BỘ HÀM CHÚ VỀ GIỚI BỔN LUẬT TỨ PHẦN
Tỳ Kheo Thích Thiện Phước – Việt dịch
Chư Đại Đức 30 pháp Ni Tát Kỳ Ba Dật Đề nầy, mỗi nửa tháng nói ở trong giới kinh chép ra.
Giới thứ 1
CHỨA Y QUÁ HẠN.
Phật ở nước Xá Vệ, cho phép các thầy Tỳ kheo thọ trì ba y, không được dư. Lục quần Tỳ kheo chứa nhiều y dư, có loại thì mặc buổi sáng, có loại mặc buổi trưa, có loại mặc buổi xế. Các Tỳ kheo ấy thường sắm sửa, làm đẹp y phục, cất chứa rất nhiều. Tỳ kheo cử tội, Phật dùng vô số phương tiện quở trách xong, nhân việc khai trọng mà chế giới.
* Nếu Tỳ kheo y đã xong.
Tức ba y vậy.
* Y Ca Hi Na đã xả.
Ý nói xả y công đức, hết thời gian thọ trì.
* Chứa dư y.
Y có mười loại (1/ Kiều xa da, 2/ Kiếp bối, 3/ Khảm bà la, 4/ Sô ma, 5/ Sấm ma, 6/ Phiến ma, 7/ Ma, 8/ Bí di la, 9/ Cưu di la, 10/ Sấm la bán ni), y dư: tức là miếng vải dài chừng tám ngón tay Đức Như Lai, rộng chừng bốn ngón.
* Không làm pháp tịnh thí được giữ, nếu quá mười ngày.
Khi Phật mới chế giới chứa y dư, vì A Nan được một tấm y phấn tảo quí muốn dâng cúng Tôn giả Ca Diếp nhưng sợ phạm tội, do vì Ca Diếp đi xa mười ngày sau mới về. Nhân thế Phật cho chứa y dư đúng mười ngày.
* Ni Tát Kỳ Ba Dật Đề.
Không phạm có tám:
1/ Hoặc không được y.
2/ Hoặc tịnh thí.
3/ Sai đem cho người.
4/ Y bị mất.
5/ Bị cũ rách.
6/ Tưởng chẳng phải y của mình.
7/ Tưởng của bạn thân.
8/ Bỏ quên.
Trái lại những phép trên thì đều phạm Ni Tát Kỳ. Nếu y phạm xả đọa mà không xả, lại đổi lấy y khác thì phạm một tội Ni Tát Kỳ Ba Dật Đề, một tội Đột Kiết La. Y xả đọa này nên xả cho Tăng, nhẫn đến một người. Xả biệt chúng thì không thành xả, phạm tội Đột Kiết La. Tỳ kheo Ni đồng phạm, ba chúng sau cho đến những giới sau hễ liên quan đến y thì đều phạm tội Đột Kiết La.
Không phạm:
Không quá mười ngày, hoặc chuyển tịnh thí, hoặc sai đem cho người, hoặc tưởng bị giặc cướp đoạt, hoặc tưởng bị mất, hoặc tưởng bị cháy, hoặc tưởng bị nước trôi. Nếu y bị giựt, y bị mất, bị lấy mặc, hoặc người khác đưa cho mình làm mền mà mặc, hoặc người gởi y đi xa, hoặc đường thủy, đường bộ bị đứt đoạn. Những trường họp như thế, nếu không làm phép tịnh thí, không sai đem cho người thì đều không phạm.
Giới thứ 2
LÌA Y NGỦ.
Phật ở nước Xá Vệ, lục quần đem y gởi cho Tỳ kheo thân hữu để du hành trong dân gian. Tỳ kheo ấy đem y ra phơi, các Tỳ kheo mới hỏi: “Phật cho chứa ba y, không được dư, vậy y này của ai?”. Tỳ kheo đó trả lời đầy đủ mọi việc, bị quở trách, các Tỳ kheo bạch Phật xong, nhân thế Ngài chế ra giới này.
* Nếu Tỳ kheo y đã xong, y Ca Hi Na đã xả.
Đều được giải thích ở trên.
* Trong ba y.
Tăng Già Lê, Uất Đa La Tăng, An Đà Hội. Y thì có đến mười loại vậy.
* Lìa mỗi một y mà ngủ ở chỗ khác.
Không mất y: Trong Tăng Già Lam có một giới.
Mất y: Trong Tăng Già Lam có nhiều giới đến như cây, sân, xe, thuyền, thôn, nhà, giảng đường, kho lẫm, các giới khác cũng vậy.
Tăng Già Lam này có bốn loại như trên.
Cây: Bằng lượng người đủ để che chỗ ngồi kiết già.
Sân: Nơi để đạp phơi ngũ cốc.
Xe: Chỗ xoay trở được.
Thuyền: Giới cũng như vậy.
Thôn: Có bốn thứ.
Giảng đường: Có nhiều chỗ trống trải.
Kho: Cất chứa mọi vật.
Lẫm: Chứa trữ lúa gạo.
A lan nhã: Không có giới hạn. Trong khoảng tám gốc cây, khoảng cách mỗi gốc là bảy cung, mỗi cung có độ dài bốn cánh chỏ.
Giới Già Lam: Giới Già Lam ở đây chẳng phải Giới Già Lam kia, chẳng phải Giới của cây kia cho đến giới của kho, lẫm. Ngoài ra việc viết câu văn cũng như thế.
Giới Tăng Già Lam: Ở bên cạnh Tăng Già Lam người sức trung bình dùng đá hoặc gạch ném đến chỗ nào thì đó gọi là “giới của y”, cho đến kho chứa cũng như thế.
Nếu thầy Tỳ kheo để y ở trong Tăng Già Lam đến ngủ ở dưới gốc cây, khi minh tướng chưa xuất hiện, hoặc xả y, hoặc tay cầm y, hoặc đến chỗ đá ném tới. Hoặc không xả y, hoặc tay không cầm y, hoặc không đến chỗ đá quăng tới. Khi minh tướng xuất hiện, tùy theo nơi lìa y mà ngủ thì phạm tội Ni Tát Kỳ Bà Dật Đề.
* Trừ Tăng có làm pháp yết ma.
Bấy giờ có thầy Tỳ kheo mắc chứng bệnh gầy ốm, còn chiếc y phấn tảo Tăng Già Lê thì quá nặng, nhân có duyên sự du hành ở nhơn gian không thể mang theo được, thầy mới đem việc này lên bạch Phật, Phật dạy nên đến trong Tăng ba lần xin xong bạch nhị yết ma thì được lìa y.
* Ni Tát Kỳ Ba Dật Đề.
Ngoài ba y này ra, nếu lìa các y khác thì phạm Đột Kiết La. Ni đồng phạm.
Không phạm:
Tăng làm pháp yết ma, minh tướng chưa xuất hiện, tay nắm y, xả y, đến chỗ quăng đá tới, tưởng bị cướp đoạt, bị nạn gấp, đường thủy, đường bộ đứt đoạn, bị giặc, ác thú, bị người cưỡng bắt, bị mạng nạn, phạm hạnh nạn. Nếu không xả y cho đến cho đến không đến chỗ quăng đá tới thì không phạm.
Giới thứ 3
CHỨA Y QUÁ MỘT THÁNG.
Phật ở nước Xá Vệ, vì trong ba y của một thầy Tỳ kheo có chiếc Tăng Già Lê bị cũ rách, vì trong vòng mười ngày không thể may xong, nên Phật cho chứa y dư để đầy đủ. Lục quần Tỳ kheo lấy đồng lọai y nhưng chưa đủ, giặt nhuộm điểm tịnh đem gởi cho người rồi du hành, Tỳ kheo cử tội. Phật quở trách chế ra giới này.
