ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH KHOA CHÚ
Đường Tam Tạng sa-môn Thật Xoa Nan Đà dịch
Cổ Diêm Khuông Am Thanh Liên bật-sô Linh Thừa soạn

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

 

3.2.2.2.2.2.1.2.2.1.1.1.2. Đằng tích vương nguyện sự (nêu bày chuyện phát nguyện của hai vị vua khi xưa)

3.2.2.2.2.2.1.2.2.1.1.1.2.1. Tự nhị vương hữu thiện (thuật chuyện hai vua chơi thân với nhau)

          (Kinh) Vị xuất gia thời, vi tiểu quốc vương, dữ nhất lân quốc vương vi hữu, đồng hành Thập Thiện, nhiêu ích chúng sanh.

          ()未出家時為小國王與一鄰國王為友同行十善饒益眾生。

          (Kinh: Khi chưa xuất gia, làm một tiểu quốc vương, kết bạn với vị vua nước láng giềng, cùng hành Thập Thiện lợi ích chúng sanh).

          Kinh Hiền Ngu nói: “Nhược thính nhân dân, nhược tự kỷ thân, xuất gia nhập đạo, công đức vô lượng, phi thí vi tỷ, cao ư Tu Di, thâm ư cự hải, quảng ư hư không. Do xuất gia cố, tất thành Phật đạo” (Nếu cho phép nhân dân xuất gia nhập đạo thì sẽ như chính mình xuất gia nhập đạo, công đức vô lượng, không thí dụ nào có thể sánh ví được! [Công đức ấy] cao như Tu Di, sâu như biển cả, rộng như hư không. Do vì xuất gia, ắt thành Phật đạo). Đại sư (Trí Giả đại sư) bảo có bốn loại xuất gia:

          1) Thân lẫn tâm đều chẳng xuất.

          2) Thân xuất, tâm chẳng xuất.

          3) Thân chẳng xuất, tâm xuất (quán hạnh xuất gia).

          4) Thân lẫn tâm đều xuất, có thể thấy Phật Tánh, ra khỏi nhà Nhị Tử (Phần Đoạn sanh tử và Biến Dịch sanh tử) thì mới là xuất gia chân thật.

          Vị vua xưa kia [được nhắc đến trong đoạn chánh kinh trên đây] là hạng người thứ tư, cho nên có thể thành Phật. “Hữu” (友) là chí hướng tương hợp. Chí tương hợp, sẽ giúp ích lẫn nhau. Vì thế, chữ Hữu gồm hai chữ Hựu (又) trên dưới ghép lại, biểu thị ý nghĩa “hiệp lực”. Hai câu “đồng hành…” nhằm giải thích đạo bè bạn: “Chí đồng, đạo đồng”. Thập Thiện tương phản với Thập Ác. Phàm là bốn loại Luân Vương (Kim, Ngân, Đồng, Thiết) đều dùng Thập Thiện để giáo hóa nhân dân thành tập tục; bởi Thập Thiện chính là cái gốc để sanh lên cõi trời. Nay những vị tiểu vương đồng hành Thập Thiện, đều có cái tâm Phổ Từ (tâm Từ trọn khắp). Kinh A Nan Vấn Sự Phật Cát Hung nói: “Thập Ác oán gia, Thập Thiện hậu hữu, an thần đắc đạo, giai tùng thiện sanh. Hữu năng thủ tín, phước báo tự nhiên. Tùng thiện chí thiện, phi thần thọ dữ. Cố ban tuyên pháp giáo, thị hiện nhân dân, vị tác phước điền. Tín giả đắc thực, hậu sanh vô ưu” (Thập Ác là oán gia, Thập Thiện là bạn thân thiết. An tâm đắc đạo, đều do thiện sanh ra. Có ai có thể giữ chữ tín thì phước báo tự nhiên. Do thiện mà đạt đến thiện, chẳng phải do thần trao cho. Vì thế, ban bố, tuyên nói pháp giáo, chỉ bày cho nhân dân, vì họ làm ruộng phước. Người tin tưởng bèn vun trồng [Thập Thiện], sẽ chẳng phải lo âu cho đời sau). Tạo lợi ích cho lê dân như thế, chẳng đánh mất sự giáo hóa của bậc nhân vương vậy!

3.2.2.2.2.2.1.2.2.1.1.1.2.2. Thuật nhị vương phát nguyện (thuật lời phát nguyện của hai vị vua)

3.2.2.2.2.2.1.2.2.1.1.1.2.2.1. Xuất nguyện bổn (nêu ra cái gốc của sự phát nguyện)

          (Kinh) Kỳ lân quốc nội, sở hữu nhân dân đa tạo chúng ác. Nhị vương nghị kế, quảng thiết phương tiện.

          ()其鄰國內所有人民多造眾惡。二王議計廣設方便。

          (Kinh: Trong nước lân cận, tất cả nhân dân phần nhiều tạo các điều ác. Hai vua bàn kế, rộng lập phương tiện).

