KINH MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT
Hán dịch: Pháp Sư Cưu-Ma-La-Thập
Việt dịch: Tỳ Kheo Thích Trí Tịnh
QUYỂN HAI
PHẨM TAM GIẢ THỨ BẢY
Ðức Phật bảo Ngài Tu Bồ Ðề: “Ông nên dạy chư đại Bồ tát về Bát nhã ba la mật đúng như chư đại Bồ Tát đáng phải thành tựu”.
Liền đó toàn thể chúng hội Bồ Tát, Thanh Văn, chư Nhơn, Thiên đều nghĩ rằng Ngài Tu Bồ Ðề sẽ tự dùng trí tuệ của Ngài hay là nương thần lực của đức Phật mà giảng thuyết Bát nhã ba la mật cho chư đại Bồ Tát?
Biết quan niệm của chúng hội, Ngài Tu Bồ Ðề nói với Ngài Xá Lợi Phất:
“Phàm hàng Thanh Văn đệ tử có thuyết pháp, có giáo thọ đều là nương thần lực của đức Phật cả”.
Lời của Phật giảng dạy chẳng trái với pháp tướng, như ngọn đèn sáng. Các thiện nam tử tu học theo pháp ấy được chứng pháp ấy.
Hàng Thanh Văn và Bích Chi Phật thiệt không có khả năng giảng thuyết Bát nhã ba la mật cho chư đại Bồ Tát.
Ngài Tu Bồ Ðề bạch Phật: “Bạch đức Thế Tôn! Chư Bồ Tát đã nói đó, pháp gì gọi là Bồ Tát?
Chúng con chẳng thấy pháp chính xác nào gọi là Bồ Tát, thời thế nào dạy Bồ Tát về Bát nhã ba la mật?
Ðức Phật nói: “Nầy Tu Bồ Ðề! thật ra chỉ có danh tự gọi là Bát nhã ba la mật. Bồ Tát cùng tên Bồ Tát cũng chỉ có danh tự mà thôi. Danh tự nầy chẳng ở trong, chẳng ở ngoài, chẳng ở trung gian.
Nầy Tu Bồ Ðề! Ví như nói ngã, chúng sanh, thọ giả, mạng giả, sanh giả, tri giả, kiến giả, tác giả, khởi giả, đều là những pháp do hoà hiệp mà có. Những tên gọi đây vốn là bất sanh, bất diệt, chỉ dùng danh tự thế gian để nói.
Cũng vậy Bát nhã ba la mật cùng Bồ Tát và tên Bồ Tát đều do hòa hiệp mà có, cũng vốn là bất sanh, bất diệt, chỉ dùng danh tự thế gian để nói.
Ví như thân thể do hòa hiệp mà có, sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng do hòa hiệp mà có, đều là bất sanh, bất diệt, chỉ dùng danh tự thế gian để nói. Bát nhã ba la mật cùng Bồ Tát và tên Bồ Tát cũng như vậy.
Nầy Tu Bồ Ðề! Ví như nhãn, nhĩ, tĩ, thiệt, thân, ý, sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, nhãn giới, nhĩ giới nhẫn đến ý thức giới, tất cả thập nhị xứ cùng thập bát giới ấy, đều do hòa hiệp mà có, vốn là bất sanh, bất diệt, chỉ dùng danh tự thế gian để nói. Những thứ ấy chẳng ở trong, chẳng ở ngoài, chẳng ở trung gian.
Cũng vậy, Bát nhã ba la mật cùng Bồ Tát và tên Bồ Tát đều do hòa hiệp mà có, vốn là bất sanh, bất diệt, chỉ dùng danh tự thế gian để nói, chẳng ở trong, chẳng ở ngoài, chẳng ở trung gian,
Nầy Tu Bồ Ðề! Ví như nội thân gọi là đầu, cổ, vai, cánh, lưng, hông, vế, chân, ngoại vật gọi là cỏ, cây, nhánh, lá, cọng, mắt, đều do hòa hiệp mà có, vốn là bất sanh, bất diệt, chỉ dùng danh tự thế gian để nói, cũng chẳng ở trong, chẳng ở ngoài, chẳng ở trung gian.