* Nếu Tỳ kheo y đã xong, y Ca Hi Na đã xả. Nếu Tỳ kheo được y phi thời.
Thời: Tức là không thọ y Ca Hi Na thì sau khi tự tứ một tháng, có y Ca Hi Na thì sau lễ tự tứ năm tháng. Phi thời có nghĩa là ngoài thời hạn y này.
* Nếu cần thì liền thọ, thọ rồi mau may cho thành y. Đủ thì tốt.
Nếu trong mười ngày tìm đủ y đồng loại, cắt rọc như trên. Nếu không đủ thì đến ngày thứ mười một, tùy theo chứa y nhiều ít thì đều phạm tội Xả Đọa.
* Nếu không đủ thì được chứa một tháng để chờ cho đủ.
Nếu y cùng loại vải không đủ, chờ mãi đến ngày thứ mười một y cùng loại mới đủ, thì ngay trong ngày thứ mười một đó phải may như trên. Nếu chống trái, để đến ngày thứ mười hai tùy theo chứa y nhiều ít thì đều phạm. Cho đến 29 ngày cũng vậy, đến ngày thứ 30 dù đủ hay không đủ, y cùng loại hay không cùng loại, ngay trong ngày đều phải căn cứ theo pháp trên.
* Nếu chứa quá hạn thì phạm Ni Tát Kỳ Ba Dật Đề.
Tỳ kheo Ni đồng phạm.
Không phạm:
Trong vòng mười ngày, y cùng loại đủ để may, cho đến ngày thứ 30 ngay trong ngày đó phải may y. Ngoài ra có các duyên khác giống như giới chứa y dư.
Giới thứ 4
NHẬN Y CỦA CÔ NI KHÔNG PHẢI BÀ CON.
Phật ở thành La Duyệt Kỳ, Tỳ kheo Ni Liên Hoa Sắc đem thức ăn đến núi Kỳ Xà Quật dâng cúng các Thượng tòa. Bấy giờ có một Tỳ kheo mặc y cũ rách chằm vá. Ni Liên Hoa bèn mở chiếc y quí giá của mình đang đắp để đổi, sau đó cô đắp chiếc y cũ rách đến đảnh lễ Phật, Phật lấy làm lạ hỏi và quở trách Tỳ kheo kia. Nhân thế Ngài chế ra giới này.
* Nếu Tỳ kheo từ nơi Tỳ kheo Ni chẳng phải bà con.
Chẳng phải bà con: Chẳng phải bà con với cha mẹ, cho đến không có thân thích trong bảy đời, trái với các trường hợp trên là bà con. Nếu chẳng phải bà con, cũng không thể suy tính được là có nên lấy hay không. Nếu là bà con thì nên suy tính là có khả năng hay không, nên nhận hay không nên nhận, hoặc tốt hoặc xấu, hoặc mới, hoặc cũ.
* Lấy y.
Y có mười loại. Ni mặc y rách, bạch đủ với Thế Tôn. Phật dạy không nên như thế, ta cho chứa năm y lành lặn bền chắc. Ngoài ra khi có dư y mới tùy ý tịnh thí, hoặc đem cho người, vì cớ sao? Do vì người nữ mặc loại y phục tốt còn khó coi huống chi là mặc y rách.
* Trừ khi trao đổi.
Bấy giờ hai bộ Tăng Ni được y rồi cùng phân chia và hai bộ đều chia lộn y. Phật dạy cho trao đổi y lẫn nhau. Nói đổi y ở đây nghĩa là lấy y để đổi y, hoặc không phải y, hoặc lấy không phải y đổi y, hoặc ống đựng kim, ống đồng, dao, chỉ, hoặc một khúc vật nhỏ cho đến viên thuốc nhỏ để đổi y.
* Ni Tát Kỳ Ba Dật Đề.
Tỳ kheo Ni phạm Đột Kiết La.
Không phạm:
Nhận y từ bên Tỳ kheo Ni bà con, hoặc trao đổi, hoặc vì Tăng, vì tháp (Phật đồ), mà nhận thì không phạm.
Giới thứ 5
BẢO CÔ NI KHÔNG PHẢI BÀ CON GIẶT Y DƠ.
Phật ở nước Xá Vệ, Ca Lưu Đà Di và Ni Thâu Lan Nan Đà dung mạo đều xinh đẹp, đều thích nhau, ngồi lộ hình xuất đồ bất tịnh, làm dơ chiếc y An Đà Hội. Sau đó sai Ni Thâu Lan Nan Đà giặt, Tỳ kheo đem lỗi này bạch Phật. Nhân thế Ngài quở trách chế giới.
* Nếu Tỳ kheo chẳng phải bà con.
Như trên đã nói.
* Tỳ kheo Ni.
Nếu bảo Thức Xoa Ma Na, Sa Di Ni chẳng phải bà con giặt nhuộm, đập y dơ thì phạm tội Đột Kiết La.
* Giặt y dơ.
Y dơ: Cho đến mặc qua thân một lần. Nếu đập, nhuộm, giặt y mới thì phạm tội Đột Kiết La.
* Hoặc nhuộm, hoặc đập thì phạm Ni Tát Kỳ Ba Dật Đề.
Tỳ kheo sai bảo Ni giặt, nhuộm, đập, nếu làm cả ba thì phạm ba Ni Tát Kỳ Ba Dật Đề. Phụ giúp mà không làm, tùy theo mỗi lần giúp phạm Đột Kiết La.
Không phạm:
Hoặc lúc bị bệnh, mượn giặt nhuộm đập, hoặc vì Tăng, vì Phật đồ1, hoặc mượn y người khác giặt, nhuộm, đập thì không phạm.
Giới thứ 6
ĐẾN NHÀ CƯ SĨ KHÔNG PHẢI BÀ CON XIN Y.
Phật ở nước Xá Vệ, bấy giờ Bạt Nan Đà nói pháp cho người, theo xin chiếc y quí báu ông trưởng giả đang đắp, trưởng giả miễn cưỡng đưa cho xong, ông chỉ mặc chiếc áo lót vào thành. Liền bảo rằng: “Tôi vừa bị giặc cướp ở trong Tinh xá Kỳ Hoàn”. những người tục chê gièm, Tỳ kheo cử tội, Phật liền chế giới.
* Nếu Tỳ kheo xin y cư sĩ hoặc vợ cư sĩ không phải bà con.
Như văn trên đã giải thích.
* Trừ ở trường hợp khác, phạm Ni Tát Kỳ Bà Dật Đề.
Tỳ kheo Ni đồng phạm.
* Trừ ở trường hợp khác, Tỳ kheo bị giặc cướp y.
Bấy giờ có Tỳ kheo bị giặc cướp lột y nên trần truồng đi. Phật dạy: “Không nên như vậy”. Nếu trần truồng mà đi thì mắc tội Đột Kiết La. Như gặp phải trường hợp này thì nên tạm dùng cỏ mềm, lá cây để che thân rồi đến ngôi chùa gần hoặc lấy y dư để mặc, hoặc mượn y dư ở các Tỳ kheo quen biết. Nếu không có thì nên hỏi trong Tăng có loại y nào có thể chia. Nếu không có thì hỏi mượn y, ngoạ cụ của Tăng. Nếu không có để cho thì tự mình mở kho tìm hoặc mền, tấm khảm trải, tấm nỉ, chăn chọn lấy rọc thành y che thân rồi mới được ra ngoài xin y. Nếu có được y rồi, thì phải giặt nhuộm, chắp vá, trả lại chỗ cũ, nếu không trả lại chỗ cũ thì phải như pháp mà trị.
* Y bị mất, y bị cháy, y bị nước trôi.
Duyên khởi giống như trên.
