Phạm Võng Kinh Bồ Tát Giới Bổn Giảng Ký
Hán văn: Pháp sư Thích Diễn Bồi
Việt dịch: Sa môn Thích Trí Minh

 

B.1.1.2. ÐẠO GIỚI (giới trộm cướp)  

Kinh văn: 

Nếu Phật tử tự mình trộm cướp, bảo người trộm cướp, phương tiện trộm cướp nhẫn đến dùng bùa chú trộm cướp. Nhân trộm cướp, duyên trộm cướp, cách thức trộm cướp. Tất cả các tài vật có chủ, dầu là của quỷ, thần hay kẻ giặc cướp, nhẫn đến một cây kim, một ngọn cỏ đều không đặng trộm cướp. Là Phật tử lẽ ra phải luôn luôn có lòng từ bi, lòng hiếu thuận, thường giúp cho mọi người được phước, được vui; mà trái lại, trộm cướp tài vật của người, Phật tử này phạm Bồ Tát Ba La Di tội. 

Lời giảng:

Phật pháp phân biệt sanh mạng chúng sanh làm hai loại:

Ngoại sanh mạng: Tất cả y thực, tài vật. Sanh mạng thể của chúng sanh được sanh tồn trên thế gian này do nhờ sự duy trì của y thực, tài vật. Chúng ta thử nghĩ một người sống ở đời này nếu không có sự tư trợ của vật chất thì làm sao sanh tồn được? Nên bất cứ ai muốn sanh mạng của mình sanh tồn, phải nhờ sự duy trì, nuôi sống của vật chất. Cho nên sát sanh là giải quyết lấy nội sanh mạng của chúng sanh, trộm cắp là đoạt lấy ngoại sanh mạng của chúng sanh.

Lại nữa, nhân sinh từ mai đến chiều bận rộn, cực nhọc để làm gì? Ðều vì vấn đề cơm ăn, áo mặc; nhưng suốt đời bôn ba vì áo mặc, cơm ăn để làm chi?

Ðể duy trì sanh mạng. Vì nếu không có y thực, tài vật v.v… thì sanh mạng không thể sống còn. Vì thế, y thực, tài vật của người mình không nên đoạt lấy. Nếu trộm cắp hết tài vật của người khác khiến cho sự sanh sống của người ấy trở thành vấn đề nan giải, không khác chi gián tiếp đoạt nội sanh mạng của người.

Trong Trí Ðộ Luận, quyển 13, Tổ Long Thọ thuyết minh:

Nhất thiết chư chúng sanh, 
Y thực dĩ tự hoạt. 
Nhược kiếp, nhược đoạt thủ, 
Tức vi kiếp đoạt mạng. 

Dịch:

Tất cả chúng sanh trên thế gian, 
Nương nhờ áo cơm mà sống còn. 
Nếu như cướp đoạt lấy của người, 
Tức là cướp đoạt sanh mạng người. 

Vì trạng huống này, nên làm người, lẽ đương nhiên không được trộm lấy của người. Nếu trộm lấy là phạm giới.

Nhưng thế nào trộm cắp?

Trong giới luật nói: Không cho mà tự lấy gọi là trộm cắp. Tức là người không có tâm đem tài vật ấy cho mình mà mình tự tiện lấy đi, gọi là “không cho mà tự lấy”.

Không cho mà lấy có những loại như sau:

– Kiếp thủ (cướp lấy): dùng sức lực đoạt tài vật của người một cách trắng trợn, công khai, không cần chủ của tài vật ấy bằng lòng cho hay không, cứ tự tiện theo ý của mình, đoạt tài vật của người đem đi. Như thế gian thường nói những kẻ cường đạo, tự ỷ quyền thế đem những hung cụ vào nhà người, như chĩa súng vào ngực, đóng đinh vào tai v.v… rồi tự ý lấy ngang của người đem đi.

– Hậu thủ (trộm lấy): tránh né tai mắt của chủ vật, lúc chủ vật không để ý, thừa dịp lấy im lặng rồi đem đi, như trên báo chí hằng ngày thường đăng tải. Chẳng hạn, ngày Chủ Nhật, gia đình nào đó có duyên sự phải đi ra ngoài để giải trí hay xem hát, mấy chú tiểu đạo tặc thừa dịp trong nhà không ai, yên lặng lủi vào nhà người, bẻ khóa, mở tủ, đập rương, lấy đồ vật của người đem đi. Ðó là loại thâu thủ thứ hai này.

– Hách thủ (dọa lấy): biết một người nào đó có điều gì bí ẩn, dùng cớ này làm thủ đoạn uy hiếp đối phương, dọa nạt lấy của tiền, công khai bảo rằng: “Nếu anh không muốn tôi chỉ vạch việc xấu của anh, hãy mau mau đem tiền của ra, nếu không anh sẽ biết v.v…” Bấy giờ, người bị uy hiếp kia suy nghĩ: “Mình thật có việc không thể nói với người”. Vì không muốn người này đem sự tình ấy rao bán, nói với bất cứ ai, nên phải nhẫn chịu đưa số vàng bạc theo yêu sách để được yên ổn. Ðây là loại hách thủ.

– Phiến thủ (dối gạt mà lấy): Chữ Phiến thường gọi là “biến”, là dùng những phương pháp dối gạt người để lấy tiền của mang đi. Khi người chủ phát giác biết đã bị lừa gạt thì tiền của đã mất rồi. Tình trạng này có thể nói rằng hiện tại đâu đâu cũng có.

Tóm lại:

Giới trộm cắp này rất dễ bị phạm, nên Hoằng Nhất luật sư nói: “Theo ý tôi suy nghĩ kỹ, ở trong năm giới, khó giữ gìn nhất không chi hơn trộm cắp”.

Thông thường mọi người cho giới trộm cắp không dễ phạm, nhưng Luật Sư lại nhận là một thứ giới khó giữ vô cùng, chứng tỏ ai ai cũng đều có thể phạm giới này.

* Xin nêu một vài câu chuyện để làm lệ rõ ràng:

– Như chuyện nhỏ mọn là việc gởi thư. Viết một lá thư quá dài, đương nhiên thư quá nặng, bưu phí phải gia bội. Ðể bớt bưu phí nên để thư ấy cuốn vào giấy báo hoặc tạp chí gởi đi. Ðó là chuyện rất bình thường, không có gì là tội lỗi. Nhưng nếu nói theo giới luật của Phật pháp, điều ấy đã phạm giới trộm cắp, trộm tiền của quốc gia.

– Lại như một người phục vụ trong cơ quan, quy định mỗi ngày cấp cho năm tờ giấy và năm phong bì. Có một người vì sự giao tế thù ứng rộng rãi, với số giấy ấy không đủ dùng, lại không nói cho người phụ trách biết, tự tiện yên lặng lấy thêm giấy và phong bì. Việc này thông thường cho là việc rất bình thường, vì là của chính phủ, lấy thêm ít cái có hề chi. Dĩ nhiên là như vậy, nhưng phải có sự đồng ý của người phụ trách, nếu không thì tự mình lén lấy xài dùng nên phạm tội trộm cắp.

– Lại tỉ như các thương nhân mua bán, phải đóng tiền thuế là hai ngàn đồng. Những người rành mua bán thường có hai quyển sổ. Một để chính phủ kiểm tra, một lập riêng cho mình kiểm soát. Quyển dành để cho chính phủ: đem số thu một vạn đồng bớt còn năm ngàn đồng. Thế là tiền thuế chỉ còn một ngàn đồng. Nói theo thế tục, việc này là trốn thuế.

Luận về Phật pháp thì phạm giới trộm cắp của chính phủ một ngàn đồng.

Trong xã hội có rất nhiều người tự cho mình là đứng đắn, không bao giờ lấy của người; nghĩa là không phạm giới trộm cắp. Nhưng cứ xem bên trên, làm người không phạm giới trộm cắp thật là hiếm có. Vì thế, Hoằng Nhất Luật Sư nói: “Giới trộm cắp rất khó giữ gìn”.

