CHUYỆN VÃNG SANH Ở VIỆT NAM
Nhóm Liên Hữu Miền Nam Đất Việt sưu tập
55. ĐỖ ĐỒNG ĐEN (1986 – 2011, 25 tuổi)
Một buổi mai sương hồng nắng ngọc, chim líu lo rộn rã đầu cành, những đóa hoa xinh xắn muôn màu vạn sắc rực rỡ thơm lừng, bướm vàng nhởn nhơ chập chờn tung cánh… Bất chợt mây đen ập đến sấm sét hãi hùng, mưa loạn gió cuồng đất trời ám u nghiêng ngửa… giây lát hoa lá điêu tàn xơ xác!
Dòng đời thay đổi, đổi thay;
Sáng còn tối mất đêm ngày nối nhau;
Buồn vui, hạnh phúc sầu đau;
Trần hồng cõi tạm chiêm bao khác gì!
Ai là người trí khéo suy,
Để ra khỏi mộng sầu bi kéo dài!
Đôi khi hạnh phúc đang ở trong tầm tay, bỗng dưng dường tia chớp biến mất tự bao giờ! Như cuộc đời anh Đỗ Đồng Đen!
Trong ngõ cụt mà anh đã quyết chí vượt lên, không bi quan, không bằng lòng chấp nhận để cho nghiệp lực trói buộc, lôi kéo theo vòng trầm luân sanh tử. Quả thật đây là một kỳ tích!
Anh sinh năm 1986, cư ngụ tại khu vực Phụng Thạnh 1, phường Thốt Nốt, quận Thốt Nốt, Thành phố Cần Thơ. Cha là ông Đỗ Văn Be, mẹ là bà Tô Thị Bùi. Anh là con trai duy nhất, gia đình anh sống bằng nghề buôn bán.
Từ thuở ấu thơ anh đã có bản tính hiếu thảo, lễ phép, ngoan hiền, tuy nhút nhát nhưng rất chăm học, siêng năng làm mọi việc phụ giúp gia đình. Thường thì anh chăm chú ngắm nhìn cha mẹ làm rồi làm theo, chứ ít cần chỉ dạy hay sai bảo. Vì thế, anh được hầu hết thân nhân quyến thuộc thương yêu quí mến.
Thuở bé anh thường thích đến chùa lễ Phật vào những dịp rằm lớn trong năm. Có lẽ thiện căn của anh đối với Tam Bảo rất sâu dày, nên lúc lên 12 tuổi anh đã tự động sớm chiều hai thời lễ nguyện và ngồi niệm Phật.
Trước khi đi học cũng như lúc tan trường về, anh đều đến xá ngôi Tam Bảo, có khi ngồi niệm Phật thật lâu. Cha mẹ của anh cũng rất lấy làm lạ khi trông thấy con của mình có vẻ khác người. Một hôm anh nói với mẹ:
– Mẹ có biết con ao ước trúng số để làm gì không mẹ?
Mẹ anh liền nói: Con trúng số, khi đó con sẽ mua cái này… phải không? Cái nọ… phải không? Cái kia… phải không? Bao nhiêu lần hỏi anh cũng đều đáp là “không!”. Cuối cùng mẹ hỏi:
– Cái gì cũng không phải! Vậy chớ con mua cái gì?
Anh đáp:
– Con sẽ mua gạo bố thí từ thiện!
***
Năm 16 tuổi có lần anh nói với mẹ:
– Mẹ ơi mẹ! Con có ý định muốn xuất gia, đi tu… dữ lắm! Nhưng mà suy nghĩ kỹ… con không có đi tu được!
Mẹ hỏi:
– Tại sao con không đi?
Anh trả lời:
– Tại vì tía với mẹ không ai lo, nên con không có đi xuất gia được!
Sau những tháng năm hoàn tất chương trình Trung Học Phổ Thông, anh vào trường Đại Học Cửu Long chuyên ngành xây dựng. Trong thời gian này chân trái của anh nghe đau, đến phòng khám, bác sĩ chẩn đoán là đau dây thần kinh tọa, anh điều trị qua loa và cũng không muốn cho cha mẹ biết, vì sợ cha với mẹ vì mình mà phải đeo mang thêm nhiều nỗi lo lắng, bất an!