* Đó gọi là trừ khi ở trường hợp khác.
Không phạm:
Nếu y bị đoạt, bị mất… thì xin nơi không phải bà con, hoặc xin từ người xuất gia, xin cho người, người khác xin cho mình, hoặc không mong cầu mà được thì đều không phạm.
Giới thứ 7
QUÁ THỌ Y.
Phật ở nước Xá Vệ, có nhiều vị Tỳ kheo bị giặc cướp mất y sau đi đến tinh xá Kỳ Hoàn, có tín chủ nghe được chuyện ấy liền đem nhiều y đến cúng cho Tỳ kheo. Các Tỳ kheo nói: “Thôi! Có người cúng dường rồi, chúng tôi đã có đủ ba y, thế nên không phải nhận nữa”. Lục quần Tỳ kheo xúi lấy: “Hãy nhận đem đến cho tôi”, các Tỳ kheo bèn nhận thêm y, hàng Tỳ kheo cử tội, Phật nhân thế mà chế giới.
* Nếu Tỳ kheo y bị mất, bị cướp giựt, bị lửa cháy, bị nước trôi.
Nếu mất một y thì không nên lấy, nếu mất hai y còn lại một y hai lớp, ba lớp, bốn lớp thì nên gỡ ra để làm Chiếc Tăng Già Lê, Uất Đa La Tăng, An Đà Hội.
* Nếu có cư sĩ, vợ cư sĩ không phải bà con.
Đều được giải thích như trên.
* Tự mình xin cư sĩ cho nhiều y.
Nếu cư sĩ yêu cầu tùy ý, hoặc mịn mỏng, không chắc nên nhận xếp làm hai lớp, ba lớp, bốn lớp để may. Nên kết thành miếng vải lót ở trên vai để ngăn mồ hôi và cũng nên kết thêm nút khuy. Nếu có thừa thì hỏi cư sĩ: “Vải dư này cắt để làm gì?”.
Nếu người đàn việt bảo: “Tôi không do vì duyên cớ mất y mà cúng thầy. Tôi tự ý dâng cúng cho Đại Đức”. Nếu muốn nhận thì liền nên nhận.
* Tỳ kheo đó nhận y nên vừa biết đủ.
Nếu ba y đều bị mất thì Tỳ kheo đó nên tri túc nhận y, tri túc có hai nghĩa:
1/ Tri túc của người tại gia: Tùy khả năng của người cư sĩ cúng y mà nhận.
2/ Tri túc của người xuất gia: Là ba y.
* Nếu nhận quá.
Nghĩa là mất một nhận một, mất hết thì nhận được ba y.
* Ni Tát Kỳ Ba Dật Đề.
Tỳ kheo Ni đồng phạm.
Không phạm:
Nhận y vừa đủ, hoặc nhận ít hơn mức vừa đủ, hoặc được cúng nhiều y, hoặc mịn mỏng quá không bền chắc, hoặc may thành hai ba lớp, vải có thừa. Như trường hợp trên đã nói rõ thì không phạm.
Giới thứ 8.
KHUYÊN CƯ SĨ THÊM TIỀN MAY Y.
Phật ở nước Xá Vệ, hai vợ chồng cư sĩ bàn rằng: “Bạt Nan Đà là bạn cũ, chúng ta nên đem số tiền mua y với giá như thế, mua y dâng cho Bạt Nan Đà. Tỳ kheo khất thực nghe xong về báo Bạt Nan Đà biết. Sau đó ông đến nhà cư sĩ ấy khuyên nên may y mới thật đẹp, rộng, bền dài, người tục chê gièm, hàng Tỳ kheo cử tội, Phật liền chế giới.
* Nếu Tỳ kheo có cư sĩ , vợ cư sĩ.
Như trên đã nói.
* Vì Tỳ kheo đặt giá trị làm y.
Ý nói: Hoặc tiền, vàng, bạc, chơn châu, lưu ly, ngọc thạch, chuỗi ngọc, đồ mạ vàng, cho đến mười loại vải.
* Mua y với giá trị như thế cho Tỳ kheo, Tỳ kheo đó trước không nhận tùy ý thỉnh.
Nếu cư sĩ tùy ý hỏi Tỳ kheo cần những y gì thì Phật cho phép Tỳ kheo thiểu dục tri túc, được đề nghị những loại không như họ yêu cầu.
* Đến nhà cư sĩ nói như vầy: “Tốt lắm cư sĩ vì tôi mà sắm cái y như thế để cho tôi”. Vì muốn đẹp vậy.
Cầu xin có hai loại:
1/ Ý nói cầu thêm giá: Đàn việt cúng tiền may đại y với giá… đến xin thêm dù chỉ một tiền, một phần mười sáu.
2/ Là cầu xin y: Ý nói bảo cư sĩ làm cái y rộng dài cho đến thêm một sợi chỉ.
* Nếu được y thì phạm Ni Tát Kỳ Ba Dật Đề.
Tỳ kheo Ni đồng phạm.
Không phạm:
Trước Tỳ kheo đã nhận cư sĩ tùy ý thỉnh mà đến, cầu xin vừa phải, đối với việc nầy yêu cầu họ làm ít lại, đến cầu nơi bà con, cầu mong nơi người xuất gia, hoặc mong cầu cho người khác, người khác mong cầu cho mình, hoặc không mong mà được.
Giới thứ 9
KHUYÊN HAI NHÀ THÊM TIỀN MUA Y.
Phật ở nước Xá Vệ, có hai vợ chồng cư sĩ bàn với nhau và họ muốn mua y dâng cho Bạt Nan Đà. Các Tỳ kheo khất thực nghe được, trở về kể hết cho Bạt Nan Đà nghe. Ông bèn đến hai nhà bảo cùng may y, cư sĩ chê gièm, Tỳ kheo cử tội, Phật nhân thế quở trách chế giới.
* Nếu Tỳ kheo có hai cư sĩ, hoặc vợ cư sĩ sắm tiền may y cho Tỳ kheo, may y như thế cho Tỳ kheo…, Tỳ kheo đó trước không nhận cư sĩ tuỳ ý thỉnh liền đến hai nhà cư sĩ, nói thế này: “Tốt lắm cư sĩ, sắm tiền may y như thế cho tôi, hãy gộp lại làm một y”. Vì muốn cho tốt! Nếu Tỳ kheo được y thì phạm Ni Tát Kỳ Ba Dật Đề.
Giới tướng thành phạm khai thông đều như trước đã nói.
Giới thứ 10
ĐÒI TIỀN MAY Y QUÁ HẠN.
Trong thành La Duyệt Kỳ có vị đại thần vốn là bạn thân với Bạt Nan Đà, hai người thường tới lui nhau, đại thần sai người đưa tiền may y cho Bạt Nan Đà. Người ấy đem tiền may y gởi cho tịnh chủ xong. Nhân việc gấp Bạt Nan Đà đòi lại, đến khiến cho ông trưởng giả bị phạt, người thế tục chê gièm, Tỳ kheo cử tội, Phật nhân thế chế ra giới này.
* Nếu Tỳ kheo, hoặc vua.
Vua là người có quyền lực không bị lệ thuộc người khác.
* Hoặc đại thần.
Người thân cận với vua.
* Hoặc Bà La Môn.
Có nếp sống Bà La Môn.
* Hoặc cư sĩ.
Đó là những người tại gia, trừ vua, đại thần, Bà La Môn.
* Vợ cư sĩ.
Người đàn bà ở tại gia.
* Sai người sứ vì Tỳ kheo đưa tiền may y.
Như trên đã nói.
