HÀNH TRANG CHO NGÀY CUỐI
PHÁP SƯ THẾ LIỄU
TỲ KHEO THÍCH THIỆN PHƯỚC dịch
NHÂN QUẢ TỐI THẮNG CỦA NGƯỜI TRỢ NIỆM
Có nhân thì nhất định sẽ có quả. Chúng ta nếu hay phát tâm giúp đỡ người khác niệm Phật để cầu vãng sanh Tây phương, đến khi ta lâm chung, tự nhiên sẽ được người phát tâm đến trợ niệm cho chúng ta được vãng sanh Tây phương. Những người được ta trợ niệm vãng sanh Tây phương, sau này nhất định họ sẽ từ Tây phương hầu Phật A Di Đà đến tiếp dẫn, dùng thần lực gia hộ chúng ta, khiến cho chúng ta không mất chánh niệm vãng sanh về thế giới Cực Lạc Tây Phương.
Lại nữa, chúng ta thường giúp đỡ người khác niệm Phật vãng sanh Tây Phương nên chúng ta biết rất rõ những việc lợi hại khi lâm chung. Sau này, đến lúc mình lâm chung, nhất định sẽ vận dụng được những kinh nghiệm ấy, khiến cho tất cả những việc không như pháp chẳng phát sanh, quyết định vãng sanh về thế giới Cực Lạc Tây Phương.
Chúng ta phải hiểu rằng Đức Như Lai sở dĩ ra đời chính là vì độ thoát tất cả chúng sanh, khiến thành tựu Phật quả. Trong 49 năm, Đức Thích Ca thuyết pháp chính là sự kiện này. Phật A Di Đà phát ra 48 lời nguyện, trang nghiêm thế giới Cực Lạc Tây Phương cũng là sự kiện này. Toàn bộ giáo lý của đạo Phật đều nương vào tự lực mà tu tập. Hành giả phải hoàn toàn đoạn sạch phiền não thì mới lìa khỏi sanh tử. Những pháp môn ấy rất khó thực hành, còn pháp môn Tịnh Độ thì chỉ nương nhờ nguyện lực tiếp dẫn của Phật A Di Đà mà được vãng sanh về thế giới Cực Lạc Tây Phương, không cần đoạn hết phiền não, liền vượt ra khỏi sanh tử, chỉ trong một đời thì thành tựu được Phật đạo. Pháp môn ấy rất dễ thực hành. Hiện tại, chúng ta giúp đỡ người niệm Phật vãng sanh Tây phương là thay thế Đức Như Lai gánh vác lấy trách nhiệm độ thoát chúng sanh, khiến cho người được chúng ta trợ niệm sớm vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới. Vì tu tập theo pháp môn dễ thực hành, lại nương nhờ nguyện lực của Phật A Di Đà nên rất mau thoát khỏi sanh tử và trọn thành Phật đạo. Thế nên, người trợ niệm có công đức rất trọng đại. Loại công đức này chính là nhân lành để giúp chúng ta thành tựu được Phật quả. Về sau, chúng ta nương nhờ vào công đức này thì cũng được sanh sang thế giới Cực Lạc Tây Phương, thoát khỏi biển khổ sanh tử và thành tựu Phật đạo. Do gieo nhân thành Phật mà thành tựu được Phật quả, đây là lẽ tất yếu vậy!