Năm 2010 vào khoảng tháng giêng, khi anh ra trường, đi thực tập được hai tháng thì chân trái đau dữ dội. Đến Bệnh Viện Đa khoa Cần thơ, ở đây bác sĩ thấy xương có dấu hiệu lạ, liền chuyển ra Trung Tâm Chỉnh Hình ngoài Sài Gòn, được bác sĩ chẩn đoán là chèn ép dây thần kinh, rồi cho về nhà uống thuốc hẹn ba mươi ngày sau tái khám. Về nhà được vài hôm nhân dịp chuẩn bị lễ cưới của mình, anh đi phát thiệp cho bạn bè, khi chân vừa bước lên bậc thềm bỗng nhiên bị đột quỵ. Lúc trở lại Trung Tâm Chỉnh Hình lần thứ hai mới phát hiện anh đã bị ung thư xương, đành phải xử lý bằng cách tháo khớp và vô hóa chất.
Qua sáu lần vô hóa chất, bệnh tạm ổn nhưng chưa được bao lâu, anh bị ho dữ dội, không nằm được. Đến cuối tháng 11 năm 2010 tái khám lần thứ ba thì bác sĩ cho biết ung thư đã di căn lên phổi, bệnh tình sắp sửa… đến hồi cáo chung! Thật không ngờ phía trước lại là ngõ cụt, thử hỏi có mấy ai chẳng đau xót ngậm ngùi. Nỗi bất hạnh to lớn nặng nề tợ như một bức màn đen tối của đêm ba mươi đang phủ kín đời anh, bất giác anh bàng hoàng chợt tỉnh, nhận ra lẽ thật của kiếp nhân sinh, tương đồng với lời khai thị của Cổ Đức:
“Đời chính là một giấc mộng say,
Đời là cõi chôn thây thiên hạ.
Thấy như thật nhưng toàn dối giả,
Không một ai được thỏa tấm lòng;
Rốt cuộc điều chi cũng hóa không,
Dù người có luống công bịn rịn.
Nào phú quí nào mùi chung đỉnh,
Nào công danh nào miếng lợi quyền;
Như vừng mây như bọt nước xuyên,
Không thể giữ được thiên tuế nguyệt.
Số định của người là sanh diệt,
Vạn vật là đồng kiếp vô thường;
Có lên mây cũng khó ẩn nương,
Dù xuống đất vô phương trốn thoát.
Cái chết vẫn luôn luôn đeo sát,
Dù người không muốn thác mặc tình;
Thấy rằng trong đời của nhơn sinh,
Có ẩn sức vô hình chi phối.
Mang xác thịt không ai tránh nổi,
Sanh làm người đều phải như nhau;
Trẻ rồi già rồi yếu rồi đau,
Rồi phải chết người nào chạy khỏi.
Ấy sự thật không cần phải hỏi,
Ai cũng đều biết rọi như nhau;
Há không tìm phương pháp siêu cao,
Hầu sớm có tẩu đào kiếp chết.”
Thời gian ở bệnh viện đang chờ vô hóa chất, một hôm anh nói với mẹ:
– Hồi tối con nằm chiêm bao thấy có một sư cô mặc bộ đồ trắng… đó mẹ! Sư cô kêu con xem Kinh A-di-đà và Phẩm Phổ Môn!”
Mẹ anh liền điện thoại về gia đình, sau đó cô Sáu gởi ra quyển Kinh A-di-đà và Phẩm Phổ Môn cho anh.
Từ đó bắt đầu anh tụng Kinh A-di-đà và trì chú Đại Bi. Khi xuất viện về nhà anh nhờ cô, chú chở đi chùa và Tịnh xá để lễ bái, nghe pháp và niệm Phật. Kế tiếp anh tụng kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện, đọc các kinh điển Đại thừa như: Kim Cang, Niết Bàn…
Một hôm, anh đang mặc áo tràng ngồi trang nghiêm ở phía trước để nghe Thượng tọa thuyết giảng, quý cô ngồi ở phía sau ai nấy đều trầm trồ nghĩ thầm trong bụng: “Ồ! Ông sư nào mới về Tịnh xá mình, mà đẹp trai quá vậy ta!” Nhưng khi nhìn kỹ lại, thì ra… Còn ai trồng khoai đất này: Đồng Đen nhà mình! Do vì vô chất hóa học mà tóc trên đầu rụng sạch sẽ, một cọng cũng không còn.
