NHỮNG LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Thư Gởi Tịch Sơn Hòa Thượng Ở Chùa Vạn Thọ, Dương Châu
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Thư gởi Tịch Sơn Hòa Thượng ở chùa Vạn Thọ, Dương Châu

Ngưỡng mộ cao phong đã lâu, chưa được một phen gặp gỡ. May nhờ pháp duyên Khai Mông của Thông Công[1], được nghe tiếng đằng hắng[2]. Ngài chẳng khinh mạt học, hạ cố hỏi đến kẻ tiều phu, cắt cỏ; nỗi lòng cảm khái, thẹn thùng, bút mực khôn bày tỏ hết. Hôm qua, thầy Ngộ Khai nhận được thư Ngài[3] bèn đưa cho xem, biết cư sĩ Lê Đoan Phủ chấp thuận sửa chữa [tác phẩm này], đã định kỳ hạn hoàn thành. Vãn bối mừng vui lộ rõ ra ngoài, khôn ngăn chân tay múa may. Lúc ngài ở núi này, vãn bối cũng từng nhắc đến ông Lê, chỉ lo ông ta đã nhận lời mời sửa chữa bộ Địa Luận, chỉ e không rảnh rỗi để làm.

Nay ông ta đã chấp thuận lời Ngài mời mọc, cho thấy bậc đại sĩ trí huệ khác nào vầng mặt trời giữa trưa, chiếu khắp đại địa, bọn chúng tôi cầm lửa đom đóm dõi theo từng nét chữ dễ hòng sánh được nổi sao! Bộ Khai Mông của Thông công quả thật đã tuyển chọn được tinh hoa của các nhà, những lý tánh được sách ấy phát huy có thể nói là thâm thiết rõ ràng, nhưng vì bản tánh thật thà, chẳng quan tâm đến chi tiết, cho nên sử dụng từ ngữ, lập luận không chỗ nào chẳng vướng cái tệ sơ sót. Nếu lược bỏ những chỗ tạp nhạp để chọn lấy cái tinh túy ắt phải đợi người được ý quên lời; còn kẻ ưa tranh ảnh, sợ rồng thật, chỉ có thể dõi theo mấy hàng mực[4]. Nếu chẳng sửa chữa thật nhiều, quyết khó thể lợi ích trọn ba căn. Trộm nghĩ kinh Xuân Thu là sử nước Lỗ, qua tay Trọng Ni[5] gọt dũa mới thành bộ đại kinh thiên cổ quý giá. Hám Sơn Toàn Tập do giao cho Khiêm Ích hiệu đính, sửa chữa mới thành tác phẩm nhiệm mầu được nhập tạng, lưu thông. Xưa đã như thế, nay cũng nên như vậy.

Chỉ mong hiển lộ triệt để diện mục của Lô Sơn, bất tất cứ phải theo quy củ giữ đúng nguyên bản. Ví như rỡ toang lầu Ngũ Phượng để xây lại, tách rời bài tựa của họ Tả để soạn thành tập riêng, tài liệu tuy vẫn y như cũ, nhưng kết cấu phải thuận theo việc đáng nên làm, chẳng ngại lấy cột làm kèo, mặc tình cắt dài nối ngắn. Văn rườm rà thì bỏ bớt, nghĩa thiếu sót bèn thêm vào, đáng để ở phần trước thì dời lên trước, đáng đem ra sau bèn để ra sau, ngõ hầu lý Đại Phật Đảnh[6], tánh thường viên thông, dù văn hay lý đều được phơi bày triệt để, giãi bày trọn vẹn. Dù là thượng, trung hay hạ căn không ai vừa đọc đến không liền hiểu rõ, ai nấy được lợi ích lớn lao, [như vậy] mới có thể làm cho bản hoài của ông Thông, ông Lê và ngài được phô diễn thông suốt rốt ráo.

Nếu chỉ hạn định trong vòng hai tháng sẽ xong, e rằng chỉ thành sửa chữa sơ sài. Kỳ hạn quá ngắn, tài khéo của ông Lê chưa thành hình, sửa chữa hiệu đính không tinh tường, cái tâm tha thiết của ông Lê bị khuất lấp. Khắc in, lưu truyền, muốn được cùng tồn tại mãi trong cõi đời với bản chú giải khác của kinh Lăng Nghiêm e khó đạt được! Xin hãy bỏ đi ý niệm [mong cho] chóng xong, tăng thêm thời hạn vài tháng nữa để xem đi xét lại nhiều lần, tra xét kỹ càng, sửa chữa tinh xác, tự nhiên trên khế hợp với diệu tâm của chư Phật, dưới thỏa mãn hoằng nguyện của các vị, được lưu thông đến tận đời vị lai, khắp mọi loài chúng sanh được độ mới thôi.

Phần tựa đề bộ sớ hai vị cùng viết, trước hết đề Ức Liên Sa Môn Thông Trí Tầm Nguyên soạn, rồi đề Đoan Phủ cư sĩ Lê Dưỡng Chánh hiệu đính. Tuy ông Lê tâm dạo chơi cõi Hoa Tạng, mang chí hướng lợi người, ngộ nhân ngã đều không, hiểu rõ ta – người bất nhị, nhưng trong phần cảm ân ca tụng đức, cố nhiên chúng ta nên trình bày như thế. Sửa chữa, hiệu đính đã xong, liền trao cho thợ in không cần phải gởi đến nữa. Ông Lê là Thái Sơn, Bắc Đẩu trong làng Nho, là bến bờ trong biển pháp, Tông thuyết cùng thông, hạnh giải tương ứng. Nếu không phải là Quán Âm, Phổ Hiền ứng hóa, chắc chắn là Phương Sơn, Vô Vi[7] tái lai. Tất cả trước thuật đều khế lý khế cơ, nếu treo tác phẩm ấy trên cửa Ngọ Môn[8], ai đổi được một chữ thưởng một ngàn vàng, sẽ thấy hết năm rốt tháng không ai dám sửa một nét bút, há nào còn ngờ chi, cần gì phải có người ngoài chứng minh nữa?