VẤN ĐỀ TRONG SẠCH Ở PHÒNG BỆNH
Trong phòng bệnh, phải quét dọn cho sạch sẽ. Phàm tất cả những vật có thể di chuyển được thì tốt nhất phải dời đi để cho gian phòng trống trải thoáng mát. Thứ nhất là tránh sự dao động ngăn ngại đối với người bệnh. Thứ hai là tránh sự bất tiện cho những người trợ niệm khi ra vào. Tâm thức người bệnh nếu còn tỉnh táo thì nhất định phải quay mặt về hướng Tây, thường chỉ cho người bệnh quán tưởng, hướng về thế giới Cực Lạc Tây Phương và dạy cho họ nằm theo tư thế “kiết tường” (nghiêng về bên hữu). Giả như người bệnh quá bức ngặt vì đau đớn, tâm không an định được thì phải xoay trở liền. Nếu người bệnh biết được là phải làm thế nào tâm mới được an định, làm thế nào mới đề khởi chánh niệm được dễ dàng thì phải thuận theo ý họ. Trước giường người bệnh, phải thiết lập tượng Tây Phương Tam Thánh hoặc tượng Phật A Di Đà cũng được. Phải sắm hoa hương, trà quả cúng dường và để tượng Phật trước mặt người bệnh khiến họ thấy mà sanh lòng kính ngưỡng. Giả như người bệnh có đại tiểu tiện nhơ uế thì phải lau rửa sạch sẽ. Người bệnh nếu hơi thở sắp tắt, thân thể có đại tiểu tiện nhơ uế đi nữa thì cũng không nên vội vàng lau rửa hay thay quần áo, chỉ nên nhất tâm niệm Phật. Cho dù có nghe mùi hôi đi nữa thì người trợ niệm phải hiểu rằng trợ niệm là gánh vác trọng trách của Như Lai để cứu độ chúng sanh ra khỏi biển khổ sanh tử. Há vì một chút uế khí kia mà ruồng bỏ trách nhiệm của mình sao? Thân thể phần đoạn sanh tử này của mỗi chúng ta lúc lâm chung, ai bảo đảm rằng không dơ uế? Nếu nghĩ như vậy thì tâm này tự nhiên không còn đoái hoài đến sự hôi hám nữa. Đối với những chỗ dơ uế trên thân người bệnh vừa mất, nhất định phải đợi đến khi toàn thân lạnh hết thì mới được tắm rửa và thay y phục. Trước giường người bệnh, thờ cúng Phật tượng lẽ ra không nên để uế khí bừa bãi, nhưng vì quan tâm đến chánh niệm của người sắp mạng chung, cho dù có đồ dơ uế đi nữa cũng không nên tắm rửa và thay y phục, e rằng làm ảnh hưởng đến việc vãng sanh của người bệnh. Lúc này, không thay quần áo tắm rửa là việc bất đắc dĩ, tuy có uế khí bừa bãi nhưng không có tội.
PHÁ TRỪ NGHI CHƯỚNG
Nếu người mắc bệnh quá nặng thì phải cảnh sách họ rằng: “Lại còn việc gì vướng mắc nữa không?”. Giả như còn việc gì vướng mắc ở trong lòng thì phải giúp họ tháo gỡ, giảng cho họ hiểu, sớm phá trừ hoài nghi của họ để tránh làm trở ngại việc vãng sanh Tây phương. Nếu người bệnh không có việc gì vướng mắc thì chỉ hỏi qua một lần, về sau không nên hỏi nữa để người bệnh không bị phân tâm mà quên mất chánh niệm. Phải nên chú ý!
Nếu người bệnh có tâm ngờ rằng tuy tâm họ niệm Phật, nhưng thời gian không còn nhiều; lại sợ tội nghiệp của họ rất nặng, chẳng biết có được vãng sanh không… thì người trợ niệm phải nói với họ rằng: “Phát tâm niệm Phật, sớm muộn gì thì vấn đề ấy cũng không có trở ngại, nhưng điều tối quan trọng là từ lúc phát tâm cho đến khi lâm chung đều lấy tâm bất thối làm chuẩn. Ngay cả người sắp cận kề bên cái chết, sau khi được thiện hữu khai thị, họ mới hiểu được mà phát tâm niệm Phật thì đó cũng là điều rất tốt.
Trong kinh, Đức Phật dạy: “Người thường ngày tạo tội rất nhiều, lại rất nặng, đến khi lâm chung, nhờ thiện hữu khai thị mới phát tâm niệm Phật thì cũng được vãng sanh Tây phương”.
Trong kinh lại chép: “Niệm một câu A Di Đà Phật thì tiêu trừ được 80 ức kiếp tội nặng sanh tử”. Cho nên, việc phát tâm niệm Phật và thời gian không còn dài hoặc tội nghiệp rất nặng. Tất cả không nên nghi ngờ, chỉ cần bạn nhất tâm niệm Phật và quyết chí, nguyện cầu sanh về Tây phương, đến lúc mạng chung, nhất định tự mình thấy Phật A Di Đà đến tiếp dẫn vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc.
Nếu người bệnh có tâm luyến ái quyến thuộc, tài sản thì người trợ niệm liền phải nói với họ rằng: “Con người trong thế giới chúng ta rất khổ sở. Già cũng khổ, bệnh cũng khổ, sắp chết cũng khổ… Các thứ khổ sở nói không thể hết! Còn người ở thế giới Cực Lạc Tây Phương rất an lạc, không già, không bệnh và không chết. Những sự an lạc ấy thật vô lượng vô biên! Nếu bạn muốn cầu sanh về Tây phương để cứu độ quyến thuộc sanh về Tây phương cùng hưởng thọ sự an lạc, nhưng trong tâm bạn có sự luyến ái đến quyến thuộc và tài sản thì sẽ trở ngại cho việc vãng sanh. Vậy bạn phải mau mau buông bỏ tất cả, nhất tâm niệm Phật để tự mình sanh về Tây phương trước. Nếu sanh về Tây phương rồi thì có đạo lực thần thông, nương theo nguyện lực mà trở lại để độ những người thân thuộc của mình được sanh về Tây phương, làm pháp thuộc của Phật A Di Đà, mãi mãi hưởng thọ an vui. Từ nay trở đi, nếu có tâm nghĩ tới quyến thuộc và tài sản thì bạn phải tự trách mình: Thế giới Ta Bà là khổ sở, thế giới Tây phương có sự an lạc như thế! Tại sao mình phải điên đảo, luyến ái quyến thuộc và tài sản, làm chướng ngại đến con đường vãng sanh của mình; lại bị mê lầm, quyến thuộc đời đời kiếp kiếp không được cứu độ. Sau đó, phải nhất tâm niệm Phật cầu sanh về Tây Phương Cực Lạc”.