Mọi người đều công nhận trộm cắp là việc không tốt, pháp luật của các quốc gia trên thế giới từ xưa đến nay, cả Ðông phương lẫn Tây phương đều nghiêm cấm nhân dân việc trộm cắp. Dù lén trộm hay công khai cướp đoạt, đều vi phạm pháp luật quốc gia và bị trừng trị.

Trong Phật pháp, bất luận Ðại Thừa hay Tiểu Thừa, từ tại gia đến xuất gia, đều chế định giới trộm cắp và đều phán vào trọng tội.

Tại sao Phật pháp cùng thế pháp đều ngăn cấm việc trộm cắp như thế? Mọi người trên thế gian đều hết sức yêu quý của tiền, vàng ngọc, châu báu… không bao giờ muốn kẻ khác lấy đi. Với những người xem nhẹ tài vật thì không nói chi. Còn với những người quá xem trọng tài vật, nếu có người dùng thủ đoạn không chánh đáng trộm mất tài vật, nhất là những vật quá yêu tiếc, thì có thể vì đó bỏ ăn, mất ngủ, thậm chí bệnh liệt giường, sầu khổ suốt đời. Như thế thì đâu thể nào xem nhẹ việc trộm cắp là không trọng và phạm giới trộm cắp không phải là trọng tội.

Trong Phật pháp, hành giả Bồ Tát chí hướng ở nơi giáo hóa chúng sanh, với phương tiện tối thắng là Bố Thí, nên pháp Lục Ðộ Tứ Nhiếp (2) đều lấy Bố Thí làm đầu.

Bố thí là đem tài vật của mình cấp phát cho chúng sanh, giúp cho chúng sanh giải trừ những khó khăn về sinh hoạt vật chất, khiến cho chúng sanh phát khởi thiện tâm và thích gần gũi, thân cận với Bồ Tát. Nhờ đó, Bồ Tát dần dần đem Phật pháp giáo hóa, khiến chúng sanh bước lên con đường lớn, xán lạn của Phật pháp.

Trái lại, nếu chẳng những không bố thí giúp đỡ chúng sanh, lại còn trộm tài vật của chúng sanh, thì làm sao nhiếp hóa được chúng sanh? Lại nữa, chúng sanh một khi trông thấy Bồ Tát, đều không muốn lui tới, không muốn thân cận với Bồ Tát. Như thế, mất hẳn hạnh đại từ đại bi tế độ chúng sanh của Bồ Tát, trái với pháp môn lục độ tứ nhiếp của Bồ Tát cần phải tu.

Thế nên, giới trộm cắp tuy thông thường nhưng thật hết sức trọng yếu. Nhất là ở lập trường Ðại Thừa Phật giáo, thì hành giả Bồ Tát lại cần phải giữ gìn hết sức nghiêm cẩn, không được có chút vi phạm. Nếu không thì không thể gánh vác trách nhiệm trọng đại hóa độ chúng sanh, và không có tư cách gì được gọi là Bồ Tát. Trong kinh Lăng Nghiêm, Ðức Phật từng dạy như vầy: “Tâm trộm cắp không diệt trừ thì không dễ gì thoát khỏi trần lao. Dù có đa trí thiền định hiện tiền, nếu không đoạn trừ trộm cắp, chắc chắn lạc vào đường tà”.

Lời Phật dạy trên ý nói: Bất luận trí huệ của người ấy cao siêu thế nào, thiền định của người ấy sâu như thế nào, nếu tâm trộm cắp không đoạn trừ, chẳng những không thể ra khỏi trần lao, mà kết quả chắc chắn lạc vào đường tà, vĩnh viễn trầm luân trong sanh tử.

Thử nghĩ tội trộm cắp nặng biết dường nào? Sự chướng ngại thánh đạo lớn biết dường nào? Vì thế nên làm người trên thế gian, đặc biệt là một hành giả Bồ Tát, quyết phải răn chừa tội trộm cắp, không được có chút vi bội. Nếu không thì tuyệt đối không thể nào bước lên con đường rộng lớn quang minh của Bồ Tát, để thực hiện công tác hóa độ chúng sanh!

Ðức Phật dạy nếu là Phật tử đã thọ giới Bồ Tát, bất luận là tự đạo (tự mình trộm cướp), giáo nhân đạo (bảo người trộm cướp), phương tiện đạo (phương tiện trộm cướp), chú đạo (dùng bùa chú trộm cướp)… đều là không thể được, vì những việc ấy đều vi phản (trái ngược) với hạnh từ bi lợi tế của Bồ Tát.

Tự đạo: chính tay mình trộm cắp tài vật của người đem đi.

– Thí như có người hữu sự cần đi xa, ở nhà không có ai, bèn đem vàng bạc, châu báu gởi cho một người bạn thân, tin cậy nhất, và nói rằng: “Xin anh hoan hỷ cho, vì tôi có duyên sự cần đi xa. Ở nhà không ai, nên đem những vật báu này gởi cho anh, xong việc tôi sẽ trở lại lấy!” Người bạn sẵn sàng đồng ý cho gởi.

Nhưng người bạn sau đó vì kiến tài ám nhãn, khởi tâm tham, muốn chiếm đoạt của báu, nên khi người chủ trở về, đến lấy lại, người bằng hữu kia cực lực phủ nhận: “Không có bất cứ thứ gì anh gởi cho tôi, đừng nói lôi thôi!”

Người bằng hữu chiếm được châu báu kia muốn làm việc buôn bán, nhưng vì tự mình không có vốn, lợi dụng ba tấc lưỡi chưa hư nát, sẵn có số châu báu này, đi rủ ren mọi người vào cổ phần. Khi vàng bạc đã đến tay liền cao bay xa chạy. Mọi hành động trên đều thuộc về loại trộm cắp này.

– Lại như nhiều người trong xã hội chơi hội (chơi hụi). Nếu một phần là một ngàn đồng, nếu rủ được năm mươi phần thì được năm vạn. Mình làm chủ hụi, gom hết rồi trốn đi. Ðây cũng là một hình thức tự trộm cắp.

Cho nên vận dụng những thủ đoạn không chánh đáng, những phương pháp dối gạt để lấy tiền của đều là tự trộm cắp.

– Giáo nhân đạo: Dùng lời nói xúi biểu người: “Nơi ấy có đồ vật gì… anh thế tôi đi lấy về”. Dù không phải chính tay mình tự đi lấy, nhưng đồng phạm tội trộm cắp.

Nhưng có một điểm hơi sai khác: nếu tài vật lấy đem về đều thuộc về phần mình thì phạm căn bổn trọng tội. Còn tài vật người đi trộm lấy luôn, không chia cho mình thì chỉ phạm tội khinh cấu. Vì kẻ trộm kia vốn không biết những vật ấy, nhưng vì do mình bảo họ đi lấy, nên dù tài vật không thuộc về mình, cũng phải gánh lấy tội xúi biểu.

Lại còn như miệng không bảo người đi lấy, nhưng dùng tay ra dấu, trên tướng ám chỉ cho biết để người đi trộm, đều là tội xúi biểu.

– Phương tiện đạo: Vốn không có tâm trộm của người, nhưng bỗng nhiên tài vật ở trước mặt mình, lại không ai thấy biết nên không ngần ngại, nhân cơ hội đó làm phương tiện lấy tài vật bỏ túi, hay cất giấu nơi khác, không ai biết. Tục ngữ có câu rằng: “Thuận thủ khiên dương, bất vi thâu” (thuận tay dắt dê không phải là trộm cắp). Với thế tục cho là không phải trộm cắp, nhưng trong Phật pháp cũng là phạm tội phương tiện trộm cắp.

