CHUYỆN VÃNG SANH Ở VIỆT NAM
Nhóm Liên Hữu Miền Nam Đất Việt sưu tập
65. NGUYỄN VĂN THỌ (1932 – 2008, 76 tuổi)
Bán đất để làm từ thiện! Quả thật đây là chuyện… rất khó, rất khó làm!
Niệm Phật mong nguyện vãng sanh! Biết trước ngày vãng sanh… tất đạt thành mong nguyện!
Ông Nguyễn Văn Thọ sinh năm 1932, cư ngụ tại ấp Hòa Long, thị trấn Tân Châu, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. Thân phụ là cụ ông Nguyễn Văn Sử, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Tường. Ông là thứ chín trong gia đình có chín người con.
Khi tuổi trưởng thành, ông kết hôn với bà Nguyễn Thị Vân, sinh được sáu trai ba gái, gia đình sinh sống bằng nghề làm ruộng.
Tính tình của ông hiền từ, chân thật lại vui vẻ. Mọi sinh hoạt cá nhân thì rất giản dị, bình dân. Đối với chòm xóm láng giềng thì luôn sẵn lòng thương yêu đùm bọc, nên ông được mọi người kính mến!
Ông đến với Tam Bảo rất sớm, sáng chiều lễ Phật, tập tễnh ăn chay lúc tuổi hãy còn thơ. Mãi đến năm 1962 khi đọc được quyển “Con Đường Tu Tắt”, ông bèn dõng mãnh phát tâm trường trai, một lòng niệm Phật cầu sanh về Tây Phương Cực Lạc, mà sau này ông thường nhắc nhở các con cháu:
– Mình niệm Phật vãng sanh cũng như con mọt ở trong gốc cây tre chui ngang ra ngoài; còn tu các pháp môn khác thì cũng như con mọt đục từng đốt, từng đốt dọc theo thân cây tre, lên tuốt trên đọt rồi mới ra ngoài. Niệm Phật cầu vãng sanh, nhờ có lực tiếp dẫn của Đức Phật A-di-đà nên ra khỏi sanh tử luân hồi rất nhanh và dễ (hoành siêu: ra bằng chiều ngang); còn tu những pháp môn khác đều hoàn toàn tự lực nên rất khó và rất chậm (thụ xuất: ra bằng chiều dọc).
Bấy giờ, ông hăng hái làm tất cả các công tác phúc lợi xã hội, như: bắc cầu, bồi lộ, cất nhà tình thương, đóng hòm, sưu tầm thuốc Nam… có khi âm thầm tự làm một mình, có khi kêu gọi mọi người cùng làm. Say sưa đến độ thậm chí bán đất nhà để làm từ thiện; con ông cằn nhằn, ông nói:
– Nghèo thầy Nhan bầu nước đai cơm, tuy cơ hàn mà được danh thơm, hơn phú quý ngồi ôm bả lợi… Ba thích làm thầy Nhan Hồi, chứ không thích ngồi ôm bả lợi, con ơi!
Về phần công phu của ông thì rất chuyên cần, sớm chiều hai thời đều đặn, sau lễ nguyện thì ngồi niệm Phật năm ba mươi phút. Kinh sách mà ông đọc là cuốn Thi Văn Giáo Lý Toàn Bộ, quyển mà ông tâm đắc nhất là quyển “Khuyến thiện”, kể về nỗi khổ ở cõi Ta Bà và tám điều vui nơi Tây Phương Tịnh Độ:
“Cõi Cực Lạc lắm điều thanh nhã,
Khổ buồn rầu lo sợ chẳng còn.
Chốn Ta-bà tim lụn dầu mòn,
Thân tứ đại của người cũng thế.
Mau thức tỉnh tu thân kẻo trễ,
Đến tội rồi mới hối muộn màng.
Chi cho bằng ta sớm lo toan,
Gìn giới luật nghe kinh trọng Phật.
Đến lâm chung quả lành đâu mất,
Cõi Tây Phương chư Phật đợi chờ.
Việc tu thân thiện tín hững hờ,
Chừng họa đến e cho khó tránh.
Môn Tịnh Độ là phương cứu cánh,
Rán phụng hành kẻo phụ Phật xưa.”
Hằng ngày ông thường khuyên dạy các con ông:
– Mình phải ăn cần ở kiệm mà lo tu hiền… mình làm bất cứ chuyện gì cũng phải niệm Phật… mìnhcố gắng niệm Phật để sau này được sanh về thế giới Cực Lạc. Về Cực Lạc mới là hết khổ, ở Ta Bà này khổ quá con ơi!
