong tương lai. Phước lực chính là [phước báo của việc] xưng danh, tạc tượng, [cho nên] thoát khỏi địa ngục, thọ sanh. “Hạ tiện, đoản mạng” là báo nhẹ của nghiệp nặng. “Cánh lạc ác đạo” (Lại rơi vào ác đạo) chính là dư ương chưa hết.

          Chữ Tát Câu Lô Đề trong tiếng Phạn được cõi này dịch là Mại Tánh, tức kẻ hạ tiện. Kinh Tứ Nhân Xuất Hiện nói: “Hoặc hữu nhân sanh ty tiện gia, cập dư bần tiện gia, vô hữu ẩm thực. Tuy phục đắc thực, xú uế nan thường. Sanh như thử gia, bỉ thân khẩu ý hành ác cố dã” (Hoặc có người sanh vào gia đình hèn kém và những gia đình nghèo hèn khác, chẳng có đồ ăn thức uống. Tuy có được đồ ăn, lại hôi thối khó nuốt. Kẻ sanh vào những gia đình như vậy là do thân, miệng, ý đã làm ác).

          “Đoản mạng”: Thọ mạng trong thế gian có ba hạng: Hạ phương là sáu mươi, trung phương là tám mươi, thượng phương là một trăm hai mươi tuổi. Nay tuổi thọ đã thuộc bậc hạ mà còn bị giảm bớt, chẳng phải là đoản mạng thì là gì? “Mạng”, theo kinh Đại Tập, nói về giai đoạn Ca La La[1], bèn có ba sự: Một là mạng, hai là hơi ấm, ba là thức. Thở ra hít vào thì gọi là Mạng, chủng tử của thức ấy được gọi là Thời Mạng Căn. Nương theo tâm mà giả lập, Mạng là năng y (chủ thể thực hiện sự nương tựa), tâm là sở y (cái để mạng nương vào). Nay đã sanh làm kẻ hạ tiện, lại còn đoản mạng, rồi lại rơi vào ác đạo. Ba quả trọn đủ, há chẳng khổ ư? Vì thế, liền cầu phương cách hòng thoát được, tránh khỏi!

3.2.2.2.2.2.1.2.2.1.1.2.2.1.1.2.3.2.2.2.2.3.2.2. Thẩm vấn nghiệp hạnh (tra hỏi nghiệp hạnh)

3.2.2.2.2.2.1.2.2.1.1.2.2.1.1.2.3.2.2.2.2.3.2.2.1. Chánh vấn bổn tội (hỏi thẳng tội gốc)

3.2.2.2.2.2.1.2.2.1.1.2.2.1.1.2.3.2.2.2.2.3.2.2.1.1. Dĩ tác hà hạnh nghiệp trưng (gạn hỏi đã tạo hạnh nghiệp gì)

          (Kinh) Quang Mục văn thuyết, tri mẫu vô nghi, ngạnh yết bi đề, nhi bạch tỳ tử: “Ký thị ngã mẫu, hợp tri bổn tội, tác hà hạnh nghiệp, đọa ư ác đạo?”

          ()光目聞說知母無疑哽咽悲啼而白婢子既是我母合知本罪作何行業墮於惡道

          (Kinh: Quang Mục nghe nói, biết là mẹ chẳng nghi, nghẹn ngào, buồn khóc, thưa với đứa con của đầy tớ: “Đã là mẹ tôi, ắt biết tội mình đã tạo hạnh nghiệp gì mà đọa trong ác đạo?”)

          Trước hết là thuật chuyện. Đã nghe nói như trên, sự thật, tình thật, đã biết đúng là mẹ, chẳng còn hồ nghi! Vì thế, rè giọng, nghẹn lời, kêu khóc, buồn thương, Từ chữ “ký thị” (đã là) trở đi là gạn hỏi. Sách Thuyết Văn Giải Tự giảng “ký” (既) có nghĩa là Đã. Đã là mẹ tôi, phải biết đã tạo tội gì, lại gạn hỏi là vì sợ có chuyện trá ngụy.

3.2.2.2.2.2.1.2.2.1.1.2.2.1.1.2.3.2.2.2.2.3.2.2.1.2. Dĩ sát mạ thọ báo đáp (trả lời: Do giết chóc và chửi bới mà thọ báo)

          (Kinh) Tỳ tử đáp ngôn: “Dĩ sát hại, hủy mạ, nhị nghiệp thọ báo. Nhược phi mông phước cứu bạt ngô nạn, dĩ thị nghiệp cố, vị hợp giải thoát”.

          ()婢子答言以殺害毀罵二業受報。若非蒙福救拔吾難以是業故未合解脫。

          (Kinh: Đứa con của người tớ gái đáp rằng: “Do hai nghiệp sát hại và hủy báng chửi bới mà thọ báo. Nếu chẳng nhờ phước của ngươi cứu vớt nạn cho ta, do vì nghiệp ấy, sẽ chưa được giải thoát”).

