CHUYỆN VÃNG SANH Ở VIỆT NAM
Nhóm Liên Hữu Miền Nam Đất Việt sưu tập
67. DƯƠNG VĂN HẠNH (1974 – 2009, 35 tuổi)
Nợ nần đã thiếu, đương nhiên trả,
Nhưng phải lượng đo sức của mình!
Nguyện Phật ban ân: Dừng lại nghiệp,
Không cầu trả dứt: Thật cao minh!
Nguyền đáo Tây phương đạo đắc thành,
Quay lại Ta-bà độ chúng sanh.
Cứu độ chúng sanh là trả nợ,
Nợ trả cách này, trả mới nhanh!
Anh Dương Văn Hạnh sinh 1974, cư ngụ tại ấp Hòa Lợi, xã Phú Hiệp, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang. Thân phụ là ông Dương Văn Đức, thân mẫu là bà Võ Thị Nhan. Anh là anh Hai trong gia đình có bốn người em.
Thuở lên 8 tuổi, thấy cha dùng trường trai, anh xin cha ăn chay theo. Nhưng chỉ được ba, bốn năm, do vì cuộc sống cha anh phải làm thêm nghề chài lưới, săn bắt chim, chuột, ếch, nhái… để nuôi gia đình, nên cha ngưng trường trai thì anh cũng trở đũa.
Anh có bản tính hiếu thuận, hiền hoà, rộng rãi và vui vẻ cởi mở. Khi 18 tuổi, anh phát tâm trường trai trở lại, sáng chiều lễ nguyện, sau lễ bái thì ngồi niệm Phật hơn một giờ đồng hồ, và thường xuyên ngâm nga đọc, học sám kinh.
Năm 19 tuổi, anh kết hôn với chị Nguyễn Thị Mai, sinh được hai trai một gái. Lúc này, cha anh có cho hai công ruộng, nhưng làm giùm anh luôn. Hằng ngày anh đạp xe theo lối xóm để bơm ga hột quẹt và may giày dép cũ. Trên xe có nguyên một gian hàng, nào là: quần, áo, giày, dép… để bán. Đặc biệt là đối với các cụ già thì anh không lấy tiền, và không sợ mua thiếu dù người đó là ai, có trả hay không cũng chẳng màng. Do đó hầu hết mọi người yêu thương quí mến anh.
Anh rất nhiệt tình tham gia các công tác phúc lợi xã hội, như: bắc cầu, bồi lộ…
Khoảng năm 2004, những ngày niệm Phật định kỳ và học Phật pháp tại tịnh thất của cô Mai và cô Bích, anh dắt hết vợ con đến tham dự đều đặn, mặc dù gia duyên bận buộc nhưng anh vẫn tích cực tu học, nên mỗi lần thi trắc nghiệm tổng kết cuối năm anh đều nhận phần quà xuất sắc. Chẳng những thế, anh còn dành dụm tiền mua máy sang băng giảng Phật pháp để tặng cho những người hữu duyên.
***
Cuối năm 2008 anh thường đi cầu ra máu, nên cứ ngỡ là bị bệnh trĩ, bèn đi bác sĩ chuyên khoa để điều trị, nhưng bệnh cứ dây dưa ngày một trầm trọng. Đầu năm 2009 đến Bệnh Viện Đại Học Y Dược, được biết là khối u đại tràng ác tính. Kế đó chuyển sang Bệnh Viện Tân Bình để phẫu thuật. Khi giải phẫu bác sĩ mới phát hiện ung thư đã di căn lên gan, đồng thời tiên lượng mạng sống của bệnh nhân chỉ còn sáu tháng mà thôi.
Sau đó anh xuất viện về nhà là cuối tháng 2 năm 2009. Vì sợ anh bị “sốc” về mặt tinh thần nên vợ và em gái thứ Ba không cho anh biết sự thật về bệnh tình của anh.