Ông còn hướng dẫn các con phát nguyện:
“Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (3 lần)
Nam Mô A-di-đà Phật (3 lần)
Con nguyện đem công đức này hồi hướng về cõi Tây Phương Cực Lạc của Đức Phật A-di-đà. Nhờ ơn Đức Phật gia hộ cho con lúc lâm chung giữ chánh niệm, được thoát chốn mê đồ, vãng sanh về miền Cực Lạc. Sau khi học đạo hoàn toàn con sẽ quay trở lại cứu vớt tất cả chúng sanh!”
***
Hơn bốn mươi năm hành đạo, theo thời gian công việc từ thiện mỗi lúc phạm vi được mở rộng ra thêm, ông hăng say nỗ lực như thuở mới phát tâm ban đầu!
Trước khi mất khoảng hơn một năm (2007), ông cảm thấy tứ đại bất hòa, tự biết ngày về xứ của mình chắc cũng chẳng còn bao xa! Trên cõi đời này con người và tất cả các loài động vật đều phải tuân theo định luật tuần hoàn chi phối, đó là sanh, già, bệnh, chết, như thời tiết xuân, hạ, thu, đông luôn luôn luân chuyển đổi dời; thực vật thì có sanh, trụ, dị, diệt; khoáng vật thì có thành, trụ, hoại, không… nguyên lý vô thường này quá ư khắt khe và tàn nhẫn, bởi nó không tư vị, buông tha bất cứ một chúng sanh nào; muôn loài vạn vật đều bình đẳng đón nhận như nhau, dù rằng có khi phải đón nhận bằng thương đau và tràn đầy nước mắt! Do đó chúng ta cần phải gấp rút tìm biện pháp đối phó với mối hiểm họa của bệnh khổ, khi nó sắp sửa đến hoành hành bức bách, nhất là ở giây phút cuối, cái giây phút kết thúc sinh mệnh của một kiếp làm người:
“Trọn cả đời bon chen gầy sự nghiệp,
Rốt cuộc rồi tan hiệp tợ bèo mây!
Vui chẳng bao, nước mắt mãi đong đầy,
Danh lợi tạm, chóng chầy tiêu tan cả.
Ác nghiệp khiến cơn đau luôn hành hạ.
Luật tuần hoàn vay trả vẫn công minh.
Nên gieo nhiều thiện sự lúc sanh bình,
Sẽ bớt nỗi hãi kinh khi chết đến.
Biết đời giả đầy khổ đau đừng mến,
Rán tu trong khi nghiệp chướng hoành hành.
Niệm Di Đà dạ tha thiết chí thành,
Chán uế độ cầu vãng sanh Tịnh Độ.
Nhọc một đời vạn kiếp dài thoát khổ,
Mình được siêu tông tổ dứt luân hồi!”
Thời gian này ông ngưng hết các công tác từ thiện, thường ở nhà công phu hành trì nhiều hơn, cho nên sự niệm Phật của ông có phần tinh chuyên thuần thục. Vào ngày mùng 5 tháng 5 năm 2008, ông bị nóng sốt, sức khỏe kém dần, thân xác ông bứt rứt không yên. Người con trai thứ Hai của ông thấy vậy bèn đặt bàn Phật, rồi mời bà con lối xóm và đồng đạo đến cầu an cho ông liên tiếp ba đêm. Ba đêm trôi qua thì ông khỏe lại.
Hay tin ông bệnh, một hôm ông Tư láng giềng ghé thăm, có khuyên ông:
– Anh Chín ơi! Anh rán niệm Phật nghen, anh Chín!
Ông trả lời:
– Chú lo cho chú kìa! Chứ tôi thì đã phát nguyện về đó rồi, là tôi phải đi về đó, còn chú ở lại phải ráng!
Ông Tư hỏi lại:
– Sao mà… anh lại nói như vậy?
Ông đáp:
– Bởi vì tôi đi trước nên tôi tới trước! Coi chừng chú không tới… đó nghen!
Đến ngày mùng 1 tháng 7, thấy ông không ăn uống gì cả, chỉ thỉnh nước cúng uống và dùng thêm nước trắng mà thôi, chú Hai mới hỏi:
– Sao ba không ăn uống gì hết, vậy ba?
Ông chỉ trả lời gọn lỏn:
– Tại ba không ăn được!
Từ đó trở đi, mỗi khi con cháu và đồng đạo ghé thăm, ông đều khuyên nhắc:
– Hãy rán lo tu hành và nên thường niệm Phật, quý lắm!
Vào lúc 6 giờ sáng ngày 12 tháng 7 năm 2008, ông bảo chú Hai điện thoại gọi các em về. Chú hai nói:
– Mấy đứa em con nó ở xa xôi quá mà! Ông mạnh khỏe như vầy mà chẳng lẽ ba đi hay sao?