          Trước hết, trả lời ngay về cái nghiệp của chính mình mà thọ báo. Chỉ vì sát sanh và hủy mạ (hủy báng, chửi bới), tức hai nghiệp thân và miệng mà đến nỗi mắc quả báo địa ngục. Vì thế, trong kinh Hiền Ngu, cô Tô Mạn bảo các con: “Sát sanh chi tội đương nhập địa ngục, thọ chư khổ não, sổ thiên vạn tuế. Thường vi lộc đầu, thố đầu, chư cầm thú đầu. A Bàng ngục tốt chi sở liệp xạ, vô ương số tuế. Tuy tư giải thoát, kỳ hà do hồ?” (Do cái tội sát sanh sẽ vào địa ngục, chịu các khổ não mấy ngàn vạn năm! Thường làm thân nai, thân thỏ, thân các loài cầm thú, bị A Bàng ngục tốt săn bắn trải qua vô ương số năm. Tuy mong giải thoát, biết nhờ vào đâu?) Tuân Tử nói: “Dữ nhân thiện ngôn, noãn ư bố bạch. Thương nhân chi ngôn, thâm ư mâu kích” (Nói lời tốt lành với người khác, ấm áp hơn vải vóc. Nói lời tổn thương người khác, sâu hơn mâu, kích), huống hồ hủy báng, chửi bới ư?  

Vì thế, Thành Thật Luận nói: “Nếu kẻ nào ác khẩu, mạ lỵ nhiều cách, sẽ do những lời ấy mà thọ báo”. Vì thế, do hai nghiệp ấy mà gánh tội trong địa ngục. Từ chữ “nhược phi” (nếu không) trở đi, chỉ rõ: Do phước lực cứu vớt mà được giải thoát. Sát sanh đứng đầu các tội, hủy mạ đứng đầu muôn điều ác. Nếu chẳng do con gái ta được La Hán chỉ dạy, nhờ vào phước lợi do xưng danh, tạc tượng để cứu bạt hoạn nạn của ta, thì do báo ứng của hai nghiệp giết chóc và chửi bới, há có lúc giải thoát được chăng?

3.2.2.2.2.2.1.2.2.1.1.2.2.1.1.2.3.2.2.2.2.3.2.2.2. Chuyển trưng ngục báo (chuyển sang gạn hỏi tội báo trong địa ngục)

          (Kinh) Quang Mục vấn ngôn: “Địa ngục tội báo, kỳ sự vân hà?” Tỳ tử đáp ngôn: “Tội khổ chi sự, bất nhẫn xưng thuyết. Bách thiên tuế trung, tốt bạch nan cánh”.

          ()光目問言地獄罪報其事云何婢子答言罪苦之事不忍稱說。百千歲中卒白難竟。

          (Kinh: Quang Mục hỏi rằng: “Chuyện tội báo trong địa ngục là như thế nào?” Đứa con của người tớ gái đáp rằng: “Chuyện tội khổ chẳng nỡ nói kể. Trong trăm ngàn năm, khó thể nói trọn hết được”).

          Trước hết là Quang Mục hỏi, kế đó là đứa con của người tớ gái đáp. “Bất nhẫn” là những lời quá đáng chẳng thể thốt ra miệng hay nghe lọt vào tai nổi! Dù muốn nói ra, cũng chẳng thể hình dung được một phần. “Tốt” (卒) là trọn hết. “Cánh” (竟) là kết thúc. Dẫu trong trăm ngàn năm, chỉ sợ chẳng thể kể trọn hết những chuyện khổ được!

3.2.2.2.2.2.1.2.2.1.1.2.2.1.2. Hiếu nữ phát nguyện (người con gái hiếu thảo phát nguyện)

3.2.2.2.2.2.1.2.2.1.1.2.2.1.2.1. Quang Mục văn khổ, vị mẫu phát nguyện (Quang Mục nghe kể khổ, vì mẹ phát nguyện)

3.2.2.2.2.2.1.2.2.1.1.2.2.1.2.1.1. Khấp hướng không giới, trần mẫu  khổ

báo (khóc hướng lên không trung, thuật khổ báo của mẹ)

3.2.2.2.2.2.1.2.2.1.1.2.2.1.2.1.1.1. Nguyện thoát hiện sanh báo (nguyện mẹ thoát khỏi khổ báo trong đời này)

          (Kinh) Quang Mục văn dĩ, đề lệ hào khấp, nhi bạch không  giới:

“Nguyện ngã chi mẫu, vĩnh thoát địa ngục. Tất thập tam tuế, cánh vô trọng tội, cập lịch ác đạo”.

          ()光目聞已啼淚號泣而白空界願我之母永脫地獄。畢十三歲更無重罪及歷惡道。

          (Kinh: Quang Mục nghe xong, thổn thức, trào nước mắt, gào khóc, mà bạch cùng hư không: “Nguyện cho mẹ con vĩnh viễn thoát khỏi địa ngục. Hết [tuổi thọ] mười ba năm, chẳng còn trọng tội và trải qua ác đạo nữa”).