– Chú đạo: dùng những chú thuật cướp tài vật của người. Tương truyền ở Ấn Ðộ có thứ ác chú. Ác chú sư sau khi niệm chú ấy sẽ lấy tiền của kẻ khác về cho mình. Hoặc niệm ác chú kêu gọi quỷ thần đến, để sai khiến quỷ thần đi trộm lấy tài vật mình muốn đem về. Ðấy là dùng những bùa chú trộm cắp. Ðối với người thường làm việc này đã là tội rất nặng.

Nếu như Phật tử, nhất là hàng xuất gia mà đi làm cống đầu cho người, ấy là tội nhơn trong Phật pháp. Tỳ kheo sống theo lối tà mạng, vì người làm cống đầu, trong Phật pháp tuyệt đối không thể được, cần phải ly khai thật xa, không nên xem là người trong Phật pháp, vì là một thứ dùng bùa chú trộm cắp, một trong các thứ trộm cắp.

Trong giới Sát Sanh có tán thán sát và tùy hỷ sát, giới trộm cắp vì sao không có hai thứ

ấy?

Vì sát sanh nếu đủ sức thì làm một mình. Nếu một người không làm được thì vài người thương lượng hợp tác nhau làm, nhưng với trộm cắp thì riêng âm thầm tính mưu kế mà làm, không muốn một người nào hay biết. Cho nên tội trộm cắp lúc nào cũng bị sự khiển trách của các nhân sĩ trong xã hội, không bao giờ được mọi người tán thán.

Tán thán đã không có thì tùy hỷ cũng không có, nên trong kinh văn không đề cập đến hai loại ấy. Tuy nhiên, hai thứ này hàm nhiếp trong phương tiện trộm cắp; vì tán thán và tùy hỷ không phải chính thức trộm cắp, cũng không thể tán thán hoặc tùy hỷ việc trộm cắp của người một cách công khai, nên liệt vào trong phương tiện trộm cắp.

Kết thành việc trộm cắp cần phải đầy đủ các điều kiện. Nếu chỉ có nhân trộm cắp mà không có duyên trộm cắp, vẫn không thành việc trộm cắp, cần phải đủ nhân duyên hòa hợp. Nhưng nếu không có phương pháp trộm cắp (cách thức) vẫn không thành trộm cắp. Cần phải đủ ba yếu tố trên mới thành nghiệp trộm cắp, tổng cộng thành bốn thứ được phân biệt như sau:

– Ðạo nhân (nhân trộm cắp): Do chủng tử tham lam, trộm cắp thành thục từ vô thỉ. Hiện tại nội tâm khởi một niệm trộm cắp làm nhân, đã có nhân rồi mới tiến hành việc trộm cắp.

– Ðạo duyên (duyên trộm cắp): những tài vật quý báu mình rất ưa thích hiện bày trước mắt, dụ dỗ, dẫn dắt mình đến sự trộm lấy của người.

– Ðạo pháp (phương tiện trộm cắp): khi làm việc trộm cắp, phải tính toán khéo léo, lập mưu bày kế, hoặc bẻ khóa, hoặc trèo tường nhảy vào, hoặc leo lên nóc nhà nhảy xuống, hoặc đào hầm bò vào. Khi vào được trong nhà thì cạy rương, mở tủ v.v… Ðấy là những cách thức trộm cướp.

– Ðạo nghiệp (nghiệp trộm cướp): do đầy đủ ba điều kiện trên, tiến đến lấy sự tài vật của người, khiến tài vật kia ly khai khỏi khổ chủ, hoàn thành việc trộm cướp, ấy là nghiệp trộm cướp.

Nếu luận về ba chướng thì đầu tiên do chủng tử tham lam trộm cướp mà sanh khởi ý niệm trộm cướp. Ðó là Phiền Não Chướng. Khi hoàn thành việc trộm cướp, gọi là Nghiệp Chướng. Do phiền não chướng và nghiệp chướng chiêu cảm quả khổ trong tam ác đạo đời vị lai, ấy là Báo Chướng.

Như thế thấy rõ, chẳng những sát sanh tạo thành sự thọ khổ trong luân hồi, trong sanh tử, mà trộm cướp cũng đồng khiến cho chúng sanh sanh tử không dứt.

Nếu không trộm cắp thì không tạo thành tội trộm cắp cực trọng và không chiêu cảm quả khổ trong tam ác đạo. Cho nên răn ngừa tội trộm cắp là một sự kiện trọng yếu.

Chẳng những tài vật của nhân dân không được trộm lấy, mà bất cứ tài vật có chủ nào, dù là tài vật của quỷ thần, của giặc cướp, một vật dù nhỏ bé như cây kim, ngọn cỏ, cũng không được cố ý trộm cắp.

Tài vật của quỷ thần là những đồ cúng trong miễu quỷ thần, đều không được trộm lấy. Vì những đồ cúng trong miễu thờ quỷ thần, tức quỷ thần làm chủ, hay người làm chức Từ giữ miễu làm chủ. Phàm những tài vật có chủ đều không được phép trộm lấy.

Tài vật của kẻ trộm cướp là những thứ mà kẻ trộm lấy được, vốn là đồ lấy trộm. Hiện

tại nếu trộm lấy đồ vật của kẻ trộm cướp, tại sao nói là phạm tội trộm cướp? Cổ đức đối với việc này có hai lối giải thích:

– Như tài vật của mình bị kẻ trộm lấy đi, trong tâm mình nghĩ rằng chúng đã mất rồi. Hiện tại, kẻ trộm hoàn toàn không bằng lòng hoặc không nói cho mình lấy lại, thì thuộc về tội “không cho mà lấy”. Trường hợp này căn cứ vào ý tưởng mà phạm tội; nghĩa là sau khi kẻ trộm lấy đồ, tâm khởi niệm đã mất rồi, nếu như chưa khởi niệm ấy mà lấy lại thì không phạm tội.

– Ðồ vật của kẻ trộm lấy của kẻ khác, đã thuộc về sở hữu của giặc cướp. Hiện tại kẻ trộm hoàn toàn không có nói cho mình. Nếu mình lấy lại của kẻ cướp kia, ấy là giặc cướp đi lấy của giặc cướp, thuộc về tội “không cho mà lấy”. Cho nên lấy tài vật của kẻ cướp cũng vẫn phạm tội trộm cướp.

* Về việc lấy lại tài vật của kẻ trộm cướp, Phật giáo tại Nhật Bản có một câu chuyện thật như thế này:

Trong một ngôi chùa ni, vị trụ trì hiệu là An Dưỡng tỳ kheo ni. Một đêm nọ, có kẻ trộm lẻn vào chùa lấy mùng, mền, nệm, gối… của chùa mang đi.

Ðêm ấy, An Dưỡng tỳ kheo ni ngủ không có mền đắp, phải lấy giấy đắp. Nhằm tiết Ðông trời quá lạnh, ni sư run rẩy, miệng đánh bò cạp. Bấy giờ, có một tiểu ni nghe được, xô cửa bước vào. Khi vừa vào tới phòng, thấy có chiếc áo ngự hàn dồn bông rơi dưới đất. Tiểu ni nhặt lên và đem đưa với ni sư, nói rằng: “Chiếc áo này là của kẻ trộm làm rơi lại, xin thầy hãy mặc cho bớt run và đỡ lạnh”.

An Dưỡng tỳ kheo ni đáp rằng: “Ðồ vật của kẻ trộm lấy được tức là đồ của kẻ trộm rồi. Chúng ta là người xuất gia, không được tùy tiện dùng đồ vật của người đã trộm lấy. Thầy nghĩ kẻ trộm chưa đi xa, con nên mau mau mang trả cho nó”.

Tiểu ni vâng lệnh, tức tốc đuổi theo kẻ trộm, giao trả chiếc áo và nói rõ lời Thầy mình dạy. Tên trộm nghe xong thấm thía và cảm động, liền đem toàn bộ đồ đã trộm trả lại cho nhà chùa. Lại đến trước mặt tỳ kheo ni An Dưỡng xin Ngài nhận lại đồ vật và hoan hỷ cho chú ta thành tâm sám hối.