– Ba… bữa rằm, chiều 5 giờ là ba đi!
– Ông đừng có nói chơi! Công an mời ba đó!
– Ba đi thiệt!
Vì trước đây có ông Tám ở lối xóm nói trước ngày giờ đi, mà ông không đi. Do đồng đạo rầm rộ kéo tới đông quá nên công an đến làm việc để ổn định an ninh.
Rồi ông dặn dò chú Chín về cách thức xây kim tĩnh cho mình…
Chiều lại thấy ông môi lép nhép, biết ông đang miệm Phật nhưng chú Hai vẫn đến gần hỏi ông:
– Ông có niệm Phật không, vậy ba?
– Ba đã nguyện về cõi Cực Lạc rồi. Con thấy cái cây không? Nếu nó nghiêng về hướng tây, khi tróc gốc thì nó phải ngã về hướng đó. Ba cũng vậy, hằng ngày chuyên niệm Phật, đã phát nguyện về Phật, chừng bỏ xác tất nhiên phải về với Phật thôi!
Qua hôm sau (ngày 13), cô Tư từ Sài Gòn về thấy ông còn đi đứng, nói chuyện bình thường, cô mới cằn nhằn chú Hai:
– Ông ba… ổng mạnh, ổng khỏe như vầy mà kêu em về làm gì?
Đã hai tuần nay ông hoàn toàn ngưng ăn nhưng công phu sớm tối ông vẫn duy trì đều đặn.
Sang ngày 14 ông hơi mệt nhiều, con cháu tề tựu đầy đủ, ông nói:
– Ba không có cái gì để lại cho tụi con hết! Thôi các con rán lo tu hiền vậy đó! Rán ăn tương… nhất là thằng Út: mầy đừng có nhậu nữa, mầy chỉ lo tu hiền, lo làm ăn nuôi vợ nuôi con… Rán lo niệm Phật! Pháp môn niệm Phật như con mọt đục ngang qua cây tre ra ngoài…
Rồi ông dặn tiếp:
– Các con mua hòm cho ba, thì mua loại rẻ thôi, và y phục để lại cho người nghèo…
Đến ngày rằm, ông yếu nhiều, chiều lại lúc 4 giờ ông nhờ người nhà tắm gội cho sạch sẽ. Tắm xong ông kêu chú Hai lại và nói:
– Con lấy cái lược chải đầu cho ba, coi con!
Chải tóc rồi ông cầm cái lược chải râu, bộ râu trắng phau rất dài, rất đẹp, lúc đó đã hơn 4 giờ. Chú Hai đùa với ông:
– Chèn ơi giờ này còn chải râu nữa!
– Vậy chớ, về với Phật là phải trang nghiêm cho đẹp chứ!
Rồi ông bảo đem áo dài khăn đóng đến cho ông mặc vào và đội lên.
Hay tin ông Chín sắp sửa về với Phật bà con lối xóm lũ lượt kéo đến xem đứng ngoài sân rất đông, phần lớn hiếu kỳ, một số thì trong lòng rất hồi họp lo lắng cho ông. Ông nằm trên tấm nệm, đặt ở nền gạch giữa nhà trước, mặt hướng về ngôi Tam Bảo. Khoảng 4 giờ 30 phút ông kêu con cháu lên nhang đèn, đồng thời vợ dâu con cháu đều lễ Phật. Đúng 5 giờ ông chắp tay đưa lên trán xá Tam Bảo, xá xong, tay phải để xuống, tay trái vẫn để trên ngực. Chú Hai và đồng đạo Tư Mạnh niệm Phật với âm thanh chầm chậm ngân lên hùng hồn, ông cũng niệm theo, vài phút sau ông đưa mắt nhìn mọi người rồi mỉm cười, dứt hơi an tường giã từ cõi thế đầy khổ đau phiền muộn! Lúc ấy, 5 giờ 5 phút chiều ngày rằm tháng 7 năm 2008, ông thọ 76 tuổi.
***
Sáng hôm sau mới nhập liệm, lúc ấy gương mặt ông hồng hào tươi vui, các khớp xương mềm mại, mọi nơi đều lạnh, duy đỉnh đầu còn ấm nóng. Con cháu và đồng tu chứng kiến sự vãng sanh của ông nên nhiều người phát tâm tu hành, nhất là chú Út con trai của ông trước đây nhậu quậy nổi tiếng, thế mà giờ đây trường trai, niệm Phật, lạy Phật rất chuyên cần!
(Thuật theo lời Nguyễn Văn Giàu, con trai thứ Hai của ông.)