          “Hào” (號) là khóc to. Trong tâm đau xé dạ, ngoài khóc lóc, kêu gào. Khóc hồi lâu tắt tiếng, thì gọi là Khấp (泣). Ôm lòng đau khổ, bạch cùng hư không: “Nguyện cố mẫu của con vĩnh viễn thoát khỏi địa ngục. Hết tuổi thọ mười ba năm ngắn ngủi, sẽ tiêu nỗi khổ dài lâu trong mười tám ngục, chẳng còn trải qua ác đạo, thọ khổ vô lượng nữa!”

3.2.2.2.2.2.1.2.2.1.1.2.2.1.2.1.1.2. Nguyện thoát hậu sanh báo (nguyện thoát báo trong đời sau)

          (Kinh) Thập phương chư Phật từ ai mẫn ngã, thính ngã vị mẫu sở phát quảng đại thệ nguyện: Nhược đắc ngã mẫu vĩnh ly tam đồ, cập tư hạ tiện, nãi chí nữ nhân chi thân, vĩnh kiếp bất thọ giả.

          ()十方諸佛慈哀愍我聽我為母所發廣大誓願若得我母永離三塗及斯下賤乃至女人之身永劫不受者。

          (Kinh: Mười phương chư Phật từ bi thương xót con, hãy nghe con vì mẹ phát thệ nguyện rộng lớn: Nếu mẹ con được vĩnh viễn thoát khỏi tam đồ và thân hạ tiện, cho đến muôn đời chẳng thọ thân nữ nhân).

          Cầu mười phương chư Phật hiện đang trụ trong hà sa thế giới trong đời này, một là hiển thị tâm thệ nguyện rộng lớn, hai là khẩn thiết cầu Phật rủ lòng Từ thương xót. “Tam đồ, hạ tiện” là như kinh Tâm Địa Quán đã nói: “Hoặc hữu dĩ tham đa tài, nhi vi khủng bố. Tự kỷ tài bảo hằng cầu tích tụ, nhi bất thọ dụng, hà huống năng thí bần phạp chúng sanh. Ư kỷ tài bảo, thâm sanh tham trước. Ư tha tài bảo, dục linh tổn giảm. Dĩ thị nhân duyên, mạng chung chi hậu, đọa đại địa ngục, thọ vô lượng khổ. Như thị khổ báo, danh vi đệ nhất chánh cảm chi quả. Tùng địa ngục xuất, thọ súc sanh thân. Thân thường lao khổ, thủy, thảo bất túc, kinh đa thời trung, thù tổn tha tài. Như thị chúng sanh, danh vi đệ nhị chánh cảm chi quả. Thọ thị tội dĩ, sanh ngạ quỷ trung, khốn cơ khát khổ, vô lượng thiên kiếp bất văn tương thủy ẩm thực chi danh. Kỳ yết như châm, kỳ phúc như sơn. Túng đắc ẩm thực, tùy biến vi hỏa. Như thị khổ thân, danh vi đệ tam chánh cảm chi quả. Tất thị tội dĩ, lai sanh nhân gian, bần cùng hạ tiện, vị tha sở sử. Ư chư tài bảo, sở cầu nan đắc. Ư nhất thiết thời, nhi bất tự tại. Như thị dư báo, danh tương tự quả” (Hoặc có kẻ do tham nhiều của cải, nên sợ hãi. Đối với của cải của chính mình, luôn mong tích tụ mà chẳng hưởng dụng, huống hồ có thể thí cho chúng sanh nghèo thiếu! Đối với của cải của chính mình bèn sanh lòng tham đắm sâu xa; đối với tài sản của người khác, cứ muốn họ bị hao tổn, giảm bớt. Do nhân duyên ấy, sau khi mạng chung, đọa vào đại địa ngục, chịu khổ vô lượng. Khổ báo như thế gọi là cái quả chánh cảm thứ nhất. Từ địa ngục thoát ra, làm thân súc sanh. Thân thường nhọc nhằn, khổ sở, cỏ, nước chẳng đủ. Trải qua nhiều lần [như vậy] để đền cái tội hao tổn tài sản của người khác. Chúng sanh như thế được gọi là cái quả chánh cảm thứ hai. Thọ tội ấy xong, sanh làm ngạ quỷ, khốn khổ vì đói khát, trong vô lượng ngàn kiếp, chẳng được nghe tên gọi của các thứ chất dịch, nước, đồ ăn thức uống. Cổ họng như cái kim, bụng to như núi. Dẫu được thức ăn, chúng sẽ biến thành lửa. Thân khổ sở như thế gọi là cái quả chánh cảm thứ ba. Tội ấy hết rồi, sanh vào nhân gian, nghèo túng, hạ tiện, bị kẻ khác sai khiến. Đối với các của cải, mong cầu mà khó được. Trong hết thảy các thời, chẳng được tự tại. Dư báo như thế, được gọi là cái quả tương tự), hết sức phù hợp [với những điều đang được nói] trong đoạn này. Chữ Giả (者) nhằm nhắc lại những chuyện trên đây, ý nói: Nếu như mẹ con thoát khỏi quả báo trong thân hiện tại và thân sau, con liền đối trước đức Phật phát nguyện độ sanh rộng lớn!

