Đ a n g t i d l i u . . .
05. Phẩm thứ nhất: Thần thông trên cung trời Đao Lợi -06

ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH KHOA CHÚ
Đường Tam Tạng sa-môn Thật Xoa Nan Đà dịch
Cổ Diêm Khuông Am Thanh Liên bật-sô Linh Thừa soạn

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

 

3.1.2.2.3.2.2.2.2.1.1.2.1.2.2. Tà mẫu tội trọng đọa khổ (bà mẹ tà kiến do tội nặng, đọa trong đường khổ)

          (Kinh) Nhi thử nữ mẫu, vị toàn sanh tín. Bất cửu mạng chung, hồn thần đọa tại Vô Gián địa ngục.

          ()而此女母未全生信。不久命終魂神墮在無間地獄。

          (Kinh: Nhưng mẹ của cô gái ấy chưa hoàn toàn sanh lòng tin tưởng. Chẳng lâu sau, mạng chung, hồn thần đọa trong địa ngục Vô Gián).

          Chữ A Ma trong tiếng Phạn, cõi này dịch là “nữ mẫu” (mẹ của cô gái). [Bà mẹ] do tạm thời được khuyên dụ mà tin đôi chút, nhưng vẫn theo thói cũ mà còn mang tâm tà kiến. Ác nghiệp đã sâu, tín tâm tự khuyết. Chẳng bao lâu sau, thọ mạng chấm dứt. Làm lành thì sanh lên trời, tạo ác ắt sa xuống vực. Do ác nghiệp đã chín muồi, hồn thần tám thức theo nghiệp đọa vào Vô Gián. Phật Thuyết Ha Điêu A Na Hàm Kinh có nói: “Bạch y bất tín Phật ngữ giả, tiện đương đọa Nê Lê trung” (Kẻ bạch y (người tại gia) chẳng tin lời Phật, sẽ đọa trong địa ngục). Ngục Nê Lê trọn chẳng gọi người, người theo nghiệp mà tự hiện thân trong đó!

3.1.2.2.3.2.2.2.2.1.1.2.2. Thuật tử hậu ức mẫu sanh giới (trần thuật sau khi mẹ chết, con nhớ mẹ, chẳng biết mẹ sanh trong cõi nào)

          Phần này gồm hai đoạn:

          – Bán nhà để cúng dường, cảm trên không có tiếng an ủi, khuyên bảo.

          – Vâng lời dạy niệm Phật, mộng thấy Quỷ Vương chỉ dạy.

3.1.2.2.3.2.2.2.2.1.1.2.2.1. Mại trạch hưng cúng (bán nhà để cúng dường)

3.1.2.2.3.2.2.2.2.1.1.2.2.1.1. Vị mẫu mại trạch hưng cúng (vì mẹ bèn bán nhà để cúng dường)

          (Kinh) Thời, Bà-la-môn nữ, tri mẫu tại thế, bất tín nhân quả, kế đương tùy nghiệp, tất sanh ác thú. Toại mại gia trạch, quảng cầu hương hoa, cập chư cúng cụ. Ư tiên Phật tháp tự, đại hưng cúng dường.

          ()婆羅門女知母在世不信因果計當隨業必生惡趣。遂賣家宅廣求香華及諸供具。於先佛塔寺大興供養。

          (Kinh: Khi ấy, cô Bà-la-môn biết mẹ lúc còn sống, chẳng tin nhân quả, xét theo nghiệp, ắt phải sanh trong đường ác. Liền bán nhà cửa để mua sắm nhiều thứ hương, hoa, và các vật cúng. Đối trước chùa, tháp thờ đức Phật trên đây mà cúng dường trọng thể).

          Chữ Tri (知, biết) chính là cội nguồn để cứu mẹ. Thiện ác đắp đổi, tội phước đối địch nhau! Ác thì gục xuống, đọa lạc, thiện thì thăng lên thơ thới. Do vậy, các pháp tội ác chớ nên chẳng trừ khử; công phước thiện há chẳng nên tạo? Hoằng dương điều thiện, nêu rõ sự vui sướng chốn thiên đường. Trừng phạt sự sai trái, tỏ rõ sự chua xót, đắng cay nơi địa ngục! Hiềm rằng kẻ tà kiến dấy lên kiến chấp đoạn diệt, thốt lời bài bác nhân quả; cội nguồn do căn bệnh mê si. Bởi lẽ, kẻ ngu si chẳng biết nhân quả, lầm lạc dấy lên tà kiến, phá pháp thiện, ác, gọi là “đoạn thiện căn”, chắc chắn đọa vào địa ngục A Tỳ. Nay thánh nữ biết mẹ lúc còn sống, bệnh mê si đã nặng, thường khinh miệt Tam Bảo, suy ra chết đi, ắt sẽ theo nghiệp, sanh trong đường ác.

          Từ ngữ A Ba Na Già Đê (Aparagati) trong tiếng Phạn, cõi này dịch là “ác thú” (惡趣, đường ác). Đoạn này nói rõ bà mẹ mang tội, nghiệp chướng nặng nề; sau đó, nói ra phương pháp cứu mẹ. Người ta có nhà cửa là để an thân, nay vì cứu mẹ, rảnh đâu mà tiếc thân, cho nên bán sạch của cải để lấy tiền lo liệu hòng mua sắm rộng rãi các món vật cúng. Hương, hoa là những thứ đứng đầu để dâng cúng, là bước đầu để biểu lộ lòng thành. Hương có thể khử ô uế, hoa trọn đủ cái nhân viên mãn. Thiên tử Phí Thị[1] đã nói: “Hơi thối trong loài người đã xông lên tận hư không, chư thiên thanh tịnh không ai chẳng chán ghét, nhưng do vâng nhận lời đức Phật dặn dò, giao phó, chư thiên chẳng dám không đến”. Vì thế, trong Phật pháp, hương là sứ giả của Phật. Hương, hoa đã đầy đủ, bèn soạn bày các món ăn ngon. Treo phan, lọng phất phơ, giăng chuỗi ngọc lóng lánh trước tháp thờ đức Phật đã nhập diệt là Giác Hoa Định Tự Tại Vương, khởi lên sự cúng dường rộng lớn trong pháp giới.