Bát nhã ba la mật cùng Bồ Tát và tên Bồ Tát cũng như vậy, đều do hòa hiệp mà có, vốn là bất sanh, bất diệt, chỉ dùng danh tự thế gian để nói, chẳng ở trong, chẳng ở ngoài, chẳng ở trung gian.
Nầy Tu Bồ Ðề! Ví như danh hiệu của chư Phật quá khứ do hòa hiệp mà có, cũng là bất sanh, bất diệt, chỉ dùng danh tự để nói, chẳng ở trong, chẳng ở ngoài, chẳng ở trung gian. Bát nhã ba la mật cùng Bồ Tát và tên Bồ Tát cũng như vậy.
Ví như bóng vang, mộng ảo, diệm hóa đều do hòa hiệp mà có, chỉ dùng danh tự để nói, những thứ ấy cùng danh tự vốn là bất sanh, bất diệt, chẳng phải trong, chẳng phải ngoài, chẳng phải trung gian. Bát nhã ba la mật cùng Bồ Tát và tên Bồ Tát cũng như vậy, đều do hòa hiệp mà có, là bất sanh, bất diệt, chẳng ở trong, chẳng ở ngoài, chẳng ở trung gian.
Nầy Tu Bồ Ðề! Phải học tập như vầy: Ðại Bồ Tát thật hành Bát nhã ba la mật, danh tự của Bát nhã ba la mật cùng sự nhẫn thọ Bát nhã ba la mật và chính pháp Bát nhã ba la mật đều là giả thi thiết cả.
Lúc thật hành Bát nhã ba la mật, đại Bồ Tát chẳng thấy sắc danh tự cùng thọ, tưởng, hành, thức danh tự là thường, là vô thường, là khổ, là lạc, là ngã, là vô ngã, là cấu, là tịnh, cũng chẳng thấy danh tự năm uẩn nầy là không, là vô tướng, là vô tác, là tịch diệt, là sanh, là diệt, là ở trong, ở ngoài, ở trung gian.
Như năm uẩn, nhãn căn, sắc trần, nhãn thức, nhãn xúc sanh ra những cảm thọ, nhẫn đến ý căn, pháp trần, ý thức, ý xúc cùng nhơn duyên của ý xúc sanh ra những cảm thọ cũng vậy. Ðại Bồ Tát đều chẳng thấy là thường, là vô thường nhẫn đến chẳng thấy ở trung gian.
Tại sao vậy? Vì lúc thật hành Bát nhã ba la mật, đại Bồ Tát ở trong tánh hữu vi, trong tánh vô vi đều không thấy Bát nhã ba la mật cùng Bồ Tát và tên Bồ Tát. Ðối với những pháp nầy, đại Bồ Tát chẳng móng niệm phân biệt.
Thật hành Bát nhã ba la mật, đại Bồ Tát nầy an trụ trong bất hoại pháp, lúc tu tứ niệm xứ cho đến lúc tu mười tám pháp bất cọng, chẳng thấy Bát nhã ba la mật cùng danh tự của Bát nhã ba la mật chẳng thấy Bồ Tát cùng danh tự của Bồ Tát.
Lúc thật hành Bát nhã ba la mật, đại Bồ Tát chỉ biết thiện tướng của các pháp. Thiệt tướng nầy là chẳng cấu, chẳng tịnh.
Lúc thật hành Bát nhã ba la mật đại Bồ Tát phải biết danh tự là giả thi thiết. Ðã biết danh tự là giả thi thiết rồi thời chẳng chấp trước nơi sắc, thọ tưởng, hành, thức, chẳng chấp trước nơi nhãn, nhĩ, tĩ, thiệt, thân, ý, sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, chẳng chấp trước nơi nhãn giới đến ý thức giới, chẳng chấp trước nơi nhãn xúc cùng nhơn duyên của xúc đến ý xúc cùng nhơn duyên của ý xúc sanh ra sự cảm thọ hoặc khổ, hoặc lạc, hoặc bất khổ, bất lạc, chẳng chấp trước tánh hữu vi, tánh vô vi, chẳng chấp trước Ðàn na, Thi la, Sằn đề, Tỳ lê gia, Thiền na và Bát nhã ba la mật, chẳng chấp trước ba mươi hai tướng, chẳng chấp trước thân Bồ Tát, chẳng chấp trước nhục nhãn, thiên nhãn, huệ nhãn, pháp nhãn, Phật nhãn, chẳng chấp trước trí ba la mật, thần thông ba la mật, chẳng chấp trước nội không nhẫn đến vô pháp hữu pháp không, chẳng chấp trước thành tựu chúng sanh, chẳng chấp trước thanh tịnh Phật độ? , chẳng chấp trước pháp phương tiện.