3.2.2.2.2.2.1.2.2.1.1.2.2.1.2.1.2. Nguyện đối bổn Phật, phát ngã thệ tâm (nguyện đối trước đức Phật mà phát ra cái tâm thệ nguyện của ta)  

          (Kinh) Nguyện ngã tự kim nhật hậu, đối Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai tượng tiền, khước hậu bách thiên vạn ức kiếp trung, ưng hữu thế giới, sở hữu địa ngục cập tam ác đạo, chư tội khổ chúng sanh, thệ nguyện cứu bạt, linh ly địa ngục, ác thú, súc sanh, ngạ quỷ đẳng.

          ()願我自今日後對清淨蓮華目如來像前卻後百千萬億劫中應有世界所有地獄及三惡道諸罪苦眾生

願救拔令離地獄惡趣畜生餓鬼等。

          (Kinh: Nguyện con từ nay trở đi, đối trước tượng của Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai, trong trăm ngàn vạn ức kiếp sau này, trong những thế giới nào mà có tất cả các chúng sanh tội khổ trong địa ngục và ba ác đạo, con thệ nguyện cứu bạt khiến cho họ lìa khỏi địa ngục, đường ác, súc sanh, ngạ quỷ v.v…)

          “Từ ngày hôm nay trở đi”: Nêu ra cái tâm ban đầu, bởi lẽ, mong đạt được vạn dặm, mà bước đầu chẳng cất bước, công [tu tập] trong ba đại A-tăng-kỳ kiếp, chẳng do phát tâm ban đầu thì làm sao đạt được? Vì thế, luận Cựu Tỳ Bà Sa[2] nói: “Nếu lìa sơ tâm, sẽ chẳng thành đạo vô thượng. Hết thảy công đức đều do sơ tâm”. Vì thế, biết kinh này trước sau bốn lượt nêu rõ sự phát tâm của ngài Địa Tạng. [Trong chánh kinh] “hậu” đã là “tiền” (trước), “kim” là lúc ban đầu. Vì thế nói “tự kim” (từ nay). “Đối Phật tượng tiền” (Đối trước tượng Phật): Nêu ra chỗ chủ yếu [để Quang Mục] nương vào mà phát tâm. Bách thiên vạn ức kiếp” (Trăm ngàn vạn ức kiếp) là thời gian trải qua. “Ưng hữu thế giới” (Hễ có thế giới): Nhằm nói trọn hết các quốc độ y báo. “Địa ngục…” ý nói: Đều độ hết những chúng sanh chịu khổ.

          (Kinh) Như thị tội báo đẳng nhân, tận thành Phật cánh, ngã nhiên hậu phương thành Chánh Giác.

          ()如是罪報等人盡成佛竟我然後方成正覺。

          (Kinh: Những kẻ tội báo như thế đều thành Phật hết rồi, sau đấy, con mới thành Chánh Giác).

          Từ chữ “như thị” trở đi nói rõ: Độ xong hết chúng sanh rồi mới tự thành Chánh Giác. Nhiều phen phát nguyện, không gì chẳng đều như thế. Vì thế biết: Công đức phát tâm ban đầu, dẫu ức kiếp xưng tụng, tán dương, vẫn chẳng thể trọn hết được!

3.2.2.2.2.2.1.2.2.1.1.2.2.1.2.2. Không Phật cảm hiếu, tán nguyện, cáo sanh (đức Phật ở trên hư không cảm động vì lòng hiếu thảo, tán thán lời phát nguyện, và bảo cho biết chỗ mẹ sẽ sanh về)

3.2.2.2.2.2.1.2.2.1.1.2.2.1.2.2.1. Ấn chứng tiền nguyện (ấn chứng lời nguyện trên đây)

          (Kinh) Phát thị nguyện dĩ, cụ văn Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai nhi cáo chi viết: – Quang Mục! Nhữ đại từ mẫn, thiện năng vị mẫu phát như thị đại nguyện.    

          ()發是願已具聞清淨蓮華目如來而告之曰光目汝大慈愍善能為母發如是大願。

          (Kinh: Phát lời nguyện ấy xong, cô nghe trọn vẹn lời đức Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai bảo rằng: “Này Quang Mục! Con đại từ mẫn, khéo có thể vì mẹ phát nguyện to lớn như thế”).

          “Cụ” (具) là cùng với, đầy đủ. [“Cụ văn”] là nghe trọn đủ lời dạy ấy. “Đại từ mẫn” vì [lời phát nguyện] duyên pháp giới. “Thiện năng vị mẫu phát nguyện” (Khéo có thể vì mẹ phát nguyện): Tán thán cô Quang Mục đã phát tâm với trí huệ mẫn tiệp ấy. Nếu chỉ vì mẹ phát tâm, thì có hay khéo gì? Chính là vì cô ta đã dùng cái tâm độ rộng khắp, cầu cho mẹ sạch hết tội, ví như nước to ắt dập tắt lửa nhỏ, há có chuyện chẳng diệt ư? Vì thế, tán thán [lời phát nguyện của cô] đã hay lại khéo.

3.2.2.2.2.2.1.2.2.1.1.2.2.1.2.2.2. Cáo chuyển hậu báo (bảo cho biết báo ứng thân sau)

          Gồm hai ý:

          – Chuyển thân hiện tại thành phạm chí [trong thân sau].

