ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH KHOA CHÚ
Đường Tam Tạng sa-môn Thật Xoa Nan Đà dịch
Cổ Diêm Khuông Am Thanh Liên bật-sô Linh Thừa soạn
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
3.1.2.2.2.2.2.2. Nhất thiết thần chúng (hết thảy các vị thần)
(Kinh) Phục hữu tha phương quốc độ cập Sa Bà thế giới, hải thần, giang thần, hà thần.
(經)復有他方國土及娑婆世界,海神,江神,河神。
(Kinh: Lại có các quốc độ ở phương khác và thế giới Sa Bà, thần biển, thần sông cái, thần sông nhỏ).
Những vị thần này đều có chức trách, hoặc do nghiệp mà thật sự sanh [làm thần], hoặc do hóa độ mà quyền biến thị hiện. [Thần cai quản] biển, sông cái, sông con đều là thủy thần. Tích khí Âm làm nước, bốc lên trời thành sương, móc, ở dưới đất là sông ngòi. Đại Luận nói: “Trong hết thảy các vật, nước là lớn nhất. Do trên, dưới, bốn bên của đại địa, không chỗ nào chẳng có nước. Nếu hộ thế thiên vương chẳng hạn chế lượng mưa của trời, rồng, lại chẳng có tiêu thủy châu thì trời đất đều bị chìm ngập! Lại do nước làm nhân duyên, những loài chúng sanh và chẳng phải chúng sanh trong thế gian đều được sanh trưởng. Vì thế, nước là lớn nhất”. Nhưng biển là vua của trăm hang hốc; cho nên nói tới biển trước.
“Hải” là hối (晦, tối tăm), chủ yếu là nhận lãnh những thứ uế trược, nên nước đen như bóng tối. Vì thế, Tôn Khanh Tử nói: “Chẳng chứa các dòng nước nhỏ nhặt, sẽ không có gì để tạo thành biển”. Nếu chỉ xét theo tứ thiên hạ này, Sa Kiệt La (Sāgara) trong tiếng Phạn, được phương này dịch là Hàm Hải (鹹海, biển mặn), bốn châu đều ở trong ấy. Vì thế, sách Bác Vật Chí[1] viết: “Trời đất bốn phương, nước biển đều tương thông, đất ở trong ấy. Nhung, Man, Di, Địch[2] hình loại khác nhau”. Nói tổng quát là “tứ hải”. Thần biển là Hải Nhược (海若). Sách Sơn Hải Kinh nói: “Vị thần ở hang Triêu Dương tên là Thiên Ngô, là thủy thần. Ông ta thuộc loài thú, mười tám đuôi, tám đầu, tám mặt, tám chân”. Trang Tử nói: “Ba Thần, tức là thần của sóng to, tên là Dương Hầu, thần sóng nhỏ tên là Linh Tư”.
“Giang thần”: Giang (江) là công (公, chung), [ngụ ý] dòng nước đổ vào sông sẽ thành của chung. [Giang] còn được giải thích là Cống (貢, dâng cống), [ý nói] những vật quý sanh từ sông có thể dùng để hiến tặng, dâng lên. Dưới đây, chỉ nói theo cõi Chấn Đán (Trung Hoa). Xét ra, các sách Thủy Kinh Chú và Kinh Châu Ký nói: “Trường Giang (sông Dương Tử) từ Mân Sơn chảy ra, nguồn sông giống như miệng vò, có thể là chỗ phát nguyên của nó”. Sách Châu Quan viết: “Sông [Trường Giang] ở Dương Châu gồm ba con sông”. Phần Địa Lý Chí của sách Hán Thư chú thích như sau: “Mân giang (chi lưu bên bờ trái của Trường Giang) là sông lớn. Cửu giang là sông vừa. Từ Lăng là Bắc Giang. Ấy là từ một nguồn mà thành ba chi lưu”. Ở các địa phương, khó khảo cứu tên của vị thần này. Ở phương này (Trung Hoa), các vị như Khuất Nguyên, Tiền Liêu, Hoắc Quang v.v… đều là những vị thần sông nhỏ.
“Hà thần”: Hà (河) là hạ (下), ý nói: Theo thế đất mà chảy xuống. Hà thần là thủy thần. Trên là ứng với Thiên Hán (Ngân Hà), Hoàng Hà cùng với ba con sông Trường Giang, Hoài, và Tế hợp thành Tứ Độc (四瀆); chúng còn được gọi là Hà Tông, tức là bốn con sông lớn chánh yếu. Theo Thủy Kinh Chú, [các con sông ấy] bắt nguồn từ vùng đồi núi Côn Luân. Theo Tây Vực Ký: “Trong cuộc đất của Thiệm Bộ Châu, tại phía Bắc ao A Na Bà Đáp Đa (Anavatapta, dịch sang tiếng Hán là Vô Nhiệt Não), nơi cửa khẩu Sư Tử bằng pha lê, chảy ra sông Tỷ Đa (Sītā), cuộn quanh ao một vòng, chảy vào biển Đông Bắc. Hoặc là nói nó chảy ngầm dưới đất rồi chảy ra Tích Thạch Sơn, tức là dòng sông Tỷ Đa, là khởi nguồn của các con sông tại Trung Hoa”. Sách Phật Tổ Thống Kỷ dùng thuyết này; nhưng sách Vũ Cống Quảng Lãm nói: “Tích Thạch Sơn không phải là đầu nguồn, nó là chỗ sông bắt đầu chảy trên mặt đất, cho nên nói sông bắt nguồn từ Tích Thạch, hoặc nói là sông chảy từ Tích Thạch”. Bài tựa cho bộ Hưng Khởi Hạnh Kinh lại viết: “Núi Côn Luân ở chính giữa cuộc đất của Diêm Phù Lợi (Diêm Phù Đề), suối lớn A Nậu, phía ngoài được núi Thiết Vi vây quanh, đất trong núi bằng phẳng, suối nằm nơi đó, con sông từ cửa Tượng Khẩu chảy ra chính là Hoàng Hà”. Vì thế, sách Vũ Cống Quảng Lãm nói: “Sông phát xuất từ núi Côn Luân, Hoàng Hà chảy theo hướng Tây Nam (Hoàng Hà có nhiều mạch ngầm, nói sông tưới tắm theo hướng Tây Nam là nói về dòng chảy có thể trông thấy [trên mặt đất])”. Tôi do thuyết này, bên cạnh bản đồ chung [của cả Trung Hoa], bèn ghi chú ba chữ “Hoàng Hà nguyên” (nguồn sông Hoàng Hà).
Từ phía Nam của ao [Vô Nhiệt Não], theo cửa Tượng Khẩu bằng chất vàng, chảy ra sông Tín Độ (Sindhu), đổ vào biển Tây Nam, do phù hợp với chuyện tưới tắm vùng Tây Nam; cho nên [đoạn văn này] phải là nói về chỗ bắt nguồn của Hoàng Hà. Thần tên là Mật Phi (theo Trường A Hàm, do duyên cớ nào mà có sông ngòi? Do mặt trời và mặt trăng có sức nóng, do hơi nóng mà [nước] bị nung nấu. Do bị nung nấu bèn có hơi nước. Do hơi nước mà tạo ra sông ngòi).
(Kinh) Thụ thần, sơn thần, địa thần.
(經)樹神,山神,地神。
(Kinh: Thần cây, thần núi, thần đất).