* Đem tiền mua y như thế, cho Tỳ kheo… Người sứ kia đến chỗ Tỳ kheo, nói rằng: “Đại Đức, nay vì ngài đưa tiền mua y, xin Ngài nhận lấy”. Tỳ kheo đó nói với người sứ kia thế này: “Tôi không được nhận tiền mua y này, nếu tôi cần y, hợp thời và thanh tịnh mới nhận”. Người sứ kia hỏi Tỳ kheo rằng: “Đại Đức có người giúp việc không?”. Tỳ kheo nên nói rằng: “Có” và chỉ người dân ở trong Tăng Già Lam, hoặc Ưu Bà Tắc nói: “Đây là người giúp việc của Tỳ kheo, thường giúp việc cho các Tỳ kheo”. Bấy giờ người sứ kia đến chỗ người giúp việc đưa tiền mua y xong, sau trở lại chỗ Tỳ kheo nói thế này: “Đại Đức! đã chỉ người giúp việc… Tôi đã đưa số tiền mua y, Đại Đức biết thời đến đó sẽ được y”. Tỳ kheo cần y nên đến chỗ người giúp việc hoặc hai, ba lần vì để cho họ nhớ, nên nói rằng: “Tôi cần y”.
Nhớ nghĩ tức là: Hoặc người giúp việc, tại nhà, hoặc chợ búa, ở chỗ người làm việc. Nên đến những chỗ ấy một, hai hoặc ba lần nói: “Bây giờ tôi cần y, nên trao lại cho tôi số tiền mua y đó”.
* Hoặc hai, ba lần vì nhắc để chohọ nhớ, được y thì tốt bằng không được y thì bốn lần, năm lần cho đến sáu lần đứng trước họ im lặng.
Người giúp việc kia hoặc ở tại nhà, tại phố chợ hay ở nơi làm việc đến đứng trước họ im lặng. Nếu người giúp việc hỏi: “Vì duyên cớ gì thầy đứng ở đây?”. Tỳ kheo đáp: “Chắc ông tự biết”. Nếu người giúp việc kia nói: “Tôi thật không biết”. Như có người khác biết, Tỳ kheo nên nói: “Người ấy biết”, rồi Tỳ kheo hiện ra tướng im lặng.
* Hoặc bốn, năm, sáu lần ở trước họ đứng im lặng, được y thì tốt.
Hoặc nhắc một lần, mất hai lần im lặng, cho đến nhắc ba lần mất sáu lần yên lặng.
* Nếu không được y mà cố đòi quá hạn. Cầu được y thì phạm Ni Tát Kỳ Ba Dật Đề.
Tỳ kheo Ni đồng phạm như Tăng.
* Nếu không được y thì tự mình đến hoặc sai người sứ đến chỗ ra tiền mua y nói: “Ông trước đã sai người sứ đem tiền sắm y cho Tỳ kheo… Rốt cuộc Tỳ kheo ấy không được y. Vậy ông nên lấy lại chớ để cho thất thoát”, như vậy là họp thời.
Không phạm:
Hoặc sai người sứ báo cho người cúng tiền sắm y biết, hoặc người cúng nói: “Tôi đã đem đi cúng dường rồi nay không cần lấy lại”. Tỳ kheo đó nên lựa thời nói lời nhỏ nhẹ, dùng phương tiện đòi y hoặc làm pháp Ba Lợi Ca La. Tùy thời dùng lời nói nhỏ nhẹ để đòi hoặc dùng phương tiện để đòi thì được.
Giới thứ 11
LÀM NGỌA CỤ BẰNG TƠ TẰM.
Phật ở nước Khoáng Dã, lục quần Tỳ kheo đến nhà nuôi tằm, đòi xin loại tơ chưa thành và tơ đã thành, đều là những loại tơ tằm tạp để làm ngoạ cụ. Lại đứng xem khi kén bị phơi, cư sĩ chê gièm, họ nói: (Sa môn mà còn) hại mạng chúng sanh, không có chánh pháp, Tỳ kheo cử tội, Phật nhân thế mà chế giới.
* Nếu Tỳ kheo làm ngọa cụ mới bằng loại tơ tằm mới tạp.
Hoặc bằng lông, hoặc bằng kiếp bối, hoặc vải và các thứ chỉ gai tạp.
* Ba Dật Đề.
Phép xả trong giới này là dùng búa, bằm ra cho nhỏ trộn với bùn rồi tô vào vách tường.
Tự mình làm hoặc dạy người khác làm, hễ thành thì đều phạm, hễ không thành thì phạm tội Đột Kiết La. Nếu vì người khác làm thành thì phạm tội Đột Kiết La, Ni cũng phạm Đột Kiết La.
Không phạm:
Nếu được vật đã làm thành, dùng búa bằm rồi trộn với bùn để tô.
Giới thứ 12
MAY NGỌA CỤ BẰNG LÔNG DÊ THUẦN ĐEN.
Phật ở Tỳ Xá Ly, những người Lê Xa phần nhiều làm hạnh tà dâm, dùng lông dê thuần đen may áo choàng, trùm mình mà đi vào lúc ban đêm, khiến người khác không thấy. Lục quần Tỳ kheo thấy thế liền bắt chước làm theo, những người Lê Xa mới chê gièm, hàng Tỳ kheo cử tội, Phật nhân thế chế giới.
* Nếu Tỳ kheo dùng lông dê mới thuần đen.
Vốn đã đen hoặc được nhuộm đen.
* May ngọa cụ mới thì phạm Ni Tát Kỳ Ba Dật Đề.
Tự mình hoặc dạy người khác may, vì người khác may, tướng phạm đều như giới trước. Ni phạm tội Đột Kiết La.
Không phạm:
Hoặc đã được may thành, hoặc cắt rọc cho hư, hoặc xếp miếng mỏng nhỏ làm thành hai lớp, hoặc toạ cụ nhỏ, hoặc làm nệm, hoặc làm mũ đội, làm bít tất, hoặc làm khăn trùm cho ấm, hoặc làm khăn gói giày, tất cả đều không phạm.
Giới thứ 13
LÀM NGỌA CỤ BẰNG LÔNG TRẮNG.
Phật ở nước Xá Vệ, lục quần Tỳ kheo lấy lông dê toàn màu trắng để may ngọa cụ mới, cư sĩ chê gièm Tăng sĩ chẳng khác gì vua chúa, đại thần, Tỳ kheo cử tội. Phật nhân thế quở trách chế giới.
* Tỳ kheo nào may ngọa cụ mới nên dùng hai phần lông dê thuần đen, phần thứ ba trắng.
Hoặc vốn đã trắng hoặc đã nhuộm trắng.
* Phần thứ tư xám.
Lông trên đầu, lông ở trên lỗ tai hoặc lông ở trên chân, hoặc các chỗ khác có màu lông xám vậy. Tỳ kheo muốn làm toạ cụ bằng 40 bát la: 20 bát la đen, 10 bát la trắng, 10 bát la xám. Cho đến làm ngọa cụ 20 bát la. Căn cứ theo trên có thể biết được vậy.
* Nếu Tỳ kheo không dùng hai phần đen, phần thứ ba trắng, phần thứ tư xám may ngoạ cụ mới thì phạm Ni Tát Kỳ Ba Dật Đề.
Tự làm hoặc dạy người làm, hoặc vì người khác làm đều đồng phạm như trên, Ni phạm tội Đột Kiết La.
Không phạm:
Nếu làm đúng lượng, hoặc vật làm xong, ngoài ra cũng giống như giới trước.
Giới thứ 14
DÙNG NGỌA CỤ CHƯA ĐẦY SÁU NĂM.
Phật ở nước Xá Vệ, lục quần Tỳ kheo vì chê ngọa cụ hoặc dày, mỏng, nặng, nhẹ. Song vẫn không chịu xả cái cũ mà lại may cái mới, luôn tìm kiếm thu thập cất chứa cho thật nhiều, Tỳ kheo cử tội, Phật quở trách và chế giới.