          – Chuyển thân sau thành Phật quả.

          Nay gộp cả hai khoa lại để giải thích vì kinh văn tuy tách biệt mà ý nghĩa liên quan.

          (Kinh) Ngô quán nhữ mẫu, thập tam tuế tất, xả thử báo dĩ, sanh vi Phạm Chí, thọ niên bách tuế. Quá thị báo hậu, đương sanh Vô Ưu Phật quốc, thọ mạng bất khả kế kiếp.

          ()吾觀汝母十三歲畢捨此報已生為梵志壽年百歲。過是報後當生無憂國土壽命不可計劫。

          (Kinh: Ta quán mẹ con, sau khi mười ba tuổi, xả báo thân này, sanh làm Phạm Chí, tuổi thọ trăm năm. Hết báo thân ấy, sẽ sanh vào cõi Phật Vô Ưu, thọ mạng chẳng thể tính kiếp).

                Lìa nhà hạ tiện, sanh trong dòng Tịnh Hạnh; đổi thân đoản mạng thành bậc Trường Thọ Tiên. Đấy là do sức niệm Phật và tạc tượng của hiếu nữ. “Phạm Chí” (Brahmachārin): Dịch sát nghĩa là Tịnh Duệ (淨裔), tức là dòng dõi của bậc tịnh phạm (phạm hạnh thanh tịnh), kế thừa, tu tập pháp của Phạm Thiên. Họ tự nói sanh từ miệng của Phạm Thiên, cho nên riêng họ có danh xưng là Phạm. Chỉ riêng Ngũ Thiên Trúc có [chủng tánh này], các nước khác không có. Kinh Trường A Hàm gọi họ là Bà-la-môn. Con vừa cầu Phật, phát tâm, ba báo của mẹ đều chuyển. Sanh ra liền là kẻ hạ tiện để chuyển báo trước. Lại sanh làm Phạm Chí, để chuyển báo trong hiện tại. Về sau thành tựu quả Phật, nhằm chuyển hậu báo. Quốc độ Vô Ưu tức là Cực Lạc, vì chuyển ưu thành lạc. Bởi lẽ, hễ sanh vào địa ngục, do bị thiêu đốt nên ưu sầu. Kế đó, sanh trong nhà kẻ tôi tớ, bèn lo sầu vì hạ tiện. Hết tuổi thọ mười ba, lại lo sầu vì đọa vào ác đạo lần nữa. Sau đó sanh làm Phạm Chí, sẽ lo sầu vì tà hạnh, tự đại. Nay các mối lo sầu đều dứt, cho nên sanh vào quốc độ Vô Ưu. Đức Phật và nhân dân trong cõi ấy thọ mạng vô lượng vô biên A-tăng-kỳ kiếp, cho nên nói là “thọ mạng bất khả kế kiếp” (thọ mạng chẳng thể tính kiếp).

          (Kinh) Hậu thành Phật quả, quảng độ nhân thiên, số như Hằng hà sa.

          ()後成佛果廣度人天數如恆河沙。

          (Kinh: Về sau thành Phật quả, rộng độ trời người, số nhiều như cát sông Hằng).

          “Quảng độ nhân thiên” (Rộng độ trời người): Xưa kia là người mẹ có tội, là tử tù được độ từ địa ngục, mai sau làm Như Lai, chính là bậc Đại Giác có thể hóa độ trời, người. Phát tâm tạc tượng, công không chi to bằng! Vì thế, trong kinh Nhất Thiết Pháp Cao Vương, đức Phật bảo ngài Xá Lợi Phất: “Sơ phát Bồ Đề chi tâm, Bồ Tát Ma Ha Tát, tức phát tâm nhật, dĩ thị nhất thiết Thanh Văn, Duyên Giác, chúng sanh phước điền. Nhất thiết chúng sanh giai ư Bồ Tát trung sanh, Bồ Tát sở hóa” (Bồ Tát Ma Ha Tát sơ phát tâm Bồ Đề, ngay trong ngày phát tâm đã là phước điền của hết thảy Thanh Văn, Duyên Giác, và chúng sanh. Hết thảy chúng sanh đều do Bồ Tát mà sanh, được Bồ Tát hóa độ). Vì thế, chúng sanh được hóa độ nhiều như số lượng cát trong sông Hằng.

3.2.2.2.2.2.1.2.2.1.1.2.2.2. Kết hội cổ kim (kết lại để dung hội xưa và nay)

          (Kinh) Phật cáo Định Tự Tại Vương: – Nhĩ thời, La Hán phước độ Quang Mục giả, tức Vô Tận Ý Bồ Tát thị. Quang Mục mẫu giả, tức Giải Thoát Bồ Tát thị. Quang Mục nữ giả, tức Địa Tạng Bồ Tát thị.

          ()佛告定自在王爾時羅漢福度光目者即無盡意菩薩是。光目母者即解脫菩薩是。光目女者即地藏菩薩是。

          (Kinh: Đức Phật bảo Định Tự Tại Vương: – Vị La Hán phước độ Quang Mục lúc bấy giờ chính là Vô Tận Ý Bồ Tát. Mẹ của Quang Mục chính là Giải Thoát Bồ Tát. Cô Quang Mục chính là Địa Tạng Bồ Tát).

