ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH KHOA CHÚ
Đường Tam Tạng sa-môn Thật Xoa Nan Đà dịch
Cổ Diêm Khuông Am Thanh Liên bật-sô Linh Thừa soạn
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
3.1.2.2.3.2.2.1.1.2. Chánh minh (nói rõ nhân địa)
(Kinh) Địa Tạng Bồ Tát chứng Thập Địa quả vị dĩ lai, thiên bội đa ư thượng dụ, hà huống Địa Tạng Bồ Tát tại Thanh Văn, Bích Chi Phật địa.
(經)地藏菩薩證十地果位已來,千倍多於上喻,何況地藏菩薩在聲聞,辟支佛地。
(Kinh: Kể từ khi Địa Tạng Bồ Tát chứng quả vị Thập Địa đến nay, [thời gian ấy] đã ngàn lần nhiều hơn thí dụ trên đây, huống hồ [thời gian] Địa Tạng Bồ Tát còn thuộc các địa vị Thanh Văn và Bích Chi Phật).
Trong đoạn kinh văn này, trước hết là nêu thí dụ về Đại Thừa, sau là nói “huống hồ khi Ngài còn đang tu Tiểu Quả”. Chỉ nêu ra Thập Địa, lược đi các hiền vị (địa vị Tam Hiền) như Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, tức là chỉ dựa theo các địa vị chứng đắc trong Thập Thánh (từ Sơ Địa cho đến Thập Địa) để so sánh. Đấy là luận định dựa theo Biệt Giáo. Nếu xét theo Viên Giáo, từ Sơ Trụ cho đến Đẳng Giác có tất cả bốn mươi mốt địa vị đều là “chân nhân vị” (địa vị chân thật trong khi còn đang tu nhân). Nay vẫn nói theo Biệt Giáo: Một là Hoan Hỷ Địa, từ đây trở đi dùng Trung Đạo Quán, phá một phần vô minh, hiển lộ một phần Tam Đức (Pháp Thân, Bát Nhã, Giải Thoát). Đấy là địa vị Kiến Đạo, lại còn là địa vị Vô Công Dụng. Làm Phật trong trăm thế giới, [thị hiện] tám tướng thành đạo, lợi ích chúng sanh, đi năm trăm do-tuần, mới nhập Thật Tướng vô chướng ngại độ, mới vào bảo sở (chỗ có của báu, tức đạt đến quả vị rốt ráo), cho nên gọi là Hoan Hỷ. Hai là Ly Cấu, ba là Phát Quang, bốn là Diễm Huệ, năm là Nan Thắng, sáu là Hiện Tiền, bảy là Viễn Hành, tám là Bất Động, chín là Thiện Huệ, mười là Pháp Vân. Mỗi địa vị đều đoạn một phẩm vô minh, chứng một phần Trung Đạo… Nhưng Địa Tạng Bồ Tát chứng nhập như thế, dù Biệt hay Viên, đều thuộc quả vị Thập Địa. Cho đến hiện tại, kiếp số ấy dài lâu hơn số kiếp tính bằng số lượng bụi tích tập trong các thế giới trên đây không chỉ vượt quá ngàn lần! Huống hồ [thời gian Ngài trụ] trong các địa vị Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng của Đại Thừa, huống hồ trong các tiểu quả thuộc những địa vị Thanh Văn, Bích Chi Phật ư?
Nghe âm thanh nói về Tứ Đế Khổ Tập Diệt Đạo bèn chứng quả thì gọi là Thanh Văn (Śrāvaka), nhưng trong ấy có Quyền và Thật. Thật là như thường (là Thanh Văn thật sự). Quyền thì như kinh Thập Luân có nói Địa Tạng Bồ Tát và tám mươi trăm ngàn na-dữu-đa (nayutaḥ) tần-bạt-la (vimvara)[1] Bồ Tát do sức thần thông, hiện hình tượng Thanh Văn từ phương Nam đến, lễ Phật, tán thán. Dựa theo hiện tại để ước đoán xưa kia, há chẳng phải là như vậy ư?
Chữ Bích Chi Ca La (Pratyekabuddha) trong tiếng Phạn được phương này dịch là Duyên Giác, [hàm ý] do quán duyên mà ngộ đạo. Còn dịch là Độc Giác, do vị ấy ra đời trong khi không có Phật. [Đối với Duyên Giác] cũng đáng nên luận định Quyền, Thật [như trên]. Ở đây, chẳng xét theo Đại, Tiểu để so sánh, chỉ nhằm tỏ rõ “đã trải qua thời gian lâu xa”. Nhân địa như thế, ai có thể tính lường là lâu xa hay gần đây cho được!
3.1.2.2.3.2.2.1.1.3. Kết hiển (kết lại phần hiển thị thời gian tu nhân)
(Kinh) Văn Thù Sư Lợi! Thử Bồ Tát oai thần thệ nguyện, bất khả tư nghị.
(經)文殊師利!此菩薩威神誓願,不可思議。
(Kinh: Này Văn Thù Sư Lợi! Oai thần và thệ nguyện của vị Bồ Tát này chẳng thể nghĩ bàn).
Đoạn này kết lại oai lực và thần thông “hàng ma, chế phục ngoại đạo”, nguyện tâm hoằng thệ rộng độ các phẩm vị [của Địa Tạng Bồ Tát] đều là hàng Tiểu Thừa chẳng thể suy lường được, những kẻ thuộc các địa vị thấp hơn sẽ chẳng thể nói được.
