CHUYỆN VÃNG SANH Ở VIỆT NAM
Nhóm Liên Hữu Miền Nam Đất Việt sưu tập
75. HUỲNH NGỌC THỐ (1932 – 2008, 76 tuổi)
– Thiệt tình! Lúc ra đi đau đớn khổ quá! Bây giờ mình về… rán cố gắng tu đặng khi bỏ xác vui vẻ niệm Phật rồi chào đồng đạo ra đi… mới được!
Đây là một ước nguyện duy nhất và lớn nhất trong đời mà bất cứ người tu Tịnh độ nào cũng nên hoài bão. Phải quyết tâm thực hiện trọn vẹn! Gương vãng sanh sau đây đáng để cho chúng ta chiêm ngưỡng học tập!
Ông Huỳnh Ngọc Thố sanh năm 1932, cư ngụ tại ấp Vĩnh Hưng, xã Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Thân phụ là cụ ông Đinh Trung Cần, thân mẫu là cụ bà Trương Thị Tỵ. Ông là con thứ ba trong gia đình có sáu anh em.
Do tổ phụ theo Đức Cố Quản khởi nghĩa ở Bảy Thưa nên bị thực dân Pháp và tay sai truy lùng tộc họ để bắt bớ, bởi vậy đến thế hệ của ông thì từ họ Đinh đổi thành họ Huỳnh!
Khi tuổi trưởng thành, ông lập gia đình sinh được sáu trai bốn gái. Gia đình chuyên sống bằng nghề làm ruộng.
Có lẽ đã trồng thiện căn sâu dày nhiều đời với Phật pháp, nên ông phát tâm trường trai rất sớm khi còn trong đội ngũ kháng chiến chống Pháp, lúc ấy tuổi chưa tròn hai mươi. Được biết cha của ông cũng trường trai từ thuở thơ đồng.
Công khóa thường nhật của ông là hai thời lễ lạy sáng tối, sau lễ nguyện thì ngồi niệm Phật cầu sanh Tây Phương Cực Lạc, khi khỏe thì hơn một giờ đồng hồ, lúc yếu thì nửa giờ. Những dịp rảnh rỗi, gia duyên ít bận buộc thì công phu tăng lên ba hoặc bốn thời trong ngày.
Kinh sách mà ông đọc, băng đĩa mà ông nghe, xem rất nhiều, rất rộng, nhưng ông thích nhất vẫn là bộ Hiển Đạo, mà phẩm “Thần Cơ Thật Luận” vẫn là phẩm tâm đắc nhất của ông!
Đối với con cháu trong nhà, ông rất quan tâm dạy dỗ ngay từ bé, tập cho chúng sớm chiều lễ Phật, dạy cho chúng trên kính dưới nhường, xây dựng nền tảng căn bản đạo đức làm người. Vì vậy gia đình của ông êm ấm, thọ hưởng niềm vui của Thiên Luân:
“Từ trên tới dưới thuận hòa,
Hay hơn châu báu ngọc ngà giàu sang.”
Ngoài ra ông còn hướng dẫn các con về pháp môn Tịnh Độ. Do vì thời kỳ mạt pháp, nghiệp lực của chúng sanh sâu nặng, tự tu tự độ rất khó, cho nên cần phải cầu thêm lực tiếp dẫn của Đức Từ Phụ A-di-đà thì mới hy vọng ra khỏi sanh tử trần lao:
“Người tự độ cầu thêm Phật độ,
Như nước xuôi được gió thuận chiều.
Đường về chóng biết bao nhiêu,
Được hai sức độ mau siêu phàm trần.”
***
Tánh tình của ông chân thật, hiền hòa, rộng lòng thương người. Khi các con đã khôn lớn trưởng thành yên bề gia thất ông bèn giao phó việc nhà, riêng phần mình chuyên lo công phu hành đạo. Ông sốt sắng tham gia các công tác phúc lợi xã hội, như: bắc cầu, bồi lộ, cất nhà tình thương, giúp người nghèo khó… Trồng thuốc Nam, nhất là theo đoàn sưu tầm thuốc ở hòn, ở núi… có khi mỗi lần đi suốt một vài tuần lễ mới về.
Lúc tuổi hạc dần cao, ông càng chăm chỉ niệm Phật nhiều hơn. Ông thường cùng bà vợ đi dự các Phật Thất chùa Đông An, chùa ở Bình Minh, hoặc Thốt Nốt và những đạo tràng niệm Phật khác do các đồng tu tổ chức. Có lần ông ra tận chùa Hoằng Pháp ở Hóc Môn.
Một hôm ông cùng ông Hai Hào đi hộ niệm cho một bạn đồng tu, người bạn này là giảng viên chuyên đi thuyết giảng Phật pháp, nhưng lúc lâm chung vị này nằm im lìm không tỉnh táo. Nên ông nói với ông Hai:
– Thiệt tình! Lúc ra đi đau đớn khổ quá! Bây giờ mình về… rán cố gắng tu đặng khi bỏ xác vui vẻ niệm Phật rồi chào đồng đạo ra đi… mới được!
Bởi vì ông nhận thấy rằng: bao nhiêu hiểu biết kiến thức gom nhặt tích chứa nhiều như non cao biển rộng, mà không tu tập để chuyển đổi, tiêu mòn dần những tham sân si, phiền não nghiệp chướng, thì cũng chỉ là kiến giải suông, cũng chỉ là chuyện bên bờ sống chết luân hồi mà thôi, lúc đối diện với tử thần quyết định không dùng chi được!
