CHUYỆN VÃNG SANH Ở VIỆT NAM
Nhóm Liên Hữu Miền Nam Đất Việt sưu tập

 

76. NGUYỄN THỊ MÉN (1953 – 1985, 32 tuổi)

“Khen ai mười chín tuổi đầu,
Phát tâm niệm Phật mong cầu vãng sanh.
Không màng nẻo lợi đường danh.
Một lòng tín nguyện cầu sanh Liên đài.
Tâm thành mãn nguyện không sai,
Lâm chung bình tỉnh khuyên rày mẹ cha.
Kiết tường chánh niệm Di Đà,
Vãng sanh Cực Lạc chói loà ánh quang.
Nữ lưu công hạnh rỡ ràng,
Khuyên người ở lại khá toan sửa mình.
Chí thành niệm Phật cầu sinh,
Chỉ trong một kiếp nhẹ mình về Tây.
Không còn sáu nẻo chuyển xoay,
Đáp ơn cha mẹ vui vầy Tổ tông.”

Đó là những dòng thơ do một liên hữu viết tặng cô Nguyễn Thị Mén!

Cô sinh năm 1953, cư ngụ tại số nhà 326, ấp Thượng, xã Tân Quới, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp. Thân phụ là cụ ông Nguyễn Văn Tròn, thân mẫu là cụ bà Huỳnh Thị Đẹp. Cô là con Út trong gia đình có ba chị em gái, sinh sống bằng nghề làm ruộng.

Thuở bé song thân đã tạo điều kiện cho cô hoàn tất chương trình Tiểu học, vào thời điểm ấy đối với trẻ thơ thôn quê vùng sâu vùng xa mà nói, điều này quả thật rất hiếm hoi. Sau đó cô đã ghi danh dự khoá “Đạo Pháp Khai Tâm” do Giáo Hội tổ chức tại địa phương. Lý tưởng giác ngộ giải thoát có lẽ được manh nha gốc rễ do ở cơ duyên này.

Khi lên 16 tuổi cô học nghề may, và những năm sau đó cô may đồ rất khéo. Nhiều nơi gấm ghé mai mối trầu cau, hỏi cưới nhưng cô đều từ chối. Cô tự biết: nếu mình không mạnh mẽ chủ động quyết định, tất nhiên sẽ có ngày lên xe hoa theo chàng về xứ lạ, bèn nghiễm nhiên đổ ra một đống ương hoạ như: Cu Tí, Cu Tèo… Út Này, Út Nữa, Út Mót… Lúc đó phải tất bật đi sớm về trưa, bươn chải dãi nắng dầm mưa, vật lộn với cuộc sống để tạo ra cơm áo gạo tiền… nuôi con ăn học. Tiền đồ là đêm ba mươi mờ mịt, một màn đen tối thủi tối thui. Dại khờ gì mà mình phải chui đầu vào hiểm địa để đi! Vì vậy cô đã ngỏ ý với mẹ và chị Hai rồi âm thầm rời gia đình, sang Kiến An nương nhờ am cốc của chư đồng đạo chuyên tu vào năm 1972, lúc cô 19 tuổi.

Được hơn một tháng, do cha cô làm dữ quá nên mẹ mới bảo chị Hai của cô đi tìm dắt cô về. Thấy cô tha thiết tu hành quá nên thân quyến đã dựng một cái thất cho cô ở đất ruộng cách nhà khoảng hai cây số, gần trại của người chị thứ Ba vài chục mét.

Khi có được không gian tâm linh thuận lợi, cô đã dõng mãnh công phu ngày đêm bốn thời, mỗi thời là hai giờ đồng hồ, cứ sau lễ bái là ngồi niệm Phật, thời khuya thường là dài hơn. Gần đó có cô Ba Thài, những ngày rảnh rỗi trong năm thường sang ở tu chung với cô; và ông Bảy Găng hay tới lui khuyến tấn quý cô về cách thức hành trì Pháp môn Tịnh Độ – cầu vãng sanh Tây Phương.

Hoàn cảnh gia đình cô: chị Hai thì về bên chồng; cha mẹ hiện đang chung sống với chị và anh rể thứ Ba. Nên cô phải thường về phụ giúp gia đình, nhất là mùa vụ nông nghiệp, hoặc xử lý các công việc giao tế. Ngoài ra cô còn đến phòng thuốc Nam trong làng để chặt và phơi thuốc mỗi tuần lễ một ngày.

Bản tính của cô hiền hòa, chân thật, kỹ lưỡng, vui vẻ, cởi mở nhưng ít nói, ăn nói đâu ra đó. Đời sống sinh hoạt rất đơn giản, bên mình chỉ có ba bộ đồ mà hai bộ đã cũ kỹ phai màu. Đặc biệt là cô không cất giữ tiền và thường hay trì ngọ, hạnh nghi lại rất nghiêm cẩn, khi nằm luôn nằm nghiêng bên phải.

