Kinh Viên Giác Giảng giải
Hòa Thượng Thích Thanh Từ

 

Chương 6: BỒ-TÁT THANH TỊNH TUỆ Thưa Hỏi

ÂM:

Ư thị Thanh Tịnh Tuệ Bồ-tát tại đại chúng trung, tức tùng tòa khởi, đảnh lễ Phật túc, hữu nhiễu tam táp, trường quì xoa thủ nhi bạch Phật ngôn:

– Đại bi Thế Tôn, vị ngã đẳng bối quảng thuyết như thị bất tư nghì sự, bản sở bất kiến, bản sở bất văn, ngã đẳng kim giả mông Phật thiện dụ, thân tâm thái nhiên đắc đại nhiêu ích.

DỊCH:

Lúc bấy giờ Bồ-tát Thanh Tịnh Tuệ ở trong đại chúng, liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ dưới chân Phật, đi nhiễu bên phải ba vòng, quì gối chấp tay bạch Phật rằng:

– Đức Thế Tôn đại bi, vì bọn chúng con rộng nói việc bất tư nghì như thế, từ trước chưa từng thấy, từ trước chưa từng nghe, ngày nay chúng con nhờ Phật khéo dẫn dụ thân tâm thơ thới được lợi ích lớn.

GIẢNG:

Chương này là chương Bồ-tát Thanh Tịnh Tuệ, Ngài hỏi vì muốn cho tất cả chúng ta có trí tuệ thanh tịnh, biết rành rẽ không còn bị mờ ám, không còn bị nghi ngờ. Sau khi Bồ-tát Thanh Tịnh Tuệ tán thán đức Phật, Ngài mới đặt câu hỏi:

ÂM:

– Nguyện vị chư lai nhất thiết pháp chúng, trùng tuyên Pháp vương viên mãn Giác tánh, nhất thiết chúng sanh cập chư Bồ-tát Như Lai Thế Tôn sở chứng sở đắc vân hà sai biệt linh mạt thế chúng sanh văn thử thánh giáo, tùy thuận khai ngộ, tiệm thứ năng nhập.

Tác thị ngữ dĩ, ngũ thể đầu địa, như thị tam thỉnh, chung nhi phục thủy.

DỊCH:

– Xin Thế Tôn vì các chúng đến nghe pháp, nói lại Tánh giác viên mãn của đấng Pháp vương và sở chứng sở đắc của chúng sanh, Bồ-tát và chư Phật sai biệt như thế nào, khiến cho tất cả chúng sanh đời sau nghe được thánh giáo này, tùy thuận khai ngộ, dần dần vào được Tánh giác.

Thưa lời đây rồi, năm vóc gieo sát đất, thưa hỏi như vậy lặp lại ba lần.

GIẢNG:

Bồ-tát Thanh Tịnh Tuệ chỉ hỏi một câu duy nhất thôi. Bồ-tát này trí tuệ thanh tịnh nên Ngài yêu cầu đức Phật lặp lại về Tánh giác viên mãn của Như Lai và chỗ tu chứng của chúng sanh, Bồ-tát và chư Phật khác nhau như thế nào? Nghĩa là căn cứ trên tánh Viên giác thì chúng sanh, Bồ-tát và Phật tu có sai biệt không? Tại sao căn cứ vào Tánh giác đó mà gọi là Phật, căn cứ vào Tánh giác đó mà gọi là Bồ-tát, cũng căn cứ vào Tánh giác đó mà gọi là chúng sanh? Mong Phật chỉ cho những người tu sau này biết để tu hành khỏi lầm lẫn. Nếu chúng ta quyết chí tu cầu giải thoát thì câu hỏi này thật hệ trọng, bởi vì trong khi tu mà không biết mình tới đâu, được ít cho là đủ hay được chút ít tự cho đã viên mãn Phật quả. Đó là cái bệnh.

ÂM:

Nhĩ thời Thế Tôn cáo Thanh Tịnh Tuệ Bồ-tát ngôn:

– Thiện tai, thiện tai! Thiện nam tử, nhữ đẳng nãi năng vị mạt thế chúng sanh thỉnh vấn Như Lai tiệm thứ sai biệt. Nhữ kim đế thính, đương vị nhữ thuyết.

Thời Thanh Tịnh Tuệ Bồ-tát phụng giáo hoan hỉ cập chư đại chúng, mặc nhiên nhi thính.

DỊCH:

Khi ấy đức Thế Tôn bảo Bồ-tát Thanh Tịnh Tuệ rằng:

– Lành thay, lành thay! Này thiện nam, các ông hãy vì chúng sanh đời sau thưa hỏi Như Lai về thứ lớp tu chứng sai biệt. Bây giờ các ông hãy lắng nghe, ta sẽ vì các ông nói.

Khi ấy Bồ-tát Thanh Tịnh Tuệ vâng lời dạy, vui vẻ cùng đại chúng im lặng lắng nghe.

GIẢNG:

Đức Phật khen Bồ-tát Thanh Tịnh Tuệ vì chúng sanh đời sau đã khéo hỏi Như Lai về thứ lớp tu chứng sai biệt, và dạy Ngài cùng đại chúng hãy im lặng lắng nghe đức Phật giảng dạy.

ÂM:

– Thiện nam tử, Viên giác tự tánh phi tánh tánh hữu tuần chư tánh khởi, vô thủ vô chứng. Ư thật tướng trung, thật vô Bồ-tát cập chư chúng sanh. Hà dĩ cố? Bồ-tát chúng sanh giai thị huyễn hóa, huyễn hóa diệt cố, vô thủ chứng giả. Thí như nhãn căn, bất tự kiến nhãn, tánh tự bình đẳng, vô bình đẳng giả.

