NHỮNG LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Thư Gởi Tổng Nhung Trương Liên Thắng (Viết Thay Cho Bạn)
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học
Thư gởi tổng nhung Trương Liên Thắng (viết thay cho bạn)
Xuân về trên lãnh thổ vua Vũ[1], ngày Nghiêu vĩnh cửu, Bắc Uyển mai nở, hoa trình ngũ phước như Cơ Tử đã phân định, vườn Đông trúc mướt, lá báo Hoa Phong tam đa [2]. Kính khen tổng nhung Trương Đại Nhân tài kiêm văn võ, giữ chức trọng yếu, đạo luôn rỡ ràng, hưng thạnh; tước ngày càng nâng cao. Từ đầu Xuân đến nay, vinh hiển lãnh phẩm trật cao quý; đã thế, chỗ nhậm chức ở gần Nam Hải, rất gần Quán Âm. Đấy chính là do nhiều đời nhiều kiếp từng gieo thiện căn nơi Đại Sĩ, và Đại Sĩ bi tâm muốn nhờ vào oai lực [của tổng nhung để] hộ trì pháp môn nên khiến ra như thế. Đạo thể khỏe mạnh, yên vui, nơi ăn chốn ở hưởng phước không cần coi bói cũng có thể biết; mừng rỡ, vui sướng chúc mừng.
Trộm nghĩ Phổ Đà là đất ứng hóa của Đại Sĩ, trải các triều đại đều được sắc tứ kiến tạo, cả đời đều kính ngưỡng, sùng mộ, nhất là có đại nhân duyên đối với các tổng nhung. Xưa kia thì không biết, chứ gần đây, có ba người có công huân lớn lao đối với núi này. Trong niên hiệu Vạn Lịch đời Minh, tổng nhung Hầu Kế Cao, khi rảnh rỗi về việc võ bị, bèn biên soạn, tu chỉnh Sơn Chí, hộ trì, lưu thông, khắng khít nơi chuyện này. Từ thời mở nước đến nay[3], vùng biển chẳng yên, chùa núi hư nát, đến năm Khang Hy thứ hai mươi tám (1689), cõi đời yên bình, xa giá hoàng đế tuần du phương Nam[4], tổng nhung Hoàng Đại đến khải tấu tình trạng đổ nát của danh sơn, vua liền ban công khoản sắc truyền tu sửa. Chưa đầy năm ấy, ông Hoàng đã được thăng tước.
Năm sau, tổng nhung Lam Lý đến thay, phụng chỉ trông nom việc xây dựng, cúc cung tận tụy, kiệt lực lo liệu. Chuyện nhà Phật, chuyện vua một vai ông gánh vác, hai ngôi chùa trước và sau núi đều lập miếu thờ sống ông, vĩnh viễn theo Đại Sĩ hưởng hương đèn, mà ông Hoàng cũng được thờ cúng. Những bậc quan võ khác hộ trì núi này khó thể nêu hết, là vì các quan võ mỗi khi quân trận đối địch, xông pha ngọn giáo mũi tên, thường hay thầm niệm Đại Sĩ, ngầm được Ngài hộ trì, gia hộ. Nhờ vậy, lập chiến công được thái bình, nên họ mới hộ trì [núi này] như thế. Dẫu nhằm lúc yên ổn, cũng nhờ oai lực của Đại Sĩ, trấn quân oai giữ yên cõi xa, tiêu họa loạn trước khi chớm nẩy. Bởi chịu ân đã sâu nên báo ân cũng thiết tha. Do báo ân thiết tha nên cúng tạ cũng hậu. Như hai vị Hoàng và Lam, và những vị như Tăng, Bành, Tả v.v… vào thời gần đây không ai chẳng đều như vậy.
Hiện nay nhằm lúc Mạt Pháp, pháp nhược ma cường, thường có kẻ vô lại trà trộn pháp môn, chẳng giữ thanh quy, bại hoại Phật pháp. Do vậy, hàng Nho sĩ chẳng hiểu lý sâu trông thấy Tăng sĩ du hành nhân gian tạo tác ác nghiệp, bèn nói Tăng chúng trong cả cõi đời không ai là chẳng giống vậy. Từ đấy, một giọng xướng, trăm tiếng hòa, phỉ báng, vùi dập, thậm chí phá hủy chùa miếu, thiêu đốt kinh tượng. Chẳng biết ngọc tuy phát xuất từ dãy Côn Luân[5], nhưng ngọc ẩn, đá lộ. Nếu chẳng đục khoét thì chỉ thấy đá, chẳng thấy được ngọc. Do không thấy ngọc, bèn muốn đốt cháy sạch [cả núi] thì vì đá xấu bèn đốt sạch ngọc đẹp vậy!