          Nhân dân là cái gốc của nước nhà. “Dân” là chúng sanh. Lúc trời đất mới sanh ra con người, bề ngoài họ chất phác, nội tâm chân thuần, ai nấy đều toàn là một khối hỗn độn. Các vị trời [hiện hữu] lúc trời được mở ra thì là “thiên dân”. Nhân loại sanh thành thì là “phàm dân”, cho nên gọi là “nhân dân”. “Chúng ác” (Các điều ác) tức là tạo đủ các nghiệp Thập Ác, hết sức tương phản với Thập Thiện. Kinh A Nan Vấn Sự Phật Cát Hung nói: “Ký bất thiêu hương, nhiên đăng, lễ bái, hằng hoài hồ nghi, sân khuể, mạ lỵ, ác khẩu, tật hiền. Hựu bất Lục Trai, sát sanh thú thủ, bất kính Phật kinh. Nhược tật bệnh giả, tiện hô vu sư, bốc vấn, giải tấu, từ tự tà thần. Thử tùng túc hạnh ác đạo trung lai, hiện thế tội nhân, tử nhập Nê Lê, bị khảo lược trị, khốc bất khả ngôn. Giai do tích ác, kỳ hạnh bất thiện” (Đã chẳng thắp hương, đốt đèn, lễ bái, lại còn luôn hồ nghi, nóng giận, chửi rủa, nói lời thô ác, ghen ghét người hiền. Lại chẳng giữ sáu ngày trai giới, thích sát sanh, chẳng kính trọng kinh Phật. Nếu bị bệnh tật, liền gọi thầy đồng bói toán, giải hạn, [viết sớ] tâu trình, cúng tế tà thần. Đấy là kẻ quen thói từ xưa, từ trong ác đạo mà sanh đến. Tội nhân trong đời này, chết đi vào Nê Lê, bị tra khảo, hành hạ, trừng trị, đau đớn tàn khốc chẳng thể diễn tả được. Đấy đều là do điều ác tích tập, hành vi bất thiện). Vì thế, hai vua thương nghị, tính toán, rốt cuộc làm như thế nào để rộng lập phương pháp thuận tiện, hay khéo để cứu những người dân ác ấy, hòng chẳng đánh mất sự giáo hóa của vua, của thầy!

3.2.2.2.2.2.1.2.2.1.1.1.1.2.2. Chánh phát nguyện

          [Phần này gồm hai ý]:

          – Một vị vua phát nguyện thành Phật trước.

          – Một vị vua phát nguyện độ chúng sanh trước.

          Vốn chia thành hai khoa, nay nói gộp lại để giải thích kinh văn cho tiện.

          (Kinh) Nhất vương phát nguyện, tảo thành Phật đạo, đương độ thị bối, linh sử vô dư.

          ()一王發願早成佛道當度是輩令使無餘。

          (Kinh: Một vua phát nguyện sớm thành Phật đạo, sẽ độ những hạng người ấy chẳng còn thừa sót).

          Đại Luận nói: “Thành tựu chúng sanh có hai loại: Có người thì tự

thành tựu công đức trước, sau đấy mới độ chúng sanh. Có người thành tựu chúng sanh trước rồi sau đó mới thành tựu công đức của chính mình”. Đấy chính là ý chỉ phát nguyện của hai vị vua. Do thành Phật chính là căn bản để độ chúng sanh, [đã thành Phật] thì mới có thể rộng hóa đạo. Vì thế, nguyện thành Phật. Do đó, kinh dạy: “Nhất nhân xuất thế, đa nhân mông khánh, phước lạc nhiêu ích, Phật Thế Tôn dã” (Một người xuất thế, nhiều người được nhờ ơn, phước lạc trọn đầy, đó chính là Phật Thế Tôn). Vì thế, tự thành tựu trước thì mới có thể độ những kẻ ác ấy đều nhập Diệt Độ chẳng còn thừa sót. Đấy chính là lúc mới phát tâm liền thành Chánh Giác.

          (Kinh) Nhất vương phát nguyện: “Nhược bất tiên độ tội khổ, linh thị an lạc, đắc chí Bồ Đề, ngã chung vị nguyện thành Phật”.

          ()一王發願若不先度罪苦令是安樂得至菩提我終未願成佛。

          (Kinh: Một vị vua phát nguyện: “Nếu chẳng độ kẻ tội khổ trước, khiến cho họ được an lạc, đạt đến Bồ Đề, tôi nguyện trọn chẳng thành Phật”).

          Một vị vua suy nghĩ: Chính mình chưa đắc độ, hãy độ chúng sanh trước, thì mới là Bồ Tát phát tâm, há có nên vì chính mình trước ư? Như Đại Luận nói: “Đức Phật nói ta dùng thiên nhãn thanh tịnh, thấy các chúng sanh chết đây, sanh kia, theo nghiệp thiện hay ác mà hứng chịu các quả báo. Ta nay hãy nên độ thoát những kẻ có tội trước, khiến cho họ đạt được niềm vui vô thượng Niết Bàn. Thà ở trong sanh tử dài lâu, thề trọn chẳng nguyện thành Phật”. Đấy chính là cái tâm phát khởi hoằng nguyện ban đầu, rốt cuộc do lòng đại bi mà vào chốn hoạn nạn. Do vậy, hai vị vua phát nguyện, dường như bất đồng!

3.2.2.2.2.2.1.2.2.1.1.1.3. Kết nhị vương kim cổ (kết lại, biện định bản thân của hai vua xưa và nay)

          (Kinh) Phật cáo Định Tự Tại Vương: – Nhất vương phát nguyện tảo thành Phật giả, tức Nhất Thiết Trí Thành Tựu Như Lai thị. Nhất vương phát nguyện vĩnh độ tội khổ chúng sanh, vị nguyện thành Phật giả, tức Địa Tạng Bồ Tát thị.

          ()佛告定自在王一王發願早成佛者即一切智成就

如來是。一王發願永度罪苦眾生未願成佛者即地藏菩薩是。

          (Kinh: Đức Phật bảo ngài Định Tự Tại Vương: – Một vị vua phát nguyện sớm thành Phật, chính là Nhất Thiết Trí Thành Tựu Như Lai. Một vị vua phát nguyện vĩnh viễn độ chúng sanh tội khổ, chưa nguyện thành Phật, tức là Địa Tạng Bồ Tát).

          Nhân vương phát nguyện thành đạo như cầm bằng khoán nhận vật. Vì thế nói: “Pháp tánh như biển cả, chẳng nói có đúng, sai. Phàm phu, bậc hiền thánh, bình đẳng chẳng cao thấp. Chỉ do tâm cấu đã diệt, bèn chứng đắc [dễ dàng] như lật bàn tay”. Xét ra, vị quốc vương ấy đúng là như thế. Nhưng chuyện trong trần sa kiếp, giống hệt như ngày hôm nay; đấy chính là Phật nhãn không pháp nào chẳng biết, không chuyện gì chẳng thấy.