DỊCH:

– Này thiện nam, tánh Viên giác “phi tánh tánh hữu” tùy theo các tánh mà khởi, không thủ không chứng. Trong Tướng chân thật không có Bồ-tát và chúng sanh. Vì cớ sao? Vì Bồ-tát và chúng sanh đều là tướng huyễn hóa. Khi tướng huyễn hóa diệt rồi thì không có người chứng và quả được chứng. Thí như con mắt không tự thấy con mắt. Tánh tự bình đẳng không cần người làm bình đẳng.

GIẢNG:

Phi tánh tánh hữu” ý tương tự với bài kệ đức Phật truyền pháp cho Tôn giả Ma-ha Ca-diếp “Pháp bản pháp vô pháp(1)” trong Sử Ba Mươi Ba Vị Tổ Ấn Hoa.

Tự tánh Viên giác phi tánh, tánh hữu. Phi tánh nghĩa là tánh Viên giác không có đặc tánh riêng nên nói là “phi tánh”, nhưng nó không phải là không ngơ nên nói là “tánh hữu”. Vì tánh Viên giác không cố định nên nói tùy theo tánh mà khởi. Trong mỗi người chúng ta ai cũng có tánh Viên giác, cho nên nói Viên giác tự tánh song không cố định. Nếu tánh Viên giác cố định trước sau như một thì ai cũng là Phật hết. Nhưng vì tánh Viên giác không ở nguyên vị thể của nó, nên mới tùy duyên lành thì hiện ra người, trời, Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát. Theo duyên ác thì sanh vào địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh. Bởi tùy duyên sanh ra các chủng tánh, nên chủng tánh không cố định, tạm có không thật. Vì là tướng giả không thật nên khi buông xả hết các giả tướng ấy hằng sống với thể Viên giác bình đẳng thì có gì gọi là chứng là giữ? Nên nói: Tùy theo các tánh mà khởi, không thủ không chứng.

Bồ-tát và chúng sanh đều là tướng huyễn hóa. Bởi tánh Viên giác vốn không có cái gìn giữ cố định, nên nó theo duyên nghiệp mà thành ra các tánh sai biệt, như chủng tánh phàm phu là trời, người, a-tu-la, súc sanh… hay chủng tánh Thánh như: Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát… Những chủng tánh sai biệt đó do tùy duyên tùy nghiệp giả có không thật, chỉ là tướng duyên hợp như huyễn như hóa nên nói không có Bồ-tát và chúng sanh. Nếu buông hết các tướng không thật trở lại Thể tánh Viên giác bình đẳng, thì cái thể đó không thủ không chứng. Vì cái Thể bình đẳng sẵn có nơi mình, chỉ cần trở về là tự đầy đủ, đâu cần phải thêm bớt mà có chứng có giữ. Cho nên nói những cái huyễn hóa diệt rồi thì không thủ không chứng. Trên Viên giác thì đâu có cái nào mê cái nào ngộ. Người thức tỉnh mình có tánh Viên giác sống trở lại thì gọi đó là ngộ, là Bồ-tát. Còn quên mất là mê, là chúng sanh. Tự tánh Viên giác không có mê ngộ, không có quên nhớ. Không có mê ngộ thì làm sao có Bồ-tát, có chúng sanh. Nên Bồ-tát và chúng sanh đều là tướng huyễn hoá. Tôi nêu một ví dụ nhỏ cho quí vị rõ. Ví dụ chúng ta có cái nhà hay cái chùa, trong đó có hai người. Người từ chùa đó đi ra, đi mãi đi mãi không trở về, lang thang từ năm này đến năm nọ. Họ quên mất đường về, đó là người mê. Còn người đi ra một lúc chợt nhớ: À mình có chùa sao lại phải lang thang thế này! Rồi họ trở về. Khi nhớ trở về thì người đó tỉnh. Nhưng đối với cái chùa có hai cái nhớ và quên không? Chỉ tại người đi luôn là quên, người trở lại gọi là nhớ. Quên hay nhớ đối với cái chùa không có nghĩa gì hết.

Phật đưa ra ví dụ, như mắt chúng ta thấy tất cả mọi vật, và chỉ thấy được ảnh của mắt là nhờ cái gương ở ngoài mắt, chớ mắt chúng ta không tự thấy mắt chúng ta.

Tánh tự bình đẳng không cần người làm cho bình đẳng. Tại sao vậy? Thí dụ như mặt biển khi chưa dấy sóng thì gọi là mặt biển lặng bằng phẳng, khi dấy sóng rồi mặt biển động không còn bằng nữa. Một lát lặng sóng mặt biển trở lại bằng. Như vậy cái bằng phẳng là sau khi dấy động rồi nó lặng xuống, nó bằng phẳng. Danh từ bằng phẳng là đối với khi nó lồi lõm dấy động. Còn nếu nguyên nó thủy chung như vậy thì bằng phẳng cái gì? Tánh Viên giác trước sau như một không có gì đổi thay thì có gì nói bình đẳng. Tánh Viên giác vốn tự bình đẳng không đợi người làm cho bình đẳng, nó tùy duyên hiện ra các pháp mà không thủ không chứng. Vì khi chúng ta không đuổi theo các tướng huyễn hóa, thể nhập tánh Viên giác bình đẳng thì tánh Viên giác chính là mình, nó không ở ngoài mình thì còn gì chứng còn gì thủ?

Tóm lại, trước khi chỉ sự tu hành theo tánh Viên giác, đức Phật chỉ cho chúng ta biết rõ nguyên tánh Viên giác không cố định là tánh gì, nhưng không phải không ngơ, do tùy duyên huân tập mà thành tánh phàm phu hay tánh Thánh. Khi chúng ta buông hết những chủng tánh hư vọng sai biệt ấy, trở về với Thật tướng Viên giác thì không thủ không xả, thấy tướng chúng sanh và Bồ-tát đều như huyễn như hóa.