Về nhà anh uống thuốc Nam một thời gian, sức khoẻ hồi phục khả quan: ăn uống, ngủ nghỉ rất tốt, đi đứng sinh hoạt nghe trong người rất khoẻ. Anh luôn tự tin rằng bệnh trạng của mình sẽ khỏi hẳn trong một ngày đẹp trời gần đây! Khi thuốc hết, do nóng lòng muốn nhanh lẽ ra phải chờ thầy thuốc đến, anh phóng lên xe đi hốt thuốc, vợ anh ngăn lại nhưng anh không chịu nghe theo. Do vết mổ chưa lành mà lại vận động quá mạnh, quá nhiều nên bị tổn thương. Từ đó uống thuốc không có hiệu quả gì nữa, ăn vào thức ăn không tiêu hoá, bụng dần to lên, cơ bắp teo lại, những cơn đau nhức, nóng bức ngày một nhiều. Nhất là khi biết được ung thư đã di căn và mạng sống của mình còn không quá sáu tháng thì tinh thần anh bị suy sụp rõ rệt. Nhờ thân quyến và đồng đạo đã trấn an và khuyên bảo nên buông xả muôn duyên nhất tâm niệm Phật để cầu sanh về Thế giới Cực Lạc. Có lần, cha anh nói với anh rằng:
– Con rán niệm Phật để vãng sanh đi! Còn tiền bạc, nợ nần gì… thì để Ba tính cho!
Mặt khác các bạn đồng tu cũng thường ghé thăm an ủi, khai thị, nung đúc tinh thần, lần hồi nghị lực được khôi phục, nỗi lo âu tan biến dần. Anh ý thức rõ ràng rằng vấn đề to lớn quan trọng bậc nhất của mình cần phải thực hiện ngay trong lúc này là: gấp rút thành tâm niệm Phật để về với Phật A-di-đà! Vì xác thân tứ đại sắp sửa mục nát hư hoại. Ngoài ra không còn có vấn đề to lớn quan trọng nào nữa cả! Do đó anh đã hạ quyết tâm dõng mãnh chấp trì câu Lục Tự Vạn Đức Hồng Danh. Anh căn dặn người nhà: nếu có ai tới thăm thì nói anh ngủ, để sự niệm Phật không bị gián đoạn.
***
Hơn một tháng trước khi mất, bệnh hoành hành anh dữ dội bằng những cơn ngặt mình và nóng bức khó kham nhẫn. Tuy vậy, vẫn chưa hề thấy anh có một thái độ, cử chỉ nào biểu lộ sự bực tức buồn phiền hay một lời than oán trách hờn nào cả. Khi thấy thể lực của anh cạn kiệt nhanh chóng, chư đồng đạo đề nghị đưa anh về nhà cha mẹ ruột cho thuận tiện để hộ niệm, anh đồng ý. Các em của anh và chư đồng đạo thay phiên chăm sóc và trợ niệm cho anh suốt cả ngày đêm.
Cơ thể của anh luôn có cảm giác nóng như lửa nung, phải nhờ người dìu vào bồn nhựa và bơm nước vào đầy để tắm, một ngày đêm có khi đến mười sáu lần. Anh thường nói đây là quả báo lúc trước anh đã thiêu đốt chúng sanh. Mỗi lần bắt ếch nhái làm thịt thì anh dùng tro than rải lên trước rồi mới cắt cổ lột da. Anh đã thành tâm sám hối đồng thời nhờ mọi người cầu nguyện xin các oán thân trái chủ hóa giải oan kết, thân quyến cũng nhiều lần mua vật mạng phóng sanh để hồi hướng cho anh:
“Giống đã gieo không gọi cũng lên;
Nghiệp tạo rồi tuy đã bỏ quên,
Đúng giờ khắc tự nhiên nó đến.
Nghiệp lực rất mạnh vô bờ bến,
Ngàn muôn năm cũng chẳng mất đâu;
Giống nghiệp càng châm gốc rễ sâu,
Càng nảy nở dài lâu khó nhổ.
Nghiệp càng lắm càng nhiều đau khổ,
Vay cho nhiều phải trả lời nhiều;
Nợ hồng trần chẳng lúc nào tiêu,
Dây oan trái cứ đeo buộc mãi.
Năm tháng vấn vít trong khổ hải,
Kiếp đời lăn lộn mãi sông mê;
Đường Tây Phương bặt lối trở về,
Nẻo địa ngục vào ra mòn gót.
Chịu hành phạt đã không còn sót;
Cửa luân hồi chưa vượt khỏi qua;
Nghiệp trần còn đành phải sanh ra.”
Cuộc hộ niệm được khởi đầu vào khoảng rằm tháng 6 và kết thúc vào ngày 28 tháng 6 năm 2009. Cũng trong thời gian này, anh hoàn toàn ngưng ăn 16 ngày. Ai cũng công nhận rằng gần nửa tháng trời anh không hề ngủ. Anh nằm chắp tay miệng niệm Phật theo đại chúng, có khi thì chỉ nhép môi, có khi thì nhắm mắt lặng im. Khi thấy anh nhắm mắt lặng im giây lâu, mọi người đều ngỡ anh đã thiếp ngủ, liền niệm câu Phật hiệu nhanh một tí, ngay tức thời anh đưa tay ra dấu phải niệm chậm lại, niệm nhát gừng từng tiếng, từng tiếng một để anh nương theo, chứ nhanh quá anh niệm theo không kịp. Bao nhiêu lần kiểm tra dò thử thì bấy nhiêu lần như thế cả, ban ngày lẫn ban đêm cũng đều như vậy, bất cứ lúc nào hễ vừa niệm hơi nhanh là anh đưa tay ra dấu phải dừng lại.