3.2.2.2.2.2.1.2.2.1.1.2. Quang Mục nữ sở phát nguyện (cô Quang Mục phát nguyện)

3.2.2.2.2.2.1.2.2.1.1.2.1. Thuật Phật hiệu, kiếp, thọ (thuật Phật hiệu, kiếp số, thọ mạng)

          (Kinh) Phục ư quá khứ vô lượng A-tăng-kỳ kiếp, hữu Phật xuất thế, danh Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai. Kỳ Phật thọ mạng tứ thập kiếp.

          ()復於過去無量阿僧祇劫有佛出世名清淨蓮華目如來。其佛壽命四十劫。

          (Kinh: Lại trong vô lượng A-tăng-kỳ kiếp đời quá khứ, có Phật xuất thế, tên là Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai. Đức Phật ấy thọ mạng bốn mươi kiếp).

          Đức Phật xuất thế, nay dùng Phật Thích Ca để suy ra các vị cổ Phật. Như kinh Nhân Quả nói: “Bồ Tát công hạnh mãn túc, vị đăng Thập Địa, tại nhất sanh bổ xứ, sanh Đâu Suất Thiên. Kỳ vận tương chí, đương hạ tác Phật, tức quán ngũ sự: Nhất, quán sanh thục dữ vị thục? Nhị, quán thời chí dữ vị chí? Tam, quán hà quốc xử trung? Tứ, quán hà tộc quý thịnh? Ngũ, quán quá khứ nhân duyên, thùy vi phụ mẫu? Quán dĩ, hạ sanh” (Bồ Tát công hạnh trọn đủ, địa vị đạt tới Thập Địa, thuộc về Nhất Sanh Bổ Xứ, sanh vào trời Đâu Suất. Khi pháp vận sắp đến, sắp giáng sanh thành Phật, Ngài liền quán năm sự: Một là quán căn cơ của chúng sanh chín muồi hay chưa? Hai là quán đã đến thời hay chưa? Ba là quán sẽ ở trong nước nào? Bốn là quán dòng dõi nào cao quý, thịnh vượng? Năm là quán nhân duyên quá khứ, ai là cha mẹ? Quán xong bèn giáng sanh). Dùng chuyện nay để suy lường chuyện xưa, [các vị cổ Phật xuất thế] cũng giống như thế.

          “Thanh Tịnh Liên Hoa Mục” (mắt như hoa sen thanh tịnh) là một trong ba mươi hai tướng. Như bảo nữ hỏi đức Phật: “Như Lai có ba mươi hai tướng đại nhân, tiền thế túc mạng đã hành công đức gì mà dẫn đến có tướng [cao quý, đẹp đẽ] trọn khắp thân thể?” Đức Phật bảo: “Tướng đại nhân ‘tròng mắt của Như Lai có màu xanh ánh đỏ (cám thanh)’ là do đời xưa kia thường dùng mắt Từ nhìn mọi người. Tướng đại nhân ‘mắt của Như Lai như trăng non’ là do trong đời quá khứ không có tâm thô bạo, tâm tánh hòa thuận”. Đức Phật ấy đã dùng tướng đạt được để lập danh hiệu. Đó gọi là “diện như tịnh mãn nguyệt, mục nhược thanh liên hoa” (mặt như trăng tròn sạch, mắt như hoa sen xanh), ấy là vì Báo Phật (Báo Thân Phật) được gọi là Tịnh Mãn (Rocana, Lô Xá Na). Các ác đều tận, các đức đều trọn, vì được diệu mục thiên nhiên (mắt mầu nhiệm tự nhiên) như hoa sen thanh tịnh.

3.2.2.2.2.2.1.2.2.1.1.2.2. Đằng La Hán độ sanh (thuật chuyện La Hán cứu độ chúng sanh)

3.2.2.2.2.2.1.2.2.1.1.2.2.1. Tự tích nguyện sự (thuật chuyện phát nguyện xưa kia)

3.2.2.2.2.2.1.2.2.1.1.2.2.1.1. Tội mẫu đọa khổ (bà mẹ phạm tội đọa vào cảnh khổ)

3.2.2.2.2.2.1.2.2.1.1.2.2.1.1.1. Cử năng độ La Hán (nêu ra vị La Hán có thể hóa độ)

          (Kinh) Tượng Pháp chi trung, hữu nhất La Hán, phước độ chúng sanh.

          ()像法之中有一羅漢福度眾生。

          (Kinh: Trong thời Tượng Pháp có một vị La Hán phước độ chúng sanh).

          Tượng Pháp (Sad-dharma-pratirūpaka) là [thời kỳ] ở giữa Chánh Pháp (Sad-dharma) và Mạt Pháp (Sad-dharma-vipralopa), chính là thời “tháp tự kiên cố”, do chỉ tu chuyện phước đức hữu vi, tức là như câu chuyện tạc vẽ hình tượng trong đoạn kinh tiếp theo. La Hán: Do cái nhân là Khất Sĩ, thành cái quả là Ứng Cúng. Kinh Nhất Thiết Pháp Cao Vương nói: “Tứ hạnh, tứ đắc, bát Phú-già-la, ưng thọ thế gian thiên nhân cúng dường, hiệp chưởng, cung kính, vô thượng phước điền” (Tứ hướng và tứ quả[1], là tám hạng người, đáng nhận lãnh sự cúng dường, chắp tay, cung kính của trời người trong thế gian, là ruộng phước vô thượng). Vì thế, trong kinh Trường A Hàm, Kiên Cố Niệm Chuyển Luân Vương bảo Thái Tử rằng: “Tất cả các sa-môn trong cõi của ngươi hành hạnh thanh tịnh, chắc thật, công đức trọn đủ, riêng đạt tới Niết Bàn, nhân từ bố thí chẳng chán, biết đủ đối với cơm áo, ôm bát khất thực để tạo phước cho chúng sanh”. Vì thế nói là “phước độ chúng sanh”.