ÂM:

– Chúng sanh mê đảo, vị năng trừ diệt nhất thiết huyễn hóa. Ư diệt vị diệt, vọng công dụng trung tiện hiển sai biệt. Nhược đắc Như Lai tịch diệt tùy thuận, thật vô tịch diệt cập tịch diệt giả.

DỊCH:

– Chúng sanh vì mê muội điên đảo, chưa diệt trừ tất cả pháp huyễn hóa, đối với pháp đáng diệt mà chưa diệt, nên trong vọng dụng công phu, liền hiển bày sai biệt. Nếu tùy thuận tịch diệt Như Lai thì thật không có cảnh tịch diệt và người tịch diệt.

GIẢNG:

Phật nói rằng bởi chúng sanh mê cho nên điên đảo. Từ điên đảo đó nên chưa thể trừ diệt được tất cả huyễn hóa. Điên đảo của phàm phu là ngay nơi thân huyễn hóa vô thường này mà cứ nghĩ đó là thường. Mạng sống chỉ có trong hơi thở, nhưng có ai dám nói mạng sống mình trong hơi thở. Nếu đang ba mươi thì nghĩ ngắn lắm cũng sáu mươi tuổi mới chết. Người năm mươi thì nghĩ ngắn lắm bảy mươi tuổi mới chết. Ít nhất cũng có hai mươi năm để cho mình có cái gì hứa hẹn. Chớ nếu gần quá thì buồn. Đó là điên đảo số một.

Rồi tới cái điên đảo thứ hai là thân bất tịnh mà tưởng là tịnh. Lúc nào chúng ta cũng nghĩ mình là đẹp, mình là sạch. Thân ô uế bất tịnh mà tưởng là tịnh nên khi người ta nói khác đi, chê chúng ta dơ hôi thì chúng ta tức lên vì trái với cái tưởng của mình. Như vậy không điên đảo là gì?

Đến cái thứ ba là thọ khổ mà tưởng là lạc. Lãnh thọ là cảm giác khi mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, mắt thấy sắc, tai nghe tiếng v.v… tất cả lãnh thọ đó đều là khổ mà mình lại tưởng là vui. Như ăn món ngon cho là vui, nghe tiếng nhạc cho là vui, thấy cảnh đẹp cho là vui… Tất cả những cái đó chúng ta cho là vui nên cứ mãi đuổi theo. Giả sử có một cái vui nào đó cứ còn mãi với chúng ta, liệu chúng ta có vui không? Ví dụ như có người ghiền sầu riêng, họ cho được ăn sầu riêng là ngon, là vui. Bây giờ có người tặng cho họ hai ba chục trái sầu riêng ăn hoài, sáng ăn trưa ăn chiều ăn thì còn vui không? Nghe nhạc cũng vậy, nhạc hay mà giờ nào cũng nghe bên tai hoài còn vui không? Tất cả những cái vui đó là vui trong vô thường tạm bợ, đâu có thật là vui. Vậy mà người thế gian tưởng đó là vui, cứ đuổi theo. Nhưng được rồi là nó mất, mất rồi tìm nữa, cứ như vậy cả cuộc đời trong vô thường mà không hay. Đó là thọ khổ mà cứ tưởng là lạc.

Rồi thân vô ngã mà tưởng là ngã – ngã tức là chủ tể, là thường còn, là thuần nhất. Về vật chất thì thân này thay đổi từng tế bào, về tinh thần thì tâm này niệm niệm sanh diệt. Hai cái đó là một dòng sanh diệt đổi thay, mà chúng ta tưởng là thường, tưởng là chủ tể nên cho là ngã. Cái vô thường biến đổi mà cho là thường là thật, đó là điên đảo thứ tư.

Bốn cái điên đảo đó gọi là điên đảo phàm phu. Chúng ta chấp những điên đảo đó không dám bỏ nên không thể trừ được tất cả huyễn hóa. Vì không trừ được huyễn hóa nên không thể chứng được quả Bồ-đề. Vì vậy Phật bảo chúng ta phải thấy rõ cái huyễn hóa đó, chúng ta không mê không lầm nó nữa thì mới có thể trừ diệt được điên đảo.

Hiện tại chúng ta còn vô minh chấp ngã, chấp pháp, lúc khởi niệm này lúc khởi niệm kia lăng xăng lộn xộn, nên tôi khuyên quí vị tu biết vọng, vọng tưởng khởi biết nó là không thật thì buông, đó là dụng vọng công phu. Người nào bỏ lâu ngày thì vọng tưởng còn ít, gọi người đó tu khá, người nào mới tu vọng tưởng nhiều thì nói tu còn dở. Có khá có dở là căn cứ trên cái vọng dụng công phu sai biệt mà nói, chớ nó không thật. Vì chúng ta ở trong vòng tương đối chưa buông được pháp huyễn hóa, nên ở trên cái vọng dụng công phu mà dẹp nó, liền thấy có sai biệt.