Đến mùng 10 tháng 12 năm 2010, cơn bệnh hoành hành anh kịch liệt, thể trạng suy sụp nhanh chóng, ho nhiều, nằm xuống năm phút thì phải ngồi dậy, liên tục như thế suốt cả ngày đêm. Người nhà xót xa không chịu nổi liền mời bác sĩ Thiện Phúc và Diệu Thiện đến khám bệnh để tìm biện pháp giảm đau. Bác sĩ Diệu Thiện cũng là Trưởng Ban Hộ Niệm của Tịnh Xá Ngọc Trung. Sau khi gặp gỡ trò chuyện, cô Diệu Thiện khuyên anh nên qui y. Duyên lành nhiều đời đã chín muồi, cô Diệu Thiện đã đứng ra cung thỉnh chư tăng đến nhà làm lễ cho anh qui y Tam Bảo, và anh được pháp danh là Thiện Siêu. cha và mẹ cùng quy y một lượt với anh. Sau đó Thượng tọa trụ trì Tịnh Xá Ngọc Trung truyền thọ 8 giới, rồi Sư giảng giải về nghĩa lý các giới, anh vô cùng hoan hỉ lắng nghe. Kế đó anh quay sang cô vợ sắp cưới, vừa tháo chiếc nhẫn đang đeo trên tay ra trao cho cô và vừa nói:
– Thiện Siêu hôm nay trả tự do lại cho cô! Cô có thể bước thêm bước nữa thì tùy ý của cô… Nhưng nếu xuất gia chuyên tu giải thoát thì hạnh phúc hơn nhiều!
Cũng trong ngày hôm ấy, Thượng Tọa khai thị về pháp môn Tịnh Độ, nhận hiểu được Phật pháp nên anh đã phát tâm trường trai. Từ đó về sau cô Diệu Thiện ngày nào cũng đến thăm, an ủi, giảng giải thêm cơ bản về Tịnh Tông và khích lệ anh nên buông xả muôn duyên, một lòng niệm Phật cầu vãng sanh Tây Phương.
***
Sức khỏe của anh xuống dốc ngày một rõ rệt, gia đình thường vây quanh hộ niệm cho anh. Mặc dù bệnh hoành hành bằng những cơn đau nhức dữ dội nhưng chưa hề nghe anh rên rỉ kêu than, hiếm khi bắt gặp anh nhíu mặt nhăn mày. Lần nọ mẹ hỏi:
– Đen à! Con có sợ chết không?
Anh đáp:
– Dạ, không!
Bà nói:
– Có thiệt không, hay là con giấu mẹ?
Anh đáp:
– Thiệt đó mẹ à!
Thiếm Chín bèn hỏi:
– Đen ơi! Con ra đi rồi, con có nhớ mẹ của con không?
Anh đáp:
– Không! Con sống với mẹ ở đây có mấy chục năm à! Con về trển con sẽ sống vĩnh viễn!
Một hôm anh nói với mẹ:
– Mẹ biết không! Lúc đau nhức… lẽ ra… theo hơi thở của con, là… để con rên đó. Mà con không rên để con niệm Phật!
Đôi khi đau nhức quá bất chợt anh rơi những giọt nước mắt xuống, vừa trông thấy mẹ đi vào anh liền quệt nhanh. Bà đến bên cạnh hỏi:
– Đen ơi! Bộ con khóc hả con?
Anh đáp:
– Dạ, không có! Bụi vô mắt con, mẹ ơi!
Có lần anh đưa cho cha xâu chuỗi tay 18 hạt, khuyên cha rán niệm Phật để nữa cha con sẽ gặp ở cõi bất sinh bất diệt. Mẹ anh so bì, liền cất tiếng:
– Sao con không cho mẹ xâu chuổi mà lại cho tía?