Tỳ kheo ni nói rằng: “Thật làm nhọc cho cậu quá! Ðồ lấy được đã gói tử tế, giờ lại mang giao cho chùa”. Trên nét mặt của An Dưỡng tỳ kheo ni lộ vẻ từ bi khoan thứ, khiến kẻ trộm vô cùng cảm động.

Tóm lại:

Tất cả tài vật, bất luận quý, tiện, trọng, khinh, cũng không luận là nhiều, ít, tốt, xấu, cho đến những vật nhỏ nhất như một cây kim, một ngọn cỏ đều không được không cho mà lấy. Nếu trộm lấy tức là phạm giới trộm cắp, nên trong kinh văn nói: “Bất đắc cố đạo” (không được cố ý lấy).

Tại sao không được cố ý lấy trộm?

Trong kinh văn, Phật dạy như sau: “Bồ Tát ưng sanh Phật tánh, hiếu thuận tâm, từ bi tâm, thường trợ nhứt thiết nhân sanh phước, sanh lạc” (Là Phật tử, lẽ ra phải luôn luôn có lòng từ bi, lòng hiếu thuận, thường giúp cho mọi người được phước, được vui).

Hai chữ “Phật tánh”, bổn Việt văn dịch là “luôn luôn”, ý nói: Phật tánh là một pháp thường trụ, bất sanh bất diệt, tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Hành giả Bồ Tát luôn thấy biết như thế và nhận chân tất cả chúng sanh trong tương lai đều sẽ thành Phật. Bổn phận của một vị Bồ Tát đối với Phật hết lòng cung kính, cúng dường còn không đủ, làm sao có thể trở lại trộm lấy tài vật của các Ngài?

Nếu như trộm lấy tài vật của các Ngài (chúng sanh) tức là đồng với tội trộm tài vật của chư Phật, tội này lớn biết dường nào? Nếu nhìn xa thì tất cả chúng sanh đều sẽ thành Phật. Nếu nói gần hơn, thì tất cả chúng sanh đều là cha mẹ. Bổn phận làm con phải sanh tâm hiếu thuận, hiếu kính cha mẹ không hết, đâu nên trộm lấy tài vật của cha mẹ? Nếu trộm lấy tài vật của cha mẹ, tội ấy lớn biết chừng nào?

Bây giờ không nói chúng sanh đều là Phật vị lai, làm cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp, mà cứ xem chúng sanh là chúng sanh. Bổn phận của Bồ Tát là lấy việc lợi ích chúng sanh làm bổn hoài, đối với chúng sanh cần phải sanh tâm từ bi. Chúng sanh gặp khốn khổ khó khăn, Bồ Tát phải lo giúp đỡ, chúng sanh cần chi, phải vội cấp cho, không được nhẫn tâm an nhiên ngồi xem chúng sanh bị khổ đói khát. Như thế làm sao nỡ lấy đi tài vật của chúng sanh, nhẫn tâm làm cho chúng sanh bị khổ đói rét? Ngoại sanh mạng đã bị cướp đi thì nội sanh mạng nương vào đâu mà sanh tồn? Sự việc này đâu đúng với tư cách của Bồ Tát?

Hành giả Bồ Tát chân chánh phải thường giúp cho mọi người sanh phước, sanh lạc, không nên trộm lấy tài vật của người mà làm cho người bị tội, bị khổ (đối với sanh phước, sanh lạc mà nói). Ðây là việc tối yếu!

Giúp cho mọi người sanh phước là khiến cho mọi người gieo trồng nhân an lạc; giúp cho mọi người sanh vui là khiến cho người được quả vui. Hành giả Bồ Tát cần phải thường an trụ tâm từ bi như vậy, cần phải thực hành theo những thiện sự như vậy, làm lợi ích cho khắp tất cả chúng sanh, khiến chúng sanh được an vui và giải thoát. Ðấy là hạnh từ bi tế độ của Bồ Tát cần phải có.

Nếu Bồ Tát trộm cướp tài vật của người, tức đoạt ngoại sanh mạng của người, làm cho sanh sống của người bị quẫn bách, bức ngặt, là vi phạm với thánh giáo của Ðức Phật Ðà, cho nên nói là “không thuận”. Ðồng thời, tất cả chúng sanh đã đều là cha mẹ nhiều đời, nhiều kiếp của mình. Làm con đã không phụng dưỡng cha mẹ, lại trở lại trộm lấy tài vật của cha mẹ, làm não hại cho cha mẹ, đâu còn tội lỗi nào nặng hơn?

Ðứng về mặt luật pháp hay Phật pháp đều là bất hiếu. Ðã bất hiếu thì với tư cách làm người còn không trọn, thì đâu còn tư cách gì gọi là Bồ Tát? Vì thế, chỉ có kính cẩn vâng theo lời Phật dạy, mới có thể gọi là hiếu thuận. Không trộm cắp tài vật của người mới gọi là từ bi. Làm cho chúng sanh không bị nghèo cùng, thiếu thốn mới gọi là sanh phước, sanh lạc.

Bồ Tát vì lợi sanh mà phát tâm Bồ Ðề, nhằm vào khía cạnh nào cũng phải thực hiện Ðàn Ba La Mật, đem hết khả năng của mình bố thí cho chúng sanh, khiến chúng sanh không sợ thiếu thốn về đời sống. Nếu không thực hành như vậy thì trái với tinh thần nên có của Bồ Tát.

Nếu chẳng những không thực hành như vậy mà trở lại trộm cắp tài vật của người, khiến chúng sanh bị thống khổ, nghèo thiếu, có thể nói là một tội ác rất lớn. Cho nên kinh văn nói: “Bồ Tát này phạm Ba La Di tội”.

Giới trộm cắp vừa xem qua rất là đơn giản, nhưng nếu vi phạm chính là hủy hoại Tam Tụ Tịnh Giới của Bồ Tát.

Việc ấy như thế nào?

Không nên trộm mà đi trộm là phạm Nhiếp Luật Nghi Giới, cần phải huệ thí cho chúng sanh mà không huệ thí là phạm Nhiếp Thiện Pháp Giới. Cần phải nhiếp hóa chúng sanh mà không nhiếp hóa là phạm Nhiếp Chúng Sanh Giới. Cần phải giúp cho mọi người sanh phước, sanh lạc mà không giúp, trái lại trộm lấy tài vật, làm cho người sanh tội, sanh khổ, vi phạm đức hạnh của Bồ Tát thái quá nên kết thành tội Ba La Di.

Ðiều văn của giới trộm cướp đã giảng rõ, nhưng còn những điều trọng yếu cần phải nói rõ thêm:

Căn cứ trong các kinh luận, kết thành tội trộm cướp phải hội đủ năm điều kiện, tức năm duyên, mới thật sự phạm căn bổn trọng tội. Không phải hành vi trộm cướp nào cũng kết thành căn bổn trọng tội. Năm duyên ấy như sau:

1. Thị hữu chủ vật (là vật có chủ): tài vật bị trộm đích thực có chủ, không phải vật vất bỏ hoặc không thuộc về bất cứ ai. Ðồng là có chủ, nhưng vật còn được chia thành ba phẩm:

a. Thượng phẩm vật: vật của Phật, Pháp, Hiện Tiền Tăng vật, tứ phương Tăng vật, phụ mẫu – sư trưởng vật.

+ Phật vật: Phật tử phải hiểu Phật có công đức tối thù thắng, cần phải có tâm chí thành, cung kính cúng dường Phật. Nếu chẳng những không cung kính cúng dường, lại còn trộm tài vật của Phật, đương nhiên là không được. Tội trộm tài vật của Phật nặng hay nhẹ, trong kinh tạng có hai lối giải thích:

– Theo kinh Niết Bàn thì chỉ mắc tội Thâu Lan Giá, còn gọi là Thâu Lan Giá Gia hay Tát Thâu La, không phạm trọng tội. Trung Hoa dịch là Ðại Chướng Thiện Ðạo, Ðại Tội, Thô Ác… Tội này là một trong sáu tụ. Nó là tội nhân của hai thiên đầu tiên là Ba La Di và Tăng Tàn (ở đây chỉ nói qua tên tội, không cần giải thích kỹ vì phần này thuộc về Ðại Luật Tỳ Kheo).

