NẺO VỀ HAI LỐI
Hòa thượng Thích Giác Quả
TĂNG NI VỚI VĂN NGHỆ
Vào một sáng chủ nhật đẹp trời, như thường lệ, Phật tử Tâm Ngộ đến chùa Hồng Đức học Phật pháp, nhưng được nghỉ bởi vị Giáo thọ bị bệnh. Thuận duyên, Phật tử vào thăm thầy Trú trì, một cuộc đàm thoại giữa thầy và trò về đề tài “Tăng Ni với văn nghệ” được diễn tiến với nội dung như thế này:
Trò: “Nam mô A Di Đà Phật! Thưa thầy, nội dung cụ thể của văn nghệ là gì?
Thầy: Là nghệ thuật biểu diễn văn học qua các hình thái như ca kịch, múa hát, hoà tấu v.v.
Trò: Vì sao thầy đặt đề tài này để đàm đạo?
Thầy: Vì rằng, thời xưa Tăng Ni không có sinh hoạt việc này; ngược lại, giờ đây đa phần Tăng Ni, mà nhiều nhất là Tăng Ni trẻ lại hăng say, hoan hỷ với văn nghệ. Sự kiện này được biểu hiện một cách bình thường, tự tại ở khá nhiều địa điểm, như các trường Trung cấp, Học viện, một số Tu viện, Tự viện và các buổi thuyết pháp, pháp thoại cho các đạo tràng tu học hay quần chúng.
Trò: Thế thì, trên sự thật, Tăng Ni sinh hoạt văn nghệ được không?
Thầy: Không thể được.
Trò: Vì sao? Thưa thầy!
Thầy: Vì rằng Tăng Ni đã thọ những giới không được sinh hoạt văn nghệ.
Trò: Xin thầy vui lòng dẫn chứng cụ thể!
Thầy: Chẳng hạn, như Sa-di thì giữ giới thứ 7: “Không được ca, vũ, hoà tấu, biểu diễn hay đi xem nghe”; Sa-di ni thì giữ giới thứ 8 có nội dung tương tợ như thế. Nếu là Tỷ-kheo thì giữ thêm giới thứ 79 của Ba-dật-đề (Tứ phần luật) hay giới 124 của Ni-tát-kỳ ba-dật-đề (Ma-ha Tăng kỳ luật) v.v.
Trò: Riêng về các Kinh, đức Phật có dạy vấn đề này hay không?
Thầy: So với tạng Luật, thì trong tạng Kinh những vấn đề liên hệ đến văn nghệ được đức Phật dạy bảo rất nhiều. Đại ý của những lời dạy ấy, tựu trung được quy kết trong hai điểm: đó là, nguyên nhân của sự sinh hoạt văn nghệ và hậu quả của sự sinh hoạt ấy. Nơi đây, thầy chỉ nêu ra một Kinh đại biểu, đó là Kinh số 907 của Tạp A-hàm. Đại ý đức Phật dạy rằng, do Tam độc tham-sân-si mà con người được sinh ra, đời này làm ca kỹ là tăng thêm Tam độc cho mình. Nếu cho rằng, làm nghề ca kỹ là đem niềm vui đến cho mọi người, hẳn sẽ được phước báo, thì đó là tà kiến. Mà tà kiến thì tương lai sẽ đọa vào trong hai ác xứ, đó là địa ngục hay súc sanh. Đồng thời, cũng theo Kinh này, không riêng gì hàng xuất gia phải đoạn tuyệt vấn đề văn nghệ, mà ngay cả hàng Phật tử tại gia cũng phải từ bỏ.
Trò: Bởi nguyên nhân gì mà đức Phật cấm hàng đệ tử sinh hoạt văn nghệ?
Thầy: Đáp án cho nghi vấn này đã khá rõ ràng ở câu trả lời vừa rồi; dù vậy, thầy thấy cần phải khẳng định một lần nữa để được minh bạch hơn. Sở dĩ đức Phật không cho phép các đệ tử sinh hoạt văn nghệ, nhất là hàng xuất gia; vì rằng, văn nghệ là pháp thế gian nằm trong nội dung của ngũ dục, lục trần, chúng là những đối tượng trói buộc con người (nói riêng) trong vòng khổ đau luân hồi.
Sinh ra làm người vốn do tham-sân-si, một người đã phát tâm xuất gia mà lại đam mê sinh hoạt văn nghệ là vẫn sống với pháp thế gian, vấn đề này giống như “Ngựa quen lối cũ”, vẫn đi tìm các lạc thọ mộng mị, vô thường của trần thế để đáp ứng cái bản năng tham ái tục luỵ của mình, làm cho độc tố tham-sân-si tăng trưởng mãnh liệt hơn nữa. Thế nên, đã là người xuất gia thì phải sống chết với pháp xuất thế gian, bằng cách là phải học, phải hành trì tinh nghiêm Giới-Định-Tuệ từ cấp độ hữu lậu đến vô lậu, nhằm chế ngự và diệt tận tham-sân-si từ thô đến tế. Đây là việc làm chủ yếu của người xuất gia, và trên thực tế, không dễ gì một sớm một chiều mà có thể thành tựu. Cho nên, một người xuất gia tu tập nghiêm túc thì đâu có thì giờ để rong ruỗi, vọng động theo các trò của văn nghệ.