“Thụ thần”: “Thụ” (樹) là tên gọi chung của cây cối. Tăng Kỳ Luật chép: “Phật ngôn: – Tả hữu hữu thụ mộc dữ nhân đẳng giả, tiện vi tháp miếu. Thị cố thần kỳ nhạo lai y chỉ” (Đức Phật nói: – Chung quanh chỗ ở mà có cây cối cao bằng thân người thì được coi là tháp miếu. Vì thế, thần kỳ thích đến đó nương gá). Tứ Phần Luật cũng không cho phép chặt cây cối được coi là chỗ ở của thần. Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ nói: “Đại thụ, Dạ Xoa, La Sát chi sở y chỉ, y thụ thọ lạc. Vô thụ tắc khổ. Nhược trì giới nhân, khuyến bất chước phạt, mạng chung sanh Hoan Lạc Thiên, dữ thiên nữ hoan lạc. Tùng thiên mạng chung, nhược đắc nhân thân, an ổn, cự phú” (Cây to là chỗ nương ở của Dạ Xoa hoặc La Sát. Họ nương vào cây mà hưởng vui, không có cây sẽ khổ sở. Nếu là người trì giới, khuyên lơn đừng đốn, chặt, sau khi mất, sẽ sanh về cõi trời Hoan Lạc, cùng thiên nữ hoan lạc. Khi tuổi thọ trong cõi trời đã hết, nếu được làm thân người, sẽ an ổn, giàu to). Phải nên tôn xưng vị thần cây [đứng đầu] Diêm Phù Đề là thần của thụ vương ở Nam Châu vậy.
“Sơn thần”: Chữ Thế La (Śaila) trong tiếng Phạn, dịch sang tiếng Hán là Sơn (núi). Sách Dật Nhã[3] giải thích Sơn là Sản (產, sanh ra), còn Thuyết Văn Giải Tự giảng Sơn là Tuyên (宣), [đều có nghĩa là] “tuyên khí” (dương khí) sanh ra muôn vật. Ngũ Nhạc[4] trấn giữ cõi đất, sách vở của Trung Hoa cố nhiên nói cặn kẽ. Bảy rặng núi vàng bao quanh [Tu Di], sách vở xứ Thiên Trúc có nói tường tận. Loại thần này được gọi tên theo núi. Thần núi Kỳ Xà Quật tên là Tỳ La.
“Địa thần”: Địa là đáy. Do bản thể của đất là ở dưới đáy, chuyên chở muôn vật. [Địa] còn có nghĩa là Đế (諦, chân thật). Sanh ra năm cõi, không ai chẳng tin chắc thật. Thần đất được gọi là Kỳ (祗, [hàm nghĩa] an ổn, to lớn), còn gọi là Hậu Thổ (后土)[5]. Vị thần đất làm chủ cõi Diêm Phù tên là Kiên Lao (堅牢).
(Kinh) Xuyên trạch thần, miêu giá thần.
(經)川澤神,苗稼神。
(Kinh: Thần sông chằm, thần lúa mạ).
“Xuyên trạch thần”: [Xuyên trạch] là chỗ nước nhỏ. Xuyên (川) là xuyên qua; [hàm ý sông rạch] chảy xuyên qua đất. Tây Chinh Ký chép: “Vì thế, Tam Xuyên của đất Tần (Thiểm Tây) chính là nói tới các con sông Hoàng Hà, Lạc, và Y”. Chỗ nước đọng tràn trề là Trạch (澤, cái chằm). Người ở Duyện Châu (nay là Tế Ninh thuộc tỉnh Sơn Đông) gọi Trạch là Chưởng (掌, bàn tay), vì nước dồn tụ giống như bàn tay. Chữ Trạch còn được giảng là Nhuận (潤), vì nhuần thấm vạn vật không gì hơn được nước! Loại thần này đều thuận theo tên của Xuyên hay Trạch mà đặt tên.
“Miêu giá thần”: Sách Thuyết Văn Giải Tự giảng [Miêu (苗) là]: “Cỏ mọc trên ruộng”. Thương Hiệt giảng [Miêu là]: “Lúa còn chưa trưởng thành”. Sách [Lạc Hà] Tinh Uẩn biện định [Miêu là]: “Lúa mới sanh”; ý nói: Lúa mới trổ một nửa, đem cấy xuống đồng (gieo mạ). Xưa kia giảng Miêu là Thảo, sai mất rồi! Phàm những thứ thảo mộc gây hại cho ngũ cốc, [nông dân] bèn gọi là Thảo, nhổ trừ còn sợ chẳng kịp. Coi Miêu là Thảo, rất có hại cho ý nghĩa. Hơn nữa, gieo trồng là Giá (稼), thâu hoạch là Sắc (穡). Nêu lên từ ngữ Miêu Giá tức là trăm loài ngũ cốc đều gồm thâu. Vị thần [Miêu Giá] trong cõi này phải là Hậu Tắc (后稷)[6], tức là vị tổ dạy dân trồng trọt, gặt hái vậy.
(Kinh) Trú thần, dạ thần.
(經)晝神,夜神。
(Kinh: Thần ban ngày, thần ban đêm).
“Trú thần, dạ thần”: Trú (晝) là chánh ngọ. Thánh nhân ước định trời, dùng Tý, Ngọ, Mão, Dậu để hạn định. Thánh nhân đo lường đất, dùng Đông, Tây, Nam, Bắc để định. Ngày và đêm giáp ranh nhau, sáng và tối giáp ranh nhau. [Thoạt đầu], chữ Trú được viết là Trứu (𣅯), hàm nghĩa [mặt trời] sáng rực giữa bầu trời, [tức là chữ Nhật (日) được bọc] trong chữ Khẩu (囗), nhằm chỉ rõ trên, dưới, trái, phải; giới hạn của chữ Trú tự sáng tỏ. Đời sau thêm vào chữ Duật (聿), ý nghĩa [của chữ Trú] đâm ra vòng vèo, tối tăm. Loại thần này (như trong phẩm Thế Chủ Diệu Nghiêm của kinh Hoa Nghiêm có nói) khi mặt trời đã lặn, một ngày đã kết thúc, trong tối tăm làm sao mắt thấy được, phải nhờ vào công năng của đèn lửa hay ánh trăng [để thấy]. [Chữ Dạ thời cổ] gồm chữ Nhân (人), ý nói nhà cửa, ghép với Hỏa (火, lửa), ánh sáng nho nhỏ để chiếu trong nhà. Ghép thêm chữ Nguyệt (月), [hàm ý] sáng bừng. Ánh sáng ấy [từ đèn, lửa] chiếu hắt ra từ trong nhà, tức là đêm đã bắt đầu. Cõi đất coi giờ Tý là đúng giữa đêm, bầu trời một màu đen kịt. Ban ngày thì hết sức thông thuận, ban đêm thì luôn tĩnh lặng; đấy chính là thiên đức chuyển vận vậy. Loại thần này thì như [trong kinh phẩm Nhập Pháp Giới của kinh Hoa Nghiêm có nói] Thiện Tài tham học với các vị như Chủ Dạ Thần Bà San Bà Diễn Để (Vasanta-vayanti) v.v… có tất cả chín vị.
(Kinh) Không thần, thiên thần.
(經)空神,天神。
(Kinh: Thần hư không, thiên thần).
“Không thần”: Kinh Niết Bàn nói: “Vật thể chất ngại, không tánh hư thông” (Bản thể của vật là do có sắc chất ngăn ngại, tánh Không thì rỗng rang, thông suốt). Tiểu Thừa coi “sáng, tối” là Thể, Đại Thừa coi “hiển sắc của hư không” là Thể. Vị thần này có tên là Thuấn Nhã Đa (Śūnyatā). Duyện Sớ nói: “Chưa thấy chú giải cặn kẽ, nhưng đáng phải nên là vị thần chưởng quản hư không, nhưng [vị thần này] không có thân thô tướng; tuy vậy, cũng có sắc thân vi diệu. Vì thế, cũng tạm hiện thân trong quang minh của Như Lai”.