Vào khoảng tháng 2 năm 2007, ông bị u xơ bàng quang, các con đưa ông ra Bệnh Viện Bình Dân ngoài Sài Gòn phẫu thuật nội soi.
Sức khỏe tạm ổn được mười tháng thì tái phát, tiếp tục phẫu thuật lần thứ hai. Khi về do ông vận động quá sớm nên vết mổ vỡ ra, cuối cùng phẫu thuật lần thứ ba. Lần này thì mổ hở, thời gian nằm viện một tháng mới xuất viện. Còn phải đặt trên người nhiều sợi dây lòng thòng mang về nhà!
Về nhà sức khỏe của ông ngày một suy sụp rõ rệt, thường bị xuất huyết, nên thỉnh thoảng các con đưa ông đi An Giang để vô máu hoặc thay những dây dẫn, sáng đi chiều về. Bệnh tình càng lúc nặng dần, nhưng công phu trì niệm của ông thì càng tinh thuần, tâm thần luôn định tĩnh thêm.
“Trăm năm cõi mộng có chi dài,
Giả tạm mong manh chóng đổi thay.
Được mất ghét thương vui lẫn giận,
Thạnh suy cười khóc lắm khôi hài.
Ngày tháng dần qua chết chợt đến,
Hoa Đà tái thế cũng bó tay.
Tỉnh ngộ siêng lo tu Tịnh nghiệp,
Lâm chung thong thả ngự Kim Đài.
***
Niệm Phật tâm ta in bóng Ngài,
Chẳng cho ô nhiễm bợn trần ai.
Não phiền bao thứ tiêu tan hết,
Thanh tịnh cõi lòng an lạc ngay.
Tùy duyên nỗ lực gieo phước thiện,
Hộ niệm đồng tu lúc chia tay.
Nguyện khắp chúng sanh siêu Tịnh Độ,
Vĩnh thoát trầm luân dứt đọa đày!”
Theo cái nhìn của thế nhân, thông thường hoàn cảnh bệnh tật là khổ đau, là bất hạnh, nhưng đối với những ai đã trải nghiệm Phật Pháp, đặc biệt là người tu Tịnh Độ – niệm Phật cầu vãng sanh – thì đây là cơ duyên thù thắng, thúc ép ta đề khởi chánh niệm và duy trì chánh niệm dễ dàng hơn… Sanh tâm nhàm chán cảnh bụi hồng đầy khổ đau này! Nhất là tấm thân tứ đại nhớp nhúa, chứa đầy những thứ thối tha dơ bẩn; mang đầy những tang tóc đau thương, vô biên phiền hận dày vò, cùng vô biên tủi sầu hệ lụy! Do càng thống khổ bao nhiêu, thì lòng ước nguyện hướng về thế giới Cực Lạc càng khẩn thiết mạnh mẽ bấy nhiêu!
***
Đến sáng ngày 19 tháng 11 năm 2008, con cháu thấy ông yếu nhiều, nên đã liên hệ mời các bạn đồng tu, chiều tối đến nhà cầu nguyện và hộ niệm cho ông, nhưng đến 12 giờ trưa ông đã lên cơn mệt, ngặt mình, phải nhờ con cháu đỡ lên, rồi nằm xuống, nằm xuống rồi đỡ lên, liên tục như vậy. Đến 2 giờ chiều ông đòi đi tắm. Tắm xong, nửa tiếng đồng hồ sau thì ông khỏe lại bình thường.
Người con trai thứ Ba chiều hôm đó vẫn đi làm việc như thường lệ, khi hay tin ông mệt nhiều, liền cấp tốc trở về nhà, bèn thống lãnh toàn gia quyến hơn hai mươi mấy người vây xung quanh túc trực niệm Phật cho ông, ai không làm chủ được cảm xúc hay khóc thương bi cảm thì đuổi ra ngoài. Đến gần 4 giờ chiều thì có Sư Minh ghé thăm (Sư vốn là huynh đệ với em ruột của ông. Vì em ông xuất gia thuộc hệ phái Khất Sĩ, nên xưa nay hai bên cũng thường qua lại trao đổi Phật pháp với nhau). Sư Minh đến gần kề miệng vào lỗ tai nói nhỏ với ông, mọi người không biết là sư nói những gì, chỉ nghe được có mấy tiếng cuối:
– Tôi dặn anh còn nhớ không?
Ông nằm im nghe xong liền gật đầu, rồi mỉm cười đáp:
– Nhớ!
Hộ niệm đến 5 giờ chiều thì tay trái của ông bỗng đưa lên rồi từ từ hạ xuống. Có lẽ đây là ông chào đồng đạo trước khi ra đi như lời ông đã nói, đồng thời mỉm cười nhẹ nhàng trút hơi thở cuối cùng. Nhằm ngày 19 tháng 11 năm 2008, ông hưởng thọ 76 tuổi.
Vừa lúc đó các đồng đạo cũng đã tề tựu khá đông, trợ niệm thêm hơn tám giờ đồng hồ nữa, thì thấy các khớp xương đều mềm mại, đỉnh đầu ấm nóng. Đặc biệt là nụ cười hoan hỷ vẫn còn trên gương mặt… dường như nhắn nhủ một điều gì đó với chư liên hữu còn đang ở lại nơi cõi trần ai đầy đắng cay và ngập tràn giông tố phong ba này!
(Thuật theo lời Ba Sự và Mười Thuận, hai con của ông.)