Vì thế, trong kinh Thập Luân, đức Phật đã bảo Hảo Nghi Vấn Bồ Tát: “Như thị Đại Sĩ công đức thiện căn, nhất thiết thế giới thiên nhân đại chúng, giai bất năng trắc kỳ lượng thiển thâm. Nhược Như Lai quảng thuyết như thị Đại Sĩ công đức thiện căn, nhất thiết thế gian thiên nhân đại chúng giai sanh mê muộn, hoặc bất tín thọ. Như thị Đại Sĩ thành tựu vô lượng bất khả tư nghị thù thắng công đức, thiện năng ngộ nhập Như Lai cảnh giới, ư chư Phật pháp dĩ đắc tự tại, vị dục thành thục nhất thiết hữu tình, sở tại Phật quốc tất giai chỉ trụ” (Công đức và thiện căn của vị Đại Sĩ như thế, đại chúng trời người trong hết thảy các thế giới đều chẳng thể tính lường sâu hay cạn được! Nếu đức Như Lai rộng nói công đức và thiện căn của vị Đại Sĩ như thế, đại chúng trời người trong hết thảy các thế gian đều mê man, hoặc chẳng tin nhận. Vị Đại Sĩ như thế thành tựu vô lượng công đức thù thắng chẳng thể nghĩ bàn, khéo có thể ngộ nhập cảnh giới của Như Lai, đã được tự tại trong pháp của chư Phật, vì muốn thành thục hết thảy hữu tình thảy đều an trụ trong các cõi Phật). Đại Luận gọi “bất khả tư nghị” là Bất Quyết Định, do chẳng thể quyết định chuyện giáo hóa ấy. Vì thế gọi là Bất Khả Tư Nghị (chẳng thể nghĩ bàn).
3.1.2.2.3.2.2.1.2. Thị văn tán cúng tượng công đức (chỉ ra công đức do tán thán, cúng dường tượng Bồ Tát)
(Kinh) Nhược vị lai thế, hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân, văn thị Bồ Tát danh tự. Hoặc tán thán, hoặc chiêm lễ, hoặc xưng danh, hoặc cúng dường, nãi chí thái họa, khắc lũ, tố tất hình tượng. Thị nhân đương đắc bách phản sanh ư Tam Thập Tam Thiên, vĩnh bất đọa ác đạo.
(經)若未來世,有善男子,善女人,聞是菩薩名字。或讚歎,或瞻禮,或稱名,或供養,乃至彩畫刻鏤,塑漆形像。是人當得百返生於三十三天,永不墮惡道。
(Kinh: Nếu trong đời vị lai, có thiện nam tử, thiện nữ nhân, nghe danh tự của vị Bồ Tát này mà hoặc tán thán, hoặc chiêm lễ, hoặc xưng danh, hoặc cúng dường, cho đến vẽ vời, chạm khắc, đắp, sơn hình tượng, người ấy sẽ được trăm lần sanh trong Tam Thập Tam Thiên, vĩnh viễn chẳng đọa ác đạo).
“Nhược” (若) là từ ngữ bất định, bởi kẻ làm ác thì nhiều, người hành thiện thì ít; mà cũng là lời lẽ diễn tả vui mừng khi gặp gỡ. Tức là nếu có nam nữ tu thiện, nghe danh tự của Địa Tạng Bồ Tát bèn cung kính, người ấy ắt sẽ vĩnh viễn đạt được phước to lớn. Chuyện này không hạn cuộc trong hai chúng tại gia, như trong kinh Thập Luân, Địa Tạng Bồ Tát được gọi là “thiện nam tử”, tức là cả bảy chúng[2] trong ba thừa
đều có thể xưng hô như vậy. Do “chẳng làm các điều ác, vâng làm các điều thiện”, phàm là trong Phật pháp, có ai mà chẳng tuân hành? “Nghe danh hiệu Bồ Tát…”, nghe danh hiệu bèn gieo chủng tử, có cảm bèn ứng. Ví như hồng chung treo trên giá, hễ gõ liền kêu. Giải thích về chữ Danh thì như trong phần Luân Quán. Tự (字) [nghĩa gốc là] “có sữa”. Trai có vợ, gái có chồng, sau đó sanh con đẻ cái. Do chữ Miên (宀, giống như nhà cửa) và Tử (子) [ghép lại thành chữ Tự (字), diễn tả ý “người đàn bà đã có con, cơ thể sanh ra sữa”], thuộc loại Hội Ý. Nay mượn làm chữ Tự trong Danh Tự. Cổ nhân nói chuyện với nhau, nếu gọi thẳng tên là cách nói chất phác, người đời Châu đã chuộng gọi nhau bằng Tự, coi đó là cách nói bóng bẩy. Nhưng danh tự của Bồ Tát, tuy do đức mà lập, vẫn là giả đặt bày. Kinh Đại Phẩm Bát Nhã nói: “Bát Nhã Ba La Mật, đản hữu danh tự. Bồ Tát, diệc đản hữu danh tự. Thị danh tự bất tại nội, ngoại, trung gian, hòa hợp cố hữu. Bất sanh, bất diệt, đản dĩ thế gian danh tự cố thuyết” (Bát Nhã Ba La Mật chỉ có danh tự. Bồ Tát cũng chỉ có danh tự. Danh tự ấy chẳng ở trong, chẳng ở ngoài, chẳng ở chặng giữa, do hòa hợp mà có. Chẳng sanh, chẳng diệt, chỉ vì danh tự thế gian mà nói). Do vậy biết danh tự ấy vốn là Không. Đã biết là không tịch, cho nên cảm ứng đạo giao. Vì thế, nghe danh tự của vị Bồ Tát này, hoặc dùng ngôn từ để tán thán, hoặc chiêm ngưỡng hình tướng thù thắng của bậc tôn thánh mà lễ bái, hoặc chuyên xưng danh tự, hoặc kiền thành tu cúng dường, hoặc chọn lựa tinh tế năm màu để vẽ vời, hoặc khéo đẵn các loại gỗ để chạm khắc, hoặc nhờ vào đất sạch để đắp nặn, hoặc nhờ vào keo sơn để tô phết, tạo thành hình tượng Ngài để cung kính. Người ấy trong đời tương lai, nhất định sẽ trăm lượt sanh vào Tam Thập Tam Thiên, vĩnh viễn chẳng đọa vào chốn tam ác đạo.