          Tháp Bà (Stūpa) là danh xưng trong tiếng Phạn, chính là nơi chôn giấu xương Phật. “Tự” (寺) là Tự (嗣, nối tiếp), [ý nói] là chỗ những người lo liệu công việc sẽ tiếp nối nhau trong ấy[2], mà cũng là từ ngữ chỉ chung cảnh giới để hết thảy chúng tăng tu đạo trong mười phương.

3.1.2.2.3.2.2.2.2.1.1.2.2.1.2. Kiến tượng, mặc niệm, không thị (thấy tượng, thầm niệm, trên không có tiếng chỉ dạy)

          Phần này chia thành hai đoạn:

          – Thấy Phật nổi lòng nghi.

          – Trên hư không có tiếng chỉ dạy nơi chốn.

3.1.2.2.3.2.2.2.2.1.1.2.2.1.2.1. Kiến Phật hưng nghi (thấy Phật nổi lòng nghi)

3.1.2.2.3.2.2.2.2.1.1.2.2.1.2.1.1. Kiến Phật lễ kính (thấy Phật bèn lễ kính)

          (Kinh) Kiến Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai, kỳ hình tượng tại nhất tự trung, tố họa oai dung, đoan nghiêm tất bị. Thời Bà-la-môn nữ, chiêm lễ tôn dung, bội sanh kính ngưỡng.

          ()見覺華定自在王如來其形像在一寺中塑畫威容端嚴畢備。時婆羅門女瞻禮尊容倍生敬仰。

          (Kinh: Thấy hình tượng của Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai trong một ngôi chùa, dung nhan oai thần được đắp vẽ trọn đủ đoan nghiêm. Khi ấy, cô gái Bà-la-môn chiêm ngưỡng, lễ bái tôn dung, sanh lòng kính ngưỡng bội phần).

          Đoạn này nói [cô gái Bà-la-môn] đến chùa cúng dường, ngẩng đầu nhìn tượng Phật: Kim dung chói ngời, trang nghiêm hiển lộ đẹp đẽ. Trong lúc chiêm ngưỡng, lễ bái, kính ngưỡng bội phần. Cần phải biết: Chiêm ngưỡng, lễ bái tượng Phật, công đức khó nghĩ tưởng! Như kinh Quán Phật Tam Muội nói: “Quá khứ hữu Phật, hiệu Bảo Oai Đức Thượng Vương Như Lai. Thời hữu tỳ-kheo, dữ cửu đệ tử vãng nghệ Phật tháp, kiến nhất bảo tượng, lễ dĩ tán thán. Hậu thời mạng chung, tất sanh Đông phương Bảo Oai Đức Thượng Vương Phật quốc, đại liên hoa trung, hốt nhiên hóa sanh, tịnh tu phạm hạnh, đắc Niệm Phật tam-muội hải. Phật vị thọ ký, các đắc thành Phật. Kim Đông phương Thiện Đức Phật thị kỳ sư. Cửu phương Vô Ưu Đức Phật đẳng thị cửu đệ tử. Hựu Không Vương Như Lai Niết Bàn hậu, hữu tứ tỳ-kheo, đồng học Phật pháp, phiền não phú tâm, bất năng kiên trì, đa bất thiện nghiệp, đương đọa ác đạo. Không trung hữu thanh, ngữ tỳ-kheo ngôn: ‘Nhữ đẳng kim khả nhập tháp quán tượng, dữ Phật tại thế đẳng vô hữu dị’. Văn không thanh dĩ, nhập tháp quán tượng mi gian hào tướng, tức tác niệm ngôn: ‘Như Lai tại thế, quang minh, sắc thân, dữ thử hà dị? Phật đại nhân tướng, nguyện trừ ngã tội’. Do nhập tháp quán tượng hào tướng, sám hối nhân duyên, hậu bát thập ức A-tăng-kỳ kiếp, bất đọa ác đạo, thường kiến chư Phật, thọ ký thành Phật. Kim Đông phương A Súc, Nam phương Bảo Sanh, Tây phương Vô Lượng Thọ, Bắc phương Vi Diệu Thanh, tức tứ tỳ-kheo thị” (Trong quá khứ có Phật, hiệu là Bảo Oai Đức Thượng Vương Như Lai. Khi ấy có vị tỳ-kheo và chín đệ tử đi đến tháp thờ Phật, thấy một tượng báu, lễ xong bèn tán thán. Về sau, mạng chung, đều sanh vào cõi của Bảo Oai Đức Thượng Vương Phật tại phương Đông, ở trong hoa sen lớn, bỗng dưng hóa sanh, tịnh tu phạm hạnh, đạt được biển Niệm Phật tam-muội. Đức Phật thọ ký cho các vị ấy đều được thành Phật. Nay Thiện Đức Phật ở phương Đông là vị thầy ấy, các vị như Vô Ưu Đức Phật v.v… ở chín phương là chín vị đệ tử. Lại nữa, sau khi Không Vương Như Lai nhập Niết Bàn, có bốn tỳ-kheo cùng học Phật pháp, do phiền não che lấp tâm, chẳng thể kiên trì, tạo nhiều nghiệp bất thiện, sắp đọa ác đạo. Trong hư không có tiếng bảo các vị tỳ-kheo: “Nay các ông có thể vào tháp quán tượng, sẽ chẳng khác gì Phật còn tại thế”. Nghe tiếng nói trên hư không xong, họ bèn vào tháp, quán hào tướng giữa hai mày của tượng Phật, bèn suy nghĩ rằng: “Đức Như Lai tại thế thì quang minh và sắc thân khác với tượng này như thế nào? Phật là đấng có tướng đại nhân, nguyện trừ tội cho con”. Do nhân duyên vào tháp quán tướng bạch hào của Phật và sám hối, tám mươi ức A-tăng-kỳ kiếp sau, chẳng đọa ác đạo, thường thấy chư Phật, được thọ ký thành Phật. Nay Phật A Súc ở phương Đông, Phật Bảo Sanh ở phương Nam, Phật Vô Lượng Thọ ở phương Tây, Phật Vi Diệu Thanh ở phương Bắc chính là bốn vị tỳ-kheo). Do nhân duyên này, hành giả phải nên nhiều lượt quán Phật. Vì thế biết: Cúng dường, quán tượng, bà mẹ có tội được sanh lên trời chẳng nghi!