***

Từ năm 1975 trở đi, cha cô làm cán bộ thuộc ngành thuế vụ. Tính ông liêm khiết, nhưng thẳng thắn nên dễ nổi quạu. Những trường hợp nộp thuế mà người ta đem lúa còn ướt đến, ông thường la mắng thẳng thừng không kiêng nể. Vì thế, thỉnh thoảng cô phải đến tận nhà để năn nỉ, xin lỗi người ta!

Những lúc kinh tế gia đình sa sút, chị Ba phải nấu tàu hủ non bán. Nếu chị đi bán thì ế ẩm liên miên; còn cô bán thì rất đắc. Nên mỗi ngày cứ 10 giờ cô về nhà, chị Ba đã nấu tàu hủ xong cô bèn gánh đi, tới 1, 2 giờ chiều bán xong, thì cô liền quay về thất.

Ngoài công khoá thường nhật cô còn nỗ lực nghiên cứu đọc học sám kệ và các kinh sách Đại Thừa, lần hồi thâm nhập sâu rộng Phật lý.

Có lần cả xóm xôn xao vì tin đồn: người ta bắt quả tang cô đã lằng nhằng tình cảm với anh chàng thanh niên lối xóm. Anh kia không chịu đựng nổi đã lên tiếng biện bạch, trong khi đó cô dửng dưng nghe như gió thoảng qua tai, chẳng một lời thanh minh, thanh nga!

Năm 1980, lúc 27 tuổi, cô xin mẹ cho cô xuống tóc để “ngã tướng”, vì khi ấy vẫn còn có nhiều người theo dạm hỏi kết thắt sợi tơ hồng. Dưới đây xin lược trích vài đoạn thơ trong tập lưu bút mà cô đã viết vào ngày 24 tháng 10 năm 1980:

KỶ NIỆM

Nay thế phát quyết lòng tinh tấn,
Quơ gươm hùng chiến thắng dục lòng.
Phủi cho sạch hết bụi hồng,
Huệ tâm sớm trổ trái bông Bồ-đề.
Để đáp lại ân dày cha mẹ,
Mười tháng trường mang nặng đẻ đau.
Lòng con cứ mãi rạt rào,
Mong sao cha mẹ được vào Liên Hoa.

Dù lắm kẻ tặng quà cay đắng,
Cứ nhủ lòng chẳng giận đừng nao.
Nhứt tâm quét sạch trần lao,
Sáu căn thanh tịnh như sao sáng ngời.
Con chí nguyện trọn đời hành đạo.
Dù gặp nhiều khảo đảo chông gai.
Đường tu gian khổ chẳng nài,
Bền lòng kiên nhẫn có ngày được nên.
Từ xưa nay trong nền đạo cả,
Biết bao người phải ngã vì yêu.
Con xem thấy cũng ít nhiều,
Đoàn trước đã lật, đâu liều lủi theo.
Bao cảnh khổ cheo leo trước mặt,
Không thể nào nhắm mắt chui vào.
Con nguyền chung thủy một màu,
Thoát vòng cương toả tránh mau sáu đường.

Tạm ngưng bút đốt hương khấn nguyện.
Cầu mẹ cha sớm tiến Tây Phương.
Sống trong cảnh lạc – chơn – thường,
Cùng con an hưởng chung vườn Từ bi!

***

Sức khoẻ của cô rất tốt, ít khi bệnh cho dù là cảm xoàng. Đến năm 1984, cô nghe trong người bất ổn, linh cảm rằng mình sắp sửa từ giã thế gian, nên ngày 14 tháng 4 năm1984, cô đã viết ba trang: “Lưu Niệm Tạm Xa Cha Mẹ”. Đến ngày 21 tháng 4 năm 1984 cô lại viết tiếp bài: “Kính Gởi Cha Mẹ”, bao gồm hai trang văn vần và bốn trang văn xuôi, những mong cha mẹ nên chấp nhận một sự thật mà cắt đứt thương đau, khi phải đối diện với chuyện sinh ly tử biệt vốn dĩ đương nhiên giữa cõi bụi hồng!

Ít lâu sau cô phát bệnh, ban đầu nhẹ rồi ngày một nặng dần, uống thuốc Nam hoài vẫn không thuyên giảm. Kế đó cô quyết lòng niệm Phật cầu vãng sanh không để tâm đến việc chữa bệnh nữa! Gia đình khuyên cô nên đi điều trị, cô nói:

– Thôi! Trước cũng chết, sau cũng chết… thôi, không có đi!

Thấy sức khoẻ cô quá tệ, chị Hai của cô mới nhờ cô Út Liên và cô Mười Chuyên khuyên giúp, hai người năn nỉ suốt cả đêm, cô miễn cưỡng chấp nhận:

– Đi thì đi! Đi cho quý vị vừa bụng!

Chư đồng đạo liền mượn ghe chở cô đi chữa trị khắp các nơi. Thầy thuốc chẩn đoán là khối u tử cung. Nhiều ngày trôi qua cuối cùng đành phải quay về, bằng lòng với số phận đã an bày. Trong khoảng thời gian này, sự niệm Phật của cô rất tinh chuyên và khẩn thiết.