Nếu thể nhập được tánh Viên giác tịch diệt Như Lai rồi thì không còn thấy một pháp nào cả, huống là có cảnh tịch diệt và người tịch diệt. Tức là tu đến chỗ này không còn thấy hai pháp đối đãi nữa. Giống như bức tranh thứ tám trong Thập mục ngưu đồ là một vòng tròn không có người chăn và trâu để chăn. Nếu còn thấy cảnh tịch diệt và người tịch diệt là còn thấy hai. Tu tới đây, quí vị mới thấy hiện tại chúng ta tu, đều nằm trong vòng đối đãi. Khi tu thì nói: “Tôi ráng tu làm sao cho được nhập Niết-bàn.” Hỏi ai nhập? Tôi nhập. Thế là có người nhập Niết-bàn và có cảnh giới Niết-bàn để nhập. Như vậy, Niết-bàn là cảnh mình là người, giống hệt như tôi tu để về Cực Lạc, có cảnh Cực Lạc và người về Cực Lạc, còn năng còn sở, còn hai cái đối đãi. Nếu nói tu mà không còn có cảnh có người thì chán lắm buồn lắm, cho nên khi nghe nói tới chỗ cứu kính không còn năng không còn sở, không còn người không còn cảnh thì cảm thấy khó hiểu. Chớ nếu nói cảnh giới Niết-bàn đẹp đẽ rực rỡ, vào đó thật là sung sướng, nghe như vậy chúng ta mới ham mới tu. Cũng như nói về Cực Lạc, ở đó toàn là vàng ròng, được ăn bát báu, được đi chơi, không làm mà tự nhiên có ăn, đủ thứ sung sướng, ham quá cho nên thích tu. Còn ở đây nói không có cảnh tịch diệt và người tịch diệt, thật là buồn. Vì sao? Vì chúng ta tu là mong đạt một cái gì đó, đa số là tu vì bản ngã. Chúng ta tu hành đời này cực khổ là mong đời sau được sung sướng hơn. Nếu tu mà không nói đời sau ra sao thì buồn lắm không thể tu được. Như vậy chúng ta tu là tu vì bản ngã, mà bản ngã là kiến chấp lầm lẫn nên chúng ta mới đi trong sanh tử luân hồi. Bây giờ nếu chúng ta cũng tu theo bản ngã thì không bao giờ hết luân hồi, nhưng luân hồi xấu hay luân hồi tốt, cũng như giấc mộng lành giấc mộng dữ vậy thôi.

Giờ đây, chúng ta phải tỉnh hẳn, hết mộng mới thật là vui. Còn mộng dù lành hay dữ cũng là mộng. Kiếp người ba mươi năm hay năm mươi năm, thoáng qua nhớ lại không phải mộng là gì? Nếu thật thì nó không mất, mà nó mất thì làm sao nói thật? Như vậy để chúng ta thấy rõ chủ yếu giải thoát sanh tử luân hồi là sống được với tánh Viên giác của mình. Khi sống được với tánh Viên giác rồi thì không còn năng sở nữa, vì tánh Viên giác là mình thì không có ai năng và cái gì là sở. Nếu còn có cảnh Niết-bàn để chứng thì Niết-bàn là sở, người tu là năng, ấy là còn đối đãi nên khi nhập được tánh Viên giác thì không còn thấy có mình và có tánh Viên giác là hai. Vì vậy nên nói không thủ không chứng để chúng ta tu không mong thủ chứng. Lý Viên giác thật là thâm sâu, người học mà không tập sống thì đọc tới đoạn này thấy rối rắm khó hiểu.

ÂM:

– Thiện nam tử, nhất thiết chúng sanh tùng vô thủy lai, do vọng tưởng ngã cập ái ngã giả, tằng bất tự tri niệm niệm sanh diệt, cố khởi tắng ái đam trước ngũ dục.

DỊCH:

– Này thiện nam, tất cả chúng sanh từ vô thủy đến giờ do vọng tưởng ngã và ái ngã, chẳng từng tự biết niệm niệm sanh diệt cho nên khởi yêu ghét và đam mê ngũ dục.

GIẢNG:

Đức Phật nhắc lại cho tất cả chúng ta thấy từ vô thủy đến nay, do vọng tưởng chấp ngã là thật rồi ái ngã, cho nên chưa từng biết thân tâm của mình đổi thay từng phút từng giây. Thân tâm mình đổi thay từng phút từng giây, vậy mà không dám nói nó đổi thay, vì sợ đổi thay rồi sẽ mau mất. Ở thế gian, chúng ta gạt nhau mà cũng hài lòng trong cái gạt gẫm đó. Chúng ta luôn luôn tránh né sự thật. Ví dụ khi thấy anh B mập phì ra mà không dám quở, bèn nói tránh: “Chà! Lúc này coi bộ anh phát tướng quá.” Nghĩa là lúc nào cũng sợ không dám nói lẽ thật, nói thật sợ lỡ họ đau rồi chết, đủ thứ sợ. Còn thấy người kia ốm quá cũng không dám quở nữa, sợ họ mất thần. Nói tóm lại lúc nào chúng ta cũng nơm nớp sợ cái ngã này bị bại hoại đổi thay. Tại sao vậy? Vì yêu nó quá, cho nên nói đến sự bại hoại đổi thay của nó là hồi hộp lo sợ. Vì vậy, ở đây Phật mới nói do vọng tưởng về ngã rồi ái ngã, chưa từng biết mỗi niệm sanh diệt đổi thay. Nếu chúng ta nhận rõ sự đổi thay sanh diệt này thì coi nó không ra gì hết. Vì chúng ta yêu nó quá cho nên không dám thừa nhận sự bại hoại đổi thay của nó. Khi thấy đầu bạc răng rụng là chúng ta buồn, vì yêu ngã quá nên ngã bại hoại đổi thay là khổ đau.