3.1.2.2.3.2.2.2.2.1.1.2.2.1.2.1.2. Tư niệm nghi tình (tự suy nghĩ, dấy lòng nghi)        

          (Kinh) Tư tự niệm ngôn: “Phật danh đại giác, cụ Nhất Thiết Trí. Nhược tại thế thời, ngã mẫu tử hậu, thảng lai vấn Phật, tất tri xứ sở”.

          ()私自念言佛名大覺具一切智。若在世時我母死後儻來問佛必知處所。

          (Kinh: Riêng tự nghĩ rằng: “Đức Phật là đấng Đại Giác, trọn đủ Nhất Thiết Trí. Nếu Ngài còn trên đời, sau khi mẹ tôi mất, nếu như tôi đến hỏi Phật, ắt sẽ biết nơi chốn”).

          “Tư” (私) là trong tâm tự hoài niệm, người khác chẳng biết. Tâm niệm Phật như tỉnh giấc mộng lớn, đối với hết thảy các pháp, thấy biết vô ngại. Cao tột bậc nhất, gọi là Nhất Thiết Trí. Nếu như đức Phật còn trụ thế, mẹ ta đã khuất, nếu ta đến thưa hỏi Ngài chỗ mẹ sanh về, thăng, trầm, cao, thấp, nam, nữ, sang, hèn, ắt Ngài sẽ rủ lòng Từ chỉ dạy, an ủi ta.

3.1.2.2.3.2.2.2.2.1.1.2.2.1.2.2. Không thanh thị xứ (tiếng nói trên hư không dạy nơi chốn)

          Phần này chia làm hai:

          – Khóc lóc, luyến mộ, nghe tiếng nói.

          – Nghe tiếng nói, tự gieo mình xuống đất.

3.1.2.2.3.2.2.2.2.1.1.2.2.1.2.2.1. Khấp luyến văn thanh (khóc lóc, luyến mộ, nghe tiếng nói)

3.1.2.2.3.2.2.2.2.1.1.2.2.1.2.2.1.1. Không thanh an ủy dụ (tiếng nói trên hư không an ủi, phủ dụ)

          (Kinh) Thời, Bà-la-môn nữ, thùy khấp lương cửu, chiêm luyến Như Lai.

          ()婆羅門女垂泣良久瞻戀如來。

          (Kinh: Khi ấy, cô Bà-la-môn lệ đẫm một lúc lâu, chiêm ngưỡng, luyến mộ Như Lai).  

          Trước hết, trần thuật nỗi khổ tâm của thánh nữ. Không phát ra tiếng mà chảy nước mắt là Khấp (泣), tức là khóc thầm. “Chiêm” (瞻) là ngẩng lên nhìn, “luyến” (戀) là quyến luyến, hâm mộ. Lệ đẫm hồi lâu, chiêm ngưỡng, quyến luyến, chẳng rời đi, “mong Phật ắt dạy cho con biết mẹ đã sanh về đâu để độ thoát”. Kinh Quyết Định Tỳ Ni nói: “Phật cáo Xá Lợi Phất: – Nhược trừ Như Lai trí huệ, cánh vô dư thừa nhi đắc độ thoát, đáo ư Niết Bàn, năng thị chúng sanh giải thoát chi đạo, năng linh chúng sanh viễn ly tà đạo, thị hiện thánh đạo. Dĩ thị nghĩa cố, cố danh Như Lai” (Đức Phật bảo Xá Lợi Phất: “Chỉ trừ trí huệ của Như Lai, trọn chẳng do thừa nào khác mà được độ thoát, đạt đến Niết Bàn, có thể dạy cho chúng sanh đạo giải thoát, có thể khiến cho họ xa lìa tà đạo, thị hiện thánh đạo. Do vì nghĩa này mà gọi là Như Lai”). Vì thế, chiêm ngưỡng, luyến mộ, mong sẽ ứng hiện cho con.

          (Kinh) Hốt văn không trung thanh viết: “Khấp giả thánh nữ, vật chí bi ai! Ngã kim thị nhữ mẫu chi khứ xứ”.