Tam Thập Tam Thiên thì có hai thuyết. Theo Chánh Pháp Niệm Xứ Kinh, Đao Lợi dịch là Tam Thập Tam. Đấy là một tầng trời thuộc Địa Cư Thiên. Nếu sanh vào đó một trăm lần, tức là địa vị thấp kém, nơi chốn hẹp hòi, há có thể hiển lộ oai thần thệ nguyện chẳng thể nghĩ bàn của đức Địa Tạng ư? Phải hiểu là ba mươi ba cõi trời như trong Quán Đảnh Chú Kinh đã liệt kê thì mới phù hợp kinh văn! Những cõi trời ấy chính là Cận Tế, Phổ Quán, Khoái Kiến, Vô Kết Ái, Sắc Cứu Cánh, Tịnh Quang, Phổ Đẳng, Ái Thắng, Phước Ái, Cực Diệu, Quảng Diệu, Vi Diệu, Thủ Diệu, Tịnh Minh, Biến Tịnh, Ước Tịnh, Thủy Ứng Phạm, Thủy Vô Lượng Phạm, Thủy Vi Phạm, Thủy Hành Phạm, Ma Ha Phạm, Phạm Phụ Lộc, Phạm Chúng Diệu, Hóa Tự Tại, Hóa Ứng Thanh, Bất Kiêu Lạc, Đâu Suất Đà, Diêm Ma La, Đao Lợi, Tỳ Sa Môn, Duy Chiêm Văn, Tỳ Lâu Lặc, Đề Đầu Lại Trá. Đấy là các tầng trời thuộc Dục Giới và Sắc Giới, từ Tứ Vương Thiên lên đến Ngũ Tịnh Cư, lại từ Ngũ Tịnh Cư trở xuống Tứ Thiên Vương Thiên, lần lượt sanh vào các tầng trời trong ấy, trong mỗi tầng trời đều hưởng hết thọ mạng trong tầng trời ấy. Một trăm lượt như thế, hưởng tột cùng niềm vui trên cõi trời. Tu nhân ít mà thọ báo nhiều, trải qua thời gian ngắn mà hưởng phước lâu xa, mới hiển lộ thần lực chẳng thể nghĩ bàn của đức Địa Tạng. Nếu là như thế, há có nên sanh lên trời hưởng phước, lại còn vĩnh viễn lìa khỏi ác đạo hay chăng? Hãy nên biết người căn cơ viên đốn, như vương tử ở trong thai, vừa nghe danh, tạc tượng, bèn sanh lên trời, lìa ác. Đấy gọi là “Thập Thiện Bồ Tát phát đại tâm, vĩnh viễn giã biệt biển khổ trong tam giới”, đó là ý chỉ của bản kinh này vậy.
3.1.2.2.3.2.2.2. Quảng thuyết hạnh nguyện (rộng nói về hạnh nguyện)
3.1.2.2.3.2.2.2.1. Trưởng giả cầu Phật tướng hảo (trưởng giả cầu tướng hảo của Phật)
3.1.2.2.3.2.2.2.1.1. Đằng tích kiến Phật phát nguyện (nêu rõ chuyện thấy Phật phát nguyện trong quá khứ)
3.1.2.2.3.2.2.2.1.1.1. Tự viễn kiếp Phật hiệu (trần thuật danh hiệu Phật trong kiếp lâu xa)
(Kinh) Văn Thù Sư Lợi! Thị Địa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát, ư quá khứ cửu viễn bất khả thuyết bất khả thuyết kiếp tiền, thân vi đại trưởng giả tử. Thời thế hữu Phật, hiệu viết Sư Tử Phấn Tấn Cụ Túc Vạn Hạnh Như Lai.
(經)文殊師利!是地藏菩薩摩訶薩,於過去久遠不可說不可說劫前,身為大長者子。時世有佛,號曰師子奮迅具足萬行如來。
(Kinh: Này Văn Thù Sư Lợi! Địa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát trong bất khả thuyết bất khả thuyết kiếp trước lâu xa trong đời quá khứ, làm thân đại trưởng giả. Lúc ấy, trong cõi đời có Phật, hiệu là Sư Tử Phấn Tấn Cụ Túc Vạn Hạnh Như Lai).
Đoạn này trần thuật nguyên do phát tâm tối sơ. Chữ Tiền (前) [trong chánh kinh] mà coi là chữ đầu tiên trong câu kế tiếp thì chẳng hay như là chữ cuối trong câu trước đó. “Đại trưởng giả” là danh xưng chung của bậc tuổi cao đức trọng trong cả hai cõi. Như cuối đời Xuân Thu, nước ta có Trịnh trưởng giả. Những nhà có thế lực ở Tây Trúc đều được gọi là Trưởng Giả. Sách Pháp Hoa Văn Cú nói [trưởng giả] có mười đức:
– Một là dòng họ tôn quý ([chẳng hạn như] hậu duệ của hoàng đế, nhà quan lại).
– Hai là địa vị cao (bậc Thừa Tướng phụ bật (phù tá của nhà vua), là bậc hiền tài rường cột, quan dạy các hoàng tử).
– Ba là giàu to (núi đồng, hang vàng, giàu có, dư dật, chẳng thiếu thứ gì).
– Bốn là oai mãnh (nghiêm nghị, trang trọng, tự nhiên có oai).
– Năm là trí sâu (bụng như kho vũ khí (ý nói có tài dụng binh), quyền biến kỳ diệu, tài nghệ nổi bật).
– Sáu là tuổi cao (tóc đã hoa râm, nhưng sắc bén, phong thái được mọi người nể phục).
– Bảy là hạnh thanh tịnh (ngọc khuê trắng không tỳ vết, làm đúng như lời nói).
– Tám là trọn đủ lễ tiết (chừng mực tường tận, là tấm gương cho cõi đời nhìn vào).
– Chín là được người trên ca ngợi (được bề trên kính trọng).
– Mười là kẻ dưới quy phục (bốn biển quy phục).
Có đủ mười đức ấy thì mới gọi là Trưởng Giả. Tử (子) là tiếng tôn xưng, như trong cõi đời nói Khổng Tử, Lão Tử v.v… [Trưởng giả tử] chẳng phải là con của ông trưởng giả!