Nghiệm cho kỹ mới thấy cái chấp ngã của chúng ta thật là lạ lùng; cái hằng đổi thay mà lúc nào cũng sợ đổi thay. Nếu chúng ta biết đổi thay như thật là đã có tỉnh rồi. Chúng ta không dám nhìn cái đổi thay đó là tại vì chúng ta mê. Vì vậy, người đời không bao giờ dám nói lên sự thật. Nói sự thật người đời cho là chán đời yếm thế, cho nên lúc nào cũng nói gạt nhau “cuộc đời là hạnh phúc, là an vui”. Dùng những danh từ cho đẹp, cho kêu để đánh lừa nhau. Nhưng đối diện với sự thật thì nó chẳng hay chẳng đẹp gì cả. Nói đời là hạnh phúc mà tới nhà nào cũng thấy trán ông nhăn hai ba nếp, mặt bà đăm chiêu buồn bực, ít thấy người nào gương mặt thản nhiên tươi tỉnh, vậy mà lúc nào người đời cũng nói là hạnh phúc, an vui. Thử hỏi trong hiện tại có ai được hạnh phúc trọn ngày không? Hết bận tâm việc này tới bận tâm việc nọ, hết bực bội việc này đến bực bội việc kia. Như những chú bé lúc còn nhỏ nghĩ rằng ngày mai lớn lên có gia đình sẽ hạnh phúc. Nhưng khi có gia đình rồi phải vật lộn với cuộc sống để lo cho vợ con, cho gia đình, trăm thứ lo dồn dập, rồi đâm ra bực bội cau có. Như vậy hạnh phúc chỉ là cái ước mơ mà người ta tưởng là thật. Do vậy mà cuộc đời chúng ta chìm trong mê tối, không dám thấy lẽ thật. Nếu có một người nào gan dạ nói thật thì chúng ta phiền trách người đó.

Đức Phật biết rõ bệnh của chúng ta là “ái ngã”, do ái ngã cho nên khởi yêu ghét và chìm đắm trong ngũ dục. Hễ có được món ăn ngon là thỏa mãn vị dục, có cái áo đẹp là thỏa mãn xúc dục, có radio nghe nhạc hay là thỏa mãn thanh dục… Lòng tham muốn không dứt, được cái này muốn cái kia, muốn mãi cho tới già chết mà không hay. Mọi người chúng ta ai cũng như ai đều gom góp những vật chất quí báu, để cung phụng cho cái thân này, lo cho nó từng li từng tí, rốt cuộc rồi nó cũng rã mất. Quí vị nghĩ coi chúng ta có giống như dã tràng không? Cứ bươi cát vun lên rồi sóng ùa đến lôi đi mất, lại vun lên nữa rồi sóng lôi đi nữa. Chúng ta cung phụng bảo vệ thân này, cuối cùng có bảo vệ được đâu? Vậy mà cứ làm hoài hết đời này tới đời kia, hết đời kia tới đời nọ… không phải dã tràng xe cát là gì? Nhưng mà ít ai thấy cái vô lý đó, cứ như thế mà hài lòng rồi bảo nhau: “Con người sanh ra là phải như vậy.” Nếu chúng ta không tỉnh thì cứ loanh quanh mãi trong nẻo luân hồi!

ÂM:

– Nhược ngộ thiện hữu, giáo linh khai ngộ tịnh Viên giác tánh, phát minh khởi diệt, tức tri thử sanh tánh tự lao lự.

DỊCH:

– Nếu gặp thiện hữu tri thức dạy cho khai ngộ tánh Viên giác thanh tịnh, thấy rõ sự sanh diệt, liền biết đời này tánh tự lao lự.

GIẢNG:

Lao là nhọc lự là lo tính, biết được cái sanh diệt trong mình, tức vọng tưởng sanh diệt. Cái vọng tưởng đó gọi là cái khởi diệt. Cái khởi diệt đó mình biết nó, biết đó là cái tánh tự lăng xăng suy nghĩ, không bao giờ an ổn… Chúng ta học đạo, nếu gặp được thiện hữu tri thức dạy cho khai ngộ tánh Viên giác thanh tịnh, chúng ta mới thấy rõ niệm niệm khởi diệt từng phút từng giây ở nơi mỗi chúng ta. Lúc đó mới biết kiếp sống con người vốn là lăng xăng lộn xộn không an, sanh rồi diệt, diệt rồi sanh… có đó rồi mất đó, nó giả dối, chẳng có gì thật để chúng ta bám vào đó, rồi hài lòng với nó suốt cả cuộc đời.

ÂM:

– Nhược phục hữu nhân lao lự vĩnh đoạn đắc pháp giới tịnh, tức bỉ tịnh giải vi tự chướng ngại, cố ư Viên giác nhi bất tự tại, thử danh phàm phu tùy thuận Giác tánh.

DỊCH:

– Lại, nếu có người hằng đoạn các lao lự thì ngộ được pháp giới thanh tịnh, nhưng đối với tánh Viên giác chưa được tự tại, vì còn bị “cái biết tịnh” làm chướng ngại, những người ấy gọi là phàm phu tùy thuận tánh Viên giác.

GIẢNG:

Nếu có người ngay cái lăng xăng lộn xộn đó mà đoạn diệt thì lúc đó được cảnh giới thanh tịnh. Có đoạn có được nên cái thanh tịnh giải của người đó tự chướng ngại, bởi vì bên đây là đoạn bên kia là chứng; đoạn lao lự và chứng pháp giới định thì người đó đối với tánh Viên giác chưa được tự tại. Khi chúng ta tu gặp thầy bạn chỉ dạy ngộ được tánh Viên giác, chúng ta mới biết thân tâm này, cuộc sống này là cái sanh diệt lao xao, không bền vững, nên liền dụng tâm tu đoạn được cái lao xao ấy. Khi cái sanh diệt lao xao hết, chúng ta thấy được pháp giới thanh tịnh, nhưng lại chấp vào cảnh thanh tịnh đó, ấy là tự làm chướng ngại tánh Viên giác. Tôi thường nhắc quí vị vọng tưởng là cái lao xao, chợt hiện chợt mất làm nhiễu loạn tâm người, bây giờ chúng ta buông vọng tưởng, vọng tưởng vừa lặng, ở chỗ lặng lẽ chúng ta hài lòng ngang đó là chướng ngại. Nên gọi là phàm phu tùy thuận tánh Viên giác, vừa thấy được vọng tưởng lặng bèn hài lòng, nên bị kẹt vào chỗ lặng lẽ thanh tịnh đó.