          ()忽聞空中聲曰泣者聖女勿至悲哀我今示汝母之去處。

          (Kinh: Bỗng nghe không trung có tiếng nói: “Này thánh nữ đang khóc lóc, đừng đau buồn quá mức! Ta nay sẽ dạy cho ngươi biết chỗ mẹ sanh về”).          Kế đó, trần thuật chuyện tiếng nói trên không trung an ủi, phủ dụ. Đang ngay trong lúc [thánh nữ] sướt mướt, chiêm ngưỡng, luyến mộ, bỗng dưng trong hư không có tiếng an ủi rằng: “Thánh nữ! Đừng buồn khóc, bi ai, quyến luyến quá mức! Ngươi đã hành đại hiếu, dốc sạch của cải trong nhà để cúng dường, khóc lóc, luyến mộ, chiêm ngưỡng, nương cậy, ngấm ngầm mong được cảm thông chỉ dạy chỗ mẹ đã sanh về. Ta là bậc Đại Giác, trọn đủ Nhất Thiết Trí, sẽ dạy ngươi chỗ mẹ đã sanh về, cần gì phải bi ai không ngơi vậy?”

3.1.2.2.3.2.2.2.2.1.1.2.2.1.2.2.1.2. Vấn không hà thần (hỏi trên không trung là vị thần nào)

          (Kinh) Bà-la-môn nữ hiệp chưởng hướng không, nhi bạch không viết: “Thị hà thần đức, khoan ngã ưu lự? Ngã tự thất mẫu dĩ lai, trú dạ ức luyến, vô xứ khả vấn, tri mẫu sanh giới”.

          ()婆羅門女合掌向空而白空曰是何神德寬我憂慮我自失母已來晝夜憶戀無處可問知母生界。

          (Kinh: Cô gái Bà-la-môn chắp tay, hướng lên không trung bạch rằng: “Là vị thần đức nào vơi bớt nỗi lo nghĩ cho con? Kể từ khi con mất mẹ đến nay, ngày đêm nghĩ nhớ, không nơi nào để hỏi hòng biết chỗ mẹ sanh về”).

          “Chắp tay hướng lên không trung”: Cảm kích tột bậc, vui mừng cùng cực. Như người đánh mất đồ vật, được chỉ dẫn bèn kiếm lại được; như người lạc đường được dẫn dắt quay về. Ý nghĩa của chữ Thần (神) như đã giải thích trong phần tựa đề kinh. Đức (德) là điều thiện vốn sẵn có, trực tâm là đức, là sự chánh trực vốn sẵn có trong tánh mạng. Vì thế, thuận theo lẽ trời là Thần, đều là bậc thông minh, chánh trực. “Khoan” (寬) là rộng, là thư thả. Trước kia, do nghĩ ngợi chốn mẹ sanh về, lo âu như bị vướng mắc vật gì; nay nghe tiếng nói trên hư không dạy  bảo  chỗ ấy, như vật thoát khỏi ngực, nhẹ nhàng, thơ thới vậy!

3.1.2.2.3.2.2.2.2.1.1.2.2.1.2.2.1.3. Không thanh cáo thị (tiếng nói trên không trung dạy bảo)

          (Kinh) Thời, không trung hữu thanh, tái báo nữ viết: “Ngã thị nhữ sở chiêm lễ giả, quá khứ Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai, kiến nhữ ức mẫu bội ư thường tình chúng sanh chi phần, cố lai cáo thị”.

          ()空中有聲再報女曰我是汝所瞻禮者過去覺華定自在王如來見汝憶母倍於常情眾生之分故來告示。

          (Kinh: Lúc bấy giờ, trên hư không có tiếng nói, lại bảo thánh nữ rằng: “Ta là người mà ngươi đang chiêm ngưỡng, lễ bái, tức quá khứ Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai, do thấy ngươi nhớ mẹ gấp bội các chúng sanh thường tình, nên đến dạy bảo”).

          Có âm thanh mà không hiện tướng, hiển thị “sanh mà vô sanh”. Không có tướng mà có âm thanh, thị hiện “diệt mà bất diệt”. Nhớ mẹ gấp mấy lần thường tình, khen nàng chí hiếu, cho nên cảm Phật đến dạy bảo. Nhưng mẹ chết mà con tưởng nhớ thì cũng là chuyện đương nhiên. Ngay khi con còn ở trong thai, mẹ đã chịu nỗi khổ mười tháng thai nghén. Tới khi con sanh ra, mẹ nhọc nhằn bú mớm suốt ba năm. Mao Thi[3] có viết: “Ai ai phụ mẫu, sanh ngã cù lao, vô phụ hà hỗ, vô mẫu hà thị, xuất tắc hàm tuất, nhập tắc mị chí. Phụ hề sanh ngã, mẫu hề cúc ngã, phủ ngã, súc ngã, trưởng ngã, dục ngã, cố ngã, phúc ngã, xuất nhập phúc ngã. Dục báo chi đức, hạo thiên võng cực” (Xót thay cha mẹ, sanh ta nhọc nhằn. Không cha cậy ai? Không mẹ nhờ ai? Ta ra khỏi cửa, cha mẹ âu lo. Con về, yên dạ. Cha sanh ra ta, mẹ vỗ về ta, ẵm bồng, bú mớm, nuôi lớn thân ta, chăm sóc cho ta, ra vào bồng bế. Muốn báo ân đức, trời cao khôn thấu). Vì thế, Tăng Tử nói: “Thân dã giả, phụ mẫu chi di thể dã” (Thân ta là hình hài do cha mẹ để lại). Đã cùng là một Thể với cha mẹ, mẹ đã chết, chẳng trở lại nữa, há con chẳng tưởng nhớ mẹ luôn nghĩ đến con ư? Nhưng thánh nữ đã bán nhà để cúng dường, lễ Phật cầu biết [chỗ mẹ sanh về], nhờ phước bố thí để hồi hướng cho mẹ, cậy vào lòng Từ của Phật chỉ dạy nơi chốn. Cố nhiên là hạng thường tình chẳng thể mong sánh bằng, cho nên Phật thị hiện âm thanh trên không trung để bảo chỗ mẹ sanh về. Than ôi! Lòng thuần hiếu động trời, lòng chí thành cảm Phật. Xem ra, vị thánh nữ này hiển nhiên là như thế đấy!