          Xưa kia thành tựu tiểu quả, nay làm bậc Đại Thừa, hồi Tiểu hướng Đại vậy. Vô Tận Ý (Akṣayamati) thì như trong Biệt Hành Sớ[3] đã giải thích. Nay theo lời Ký thì: “Do nguyện và hạnh đều vô tận, đều là vô tác, cho nên có tên là Vô Tận, do đều chính là pháp giới, đều chứa đựng hết thảy Phật pháp”. Giải Thoát Bồ Tát (Vimoksa) xưa kia đọa vào thiết thành (thành bằng sắt), trải đủ mọi nỗi cay đắng. Lại sanh vào nhà tớ gái, lại còn đoản mạng. Về sau, làm Phạm Chí, rốt cuộc đọa vào dòng tà. Nay trở ngược lại làm bậc đại giải thoát chẳng thể nghĩ bàn, có thể mong thành Phật quả. Còn Quang Mục do được La Hán chỉ dạy, mẹ cô ta do Quang Mục mà được siêu thăng. Nay đức Phật sắp kết thúc sự giáo hóa [trong cõi Sa Bà], sau khi thăng lên trời Đao Lợi, người hóa độ và kẻ được hóa độ đều cùng đến, con và mẹ cùng tới, cách biệt kiếp số dài lâu nhiều như cát trong sông Hằng, thế mà một hội nghiễm nhiên! “Đánh trống, gảy đàn tỳ bà, trở về cùng một nhà”[4], đó có phải là nói về chuyện này đấy chăng?  

3.2.2.2.2.2.1.2.2.1.2. Thị kim lợi ích (chỉ dạy sự lợi ích trong hiện tại)

3.2.2.2.2.2.1.2.2.1.2.1. Kết chỉ đại nguyện (kết lại phần chỉ bày đại nguyện)

          Tiết này giống như trong phần tiểu kết của đoạn văn trước, hòng mở đầu cho khoa kế tiếp, tức là tiểu kết phần chỉ bày đại nguyện, chính là nhằm làm cho chúng sanh tạo ác trong đời vị lai sẽ quy kết về cội gốc để thoát khổ. Đối với chỗ hay khéo của việc lập thành từng khoa mà ý nghĩa vẫn nhất quán, các bậc hậu hiền chớ nên không biết!

          (Kinh) Quá khứ cửu viễn kiếp trung, như thị từ mẫn, phát Hằng hà sa nguyện, quảng độ chúng sanh.

          ()過去久遠劫中如是慈愍發恆河沙願廣度眾生。

          (Kinh: Trong kiếp lâu xa về đời quá khứ, đã từ mẫn như thế, phát nguyện nhiều như cát sông Hằng, rộng độ chúng sanh).

          Từ thuở đầu phát tâm [cho đến] sau khi được phó chúc, số kiếp dài lâu, há có thể tính toán, dò lường nổi ư? Câu “như thị từ mẫn” (từ bi xót thương như thế) nhằm tiểu kết đại lược bốn phen [phát nguyện] trên đây, [chỉ rõ Bồ Tát] đã phát nguyện rộng lớn trong Hằng sa kiếp. Diệu Pháp Liên Hoa Kinh Huyền Nghĩa dẫn kinh Đại Thừa rằng: “Nếu có người hỏi: ‘Gì là căn bản của hết thảy các điều thiện?’ Hãy nên nói là lòng Từ! Lòng Từ nếu chẳng trọn đủ Thập Lực, Tứ Vô Sở Úy, ba mươi hai tướng của Phật thì là lòng Từ của Thanh Văn. Nếu trọn đủ [những điều ấy] thì là lòng Từ của Như Lai, tức là đại pháp tụ, tức là đại Niết Bàn. Sức Từ rộng sâu, trọn đủ hết thảy phước đức trang nghiêm”. Nay Địa Tạng Bồ Tát dùng cái tâm đại Niết Bàn để tu thánh hạnh, đạt được địa vị Vô Úy, có đủ hai mươi lăm phép Vương tam-muội, đại dụng không ngằn mé, là phạm hạnh chân thật. Vì thế, vừa nói “từ mẫn” thì công đức đã trọn đủ!

3.2.2.2.2.2.1.2.2.1.2.2. Tán khuyến quy kính (tán thán, khuyên hãy quy kính)

3.2.2.2.2.2.1.2.2.1.2.2.1. Ác giả quy kính thoát báo (kẻ ác do quy kính mà thoát khỏi ác báo)

          (Kinh) Vị lai thế trung, nhược hữu nam tử, nữ nhân, bất hành thiện giả, hành ác giả.

          ()未來世中若有男子女人不行善者行惡者。

          (Kinh: Trong đời vị lai, nếu có nam tử, nữ nhân, là kẻ  chẳng  làm

lành, chuyên làm ác).