“Thiên thần”: Thiên là “hiển nhiên, cao vời, rạng rỡ”. Lại còn là “bình thản, thản nhiên, cao, xa”. Sách Ngũ Kinh Thông Nghĩa viết: “Vị thần lớn nhất là Hạo Thiên Thượng Đế (tức là diệu phách bảo, còn gọi là Thiên Hoàng Đại Đế, cũng gọi là Thái Nhất). Bầy tôi của Ngài là Ngũ Đế (Đông phương Thanh Đế Linh Oai Ngưỡng, Nam phương Xích Đế Xích Tiêu Nộ, Tây phương Bạch Đế Bạch Chiêu Cự, Bắc phương Hắc Đế Diệp Quang Kỷ, Trung Ương Hoàng Đế Hàm Xu Nữu)”.
(Kinh) Ẩm thực thần, thảo mộc thần.
(經)飲食神,草木神。
(Kinh: Thần ẩm thực, thần cây cỏ).
“Ẩm thực thần”: Ẩm (飲) là yểm (奄), [tức là] dùng miệng nuốt xuống họng. Thực (食) là thực (殖, trồng trọt); do nó có sự sanh trưởng. Vì thế, Phật Địa Luận nói: “Gìn giữ gọi là Thực, ý nói là [do ăn uống] có thể duy trì sắc thân, trưởng dưỡng thiện pháp. Thân nương vào ăn uống mà duy trì, mạng nhờ vào ăn uống để tồn tại”. Vị thần này chính là Táo Quân Hoàng Đế.
“Thảo mộc thần”: Thảo (艸) là thứ thực vật yếu ớt, dễ mọc, nhưng rễ chẳng vững. Mùa Đông chết sạch. Vì thế, chỉ dường như là thân, lá sanh trưởng um tùm, nhưng chẳng bén rễ chắc chắn. Mộc là do khí sanh trưởng mà phát sanh, có phẩm đức là Nhân, ở giữa thì là thân cây ngay thẳng, dưới thì thể hiện cội rễ sâu chắc, phía trên thì cành tỏa xòe ra. Hễ thảo mộc tăng trưởng tươi tốt, ắt sẽ có quỷ thần nương gá; nhưng ắt phải tôn vị thần cỏ Nhẫn Nhục ở Tuyết Sơn và vị thần cây Bồ Đề làm tông chủ.
(Kinh) Như thị đẳng thần, giai lai tập hội.
(經)如是等神,皆來集會。
(Kinh: Các vị thần như thế đều cùng nhóm đến).
Những vị thần được kể ra trên đây đều là nêu tên chung. Số lượng các vị thần trong ấy tính ra đã nhiều như cát sông Hằng; huống hồ còn có [các vị thần chưởng quản] gió, lửa, sấm, chớp, thuyền, xe, nhà cửa, quần áo, các món đồ đạc, cầu, đình, cổ miếu, cổng làng, cửa thôn, đồi, gò… Vì thế nói là “như thị đẳng” (giống như thế đó). Không có ai chẳng do trông thấy mây quang minh, thích nghe mưa pháp, mà đều đến tụ tập tại đại hội chốn thiên cung.
3.1.2.2.2.2.2.3. Đại Quỷ Vương chúng (các vị đại Quỷ Vương)
(Kinh) Phục hữu tha phương quốc độ cập Sa Bà thế giới, chư đại Quỷ Vương.
(經)復有他方國土及娑婆世界,諸大鬼王。
(Kinh: Lại có các vị đại Quỷ Vương trong các quốc độ ở phương khác và thế giới Sa Bà).
Luận Tỳ Bà Sa nói: “Có oai đức thì là quý, không có oai đức thì là hèn. Lại nữa, kẻ làm vua thì là quý, kẻ bị sai sử thì là hèn”. Nay nói là “đại Quỷ Vương” tức là bậc cao quý có oai đức, giàu có, dư dật, đẹp đẽ, cơm áo tự nhiên, thân mặc áo trời, miệng xơi thức ăn cõi trời. Thân hình thường đẹp đẽ, thoải mái, cỡi ngựa, ngồi xe thong dong, mặc sức vui chơi, có khác gì chư thiên? Đấy là do đời trước đã hành bố thí to lớn, cho nên đạt được quả báo oai vệ. Lại do đời trước siểm khúc, chẳng thật, cho nên thọ thân trong quỷ đạo.
(Kinh) Sở vị: Ác Mục Quỷ Vương, Đạm Huyết Quỷ Vương,
Đạm Tinh Khí Quỷ Vương, Đạm Thai Noãn Quỷ Vương.
(經)所謂:惡目鬼王,噉血鬼王,噉精氣鬼王,噉胎卵鬼王。
(Kinh: Đó là Ác Mục Quỷ Vương, Đạm Huyết Quỷ Vương, Đạm Tinh Khí Quỷ Vương, Đạm Thai Noãn Quỷ Vương).
Ác Mục Quỷ Vương: Chữ Đát La (Tra) trong tiếng Phạn, phương này dịch là Mục (mắt), tức là đồng tử (瞳子, tròng mắt). Sự thần minh trong tâm được tỏ lộ nơi mắt. Thất khiếu là cửa ngõ của gan. Tròng mắt được trưởng dưỡng bởi thận, thận ngấm ngầm dưỡng thần. Mắt đẹp hay xấu là do lòng từ nhẫn trong tâm. Vị Quỷ Vương này do ôm lòng cứng cỏi, cố chấp, mắt toát ra vẻ hung ác. Kinh Diệu Tý nói: “Sân mục thị chi, nãi chí phá hoại thân mạng” (Giận dữ trừng mắt nhìn cho đến phá hoại thân mạng) là nói về ý này.
Đạm Huyết Quỷ Vương: Chánh Pháp Niệm Xứ Kinh gọi [Quỷ Vương] này là Thực Huyết Quỷ (食血鬼, quỷ ăn máu). Do sát sanh ăn thịt uống máu, chẳng thí cho vợ con, sẽ thọ thân quỷ này. Dùng máu bôi lên để cúng thì quỷ mới ăn được. Như đứa con nhỏ nhất của quỷ mẫu Ha Lợi (Hāriti) tên là Tất Lợi Diêm Ca La Dạ Xoa, do ác tâm thường uống máu con người. Kinh Thập Luân nói: “Thập tam triệu Dược Xoa, hằng đạm chư huyết nhục” (Mười ba triệu quỷ Dược Xoa (Dạ Xoa) thường ăn các máu thịt) là nói về loài quỷ này.
Đạm Tinh Khí Quỷ Vương: Tiếng Phạn là Tỳ Xá Xà (Piśāca), cõi này dịch là Đạm Tinh Khí (噉精氣, ăn nuốt tinh khí), tức là ăn nuốt tinh khí của con người và ngũ cốc, tức là Điên Quỷ (顛鬼, quỷ gây nên chứng điên cuồng). Kinh Nguyệt Tạng nói: “Địa tinh khí, chúng sanh tinh khí, chánh pháp thắng vị cam lộ tinh khí” (Tinh khí của đất, tinh khí của chúng sanh, tinh khí của cam lộ vị thù thắng chánh pháp) là nói tới điều này!
Đạm Thai Noãn Quỷ Vương: “Thai” là khởi đầu. Phụ nữ cấn nghén ba tháng, thai mới thành hình, nhưng hình thể vẫn chưa trọn vẹn. Chữ Thai (胎) là từ chữ Nguyệt (月) và Thai (台) ghép lại, hình thành âm đọc đó. Khi ấy, sanh khí chưa ổn định, hễ cảm điều tốt lành bèn là thiện, cảm điều ác bèn là ác. Cổ nhân có thuyết “thai giáo” (dạy con từ khi còn trong thai) nhằm bảo vệ thai trong khi còn hỗn độn [là vì lẽ này]. Noãn (trứng) ở đây phải hiểu là nhau thai (placenta). Như trứng gà trong cõi đời, khi lòng đỏ và lòng trắng chưa phân, giống như một khối hỗn độn. Sau khi trẻ được sanh ra, sẽ có vô số ác quỷ ăn nuốt nhau thai như trong phần sau [sẽ nói].