3.2.2.2.2.2.1.2.2.1.1.2.2.1.1.2. Thuật sở ngộ hiếu nữ (thuật chuyện gặp người con gái có hiếu)

3.2.2.2.2.2.1.2.2.1.1.2.2.1.1.2.1. Xuất danh (nêu tên)

          (Kinh) Nhân thứ giáo hóa, ngộ nhất nữ nhân, tự viết Quang Mục, thiết thực cúng dường.

          ()因次教化遇一女人字曰光目設食供養。

          (Kinh: Do lần lượt giáo hóa, gặp một cô gái tên là Quang Mục, sắp đặt thức ăn cúng dường).

          Như Lai đã diệt độ, La Hán theo thứ tự dạy mọi người hóa ác thành lành, chuyển phàm thành thánh. “Tên là Quang Mục”: Theo kinh Linh Xu, tinh khí của ngũ tạng lục phủ đều đổ dồn vào mắt, tạo thành tròng mắt. Cái ổ chứa đựng tinh túy là con mắt. Tinh túy của xương là tròng mắt, tinh túy của gân là tròng đen. Bởi mắt có hình giống như hoàn thuốc, con ngươi ở chính giữa ngay trước mắt, giống như mặt trời, mặt trăng tỏa sáng ở phương Đông Nam rồi mờ tối (lặn) ở Tây Bắc. Nhưng mắt có thể phát quang, do tinh túy của tạng phủ đều bẩm thọ từ Thổ nơi tỳ tạng (lá lách). Tỳ đứng đầu các Âm [trong cơ thể], mắt chính là chỗ hội tụ của huyết khí. Vì thế, tỳ mà hư thì tinh khí của ngũ tạng[2] đều mất chỗ cai quản, chẳng thể quy tụ, chẳng thể tỏa sáng nơi mắt được. Nay thánh nữ đã có thể hiếu thuận song thân, cung kính Tam Bảo, tự nhiên có thần cao, thần thủy, thần quang, chân khí, chân huyết, chân tinh, bồi đượm chất dịch của mắt, [khiến cho mắt] tỏa sáng dị thường. Nếu luận theo pháp, mắt biểu thị Định, quang biểu thị Huệ. Do Định phát Huệ, huệ quang chuyên chú nơi mắt, nên có tên gọi cao đẹp (Quang Mục) này.

          “Thiết thực cúng dường”: Thức ăn chính là ngoại mạng của chúng sanh. Người cầm thức ăn thí cho người khác, sẽ có năm công đức, sẽ đắc đạo: Một là thí mạng, hai là thí sắc, ba là thí lực, bốn là thí an (thí yên ổn), năm là thí biện (ban cho biện tài), đấy là năm phước. Nếu thí cho La Hán, phước gấp trăm lần! Như xưa kia, ngài A Na Luật (A Nậu Lâu Đà, Aniruddha) dâng thí một chén cơm cho vị Bích Chi Phật, bèn cảm quả báo chín mươi mốt kiếp chẳng nghèo túng; lại còn đắc đạo quả. Do đó, cần phải cúng dường!

3.2.2.2.2.2.1.2.2.1.1.2.2.1.1.2.2. Vấn nguyện (hỏi về ước nguyện)

          (Kinh) La Hán vấn chi, dục nguyện hà đẳng?

          ()羅漢問之欲願何等

          (Kinh: La Hán hỏi rằng: “Muốn nguyện những gì?”)

          Thời đức Phật, khuôn phép thông thường khi tiếp nhận cúng dường là ăn xong, ắt phải hỏi [thí chủ] mong muốn gì. Như ngài Ca Diếp hỏi bà mẹ nghèo: “Nay ý cụ mong mỏi những gì? Giàu sang, có thế lực trong thế gian, Chuyển Luân Thánh Vương, và Tứ Thiên Vương, Thích Phạm chư thiên, nếu muốn đắc quả Tu Đà Hoàn cho đến Chánh Giác đều có thể thỏa nguyện” là như vậy đó.

3.2.2.2.2.2.1.2.2.1.1.2.2.1.1.2.3. Bạch sự (thưa trình sự việc)

3.2.2.2.2.2.1.2.2.1.1.2.2.1.1.2.3.1. Hiếu nữ trần sự (hiếu nữ thưa chuyện)         

          (Kinh) Quang Mục đáp ngôn: “Ngã dĩ mẫu vong chi nhật, tư phước cứu bạt, vị tri ngã mẫu sanh xử hà thú?

          ()光目答言我以母亡之日資福救拔未知我母生處何趣。

          (Kinh: Quang Mục đáp rằng: “Trong ngày mẹ con mất, con đã làm phước để cứu bạt, chẳng biết mẹ con sanh vào đường nào?”)

          “Vong” (亡) là đã mất, chẳng còn. Chữ “vong” là do Nhập (入, vào) và Ẩn (乚) ghép lại, ý nói: “Vào chỗ ẩn kín”. Mẹ chết, con làm phước giúp cho, đấy chính là chuyện chánh yếu của người con hiếu thảo. Cha mẹ sanh ra thân ta, ta nương nhờ bú mớm mà khôn lớn thành người. Ân ấy, đức ấy, trải bao kiếp khó đền! Kinh Niết Bàn dạy: “Tri ân giả, đại bi chi bổn. Bất tri ân giả, thậm ư súc sanh” (Biết ơn là cái gốc của lòng đại bi. Kẻ chẳng biết ơn, tệ hơn súc sanh). Nay cô Quang Mục muốn biết chỗ mẹ thác sanh, có thể nói là biết được cái gốc để báo ân, vượt xa những tình kiến thông thường vậy.