          Phần đầu đoạn kinh văn này phân loại, liệt kê những kẻ ác. Từ chữ “nhược ngộ” (若遇, nếu gặp) [trong phần sau, tức từ “nhược ngộ thiện tri thức, khuyến linh…” (nếu gặp thiện tri thức khuyên…)] trở đi, [nói rõ]: Do quy y mà chuyển đổi quả báo. Hai pháp thiện và ác được sanh thành từ Ý. Ví như nước và lửa được sử dụng khác nhau. Vì thế, kinh dạy: “Thiện nghiệp ưng tu, ác hạnh ưng ly” (Nên tu thiện nghiệp, nên lìa hạnh ác). Thiện phước theo sát con người như bóng theo hình, chẳng thể rời được! Chuyện tội hay phước cũng đều y hệt như thế, chớ nên hồ nghi, kẻo tự đọa vào ác đạo! Tội, phước phân minh, tin chắc chẳng mê, sẽ trụ nơi an ổn dài lâu. Lời Phật chí thành, trọn chẳng lừa người! Kẻ chẳng tin nhân quả chính là Nhất Xiển Đề. Như Bà-la-môn Tệ Túc (Pāyāsi) thường ôm giữ những kiến giải khác lạ, nói “chẳng có đời khác, mà cũng chẳng có tái sanh, chẳng có thiện báo hay ác báo”, thường bảo người khác: “Bọn sa-môn dị kiến cứ nói kẻ sát sanh cho đến tà kiến thân hoại mạng chung, đều đọa trong địa ngục. Họ bảo kẻ chẳng sát sanh cho đến kẻ chẳng tà kiến thì thân hoại mạng chung đều sanh lên trời. Chưa từng thấy người chết trở lại kể về chỗ họ đọa vào. Vì vậy, ta chẳng tin có đời sau và thiện báo hay ác báo”. Ấy là vì ông ta chẳng hiểu nghiệp báo sai khác, cho nên mới rêu rao những lời lẽ bài bác, cho là không có nhân quả!

          (Kinh) Nãi chí bất tín nhân quả giả, tà dâm, vọng ngữ giả, lưỡng thiệt, ác khẩu giả, hủy báng Đại Thừa giả. N thị  chư  nghiệp

chúng sanh, tất đọa ác thú.

          ()乃至不信因果者邪婬妄語者兩舌惡口者毀謗大乘者。如是諸業眾生必墮惡趣。

          (Kinh: Cho đến kẻ chẳng tin nhân quả, kẻ tà dâm, nói dối, kẻ nói đôi chiều, nói lời thô ác, hủy báng Đại Thừa. Các chúng sanh tạo nghiệp

như thế, ắt đọa trong đường ác).

          “Nãi chí” (Cho đến): Chuyện ác lắm nỗi, chẳng thể nói đại khái bằng một hai điều được! Nhưng bất tín là tội nặng, cho nên đặc biệt chỉ ra. Tà dâm là đầu mối của ba ác nghiệp nơi thân. Chẳng phải là có dính líu tới ngoại sắc thì mới là tà, chỉ cần khởi tâm, đã là dâm dật, chẳng chánh đáng. Ấy là vì người đời chẳng biết toàn thân bất tịnh, lầm lạc đắm đuối vẻ đẹp cuốn hút, trái nghịch đạo Phạm Thiên (tịnh hạnh), chướng ngại Bồ Đề nghiệp, tạo thành cái nhân cho tứ sanh, thành tựu cái quả trong tam đồ, vun tưới khiến cho nghiệp càng thêm nặng. Vì thế, tội tà dâm đứng đầu trong những điều răn cấm của thánh đạo.

          “Vọng ngữ” là hư vọng, chẳng thật. Theo kinh Chánh Pháp Niệm Xứ, vọng ngữ khiến cho kẻ khác phiền não, sẽ đánh mất công đức chân thật, thường như [ở trong chốn] tối tăm, dẫu còn sống mà như đã chết, cứ nói đao cắt lưỡi mình, [đau khổ] còn hơn lửa mạnh, rắn độc. Sau khi chết đi, đọa vào địa ngục, miệng tuôn mủ, máu v.v…

          Lưỡng Thiệt là một miệng nói hai lời, dường như có hai cái lưỡi! Kinh dạy: “Thái hỷ đa ngôn ngữ, tăng tham linh tha úy, khẩu quá tự khoa đản, lưỡng thiệt đệ nhất xử” (Quá thích nói năng nhiều, tăng tham, khiến người sợ. Miệng phạm lỗi khoe, dối, lưỡng thiệt tội đứng đầu).