Sư Tử Phấn Tấn là mượn dùng thí dụ để lập danh hiệu Phật, chẳng phải là sư tử thật sự. Như sư tử riêng là loài không sợ hãi trong các loài thú bốn chân, có thể chế phục hết thảy; Phật cũng giống như thế. Trong chín mươi sáu thứ ngoại đạo, Ngài hàng phục hết thảy, không sợ hãi, cho nên được gọi là Sư Tử. Phấn (奮) là phấn chấn. Tấn (迅) là nhanh chóng; mượn thí dụ để hiển thị pháp. Như sư tử trong cõi đời, phấn tấn có hai chuyện: Một là chân đạp tung bụi; hai là có thể đi trước, chạy nhanh, nhanh nhẹn khác hẳn các loài thú khác. Môn tam-muội này cũng giống như vậy, một là quét sạch những thứ Hoặc (phiền não) vô tri vi tế gây chướng ngại cho Định; hai là có thể xuất nhập nhanh chóng, chẳng gián đoạn.
Cụ Túc Vạn Hạnh: Kinh Đại Phẩm Bát Nhã nói “nhất tâm cụ vạn hạnh” (nhất tâm có đủ muôn hạnh) là nói về ý này. Một chính là hết thảy các danh đều trọn đủ; hết thảy chính là một danh trọn đủ. Đã trừ các thứ Hoặc gây chướng ngại cho Định, xuất nhập tam-muội nhanh chóng, tức là trong một có vô lượng, trong vô lượng có một. Do vậy biết Sư Tử Phấn Tấn tam-muội có thể trọn đủ muôn hạnh. Nếu là hành nhân sơ tâm, nắm được cái quả để thành tựu cái nhân, như kinh Niết Bàn dạy: “Kim Cang bảo tạng, cụ túc vô giảm, đản hữu thiển thâm minh muội chi thù” (Kho báu Kim Cang trọn đủ, chẳng giảm, chỉ có cạn, sâu, thông hiểu, mê muội sai khác).
3.1.2.2.3.2.2.2.1.1.2. Chánh vấn nhân phát nguyện (thưa hỏi cái nhân rồi phát nguyện)
Gồm hai phần:
– Hỏi do cái nhân nào mà [đức Phật] có được tướng [thù thắng].
– Phát nguyện độ sanh.
3.1.2.2.3.2.2.2.1.1.2.1. Vấn đắc tướng chi nhân (thưa hỏi do cái nhân nào mà [đức Phật] đạt được tướng thù thắng)
3.1.2.2.3.2.2.2.1.1.2.1.1. Trưởng giả vấn Phật (trưởng giả hỏi Phật)
(Kinh) Thời, trưởng giả tử, kiến Phật tướng hảo, thiên phước trang nghiêm, nhân vấn bỉ Phật tác hà hạnh nguyện, nhi đắc thử tướng?
(經)時,長者子,見佛相好,千福莊嚴,因問彼佛作何行願,而得此相?
(Kinh: Khi ấy, ông trưởng giả thấy tướng hảo của Phật, ngàn phước trang nghiêm, do đó bèn hỏi đức Phật ấy đã làm hạnh nguyện gì mà đạt được tướng ấy?)
“Kiến Phật” (Thấy Phật) tức là gặp gỡ giữa đường, thấy tướng hảo của Ứng Thân Phật, giống như “quán Phật tướng hảo bèn phát tâm” trong sách Ma Ha Chỉ Quán. Nói “nếu thấy thân do cha mẹ sanh ra của Như Lai, thân tướng rạng rỡ, tướng hảo dầy đặc, thượng cầu, hạ hóa, phát Bồ Đề tâm” chính là nói đến chuyện này. Nhìn vào có thể phân biệt được thì gọi là Tướng; trông thấy đáng yêu mến thì gọi là Hảo. Tướng là đại tướng hải, còn Hảo là tiểu tướng hải. Nếu Tướng không có Hảo, sẽ chẳng viên mãn; Hảo mà không có tướng, sẽ chẳng thể hiển lộ rạng rỡ được! Tướng và Hảo trang nghiêm lẫn nhau, Pháp Thân hiển lộ trọn vẹn.
“Thiên phước”: Dùng thân, khẩu, ý nghiệp thuộc điều thiện hữu lậu để tu hành Lục Độ, thành tựu một trăm phước đức. Dùng một trăm phước đức để thành tựu một tướng, dùng chuyện này để làm nghiệp nhân của ba mươi hai tướng. Sách Phụ Hành nói: “Bồ Tát tu Thập Thiện, mỗi điều thiện đều có năm tâm, tức là hạ, trung, thượng, thượng thượng, thượng trung thượng (điều tốt nhất trong bậc thượng). Thoạt đầu là phát năm tâm, cho đến trọn đủ năm tâm. Một trăm tâm như thế được gọi là trăm phước”. Nhưng phước có nhiều nghĩa, khó thể phán định dứt khoát! Có thuyết cho rằng “chữa cho người mù trong đại thiên thế giới đều được sáng mắt” là một phước v.v… Nói chung, dùng ba ngàn hai trăm phước để thành tựu ba mươi hai tướng đại nhân; vì thế nói là “thiên phước trang nghiêm” (ngàn phước trang nghiêm). Đại Luận nói: “Dùng ba mươi hai tướng và tám mươi tùy hình hảo để trang nghiêm, bên trong thì có vô lượng công đức Phật pháp. Cho nên nhìn Phật không chán. Người thấy thân Phật sẽ quên bẵng ngũ dục trong cõi đời, chẳng nhớ tới muôn sự. Nếu thấy một chỗ trên thân Phật sẽ yêu thích, không chán, chẳng thể dời mắt được”. Công đức nơi thân Phật là như thế, cho nên ông trưởng giả trông thấy, sanh lòng hoan hỷ cùng cực, lòng khát ngưỡng sâu xa; do vậy, thưa hỏi đức Phật ấy. Tướng hảo ấy chính là báo quả (cái quả do phước báo tạo thành) nơi thân Phật, quả ắt có nhân. Chẳng biết Ngài đã làm hạnh nguyện gì mà có thể đạt được tướng thù thắng, nhiệm mầu như thế?