Vì Phật không chấp trước ngũ sở, đối với bất cứ tài vật chi đều không xem là vật sở hữu của mình, dù bị người trộm lấy, đối với vật bị mất, Phật không bao giờ cảm thấy luyến tiếc, khổ não. Vì thế, tội của người trộm cắp không nặng lắm.

– Theo kinh Thiện Sanh và Phạm Võng này, trộm tài vật của Phật bị ghép vào trọng tội. Tại sao vậy? Vì trộm của người hạ phẩm còn kết thành trọng tội, Phật là đấng thiên trong thiên, thánh trong thánh, địa vị của Ngài cao thượng không ai sánh bằng. Huống chi là tài vật của Ngài do hàng nhân thiên thành kính cúng dường, không vì một lý do gì được trộm lấy tài vật đó đem đi. Do đó, không được nói là chỉ phạm tội khinh.

+ Pháp vật: tức chỉ Tam Tạng giáo điển, ghi chép lại ngôn giáo của Phật đã tuyên thuyết, gồm Kinh, Luật, Luận. Pháp của Phật thuộc về Pháp Bảo vô giá. Vì nội dung trong Tam Tạng giáo điển của Phật tuyên thuyết đều dạy người hướng thượng, hướng thiện, hướng quang minh, hướng đến đường giải thoát, hướng về quả vị Bồ Ðề.

Chẳng những trộm kinh, luật, luận là phạm tội cực trọng; mà thiêu đốt kinh, luật, luận cũ hư đồng như tội thiêu đốt cha mẹ mình, đều phạm tội cực trọng! Những người không biết việc ấy có tội, trong khi thiêu đốt cho là đốt giấy chữ, chỉ phạm tội khinh cấu.

Lại còn có trường hợp những người mượn kinh, luật, luận, sớ sao của người khác xem, có ý muốn lấy luôn không trả lại. Hoặc bên trong có chỗ hư tổn, không nói rõ với người mình mượn kinh, cũng không thay thế người chủ quyển kinh để tu bổ lại, cứ để như vậy, lén gấp lại rồi đem trả, không nói cho người chủ biết bên trong đã bị hư tổn. Trường hợp trên đều phạm tội cực trọng.

Cho nên nếu mượn kinh, luật, luận của người khác cần phải đúng kỳ hẹn đem trả lại. Nếu bên trong có chỗ hư tổn, phải tìm cách tu bổ lại kỹ lưỡng; và đối với người chủ kinh, công khai nói rõ cho họ biết. Ðấy là đức hạnh cơ bản làm người cần phải có, huống chi là một Phật tử thọ Bồ Tát giới, mượn kinh pháp của người lại cố ý chiếm đoạt luôn, hoặc nội dung bị hư tổn mà không nói rõ thì tội lỗi lớn biết dường nào!

+ Tăng vật: tài vật của Tăng đoàn. Tổ Nam Sơn Luật Sư dạy rằng: “Trộm cắp tài vật thông cả Tam Bảo, nhưng riêng tài vật của chúng tăng thì nặng nhất”. Vì thế, tỳ kheo làm tổn hại hay thọ dụng tài vật của chúng tăng, tối thiểu chừng một sợi lông, tức là đối với thánh phàm trong mười phương mỗi mỗi đều kết tội.

Cho nên trong Luật Ngũ Phần nói: “Khi Phật còn tại thế, các Phật tử, bất luận vương thần, sĩ thứ, đem tài vật cúng dường cho Phật, Ðức Phật đều từ chối và đáp rằng: -Quý vị nên đem cúng dường cho chúng tăng sẽ được phước báo lớn”.

Theo lời Phật dạy trong Luật, thì thấy tài vật của chúng Tăng rất là quý trọng, không nên tùy tiện tự trộm lấy. Nếu tùy vọng tâm tham lam trộm lấy thì tội ấy rất nặng.

* Luận về việc thọ quả báo, kinh Ðại Tập có dẫn chuyện về sự thọ khổ của Long Nữ mù như sau:

Khi Phật còn tại thế, một hôm có long nữ mù đến đầu, mặt đảnh lễ Phật, bạch rằng: “Kính bạch Thế Tôn! Bổn nhân địa của con (chỉ nghiệp nhân đã tạo đời trước), nhớ lại một lúc nọ, con đến vườn rừng của nhà chùa, lén hái trộm mười trái Am-la để ăn. Do nhân duyên ác nghiệp ấy, sau khi con xả thân người, đọa vào địa ngục, thọ thống khổ không sao nói được. Sau khi thoát khỏi địa ngục, nhân ác nghiệp vẫn còn. Hôm nay con phải mang thân long nữ mù này, lại bị đói khát và thường bị các thứ trùng cắn rúc máu mủ trên thân mà ăn. Sự thống khổ ấy không thể nào nhẫn thọ. Hôm nay, con nguyện quy đầu nơi Phật, nương về với Phật, mong cầu giải thoát thân thống khổ này”.

Ðức Phật dạy rằng: “Này long nữ! Nghiệp nhân ấy quá nặng, kế với nghiệp ngũ vô gián (1). Tại sao vậy? Vì tài vật của tứ phương tăng, thường trụ tăng hoặc hiện tiền tăng là của thí chủ có tâm thành kính cúng dường mong cầu phước báo. Hoặc là hoa trái, hoặc cây trong vườn rừng, hoặc cơm cháo, thức ăn uống, cùng thuốc men, giường nệm… tất cả những vật nhu dụng của chúng tăng, nếu tự mình lén lấy xài dùng, hoặc đem cho người quen hay bà con, láng giềng, cùng bạch y, tội này nặng hơn tội A Tỳ địa ngục”.

Tiếp theo Phật nói kệ rằng:

Thà nuốt hoàn sắt nóng cháy đỏ, 
Khiến cho trong miệng lửa phựt ra, 
Những đồ ăn uống của chúng tăng, 
Tự mình không nên riêng thọ dụng. 
Thà dùng dao bén tự cắt tóc, 
Da thịt thân mình để ăn dùng, 
Phật tử tại gia và người tục, 
Không nên ăn dùng của chúng tăng. 

Bộ Chư Kinh Tập Yếu nói: “Hiện nay kẻ thế tục si mê, thấy tài vật phước điền, sanh tâm tham lam cẩu thả, lấy dùng tư dưỡng cho bản thân mình, ăn những thức ăn uống của chúng tăng, thọ dụng hoa quả của chúng tăng, dùng những súc vật của chúng tăng nuôi đem về cỡi, làm việc riêng cho mình, dẫn dụ nô bộc của chúng tăng nuôi để sai khiến, mượn tài vật của chúng tăng không trả, hoặc nương cậy quan quyền thế lực tìm kiếm lỗi lầm của chúng tăng…”

Dùng những việc như thế làm tổn hại chúng tăng không thể nào kể ra cho hết được. Ðêm khuya thanh vắng, suy nghĩ đến những tội này sao khỏi rùng mình, sởn óc và đau lòng.

Ở các tu viện, gìn giữ tài vật của chúng tăng, không cho người thế tục lấy, không phải có tâm xan lẫn, không bố thí mà chính là vì thương xót hàng bạch y, sợ họ phải thọ lấy kịch khổ ở tương lai. Vì thế, đem của chúng tăng cho người thế tục, không phải chỉ tổn hại cho người thế tục, mà cũng làm lụy cho người trị sự trong chùa. Do nghiệp nhơn ấy, chỗ thọ sanh ở tương lai đồng với người thế tục thọ khổ.