3.2.2.2.2.2.1.2.2.1.1.2.2.1.1.2.3.2. La Hán nhập Định

3.2.2.2.2.2.1.2.2.1.1.2.2.1.1.2.3.2.1. Thuật định trung kiến mẫu (La Hán thuật chuyện trong Định thấy mẹ [của cô Quang Mục])

          (Kinh) La Hán mẫn chi, vị nhập Định quán, kiến Quang Mục nữ mẫu đọa tại ác thú, thọ cực đại khổ.

          ()羅漢愍之為入定觀見光目女母墮在惡趣受極大苦。

          (Kinh: La Hán thương xót, bèn nhập Định để quán, thấy mẹ cô Quang Mục đọa vào đường ác, chịu khổ cực lớn).

          [La Hán] thương xót cô hiếu thảo gấp bội lẽ thường; vì thế, nhập Định quán mẹ cô ta sanh về đâu. Chữ Kiến (見) ở cuối câu trước, hiển thị huệ nhãn có thể quán. Mẹ cô ta chính là cảnh khổ để quán. Tuân theo cách giải thích bài kệ “ngã dĩ Phật nhãn quán kiến lục đạo chúng sanh” trong kinh Pháp Hoa của đại sư (Trí Giả đại sư) để tách chữ Kiến thuộc về câu trên thuộc về khoa “minh Phật hữu năng kiến nhãn” (chỉ ra: Phật có mắt có thể thấy), còn “lục đạo chúng sanh” thuộc về Ngũ Trược được thấy. Trong bài kệ năm chữ của kinh ấy, còn tách chữ Kiến thuộc về câu sau; huống chi kinh văn ở đây liên tiếp, há chẳng đọc theo cách này ư? Nếu không, coi hai chữ “quán kiến” thuộc câu kế tiếp thì càng thông thuận hơn, vì trí và cảnh ngầm khế hợp. “Cực đại khổ” tức là đại địa ngục Vô Gián.          

          Hỏi: Theo Đại Luận, Huệ Nhãn chẳng thấy tướng “tận diệt, một, khác” của chúng sanh, chẳng thọ hết thảy các pháp. Huệ Nhãn chẳng thể độ chúng sanh, chẳng có gì phân biệt, cho nên sanh ra Pháp Nhãn. Nay Huệ Nhãn của La Hán liễu tri không tịch, làm sao có thể thấy mẹ cô ta chịu khổ cho được?

          Đáp: Huệ Nhãn biết Không, tức là chẳng chấp nơi cảnh Không, há có phải là giống như mù từ lúc bẩm sanh, hoàn toàn chẳng thấy gì ư? Vì thế, kinh Đại Phẩm Bát Nhã dạy: “Huệ Nhãn Bồ Tát, vô pháp bất kiến, vô pháp bất tri, vô pháp bất thức, thị vi Huệ Nhãn tịnh” (Huệ Nhãn Bồ Tát không pháp nào chẳng thấy, không pháp nào chẳng biết; không pháp nào chẳng nhận rõ. Đấy là Huệ Nhãn tịnh), kinh văn đã nói rõ, có thể dựa theo đó [để biện định]. Huống hồ là vị La Hán lần lượt giáo hóa, tức là đã thuộc ý nghĩa “Bồ Tát xuất Giả”! Bởi lẽ, A La Hán đã giống như Thập Hạnh của Biệt Giáo cùng trừ Tứ Trụ [phiền não], tự có thể có tiến cao hơn, đoạn trừ Trần Sa trong pháp giới. Do vậy, ngài Tứ Minh nói: “Cũng có pháp duyên từ bi, thuận theo cõi đời để lợi lạc chúng sanh”.

3.2.2.2.2.2.1.2.2.1.1.2.2.1.1.2.3.2.2. Thuật xuất Định vấn đáp (tường thuật chuyện xuất Định vấn đáp)

3.2.2.2.2.2.1.2.2.1.1.2.2.1.1.2.3.2.2.1. Vấn hạnh nghiệp (hỏi hạnh nghiệp của mẹ cô ta)

          (Kinh) La Hán vấn Quang Mục ngôn: “Nhữ  mẫu  tại  sanh, tác hà hạnh nghiệp? Kim tại ác thú, thọ cực đại khổ”.

          ()羅漢問光目言汝母在生作何行業今在惡趣受極大苦。

          (Kinh: La Hán hỏi Quang Mục rằng: “Mẹ cô khi còn sống đã làm hạnh nghiệp gì? Nay bà ta đang ở trong đường ác chịu khổ tột bậc”).

          “Tác” (作) là tạo tác. Như đức Phật đã nói: Tam giới, ngũ đạo, tội cấu khổ não, không gì chẳng do Tác! Hết thảy những thứ ngang trái chẳng phải do trời ban bố, mà là do tự làm, tự chịu! “Hạnh” có nghĩa là “chuyển dời”, là Tâm Sở pháp thuộc vào Ngũ Ấm. Do Vô Minh Hoặc từ quá khứ, dấy từ ba nghiệp, tạo tác các pháp, cho nên gọi là “hạnh nghiệp”. Nghiệp thành, báo hiện, cho nên ở trong đuờng ác, hứng chịu nỗi khổ to lớn tột bậc!

3.2.2.2.2.2.1.2.2.1.1.2.2.1.1.2.3.2.2.2. Đáp sở tập ([Quang Mục] đáp về những chuyện mẹ đã từng làm)

3.2.2.2.2.2.1.2.2.1.1.2.2.1.1.2.3.2.2.2.1. Thuật sự, cầu cứu (thuật chuyện, xin cứu giúp)

          (Kinh) Quang Mục đáp ngôn: “Ngã mẫu sở tập, duy háo thực đạm ngư miết chi thuộc. Sở thực ngư miết, đa thực kỳ tử, hoặc sao, hoặc chử, tứ tình thực đạm. Kế kỳ mạng số, thiên vạn phục bội.