ÂM:

– Thiện nam tử, nhất thiết Bồ-tát kiến giải vi ngại, tuy đoạn giải ngại, do trụ kiến giác, giác ngại vi ngại, nhi bất tự tại. Thử danh Bồ-tát vị nhập địa giả, tùy thuận Giác tánh.

DỊCH:

– Này thiện nam, tất cả Bồ-tát bị kiến giải làm ngại, tuy đã đoạn được cái ngại của kiến giải, nhưng vẫn còn trụ ở kiến giác, do kiến giác làm ngại nên không tự tại. Những vị này gọi là Bồ-tát chưa nhập địa tùy thuận tánh Viên giác.

GIẢNG:

Đây là Bồ-tát hàng Tam hiền tức là Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng. Những vị Bồ-tát ấy bị kiến giải làm ngại, tức là còn thấy có cảnh để mình tu, có quả để mình chứng, nên tuy đoạn được cái ngại của kiến giải mà vẫn còn thấy có cái kiến giác, tức là thấy cái giác của mình cho nên bị nó làm chướng ngại không tự tại. Bồ-tát chưa nhập địa tức là chưa bước vào Sơ địa, gọi là Tam hiền. Đó gọi là Bồ-tát chưa nhập địa tùy thuận tánh Viên giác, nhưng những vị này hơi xa với chúng ta.

ÂM:

– Thiện nam tử, hữu chiếu hữu giác câu danh chướng ngại, thị cố Bồ-tát thường giác bất trụ, chiếu dữ chiếu giả đồng thời tịch diệt. Thí như hữu nhân tự đoạn kỳ thủ, thủ dĩ đoạn cố, vô năng đoạn giả. Tắc dĩ ngại tâm, tự diệt chư ngại, ngại dĩ đoạn diệt vô diệt ngại giả. Tu-đa-la giáo như tiêu nguyệt chỉ. Nhược phục kiến nguyệt, liễu tri sở tiêu, tất cánh phi nguyệt. Nhất thiết Như Lai chủng chủng ngôn thuyết khai thị Bồ-tát diệc phục như thị. Thử danh Bồ-tát dĩ nhập địa giả tùy thuận Giác tánh.

DỊCH:

– Này thiện nam, còn chiếu còn giác đều còn chướng ngại, thế nên Bồ-tát thường giác mà chẳng trụ, năng chiếu và sở chiếu đồng thời vắng lặng. Thí như có người tự chặt đầu mình, khi cái đầu đã chặt rồi thì không có người chặt đầu (năng đoạn). Thế thì dùng tâm chướng ngại diệt các chướng ngại. Khi chướng ngại đoạn diệt hết thì không còn người diệt chướng ngại. Kinh giáo như ngón tay chỉ mặt trăng, nếu thấy được mặt trăng thì biết rõ ngón tay rốt ráo không phải là mặt trăng. Tất cả ngôn giáo của Như Lai khai thị cho Bồ-tát cũng như thế. Đây gọi là Bồ-tát đã nhập địa tùy thuận tánh Viên giác.

GIẢNG:

Bồ-tát đã nhập địa là những vị Bồ-tát từ Sơ địa trở lên tới Thập địa, các ngài thấy còn chiếu còn giác là còn chướng ngại. Vì còn có vọng niệm để chúng ta giác, còn có vọng niệm để chúng ta chiếu thì vọng niệm là sở, giác chiếu là năng, chưa thuần thanh tịnh. Chiếu tức là dùng trí của mình để chiếu soi, dùng trí của mình để tỉnh giác. Còn dùng trí để chiếu vật, chiếu tâm thì còn dụng công. Còn dụng công là còn ngại. Ở đây, những vị Bồ-tát này thường giác mà không trụ, nghĩa là thường giác mà không trụ tâm, không cố kềm trong Tánh giác nữa cho nên giác một cách tự tại.  Năng chiếu và sở chiếu đồng thời diệt hết, lúc đó được tịch tịnh không còn thấy đối đãi nữa. Tới chỗ đó cũng giống như người tự chặt đầu mình, khi cái đầu đã chặt rồi thì đâu có năng có sở, đâu có người hay chặt và kẻ bị chặt. Khi phá được cái năng sở rồi thì tâm chướng ngại nó tự diệt. Khi các chướng ngại diệt hết thì cũng không còn người diệt chướng ngại nữa.

Như vậy do dùng tâm ngại mà tự diệt các ngại, tức là do chúng ta dùng cái tâm thấy được các pháp ngại đó, rồi xả bỏ hết không còn ngại nữa, nên phá hết không còn các ngại. Các ngại đã đoạn hết rồi thì không còn cái năng diệt các ngại. Khi tự mình lấy cái tâm diệt ngại đó, diệt rồi xả luôn tâm diệt ngại nên diệt rồi không còn năng và sở. Tới chỗ này mới thấy kinh điển Phật dạy như ngón tay chỉ mặt trăng. Thường chúng ta tu thì mình là người hay tu và pháp của Phật là pháp để mình tu, tới đây Bồ-tát phải thấy rõ pháp mình tu là phương tiện như ngón tay chỉ mặt trăng, nhân ngón tay mà thấy mặt trăng chớ đừng chấp ngón tay là mặt trăng. Như vậy để thấy kinh điển là phương tiện, ngộ mới là cứu kính, nếu thấy mặt trăng rồi thì ngón tay vô nghĩa. Cũng vậy, kinh điển giúp cho chúng ta ngộ được tánh Viên giác. Khi ngộ rồi, kinh điển chỉ là phương tiện bên ngoài thôi, không còn quan trọng nữa. Đây gọi là Bồ-tát nhập địa tùy thuận tánh Viên giác.