Đợi đến khi toàn bộ khắc in xong, mong hãy rủ lòng pháp thí rộng khắp. Vãn bối tuy mắt lòa, chẳng thể đích thân thấy được ánh mặt trời, nhưng trong đêm dài tăm tối cũng thường mong được chiếu thấu. Cầm bút dò dẫm, chẳng thể [phô diễn] theo ý tưởng được.

***

[1] Thông Công: tức là ngài Thông Trí Tầm Nguyên.

[2] Nguyên văn “khánh khái”. Tiếng đằng hắng là một trong mười thần lực Phật thị hiện trong kinh Pháp Hoa. Khánh khái có nghĩa là trước khi muốn nói, bèn đằng hắng cho cổ họng thông suốt. Theo Pháp Hoa Văn Cú, “khánh khái” có hai nghĩa:

1) Khánh khái để tỏ ý sự việc đã xong, tức là hơn bốn mươi năm thuyết pháp, ẩn giấu sự thật, nay trong hội Pháp Hoa khai Quyền hiển Thật, bèn được diễn tả thông suốt, trọn không ngăn trệ. Vì thế, trước khi cất tiếng diễn bày thông suốt đại sự bèn đằng hắng.

2) Khánh khái phó chúc, nghĩa là Phật muốn đem pháp này giao phó cho các vị Bồ Tát để các Ngài chỉ dạy lại cho chúng sanh đời sau, nên bèn đằng hắng.

Ở đây, Khánh Khái là một cách diễn tả tôn trọng, ý nói may được Hòa Thượng thương tưởng đến ban cho pháp ngữ.

[3] Nguyên văn là “hoa hàn”: Hoa là hoa tiên, một thứ giấy đẹp để viết thư, Hàn là bút mực. Cổ văn hay dùng chữ này để tôn xưng thư từ, giấy tờ viết lách của người khác.

[4] Nguyên văn: “Nhược phù lược huyền hoàng nhi thủ thần tuấn, tu đãi đắc ý vong ngôn chi nhân, ngoạn đồ tượng nhi bố chân long, mỗi đa tầm sổ hàng mặc” (nếu lược bỏ những con ngựa sắc đen vàng xen tạp, chọn lấy con ngựa hay, phải đợi người được ý quên lời, còn kẻ thích chơi tranh ảnh, lại sợ rồng thật, chỉ có thể thường đọc dò theo câu văn). “Tầm sổ hàng mặc” là một thành ngữ, ý nói chỉ biết đọc thông mặt chữ, không lãnh hội được ý nghĩa. Ở đây, Tổ tự khiêm mình tài hèn sức kém, không làm công việc nhuận sắc, biên tập được.

[5] Trọng Ni là tên tự của Khổng Tử, Khổng Tử húy là Khâu (Khưu).

[6] Lý Đại Phật Đảnh: Chỉ những giáo lý của kinh Lăng Nghiêm, kinh Lăng Nghiêm có tên gọi đầy đủ Đại Phật Đảnh Như Lai Mật Nhân Tu Chứng Liễu Nghĩa Chư Bồ Tát Vạn Hạnh Thủ Lăng Nghiêm Kinh.

[7] Phương Sơn chính là Trưởng Giả Lý Thông Huyền, tác giả bộ Hoa Nghiêm Hợp Luận. Ông ẩn cư tại Phương Sơn vào niên hiệu Khai Nguyên thời Đường. Còn Vô Vi chính là Dương Kiệt đời Tống, tự Thứ Công, hiệu Vô Vi Tử, đắc pháp với ngài Thiên Y Hoài Nghĩa. Sau do cưu tang mẹ, duyệt Đại Tạng kinh, ngộ pháp môn Tịnh Độ thù thắng, bèn tận lực tu trì dạy người. Lâm chung nói kệ, nghiễm nhiên qua đời.

[8] Nguyên văn là “quốc môn” tức cái cửa chánh nơi đền vua, chúng tôi dịch là Ngọ Môn, theo cách gọi cửa chánh vào cung điện Huế. Ở đây nhắc đến chuyện ngài Huyền Trang khi sang Tây Thiên thỉnh kinh, nhằm năm Ngài 41 tuổi, vua Giới Nhật mở đại hội Vô Giá ở thành Khúc Nữ, mời toàn bộ các luận sư Đại Tiểu Thừa và hàng Bà La Môn ở mười tám tiểu quốc của Ấn Độ đến dự, cùng nhau biện luận về Phật pháp. Đại sư nhận lời vua thỉnh, làm chủ tọa đại hội, xưng dương Đại Thừa, Ngài soạn bản luận Chân Duy Thức Lượng treo ngoài cửa quốc thành suốt cả mười tám ngày. Vua Giới Nhật truyền lệnh ai sửa được một chữ sẽ thưởng ngàn vàng. Không ai bắt bẻ được một chữ nào!