          ()光目答言我母所習唯好食噉魚鼈之屬。所食魚鼈多食其子或炒或煮恣情食噉。計其命數千萬復倍。

          (Kinh: Quang Mục đáp rằng: “Mẹ con quen thói chỉ thích ăn những loài cá và ba ba. Ăn cá, ba ba thì phần nhiều ăn cá con, ba ba con, hoặc chiên, hoặc nấu, mặc sức ăn nuốt. Tính theo sanh mạng, gấp ngàn vạn lần!”)

          “Sở tập” là tập tánh, tập khí. Chủng tử của tập khí ác huân tập bên trong, hiện hành chuyển tập khí thành điều ác. Tiếp đó, [kinh văn] nói đến chuyện tạo nghiệp. “Duy” (唯) nghĩa là chỉ có. “Háo” (好) là ham thích chẳng thể buông bỏ được. Nữ nhân tánh dịu dàng, nhưng dễ vướng mắc, hễ ham thích gì sẽ đắm đuối, chẳng bỏ được! Nay mẹ cô Quang Mục chỉ ham ăn nuốt cá và ba ba, không thể bỏ được ý thích ấy. Sách Tỳ Nhã[3] nói: “Miết dĩ nhãn thính, khung tích liên hiếp, giáp trùng dã. Nhất danh Thần Thủ (ngư mãn tam bách lục thập, long vi dẫn phi xuất thủy, nội miết tắc bất khứ)” (Ba ba dùng mắt để nghe, mai khom thành hình vòm, nối liền với hông, thuộc loại động vật có vỏ cứng, còn gọi là Thần Thủ – hễ cá đủ số ba trăm sáu mươi con thì rồng sẽ dẫn chúng bay vượt khỏi nước, nhưng trong chỗ nước ấy mà có ba ba thì cá chẳng thể vượt ra được). Sách Cổ Kim Chú[4] nói: “Ba ba là người hầu của Hà Bá” (trong thơ Phóng Sanh của ông Đào Hiết Am ở Cối Kê có câu: “Làm quan sầu giam hãm, thủy tộc khổ bị bắt”). Kinh Thi có câu “bào miết tiên ngư” là nói đến gỏi cá tươi. “Bào miết, khoái lý” (炰鼈膾鯉) tức là món nấu chín thì có ba ba nướng, món ăn tanh (ăn sống) thì có gỏi cá chép. Mẹ cô Quang Mục thường thích ăn những thứ ấy đó chăng? Đây là nói về chuyện sát sanh, kế đó nói về cách ăn.

          “Duy háo ngư miết chi tử, sao chử tứ thực” (Chỉ chuộng cá con, ba ba con, mặc tình chiên, nấu để ăn) tức là khiến cho mẹ lẫn con đều chết. Nhưng mạng mẹ là một, mạng con chẳng biết là bao nhiêu! Từ khi lập gia đình cho đến lúc chết, bà ta luôn quen thói làm như vậy, sát hại sanh mạng của mẹ con (cá, ba ba) chẳng thể tính toán được. Vì thế nói là “thiên vạn phục bội” (gấp mấy ngàn vạn lần). Đấy là đánh đổi tánh mạng của bao nhiêu con vật để cung phụng cho một bữa ăn. Không chỉ là nhẫn tâm, lại còn tổn phước! Ông Tô Đông Pha nói: “Đao xẻ cá, ba ba để làm một bữa ngon, người ăn thật đã, kẻ chết thật khổ!” Châu Ngung nói: “Tánh mạng đối với chúng cực khẩn thiết, ta lại phung phí tánh mạng chúng vì vị ngon”. Đấy đều là những lời lẽ buốt dạ của người có lòng nhân. “Tình” là do thiên chân (tâm tình thuần phác của mỗi người) cảm vật mà dấy động, là sự ham muốn nơi tánh. Nhân dục (lòng ham muốn của con người) chẳng thể gọi là “tình” được, vì khí chất của nó vọng động, cho nên trái nghịch thiên chân gấp bội tình. Ai thường kiềm chế, kiểm điểm, sẽ sợ hãi mà thả loài vật. Nếu một khi đã buông lung, sẽ chẳng thể nào ngăn dứt được! Vì vậy, Phó Đại Sĩ bảo: “Độc tự tinh, kỳ thật ly thanh danh, thôi kiểm tứ vận tịnh vô sanh, kinh cức tùng lâm hà xứ sanh?” (Tự tánh thanh tịnh tâm tinh diệu, thật sự lìa khỏi ngôn thuyết, danh tự. Suy lường tứ vận[5] hoàn toàn là vô sanh, rừng rậm gai góc còn sanh từ đâu được nữa?) Có thể nói là “khéo chế ngự vọng tình, tuân theo thiên chân” vậy.

          (Kinh) Tôn giả từ mẫn, như hà ai cứu?

          ()尊者慈愍如何哀救

          (Kinh: Tôn giả thương xót, [xin hãy chỉ dạy] cứu vớt bằng cách nào?)

          Từ chữ “tôn giả” trở đi là cầu xin hãy rủ lòng Từ cứu vớt. Vì mẹ con đã nghiệp sâu, tội nặng, hứng chịu nỗi khổ to lớn ấy. Nay khẩn cầu tôn giả từ bi xót thương, rốt cuộc con nên xót xa cứu bạt như thế nào đây?

3.2.2.2.2.2.1.2.2.1.1.2.2.1.1.2.3.2.2.2.2. Phương tiện độ thoát

3.2.2.2.2.2.1.2.2.1.1.2.2.1.1.2.3.2.2.2.2.1. Niệm Phật, tạc tượng

          (Kinh) La Hán mẫn chi, vị tác phương tiện. Khuyến Quang Mục ngôn: “Nhữ khả chí thành niệm Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai, kiêm tố họa hình tượng, tồn vong hoạch báo”.