(Kinh) Hành Bệnh Quỷ Vương, Nhiếp Độc Quỷ Vương.
(經)行病鬼王,攝毒鬼王。
(Kinh: Hành Bệnh Quỷ Vương, Nhiếp Độc Quỷ Vương).
Hành Bệnh Quỷ Vương: Sứ giả gieo rắc ôn dịch, đều do Đông Nhạc Phủ Quân sai khiến, như loài Phú Đan Na (Pūtana) chuyên gây nhiệt bệnh trong nhân gian. Kinh Văn Thù Bảo Tạng Đà La Ni nói: “Ư hậu, Phật pháp diệt thời, ác pháp tăng trưởng, chủng chủng chư tai lưu hành ư thế. Ác quỷ hạ giáng, biến vi nữ thân, dữ chư chúng sanh tác chủng chủng chư tạp đẳng bệnh” (Sau này, lúc Phật pháp diệt, ác pháp tăng trưởng, đủ thứ tai ương lưu hành trong cõi đời. Ác quỷ giáng xuống, biến thành thân nữ, gây tạo các thứ bệnh cho chúng sanh) là nói đến chuyện này.
Nhiếp Độc Quỷ Vương: Như [quỷ vương] Di Lật Đầu Kiền Già Địa, cõi này dịch là Thiện Phẩm, chuyên về cổ độc, tức là đối với các thứ nọc rắn, các chất độc từ vàng, bạc v.v… vị này đều có thể thâu nhiếp. Quỷ vương này chính là A Tu Luân Vương (A Tu La vương). Đối với các loài độc khí của rồng, nếu con người cầu nguyện, vị này sẽ khiến cho nó chẳng ảnh hưởng đến con người. Vì thế, [danh hiệu của Ngài] là từ đức mà lập danh.
(Kinh) Từ Tâm Quỷ Vương, Phước Lợi Quỷ Vương, Đại Ái Kính Quỷ Vương.
(經)慈心鬼王,福利鬼王,大愛敬鬼王。
(Kinh: Từ Tâm Quỷ Vương, Phước Lợi Quỷ Vương, Đại Ái Kính Quỷ Vương).
Từ Tâm Quỷ Vương: Như A La Nan Đà, đời Lương dịch là Hoan Hỷ, Tô Nê Đát La (Sunetra), cõi này dịch là Diệu Mục, đều là những vị từ tâm quỷ vương, thường ban bố chuyện vui, niệm niệm yêu thương, che chở chúng sanh. Vì thế, họ được gọi bằng danh xưng đẹp đẽ ấy.
Phước Lợi Quỷ Vương: Phước đối lập với họa, lợi đối lập tổn. Vị quỷ vương này chuyên ban bố chuyện lợi ích cho con người, chẳng giáng tai họa, chẳng gây hao tổn. Kinh Quỷ Tử Mẫu nói: “Dục tùng Quỷ Tử Mẫu cầu nguyện giả, danh Phù Đà Ma Ni Bát, thiên thượng thiên hạ quỷ, tứ hải nội thuyền xa, trị sanh tài sản, giai thuộc kỳ chủ. Ma Ni Bát dữ Phật kết yếu thọ giới, hộ nhân tài vật. Cố hữu Phước Lợi chi danh” (Muốn cầu nguyện từ Quỷ Tử Mẫu, [hãy nên biết] vị ấy có tên là Phù Đà Ma Ni Bát. Quỷ ở trên trời, dưới đất, thuyền, xe trong bốn biển, tài sản để mưu sinh, đều do vị này làm chủ. Ma Ni Bát đã cam kết, thọ giới với Phật bảo vệ tài vật của con người. Vì thế, có danh xưng là Phước Lợi).
Đại Ái Kính Quỷ Vương: Ái chính là ái niệm (nghĩ nhớ, thương yêu); Kính tức kính trọng. Như kinh Diệu Tý đã nói: “Nhược hữu hành nhân tu thử pháp giả, bỉ nhất thiết thiên, Dược Xoa, trì minh đại tiên, nãi chí Ca Lâu La đẳng, nhược hữu kiến giả, cung kính, lễ bái, hiệp chưởng, tác ngôn: – Hy hữu! Hy hữu! Đại từ bi giả, mẫn niệm nhất thiết chư hữu tình đẳng”. (Nếu có hành nhân tu pháp này, thì hết thảy chư thiên, Dược Xoa, trì minh đại tiên, cho đến Ca Lâu La v.v… Nếu có ai trông thấy, [sẽ đều] cung kính, lễ bái, chắp tay thưa: “Hiếm có! Hiếm có! Đấng đại từ bi nghĩ thương hết thảy các hữu tình”). Vị thiện quỷ vương này cũng giống như thế, cho nên có danh xưng này.
(Kinh) Như thị đẳng Quỷ Vương, giai lai tập hội.
(經)如是等鬼王,皆來集會。
(Kinh: Các Quỷ Vương như thế đều đến nhóm hội).
Tiếp đó là tổng kết đại chúng đến nhóm hội. “Như thị đẳng” (Như thế đó): Đặt tên thiện ác bất đồng, hành hạnh Từ hay nhẫn sai khác, nhưng đều dùng thân quỷ đến nghe pháp. “Thừa cấp Giới hoãn” như sách Ma Ha Chỉ Quán đã nói là dùng thân tam đồ để thấy Phật, nghe kinh; hoặc như trong kinh Hoa Nghiêm và Niết Bàn, quỷ, thần, rồng, súc sanh đều dự vào đại chúng [nghe pháp]. Nhân quả hơn kém như thế, thăng trầm chẳng phải một, lẽ đâu cật vấn rằng chỉ giữ giới theo Lý là đã đắc đạo, cần gì phải giữ giới theo sự tướng? May mắn được làm trời người lãnh nhận đạo, lẽ nào đành chịu khổ vào tam đồ ư? Đấy chính là ý chỉ vì sao kinh lại liệt kê đại chúng vậy!
3.1.2.2.3. Vấn đáp thích nghi tự (phần Tựa hỏi đáp để giải trừ nỗi nghi)
3.1.2.2.3.1. Lược vấn đáp dĩ phát khởi (hỏi đáp đại lược để phát khởi)
3.1.2.2.3.1.1. Vấn đáp sở tập chúng số (hỏi đáp về số lượng đại chúng đã nhóm họp)
3.1.2.2.3.1.1.1. Như Lai dĩ chúng số vấn (Như Lai hỏi về số lượng đại chúng)
(Kinh) Nhĩ thời, Thích Ca Mâu Ni Phật cáo Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử Bồ Tát Ma Ha Tát: “Nhữ quán thị nhất thiết chư Phật, Bồ Tát, cập thiên, long, quỷ thần, thử thế giới, tha thế giới, thử quốc độ, tha quốc độ. Như thị kim lai tập hội đáo Đao Lợi Thiên giả, nhữ tri số phủ?”
(經)爾時,釋迦牟尼佛告文殊師利法王子菩薩摩訶薩:汝觀是一切諸佛菩薩,及天龍鬼神,此世界,他世界,此國土,他國土。如是今來集會到忉利天者,汝知數不?
(Kinh: Lúc bấy giờ, Thích Ca Mâu Ni Phật bảo Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử Bồ Tát Ma Ha Tát: “Ông quán hết thảy chư Phật, Bồ Tát, và trời, rồng, quỷ thần trong thế giới này, thế giới khác, quốc độ này, quốc độ khác, những vị như thế nay nhóm họp đến trời Đao Lợi, ông có biết số lượng hay không?”)