3.1.2.2.3.2.2.2.1.1.2.1.2. Phật thị trưởng giả (Phật dạy trưởng giả)
(Kinh) Thời, Sư Tử Phấn Tấn Cụ Túc Vạn Hạnh Như Lai, cáo trưởng giả tử: “Dục chứng thử thân, đương tu cửu viễn độ thoát nhất thiết thọ khổ chúng sanh”.
(經)時,師子奮迅具足萬行如來,告長者子:欲證此身,當須久遠度脫一切受苦眾生。
(Kinh: Khi ấy, Sư Tử Phấn Tấn Cụ Túc Vạn Hạnh Như Lai bảo ông trưởng giả: “Muốn chứng thân này, hãy nên tu lâu dài phép độ thoát hết thảy chúng sanh đang chịu khổ”).
Đây là dạy cách cầu tướng. Ba mươi hai tướng ấy chính là quả báo
của lòng đại bi. Vì thế, cần phải độ thoát chúng sanh để làm căn bản cho tướng hảo! Đấy là các kinh Đại Thừa rộng nói về tướng trạng trải bao kiếp tu hành của Bồ Tát. Đã là thực hiện dài lâu, hành theo thứ tự cách biệt, thì chính là pháp tu chứng của Đại Thừa Biệt Giáo. Kinh Niết Bàn nói: “Tứ Đế nhân duyên hữu vô lượng tướng, phi Thanh Văn, Duyên Giác sở tri” (Nhân duyên của Tứ Đế có vô lượng tướng, hàng Thanh Văn, Duyên Giác chẳng thể biết được). Vì thế nói là “cửu viễn” (久遠, lâu xa).
Hỏi: Ngài Địa Tạng phát tâm đã là Biệt, nay vì sao phán giáo [pháp môn này] giống như Viên?
Đáp: Phát tâm vốn là Viên, nhờ vào Biệt để nói. Kinh Duy Ma dạy: “Tuy tri chư Phật quốc, cập dữ chúng sanh không, nhi thường tu Tịnh Độ, giáo hóa ư quần sanh. Chư hữu chúng sanh loại, hình thanh cập oai nghi, vô úy lực Bồ Tát, nhất thời năng tận hiện” (Tuy biết các cõi Phật và chúng sanh đều là không, nhưng thường tu Tịnh Độ, giáo hóa các quần sanh. Đối với các loài chúng sanh trong các cõi, bậc Bồ Tát có sức vô úy đều có thể trong cùng một lúc mà hiện trọn hết các hình tướng, âm thanh và oai nghi). “Hạnh Biệt, tâm Viên” đã được nói rõ trong đoạn kinh văn ấy. Nhưng Phần Viên chính là Biệt, dung thông Biệt thì chính là Phần Viên, chẳng thể luận định ý nghĩa theo kiểu nhất loạt được!
3.1.2.2.3.2.2.2.1.1.2.2. Phát độ sanh chi nguyện (phát nguyện độ sanh)
(Kinh) Văn Thù Sư Lợi! Thời trưởng giả tử nhân phát nguyện ngôn: “Ngã kim tận vị lai tế, bất khả kế kiếp, vị thị tội khổ lục đạo chúng sanh, quảng thiết phương tiện, tận linh giải thoát, nhi ngã tự thân, phương thành Phật đạo”.
(經)文殊師利!時長者子因發願言:我今盡未來際,不可計劫,為是罪苦六道眾生,廣設方便,盡令解脫,而我自身,方成佛道。
(Kinh: Này Văn Thù Sư Lợi! Khi ấy, ông trưởng giả do vậy bèn phát nguyện: “Cho đến hết đời vị lai chẳng thể tính kiếp, con sẽ vì các chúng sanh tội khổ trong lục đạo mà rộng lập bày phương tiện, khiến cho họ được giải thoát rồi bản thân con mới thành Phật đạo”).
Đây là nêu ra lời phát nguyện trong thuở xưa của vị trưởng giả.
Hai câu kể từ “ngã kim” (con nay) nêu rõ lúc [bắt đầu] độ sanh. Câu “vị thị tội khổ” (vì những người tội khổ này) nói rõ căn cơ được hóa độ. Bốn câu từ “quảng thiết” (rộng lập bày) nêu bày điều Ngài phát nguyện. “Tội khổ lục đạo”: Kinh Pháp Hoa nói: “Kiến lục đạo chúng sanh, bần cùng vô phước huệ, nhập sanh tử hiểm đạo, tương tục khổ bất đoạn” (Thấy lục đạo chúng sanh, nghèo túng, không phước huệ, vào đường hiểm sanh, liên tục khổ chẳng ngừng). Tuy [sáu đường] phân chia thành thiện hay ác, nhưng đều chẳng tránh khỏi nỗi khổ sanh, lão, bệnh, tử!
“Quảng thiết phương tiện” (Rộng lập phương tiện) là chuyện trọng yếu để xuất Giả. Sách Ma Ha Chỉ Quán viết: “Nhân duyên để nhập Giả, nói đại lược thì có năm điều: Một là tâm từ bi sâu nặng. Hai là nhớ đến thệ nguyện của chính mình. Ba là trí huệ nhạy bén. Bốn là phương tiện hay khéo. Năm là sức đại tinh tấn”. Nếu đối chiếu những điều trên đây với đoạn kinh văn ở đây thì mỗi mỗi đều trọn đủ. Căn cơ đã chẳng phải là một loại thì pháp cũng có nhiều môn. Vì thế, rộng lập phương tiện khiến cho bốn môn đều nhập. Đối với giải thoát mà nói là “tận linh” (khiến cho trọn hết) thì như kinh Tiểu Phẩm Bát Nhã đã nói: “Nhược thai, noãn, thấp, hóa đẳng, ngã giai linh nhập Vô Dư Niết Bàn” (Đối với các loài sanh bằng thai, trứng, thấp sanh, hóa sanh v.v… ta đều khiến cho họ nhập Vô Dư Niết Bàn) chính là ý này. Kinh Phổ Diệu dạy: “Vô ngũ thú, ngũ ấm, lục suy, tắc thị Nê Hoàn” (Chẳng có năm đường, năm ấm, sáu điều suy[3], thì chính là Niết Bàn), đấy chính là ý chỉ của kinh này. “Ngã phương thành Phật đạo” (Ta mới thành Phật đạo): Kinh Lăng Nghiêm nói: “Tự vị đắc độ, tiên độ chúng sanh giả, Bồ Tát phát tâm dã” (Chính mình chưa đắc độ mà đã độ chúng sanh trước, đó là Bồ Tát phát tâm). Năm điều trong sách Ma Ha Chỉ Quán [như vừa trích dẫn trên đây] đã giải thích đại lược chuyện này. Nếu có tâm mong muốn như thế, dẫu ở trong sanh tử phiền não, vẫn chẳng thể tổn hại trí huệ của ta được, [những thứ] ngăn chướng, gây nạn càng giúp cho hóa đạo [mạnh mẽ] vậy!