* Nếu Tỳ kheo làm ngọa cụ mới phải thọ trì đến sáu năm. Nếu dưới sáu năm không chịu xả cái cũ mà lại may cái mới.
Hoặc tự mình làm, dạy người khác, vì người khác làm đều phạm giống như giới trước.
* Trừ khi Tăng yết ma.
Có Tỳ kheo bị chứng bệnh gầy còm, vì ngọa cụ phấn tảo nặng quá nên không thể mang đi được. Phật dạy: “Phải đến trong Tăng xin ba lần. Nếu làm lại cái mới thì nên bạch nhị yết ma mới cho”.
* Ni Tát Ba Dật Đề:
Tỳ kheo Ni phạm tội Đột Kiết La.
Không phạm:
Khi Tăng cho phép và thọ trì đủ sáu năm. Nếu dưới sáu năm mà xả cái cũ lại may cái mới, hoặc được vật cái tọa cụ đã may thành, hoặc vì không có nên làm, hoặc được người khác may sẵn cho thì đều không phạm.
Giới thứ 15
KHÔNG KẾT THÊM MIẾNG VẢI CŨ Ở TRÊN TỌA CỤ.
Phật ở nước Xá Vệ, Ngài bảo người lấy thức ăn đem về. Theo phép thường của chư Phật, sau khi các Tỳ kheo đi thọ thỉnh, Ngài đi khắp các gian phòng, trông thấy các tọa cụ cũ bỏ bừa bãi khắp nơi, không có người dọn dẹp. Do vì các thầy Tỳ kheo chê tọa cụ của mình dày mỏng, nặng nhẹ. Thế là Ngài cho phép Tỳ kheo làm tọa cụ mới nhưng phải lấy miếng vải cũ may trên tọa cụ mới. Lục quần Tỳ kheo làm trái lời Phật dạy, hàng Tỳ kheo cử tội. Nhân đó Phật chế ra giới này.
* Nếu Tỳ kheo may tọa cụ mới, nên lấy miếng vải cũ vuông chừng một gang tay may trên tọa cụ mới vì để cho hoại sắc.
Khi Tỳ kheo may tọa cụ mới, nếu cái cũ chưa hoại, chưa rách, nên lấy giặt nhuộm, sửa sang, kéo ra cho nó thẳng, cắt lấy miếng vuông chừng một gang tay may trên tọa cụ mới, hoặc may ở bên lề, hoặc chính giữa vì để cho hoại sắc.
* Nếu Tỳ kheo mang toạ cụ mới không lấy miếng vải cũ vuông một gang tay, may ở trên để cho hoại sắc, phạm Ni Tát Kỳ Ba Dật Đề.
Tự làm, dạy người làm, hay vì người khác làm, hễ thành thì liền phạm giống như trên. Tỳ kheo Ni phạm tội Đột Kiết La.
Không phạm:
Cắt lấy miếng vải cũ khâu ở trên, hoặc Tỳ kheo ấy vốn không có thì được làm cái mới. Hoặc người khác làm cho, hoặc được cái đã may thành, hoặc được cái hoàn toàn cũ thì đều không phạm.
Giới thứ 16
MANG LÔNG DÊ ĐI QUÁ BA DO TUẦN.
Phật ở nước Xá Vệ, bấy giờ Bạt Nan Đà được lông dê bèn xâu ở đầu gậy quảy đi, cư sĩ chê gièm rằng: “Sa môn mà còn đi buôn bán lông dê”. Tỳ kheo cử tội, Phật nhân thế chế giới.
* Nếu Tỳ kheo đi đường được lông dê, nếu không người mang, tự mình được mang cho đến ba do tuần.
Hoặc trên đường đi, hoặc ở trụ xứ được lông dê, nếu cần nên nhận, không người mang tự mình được mang đến ba do tuần, nếu có người mang thì nói với họ rằng: “Tôi có vật này, xin mang hộ cho tôi đến chỗ kia”. Tỳ kheo trong khoảng này không được giúp đỡ. Nếu mang giúp thì phạm Đột Kiết La, hoặc bảo cô Ni cùng bốn chúng mang quá do ba tuần thì phạm Đột Kiết La. Trừ lông dê ra nếu mang các y khác, hoặc gai… thì đều phạm tội Đột Kiết La, hoặc quảy các vật khác ở trên đầu gậy cũng phạm tội Đột Kiết La.
* Nếu không có người mang tự mình mang quá do ba tuần phạm Ni Tát Kỳ Ba Dật Đề.
Tỳ kheo Ni phạm tội Đột Kiết La.
Không phạm:
Hoặc mang đến ba do tuần, hoặc ít hơn ba do tuần, có người để bảo họ mang giúp, trong thời gian ấy mình không mang giúp, sai Tỳ kheo Ni và bốn chúng mang đúng ba do tuần, hoặc lông mịn để trang sức, dây bằng lông, hoặc mang lông phía trên đầu làm mão, khăn thì được.
Giới thứ 17
SAI NI CÔ KHÔNG PHẢI BÀ CON GIẶT LÔNG DÊ.
Phật ở Ca Duy La Vệ, lục quần Tỳ kheo lấy lông dê bảo cô Ni giặt, nhuộm, chải. Bấy giờ di mẫu Ma Ha Ba Xà Ba Đề vì nhuộm lông dê, nên bị thuốc nhuộm dính dơ tay, sau đến nơi Phật lạy dưới chân Ngài rồi đứng qua một bên. Phật biết mà cố hỏi, Ngài quở trách và chế giới.
* Nếu Tỳ kheo sai Tỳ kheo Ni không phải bà con giặt, nhuộm, chải lông dê, phạm tội Ni Tát Kỳ Ba Dật Đề.
Tỳ kheo Ni phạm tội Đột Kiết La. Việc thành phạm, khai thông cũng giống như giới “giặt y cũ”.
Giới thứ 18
CẤT CHỨA TIỀN BẠC CỦA BÁU.
Phật ở thành La Duyệt Kỳ, có một đại thần chừa phần ăn cho Bạt Nan Đà, đứa con đem 5 tiền đưa mẹ để lấy thức ăn. Khi Bạt Nan Đà đến, lấy số tiền đem gởi ở cửa hàng. Cư sĩ đều chê gièm, Tỳ kheo quở trách, vua cùng đại thần bàn luận. Phật rộng nói lời dẫn dụ, nhân đó Ngài mới quở trách mà chế giới.
* Nếu Tỳ kheo tự tay mình cầm tiền.
Trên có hình vẽ.
* Hoặc vàng bạc, hoặc dạy người cầm, hoặc nhận mà đem gởi thì phạm Ni Tát Kỳ.
Phép xả trong đây là ở nơi ấy có người giữ vườn đáng tin cậy, hoặc Ưu Bà Tắc, nên nói với họ rằng: “Đây là vật mà tôi không được nhận, ông nên biết”. Nếu người kia lấy xong trao lại cho Tỳ kheo, Tỳ kheo nên vì vật của người ấy mà nhận, sau đó bảo tịnh nhơn cất. Nếu được tịnh y, bình bát, thì nên đem trao đổi để thọ trì, hoặc Ưu Bà Tắc lấy rồi đem trao cho Tỳ kheo tịnh y, bình bát thì nên nhận mà thọ trì.
* Ba Dật Đề:
Tỳ kheo Ni đồng phạm. Nếu không nói cho người kia: “Biết như thế, thấy như thế”, phạm Đột Kiết La.