“Nhĩ thời” (Lúc bấy giờ) chính là lúc trời, rồng, quỷ thần đều nhóm đến. Đã là pháp hội nhân quả đầy nghẹt thiên cung, và phàm thánh xen lẫn, đại chúng hiện diện khi đó đều kinh ngạc, nghi hoặc, ai có thể nêu ra lời hỏi? Vì thế, đức Giác Hoàng bi tâm thương xót chúng sanh, mắt từ quán sát căn cơ, dõi mắt nhìn trọn khắp, ai có thể ứng đối với ta? Chỉ có ông Văn Thù này nổi tiếng đại trí đã lâu là có thể đối đáp về chuyện oai thần của đức Địa Tạng trong kiếp số nhiều như cát, cho nên đặc biệt bảo ban.
Phạn ngữ là Văn Thù Sư Lợi (Mañjuśrī), cõi này dịch là Diệu Đức, do Ngài đã thấy thấu suốt tam đức Phật tánh, chẳng dọc, chẳng ngang. Chữ Cưu Ma La Già (Kumāra-bhūta) trong tiếng Phạn, được cõi này dịch là Đồng Chân (童真, chân thật như trẻ thơ). Nội chứng chân thường, nhưng chẳng chấp trước, như trẻ thơ trong cõi đời tâm chẳng nhiễm ái, tức là danh hiệu Pháp Vương Tử vậy. Đại Luận nói: “Văn Thù Sư Lợi, Thập Lực, Tứ Vô Sở Úy v.v… đều trọn đủ Phật sự. Vì thế, trụ nơi địa vị Cưu Ma La Già (Đồng Chân)”. Ngài La Thập nói: “Diệu Đức thân dạo khắp nơi, chẳng biết Ngài sanh ở nơi đâu. Ngài lại đến dự vào địa vị Bổ Xứ thành Phật, cho nên gọi là Pháp Vương Tử”. Ngài Kinh Khê viết: “Hỏi: Kinh gọi ngài Văn Thù là Pháp Vương Tử, nhưng các vị Bồ Tát, có vị nào chẳng phải là Pháp Vương Tử? Đáp: Có hai nghĩa: Một là từ trong các vương tử, đề cao đức của ngài Văn Thù. Hai là trong các kinh, ngài Văn Thù là Thượng Thủ của các vị Bồ Tát. Vì thế gọi là Pháp Vương Tử”.
Nói “nhữ quán” (ông xem) chẳng phải là chuyện dễ dàng! Bởi lẽ, chẳng phải là do trí nhãn (mắt trí huệ) của Văn Thù Sư Lợi mà có thể quán được! Đấy chính là tiếng xưng hô hoan hỷ, thân mật vậy. Từ “nhất thiết chư Phật” (hết thảy chư Phật) trở đi, kết lại phần chánh báo trên đây. Từ chữ “thử thế giới” (thế giới này) kết lại phần y báo. “Như thị đẳng” kết lại phần số lượng đại chúng, hỏi ngài Văn Thù có thể biết hay không?
3.1.2.2.3.1.1.2. Văn Thù dĩ thần lực đáp (ngài Văn Thù dùng thần lực để đáp)
(Kinh) Văn Thù Sư Lợi bạch Phật ngôn: – Thế Tôn! Nhược dĩ ngã thần lực, thiên kiếp trắc độ, bất năng đắc tri!
(經)文殊師利白佛言:世尊!若以我神力,千劫測度,不能得知。
(Kinh: Văn Thù Sư Lợi bạch Phật rằng: – Bạch Thế Tôn! Nếu dùng thần lực của con để suy lường trong một ngàn kiếp, vẫn chẳng thể biết được).
Đại Luận quyển ba mươi ba chép: “Văn Thù Bồ Tát dùng hai loại sức thần thông, tức là quả báo thần thông và tu đắc thần thông (thần thông do tu được) để trụ trong ấy. Dùng sức phước đức phương tiện, sức quang minh thần túc v.v… các thứ nhân duyên để khơi mở, hóa độ chúng sanh”. Nay do vì lẽ nào mà [Ngài thưa] “dùng thần lực của con để suy lường trong một ngàn kiếp vẫn chẳng thể biết” vậy? Đại chúng vân tập khó biết nổi, chính là vì hiển thị thần lực khó thể nghĩ ngợi của đức Địa Tạng!
Hỏi: Thiên cung tuy to, vì sao có thể dung nạp đại chúng nhiều như thế? Đáp: Đức Phật và ngài Địa Tạng có thần lực chẳng thể nghĩ bàn, [lại còn] có sức phước nghiệp tự nhiên của chư thiên. Ví như cái thất rộng một trượng của ngài Duy Ma, chứa đựng [ba vạn hai ngàn] tòa sư tử có khó khăn chi? Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ nói: “Thí như nhất thất, nhiên ngũ bách đăng, quang minh bất tương bức bách. Chư thiên thủ trung, trí ngũ bách thiên, diệc phục như thị, bất trách, bất ngại” (Ví như trong một căn phòng, thắp năm trăm ngọn đèn, ánh sáng của chúng chẳng bức bách lẫn nhau. Trong tay chư thiên, đặt năm trăm vị trời cũng giống như thế, chẳng chật hẹp, chẳng ngăn ngại). Lại nói: “Bỉ Dạ Ma Thiên hoặc nhất bách, nhất thiên, cộng tụ tại nhất liên hoa tu đồng tọa, bất ải, bất trách, dĩ thiện nghiệp cố, tự nghiệp lực cố” (Các vị trời Dạ Ma kia hoặc số đến một trăm, hoặc một ngàn, cùng tụ họp, ngồi trên một cái tua nhụy hoa sen cũng chẳng hẹp, chẳng chật, là do sức thiện nghiệp và nghiệp lực của chính họ). Đại Trí Độ Luận nói: “Tầng trời thứ ba là Biến Tịnh Thiên, sáu mươi vị trời cùng ngồi trên đầu một cái kim để nghe pháp, chẳng trở ngại nhau”. Nghiệp lực của chư thiên còn như thế đó, huống hồ sức chẳng thể nghĩ bàn của Như Lai, hãy tự nên tin tưởng, ngưỡng mộ!
3.1.2.2.3.1.1.3. Thế Tôn dĩ Phật nhãn chứng (đức Thế Tôn dùng Phật nhãn xác chứng)
(Kinh) Phật cáo Văn Thù Sư Lợi: – Ngô dĩ Phật nhãn quán cố, do bất tận số.
(經)佛告文殊師利:吾以佛眼觀故,猶不盡數。
(Kinh: Đức Phật bảo ngài Văn Thù Sư Lợi: – Ta dùng Phật nhãn để quán mà còn chẳng thấy hết số lượng ấy).
Chữ Đa La (Tra) trong tiếng Phạn dịch sang tiếng Hán là Nhãn (mắt). Du Già Sư Địa Luận viết: “Nhiều lượt xem các sắc, xem xong lại bỏ. Vì thế gọi là Nhãn, tức là ý nghĩa chiếu chúc (soi tỏ)”. Kinh Lăng Nghiêm nói: “Nhãn tự bồ đào đóa” (Mắt như quả nho). Hoặc nói: “Như thu tuyền trì, hữu ngũ chủng: Nhục, thiên, huệ, pháp, Phật” (Như ao hoặc suối nước mùa Thu, có năm loại là nhục nhãn, thiên nhãn, huệ nhãn, pháp nhãn, và Phật nhãn). Đại Luận nói: “Phật nhãn không chuyện gì chẳng biết, không chuyện gì chẳng nghe, không chuyện gì chẳng thấy, trong hết thảy các pháp, Phật nhãn thường chiếu”. Nay nói “ta dùng Phật nhãn để quán vẫn chẳng thấy hết số đó” chính là đè thấp cái quả hòng đề cao cái nhân, hạ mình, đề cao người khác, càng tỏ rõ đại chúng được đức Địa Tạng hóa độ trùng trùng vô tận! Phật mà còn khó biết, huống hồ ngài Văn Thù, huống hồ những người khác ư?