3.1.2.2.3.2.2.2.1.2. Thị kim nhân vị độ sanh (chỉ ra sự độ sanh trong địa vị tu nhân trong hiện thời)
(Kinh) Dĩ thị ư bỉ Phật tiền, lập tư đại nguyện. Ư kim bách thiên vạn ức na-do-tha bất khả thuyết kiếp thượng vi Bồ Tát.
(經)以是於彼佛前,立斯大願。於今百千萬億那由他不可說劫尚為菩薩。
(Kinh: Do Ngài đối trước đức Phật ấy, lập ra đại nguyện đó, cho đến nay, trong trăm ngàn vạn ức na-do-tha bất khả thuyết kiếp vẫn làm Bồ Tát).
Trong kinh Hoa Nghiêm, Hiền Thủ Bồ Tát nói: “Nhược hữu Bồ Tát sơ phát tâm, thệ cầu đương chứng Phật Bồ Đề, bỉ chi công đức vô biên tế, bất khả xưng lượng, vô dữ đẳng! Hà huống vô lượng vô biên kiếp, cụ tu địa độ chư công đức, Thập Lực nhất thiết chư Như Lai, tất cộng xưng dương bất năng tận. Dĩ thử Bồ Tát văn viên pháp, khởi viên tín, lập viên hạnh, trụ viên vị, dĩ viên công đức nhi tự trang nghiêm, dĩ viên lực dụng kiến lập chúng sanh” (Nếu có Bồ Tát sơ phát tâm, thề cầu chứng quả Bồ Đề của Phật, công đức của người ấy chẳng có ngằn mé, chẳng thể kể lường, chẳng sánh bằng! Huống hồ trong vô lượng vô biên kiếp, tu đủ các công đức thuộc các địa vị và các độ (Ba La Mật) thì mười phương hết thảy các đức Như Lai đều cùng ca ngợi chẳng thể cùng tận. Do vị Bồ Tát ấy nghe pháp viên mãn, dấy lòng tin viên mãn, lập hạnh viên mãn, trụ nơi địa vị viên mãn, dùng công đức viên mãn để tự trang nghiêm, dùng sức viên mãn để kiến lập chúng sanh). Sơ tâm còn như thế, huống hồ trung, hậu tâm. Vì thế, sách Tứ Giáo Nghĩa viết: “Do vậy, giảng kinh, thuyết pháp trong một tông, ắt cần phải khéo léo cởi gỡ [những nghi vấn] cho hàng sơ tâm. Nếu là người thuộc địa vị sâu xa của bậc hiền thánh, chỉ cần chỉ vẽ đôi chút là được rồi. Người học Phật đạo, chớ nên không biết!”
3.1.2.2.3.2.2.2.2. Thị thánh nữ ức mẫu cảm Phật (dạy về thánh nữ nhớ mẹ cảm Phật)
Phần này chia thành hai:
– Nêu bày hạnh nguyện.
– Từ “Phật cáo Văn Thù” (đức Phật bảo Văn Thù) trở đi, kết lại chuyện xưa nay.
3.1.2.2.3.2.2.2.2.1. Đằng tích hạnh nguyện (nêu rõ hạnh nguyện xưa)
Phần này chia thành hai:
– Nêu ra chuyện đã làm trong lúc tu nhân.
– Tỏ rõ Bồ Tát phát nguyện rộng lớn.
3.1.2.2.3.2.2.2.2.1.1. Cử sở hành nhân sự (nêu ra chuyện đã làm trong lúc tu nhân)
3.1.2.2.3.2.2.2.2.1.1.1. Cử Phật hiệu kiếp thọ (nêu ra danh hiệu Phật, kiếp số, và thọ lượng)
(Kinh) Hựu ư quá khứ bất khả tư nghị A-tăng-kỳ kiếp, thời thế hữu Phật, hiệu viết Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai.
(經)又於過去不可思議阿僧祇劫,時世有佛,號曰覺華定自在王如來。
(Kinh: Lại trong quá khứ chẳng thể nghĩ bàn A-tăng-kỳ kiếp, thuở ấy, trong cõi đời có Phật, hiệu là Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai).
A-tăng-kỳ (Asaṃkhyeya), hoặc A-tăng-xí-da, cõi này dịch là Vô Ương Số (Ương (央) là cùng tận). Kinh Bồ Tát Địa Trì nói: “Nhất giả, nhật, nguyệt, trú, dạ, tuế số vô lượng. Nhị giả, đại kiếp vô lượng, danh A-tăng-kỳ” (Một là ngày, tháng, ban đêm, ban ngày, năm, số lượng của chúng đều đến vô lượng. Hai là đại kiếp vô lượng, gọi là A-tăng-kỳ). Ý nghĩa của chữ Kiếp như đã nói trong phần trên. Nhưng A-tăng-kỳ kiếp chẳng thể nghĩ bàn như thế, đức Phật ta (Thích Ca Mâu Ni Phật) thấy giống như trong hiện thời. Sức Túc Mạng Trí há nghĩ bàn được ư? Như xưa kia, vua Phân Hòa Đàn đấu trí với đức Phật, đức Phật bảo nhà vua: “Dùng nước biển làm nghiên mực, chặt cây làm bút để viết những kinh ta biết. Dù nước biển cạn khô, chặt sạch cây cối, kinh của ta chẳng hết. Vì cớ sao vậy? Phật có ba đạt trí (trí thông đạt), từ xưa đến nay không gì chẳng thông đạt”. Đây là chuyện trong kiếp quá khứ nhiều như số vi trần, [Như Lai thấy rõ ràng] như nhìn quả Am-ma-lặc (quả xoài) đặt trong lòng bàn tay.