Người bệnh nếu có tâm ngờ rằng tự mình niệm Phật rất nhiều, nhưng tại sao không thấy Phật; lại ngờ rằng tự mình đến lúc mạng chung, chẳng hay Phật A Di Đà có đến rước hay không… thì người trợ niệm phải nói với họ rằng: “Phàm hiện tại có được thấy Phật hay không là đều không liên quan”. Giả như hiện tại không thấy Phật, nhưng đến lúc lâm chung, nhất định sẽ thấy Phật. Điều rất quan trọng là câu A Di Đà Phật, mỗi niệm phải hiện tiền. Đến lúc mạng chung, Phật A Di Đà tự nhiên ở trong tâm niệm niệm Phật của bạn hiển hiện ra mà tiếp dẫn. Bạn cũng ở ngay trong tâm niệm niệm Phật ấy theo Phật về Tây Phương Cực Lạc. Bạn phải để tâm niệm Phật, nhất thiết không nên nghi ngờ. Giả như tâm ngờ phát sanh thì tâm bạn có sự ngăn cách với tâm Phật A Di Đà, tự mình không được vãng sanh Tây phương. Nếu bạn không sanh lòng nghi ngờ, nhất tâm niệm Phật thì tâm bạn cùng với tâm Phật A Di Đà cảm ứng đạo giao, nhất định vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc, mảy may không nên nghi ngờ. Nên biết người lúc lâm chung thấy Phật đến tiếp dẫn khi sớm, khi muộn. Thấy trước một – hai ngày, hoặc một vài tiếng đồng hồ, vài phút, vài giây… đều bất đồng. Nếu chậm nhất là sát na sau cùng khi người mạng chung – lúc thần thức sắp lìa khỏi xác, Phật mới ứng theo niệm mà hiện đến tiếp dẫn. Lúc Phật hiện ra là lúc hành giả thấy Phật và vãng sanh về Tây phương.
Người bệnh ban đêm, ban ngày, lúc tĩnh tâm niệm Phật, hoặc ở trong mộng niệm Phật, nếu thấy cảnh ác, nghe tiếng ác rồi sanh lòng sợ hãi, làm trở ngại đến chánh niệm thì người trợ niệm phải nói với họ rằng: “Những cảnh ác, tiếng ác này đều do oan gia từ nhiều kiếp trước cho đến nay bị bạn giết hại. Chúng biết bạn phát tâm niệm Phật, quyết định vãng sanh Tây Phương Cực Lạc, cho nên các cảnh hung ác hiện ra để tâm bạn sợ sệt và ngăn ngại không cho bạn niệm Phật vãng sanh về Tây phương. Tâm bạn không nên sợ hãi, không nên nhìn, không nên nghe chúng. Phải chuyên tâm dốc ý vào câu A Di Đà Phật, niệm niệm chí thành khẩn thiết, không nên có một mảy may nào gián đoạn thì các thứ ma quỷ oan trái kia không có chỗ để nương tựa nữa, thế là chúng tự nhiên lui mất thôi”!
Có người thấy quyến thuộc của mình đã qua đời như ông bà, cha mẹ… đến tiếp dẫn thì phải hiểu rằng ông bà, cha mẹ… ấy đều là quỷ thần trong ba đường địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh biến hóa ra lôi dắt bạn vào trong đó chịu khổ. Bạn không nên quan tâm đến họ, chuyên nhất vào câu A Di Đà Phật, niệm niệm không dừng thì những ông bà, cha mẹ… do quỷ thần biến hóa ra đó tự nhiên sẽ không còn; hoặc trông thấy nào là trời, thần đến tiếp dẫn bạn sanh về cõi trời hay làm thần thánh thì bạn càng phải nên thận trọng. Tâm niệm của bạn không nên để mảy may nào khuấy động, chỉ có Phật A Di Đà cõi Tây phương ở ngay trong tâm niệm thanh tịnh của bạn niệm Phật mà hiện đến tiếp dẫn, nhưng bạn phải theo Phật để vãng sanh. Rất nên chú ý!