3.1.2.2.3.1.2. Điểm thị năng độ bổn tôn (chỉ ra vị bổn tôn có thể hóa độ)
(Kinh) Thử giai thị Địa Tạng Bồ Tát, cửu viễn kiếp lai, dĩ độ, đương độ, vị độ, dĩ thành tựu, đương thành tựu, vị thành tựu.
(經)此皆是地藏菩薩,久遠劫來,已度,當度,未度,已成就,當成就,未成就。
(Kinh: Đấy đều là do Địa Tạng Bồ Tát từ bao kiếp lâu xa đến nay đã độ, đang độ, sẽ độ, đã thành tựu, đang thành tựu, sẽ thành tựu).
Chỉ ra Bồ Tát đã trải nhiều kiếp độ người vô lượng. “Độ” (度) là pháp, mà cũng là độ thoát. Chữ Tất Địa (Siddhi) trong tiếng Phạn, dịch sang tiếng Hán là Thành Tựu. Sách Dật Nhã viết: “Thành là hưng thịnh, Tựu là cao”. Chữ Tựu (就) do Kinh (京) và Vưu (尤) ghép lại, ý nói là chỗ người ưu tú, cao quý tụ tập. Nay xét theo Lễ Ký: “Thiên tử hiếu viết Tựu, tựu chi vi ngôn Thành dã. Thiên tử đức bị thiên hạ, trạch cập vạn vật, thỉ chung thành tựu, tắc kỳ thân hoạch an” (Lòng hiếu của thiên tử gọi là Tựu, thực hiện hạnh hiếu thì gọi là Thành. Đức của thiên tử trọn khắp thiên hạ, thấm nhuần muôn vật, thành tựu từ đầu đến cuối, cho nên thân được yên vui). Nay đức Địa Tạng dùng hiếu đạo xuất thế, khiến cho ai nấy vượt thoát sông sanh tử, thành đạo Niết Bàn, chuyển phàm nhập thánh, làm bậc cao nhân, lên nơi cao. Vì thế nói là “thành tựu”.
“Đã độ, đã thành tựu” chính là bất khả thuyết chư Phật trong mười phương thế giới.
“Đang độ, đang thành tựu” chính là bất khả thuyết chư Bồ Tát trong mười phương thế giới.
“Chưa độ, chưa thành tựu” chính là vô lượng ức trời, rồng, quỷ thần trong thế giới Sa Bà và mười phương quốc độ. Đó gọi là “chủng thục thoát tam, thời thời bất phế” (luôn luôn chẳng bỏ chuyện gieo thiện căn, khiến cho thiện căn chín muồi hòng thoát khỏi tam đồ). Do căn cơ có nhanh chóng hay chậm lụt mà độ có trước hay sau. Đại Luận nói: “Ví như rung cây để hái quả, quả chín sẽ rụng trước. Nếu quả nào chưa chín, [sẽ đợi cho nó chín] rồi mới rung cây sau. Lại như bắt cá, thả lưới lần trước không hết, giăng lưới lần sau sẽ bắt được”.
3.1.2.2.3.2. Quảng vấn đáp dĩ phát khởi (hỏi đáp rộng rãi để phát khởi)
3.1.2.2.3.2.1. Văn Thù thiết nghi vấn nhân địa (Văn Thù khởi nghi, hỏi về nhân địa của Địa Tạng Bồ Tát)
Hai chương này chính là chuyện trọng yếu trong việc tu hành, là
căn cội to lớn trong phép lợi sanh. Kinh Lăng Nghiêm nói: “Nhân địa bất chân, quả chiêu vu khúc” (Tu nhân chẳng chân thật, sẽ chuốc lấy cái quả cong quẹo). Vì thế, khởi đầu bèn hỏi ngay chuyện này, vì đó là đầu mối khẩn yếu.
Phần này chia thành hai:
– Nêu ra câu hỏi.
– Từ chữ “duy nguyện” trở đi, là xin Phật hãy nói hạnh nguyện.
3.1.2.2.3.2.1.1. Thiết từ hưng vấn (nêu ra câu hỏi)
3.1.2.2.3.2.1.1.1. Minh kỷ trí tín (nói rõ chính mình do trí huệ đã tin tưởng [sức thệ nguyện và sự nghiệp hóa độ của Địa Tạng Bồ Tát])
(Kinh) Văn Thù Sư Lợi bạch Phật ngôn: – Thế Tôn! Ngã dĩ quá khứ cửu tu thiện căn, chứng vô ngại trí, văn Phật sở ngôn, tức đương tín thọ.
(經)文殊師利白佛言:世尊!我已過去久修善根,證無礙智,聞佛所言,即當信受。
(Kinh: Văn Thù Sư Lợi bạch Phật rằng: – Bạch Thế Tôn! Con do trong quá khứ tu thiện căn đã lâu, chứng vô ngại trí, nghe lời Phật dạy, con liền tin nhận).
Cậy vào đức Văn Thù nêu lời hỏi là vì các vị tiểu Bồ Tát còn chưa trừ sạch nỗi sợ gian khổ, chẳng thể hỏi Phật. Chỉ có ngài Văn Thù biết rõ quyền biến, trí sáng xét soi, biết căn cơ, biết thời tiết, có thể khơi động, phát khởi, thành tựu lợi ích, như voi lớn bẻ cây khiến cho voi con được no bụng. Vì thế, đức Phật tán thán ngài Văn Thù rằng: “Ông nay thật sự là mẹ của ba đời Phật, hết thảy các Như Lai trong khi còn đang tu hành, đều từng được ông hướng dẫn mà phát khởi tín tâm ban đầu. Do nhân duyên ấy, những vị thành Chánh Giác trong mười phương quốc độ đều tôn Văn Thù là mẹ. Nhưng nay thân ông, do sức bổn nguyện mà hiện tướng Bồ Tát”. Đó là bằng chứng Ngài tu thiện căn đã lâu.
Vô Ngại Trí: Theo Phật Tánh Luận, trí có hai loại tướng:
– Một là vô trước (không chấp trước), tức là thấy chúng sanh giới tự tánh thanh tịnh, là như lý trí tướng.
– Hai là vô ngại, có thể quán thông đạt vô biên thế giới, là như lượng trí tướng.
Nay đã quán đại chúng vân tập, bèn dùng Vô Ngại Trí. Tam Tạng
pháp sư Huyền Trang đời Đường đã nói: “Quán Hữu mà chẳng trụ Hữu, quán Không mà chẳng trụ Không. Nghe danh mà chẳng bị mê hoặc bởi danh, thấy tướng mà chẳng thuận theo tướng. Tâm chẳng thể động, cảnh chẳng thể chuyển, động hay chuyển chẳng rối loạn lẽ chân được!” Có thể nói đó là vô ngại trí huệ. Bởi lẽ, ngài Văn Thù vốn là một vị cổ Phật, nay vì giúp đỡ [đức Phật] tuyên dương pháp hóa, liền quyền biến thị hiện hình hài đồng tử (bé trai). Vì thế, đức Phật nói ra chuyện độ sanh của ngài Địa Tạng, lẽ đâu Văn Thù Bồ Tát chẳng ngưỡng mộ, tin chắc, tự nhiên thông đạt vô ngại?