Giác Hoa Định Tự Tại Vương là dùng Định để đặt tên. Kinh Duy Ma nói: “Giác ý tịnh diệu hoa” (Hoa giác ý thanh tịnh, mầu nhiệm). “Giác” chính là tánh Bổn Giác. Nhục đoàn tâm (quả tim thịt) hình dạng như đóa hoa sen có tám cánh, tức là biểu thị tám thức Tâm Vương, mỗi cánh là một vị Như Lai. Kinh Như Lai Tạng nói: “Phật quán nhất thiết phiền não tâm trung, hữu Như Lai kết già phu tọa, nghiễm nhiên bất động, đức tướng cụ túc” (Phật quán trong hết thảy cái tâm phiền não có một vị Như Lai ngồi xếp bằng, nghiễm nhiên bất động, đức tướng trọn đủ). Đấy chính là thiên nhiên Tánh Đức mà các hàm linh vốn sẵn có. Hễ mê thì là phàm, ngộ thì là thánh. Trong lúc tu nhân, đức Phật ấy thường quán giác hoa đó trong tam-muội. Vị Phật nào cũng đều đang ở trong Định. Giác tánh hiển lộ trọn vẹn, tâm hoa nở ngay lập tức. Hoặc là từ một căn mà nhập Chánh Thọ, từ các căn mà xuất Định. Hoặc từ các căn nhập Chánh Thọ, từ một căn xuất Định. Hoặc từ một căn vừa xuất vừa nhập, hoặc chẳng xuất nhập. Hoặc từ một căn, một trần liền xuất nhập, liền vừa xuất vừa nhập, hoặc chẳng xuất nhập. Cho đến các phương khác, cũng giống như thế. Dù y báo hay chánh báo, đều đắc đại tự tại, tức là Tam Muội Vương, cho nên hiệu là Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai, tức là Báo Thân Phật, do Đệ Nhất Nghĩa Đế mà gọi là Như, do Chánh Giác mà gọi là Lai.
(Kinh) Bỉ Phật thọ mạng tứ bách thiên vạn ức A-tăng-kỳ kiếp.
(經)彼佛壽命四百千萬億阿僧祇劫。
(Kinh: Thọ mạng của đức Phật ấy là bốn trăm ngàn vạn ức A-tăng-kỳ kiếp).
“Bỉ Phật thọ mạng” (Thọ mạng của đức Phật ấy): Phàm là Phật, ắt phải luận định ba thân, đối với mỗi thân, đều nói đến thọ mạng. Pháp Thân chẳng có thọ và phi thọ, chẳng phải là có số lượng, chẳng phải là không có số lượng. Nay đã luận về kiếp số thì chẳng phải là Pháp Thân. Ứng Thân nhiều lượt hiện sanh, hiện diệt. Nay đã nói “bốn trăm ngàn vạn ức A-tăng-kỳ kiếp”, tức chẳng phải là Ứng Thân. Đây là nói về Báo Thân, cảnh và trí tương ứng thì gọi là Thọ, trí huệ là Mạng. Dùng Như Như Trí để khế hợp cảnh Như Như; Cảnh phát khởi Trí là Báo, Trí ngầm hợp Cảnh là Thọ. Cảnh đã là vô lượng biên, thường trụ bất diệt, Trí cũng như thế. Hộp to thì nắp cũng to. Nói “ngã trí lực như thị, cửu tu nghiệp sở đắc, huệ quang chiếu vô lượng, thọ mạng vô số kiếp” (trí lực ta như thế, nghiệp tu lâu bèn đắc, huệ quang chiếu vô lượng, thọ mạng vô số kiếp) chính là thọ lượng của cái mạng Báo Thân Trí Huệ. Do vậy, đức Phật có thọ mạng lâu xa như thế đó.
3.1.2.2.3.2.2.2.2.1.1.2. Thuật thánh nữ nhân hạnh (tường thuật nhân hạnh của thánh nữ)
Phần này gồm hai phần:
– Trần thuật, khi mẹ còn sống, thánh nữ đã khuyên mẹ sanh chánh kiến.
– Trần thuật sau khi mẹ chết, bèn nhớ mẹ, mong biết chỗ mẹ sẽ sanh về.
3.1.2.2.3.2.2.2.2.1.1.2.1. Thuật sanh tiền khuyến mẫu chánh kiến (trần thuật, khi mẹ còn sống, thánh nữ đã khuyên mẹ sanh chánh kiến)
3.1.2.2.3.2.2.2.2.1.1.2.1.1. Thánh nữ phước hậu (thánh nữ phước sâu dầy)
(Kinh) Tượng Pháp chi trung, hữu nhất Bà-la-môn nữ, túc phước thâm hậu, chúng sở khâm kính, hành, trụ, tọa, ngọa, chư thiên vệ hộ.
(經)像法之中,有一婆羅門女,宿福深厚,眾所欽敬,行住坐臥,諸天衛護。
(Kinh: Trong đời Tượng Pháp, có một cô gái thuộc giai cấp Bà-la-môn, phước xưa sâu dầy, được mọi người khâm phục, cung kính, đi, đứng, ngồi, nằm, chư thiên bảo vệ).
Chỉ rõ sau khi đức Phật nhập diệt, vào đời Tượng Pháp kiên cố. Tượng (像) tức là có hình dạng hơi giống. Hàn Tử nói: “Tượng (象, voi) là một loài thú lớn ở phương Nam, Trung Quốc chẳng biết, chỉ thấy hình vẽ rồi viết về nó. Vì thế, mượn nghĩa này nhằm giải thích ý nghĩa tương tự”. Đừng hiểu Tượng [trong Tượng Pháp] phải viết là Tượng (像), [nếu hiểu như vậy] thì sai mất rồi! Nhưng do thói quen lưu truyền đã lâu, khó thể sửa đổi, [cho nên vẫn viết Tượng Pháp là “像法”].