3.1.2.2.3.2.2.2.2.1.1.2.2.1.2.2.2. Văn thanh tự phác (nghe tiếng bèn gieo mình xuống đất)

3.1.2.2.3.2.2.2.2.1.1.2.2.1.2.2.2.1. Cầu thuyết mẫu sanh giới (xin nói chỗ mẹ sanh về)

          (Kinh) Bà-la-môn nữ văn kỳ thanh dĩ, cử thân tự phác, chi tiết giai tổn, tả hữu phù thị, lương cửu phương tô, nhi bạch không viết: “Nguyện Phật từ mẫn, tốc thuyết ngã mẫu sanh giới. Ngã kim thân tâm tương tử bất cửu”.

          ()婆羅門女聞此聲已舉身自撲支節皆損左右扶侍良久方蘇而白空曰願佛慈愍速說我母生界。我今身心將死不久。

          (Kinh: Cô gái Bà-la-môn nghe tiếng ấy xong, toàn thân tự gieo xuống đất, chân tay đều bị tổn thương, người chung quanh nâng đỡ, hồi lâu mới tỉnh, bèn hướng lên không trung, bạch rằng: “Nguyện Phật từ bi xót thương, mau nói chỗ mẹ con sanh về. Nay con thân tâm không lâu sau sẽ chết”).

          Tình dấy lên bên trong, tiếng cảm bên ngoài, toàn thân gieo sụp xuống lễ bái như Thái Sơn sụp lở! Nôn nóng muốn biết chỗ mẹ sanh về, đâu rảnh để tiếc nuối hình hài, đến nỗi các đốt xương nơi chân tay đều bị tổn hoại mà ngất lịm đi. “Tả hữu phù thị”: “Tả” (Bên trái) là chỗ thiên đạo dấy lên, là nơi địa đạo ngưng nghỉ. [Chữ Tả (左) và chữ Hữu (右)] đều thể hiện ý nghĩa “gần với thân thể” giống như hình thế đưa tay nâng đỡ. Tay trái không thuận tiện, cho nên mang ý nghĩa xa thân [hơn tay phải]. Tay phải thuận thế, dùng sức nhiều hơn. [Trong chữ Hữu] lại thêm chữ Khẩu (口), [nhằm thể hiện ý nghĩa] giúp đỡ lẫn nhau. Do các thị tỳ (những người hầu gái, đầy tớ gái) vốn quanh quẩn bên chủ nhân, nên họ liền nâng [cô chủ] dậy, chăm sóc. Tô (蘇) là chết rồi sống lại. Kinh Hoàng Đình nói: “Lâm tuyệt hô chi diệc phục tô” (Đã chết ngất rồi, kêu gọi bèn tỉnh lại). Theo thói quen thường viết Tô thành “甦” là sai. Đoạn này là vị trùng tuyên kinh thuật chuyện, kế đó là [thánh nữ] xin [đức Phật hãy] nói chỗ mẹ sanh về, nhưng cô ta nóng ruột, xin hãy mau nói, vì tự biết thân tàn, tâm khổ, không lâu sau sẽ chết.

3.1.2.2.3.2.2.2.2.1.1.2.2.1.2.2.2.2. Thị phản xá niệm Phật (dạy hãy trở về nhà niệm Phật)

          (Kinh) Thời, Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai cáo thánh nữ viết: “Nhữ cúng dường tất, đản tảo phản xá, đoan tọa tư duy ngô chi danh hiệu, tức đương tri mẫu sở sanh khứ xứ”.  

          ()覺華定自在王如來告聖女曰汝供養畢但早返舍端坐思惟吾之名號即當知母所生去處。

          (Kinh: Khi ấy, Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai bảo thánh nữ rằng: “Ngươi cúng dường xong, hãy mau trở về nhà, ngồi ngay ngắn, tư duy danh hiệu của ta, sẽ liền biết chốn mẹ sanh về”).

          “Tảo phản xá” (Sớm quay về nhà), “phản” (返) là trở lại. Xét theo Sự, đức Phật bảo cô hãy nhanh chóng quay về nhà. Xét theo pháp, Xá biểu thị Ngũ Ấm, [tức là] dạy cô ta hãy trở lại quán Ngũ Ấm, thì Tâm Vương Trí Độ Mẫu sẽ ngay lập tức tự hiện, cho nên bảo hãy “đoan tọa tư duy”. “Đoan tọa” (端坐) tức là ngồi theo thế Kim Cang Chánh Tọa (Vajrāsana), còn gọi là Toàn Già (Padmāsana, ngồi theo tư thế hoa sen, ngồi kiết già), hoặc Bán Già. Thiền Na (Dhyāna) được gọi là Tư Duy Tu, dụng ý dạy cô ta hãy tu Niệm Phật tam-muội. Vì thế, “ngồi suy nghĩ danh hiệu của ta, sẽ biết ngay chỗ mẹ đã sanh về!”

3.1.2.2.3.2.2.2.2.1.1.2.2.2. Thọ giáo niệm Phật, mộng Quỷ Vương chỉ thị (vâng lời dạy niệm Phật, mộng thấy Quỷ Vương chỉ dạy)

3.1.2.2.3.2.2.2.2.1.1.2.2.2.1. Quy xá ức mẫu niệm Phật (về nhà, nhớ mẹ niệm Phật)

          (Kinh) Thời, Bà-la-môn nữ tầm lễ Phật dĩ, tức quy kỳ xá. Dĩ ức mẫu cố, đoan tọa niệm Giác Hoa Định Tự Tại  Vương  Như  Lai, kinh

nhất nhật, nhất dạ.