Xưa có người ôm [tảng đá] có ngọc báu hiếm có trong đời của núi Kinh còn bị chặt đứt hai chân [6], huống chi người ôm diệu bảo Thật Tướng của núi Vô Thượng Đại Niết Bàn, tri kiến thế tục làm sao biết được, nên lắm phen bị hủy nhục. Kính mong các hạ hộ trì danh sơn, dẹp tà giúp chánh, làm nanh vuốt cho đất nước, làm kim thang[7] cho Đại Sĩ, nối gót thơm của ông Hoàng, ông Lam, gỡ màng mộng trong mắt thế tục, đấy là cúng tạ vậy. Ắt sẽ được chứng quả Vô Sanh, đạt địa vị Bất Thoái, thành Chánh Giác trong tương lai, làm bậc điều ngự trượng phu, há nào phải chỉ ấn phong biến thành vuông, ngạch trật chuyển sang quan văn[8], trăm năm phước thọ, tiếng thơm truyền đến cả con cháu mà thôi!
***
[1] Nguyên văn “Vũ điện”: Điện là lãnh thổ cai trị. Vũ là vua Đại Vũ, khai sáng nhà Hạ.
[2] Ngũ phước phát xuất từ thiên Hồng Phạm trong sách Thượng Thư gồm: thọ, phú, khang ninh, tố hảo đức, khảo mạng chung (sống lâu, giàu có, mạnh khỏe bình yên, làm điều đức hạnh tốt, chết yên lành). Tương truyền tác giả là Cơ Tử.
Tam đa: đa phước, đa thọ, đa tử (phước nhiều, sống lâu, lắm con) Theo sách Hoa Nhạc Chí, quyển 1 đời Thanh, di chỉ Hoa Phong ở phía Đông Bắc Hoa Sơn. Cũng theo sách Hoa Dương Huyện Chí, thiên Cổ Tích, có chép một đoạn đối thoại giữa vua Nghiêu và dân vùng này: “Đào Đường Đế đến Hoa Sơn, dân Hoa Phong thưa: ‘A! Xin chúc thánh nhân lắm phước, lắm thọ, lắm con cái’. Vua nói: ‘Thôi đi! Lắm con thì lo nhiều, lắm phước ắt lắm chuyện, lắm thọ càng lắm nhục”. Vì thế, mới có điển tích “Hoa Phong tam đa”.
[3] Ý nói kể từ đầu triều đại nhà Thanh.
[4] Nguyên văn “thúy hoa nam hạnh”: Nam hạnh là hoàng đế đi tuần sát phương Nam, thúy hoa là một loại cờ hiệu của hoàng đế, phía trên gắn lông đuôi chim phỉ thúy (chim bói cá), nên được gọi là “thúy hoa”.
[5] Một rặng núi lớn ở Tây Nam Trung Quốc, bắt nguồn từ cao nguyên Pamir đến tận tỉnh Tứ Xuyên, toàn bộ rặng núi dài đến 2.500 km. Theo truyền thuyết, đây là nơi cư ngụ của các vị tiên và có nhiều ngọc quý.
[6] Đây là chuyện Biện Hòa thời Chiến Quốc, biết trong tảng đá có ngọc quyết dâng lên vua, bị gièm pha đến nỗi bị chặt chân, cứ ôm tảng đá ngồi khóc ngoài đồng. Sau có người thương tình tâu lên vua, vua sai chẻ tảng đá ra, quả thật có ngọc quý vô giá, thường gọi là “ngọc liên thành”. Sau Tần Thủy Hoàng cướp ngọc ấy, cho khắc thành ấn truyền quốc.
[7] Kim Thang: Chữ Kim chỉ tường thành chế tạo bằng kim loại; Thang chỉ sông hào bảo vệ vây quanh thành. Ý nói phương tiện bảo vệ kiên cố.
[8] Theo quy chế thời ấy, quan võ phẩm trật kém hơn quan văn, không được sử dụng ấn vuông.