Anh trả lời:
– Tại vì mẹ biết ăn chay tu hành rồi, còn tía thì chưa!
Anh còn căn dặn mẹ rán lo tu hành, tu tạo phước đức như: bố thí, phóng sanh, cúng dường Tam Bảo…
***
Trước khi anh mất hai ngày, Ban Hộ Niệm của Tịnh Xá Ngọc Trung bắt đầu phân công trợ niệm liên tục. Sang ngày mùng 4 tháng giêng, khoảng 2 giờ chiều anh nhờ người nhà tắm gội và thay y phục, đồng thời còn cho biết đêm nay anh sẽ ra đi. Đến 6 giờ tối cô Diệu Thiện tới, thấy anh đang mệt và đau nhức quá nên cô đề nghị tiêm thuốc giảm đau. Anh không chịu, thà để cho đau nhức chứ không để cho hôn mê do tác dụng phụ của thuốc gây ra. Đây là thái độ anh đã kiên định kể từ khi biết đến phương pháp niệm Phật vãng sanh, vì cô Diệu Thiện nhiều lần chứng kiến cơn đau hoành hành và cũng đã nhiều lần đề nghị như vậy, mà lần nào anh cũng từ chối như thế hết!
Gần 2 giờ khuya đêm ấy mọi người đông đủ đang vây quanh hộ niệm, anh quay sang nói với mẹ:
– Mẹ có nói gì thì nói hết đi, để chút nữa con đi!
Bà đáp:
– Mẹ không có nói gì để nói hết con à! Nhưng mẹ mong muốn một điều là trước khi con ra đi, con nhớ niệm Nam Mô A-di-đà Phật 10 lần, rồi con kêu A-di-đà Phật cứu con ba lần… Được không con?
Anh liền đáp:
– Dạ!
Lúc này lưỡi của anh đã cứng và thụt vô, nên anh nói âm thanh hơi khó nghe. Một lát sau anh đang ngồi niệm Phật theo mọi người bỗng dưng cất tiếng niệm lớn lên, được năm, sáu câu Nam Mô A-di-đà Phật, rồi nói A-di-đà Phật cứu con, ba lần, âm thanh vang ra mọi người nghe rất rõ. Vừa dứt câu thì anh cũng vừa trút hơi thở cuối cùng, đầu từ từ gục xuống, nước dãi tràn ra, mẹ anh liền lấy khăn hứng phía dưới, anh vẫn còn ở tư thế ngồi xếp bằng niệm Phật không dựa vào đâu cả.
Lúc ấy đúng 2 giờ 15 phút sáng ngày mùng 5 tháng giêng năm 2011. Anh hưởng dương 25 tuổi.
Sau đó năm, mười phút người nhà liền đỡ cho anh nằm xuống.
Thân quyến cùng Ban Hộ Niệm tiếp tục niệm Phật cho đến 11 giờ trưa thì thấy các khớp xương mềm mại, đỉnh đầu ấm nóng, gương mặt hồng hào sáng đẹp như người đang ngủ. Thượng tọa trụ trì Tịnh Xá Ngọc Trung rất hoan hỉ tán thán gia đình anh đã hộ niệm như pháp.
Sau khi chứng kiến sự ra đi của anh, chú Năm và dì Chín của anh đã phát tâm trường trai niệm Phật tu hành. Và những người thân nhiều lần nằm mộng, đa số thấy anh thân tướng trang nghiêm ngồi trên tòa sen, có khi thấy anh thuyết pháp cho đại chúng nghe. Riêng cô Dương Hồng Thúy vợ sắp cưới của anh đã chăm sóc anh và hộ niệm cho anh suốt thời gian cuối đời, khi bảy tuần thất đã qua, cô chiêm bao thấy anh hình thể to lớn, đầu có nhục kế nhô cao, đến dạy cô niệm Phật… Hiện nay cô đang chung sống với cha mẹ của anh, và rất tinh tấn tu hành!
(Thuật theo lời anh Đỗ Văn Be, chị Tô Thị Bùi và cô Dương Hồng Thúy)