          ()羅漢愍之為作方便。勸光目言汝可志誠念清淨蓮華目如來兼塑畫形像存亡獲報。

          (Kinh: La Hán thương xót, vì cô ta lập ra phương tiện. Khuyên Quang Mục rằng: “Con hãy nên chí thành niệm Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai, và đắp, vẽ hình tượng thì kẻ còn lẫn người mất đều được thiện báo”).

          Niệm Phật, đắp tượng chính là phương cách để xót xa cứu vớt. Điều được duy trì trong tâm thì gọi là Chí, chữ Chí (志) gồm Tâm (心) và Chỉ (止) ghép lại, hàm ý: “Thâm trầm, kiên định”. Đức chân thật thì gọi là Thành (誠, chân thành), đó là cội rễ của tánh mạng. Do trời đạt được điều này (Thành) mà thành trời, do đất đạt được Thành mà thành đất, con người do đạt được Thành mà tự thành tựu. Chẳng Thành, chính là tự hoại, tuyệt trừ căn cội của tánh mạng, sụp lở, hư nát thiên địa của chính mình. [Chữ Thành (誠)] từ Thành (成) mà lập ý, chỉ thẳng chân tâm của con người; lại còn ghép thêm bộ Ngôn (言), nhằm lan truyền lòng thành của ta, chẳng khác gì thốt lời tiết lộ căn cội của trời vậy. Ghép hai chữ Thành (成) và Ngôn (言) để tạo thành chữ Thành (誠), nhằm diễn tả: Không chuyện gì chẳng chân thật. Thốt ra lời nói hay hành động, đều là vận dụng lòng Thành của ta, đều có công năng đạt đến nhất trí [giữa tâm niệm và hành vi, ngôn ngữ]. Niệm Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai chính là căn cội để khạc nhổ, bỏ đi tà kiến điên đảo, là cái gốc để nhổ trừ tham, sân, là cái nhân để tu niệm Phật, là cái quả để chứng thấy Phật. Vì thế, đức Phật dạy các tỳ-kheo: “Ngã diệt độ hậu, nhược xưng ngã danh, sở hoạch phước đức vô lượng vô biên. Cố giáo linh xưng Bổn Sư Phật danh dã” (Sau khi ta diệt độ, nếu xưng danh ta, sẽ đạt được phước đức vô lượng vô biên. Vì thế, dạy xưng danh của đức Bổn Sư Phật).

          “Tố họa hình tượng” (Đắp, vẽ hình tượng): Nhồi đất để tạo hình tượng là Tố (塑), dùng ngũ sắc để vẽ vời là Họa (畫). Như vua Ưu Điền (Udayana) hỏi đức Phật rằng: “Như sau khi đức Phật diệt độ, nếu có chúng sanh tạo hình tượng của Phật, sẽ đạt được phước gì?” Đức Phật bảo nhà vua rằng: “Nhược đương hữu nhân tác Phật hình tượng, công đức vô lượng, bất khả xưng kế, thế thế sở sanh, bất đọa ác đạo. Thiên thượng, nhân trung, thọ phước khoái lạc, nãi chí tác Đại Phạm Vương, đoan chánh vô tỷ, hậu giai đắc sanh Vô Lượng Thọ Phật quốc, tác đại Bồ Tát, tối tôn đệ nhất, đương đắc thành Phật, nhập Nê Hoàn đạo” (Nếu trong tương lai có người tạo hình tượng Phật, [người ấy] công đức vô lượng, chẳng thể tính kế: Đời đời sanh ra chẳng đọa vào đường ác. Ở trên cõi trời, hay trong cõi người, hưởng phước vui sướng, cho đến làm Đại Phạm Vương, đoan chánh khôn sánh. Về sau, sẽ đều được sanh vào cõi Phật Vô Lượng Thọ, làm đại Bồ Tát, tôn quý bậc nhất, sẽ được thành Phật, nhập đạo Niết Bàn). Vì thế, nay [La Hán] khuyên [Quang Mục] làm hai chuyện ấy khiến cho người mất lẫn kẻ còn đều được báo ứng tốt đẹp.

3.2.2.2.2.2.1.2.2.1.1.2.2.1.1.2.3.2.2.2.2.2. Họa tượng, cúng lễ (vẽ tượng, cúng dường, lễ bái)

          (Kinh) Quang Mục văn dĩ, tức xả sở ái, tầm họa Phật tượng, nhi cúng dường chi. Phục cung kính tâm, bi khấp, chiêm lễ.

          ()光目聞已即捨所愛尋畫佛像而供養之。復恭敬心悲泣瞻禮。

          (Kinh: Quang Mục nghe xong liền bỏ ngay những vật mình yêu thích, vẽ tượng Phật để cúng dường. Lại dùng tâm cung kính, buồn khóc, chiêm ngưỡng, lễ bái).

          Vẽ tượng, cúng dường thì mọi người dễ làm; bỏ ngay những thứ chính mình yêu thích, người ta khó làm được! Nay đã bỏ vật yêu thích để vẽ tượng, cung kính, khóc lóc, lễ bái, cậy Phật cứu mẹ, dùng đạo để báo tình thân, cái tâm thuần hiếu sáng ngời thiên cổ vậy!

3.2.2.2.2.2.1.2.2.1.1.2.2.1.1.2.3.2.2.2.2.3. Dạ mộng kiến Phật (đêm mộng thấy Phật)          

3.2.2.2.2.2.1.2.2.1.1.2.2.1.1.2.3.2.2.2.2.3.1. Hiếu nữ kiến Phật cáo ngữ (hiếu nữ thấy Phật bảo ban)

3.2.2.2.2.2.1.2.2.1.1.2.2.1.1.2.3.2.2.2.2.3.1.1. Nữ kiến thắng tướng (cô gái thấy tướng thù thắng)

          (Kinh) Hốt ư dạ hậu, mộng kiến Phật thân, kim sắc hoảng diệu, như Tu Di sơn, phóng đại quang minh.