          ()婆羅門女尋禮佛已即歸其舍。以憶母故端坐念覺華定自在王如來經一日一夜。

          (Kinh: Khi ấy, cô Bà-la-môn vừa lễ Phật xong, liền trở về nhà mình. Do vì nhớ mẹ, ngồi ngay ngắn niệm Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai qua một ngày một đêm).

          Vừa lễ xong bèn trở về, biểu thị chuyển mê thành ngộ nhanh chóng. “Niệm” là Quán Huệ. Giác Hoa là tâm Phật (vị Phật ở trong tâm). Do vậy, quán điều này, “mẫu” chính là tâm mẫu, Phật tức tâm Phật. Tâm là mẹ, là Phật, tuy một mà ba, tuy ba mà một. Gì là tâm ta, gì là Phật, hay mẹ vậy thay? Kinh Phổ Hiền Quán dạy: “Nhược dục sám hối giả, đoan tọa niệm Thật Tướng, chúng tội như sương lộ, huệ nhật năng tiêu trừ” (Nếu muốn sám hối, hãy ngồi ngay ngắn, nghĩ tới Thật Tướng, các tội như sương, móc, mặt trời trí huệ có thể tiêu trừ). Vì thế, mặt trời biểu thị sự giác ngộ của thánh nữ chiếu rạng ngời như ban ngày. Đêm biểu thị sự mê muội của người mẹ đang mắc tội, tối tăm như đêm thâu. “Nhất” nói chung là biểu thị cái tâm, là cội gốc của mê và ngộ. Bà mẹ có tội tin theo tà kiến, bị vô minh che lấp cái tâm, xuôi theo trần lao, trái nghịch giác. Thánh nữ cúng dường, chánh trí nhập tâm, hợp cùng giác, trái nghịch trần lao. Tâm vốn là một, do mê hay ngộ mà sai khác!

3.1.2.2.3.2.2.2.2.1.1.2.2.2.2. Đáo ngục tri mẫu sanh xứ (đến địa ngục biết chỗ mẹ sanh về)

          Hỏi: Đức Phật chẳng dạy ngay chỗ sanh về, cứ buộc thánh nữ đích thân đến địa ngục là vì lẽ nào?

          Đáp: Ấy là do người đời bị vô minh che lấp, chẳng biết thiện ác nhân quả. Cho nên cậy thánh nữ chính mắt trông thấy chuyện khổ, hòng cảnh tỉnh kẻ ngu độn, ương bướng trong cõi đời. Như trong kinh Chánh Hạnh của bộ A Hàm [có nói] đức Phật tĩnh tọa, nghĩ đến con người do si, cho nên có sanh tử. Sao gọi là Si? Vốn từ si sanh đến, đời này làm người vẫn si! Tâm chẳng giải ngộ, chẳng mở mang, chẳng biết chết rồi sẽ hướng về đâu! Gặp Phật chẳng hỏi, thấy kinh chẳng đọc, thấy sa-môn chẳng thừa sự, thấy cha mẹ chẳng kính, chẳng nghĩ thế gian khổ, chẳng biết trong Nê Lê tra khảo, trừng trị dữ dội, nên gọi là Si. Vì thế, có sanh tử chẳng ngơi! Do vậy, thánh nữ đích thân vào địa ngục, mới biết “ác chớ nên làm, thiện phải nên làm!” Đoạn kinh văn được chia thành ba phần:

          – Đích thân đến cái biển có địa ngục.

          – Quỷ Vương đón chào, tán thán.

          – Hỏi đáp về chuyện trong ngục.

3.1.2.2.3.2.2.2.2.1.1.2.2.2.2.1. Thân đáo ngục hải (đích thân đến chỗ cái biển có địa ngục)

3.1.2.2.3.2.2.2.2.1.1.2.2.2.2.1.1. Kiến ngục hải ác tướng (thấy tướng ác trong biển địa ngục)

3.1.2.2.3.2.2.2.2.1.1.2.2.2.2.1.1.1. Ác thú phi trì thực đạm (ác thú bay đuổi, ăn nuốt)

          (Kinh) Hốt kiến tự thân, đáo nhất hải biên. Kỳ thủy dũng phí, đa chư ác thú, tận phục thiết thân, phi tẩu hải thượng, đông tây trì trục. Kiến chư nam tử, nữ nhân, bách thiên vạn số, xuất một hải trung, bị chư ác thú, tranh thủ thực đạm.

          ()忽見自身到一海邊。其水涌沸多諸惡獸盡復鐵身飛走海上東西馳逐。見諸男子女人百千萬數出沒海中被諸惡獸爭取食噉。

          (Kinh: Bỗng thấy thân mình đến một bờ biển. Nước biển sôi trào, có nhiều ác thú, toàn thân bằng sắt, bay, chạy trên mặt biển, đuổi bắt đông, tây. Thấy các người nam, kẻ nữ, số đến trăm, ngàn, vạn, thoạt chìm, thoạt nổi trong biển, bị các ác thú giành nhau bắt lấy ăn nuốt).