Như Phước Tăng tỳ kheo đi nơi đồng vắng, thấy một đại thọ bị vô số loài trùng cắn ăn hết sức ghê sợ. Lúc trở về, thầy đem chuyện ấy bạch lên Phật. Phật dạy rằng: “Cây đại thọ ấy tiền thân là một vị sư trong chùa thời quá khứ. Vô số loài trùng cắn cây ăn là người thọ dụng tài vật của chúng tăng”. Tội báo trộm cắp tài vật của chúng tăng thâm trọng như thế nên trong kinh Phương Ðẳng, Hoa Tụ Bồ Tát nói rằng:

Ngũ nghịch, tứ trọng, 
Ngã diệc năng cứu  
Ðạo tăng vật giả 
Ngã sở bất cứu. 

Dịch:

Tội ngũ nghịch, tứ trọng 
Ta có thể cứu được. 
Tội trộm cắp tài vật của chúng tăng 
Ta không thể cứu được. 

Lại kinh Ðại Tập nói: “Ðạo tăng vật giả, tội đồng ngũ nghịch” (tội trộm cắp tài vật của chúng tăng mang tội ngang với tội ngũ nghịch).

Kinh Quán Phật Tam Muội nói: “Dụng tăng kỳ vật giả, quá sát bát vạn tứ thiên phụ mẫu đẳng tội” (tội dùng tài vật của chúng tăng nặng hơn tội sát hại tám muôn bốn ngàn cha mẹ).

Chúng ta hãy thử tưởng tượng xem, tội trộm cắp của chúng tăng nặng biết dường nào; thật là làm cho con người dù không lạnh cũng phải run. Nhưng cùng là tài vật của chúng tăng, nhưng mức độ phạm tội lại có sự sai biệt bất đồng với tài vật của hiện tiền tăng cũng như tứ phương tăng. Nhưng bất luận là tài vật của tăng chúng thế nào, chủ yếu là lấy trộm một vật rất nhỏ, chừng bằng sợi lông, cũng là phạm tội cực trọng. Việc này nếu nói rõ ra thì phiền toái phi thường, nên ở đây không cần nói nhiều.

Tóm lại:

Tài vật của chúng tăng không nên trộm lấy, nếu tham lam trộm lấy phải phạm trọng tội, Phật cũng không cứu được.

Chúng ta tại sao lại can phạm đến những trọng tội như thế để hiện tại chính bản thân mình bị gác bỏ ra khỏi biển Phật pháp, tương lai phải bị khổ quả cực hình nơi ác đạo?

b. Trung phẩm vật: tài vật của hữu tình, nhân loại và của thiên giới. Trộm tài vật trung phẩm này nếu của nhân loại là phạm trọng tội. Nếu của chư thiên, chỉ phạm tội khinh cấu hoặc dù phạm trọng tội, nhưng giới thể không bị tán thất.

c. Hạ phẩm vật: tài vật của quỷ thần và súc sanh. Nếu trộm lấy chỉ phạm tội khinh cấu, hoặc nếu là trọng tội, nhưng giới thể không mất.

Tài vật có chủ gồm ba phẩm bất đồng đã nói trên, bên cạnh còn có một vấn đề cũng cần giải thích nữa, là tài vật chôn cất dưới đất, nếu trộm lấy có phạm tội hay không?

Khi Phật còn tại thế, một số tỳ kheo cho rằng Phật chế định giới trộm cắp là chỉ nhằm răn cấm không được lấy tài vật trên mặt đất, còn những tài vật chôn dưới mặt đất thì không ngăn cấm. Về sau, Ðức Phật biết được đã cực lực quở trách là hiểu lầm ý Phật.

Vì tài vật chôn giấu dưới đất dường như vô chủ, nhưng thực sự là của quốc vương (hay thuộc về quốc gia). Nếu lấy tài vật ấy là phạm tội trộm cắp. Vì quyền sở hữu của nhân dân chỉ ở trên mặt đất, còn quyền sở hữu của quốc gia luôn cả dưới mặt đất như mỏ vàng, mỏ bạc… nếu đào lấy là phạm tội trộm của quốc gia.

2. Hữu chủ tưởng (tưởng là vật có chủ): chia thành hai loại: tưởng có chủ và tưởng vật của người. Hai loại này, mỗi loại đều có sáu thứ sai khác:

a/ Loại tưởng có chủ gồm:

– Có chủ tưởng có chủ.

– Có chủ nghi có chủ.

Nếu trộm lấy tài vật như thế thành trọng tội.

– Không chủ tưởng có chủ.

– Không chủ nghi có chủ.

Nếu trộm lấy tài vật như thế thành tội khinh cấu.

– Có chủ tưởng có chủ.

– Không chủ tưởng không chủ.

Nếu lấy tài vật như thế hoàn toàn không phạm tội.

b/ Loại tưởng vật của người gồm:

– Vật của người tưởng vật của người.

– Vật của người nghi là vật của người.

Nếu trộm lấy tài vật ấy thì phạm trọng tội.

– Vật của người tưởng là vật của phi nhơn.

– Vật của người nghi là vật của phi nhơn.

– Vật của phi nhơn tưởng là vật của người.

– Vật của phi nhơn tưởng là vật của phi nhơn.

Nếu trộm lấy những tài vật như thế sẽ phạm tội khinh cấu.

Tội trộm cướp hoặc khinh hay trọng, có tội cùng không, hoàn toàn do tưởng nghĩ của

kẻ trộm đối với tài vật lúc ấy như thế nào mà định tội; không phải căn cứ vào một mặt rồi đều phán vào tội Trọng mà không phân biệt rõ ràng.

3. Ðạo tâm: Chỉ cho khi có một tâm niệm trộm cắp, lấy trộm tài vật của người để hoàn thành chủ nghiệp của nghiệp trộm cướp. Do có một tâm niệm trộm cướp, khi lấy tài vật của người, không có ý tưởng người ta cho mình, cũng không nghĩ là của mình, cũng không nghĩ vật ấy là đồ phấn tảo (thứ hư hỏng, vất đi), không có ý lấy tạm dùng sẽ trả lại, không có ý cho vật ấy là của người thân. Do không có những ý tưởng trên, nên thành chủ nghiệp trộm cắp.

4. Trị ngũ tiền: Lấy tài vật giá trị cao, nhiều tiền mới phán vào tội Ba La Di. Luật Ngũ Phần nói: “Luật pháp của nước Ma Kiệt Ðề thời vua A Xà Thế chế định tội trộm tài vật giá đáng năm tiền trở lên thì bị tội tử hình. Về sau, đức Phật chế giới tỳ kheo, tham chiếu vào luật quốc gia đương thời, cũng phán định tỳ kheo trộm lấy tài vật năm tiền trở lên phạm Ba La Di tội.

Ở Ấn Ðộ ngày xưa, một đồng tiền lớn bằng 16 đồng tiền nhỏ. Còn ở Trung Hoa kia, dù trộm lấy năm tiền hay tài vật đáng giá năm tiền, đều kết thành trọng tội. Nếu trộm từ bốn tiền trở xuống, chỉ phạm tội khinh. Dù kết thành tội trọng, nhưng giới thể cũng không bị mất.

Trường hợp mỗi lần trộm tài vật không tới năm tiền, nhưng hai ba lần mới được năm tiền thì phạm tội khinh hay trọng? Ðiều này cần phải xem xét ý niệm kẻ trộm khi ấy mà quyết đoán: nếu cố tâm đi trộm nhiều lần cho đến số năm tiền thì phạm tội trọng.

Nếu kẻ trộm không có ý tương tục, thì cứ mỗi lần trộm, một lần kết tội khinh. Mười lần trộm, kết tội khinh mười lần. Còn thêm một vấn đề nữa là tùy địa phương mà tài vật lấy được đáng giá năm đồng tiền hay chưa được năm đồng tiền mà kết tội khinh hay trọng. Thí dụ như một vật ở Tân Gia Ba giá đáng năm tiền hay hơn năm tiền, nhưng ở Kiết Long Ba lại không đến năm tiền. Việc nầy cần phải xem xét giá trị đồ vật ở nơi trộm mà luận tội. Như vật bị trộm ở Tân Gia Ba đáng năm tiền hay hơn năm tiền thì kết thành trọng tội, nhưng có thể đem dùng ở Kiết Long Ba thì vật ấy không đến năm tiền.