Trò: Thầy nghĩ gì về một số vị Tôn-túc đã dùng văn nghệ trong việc giáo hoá của mình?
Thầy: Quan điểm của thầy cũng như những vị có Chánh kiến, là tuyệt đối nương tựa Pháp (Chánh pháp) chứ không nương tựa người (Y pháp bất y nhân – trong Pháp tứ y). Giả sử thầy được may mắn được sinh vào thời đại Chánh pháp, thì cũng giữ những lập trường như vậy mới bảo đảm một trăm phần trăm cho sự tu tập khỏi bị lệch hướng, như đức Phật đã dạy trong kinh Kalama. Vì thế, bác phải căn cứ Kinh, Luật để nhận xét, không riêng gì vấn đề này mà chung cho tất cả mọi việc xảy ra trong đời sống của bác. Nếu thực hiện được như thế, bác sẽ có Chánh kiến rất nhuần nhuyễn và thiện xảo.
Trò: Con nghe một số thầy, cô bảo rằng: “Ca hát… là phương tiện đi vào thiền định”. Xin thầy cho ý kiến!
Thầy: Câu này nghe ra, lạ tai quá! – May mắn nhờ sự gia trì của Tam Bảo, thầy được hạnh phúc đọc khá nhiều Kinh và Luật, nhưng chưa bao giờ gặp được một lời dạy của đức Phật như thế.
Nói đơn giản, một hành giả tu Thiền, theo truyền thống, trước hết phải hành trì Giới luật nghiêm túc (mà Giới-luật ấy đã ngăn cấm việc ca hát rồi) để thân tâm nhẹ nhàng, trong sáng; kế tiếp, là tu tập Thiền định. Sơ thiền là quả đầu tiên mà hành giả phải chứng đạt để làm nền tảng cho sự chứng đạt cao hơn. Để chứng sơ thiền, đòi hỏi hành giả phải loại trừ năm thứ triền cái (trạo cử, hôn trầm, tham dục, sân nhuế và nghi) ra khỏi tâm ý của mình; và thay vào năm thứ thiền chi (tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm, xả). Nếu đối chiếu với năm triền cái thì việc ca hát (văn nghệ) thuộc chi phần “trạo cử” và “tham dục”. Qua đây, thật quá rõ rằng, ca hát là một chướng ngại rất lớn không chỉ tu Thiền, mà chung cho cả các pháp môn tu tập khác. Như thế, tại sao ai đó lại tuyên bố lẫn lộn một cách đáng tiếc như vậy!
Trò:Ở góc độ nào đó trên mặt tương đối, Tăng Ni có sử dụng văn nghệ được không? Thưa thầy!
Thầy: Có thể được. Cụ thể như hai trường hợp sau:
Thứ nhất, một vị Tăng hay Ni với phát nguyện chân chánh hoá độ người, nhưng căn cơ người ấy chỉ có văn nghệ mới độ được, thì vị ấy có thể dùng phương tiện văn nghệ để tế độ họ. Ngược lại, nếu Tăng, Ni mà tự mình thường ca hát, dạy kẻ khác ca hát, hoặc tự soạn nhạc và tích cực tham gia các buổi văn nghệ như một pháp môn tu tập, trao truyền cho cả giới xuất gia lẫn tại gia, như thế là chống trái với Pháp và Luật của đức Phật.
Thứ hai, ở các trường Phật học, nếu bất đắc dĩ phải sử dụng văn nghệ, thì có thể chấp nhận. Tuy nhiên, sử dụng văn nghệ này phải nằm vào trong một giới hạn nhất định. Chẳng hạn, về nơi chốn và thời gian phải được cấp trên qui định; bên cạnh, vấn đề quan trọng hơn, đó là hình thức và nội dung diễn đạt văn nghệ phải làchuyên chở hình thức và nội dung của đạo Phật, như những sự tích ghi trong Kinh, Luật…, về những hành trạng của chư Tổ, chư Thánh Tăng, chư Bồ-tát hay những mẫu truyện tiền thân của đức Phật. Nếu thực hiện được như thế, có thể tạm gọi là văn nghệ Phật giáo; bằng không thì đừng văn nghệ thì tốt hơn.
Trò: Thưa thầy, sáng nay cả lớp nghỉ học, riêng con lại may mắn là được học, được tiếp thu nhiều điểm Phật pháp then chốt để củng cố lập trường tu học của con thêm kiên định. Con xin cảm ơn thầy!
Thầy: A Di đà Phật! Chúc bác tinh tấn và thành tựu tốt đẹp trong sự tu học của mình!”