ÂM:

– Thiện nam tử, nhất thiết chướng ngại tức cứu kính giác, đắc niệm thất niệm vô phi giải thoát, thành pháp phá pháp giai danh Niết-bàn, trí tuệ ngu si thông vi Bát-nhã, Bồ-tát ngoại đạo sở thành tựu pháp, đồng thị Bồ-đề, vô minh Chân như vô dị cảnh giới, chư giới định tuệ cập dâm nộ si câu thị phạm hạnh, chúng sanh quốc độ đồng nhất pháp tánh, địa ngục thiên cung giai vi tịnh độ, hữu tánh vô tánh tề thành Phật đạo, nhất thiết phiền não tất cánh giải thoát, pháp giới hải tuệ chiếu liễu chư tướng do như hư không, thử danh Như Lai tùy thuận Giác tánh.

DỊCH:

– Này thiện nam, tất cả chướng ngại tức là cứu kính giác; chánh niệm thất niệm đều là giải thoát; giữ giới phá giới đều là Niết-bàn; trí tuệ ngu si đều là Bát-nhã; pháp của Bồ-tát và ngoại đạo thành tựu đồng là Bồ-đề; vô minh Chân như đồng một cảnh giới; giới, định, tuệ và dâm, nộ, si đều là phạm hạnh; chúng sanh quốc độ đồng một Pháp tánh; địa ngục thiên cung đều là Tịnh độ; hữu tình vô tình đều thành Phật đạo; tất cả phiền não là giải thoát rốt ráo, vì biển tuệ pháp giới soi rõ các tướng như hư không. Đây gọi là Như Lai tùy thuận tánh Viên giác.

GIẢNG:

Chư Phật khi thể nhập tròn đầy trong Tánh giác rồi thì lúc đó không một pháp nào ở ngoài Tánh giác, tất cả chỉ là một tâm nhất như bình đẳng. Còn chúng ta bây giờ có phân biệt nên tâm có sai biệt, có hơn có thua, có cao có thấp; nếu trở về được tánh Viên giác tròn đầy thì tất cả sai biệt đó đều bình đẳng hết. Phật nói chúng sanh lâu nay đã thành Phật, còn chúng ta thấy Phật khác chúng sanh khác, phàm khác Thánh khác, ngu khác trí khác. Chúng ta luôn luôn thấy có sai biệt vì do tâm vọng tưởng sai biệt nhìn trên giả tướng, còn chư Phật nhập được Pháp thân tròn đầy nên nhìn trên Pháp tánh. Mắc kẹt trên tướng nhiều chừng nào thì phân biệt nhiều chừng nấy, bớt chạy theo tướng thì phân biệt theo đó mà bớt. Bớt phân biệt thì gọi là hàng Hiền, bớt nhiều gọi là hàng Thánh, không còn theo phân biệt thì gọi là Phật bình đẳng nhất như. Như vậy sự tu là dứt tâm thấy hai, cho nên nói rằng đến chỗ cứu kính là bình đẳng không hai.

Như Lai tùy thuận tánh Viên giác tức là tới chỗ không còn thấy có bên này hay bên kia dở, không còn thấy cái này là giác cái kia là mê, cái này là ngu cái kia là trí. Nghĩa là khi thấy được Tánh chân thật không hai không khác, trên cái không hai không khác đó mà được thành tựu viên mãn rồi thì gọi là Như Lai tùy thuận tánh Viên giác. Đến chỗ này là vượt lên trên tất cả những cái đối đãi giữ giới phá giới, trí ngu, thiên đàng địa ngục, phiền não Niết-bàn v.v… Thấy biết như vậy gọi là cái thấy biết của chư Phật, cho nên gọi là chư Phật tùy thuận Tánh giác.

ÂM:

– Thiện nam tử, đản chư Bồ-tát cập mạt thế chúng sanh cư nhất thiết thời bất khởi vọng niệm, ư chư vọng tâm diệc bất tức diệt, trụ vọng tưởng cảnh bất gia liễu tri, ư vô liễu tri bất biện chân thật. Bỉ chư chúng sanh văn thị pháp môn tín giải thọ trì bất sanh kính úy. Thị tắc danh vi tùy thuận Giác tánh.

DỊCH:

– Này thiện nam, các vị Bồ-tát và những chúng sanh đời sau ở trong tất cả thời chẳng khởi vọng niệm, đối với vọng tâm cũng không cần dứt trừ, ở cảnh vọng tưởng mà không thêm phân biệt, đối với cái không hiểu biết chẳng biện chân thật, các chúng sanh kia nghe được pháp môn này tin hiểu thọ trì không sanh kinh sợ. Ấy gọi là tùy thuận Tánh giác.

GIẢNG:

Người mà tin lời dạy này thì ở trong tất cả thời không khởi vọng tưởng phân biệt, đối với vọng tâm cũng không cần dứt trừ, ở trong cảnh vọng tưởng cũng không thêm phân biệt. Ví như thấy cảnh này là cảnh giả, nghe âm thanh là giả nhưng không khởi thêm niệm phân biệt; thấy là thấy, nghe là nghe. Đối với cái không hiểu biết cũng không nói chân hay vọng. Cụ thể hơn, như thấy cái hoa là biết cái hoa, không thêm cái hiểu biết thật giả gì về cái hoa. Những chúng sanh đó nghe pháp môn này thì tin hiểu thọ trì không kinh sợ, còn người nào không tin như vậy thì kinh sợ, vì nghe nói không năng không sở là sợ lắm. Ấy gọi là tùy thuận tánh Viên giác.