3.1.2.2.3.2.1.1.2. Cử chúng nghi báng (nêu ra sự nghi hoặc, gièm báng của đại chúng)
(Kinh) Tiểu quả Thanh Văn, thiên long bát bộ, cập vị lai thế chư chúng sanh đẳng, tuy văn Như Lai thành thật chi ngữ, tất hoài nghi hoặc. Thiết sử đảnh thọ, vị miễn hưng báng.
(經)小果聲聞,天龍八部,及未來世諸眾生等,雖聞如來誠實之語,必懷疑惑。設使頂受,未免興謗。
(Kinh: Tiểu quả Thanh Văn, trời rồng tám bộ, và các chúng sanh trong đời vị lai, tuy nghe lời thành thật của Như Lai, ắt ôm lòng ngờ vực. Dẫu có vâng nhận, chưa khỏi dấy lòng báng bổ).
Trước hết, nêu ra những căn cơ hoài nghi, phỉ báng; kế đó, nêu ra ý dấy lòng phỉ báng. Ấy là do Tiểu Quả chỉ nghe Tứ Đế và Thập Nhị Nhân Duyên, kẻ huệ cạn giống như vết chân trâu, kẻ căn hẹp há biết biển thẳm! Trời rồng tám bộ, tạp loại, hạ cơ (căn cơ bậc hạ), Thừa lẫn Giới đều thiếu vận dụng, mong chi họ biết sâu xa đại đạo? Chúng sanh đời vị lai thì chí tánh chẳng kiên cố, nghiệp chướng buộc ràng khó thoát, há biết suy lường oai thần? Vì thế biết là ba loại người ấy tuy nghe lời thành thật của đức Như Lai, ắt sẽ ôm lòng hồ nghi, rối ren, mê hoặc! Nói ngược lại, thì tuy là [tỏ vẻ vâng nhận lời Phật dạy] như thế, chuyện có đúng như vậy hay chăng? Bề ngoài tỏ vẻ kính cẩn nhận lãnh để hành trì, trong tâm ắt ngược ngạo sanh lòng gièm chê, phỉ báng. Nghi hoặc, phỉ báng là tội khiên nặng nề, ắt đọa vào A Tỳ! Vì thế, cần phải hỏi rõ nguyên do nơi nhân địa, xiển dương, phát khởi những chuyện thuộc về hạnh nguyện, thì mới khiến cho ba loại căn cơ nhất tâm tiếp nhận, chẳng đọa vào Xiển Đề, vĩnh viễn đạt đến Phật đạo.
3.1.2.2.3.2.1.2. Nguyện thuyết hạnh nguyện (xin đức Phật hãy nói hạnh nguyện của Địa Tạng Bồ Tát)
(Kinh) Duy nguyện Thế Tôn, quảng thuyết Địa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát nhân địa, tác hà hạnh, lập hà nguyện, nhi năng thành tựu bất tư nghị sự?
(經)唯願世尊,廣說地藏菩薩摩訶薩因地,作何行,立何願,而能成就不思議事?
(Kinh: Kính mong đức Thế Tôn nói rộng về nhân địa của Bồ Tát Ma Ha Tát, Ngài đã làm hạnh gì, đã lập nguyện gì mà có thể thành tựu chuyện chẳng thể nghĩ bàn?)
“Nhân” (因) có nghĩa là gieo trồng. “Địa” (地) biểu thị tự tâm. Do vốn sẵn có ba cái nhân là chủng tử của Phật tánh, do Liễu Nhân chưa từng phát tâm, Duyên Nhân chưa từng gia hạnh, cho nên tánh và duyên cùng được gọi là Chánh Nhân, tức là ba cái nhân nơi Lý tánh vậy. Nay hỏi: “Vị Địa Tạng Bồ Tát này thoạt đầu nơi nhân địa phát tâm, chẳng biết Ngài đã làm hạnh môn gì, lập nguyện niệm gì mà có thể thành tựu chuyện chẳng thể nghĩ bàn ấy?” Hai chữ Hà (何) [trong đoạn chánh kinh trên đây] là từ ngữ nghi vấn. Bởi lẽ, Bồ Tát trong tứ giáo, không ai chẳng tu hành phát nguyện.
Như ba giáo trước đều là hạnh nguyện Thiên, Quyền, đều thuộc nhân duyên sanh diệt. Nếu dùng cái tâm sanh diệt làm gốc để tu nhân, sao có thể thành tựu viên mãn tánh bất sanh diệt nơi quả địa cho được? Vì thế, xin hãy nói rộng cái nhân ấy, khiến cho hàng tiểu quả tin nhận, chẳng dấy tâm nghi ngờ, phỉ báng! [Hai chữ] “hạnh nguyện” đã được giải thích trong phần trước. Ắt phải hỏi cả hai điều là vì Nguyện có thể dẫn khởi, Hạnh là thực hiện. Nếu có Nguyện mà chẳng có Hạnh, Nguyện sẽ hư dối. Nếu có Hạnh nhưng thiếu Nguyện, Hạnh sẽ trơ trọi. Do có Nguyện cho nên Hạnh chẳng trơ trọi; do có Hạnh nên Nguyện chẳng rỗng tuếch! Nguyện và Hạnh giúp nhau, chứng quả càng nhanh chóng. Vì thế, phải hỏi cả hai!
3.1.2.2.3.2.2. Thế Tôn cử nhân đáp độ nhân (Thế Tôn nêu cái nhân để đáp về người hóa độ)
Phần này chia thành hai:
– Lược tán công đức (tán thán đại lược công đức).
– Quảng thuyết hạnh nguyện (nói cặn kẽ về đại nguyện).
3.1.2.2.3.2.2.1. Lược tán công đức (tán thán đại lược về công đức)
3.1.2.2.3.2.2.1.1. Minh đại tiểu quả vị công đức (nói rõ công đức nơi quả vị lớn, nhỏ)
3.1.2.2.3.2.2.1.1.1. Cử dụ (nêu thí dụ)
(Kinh) Phật cáo Văn Thù Sư Lợi: – Thí như tam thiên đại thiên thế giới, sở hữu thảo, mộc, tùng lâm, đạo, ma, trúc, vi, sơn thạch, vi trần, nhất vật nhất số, tác nhất Hằng hà. Nhất Hằng hà sa, nhất sa nhất giới. Nhất giới chi nội, nhất trần nhất kiếp. Nhất kiếp chi nội sở tích trần số, tận sung vi kiếp.
(經)佛告文殊師利:譬如三千大千世界,所有草木叢林,稻麻竹葦,山石微塵,一物一數,作一恆河。一恆河沙,一沙一界。一界之內,一塵一劫。一劫之內所積塵數,盡充為劫。
(Kinh: Đức Phật bảo ngài Văn Thù Sư Lợi: – Ví như trong tam thiên đại thiên thế giới, tất cả cỏ, cây, rừng rậm, lúa, mè, tre, lau, đá núi, vi trần, cứ coi mỗi vật là một con số, mỗi số coi như một sông Hằng. Đối với cát trong một sông Hằng, coi một hạt cát là một thế giới. Trong mỗi thế giới đó, coi một hạt bụi là một kiếp. Số lượng bụi tích tụ trong một kiếp đều được coi là kiếp hết cả).