5. Cử ly bổn xứ (lấy đem đi khỏi chỗ cũ): Nói vật của người cất giấu tại một nơi, kẻ trộm đem vật ấy ra khỏi nơi người chủ cất giấu. Bất luận tự mình di động vật, bảo người di động, phương tiện di động, dùng chú thuật di động. Lúc tài vật ly khai khỏi chỗ cũ thì thành tội trộm cắp.

Trường hợp mượn tiền bạc hay tài vật của người, về sau chối nợ không chịu trả. Nếu người chủ nợ chưa có ý không đòi, tâm họ còn hy vọng người mượn sẽ trả đủ số tiền mượn cho mình thì vẫn không kết thành tội trộm cắp. Khi nào chủ nợ thấy tuyệt vọng không đòi được nữa, quyết định bỏ số nợ ấy, thì người mượn phạm tội trộm cắp.

Như trường hợp có người bạn thân đem tiền của, vàng bạc, châu báu gởi cho mình; về sau mình phủ nhận là chưa từng nhận đồ của người gởi. Không phải mới phủ nhận một lần liền bị kết tội, tại sao vậy? Vì người chủ kia không bao giờ bỏ tài vật một cách dễ dàng, mà nhất định dùng nhiều phương pháp, hoặc đối với người kia nói rõ ngày tháng đã trải qua trong thời gian gởi tài vật, hoặc nói nhân duyên hai người là thân hữu với nhau để hy vọng người kia trả lại.

Ðến khi người chủ tài vật tuyệt vọng, không còn hy vọng đòi được và có ý tưởng bỏ của. Khi ấy, người chiếm đoạt tài bảo kia mới đầy đủ nhân duyên kết thành tội trộm cắp. Ðến như những hàng hóa hay tài vật phải đóng thuế mà qua mắt nhân viên kiểm tra chính phủ, khi đạt được mục đích trốn thuế mới kết thành tội trộm cắp.

Trường hợp sai bảo người trộm cắp, nếu bảo người đến nơi ấy lấy vật ấy đem về. Nhưng người nhận lời sai bảo lại đi đến nơi khác, lấy vật khác đem về, thì người đi trộm đem về kia phạm tội trộm cắp, còn người sai bảo chỉ mang tội phương tiện trộm cắp.

Trường hợp người sai bảo đi lấy tài vật, tiền bạc, cố tâm có ý trộm cắp, còn người nhận lời sai bảo kia vô tâm, cho rằng chỉ theo lời sai bảo, cần lấy đồ vật, tiền bạc… đem về. Khi tài vật ly khai khỏi chỗ của người chủ cất giấu, thì người sai bảo kẻ đi lấy phạm tội trọng, còn người nhận lời sai bảo không phạm tội.

Trường hợp trái lại, nếu người bảo đi lấy tiền bạc, đồ vật không có tâm trộm cắp, nhưng người được bảo đi lấy lại có tâm trộm cắp; lúc tài vật ly khai khỏi chỗ của người chủ cất giữ thì người lấy phạm trọng tội, còn người sai bảo đi hoàn toàn không phạm tội.

Lại còn trường hợp người sai bảo đi, bổn ý muốn người mình sai bảo trộm lấy tài vật đáng giá năm tiền, nhưng người kia lại đi lấy tài vật không đủ số năm tiền mà chỉ bốn tiền trở xuống. Trường hợp này, cả hai đều chỉ kết thành tội khinh cấu mà thôi. Trái lại, nếu bảo người đi trộm lấy đồ vật, bổn ý người sai bảo muốn lấy chừng bốn tiền trở xuống, nhưng người nhận lời sai bảo lại trộm lấy tài vật đáng giá năm tiền trở lên. Trường hợp này, người sai bảo chỉ bị kết tội khinh cấu, còn người đi lấy phạm trọng tội.

Lại nữa, nếu người bảo đi lấy tài vật, bổn ý không định nhiều ít, năm tiền trở lên hay bốn tiền trở xuống… Người đi lấy trong tâm mù mờ, trộm tài vật đem về. Trường hợp này kết tội cách nào? Phải xem xét giá trị tài vật ấy mà quyết định:

– Nếu giá đáng năm tiền trở lên thì cả hai đều mang tội trọng.

– Nếu giá đáng bốn tiền trở xuống thì cả hai chỉ bị kết tội khinh cấu.

Còn có trường hợp cả hai người đi lấy món đồ trị giá năm tiền trở lên, nhưng khi chia, mỗi người chỉ nhận được phân nửa, nghĩa là không đến năm tiền. Trường hợp này lẽ ra không phạm tội, nhưng vì lúc tài vật ly khai khỏi địa phương cất giữ, giá đáng năm tiền hay hơn, nên cả hai đều phạm tội trọng.

Hoặc giả có trường hợp chỉ bảo cho người đi lấy vật ấy, nhưng tự mình không có ý lấy một phần nào trong số đó, thì người dạy bảo này không phạm tội trọng. Nhưng nếu lúc người nhận lời sai bảo lấy tài vật ly khai khỏi chỗ cũ đem về, người sai bảo nhận một phần do người đi trộm chia cho. Nếu người sai bảo biết rõ đồ vật là do trộm cắp đem về mà vẫn tiếp thọ, thì không tránh khỏi tội trộm cắp. Nếu người ấy hoàn toàn không biết đồ vật vốn là do trộm cắp đem về, tưởng lầm là của người tặng cho mình thì dù có nhận cũng không tội.

Theo sự phân biệt trên, chúng ta thấy trộm cướp có nhiều tội khác nhau và rất vi tế. Nếu không lưu tâm, chỉ một chút cũng có thể phạm giới rồi. Thế nên, chúng ta là Phật tử, nhất là một vị Ðại Thừa Bồ Tát, đối với giới trộm cướp này cần phải đặc biệt lưu ý một cách nghiêm cẩn.

Vậy phải làm thế nào để không phạm tội trộm cắp?

Trong Luật dạy chúng ta thế này: Nếu trong tâm nhận là người khác cho mình, hoặc xem đồ vật hay tiền bạc ấy là của mình, hoặc cho là vật phấn tảo người khác không cần dùng, vất bỏ, hoặc lấy đồ vật hay tiền bạc có ý nghĩ là của thân hữu, tạm dùng sau này sẽ trả lại, hoặc vì bệnh loạn tâm cuồng trí, không biết là đồ vật, tiền bạc của người. Những trường hợp trên không phạm giới trộm.

Trộm cướp cũng đồng với sát sanh. Có khi Bồ Tát có thể từ trong tay người khác cướp đoạt tài vật lại. Việc này Ấn Thuận Luật Sư trong Phật Pháp Khái Niệm có thuyết minh:

“Trộm cướp và sát sanh vẫn tương đồng. Bất luận là quốc vương, tể tướng, đại thần hay thường dân, nếu có người cướp tài vật một cách phi pháp, thì Bồ Tát không ngần ngại truất phế, lật đổ quyền vị của các quốc vương, tể tướng, chủ tụ lạc hay thường dân ấy… Với khả năng của mình, vị Bồ Tát đoạt lại tài vật từ trong tay kẻ cướp đoạt đem trả lại cho người bị cướp đoạt. Ðây là việc cần phải thực hiện, không thể bỏ qua. Ðối với kẻ cướp đoạt kia, việc làm này của Bồ Tát cũng là một thiện hạnh. Vì nếu để cho họ thọ dụng tài vật đã cướp đoạt một cách phi pháp, tức là gia thêm tội ác cho họ càng sâu. Cướp đoạt lại là cứu tế cho họ.