Tại sao vậy? Vì những pháp nầy đều là rỗng không nên chẳng có người chấp trước, chẳng có pháp bị chấp trước, chẳng có chỗ chấp trước.
Lúc thật hành Bát nhã ba la mật, đại Bồ Tát chẳng chấp trước tất cả pháp bèn tăng ích sáu ba la mật lên bực Bồ Tát bất thối chuyển, đủ đại thần thông đến Phật độ nầy đến Phật độ kia để cúng dường chư Phật, độ thoát chúng sanh, thanh tịnh Phật quốc, cũng để nghe chư Phật thuyết pháp. Nghe xon nhớ mãi đến lúc thành Vô thượng Bồ đề vẫn chẳng quên, được những môn đà la ni cùng những môn tam muội.
Thế nên đại Bồ Tát lúc thật hành Bát nhã ba la mật phải biết rõ các pháp danh tự là giả thi thiết.
Nầy Tu Bồ Ðề! Sắc, thọ, tưởng, hành, thức có phải là Bồ Tát chăng?
Không phải. Bạch đức Thế Tôn!
Nầy Tu Bồ Ðề! Nhãn, nhĩ, tĩ, thiệt, thân, ý, sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, nhãn thức, nhĩ thức, tĩ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức có phải là Bồ Tát chăng?
Không phải. Bạch đức Thế Tôn!
Nầy Tu Bồ Ðề! Ðịa chủng, thủy chủng, hỏa chủng, phong chủng, không chủng, thức chủng có phải là Bồ Tát chăng?
Không phải. Bạch đức Thế Tôn!
Nầy Tu Bồ Ðề! Vô minh, hành thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, lão, tử có phải là Bồ Tát chăng?
Không phải. Bạch đức Thế Tôn!
Nầy Tu Bồ Ðề! Như như tướng của ngũ uẩn nhẫn đến như như tướng của thập nhị nhơn duyên có phải là Bồ Tát chăng?
Không phải. Bạch đức Thế Tôn!
Nầy Tu Bồ Ðề! Rời ngoài như như tướng ấy có phải là Bồ Tát chăng?
Không phải. Bạch đức Thế Tôn!
Nầy Tu Bồ Ðề! Ông thấy nghĩa gì mà cho rằng tất cả những pháp kể trên và ly những pháp ấy không phải là Bồ Tát như vậy?
Bạch đức Thế Tôn! Chúng sanh còn rốt ráo bất khả đắc huống lại là Bồ Tát. Sắc còn bất khả đắc huống là sắc hay rời sắc là Bồ Tát, huống là như như tướng của sắc hay rời như như tướng của sắc là Bồ Tát. Nhẫn đến thập nhị nhơn duyên hay rời thập nhị nhơn duyên là Bồ Tát, huống là như như tướng hay rời như như tướng của thập nhị nhơn duyên là Bồ Tát.
Lành thay, lành thay! Ðúng như vậy. Nầy Tu Bồ Ðề! Vì đại Bồ Tát và chúng sanh bất khả đắc nên Bát nhã ba la mật cũng bất khả đắc. Cần phải học như vậy.
Nầy Tu Bồ Ðề! Sắc, thọ, tưởng, hành, thức có phải là nghĩa của Bồ Tát chăng?
Bạch đức Thế Tôn! Không phải.
Nầy Tu Bồ Ðề! Sắc, thọ, tưởng, hành, thức thường vô thường, lạc, khổ, ngã vô ngã có phải là nghĩa của Bồ Tát chăng?
Bạch đức Thế Tôn! Không phải.
Nầy Tu Bồ Ðề! Sắc, thọ, tưởng, hành, thức, không phi không, tướng? Vô tướng, tác vô tác có phải là nghĩa của Bồ Tát chăng? Nhẫn đến lão, tử cũng như vậy.
Bạch đức Thế Tôn! Không phải.