Không phạm:
Hoặc nói: “Biết như thế, thấy như thế”. Có làm phép xả như trên, hoặc người kia không chịu cho y, các Tỳ kheo khác nên nói rằng: “Phật có dạy vì muốn thanh tịnh nên trao cho ngươi, vậy ngươi nên trả lại vật cho Tỳ kheo ấy”. Nếu người kia không cho thì tự mình đến nói: “Phật dạy Tỳ kheo làm phép tịnh thí nên trao cho ngươi, ngươi nên trả lại cho Tăng, tháp, Hoà thượng, tri thức và chỗ của thí chủ”. Không nên để mất vật ấy của tín thí vậy.
Giới thứ 19
TRAO ĐỔI VÀNG BẠC, CỦA BÁU.
Phật ở La Duyệt Kỳ, bấy giờ Bạt Nan Đà đi đến nơi cửa hàng, đem tiền để đổi tiền. Hàng cư sĩ chê gièm: “Sa môn quá rành nghề buôn bán”. Tỳ kheo nghe được bạch Phật, nhân thế Ngài quở trách, chế giới.
* Nếu Tỳ kheo buôn bán các thứ.
Hoặc dùng đã thành vàng, chưa thành vàng; đã thành và chưa thành vàng. Bạc cũng có ba loại, tiền chỉ có một loại, trao đổi lẫn nhau. Tiền có tám loại: 1/ Vàng, 2/ Bạc, 3/ Đồng, 4/ thiếc, 5/ Bạch lạp, 6/ Chì thiếc, 7/ Cây, 8/ Hồ giao. Đây là tám loại tiền.
* Ni Tát Kỳ Ba Dật Đề.
Tỳ kheo Ni đồng phạm. Ngoài ra pháp xả, khai thông, phương tiện đòi báu vật, đều giống như giới trước.
Không phạm:
Hoặc dùng tiền bạc, của báu đổi dụng cụ, anh lạc, hay đem tiền đổi tiền chỉ vì Phật, Pháp, Tăng.
Giới thứ 20
KHÔNG ĐƯỢC MUA BÁN.
Phật ở nước Xá Vệ, bấy giờ Bạt Nan Đà đi đến một thôn không có trú xứ (không có chùa của Tăng), đem gừng sống đổi lấy thức ăn, ăn xong lại mang bát ra đi. Sau Tôn giả Xá Lợi Phất đi đến đó để khất thực, đàn việt đem chuyện của Bạt Nan Đà làm chứng, Xá Lợi Phất lấy làm xấu hổ và im lặng. Bạt Nan Đà lại đổi y mỏng cho ngoại đạo, ngoại đạo ăn năn đem đổi lại nhưng không được. Tỳ kheo cử tội, Phật nhân thế chế giới.
* Nếu Tỳ kheo (mua bán) các thứ.
Lấy thời dược đổi thời dược, phi thời dược, thất nhật dược, tận hình dược, ba lợi ca la – áo lót. Trao đổi lẫn nhau như thế, cho đến lấy y đổi y.
* Mua bán.
Ý nói trị giá một tiền, luôn luôn tăng lên hay sụt xuống. Bán lên giá: Là vật trị giá một tiền mà nói ba tiền. Bán rất cao giá: Vật trị giá một tiền mà nói năm tiền, mua cũng phạm tội như thế.
* Ni Tát Kỳ Ba Dật Đề.
Tỳ kheo Ni đồng phạm.
Không phạm:
Cho trao đổi cùng với năm chúng xuất gia, nên tự mình thẩm định giá, không có quá cao hay quá thấp như phép buôn bán ở chợ búa, không cùng với người khác đổi chác, sai tịnh nhơn đổi chác. Nếu họ có hối tiếc thì cho đổi lại, dùng dầu đổi sữa, dùng sữa đổi dầu thì không phạm.
Giới thứ 21
CHỨA BÁT QUÁ THỜI HẠN.
Phật ở nước Xá Vệ, lục quần Tỳ kheo chứa bát, cái xấu thì để đó, thường tìm bát tốt cất chứa cho thật nhiều. Cư sĩ đi dạo trông thấy liền chê gièm: “Chỗ ở của sa môn nào khác cửa hàng của thợ đồ gốm”. Tỳ kheo cử tội, Phật liền quở trách chế giới.
* Nếu Tỳ kheo chứa bát thừa.
Bát có 6 thứ: 1/ Bát thiếc, 2/ Bát đen, 3/ Bát đỏ, 4/ Bát nước Tô Ma, 5/ Bát nước Ô Già La, 6/ Bát nước Ưu Già Xa. Có hai loại đại khái: 1/ Bát bằng thiếc, 2/ Bát bằng đất nung. Loại lớn chứa được ba đấu, loại nhỏ chứa được một đấu rưỡi. Đây là dung lượng của bát, nên thọ trì, nên tịnh thí như thế.
* Không làm phép tịnh thí.
Tịnh thí và không tịnh thí, tương đối có 8 môn: Không khác với giới “chứa y dư” vậy.
* Đúng mười ngày.
Bấy giờ Tôn giả A Nan nhận được cái bát quí giá, muốn dâng cúng Đại Đức Ca Diếp, vì đây là loại bát mà Ngài thường dùng. Nhưng Đại Đức Ca Diếp còn du hành ở phương xa mười ngày nữa mới về, A Nan sợ phạm tội Xả Đọa nên đem chuyện này bạch Phật. Phật liền khai cho được chứa bát dư đến mười ngày.
* Quá thì phạm Ni Tát Kỳ Ba Dật Đề.
Ni đồng phạm, nói rõ tướng phạm, pháp khai thông, giống như giới chứa y dư.
Giới thứ 22
CHẲNG PHÂN CHIA TỰ XIN BÁT.
Phật ở nước Xá Vệ, bát của Bạt Nan Đà bị bể, nên ông xin rất nhiều bát để cất chứa, cư sĩ gặp gỡ hỏi thăm nhau, té ra mới biết Bạt Nan Đà nhận bát của rất nhiều người. Cư sĩ bèn chê gièm: “Sa môn nhận lấy không biết chán!”. Tỳ kheo đem lỗi nầy bạch Phật, nhân thế mà Ngài quở trách và chế giới.
* Nếu Tỳ kheo chứa bát trám dưới năm chỗ không chảy.
Cách nhau hai ngón tay trám một lỗ vậy.
* Lại xin bát mới vì muốn tốt.
Nếu trám đủ năm lỗ mà không bị chảy, lại xin bát mới thì phạm tội Đột Kiết La.
* Ni Tát Kỳ.
Pháp xả trong đây: Phải ở trong Tăng của trú xứ đó xả bát xong, sau đơn bạch rồi nhận tội sám hối. Liền nói tội danh, loại tướng, trách tâm sanh chán lìa. Bát nếu tốt thì nên lấy để lại, đem cái bát xấu nhất mà trao cho vị ấy. Liền làm phép đơn bạch, lấy bát theo thứ lớp đến trước vị Thượng tòa mà đổi, đem bát của vị Thượng tòa trao cho vị thứ tòa, hoặc trao cho Tỳ kheo ấy, như thế lần lượt cho đến vị hạ tòa.
* Ba Dật Đề.
Tỳ kheo Ni đồng phạm.
* Tỳ kheo kia nên đến trong Tăng xả, lần lượt lấy cái bát xấu nhất bảo thọ trì cho đến khi bể. Thọ trì, như thế là họp thời.
Tăng lấy cái bát xấu nhất bạch nhị yết ma trao cho, Tỳ kheo kia nên giữ gìn. Không được để ở chỗ ngói đá có thể rơi, không được để ở chỗ gậy dựng, dưới con dao, để ở dưới chỗ có treo vật, ở giữa đường đi, ở trên đá, để ở dưới cây có trái và ở chỗ đất không bằng phẳng, không được để ở trong ngưỡng cửa, dưới cánh cửa, hoặc ở dưới giường, góc giường (giường dây, giường cây), trừ khi để tạm, không được để ở giữa hai thứ giường (dây, cây), không được đứng xoay bát, nhẫn đến đủ để làm cho bát bị bể. Tỳ kheo kia không nên cố ý làm hư, làm mất bát, sử dụng không đúng chức năng của bát phạm tội Đột Kiết La.