Trong tâm Bồ Tát hoàn toàn không có tâm niệm giận ghét như đối với cừu thù, mà vẫn phải có tâm từ bi, lân mẫn với những kẻ ác ấy hơn người lương thiện. Nếu làm như vậy mà những người ấy vẫn không lìa bỏ những hành vi tội ác, cứ buông lung cướp đoạt tài vật của người một cách phi pháp, Bồ Tát cần phải dùng tinh thần “ngã bất nhập địa ngục, thùy nhập địa ngục” (ta không vào địa ngục thì ai vào địa ngục). Ðã có tinh thần như vậy, đối

với người hành động phi pháp trên, cứ giết họ hay đoạt tài vật trở lại!”

Vấn đề này, Du Già Luận Bồ Tát Giới Bổn nói rất rõ ràng như sau:

“Nếu chư Bồ Tát khi thấy kẻ cường đạo hay bọn trộm cướp đoạt lấy tài vật của người khác hoặc của tăng già hay tháp Phật. Kẻ cường đạo kia ngoan cố buông lung, tùy tình tự ý thọ dụng những tài vật đã cướp đoạt ấy. Buông lung thọ dụng tài vật của Tam Bảo mà không biết tội ấy rất nặng, tương lai sẽ thọ khổ trong ác thú trải qua nhiều kiếp.

Bồ Tát thấy thế, đối với kẻ giặc cướp ấy sanh khởi tâm lân mẫn thâm sâu, muốn làm lợi ích an lạc cho chúng, tùy theo khả năng của mình, chọn lấy một phương cách cưỡng bức mà đoạt tài vật, đừng để bọn chúng buông lung thọ dụng mà trong đời vị lai phải chịu lấy khổ quả bi thảm.

Bồ Tát vì tâm lân mẫn, muốn lợi ích hữu tình mà đoạt lại tài vật. Nếu đồ vật ấy thuộc về tăng già thì đem trả cho tăng già; thuộc về tháp Phật đem trả lại tháp Phật; là tài vật của thường dân, trả lại cho thường dân. Riêng mình, một vật rất nhỏ như sợi tơ, sợi tóc đều không tâm ham muốn.

Bồ Tát vận dụng khả năng, tự mình có sức mạnh đoạt lại tài vật đem trả lại chỗ cũ, do tâm lân mẫn đối với hữu tình, vị Bồ Tát đó chẳng những không vi phạm tội mà lại còn sanh nhiều công đức. Nếu đối với tài vật đã đoạt lại, sanh khởi tâm tham, dù một vật nhỏ như sợi tơ, chẳng những không sanh công đức, lại trở thành kẻ trộm cướp, đoạt lấy của cải kẻ trộm cướp là một việc tuyệt đối không được”.

Không nên trộm cướp mà trộm cướp, buông lung theo vọng tình thọ dụng quyết không nên. Ðã có nghiệp nhơn này đương nhiên phải thọ khổ quả.

Nói về chánh báo thì đọa trong tam ác thú, chịu nhiều thống khổ.

Nói về dư báo sau khi thoát khỏi tam ác đạo, sanh trong nhơn đạo phải chịu hai thứ quả báo là bần cùng và cộng tài bất đắc tự tại. Nghĩa là tài vật trên thế gian thuộc về sở hữu cộng đồng của năm nhà:

  1. Ác quốc vương.
  2. Giặc cướp.
  3. Nạn nước.
  4. Nạn lửa.
  5. Con bất hiếu phá của.

Vì thế gọi là “cộng tài bất đắc tự tại”, chứ không phải có nghĩa ai cũng có thể tự do thọ dụng. Nói theo Phật pháp thì tiền của dù nhiều đến đâu, không sớm thì muộn cũng đều tiêu tan, không thể vĩnh viễn là vật của mình; nên tục ngữ có câu:

Tiền tài bất hội siêu tam đại, 
Vãng vãng đệ thị cập thân nhi tận.

Dịch:

Tiền của không bao giờ tồn tại hơn ba đời. 
Thường thường truyền đến đời mình đã hết. 

Vì thế, theo Phật pháp, việc tích chứa tiền của giàu có chính đáng còn không được khích lệ tán dương, hà huống làm giàu trộm cướp hoặc do kiến lợi vong nghĩa mà được, đều là những việc nhơ bẩn và muôn ngàn tội ác. Ðức Phật không bao giờ tán thán, hứa khả. Nhưng bất hạnh thay cho thế nhân! Quá yêu tiếc tiền của, chỉ ghét ít chứ không ghét nhiều, vì thế thường tạo nhiều tội ác. Họ không biết rằng: không nên tích tụ tiền của. Vì sao vậy?

Vì đến khi ta tích tụ được nhiều tiền của thì sanh mạng của ta cũng sắp kết thúc. Cổ đức có hai câu răn dạy:

Chúng sanh chỉ hận tụ vô đa, 
Cập đáo đa thời nhãn bế liễu 

Dịch:

Một đời chỉ hận chứa không nhiều, 
Ðến khi được nhiều thì nhắm mắt. 

Khi nhắm mắt chẳng mang được gì theo! Cái có thể mang theo chính là Nghiệp, thế tại sao cứ khổ thân vì của, vì tiền mà tạo nghiệp?

Cho nên làm người, nếu không trộm lấy của người, chẳng những đời này không bỏ được tâm tham lam, tật đố, thân tâm được an lạc, thanh tịnh, mà trong đời tương lai được phước báo đại phú, đại tài bảo, hào quý tự tại. Tiền của vật quý của mình, quốc vương, trộm cướp, nạn nước, nạn lửa không thể xâm đoạt. Vì thế, hàng Phật tử nói riêng, tất cả nhân loại nói chung, cần phải vâng lời Phật dạy, nghiêm cẩn trì giới không trộm cướp này cho thanh tịnh.

 

Chú thích: 

1) Tứ Nhiếp Pháp: Bồ Tát dùng bốn pháp này để nhiếp hóa chúng sanh. Tứ Nhiếp Pháp gồm:

– Bố Thí Nhiếp: nếu chúng sanh ưa thích tài vật thì đem tài vật bố thí, ưa nghe chánh pháp thì đem chánh pháp bố thí, khiến chúng sanh nhân đó sanh tâm ưa thích, thân cận, nương theo mà bẩm thọ giáo pháp.

– Ái Ngữ Nhiếp: tùy theo căn tánh của chúng sanh mà dùng lời khéo léo, nhã nhặn an ủi, khuyến dụ, khiến chúng sanh sanh tâm thân ái, nương tựa mà bẩm thọ đạo pháp.

– Lợi Hành Nhiếp: từ ba nghiệp thân, khẩu, ý sanh khởi thiện hạnh, làm lợi ích cho chúng sanh.

– Ðồng Sự Nhiếp: dùng pháp nhãn xem căn tánh của chúng sanh, tùy chỗ ưa muốn của chúng mà phân thân thị hiện đồng việc làm với chúng, để chúng sanh do đây mà bẩm thọ đạo pháp.

2) Ngũ Vô Gián: địa ngục A Tỳ thứ tám trong tám cảnh đại địa ngục. Gọi địa ngục A Tỳ là Ngũ Vô Gián vì có năm duyên cớ không gián đoạn:

– Thủ quả vô gián: thọ quả báo không gián đoạn, vì tạo tội cực ác, chiêu cảm quả khổ trong địa ngục này, thuận theo hiện nghiệp (nghiệp hiện tại) hoặc sanh nghiệp (nghiệp đời vị lai), thời gian tạo nghiệp cùng với thọ quả liên tục, không gián đoạn đến đời khác.

– Thọ khổ vô gián

– Mạng vô gián: thọ mạng của tội nhơn trong địa ngục này tương tục, không gián đoạn.

– Hình vô gián: ngục A Tỳ này rộng tám muôn do tuần, thân hình của tội nhân cũng lớn tám muôn do tuần, không còn một chỗ hở trống, nên kinh Ðịa Tạng nói: “Nhứt nhân diệc mãn, đa nhân diệc mãn” là lý ấy (một người cũng đầy, mà nhiều người cũng đầy).