Phật ban đầu chia ra phàm phu tùy thuận tánh Viên giác, Bồ-tát chưa nhập địa tùy thuận tánh Viên giác, Bồ-tát nhập địa tùy thuận tánh Viên giác và chư Phật tùy thuận tánh Viên giác, rồi đến người cuối cùng này cho chúng ta thấy rằng tinh thần kinh Viên Giác chỉ thẳng phương pháp đốn ngộ. Phương pháp đốn ngộ này chư Tổ hằng truyền bá, bảo chúng ta hằng giờ hằng phút hằng giây sống đúng với tinh thần Thiền là không chạy theo phân biệt ngoại cảnh. Đối cảnh mắt thấy tai nghe nhưng không duyên lự theo cảnh là trở về Tánh giác không khó khăn gì. Như vậy, hiện giờ chúng ta tập tu có tùy thuận tánh Viên giác không? Các vị Thiền sư hai mươi bốn giờ trong một ngày đêm không khởi niệm, các ngài có tùy thuận tánh Viên giác không? Như ngài Triệu Châu sử dụng được hai mươi bốn giờ trong ngày, như thế là trong tất cả thời không có vọng tưởng, đối với các vị ấy có cần nói tu hành không? Nếu nói các ngài tu hành là họa. Vì vậy, ở đây Phật nói đối với vọng tâm cũng không cần đoạn diệt. Đối với những người đã thật sống với lý Thiền thì khi nghe pháp môn Viên giác này không thấy khó.

ÂM:

– Thiện nam tử, nhữ đẳng đương tri như thị chúng sanh, dĩ tằng cúng dường bá thiên vạn ức hằng hà sa chư Phật cập đại Bồ-tát thực chúng đức bản, Phật thuyết thị nhân danh vi thành tựu nhất thiết chủng trí.

DỊCH:

– Này thiện nam, các ông nên biết, những chúng sanh như thế đã từng gieo trồng cội gốc công đức, cúng dường trăm ngàn muôn ức chư Phật và Bồ-tát nhiều như cát sông Hằng. Phật nói người này sẽ thành tựu Nhất thiết chủng trí.

GIẢNG:

Câu “Kiến tánh thành Phật” của Thiền với đoạn kinh này không có khác. Người nào thực hiện đúng với tinh thần của nhà thiền dạy, trong buông tất cả vọng tưởng, ngoài thấy tất cả cảnh đều hư dối, không thêm một niệm, cũng không phân biệt đây là giả kia là chân, hằng sống được như vậy thì người ấy tin hiểu pháp môn này không khó, vì người ấy đã gieo trồng vô lượng hằng hà sa công đức rồi. Ở đây Phật nói đã gieo trồng căn lành nơi trăm ngàn muôn ức đức Phật và Bồ-tát nhiều như cát sông Hằng, chớ không phải ngẫu nhiên mà được như vậy. Bây giờ chúng ta mới tập chút chút theo cách sống đó thì chúng ta đã cúng dường được bao nhiêu đức Phật và Bồ-tát? Chúng ta mới tập làm, chắc cũng được cúng dường Phật bằng một hột cát sông Hằng. Như vậy để thấy rằng người có duyên với Đại thừa đốn giáo này không phải ngẫu nhiên, mà đã có duyên hoặc nhiều hoặc ít, hoặc gần hoặc xa với Đại thừa rồi. Nếu ai đã hữu duyên gặp được pháp môn đốn giáo của Đại thừa thì cứ vững niềm tin tiến tu, sớm muộn gì cũng sẽ thành Phật.

ÂM:

Nhĩ thời Thế Tôn dục trùng tuyên thử nghĩa nhi thuyết kệ ngôn:

– Thanh Tịnh Tuệ đương tri
Viên mãn Bồ-đề tánh
Vô thủ diệc vô chứng
Vô Bồ-tát chúng sanh
Giác dữ vị giác thời
Tiệm thứ hữu sai biệt
Chúng sanh vi giải ngại
Bồ-tát vị ly giác
Nhập địa vĩnh tịch diệt
Bất trụ nhất thiết tướng
Đại giác tất viên mãn
Danh vi biến tùy thuận
Mạt thế chư chúng sanh
Tâm bất sanh hư vọng
Phật thuyết như thị nhân
Hiện thế tức Bồ-tát
Cúng dường hằng sa Phật
Công đức dĩ viên mãn
Tuy hữu đa phương tiện
Giai danh tùy thuận trí.

DỊCH:

Lúc bấy giờ Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa này nói kệ rằng:

– Thanh Tịnh Tuệ nên biết
Tánh Bồ-đề viên mãn
Không thủ cũng không chứng
Không Bồ-tát chúng sanh
Giác cùng với chưa giác
Thứ lớp có sai biệt.
Chúng sanh vì giải ngại
Bồ-tát chưa lìa giác
Nhập địa hằng vắng lặng
Không trụ tất cả tướng
Viên mãn quả Đại giác
Gọi là tùy thuận khắp.
Những chúng sanh đời sau
Tâm không sanh hư vọng
Phật gọi người như thế
Hiện đời là Bồ-tát.
Cúng dường hằng sa Phật
Công đức đã viên mãn
Tuy có nhiều phương tiện
Đều gọi trí tùy thuận.

GIẢNG:

Bài trùng tụng này đức Phật dạy: Nếu những vị nào còn có kiến giải làm ngại và cái giác làm ngại thì gọi là Bồ-tát chưa nhập địa tùy thuận Tánh giác. Những vị không còn bị kiến giải làm chướng ngại thì tâm được lặng lẽ vì không còn mắc kẹt trên tướng, đây là Bồ-tát nhập địa. Còn đến quả vị Phật thì các ngài tùy thuận khắp tất cả. Nếu chúng sanh đời sau tâm không khởi vọng tưởng hư dối, Phật nói người như thế hiện đời là Bồ-tát. Người mà tâm không khởi vọng tưởng hư dối, không cần gọi Bồ-tát vị đó cũng là Bồ-tát rồi, vì vị đó đã trồng công đức hằng sa chư Phật. Tuy có nhiều pháp môn phương tiện nhưng tất cả đều tùy thuận tánh Viên giác.

***

(1) Pháp pháp bản vô pháp
Vô pháp pháp diệc pháp
Kim phó vô pháp thời,
Pháp pháp hà tằng pháp.