          Đoạn này tường thuật: Trong Định, thấy tướng nơi cõi âm. Tự đến bên bờ biển là thần thức xuất từ Định [mà đến đó]. Nước biển sôi trào, ác thú bay chạy, đều là cảnh tương tự từ trong thức tâm, theo nghiệp mà phát khởi. Đấy là do sự thức của chúng sanh tạo tội đến nỗi mắc những khổ báo ấy. Kinh Lăng Già nói: “Thí như cự hải lãng, tư do mãnh phong khởi, hồng ba cổ minh hác, vô hữu đoạn tuyệt thời” (Thí như sóng biển lớn, là do gió mạnh thổi, sóng to vỗ hang tối, chẳng lúc nào ngừng nghỉ). Há chẳng phải là do trong biển tạng thức nổi gió, dậy sóng, cho nên nay cảm biển nghiệp sôi sục như canh đang sôi. Ác thú và Dạ Xoa cũng từ nghiệp cảm. Do khi còn sống đã buông lung tham, sân, si, lại còn tạo đủ giết, trộm, dâm, dối, cho nên tới địa ngục, cảnh giới tự hiện. Nếu thấu đạt cảnh, tâm rỗng rang, biển cũng tự lặng. Tâm lẫn cảnh đều lặng, không chuyện gì chẳng chiếu. Giống như biển cả không có gió, sâm la rạng ngời minh bạch. Kinh Bảo Tích nói: “Nhất thiết pháp hư vọng như mộng, dĩ duy niệm cố” (Hết thảy các pháp đều hư vọng như mộng, chỉ là niệm). Vì thế biết là nếu thấu đạt duy tâm, các cảnh sẽ như huyễn hóa!

3.1.2.2.3.2.2.2.2.1.1.2.2.2.2.1.1.2. Dạ Xoa hình dị úy thị (quỷ Dạ Xoa hình dáng lạ lùng, trông đáng sợ)

          (Kinh) Hựu kiến Dạ Xoa, kỳ hình các dị, hoặc đa thủ, đa nhãn, đa túc, đa đầu, khẩu nha ngoại xuất, lợi nhẫn như kiếm, khu chư tội nhân, sử cận ác thú. Phục tự bác quặc, đầu túc tương tựu. Kỳ hình vạn loại, bất cảm cửu thị.

          ()又見夜叉其形各異或多手多眼多足多頭口牙外出利刃如劍驅諸罪人使近惡獸。復自搏攫頭足相就。其形萬類不敢久視。

          (Kinh: Lại thấy Dạ Xoa hình dáng mỗi tên mỗi khác, hoặc nhiều tay, nhiều mắt, nhiều chân, nhiều đầu, răng chìa ra ngoài miệng, bén nhọn như gươm, xua đuổi các tội nhân đến gần bọn ác thú. Lại còn tự tay tóm bắt khiến họ đầu và chân quặp vào nhau. Hình dáng vạn loại, chẳng dám nhìn lâu).

          Dạ Xoa (Yakşa) có nghĩa là Tật Tiệp (疾捷, nhanh nhẹn), tức là quỷ trong địa ngục. Đầu của chúng như trâu, ngựa, sư tử, voi, hổ, báo, sói, hình thù mỗi con quỷ mỗi khác. Hoặc là có hai tay, cho đến ngàn tay; hoặc chỉ có một mắt, cho đến ngàn mắt. Đầu và chân cũng phỏng theo đó [mà biết]. Răng nanh chìa ra ngoài miệng, môi túm ngược lên, lộ cả chân răng, răng sắc bén như mũi dao, nhọn hoắt tựa gươm. Sách Pháp Uyển Châu Lâm nói: “Đầu trâu, trợn mắt hung ác; ngục tốt nhe răng hung hăng” là nói về chuyện này. “Xua đuổi tội nhân đến gần thú dữ” là để cho chúng nó ăn nuốt. Bác (搏) là dùng tay tóm lấy. Quặc (攫) là dùng móng vuốt giữ lấy, hoặc quăng chụp. Trang Tử nói: “Tay trái chụp lấy”. Ở đây là nói đến các loài Dạ Xoa không chỉ xua đuổi tội nhân đến gần bọn ác thú cho chúng nó ăn, lại còn dùng tay chụp, vươn móng vuốt nắm giữ, khiến cho tội nhân đầu và chân quặp vào nhau, trở thành hình thể rúm ró, đùa bỡn với thân hình của họ, hoặc có thể lúc làm cho thân họ to ra, hoặc ép nhỏ lại, hoặc vo nặn cho ngắn củn lại, hoặc kéo duỗi dài ra, tung ngang, ném dọc, trong khoảnh khắc muôn thứ [hành hạ], chẳng thể nhìn lâu! Đấy chính là do tâm biến khởi, chẳng chân thật! Như Chánh Pháp Niệm Xứ Kinh có nói: “Diêm Ma La nhân, thị phi chúng sanh. Tội nhân kiến chi, vị thị chúng sanh. Thủ trung chấp trì diễm nhiên thiết kiềm. Bỉ địa ngục nhân ác nghiệp ký tận, bất phục kiến Diêm La ngục tốt, như du chú tận, tắc vô hữu đăng. Nghiệp tận diệc nhĩ, bất phục kiến ư Diêm La ngục tốt” (Người trong cõi Diêm Ma La chẳng phải là chúng sanh, nhưng tội nhân trông thấy, cho đó là chúng sanh, [thấy họ] trong tay cầm nắm kìm sắt cháy rực. Những tội nhân trong địa ngục khi ác nghiệp đã hết, chẳng còn thấy ngục tốt Diêm La nữa, như dầu và bấc đã cháy hết, chẳng còn đèn nữa! Nghiệp hết cũng giống như thế, chẳng còn thấy Diêm La ngục tốt). Nay ác nghiệp của chúng sanh chưa hết, tự nhiên là từ trong không có gì mà hư vọng thấy [như thế đó].