Không phạm:
Hoặc năm lần trám vẫn còn chảy, hoặc dưới năm lần trám vẫn còn chảy, cầu bát mới. Hoặc đến xin người thân, hoặc đến xin người xuất gia, hoặc vì người khác xin, người khác vì mình xin, không cầu mà được, hoặc được dâng cúng theo thứ tự, hoặc tự mình có tiền mua để dành, đều không phạm.
Giới thứ 23
XIN CHỈ SỢI, SAI THỢ DỆT KHÔNG PHẢI BÀ CON.
Phật ở nước Xá Vệ, Bạt Nan Đà may Tăng Già Lê, xin chỉ sợi thật nhiều, rồi mang đến sai người dệt, tự tay se chỉ, đứng xem người dệt. Cư sĩ chê gièm, Tỳ kheo cử tội, Phật quở trách và chế ra giới nầy.
* Nếu Tỳ kheo tự xin chỉ sợi.
Tỳ kheo đó xin ở khắp mọi nơi. Chỉ sợi gồm có mười loại để dệt vải.
* Khiến thợ dệt vải không phải bà con dệt thành y.
Nếu thợ dệt cho chỉ đều là bà con thì không phạm. Người cho chỉ chẳng phải bà con thì phạm tội Đột Kiết La. Đứng xem thợ dệt, tự mình dệt, tự quay chỉ đều phạm tội Đột Kiết La.
* Ni Tát Kỳ Ba Dật Đề.
Tỳ kheo Ni đồng phạm.
Không phạm:
Cả hai đều là bà con, hoặc tự mình dệt làm túi đựng bát, túi đựng giày, tấm nỉ đựng kim, cái đai ngồi thiền, dây lưng thường, mão, bít tất, khăn trùm cho ấm, khăn gói giày thì được dùng.
Giới thứ 24
KHUYÊN THỢ DỆT THÊM CHỈ TỐT.
Phật ở nước Xá Vệ, hàng cư sĩ đem chỉ bảo thợ dệt dệt thành y cho Bạt Nan Đà. Sau ông đến nhà cư sĩ chọn lấy chỉ tốt đưa cho thợ dệt dệt, lại hứa cho thêm giá tiền. Cư sĩ chê gièm, hàng Tỳ kheo cử tội, Phật nhân thế quở trách chế giới.
* Nếu Tỳ kheo có cư sĩ, vợ cư sĩ sai thợ dệt vì Tỳ kheo dệt may y. Tỳ kheo kia trước không nhận, tùy ý thỉnh.
Nếu cư sĩ muốn dâng cho Tỳ kheo y qúi giá. Nghe rằng người được nhận là Tỳ kheo bậc thiểu dục tri túc, họ chỉ đòi loại kém hơn thì theo ý vị đó.
* Liền đến chỗ dệt bảo rằng: “Y này vì tôi mà làm, phải dệt thật tốt cho tôi, khiến cho rộng dài (lớn) bền, tỉ mỉ tôi sẽ đưa thêm giá tiền cho ông ít nhiều”. Tỳ kheo đó cho thêm giá tiền cho đến đáng giá bằng một bữa ăn. Nếu được y thì phạm Ni Tát Kỳ Ba Dật Đề.
Nếu đến tìm cầu y mà không được thì phạm tội Đột Kiết La. Tỳ kheo Ni đồng phạm.
Không phạm:
Tìm cầu ít hơn, đến xin nơi bà con, xin nơi người xuất gia, người khác vì mình làm.
Giới thứ 25
GIẬT Y CỦA TỲ KHEO.
Phật ở nước Xá Vệ, đệ tử của Nan Đà là người khéo đi quyên góp, nên Bạt Nan Đà ý muốn cùng du hành, liền cho y trước, các Tỳ kheo khác nói rằng Bạt Nan Đà là người si mê, không biết tụng giới, nói giới, Bố tát Yết ma. Sau đệ tử của Nan Đà bỏ không chịu đi theo. Bạt Nan Đà bèn đoạt y lại, các Tỳ kheo trách móc cử tội, Phật nhân thế mà chế giới.
* Nếu Tỳ kheo trước cho y Tỳ kheo sau vì giận bực hoặc tự đoạt, hoặc dạy người đoạt: “Trả y lại cho tôi, tôi không cho ông”.
Hoặc sân hận tự đoạt cho đến dạy người đoạt lại mà đem cất giấu thì phạm Ni Tát Kỳ Ba Dật Đề, đoạt lại mà chưa cất giấu thì phạm Đột Kiết La. Nếu máng trên cây, trên giá, để trên giường, cho đến để ở các nơi khác, hễ lấy đi khỏi chỗ đó thì phạm tội Xả Đọa. Lấy mà không lìa khỏi chỗ thì phạm tội Đột Kiết La.
* Nếu Tỳ kheo kia trả y, Tỳ kheo nầy lấy y, thì phạm Ni Tát Kỳ Ba Dật Đề.
Ni phạm giống như Tăng.
Không phạm:
Không giận bực nói: “Tôi hối hận, không cho ông, trả y lại cho tôi”. Người kia biết tâm người cho y hối hận, nên liền trả y lại, hoặc người khác bảo: “Tỳ kheo này hối hận, hãy trả y lại cho ông ta đi”. Hoặc mượn y của người khác, mặc không họp với lẽ đạo, đoạt lại thì không phạm, hoặc sợ mất, sợ hư hoại, hoặc người kia phá giới, phá kiến, phá oai nghi, hoặc bị cử tội, diệt tẩn, bị đuổi, hoặc vì việc này mà xảy ra phạm hạnh nạn, mạng nạn, tất cả việc như thế nếu đoạt lấy lại mà không cất giấu thì đều không phạm.
Giới thứ 26
CHỨA THUỐC QUÁ BẢY NGÀY.
Phật ở nước Xá Vệ, hàng Tỳ kheo trúng những cơn gió mùa thu bị bệnh, hình vóc gầy còm, sanh ghẻ lở. Phật dạy có sữa dầu, sữa tươi, mật, mỡ, cho phép các Tỳ kheo uống khi có duyên bệnh. Bấy giờ có Tỳ kheo uống thuốc phi thời. Phật ở thành La Duyệt Kỳ, những đồ chúng của Tất Lăng Già Bà Ta, cất chứa quá nhiều để bừa bãi, kẻ đạo người tục đều chê trách. Sau Tỳ kheo bạch Phật, Ngài bèn quở trách chế ra giới nầy.
* Nếu Tỳ kheo có bệnh.
Nghĩa là thầy thuốc bảo phải nên uống loại thuốc như thế.
* Các loại thuốc thừa, sữa dầu, sữa tươi, mật, đường phèn được uống trong vòng bảy ngày.
Ý nghĩa của tám môn. Giống như giới chứa y ở trước.
* Nếu quá bảy ngày mà vẫn uống thì phạm Ni Tát Kỳ.
Tỳ kheo nầy nên xả thuốc cho Tăng xong, tác bạch trị tội rồi, Tăng nên làm phép trả thuốc lại cho Tỳ kheo ấy. Đến ngày thứ bảy xả cho Tỳ kheo, Tỳ kheo kia nên lấy dùng, nếu quá bảy ngày thì nên đem trét sữa dầu ở nơi cánh cửa bị kêu. Còn mật, đường phèn thì đem cho người giữ vườn, nếu dưới bảy ngày thì bạch nhị yết ma trả lại cho Tỳ kheo, và Tỳ kheo nên lấy thoa ở gót chân, hay dùng để đốt đèn.