Chữ Bà-la-môn (Brahman) được Phổ Môn Sớ dịch là Tịnh Hạnh. Chủng tộc này có từ thời kiếp sơ, tự hưởng thanh nhàn trong núi non, đồng vắng, nên mọi người gọi họ là Tịnh Hạnh. Trong tiếng Phạn, nữ được gọi là Na, ở đây dịch là Nữ, tức là cô gái chưa kết hôn. Câu này nhằm nêu ra chủng loại, câu kế tiếp tán thán đức hạnh. “Túc phước thâm hậu” nói rõ cái nhân thù thắng trong quá khứ. Đại Luận nói: “Quả báo là phước. Nói đại lược thì có ba loại: Một là bố thí phước, tương phản với cái tâm keo kiệt. Hai là trì giới phước, tương phản với ác nghiệp. Ba là tu Định phước, tương phản với sân loạn trong Dục Giới”. Vị thánh nữ này trong đời quá khứ đã tu ba phước sâu dầy, khiến cho thân thích, họ hàng, người nhà, làng nước đều khâm phục, cung kính. Kinh Pháp Hoa nói: “Đoan chánh hữu tướng chi nữ, túc thực đức bổn, chúng nhân ái kính” (Người nữ có tướng đoan chánh, đời trước đã gieo cội đức, được mọi người kính yêu) chính là nói về ý này. Há chỉ là được mọi người khâm phục, cung kính? Phàm là trong bốn oai nghi, hết thảy chư thiên, thần, quỷ, không ai chẳng vây quanh bảo vệ, ủng hộ! Bởi lẽ phước lấy Bi và Kính làm khởi nguồn. Bi là thương xót những kẻ gian nan, cay đắng trong đường khổ, mong cứu giúp họ thoát lìa. Kính là biết Phật pháp khó thể gặp gỡ, lắng lòng tin tưởng, ngưỡng mộ rộng lớn. Do vậy, tuy là thiếu nữ, đã trọn đủ nguyện tâm của bậc Đại Sĩ, cho nên cảm chư thiên bảo vệ, ủng hộ!
3.1.2.2.3.2.2.2.2.1.1.2.1.2. Tà mẫu tội trọng (mẹ tà kiến, tội nặng)
3.1.2.2.3.2.2.2.2.1.1.2.1.2.1. Thánh nữ phương tiện khuyến mẫu (thánh nữ dùng phương tiện khuyên mẹ)
(Kinh) Kỳ mẫu tín tà, thường khinh Tam Bảo. Thị thời thánh nữ, quảng thiết phương tiện, khuyến dụ kỳ mẫu, linh sanh chánh kiến.
(經)其母信邪,常輕三寶。是時聖女,廣設方便,勸誘其母,令生正見。
(Kinh: Mẹ cô ta tin theo tà thuyết, thường khinh Tam Bảo. Khi ấy, thánh nữ rộng lập phương tiện để khuyên nhủ mẹ, khiến bà sanh chánh kiến).
Tín là sự chân thật nơi tâm. Ngũ Thường, Bách Hạnh, hễ tin thì sẽ thật sự có lý ấy. Chẳng tin bèn quên bẵng! Bà ta đã tin tà, chánh tín đã mất. “Tà” (邪) là tà kiến, tâm rong ruổi vượt ra ngoài lý. Bên trong đã chấp vào tà kiến, cho nên [thể hiện ra] ngoài là khinh miệt Tam Bảo, trở thành Nhất Xiển Đề (Icchantika), tạo tội Ngũ Vô Gián. Thuần Đà (Cunda Kammāraputra) hỏi Phật: “Nhất Xiển Để có nghĩa là như thế nào?” Đức Phật dạy: “Nhược hữu tứ chúng, phát thô ác ngôn, phỉ báng chánh pháp, ngôn vô Phật pháp chúng, bất tín nhân quả, bất tín nghiệp báo, bất thân thiện hữu, bất tùy chư Phật giáo giới, danh Nhất Xiển Đề” (Nếu có tứ chúng thốt lời thô ác, phỉ báng chánh pháp, bảo là không có những người tin theo Phật pháp, chẳng tin nhân quả, chẳng tin nghiệp báo, chẳng thân cận bạn lành, chẳng tuân theo lời răn dạy của chư Phật, thì gọi là Nhất Xiển Đề). Bởi lẽ, Nhất Xiển (Icchan) là Tín, Đề (Tika) là “chẳng trọn đủ”. Lòng tin đã không trọn đủ thì gọi là Nhất Xiển Đề. Chẳng có lòng tin, tự nhiên sẽ thường khinh rẻ Tam Bảo, tội nghiệp sâu dầy. Thánh nữ biết mẹ tà hạnh, ắt chìm đắm trong biển khổ. Do vậy, thiết tha kề cận, ân cần sáng tối, rộng nói pháp khéo léo, khuyến hóa, dẫn dụ, ắt khiến cho mẹ thường giữ được chánh kiến, tin tưởng, tôn trọng Tam Bảo để tránh khỏi nỗi khổ về sau. Ấy là vì Chánh Kiến đứng đầu Bát Chánh Đạo.
***
[1] Một Na-dữu-đa (na-do-tha) là 10 lũy thừa 112, tức là sau con số 1 có 112 con số 0. Một Tần-bạt-la là mười triệu. Triệu ở đây không phải là Million như cách hiểu theo hệ thống tính toán của phương Tây, mà phải hiểu theo cách tính toán của cổ nhân Trung Hoa, tức mười ngàn là một vạn, vạn vạn là một ức, một ngàn ức là một triệu. Như vậy một triệu là sau con số 1 có đến 12 con số 0.
[2] Bảy chúng: Tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, sa-di, sa-di-ni, thức-xoa-ma-na (học pháp nữ),
ưu-bà-tắc, ưu-bà-di.
[3] Sáu điều suy (lục suy) chính là lục trần (Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp). Do sáu trần này dễ khiến vọng tâm sanh khởi, mê muội chân tánh, nên cũng gọi là Lục Suy.
ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH KHOA CHÚ