Đại Luận viết: “Hỏi: Tam thiên đại thiên thế giới là như thế nào? Đáp: Nói phân biệt theo kinh Tạp A Hàm, một ngàn mặt trời, một ngàn mặt trăng, một ngàn Diêm Phù Đề, cho đến một ngàn Đại Phạm Thiên, được gọi là một tiểu thiên thế giới, tức là một Châu Lợi (chính là “tiểu thiên” trong tiếng Phạn). Coi một ngàn Châu Lợi thế giới là một đơn vị, đếm từ một tới một ngàn, thì gọi là nhị thiên trung thế giới. Coi nhị thiên trung thế giới là một đơn vị, đếm từ một đến một ngàn, gọi là tam thiên đại thiên thế giới. Một ngàn thế giới là tiểu thiên, nhị thiên là trung thiên, loại thứ ba là đại thiên, do một ngàn nhân lên một ngàn nhân với một ngàn, nên gọi là đại thiên. Do hai lượt [một ngàn] đã nhân với nhau, lại nhân lên một ngàn nữa, nên nói là Tam Thiên (ba lần một ngàn nhân với nhau), tức là đặt tên theo cách kết hợp. Trăm ức nhật nguyệt, cho đến trăm ức Đại Phạm Thiên, gọi là tam thiên đại thiên thế giới”. Đại thiên thế giới ở trong hư không, nước ở trên gió, đất ở trên nước, người ở trên đất. Các loài thảo mộc v.v… ở trên mặt đất.
“Tùng” (叢) là tụ tập. Cây cối tụ tập gọi là Lâm (林, rừng). “Đạo, ma, trúc, vi” (Lúa, mè, tre, lau): Thí dụ có hai loại, một là giả dụ; hai là dùng sự thật làm thí dụ. Ở đây là giả dụ. Do bốn thứ ấy sanh trưởng rậm rạp, chi chít, chủng loại lại nhiều, người ta lại thường thấy, dễ tin tưởng. Đá núi, vi trần cũng thế. Nay trong khá nhiều vật như thế, tùy ý lấy một vật coi là một số, coi đó là một sông Hằng. Vật đã là vô lượng, [số lượng] sông làm sao có thể cùng tận cho được? Đây là dùng vật để coi là sông, sông làm sao có thể cùng tận cho được? Lại từ số lượng cát trong một sông Hằng (có bản nói là “sông Hằng chứa đầy cát”), tùy ý lấy một hạt cát, coi đó là một thế giới. Cát đã khó thể cùng tận [số lượng], há [số lượng] thế giới có thể cùng tận ư? Đấy là dùng cát để đếm thế giới, thế giới chẳng thể cùng tận vậy! Lại trong mỗi thế giới thuộc số thế giới nhiều như cát ấy, tùy ý lấy một hạt bụi, coi đó là một kiếp. Số lượng bụi đã là khó biết, số lượng kiếp há tính lường nổi ư? Đấy là dùng số lượng bụi trong một thế giới để đếm kiếp, kiếp chẳng thể cùng tận! Nay lại từ số bụi tích tập trong một kiếp, coi hết số lượng ấy là kiếp. Thời gian trải qua đã lâu, số lượng bụi tích tụ rất nhiều. Dựa theo số kiếp nhiều như số bụi ấy, làm sao có thể tính nổi số lượng? Kiếp số chẳng thể nghĩ bàn! Tầng tầng ví dụ nêu tỏ như thế chính là vì để thấy Địa Tạng đại sĩ từ thuở ban đầu thệ nguyện phát tâm tới nay, dẫu bậc thầy về tính toán, hay học trò của các bậc thầy tính toán, đối với con số như trong thí dụ trên đây, cùng nhau mong dùng cái trí lanh lợi và tài khéo để tính toán, rốt cuộc vẫn chẳng thể biết nổi!
Ắt phải nêu ra Hằng hà [làm thí dụ] là vì sông Hằng có nhiều cát. Hơn nữa, nơi đức Phật sống, nơi Ngài du hành, đệ tử chính mắt thấy [sông Hằng]. Hơn nữa, sông Hằng lớn nhất trong bốn con sông [ở xứ Ấn], mọi người đều coi đó là con sông phước đức, cát tường, cho rằng “vào trong đó tắm gội, tội cấu đều tiêu trừ”. Do mọi người kính trọng, tôn thờ con sông ấy, đều cùng nhận biết. Lại do [người đời] thích đổi tên các con sông, nhưng sông Hằng đời đời chẳng đổi tên. Vì thế, lấy sông Hằng làm thí dụ. Hỏi: Số lượng cát trong sông Hằng là bao nhiêu? Đáp: Hết thảy tính toán đều chẳng thể biết, chỉ có Phật và Pháp Thân Bồ Tát có thể biết.
Chữ Kiếp Ba (Kalpa) trong tiếng Phạn, dịch sang tiếng Hán là Phân Biệt Thời Tiết, có tiểu kiếp, trung kiếp, đại kiếp khác nhau! Nay dựa theo đại kiếp để nói!
***
[1] Bác Vật Chí là bộ sách gồm mười quyển do Trương Hoa soạn vào đời Tấn ghi chép những kiến thức về núi, sông, địa lý, các loài chim, cá, côn trùng, thảo mộc, thần tiên, phương thuật, truyền thuyết lịch sử.
[2] Đây là cách gọi miệt thị của người Hán đối với các dân tộc sống chung quanh Trung Nguyên, Nhung (戎) là những sắc dân không phải người Hán sống ở phía Bắc Trung Hoa, Man (蠻) là các sắc dân ở phương Nam, Di (夷) ở phương Đông, Địch (狄) ở phương Tây.
[3] Dật Nhã là tên gọi khác của bộ sách Thích Danh do Lưu Hy biên soạn vào thời Đông Hán. Đây là tác phẩm thuộc loại Huấn Hỗ Học, chuyên giải thích ý nghĩa của các từ ngữ, cùng một thể loại với Thuyết Văn Giải Tự.
[4] Ngũ Nhạc là năm quả núi được coi là trấn giữ, phân định Trung Nguyên xưa, bao gồm:
– Đông Nhạc, tức Thái Sơn (còn gọi là Đại Sơn), thuộc thành phố Thái An, tỉnh Sơn Đông.
– Tây Nhạc, tức Hoa Sơn (còn gọi là Thái Hoa Sơn, Hoa Âm Sơn), thuộc tỉnh Thiểm Tây.
– Bắc Nhạc, tức Hằng Sơn (còn gọi là Đại Mậu Sơn, Thường Sơn), thuộc tỉnh Hà Bắc.
– Nam Nhạc, tức Hành Sơn (còn gọi Thiên Trụ Sơn, Hoắc Sơn, Hoàn Sơn, Tiềm Sơn), thuộc tỉnh An Huy.
– Trung Nhạc, tức Tung Sơn, thuộc tỉnh Hà Nam.
[5] Hậu Thổ là thần đất của Trung Hoa, cai quản tất cả các vị Địa Kỳ, Xã Tắc, Quốc Xã, Sơn Thần, Thành Hoàng, thần thổ địa các nơi. Đạo giáo phong tặng mỹ hiệu cho vị này là Thừa Thiên Hiệu Pháp Hậu Đức Quang Đại Hậu Thổ Địa Kỳ, được xếp ngang hàng với Ngọc Hoàng Đại Đế, Thiên Hoàng Đại Đế, Tử Vi Đại Đế, Trường Sanh Đại Đế, và Thanh Hoa Đại Đế, gọi chung là Lục Ngự. Tại Đài Loan, Hậu Thổ được đồng nhất với Địa Mẫu.
[6] Hậu Tắc họ Cơ tên Khí, người xứ Tắc Sơn (nay là huyện Tắc Sơn, thuộc Vận Thành, tỉnh Sơn Tây). Ông có tài trồng trọt, giữ chức y quan thời vua Nghiêu, được coi là người dạy dân trồng lúa mạch và lúa tẻ đầu tiên. Nhớ ơn, người đời sau tôn phong ông là thần bảo vệ mùa màng, và gọi ông là Hậu Tắc, Tắc Vương, Nông Tắc Đế Quân, Nông Tắc Thần v.v…
ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH KHOA CHÚ