***
Bên cạnh đó, nỗi niềm lo lắng về nợ nần, mảnh đời tương lai của mấy đứa con thơ… cứ trào dâng; cơn đau đớn, nóng bức ráo riết hoành hành mãnh liệt, trong khi thể xác cạn kiệt nhanh dần. Tâm hồn anh lúc này như một bãi chiến trường mà phần thắng bại vẫn chưa hề ngã ngũ. Nhờ nền móng nhân đạo anh xây đắp tương đối kiên cố, hoàn chỉnh nên duyên trợ niệm thù thắng đã đến với anh, anh được thân nhân và chư đồng đạo hết mình ủng hộ, đã liên tục an ủi, khuyến tấn, khai thị… Do vậy mà anh dần dần tỉnh táo, sáng suốt, lấy lại nghị lực, phục hồi niềm tin và chí nguyện cầu sanh Tây Phương khẩn thiết.
Vì cơn đau đớn bức bách dữ dội, nên trước khi mất một ngày, vào lúc 9 giờ sáng anh đã nhờ thân quyến và chư đồng đạo thắp hương cầu nguyện cho anh: “Xin Đức Phật từ bi gia hộ cho con được dừng nghiệp, để con thành tâm niệm Phật, chừng đắc đạo con sẽ trở lại cứu độ hết những chúng sinh mà con đã sát hại!”
Bởi vì từ trước tới giờ đối trước ngôi Tam Bảo anh luôn nguyện trả nghiệp cho hết một kiếp này. Chính vì vậy mà đau đớn quá anh niệm Phật không được thành tâm nên khó vãng sanh.
Kể từ khi anh thành tâm nguyện “dừng nghiệp” thay thế cho nguyện “trả hết nghiệp” thì cơn đau nhức giảm bớt rõ rệt, tâm hồn trở nên an định hơn.
Tờ mờ sáng ngày 28, cha anh chuẩn bị đi dự đám tang của ông sui, anh đã bảo với cô Ba rằng:
– Em nên đi với ba, đi em! Để em ghé chợ mua bông hoa… Chớ ba là đàn ông không chu đáo mấy việc đó đâu!
Sau đó anh chắp tay niệm Phật lớn theo tiếng trợ niệm, rồi từ từ niệm nhỏ dần, đến 9 giờ 30 phút môi đang nhép hết chữ Phật thì ngừng lại và đồng thời trút hơi thở cuối cùng. Lúc ấy nhằm ngày 28 tháng 6 năm 2009. Anh hưởng dương 35 tuổi.
Qua tám giờ sau thì thấy các khớp xương mềm mại, gương mặt tươi tỉnh, các nơi đều lạnh duy có đỉnh đầu còn ấm. Quả thật anh đã không cô phụ bao trái tim thương yêu kỳ vọng của tất cả mọi người!
***
– Sau thời gian anh bỏ xác, có cô Tám Biển ở xã Hòa Lạc nằm chiêm bao thấy anh đến thăm và nói: “Tôi đã bỏ xác được vãng sanh về Phật rồi!” Sáng lại, cô Tám điện thoại lên nhà hỏi thăm, bệnh anh có bớt không, thì ra mới biết anh đã mất hơn một tuần lễ rồi.
– Sáng ngày mùng 10 tháng 7 năm 2009, cô Ba Kiều là em ruột của anh đến lấy huệ để cắm bông làm tuần thất thứ hai cho anh, cô gặp cô Bé Sáu ở xã Mỹ Đức, cô Bé Sáu nói: Hồi đêm hôm tôi ngủ thấy anh Hai Hạnh về mặc nguyên bộ đồ bà ba, tôi biết anh đã chết trong bụng tôi rất sợ, nhưng anh Hai vui vẻ kêu tôi nói: “Bé Sáu ơi! Anh đã được vãng sanh về Phật rồi!” Anh kêu tôi và nói như vậy ba lần.
(Thuật theo lời Dương Văn Đức – Võ Thị Nhan – Nguyễn Thị Mai, cha, mẹ, vợ và cô Ba Kiều em gái của anh.)