Nầy Tu Bồ Ðề! Ông thấy những nghĩa gì mà cho rằng ngũ uẩn đến thập nhị nhơn duyên không phải nghĩa của Bồ Tát, ngũ uẩn đến thập nhị nhơn duyên, thường vô thường nhẫn đến tác vô tác đều không phải nghĩa của Bồ Tát?
Bạch đức Thế Tôn! Ngũ uẩn đến thập nhị nhơn duyên còn rốt ráo bất khả đắc huống lại là nghĩa của Bồ Tát. Ngũ uẩn đến thập nhị nhơn duyên, thường đến vô tác còn rốt ráo bất khả đắc huống lại là nghĩa của Bồ Tát.
Lành thay, lành thay! Ðúng như vậy. Nầy Tu Bồ Ðề! Ðại Bồ Tát thật hành Bát nhã ba la mật, nghĩa của sắc, thọ, tưởng, hành, thức, nhẫn đến nghĩa vô tác đều bất khả đắc. Phải học Bát nhã ba la mật như vậy.
Nầy Tu Bồ Ðề! Ông nói rằng ông không thấy có pháp chính xác nào gọi là Bồ Tát.
Phải biết rằng các pháp chẳng thấy các pháp. Các pháp chẳng thấy pháp tánh. Pháp tánh cũng chẳng thấy các pháp. Pháp tánh chẳng thấy địa chủng, địa chủng chẳng thấy pháp tánh, nhẫn đến thức chủng cũng như vậy. Pháp tánh chẳng thấy nhãn và sắc cùng nhãn thức tánh nhẫn đến ý thức tánh, nhãn sắc, nhãn thức tánh nhẫn đến ý thức tánh cũng chẳng thấy pháp tánh.
Nầy Tu Bồ Ðề! Hữu vi tánh chẳng thấy vô vi tánh, vô vi tánh cũng chẳng thấy hữu vi tánh. Tại sao vậy? Vì rời hữu vi chẳng thể nói vô vi, rời vô vi chẳng thể nói hữu vi.
Ðúng như vậy. Nầy Tu Bồ Ðề! Ðại Bồ Tát thật hành Bát nhã ba la mật đối với các pháp đều không chỗ thấy. Bấy giờ Bồ Tát không kinh sợ, chẳng hối tiếc, tâm cũng chẳng trầm một.
Tại sao vậy? Vì đại Bồ Tát nầy chẳng thấy ngũ uẩn, thập nhị xứ, thập bát giới nhẫn đến chẳng thấy thập nhị nhơn duyên, chẳng thấy ngã chúng sanh nhẫn đến tri giả, kiến giả, chẳng thấy Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới, chẳng thấy Thanh Văn, Bích Chi Phật, chẳng thấy Bồ Tát và pháp của Bồ Tát, chẳng thấy Phật, Phật pháp và Phật đạo.
Vì tất cả pháp đều chẳng thấy nên Bồ Tát chẳng kinh sợ, chẳng hối tiếc, chẳng trầm một.
Bạch đức Thế Tôn! Do cớ gì mà tâm của Bồ Tát nầy chẳng hối tiếc, chẳng trầm một?
Nầy Tu Bồ Ðề! Tất cả tâm và tâm sở của đại Bồ Tát đều bất khả đắc và chẳng thể thấy. Vì thế nên tâm của Bồ Tát chẳng trầm một, chẳng hối tiếc.
Bạch đức Thế Tôn! Do cớ gì mà tâm của Bồ Tát chẳng kinh sợ?
Nầy Tu Bồ Ðề! Ý và ý thức của Bồ Tát nầy đều bất khả đắc và chẳng thể thấy. Vì thế nên Bồ Tát chẳng kinh, chẳng sợ.
Ðúng như vậy. Nầy Tu Bồ Ðề! Vì tất cả pháp bất khả đắc nên đại Bồ Tát phải thật hành Bát nhã ba la mật.
Nầy Tu Bồ Ðề! Tất cả nơi chỗ đại Bồ Tát chẳng Bát nhã ba la mật, chẳng thấy Bồ Tát, chẳng thấy danh dự Bồ Tát, cũng chẳng thấy tâm Bồ Tát. Ðây chính là dạy hàng đại Bồ Tát.