3.1.2.2.3.2.2.2.2.1.1.2.2.2.2.1.2. Niệm Phật lực vô cụ (do sức niệm Phật bèn chẳng sợ hãi)

          (Kinh) Thời, Bà-la-môn nữ, dĩ niệm Phật lực cố, tự nhiên vô cụ.

          ()婆羅門女以念佛力故自然無懼。

          (Kinh: Khi ấy, cô Bà-la-môn do sức niệm Phật, tự nhiên chẳng sợ hãi).

          “Dĩ” (以) là “vì, do bởi”. Do sức niệm Phật, tuy thấy các thứ hình dáng [kinh khủng], tự nhiên không sợ hãi. Ấy là vì biết các cảnh do tâm, tâm do cảnh hiện. Tâm đã vốn là không, cảnh cũng làm sao có? Tâm tình đã mất, sợ hãi do đâu mà sanh? Trong kinh Tâm Địa Quán, đức Phật bảo ngài Văn Thù rằng: “Thí như tùng lâm mông mật mậu thịnh, sư tử, bạch tượng, hổ, lang, ác thú, tiềm trụ kỳ trung, độc phát hại nhân, huýnh tuyệt hành tích. Thời hữu trí giả, dĩ hỏa thiêu lâm, chư đại ác thú, vô phục di dư. Tâm không, kiến diệt, diệc phục như thị” (Ví như rừng rậm, um tùm, tươi tốt, sư tử, voi trắng, cọp, sói, ác thú, ẩn nấp trong ấy, tỏa chất độc hại người mất bặt dấu vết. Khi ấy, có người trí dùng lửa đốt rừng, các loài ác thú to chẳng còn sót gì. Tâm không, kiến diệt, cũng giống như thế). Lại như kinh Ma Ha Diễn Bảo Nghiêm nói: “Thí như họa sư, tác quỷ thần tượng, tức tự khủng cụ. Như thị Ca Diếp, chư phàm ngu nhân tự tạo sắc, thanh, hương, vị, tế, hoạt chi pháp, luân chuyển sanh tử. Bất tri thử pháp, diệc phục như thị” (Ví như thợ vẽ tạo ra hình tượng quỷ thần rồi tự sợ hãi. Này Ca Diếp, cũng như thế đó, những kẻ phàm ngu tự tạo ra các pháp sắc, thanh, hương, vị, mịn, trơn rồi luân chuyển trong sanh tử, chẳng biết những pháp ấy cũng giống như thế). Nay thánh nữ hiểu rõ hết thảy các pháp đều là do ý mà sanh ra hình tượng, do tâm mà hiện tướng, biết tâm như huyễn, chẳng có ý nghĩa nhất định, những gì ta thấy sai khác đều tùy tâm sanh diệt. Đã biết là như huyễn, há còn sợ hãi ư?

***

[1] Đây là một vị trời được nhắc đến trong bộ sách Tướng Luật Cảm Thông Truyện của ngài Đạo Tuyên. Theo đó, khi Tổ hỏi về các vị trời, một vị thiên nhân đã cho biết ông ta họ là Phí, là thuộc hạ của Vi Đà Bồ Tát. Vi Đà Bồ Tát họ Vi, tên là Côn, chính là một trong tám vị tướng quân của Nam Phương Thiên Vương, phát nguyện ủng hộ, hoằng dương Phật pháp sâu xa. Thiên nhân Phí Thị cho biết: “Đệ tử vào thời Phật Ca Diếp, sanh trong Tứ Vương Thiên, làm thuộc hạ của Vi Tướng Quân (Vi Đà Bồ Tát). Chư thiên say sưa tham dục, con do sức túc nguyện nên chẳng bị say đắm bởi dục lạc cõi trời, giữ phạm hạnh thanh tịnh, kính trọng giới luật. Vi Tướng Quân đồng chân phạm hạnh, chẳng hưởng dục lạc cõi trời. Dưới mỗi vị thiên vương có tám vị tướng quân. Tứ Thiên Vương có tất cả ba mươi hai vị tướng quân, trọn khắp thiên hạ, lui tới bảo vệ những người xuất gia”. Những điều trích dẫn trong sách Khoa Chú về thiên nhân họ Phí đều trích từ sách ấy.

[2] “Tự” theo nghĩa gốc là cơ quan làm việc, chẳng hạn Hồng Lô Tự, Đại Lý Tự, Thái Thường Tự, Quang Lộc Tự… trực thuộc sáu bộ. Chùa được gọi là Tự vì thoạt đầu các vị Ca Diếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan được Hồng Lô Tự Khanh mời tạm trụ tại dinh thự của Hồng Lô Tự. Nơi đó về sau biến thành Bạch Mã Tự.

[3] Mao Thi là kinh Thi do Mao Hanh và Mao Tranh biên tập, chỉnh lý dưới thời Tây Hán. Kinh Thi vốn là một tác phẩm sưu tập những bài dân ca thời Chiến Quốc Xuân Thu, do Khổng Tử biên tập, chỉnh lý. Sau khi Tần Thủy Hoàng đốt sách, chôn học trò, tác phẩm này cũng bị tàn khuyết ít nhiều. Do vậy, đến đời Hán, Khổng giáo đại thịnh, mới có chuyện chỉnh lý các bản kinh điển Nho gia bị tàn khuyết. Mao Hanh và Mao Tranh đã sưu tập các dị bản đương thời, đối chiếu, cân nhắc, chỉnh lý thành một bản kinh Thi hoàn chỉnh. Để phân biệt với công trình chỉnh lý kinh Thi của những người khác, bản này được gọi là Mao Thi. Bài thơ “ai ai phụ mẫu” nói ở đây chính là bài Lục Nga trong phần Tiểu Nhã của kinh Thi.


ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH KHOA CHÚ