          ()忽於夜後夢見佛身金色晃耀如須彌山放大光明。

          (Kinh: Chợt vào cuối đêm, mộng thấy thân Phật sắc vàng chói ngời như núi Tu Di, phóng đại quang minh).

          “Đêm mộng thấy Phật”: Kinh Tạp Bảo Tạng nói: “Phật pháp khoan quảng, tế độ vô nhai. Chí tâm cầu đạo, vô bất hoạch quả. Nãi chí hý tiếu, phước bất đường quyên” (Phật pháp mênh mông, tế độ chẳng ngằn mé. Chí tâm cầu đạo, không ai chẳng đắc quả. Cho đến cười giỡn, phước chẳng luống uổng). Vì thế, hiếu nữ bỏ vật ưa thích để vẽ tượng, buồn khóc, chiêm ngưỡng, lễ bái, Phật liền hiện thân, còn phóng quang minh. Do người có cảm, [Phật, Bồ Tát] từ bi ứng hiện phù hợp căn cơ. Sắc tướng, quang minh [hiển hiện] trong mộng để an ủi kẻ có lòng buồn thương, khẩn thiết. Theo luật Thiện Kiến[6], có bốn loại mộng:

          1) Mộng do Tứ Đại bất hòa (thấy núi lở, bay lên không trung, cọp, sói, giặc giã rượt đuổi v.v…)

          2) Mộng thấy những gì trước đó đã thấy (ban ngày thấy đen, trắng, nam, nữ, đêm liền mộng thấy [những hình ảnh đó]).

          3) Mộng thấy chư thiên (chư thiên hiện ra giấc mộng thiện, ác để dạy con người biết chuyện thiện, ác).

          4) Mộng do nghĩ tưởng (đời trước có phước hay tội chướng, nay hiện thành giấc mộng đẹp đẽ hay ác mộng).

          Hai loại đầu chẳng thật, hai loại sau chân thật. [Giấc mộng của cô Quang Mục] thuộc hai loại sau. Kinh Xuất Sanh Bồ Đề Tâm nói: “Nhược hữu mộng kiến Phật hình tượng, chư tướng cụ túc trang nghiêm thân, chúng sanh kiến giả ưng hoan hỷ, niệm đương tất tác Điều Ngự Sư” (Nếu nằm mộng thấy hình tượng Phật, thân có các tướng trọn đủ trang nghiêm, hãy nên hoan hỷ, nghĩ ta ắt sẽ làm bậc Điều Ngự Sư). Nay Quang Mục nằm mộng, há chẳng phải là thuần vì lòng đại hiếu xuất thế, cảm cách Đệ Nhất Nghĩa Thiên (Phật), đến nỗi có sự ứng hiện tốt lành đó ư? “Kim sắc…”: Phía Đông núi Đại Tu Di và bảy núi vàng tiểu Tu Di thuần là vàng ròng. Thân Phật chói ngời cũng giống như những núi ấy. Lại còn phóng quang minh, sắc tướng càng mầu nhiệm!


ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH KHOA CHÚ


[1] “Tứ hành và tứ đắc” trong đoạn kinh này chính là Tứ Hướng và Tứ Quả. Tứ Đắc (Tứ Quả) là bốn quả vị của Thanh Văn (Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm và A La Hán, hoặc còn gọi là Sơ Quả, Nhị Quả, Tam Quả và Tứ Quả), hay còn gọi chung là Tứ Sa Môn Quả. Khi hành nhân đã viên mãn một quả, nhưng còn đang trong giai đoạn tu tập nhằm đạt đến địa vị kế tiếp thì gọi là Hướng, cho nên có Tứ Hướng (Tứ Hành), tức Sơ Quả Hướng, Nhị Quả Hướng v.v… Phú Già La (Pudgala) có nghĩa là “người”, Bát Phú Già La tức là tám loại người. Tứ Hướng và Tứ Quả thường được gọi gộp chung là Tứ Bối Bát Sĩ (bốn bậc gồm tám hạng người).

[2] Ngũ tạng là tim, gan, tỳ, phổi, thận.

[3] Tỳ Nhã (埤雅) là một bộ từ điển được Lục Điền biên soạn dưới đời Bắc Tống, gồm hai mươi quyển, chủ yếu là ghi chép những điều tìm tòi của Lục Điền đối với các danh xưng động vật và thực vật trong Kinh Thi.

[4] Cổ Kim Chú là tác phẩm do Thôi Báo biên soạn dưới đời Tấn, nhằm giải thích những sự vật thuộc cổ đại và thời ấy, chia thành nhiều thể loại như đô ấp, âm nhạc, điểu thú, ngư trùng, thảo mộc v.v…

[5] Tứ Vận tức là tứ vận tâm. Khi con người khởi niệm thì có bốn loại: Vị niệm (chưa niệm), dục niệm (muốn niệm, sắp niệm), niệm (khởi lên ý niệm), niệm dĩ (ý niệm đã dấy lên xong).

[6] Luật Thiện Kiến có tên gọi đầy đủ là Nhất Thiết Thiện Kiến Luật Tỳ Bà Sa (Samantapāsādikā), hoặc gọi tắt Thiện Kiến Luật Chú, là chú giải của Luật Tạng theo truyền thống Phân Biệt Thuyết Bộ của Phật giáo Nam Truyền. Bộ luật sớ này được dịch sang tiếng Hán vào năm Vĩnh Minh thứ bảy (489) đời Nam Tề do hai vị Tăng Già Bạt Đà La và Tăng Y hợp dịch, gồm mười tám quyển.