          Ác Khẩu là thô ác rủa xả người khác. Kinh Pháp Cú nói: “Tuy vi sa-môn, bất nhiếp thân khẩu, thô ngôn, ác thuyết, đa sở trúng thương, chúng sở bất ái, trí giả bất tích, thân tử thần khứ, luân chuyển tam đồ. Tự tử, tự sanh, khổ não vô lượng. Chư Phật thánh hiền, sở bất ái tích” (Tuy làm sa-môn, chẳng nhiếp thân miệng, nói lời thô ác, tổn thương nhiều kẻ, mọi người chẳng mến, người trí chẳng tiếc. Thân chết, tâm đi, luân chuyển tam đồ. Tự chết, tự sống, khổ não vô lượng. Chư Phật thánh hiền, đều chẳng yêu tiếc). Giả sử thân chẳng phạm lầm lỗi, nhưng khẩu nghiệp chẳng thận trọng, vẫn đọa ác đạo! Đại Luận nói: “Một con quỷ đầu như đầu lợn, trùng thối từ miệng bò ra, thân có quang minh kim sắc. Con quỷ ấy đời trước là tỳ-kheo, ác khẩu chửi bới vị khách tỳ-kheo. Do thân giữ tịnh giới, cho nên có quang minh; do miệng thốt lời ác, cho nên trùng thối từ miệng rơi ra”. Vì thế, kinh Tăng Nhất A Hàm nói: “Ninh dĩ lợi kiếm tiệt cát kỳ thiệt, bất dĩ ác ngôn thô ngữ, đọa tam ác đạo” (Thà dùng gươm bén cắt phăng cái lưỡi, chẳng vì lời lẽ thô ác mà đọa trong ba ác đạo). Hủy báng Đại Thừa như trong phần trước và phần sau đã giải thích. “Các chúng sanh tạo nghiệp như thế”: Tổng kết những kẻ bất thiện ắt đọa vào đường ác, kết thành tội xứ.

          (Kinh) Nhược ngộ thiện tri thức, khuyến linh nhất đàn chỉ gian, quy y Địa Tạng Bồ Tát, thị chư chúng sanh, tức đắc giải thoát tam ác đạo báo.    

          ()若遇善知識令一彈指間歸依地藏菩薩是諸眾生即得解脫三惡道報。

          (Kinh: Nếu gặp thiện tri thức, khuyên hãy quy y Địa Tạng Bồ Tát trong khoảng một cái khảy ngón tay, các chúng sanh ấy liền được giải thoát quả báo trong ba ác đạo).

          Từ “nhược ngộ thiện tri thức” (nếu gặp thiện tri thức) trở đi, nói về sự giải thoát. “Nhược” (Nếu) là từ ngữ bất định. Trong ác mà nếu có mảy thiện thì hoặc là có thể gặp [thiện tri thức]; nếu không thì khó gặp! Sách Pháp Hoa Văn Cú viết: “Hoặc nói Tri là Thức, hoặc nói nghe tiếng là Tri, thấy hình dáng là Thức”. Nay [thiện tri thức] dạy [những kẻ ấy] trong khoảng một cái khảy ngón tay, hãy quy y Địa Tạng Bồ Tát, đấy là thiện tri thức thật sự, [những kẻ có tội ấy] liền được thoát khỏi ba ác báo. Theo Ma Ha Tăng Kỳ Luật (Sāṁghikavinaya), hai mươi niệm là một cái chớp mắt. Hai mươi cái chớp mắt là một cái khảy ngón tay. Theo luận Tân Tỳ Bà Sa, trong khoảng tráng sĩ khảy ngón tay đã trải qua sáu mươi bốn sát-na; nhưng quy y chỉ trong khoảng một cái khảy ngón tay đã giải thoát ngàn đời trong ác đạo! Sức quy y chẳng thể lường ngằn mé; vì thế, khuyên hãy quy y.


ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH KHOA CHÚ


[1] Ca La La (Kalala) còn phiên âm là Yết La Lam, Yết Lạt Lam, dịch sang tiếng Hán là Ngưng Hoạt, Tạp Uế v.v… là lúc cha mẹ giao phối, tinh cha huyết mẹ ngưng kết thành phôi thai, mà cũng là lúc thần thức nương gá vào phôi thai ấy.

[2] A Tỳ Đạt Ma Đại Tỳ Bà Sa Luận (Abhidharma-mahavibhāsā-sàstra) có hai bản dịch:

1. Bản dịch thứ nhất vào đời Bắc Lương, do các vị Phù Đà Bạt Ma vả Đạo Thái cùng dịch, gồm một trăm quyển, hiện thời chỉ còn sáu mươi quyển, được gọi là Cựu Tỳ Bà Sa.

2. Bản dịch thứ hai của ngài Huyền Trang dịch vào đời Đường, gồm hai trăm quyển, được gọi là Tân Tỳ Bà Sa.

[3] Biệt Hành Sớ là tên gọi tắt của bộ Quán Âm Nghĩa Sớ. Do sau khi đã viết bộ Pháp Hoa Văn Cú xong, tổ Trí Giả lại giảng riêng phẩm Phổ Môn, môn nhân là ngài Quán Đảnh ghi lại lời giảng, tạo thành tác phẩm này. Do vậy gọi là Biệt Hành Sớ, hoặc Quán Âm Kinh Sớ. Lời Ký trong câu tiếp theo được trích dẫn từ tác phẩm ấy.

[4] Câu này dựa theo ý thành ngữ: “Đả cổ, lộng tỳ bà, tương  phùng  cộng  nhất  gia”

(Đánh trống, gảy tỳ bà, gặp gỡ trong một nhà), ý nói: Gặp gỡ, hoan hỷ trong một lúc rồi ai nấy mỗi người đi mỗi ngả.