* Ba Dật Đề.
Tỳ kheo ni đồng phạm. Không phạm việc xả dùng… sai khác như trên.
Giới thứ 27
QUÁ TRƯỚC MỘT THÁNG XIN Y TẮM MƯA.
Phật ở nước Xá Vệ, bà Tỳ Xá Khư thỉnh Phật và Tăng (thọ trai), Tỳ nữ đi đến thưa đã đến giờ, thấy các Tỳ kheo đang khỏa thân tắm, nhân thế mà bà phát ra tám điều nguyện, được Phật khen ngợi. Song nhóm lục quần luôn luôn cầu mong, Tỳ kheo cử tội, Phật nhân thế chế giới.
* Nếu Tỳ kheo mùa xuân còn thừa một tháng, nên xin y tắm mưa.
Y tắm mưa: Là Tỳ kheo dùng để tắm trong lúc mưa. Y có mười loại, Tỳ kheo nên xin từ ngày 16 tháng 3.
* Nửa tháng nên dùng tắm.
Nên dùng từ ngày mồng một tháng tư.
* Nếu Tỳ kheo quá trước một tháng cầu y tắm mưa.
Tức là xin y tắm mưa trước ngày 16 tháng ba.
* Quá trước nửa tháng dùng tắm.
Ý nói dùng tắm trước ngày mồng một tháng tư.
* Ni Tát Kỳ Ba Dật Đề.
Tỳ kheo Ni phạm Đột Kiết La.
Không phạm:
Hoặc xả dùng làm những thứ khác, hoặc mặc tắm, hoặc giặt, hoặc đưa đi nhuộm cất dùng cho tất cả việc thì không phạm.
Giới thứ 28
NHẬN Y CẤP THÍ TRƯỚC HẠN, SAU CHỨA QUÁ HẠN.
Phật ở Tỳ Lan Nhã, cho Tỳ kheo nhận y mùa hạ, lục quần thường xin y, luôn luôn nhận y. Bạt Nan Đà an cư ở chỗ khác và đến trú xứ khác nữa để nhận thêm y. Phật an cư trong nước Xá Vệ, hai vị đại thần (Lê Sư Đạt Ma và Phú Na La sắp đi chinh phạt) muốn cúng y an cư cho chúng Tăng, Phật nhân thế mới khai cho và chế giới.
* Nếu Tỳ kheo còn 10 ngày nữa mới mãn ba tháng hạ.
Nghĩa là sau ngày mùng 6 tháng 7, trước ngày rằm.
* Các Tỳ kheo được y cấp thí.
Nhận liền thì được, không nhận liền thì mất cho nên gọi là cấp thí. Y thì có đến mười loại.
* Tỳ kheo biết là y cấp thí nên nhận, nhận xong cất chứa cho đến đúng thời y.
Đúng thời y: Tự tứ xong không thọ Ca Hi Na thì được một tháng, nếu có thọ thì được năm tháng. Nếu còn mười ngày nữa mới tự tứ thì được nhận y cấp thí, thọ xong chứa từ một tháng đến năm tháng. Nhẫn đến sáng hôm sau tự tứ thì nên thọ; y ngoài một tháng, năm tháng ra còn cho thêm chín ngày nữa.
* Nếu chứa quá hạn thì phạm Ni Tát Kỳ Ba Dật Đề.
Nghĩa là y cấp thí nếu trước, hoặc sau quá hạn đều phạm tội Đọa, Tỳ kheo Ni đồng phạm.
Không phạm:
Trước và sau đều không quá hạn. Nếu y bị cướp giựt, y bị mất, quá hạn về trước lấy thì không phạm. Hoặc Tỳ kheo gởi y đi xa, đường xá bị cách trở mà chứa quá hạn về sau thì đều không phạm.
Giới thứ 29
CHỐN A LAN NHÃ CÓ NGHI NGỜ LÌA Y QUÁ HẠN.
Phật ở nước Xá Vệ, các Tỳ kheo ở chốn A Lan Nhã bị giặc đánh đập và cướp những vật dụng. Phật cho phép giữ lại mỗi một y ở trong thôn xá. Lục quần gởi y xong bèn đi du hành, các Tỳ kheo cử tội, Phật nhân thế chế ra giới nầy.
* Nếu Tỳ kheo ba tháng hạ xong, sau khi hết một tháng Ca Đề.
Nghĩa là sau nửa tháng tám.
* A Lan Nhã.
Nơi cách thôn xóm 500 cung. Cung của nước Giá Ma La dài 4 khủy tay, dùng khủy tay người trung bình để đo.
* Nếu có nghi.
Nghi có giặc cướp.
* Chỗ có sợ sệt.
Sợ trong đó có giặc cướp.
* Tỳ kheo ở chỗ như thế trong ba y muốn để bất kỳ cái y nào trong thôn xá.
Thôn là làng xóm vậy.
* Chư Tỳ kheo có nhân duyên lìa y ngủ cho đến sáu đêm.
Nếu Tỳ kheo có nhân duyên lìa y ngủ đến đêm thứ bảy khi minh tướng chưa xuất hiện, hoặc xả, hoặc lấy tay chạm y, hoặc đến kịp chỗ ném đá, nếu ngược lại với trường hợp trên đây thì thành phạm.
* Nếu quá thì phạm Ni Tát Kỳ Ba Dật Đề.
Nhân duyên khai cho cũng giống như giới “lìa y” ở trên.
Giới thứ 30
VẬT CỦA TĂNG ĐEM VỀ MÌNH.
Phật ở nước Xá Vệ, có cư sĩ muốn cúng cơm và dâng y cho chư Tăng. Bạt Nan Đà nghe được, bèn bảo: “Vật cúng cho Tăng đã nhiều rồi, thôi nay đem cúng vật ấy cho tôi đi”. Cư sĩ sau thấy các vị Tỳ kheo trưởng lão đầy đủ oai nghi, liền ăn năn than thở, Tỳ kheo cử tội, Phật nhân thế chế giới.
* Nếu Tỳ kheo biết.
Không biết thì chẳng phạm.
* Là vật của Tăng.
Có ba loại:
1. Vật của Tăng: Là đã cúng cho Tăng.
2. Vì Tăng: Là vì chư Tăng mà sắm nhưng chưa ưng thuận cúng cho Tăng.
3. Đã cúng Tăng: Tức đã ưng thuận cúng cho Tăng, đã xả cho Tăng. Cho đến đồ đựng nước uống.
* Tự cầu về mình.
Hoặc cúng cho Tăng mà chuyển cho tháp, hoặc cúng cho bốn phương Tăng mà chuyển cho hiện tiền Tăng, hoặc Tăng Ni, hoặc chuyển ở chỗ khác, hoặc trái lại với những điều trên, hoặc nghi tưởng đều phạm tội Đột Kiết La.
* Ni Tát Kỳ Ba Dật Đề.
Không phạm:
Hoặc không biết, hoặc khởi ý tưởng không cho, hoặc cho ít, khuyên họ cho nhiều, hứa cho ít người, khuyên cho nhiều người, khuyên cho vật tốt, hoặc nói đùa, hoặc nói nhầm đều không phạm.
* Chư Đại đức tôi đã nói 30 pháp Ni Tát Kỳ Ba Dật Đề. Bây giờ xin hỏi chư Đại đức trong đây có thanh tịnh không? (Nói ba lần). Chư Đại đức trong đây thanh tịnh vì im lặng, việc nầy xin ghi nhận như vậy.
BỘ HÀM CHÚ VỀ GIỚI BỔN LUẬT TỨ PHẦN