Đến tháng 6 năm 1985, bệnh của cô bạo phát, được chư đồng đạo trực tiếp ủng hộ từ vật chất cho đến tinh thần. Một nữ cư sĩ tâm đạo là Tư Mỹ trực tiếp chăm sóc bệnh cho cô, hỏi cô rằng:

– Dì có biết bổn phận của Dì lúc này là phải làm gì không?

Cô đáp:

– Biết! Bổn phận của tôi là phải buông xả mọi duyên trần, tha thiết niệm Phật để cầu sanh Cực Lạc!

Có lần cô nói:

– Khi tôi chết tôi nhờ chị giúp tôi phần tang đám, và tuần tự cho được chu toàn!

Tư Mỹ hứa:

– Dì cứ lo cho phần mình ra đi! Ra đi cho có kết quả tốt đẹp đi! Mọi sự tôi hứa sẽ lo xong!

***

Vào khoảng 1 giờ khuya, đêm 25 rạng ngày 26 tháng 6 năm1985, cô nằm trên chiếc ghế bố nhờ người mời cha, mẹ và anh chị lại mà nói:

– Thưa cha mẹ! Con hôm nay đã mãn số rồi. Xin cha mẹ đừng buồn. Nếu ai không xúc động thì ở đây hộ niệm cho con, còn ai xúc động thì đi nơi khác!

Kế đó cô nắm tay cha mẹ rồi nói tiếp:

– Thưa cha mẹ! Trước khi ra đi, con muốn xin cha mẹ một điều.

Cha cô bảo:

– Điều gì, con cứ nói!

Cô chậm rãi thưa:

– Con muốn cha mẹ hứa với con là phát nguyện trường trai!

Cha mẹ cô đồng hứa. Cô cười rồi xoay qua nắm tay người chị thứ Ba mà dặn dò:

– Em chết rồi, anh chị ở lại nên phát tâm trường trai! Anh chị có hứa không?

Chị cô hứa, còn anh rể thì trả lời rằng:

– Anh còn phải gánh vác gia đình, nên… ăn chay… chắc chưa được!

Cô cười, liền tùy thuận nói:

– Thôi, vậy thì ăn chay mỗi tháng bốn ngày cũng được!

Căn dặn xong, mọi người đồng niệm Phật. Thấy anh Ba lặng thinh cô bèn hỏi:

– Anh Ba! Bộ anh không thương em hay sao, mà không niệm Phật hộ niệm cho em đi?

Anh bùi ngùi đáp:

– Có chứ! Anh niệm trong tâm!

Cô cười nói:

– Hộ niệm thì phải cao thanh! Chớ niệm thầm sao được! Vì người sắp chết rất là sợ sệt, nên anh phải niệm lớn để cho người ta nương theo!

Anh cô nghe vậy cất tiếng niệm lớn lên. Lúc này mẹ cô xúc động quá nên niệm không đủ sáu chữ, mà bà chỉ niệm: “Mô Phật, Mô Phật!”

Cô liền nói:

– Mẹ niệm còn thiếu, phải niệm Nam Mô A-di-đà Phật mới đúng!

Sau cùng cô dặn:

– Con nằm như vầy đúng rồi, cha mẹ và anh chị đừng sửa cũng đừng cho ai đụng vào mình con. Chừng nào con tắt thở sáu tiếng đồng hồ sau mới được tự tiện sửa lại!

Sau đó cô còn giải thích thêm, nếu thần thức chưa rời khỏi thân xác mà mình đụng chạm sớm quá, người mất sẽ nổi sân, dễ bị đoạ lạc. Rất tội nghiệp!

Từ đó cô yếu dần, mọi người trợ niệm mãi cho đến 4 giờ, cô nhẹ nhàng an tường dứt thở ra đi trong tư thế nằm nghiêng bên phải trên chiếc ghế. Nhằm ngày 26 tháng 6 năm 1985, cô hưởng dương 32 tuổi. Ngay lúc ấy có ông Hai Ngâu, ông Ba Suông nhà ở ngoài đồng và nhiều người khác nữa cùng thấy ánh sáng hực lên ở phía nhà của cô, ai ai cũng ngỡ là nhà cháy!

Khi hay tin cô mất, chư đồng đạo lần lượt kéo tới, hộ niệm đến gần 8 giờ sáng, ông Bảy Găng bèn thăm khám thi thể và bồng xuống cho nằm ngửa ngay ngắn lại. Cô Ba trong bếp chạy ra liền lên tiếng:

– Cậu Bảy ơi! Em con có dặn: sau sáu tiếng đồng hồ dứt hơi, mới được sửa cậu ơi!

Ông đáp:

– Em nó đi xa rồi, con đừng có sợ! Cậu Bảy khám rồi, đâu con khám lại thử coi!

Cô liền đến sờ thấy các nơi đều lạnh, duy có đỉnh đầu ấm nóng. Các khớp xương mềm mại, gương mặt hồng hào, sáng rực lộ nét tươi vui. Ai nhìn thấy cũng cho là cô đang nằm ngủ chớ không ai nói là cô chết cả!

(Thuật theo quyển Lưu bút của cô, và lời Nguyễn Thị Mịa, Nguyễn Thị Đi, hai chị của cô, cùng đồng đạo Lê Thị Thài.)